24/10/23

Họa sĩ Đặng Trường Lưu - Nhà phê bình mỹ thuật

Đặng Trường Lưu nguyên là cán bộ cơ quan Chính trị Binh chủng Thông tin; Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Anh Lưu sinh năm 1946 tại Nam Định, năm 1952 gia đình tản cư vào Cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh tham gia lực lượng vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Thật là phấn khởi và trân trọng đối với tôi, vào một sáng giữa thu tiết trời còn oi nóng, Đặng Trường Lưu và vợ là chị Đỗ Minh Thu đã đến tận nhà tôi tặng cuốn sách “Mỹ thuật Việt Nam hôm nay, nhìn từ góc hẹp” do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành tháng 6/2023. Anh bảo: "tôi muốn gặp ông bạn đồng niên (là anh Soạn chồng tôi cũng sinh 1946, cùng họ Đặng) để uống chén rượu hàn huyên bạn già" và anh cho biết vì kinh phí xuất bản tự lo nên lần này chỉ dám in 200 cuốn để tặng bạn bè, người thân. Ngay Thư viện Binh chủng Thông tin anh chỉ tặng 2 cuốn để làm tư liệu sau này.

Cầm cuốn sách đẹp hơn 400 trang trên tay tôi chỉ dám hứa sẽ cố gắng đọc nghiêm túc chứ với tôi "Nhà báo bất đắc dĩ" của Binh chủng Thông tin vào những năm cuối của Thế kỷ XX, tôi không có kiến thức về hội họa mà chỉ đọc và cảm nhận những trang viết gan ruột của anh với nền mỹ thuật nước nhà.

Cuốn sách gồm 2 phần. Phần I chính là đầu đề của cuốn sách bao gồm 5 bài tham luận tại các hội thảo khoa học như: "Chặng đường 50 năm của một đề tài lớn" nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957-2007); "Cuộc hội quân của một đề tài lớn những vấn đề còn lại" là tham luận tại hội thảo khoa học "Mỹ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lương vũ trang nhân"... Và 16 bài phê bình, nhận xét, đóng góp ý kiến cho các mảng hội hoạ hay cảm nhận về "Một phòng tranh tươi tắn và ngẫm ngợi", "Lời giới thiệu triển lãm mỹ thuật Bộ đội Thông tin”, rồi hiến kế "Treo tranh ảnh trong nhà thế nào cho đẹp"...

Phần II anh tập trung giới thiệu: "Chân dung và lời bình từ những cuộc chơi bè bạn" của hơn 80 hoạ sỹ trong cả nước mà anh từng có dịp tiếp xúc, thân thiết. Các hoạ sỹ Nguyễn Cương, Phạm Ngọc Liệu, Xuân Hạnh, Lê Thân và nhiều hoạ sỹ khác của Binh chủng Thông tin là những người đã gắn bó chung lưng đấu cật cùng anh nhiều năm để sáng tác ra nhiều bức tranh đẹp trưng bày tại Bảo tàng Thông tin và các trung, lữ đoàn trong Binh chủng. Tác phẩm sơn mài khổ 1,5 m x 3,8 m "Những cô gái Thông tin" của Nguyễn Cương; "Trường Sơn năm ấy" của Phạm Ngọc Liệu... góp phần không nhỏ nâng vị thế số 1 của Binh chủng Thông tin so với các binh chủng bạn trong toàn quân.


Tác phẩm "Mỹ thuật Việt Nam hôm nay, nhìn từ góc hẹp" của tác giả Đặng Trường Lưu

Tuy không nhắc đến bản thân, song tôi biết anh Lưu có rất nhiều bức tranh, ký họa có giá trị được trưng bày, triển lãm, hội thảo tại bảo tàng và nhà truyền thống các đơn vị; các bức tranh sơn dầu: "A sầu năm 1967"; "Tháng ba năm ấy"... của anh đã được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật lớn.

Tác phẩm thơ, văn tuyển chọn "Dặm đường mưa nắng" của tác giả Đặng Trường Lưu

Khác với các hoạ sỹ cùng thời, cùng đi học trung cấp mỹ thuật tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; anh Lưu còn có năng khiếu "bẩm sinh" là làm thơ và viết văn. Sau những năm tháng phục vụ chiến đấu tại Trung đoàn Thông tin 132, anh được điều động về công tác tại Cơ quan Chính trị Binh chủng. Vừa công tác anh vẫn xin được đi đại học tại chức Khoa Văn thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) nhằm không ngừng nâng cao trình độ kiến thức phục vụ quân đội.

Còn nhớ, một trưa hè năm 2021, giữa lúc cả nước và Thủ đô Hà Nội đang gồng mình chống dịch COVID-19, các “vùng xanh” mọc lên như nấm trên các tuyến phố của Thủ đô; thế mà anh vẫn thuê xe ôm từ nhà anh đến nhà tôi quãng đường trên 20 km để tặng tôi cuốn sách "Dặm đường mưa nắng" dày gần 800 trang gồm các bài thơ, văn xuôi do anh tuyển chọn. Đáp lại, tôi đã giành nhiều thời gian đọc hết 94 bài thơ, trường ca và 41 bài văn bao gồm bút ký, truyện ký, ký sự...

Đọc thơ và văn của anh tôi cảm nhận vừa giản dị gần gũi thân thương, vừa hào hùng hừng hực khí thế của những người lính cụ Hồ trên đường ra trận; những tình cảm sâu nặng với Nghệ An quê Bác và là quê hương thứ hai của anh; hoặc những cảm hứng đời thường như "Lời ru của bố" nó lãng mạn mà đầy chất thơ...

Cảm ơn anh đã giúp tôi được sống lại với những tháng năm vui vẻ cùng nhau làm báo Binh chủng giữa thập niên 80 của Thế kỷ XX.

Đến nay, Đặng Trường Lưu đã trình làng và xuất bản 4 tập thơ: "Trời hửng", "Tiếng hát người ra đi", "Những cuộc hành quân", "Chim gù đất lạ". Truyện ký: "Chuyện ở bên sông"; tiểu thuyết "Huyền thoại bây giờ"; tiểu luận: "Xu hướng thoát thực của hội hoạ Việt Nam thế kỷ XX", "Mỹ thuật Việt Nam hôm nay nhìn từ góc độ hẹp".

Đã gần 80 tuổi, rời Binh chủng gần 40 năm, anh Lưu vẫn say sưa miệt mài với những trang viết, những bức vẽ sơn dầu được trang trí rất đẹp mắt tại tư gia và thường xuyên liên lạc với Cơ quan Tuyên huấn để đóng góp ý kiến cho các hoạ sĩ trẻ lớp sau. Tôi thầm cảm phục sức làm việc quên mình không ngừng nghỉ của anh. Trân trọng cảm ơn anh và chị Thu.

Nguyễn Thanh Hải - Chi hội Truyền thống Phòng KHQS

Đăng bởi Quang Hưng