29/4/24

Nghệ thuật tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Thông tin liên lạc (TTLL) đã huy động sức mạnh tổng hợp, anh dũng, mưu trí, chủ động, sáng tạo, bảo đảm TTLL cho Tổng Quân ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống.

Sẵn sàng hy sinh giữ vững mạch máu thông tin liên lạc

Sau khi nhận nhiệm vụ, ngày 17-1-1954, Cục TTLL chủ động tổ chức cơ quan thông tin chiến dịch (Ban ba) và phân đội thông tin trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, nắm vững tình hình mọi mặt, triển khai xây dựng kế hoạch TTLL. Các loại văn kiện tài liệu, quy ước tên sóng, mật ngữ vô tuyến điện được cơ quan thông tin chuẩn bị chu đáo trong giai đoạn chuẩn bị. Công tác huấn luyện bộ đội được quan tâm chu đáo. Khi Bộ chỉ huy chiến dịch thay đổi phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cơ quan thông tin chiến dịch đã nắm vững tình hình, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh, củng cố vững chắc hệ thống TTLL. Cùng với việc tổ chức thông tin vô tuyến điện bảo đảm cho Đại đoàn 308 tiến công sang Thượng Lào, cơ quan thông tin chỉ đạo 2 đại đội hữu tuyến điện triển khai đường dây từ Thẩm Púa về Sơn La và từ Sơn La về Yên Bái, bảo đảm liên lạc từ tiền tuyến về hậu phương.

Tại mặt trận, bộ đội vẫn được đọc báo, tạp chí do chiến sĩ quân bưu mang đến. Ảnh tư liệu

Chiến dịch Điện Biên Phủ có quy mô lớn, địa hình phức tạp, điều kiện tác chiến diễn ra liên tục, dài ngày. Mặt khác, do ở xa hậu phương, vận tải tiếp tế khó khăn, địch lại có ưu thế về hỏa lực pháo binh, không quân, đòi hỏi công tác lãnh đạo tư tưởng phải nhạy bén, kịp thời và liên tục. Vì vậy, cơ quan thông tin và các đơn vị thông tin luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ không sợ gian khổ, hy sinh, xây dựng quyết tâm bảo đảm TTLL thông suốt trong mọi tình huống.

Lực lượng TTLL đã triển khai gần 1.200km đường dây thông tin hữu tuyến điện trong điều kiện địa hình phức tạp. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện địch đánh phá rất ác liệt suốt ngày đêm vào các trọng điểm, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nhưng TTLL vẫn thông suốt. Tinh thần đó được tiếp tục phát huy trong đợt 1 của chiến dịch, khi Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tiến công cứ điểm 102, đường dây hữu tuyến điện Trung đoàn 141 tới Tiểu đoàn 11 bị pháo địch bắn đứt ngay khi bắt đầu nổ súng tiến công. Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ thông tin đã triển khai lực lượng, phương tiện khắc phục giữa bom đạn ác liệt của địch. Chỉ sau 40 phút, đường dây liên lạc được nối thông nhưng 12 đồng chí của đơn vị đã anh dũng hy sinh. Trong đợt 2 chiến dịch, khi Trung đoàn 102 tiến công cứ điểm đồi A1, địch dùng pháo binh chống cự quyết liệt, đường dây điện thoại giữa Trung đoàn với các mũi tiến công bị pháo kích địch bắn đứt nhiều lần, các chiến sĩ thông tin đã dũng cảm khắc phục để nối thông liên lạc dù hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và bị thương nặng.

Điển hình về nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cơ quan thông tin chiến dịch đã tập trung lực lượng, phương tiện và sự chỉ đạo cho nhiệm vụ chủ yếu, hướng tiến công chủ yếu của từng đợt chiến dịch và từng trận đánh then chốt. Khi các Đại đoàn 312, 308 đánh trận Him Lam, Độc Lập trong đợt 1, cơ quan thông tin đã tổ chức liên lạc với các đại đoàn bằng 2 đường dây hữu tuyến điện và đường vu hồi vững chắc. Tổ chức vô tuyến điện sóng ngắn liên lạc tay đôi chuyên trách, sử dụng cả liên lạc báo và thoại trên máy SCR-694, đồng thời tổ chức liên lạc vượt cấp xuống các trung đoàn. Các Đại đoàn 312, 308 cũng huy động toàn bộ số máy vô tuyến điện sóng cực ngắn hiện có để tổ chức mạng liên lạc thoại giữa các trung đoàn với các tiểu đoàn, các đại đội mũi nhọn trong suốt quá trình chiến đấu.

Chiến sĩ thông tin vận động báo tin chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu

Để chuẩn bị cho đợt 3 của chiến dịch, cơ quan thông tin chiến dịch huy động hầu như toàn bộ số điện đài để bảo đảm liên lạc; chỉ đạo các đơn vị thông tin kiểm tra, củng cố từng đoạn đường dây hữu tuyến điện và các máy vô tuyến điện từ bộ chỉ huy chiến dịch đến từng trận địa pháo và đài quan sát pháo binh. Cũng trong đợt 3 này, do tính chất quan trọng của trận đánh dứt điểm đồi A1, Đại đoàn 316 tăng cường cho Trung đoàn 174 một tiểu đội vô tuyến điện sóng cực ngắn để liên lạc với các tiểu đoàn, đại đội chủ yếu, kết hợp củng cố các đường dây hữu tuyến điện, đặc biệt là đường dây qua cửa mở, bảo đảm TTLL vững chắc cho chỉ huy trận đánh giành thắng lợi.

Cùng với việc tập trung bảo đảm TTLL cho chỉ huy tác chiến, cơ quan thông tin luôn chú trọng bảo đảm TTLL cho hiệp đồng, triển khai các đường dây giữa các đại đoàn với nhau và giữa trung đoàn bộ binh với đơn vị pháo binh chi viện. Trong chiến dịch này, phương tiện vô tuyến điện của ta còn thiếu nên mạng vô tuyến điện ưu tiên để Bộ chỉ huy hiệp đồng với các chiến trường xa và nắm tình hình chung, còn trong phạm vi chiến dịch chủ yếu hiệp đồng bằng hữu tuyến điện.

Khó khăn lớn nhất của ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là xa hậu phương, trong khi nhu cầu về nhân lực, vật chất cho chiến dịch đều phải huy động từ hậu phương, do đó, việc tổ chức bảo đảm TTLL phục vụ chỉ huy hậu cần được Bộ chỉ huy chiến dịch rất coi trọng. Cơ quan thông tin đã tận dụng cơ sở vật chất, tổ chức hệ thống thông tin bằng nhiều phương tiện. Nhờ đó việc cung cấp đạn dược, lương thực, thực phẩm... ra tiền tuyến được kịp thời, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Đây là điển hình về nghệ thuật tổ chức, bảo đảm TTLL trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chỉ huy chặt chẽ, sử dụng lực lượng, phương tiện khoa học

So với các chiến dịch trước, công tác chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan thông tin Chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều tiến bộ, các chỉ thị, quy định về TTLL chặt chẽ, chỉ đạo sử dụng từng loại phương tiện được thống nhất. Cơ quan thông tin đã chủ động triển khai một số mặt công tác, nổi bật là công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch TTLL sát thực tế các tình huống chiến đấu; chỉ huy chặt chẽ, kịp thời.

Để bảo đảm TTLL cho giai đoạn 2 của chiến dịch, cán bộ thông tin các cấp tăng cường công tác kiểm tra nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo khắc phục những sai sót, động viên tinh thần dũng cảm, vượt khó, sẵn sàng hy sinh để giữ vững mạnh máu TTLL. Các đường dây hữu tuyến điện được triển khai đi theo đường hào giao thông của trận địa trên tất cả các hướng, có phương án vu hồi, dự phòng, bảo đảm cho mọi tình huống; bố trí lực lượng trực, bảo vệ và sẵn sàng khắc phục sự cố. Đến đợt 3 chiến dịch, cơ quan thông tin chỉ đạo các đơn vị thông tin tổ chức phân chia từng đoạn đường dây để kiểm tra và củng cố; các máy vô tuyến điện được chuẩn bị rất kỹ ở tất cả các cấp đến từng trận địa pháo và đài quan sát pháo binh; dự kiến đầy đủ các tình huống và có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo đảm TTLL thông suốt và vững chắc đến khi kết thúc chiến dịch.

Phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, tại đèo An Khê các chiến sĩ thông tin hữu tuyến điện luồn sâu trong rừng phục vụ chiến đấu tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của Pháp. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, cơ quan thông tin coi trọng các phương án tổ chức, sử dụng lực lượng, phương tiện thông tin để phát huy tối đa tính năng kỹ, chiến thuật các loại phương tiện thông tin hiện có, kết hợp chặt chẽ các phương tiện thông tin với nhau để bảo đảm liên lạc. Các đơn vị được trang bị số lượng lớn với nhiều loại phương tiện thông tin hơn các chiến dịch trước. Hệ thống thông tin Sở chỉ huy chiến dịch được tổ chức kết hợp 3 loại phương tiện chính là hữu tuyến điện, vô tuyến điện và thông tin chuyển đạt. Trong giai đoạn chuẩn bị chiến đấu, cơ quan thông tin xác định liên lạc hữu tuyến điện là phương tiện chủ yếu, vì vậy đã triển khai 2 đường dây hữu tuyến điện từ sở chỉ huy Mường Phăng đến Đại đoàn 316 và 312; các đường liên lạc với các đại đoàn đều có vu hồi qua trạm giữa, hoặc triển khai từ tổng đài đại đoàn này đến tổng đài đại đoàn khác, tạo thế vu hồi vững chắc. Đồng thời trên các tuyến hữu tuyến điện, bố trí các trạm bảo vệ kết hợp với các trạm thông tin chuyển đạt, vừa có tác dụng hỗ trợ nhau trong công tác, vừa tăng thêm tính vững chắc cho hệ thống thông tin.

Giữ bí mật là một trong những yếu tố quan trọng nhất của công tác tổ chức bảo đảm TTLL. Vì vậy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cơ quan thông tin chiến dịch và lực lượng thông tin các đơn vị luôn chú trọng công tác này. Trước khi bước vào chiến dịch, cơ quan thông tin quy định về sử dụng vô tuyến điện cho từng loại máy và từng đối tượng liên lạc; kết hợp với cơ quan tác chiến xây dựng bảng chữ đúc nghiệp vụ, chuẩn bị tài liệu, quy ước tên sóng, tổ chức học mật ngữ, mật danh, tiếng lóng và các quy định liên lạc chặt chẽ.

Khi bước vào đợt 2 chiến dịch, để giữ bí mật cho Bộ chỉ huy chiến dịch, đội vô tuyến điện được chia thành 2 bộ phận, một bộ phận gồm các điện đài liên lạc với hậu phương, với các chiến trường xa được đặt cách Sở chỉ huy chiến dịch 10km, liên lạc theo các hướng khác với hướng Điện Biên Phủ. Các đài này chỉ được làm việc khi liên lạc hữu tuyến điện bị gián đoạn. Để bảo đảm việc chuyển nhận điện giữa cơ yếu với thông tin, Đội vô tuyến điện 101 tổ chức liên lạc chuyển đạt 2 đầu, hẹn gặp nhau ở giữa đường giao nhận về cơ yếu và nhận điện chuyển cho các đơn vị. Nhờ biện pháp trên, từ cuối tháng 3 đến khi kết thúc chiến dịch, Sở chỉ huy chiến dịch không di chuyển, nhưng vẫn an toàn, không bị địch phát hiện.

Ngoài ra, nghi binh thông tin là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch nghi binh của chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi. Ngay sau khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 tiến quân sang Thượng Lào hướng về Luang Prabang, nhằm làm cho địch nhầm tưởng ta bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp còn chỉ thị cho một bộ phận mang theo một đài vô tuyến điện đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày 3 lần chuyển điện báo cáo để địch lầm tưởng Đại đoàn 308 đang quay về đồng bằng.

70 năm đã trôi qua nhưng nghệ thuật tổ chức bảo đảm TTLL trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Vũ Viết Hoàng (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc)

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn báo QĐND)


9/4/24

Công tác thông tin liên lạc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thông tin liên lạc trong các chiến dịch giữ vai trò rất quan trọng, quyết định sự thắng thua trong từng trận đánh. Công tác thông tin liên lạc đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Cùng với sự trưởng thành chung của quân đội, trang bị kỹ thuật của bộ đội thông tin liên lạc từ sau Chiến dịch Biên giới được tăng cường về số lượng và cải tiến về chất lượng, nhất là từ Liên khu V trở ra. Đối với bộ đội chủ lực, số lượng trang bị kỹ thuật thông tin nhìn chung được thống nhất ở các đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh.

Do chiến dịch diễn ra dài ngày, bộ đội ta lại trực tiếp tiếp xúc với địch, yêu cầu giữ bí mật cao, trang bị phương tiện vô tuyến điện chưa nhiều, nên hữu tuyến điện được xác định là phương tiện thông tin chính để bảo đảm liên lạc thông suốt từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch đến các đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội dao nhọn. Để khắc phục khó khăn về thiếu phương tiện, cơ quan thông tin chiến dịch đã tổ chức và động viên các đơn vị tìm kiếm thêm dây máy, tận dụng những đoạn đường dây trần bưu điện của thực dân Pháp xây dựng trước đây sửa chữa lại để bảo đảm liên lạc về hậu phương chiến dịch.

Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, cơ quan thông tin chiến dịch đã cho một đại đội hữu tuyến điện về khu vực Nà Sản địch vừa rút, đào gỡ những đường dây bọc mà địch đã chôn trước đây và những cuộn dây thép gai địch bỏ lại gỡ ra làm dây điện thoại, đồng thời liên hệ với chính quyền và nhân dân địa phương thu lại số dây mà nhân dân đã lấy được. Cơ quan thông tin chiến dịch còn chỉ đạo sát sao các đại đoàn thu dây thép gai của địch bỏ lại ở các cứ điểm, gỡ ra làm dây điện thoại để đặt các đường liên lạc về phía sau, giành dây bọc cho phía trước, phân công một cán bộ tham mưu chuyên trách theo dõi, hướng dẫn việc sử dụng dây thép gai để xây dựng các đường dây trần cho các đơn vị trong toàn mặt trận. Nhờ có các biện pháp tích cực đó, ta đã triển khai được một hệ thống thông tin hữu tuyến điện rộng khắp trên mặt trận bằng đủ các loại dây (dây bọc, dây sắt, dây đồng, dày thép gai) với chiều dài tổng cộng là 1.150km, làm nòng cốt cho hệ thống thông tin chiến dịch.

Máy vô tuyến điện mà chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi đã dùng phục vụ công tác liên lạc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954 Ảnh: baotanglichsu.vn

Để nâng cao tính vững chắc cho thông tin hữu tuyến điện, về mặt tổ chức từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch đến các đại đoàn, trong nhiều trường hợp đã đặt được hai đường dây, một đường liên lạc trực tiếp, một đường liên lạc qua trạm giữa hoặc qua tổng đài của một đại đoàn khác. Về mặt kỹ thuật đã vận dụng nhiều biện pháp để triển khai và bảo vệ các đường dây trong hào giao thông, phòng chống đạn pháo địch và bộ đội ta cơ động làm đứt như đào rãnh chôn dây ở vách hào, đặt dày ở dưới lòng hào và dùng những bó trúc tre phủ lên... Đối với một số đường trục, còn thực hiện phương pháp đặt hai dây, một đường ở vách hào, một đường đặt ở dưới lòng hào, nối liền với nhau theo kiểu đan vòng.

Vô tuyến điện cũng được xác định là một loại thông tin rất quan trọng trong chiến dịch. Ngoài tổ chức liên lạc điện báo từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch đến các đại đoàn, trung đoàn như đã làm trước đây, trong chiến dịch đã tổ chức các mạng liên lạc thoại bằng máy bộ đàm, đồng thời tích cực khai thác sử dụng phần thoại ở các điện đài liên lạc báo để dễ bảo đảm cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch liên lạc với các đại đoàn trong một số tình huống cần thiết. Trong rất nhiều trận đánh, khi hữu tuyến điện bị gián đoạn, đặc biệt là các trường hợp đường dây mắc qua cửa bị pháo binh địch bắn nát không thể khôi phục được, việc liên lạc giữa trong và ngoài cứ điểm chủ yếu bằng vô tuyến điện thoại, đã bảo đảm cho việc chỉ huy từ đại đoàn đến các trung đoàn, tiểu đoàn và các đại đội không bị gián đoạn.

Thông tin vận động cũng sử dụng rộng rãi và đã phát huy tác dụng rất tốt trong chỉ huy chiến đấu. Trong rất nhiều tình huống thông tin vận động đã thay thế hữu tuyến điện khi bị đứt để giữ liên lạc giữa trong và ngoài cứ điểm. Ở các đại đoàn còn có các tổ chức thông tin vận động kết hợp với các tổ bảo vệ và sửa chữa dây để thực hiện việc liên lạc chuyển tiếp khi đường dây bị đứt, đồng thời để hỗ trợ cho công tác sửa chữa đường dây.

Nhờ tổ chức và sử dụng các phương tiện thông tin được hợp lý, có nhiều biện pháp kỹ thuật để nâng cao tính vững chắc của từng loại phương tiện, nên đã phát huy được tốt tính năng, tác dụng của các phương tiện hiện có, trong điều kiện số lượng còn có hạn, yêu cầu chỉ huy cao và quân địch ra sức đánh phá. Việc sử dụng thoại trong liên lạc vô tuyến điện đó tăng thêm tính nhanh chóng của thông tin liên lạc, đặc biệt là trong các tình huống chiến đấu khẩn trương.

Trong tổ chức thông tin liên lạc, đã biết tập trung phương tiện vào nhiệm vụ bảo đảm cho chỉ huy và tập trung cho các đơn vị ở hướng chủ yếu, nhưng cũng không coi nhẹ các nhiệm vụ ở các hướng khác, do đó đã bảo đảm cho việc chỉ huy được toàn diện và có trọng điểm.

Trong trận mở đầu chiến dịch, cơ quan thông tin Đại đoàn 312 đã tập trung toàn bộ máy bộ đàm, tổ chức các mạng vô tuyến điện thoại cho các Trung đoàn 141 và 209 chỉ huy các tiểu đoàn, các Đại đội dao nhọn, pháo 75 mm và súng cối 120 mm. Nhờ đó trong chiến đấu khi các đường dây điện thoại bị phá hoại nặng hoặc không thể phát triển theo các tiểu đoàn, thì vô tuyến điện thoại đã kịp thời thay thế, phát huy tác dụng rất lớn để bảo đảm chỉ huy đánh bên trong cứ điểm. Trong đợt 3 chiến dịch, nhận thức được tầm quan trọng của trận đánh Đồi A1, cơ quan thông tin Đại đoàn 316 đã tăng cường cho Trung đoàn 174 một số phương tiện, đồng thời chỉ đạo việc tổ chức mạng vô tuyến điện thoại ở các tiểu đoàn liên lạc với đại đội, tiến hành củng cố các đường dây điện thoại từ đại đoàn đến trung đoàn và các tiểu đoàn, tạo điều kiện cho chỉ huy chiến đấu được thuận lợi.

Trong khi tập trung phương tiện để đảm bảo cho nhiệm vụ thông tin dùng để chỉ huy, đã chú trọng thích đáng đến việc tổ chức thông tin dùng cho hậu phương và cho hiệp đồng chiến đấu.

Trên tuyến hậu cần chiến dịch dài gần 400km từ Điện Biên Phủ đến Chợ Chu, cơ quan thông tin chiến dịch đã tập trung hai đại đội hữu tuyến điện xây dựng đường dây trần và sửa chữa những đoạn đường dây của bưu điện còn lại để bảo đảm cho cơ quan Tổng cục Cung cấp chỉ huy công tác hậu phương chiến dịch. Trên các trạm cung cấp bố trí ở dọc tuyến, còn tổ chức hệ thống thông tin vô tuyến điện bảo đảm cho việc chỉ huy được luôn thông suốt và vững chắc.

Tổ chức thông tin bảo đảm cho hiệp đồng chiến đấu cũng được coi trọng trong kế hoạch thông tin liên lạc chiến dịch. Theo chỉ lệnh thông tin của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, các đại đoàn đã thực hiện việc đặt đường dây điện thoại sang nhau, đặc biệt là khi quân ta tổ chức đánh lớn. Nhờ có thêm các đường dây đó, việc liên lạc bằng đường vòng với các đơn vị đã thực hiện được khá tốt trong một số tình huống khó khăn, khi các đường dây mắc trực tiếp bị pháo địch bắn hỏng, đồng thời liên kết được mạng lưới hữu tuyến điện của các đơn vị với nhau, hình thành nhiều lớp phía trước, phía sau để hỗ trợ cho nhau.

Ngoài nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến dịch, cơ quan thông tin chiến dịch còn tổ chức được điện đài theo dõi liên lạc vô tuyến điện của địch để phát hiện những sơ hở của ta mà địch thu thập được qua việc liên lạc vô tuyến, đồng thời để nắm thêm tình hình địch cung cấp cho cơ quan tham mưu chiến dịch đưa ra những kế hoạch tác chiến trong từng trận đánh. Nhờ đó, quân ta chiến đấu giảm bớt được tổn thất về người và của.

Các chiến sĩ thông tin liên lạc đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo trong mọi tình huống, tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc hợp lý và thông suốt trong cả quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Đảm bảo được sự chỉ huy thống nhất từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch đến các đơn vị trong toàn mặt trận và phối hợp với các chiến trường trong toàn quốc. Thông tin liên lạc đã báo cáo kịp thời tình hình địch, ta và bảo đảm chỉ huy chặt chẽ công tác hậu cần góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Trường An (lược trích)

1. Mấy vấn đề về Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985

2. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn báo QĐND)


3/4/24

Chiếc máy vô tuyến điện cùng Anh hùng Chu Văn Mùi lập công trên đồi A1

Trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có trưng bày một hiện vật của Bộ đội Thông tin liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là chiếc máy vô tuyến điện sóng cực ngắn BC-1000 của Anh hùng Chu Văn Mùi.

Những loại máy thông tin hữu tuyến và vô tuyến điện trang bị cho các đơn vị chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ hầu hết do Mỹ sản xuất, bộ đội ta thu được của địch trong các Chiến dịch Biên giới, Tây Bắc, Thượng Lào… và một số do Trung Quốc viện trợ. Với trang bị như trên, Bộ đội Thông tin liên lạc đã tổ chức được hệ thống thông tin thông suốt từ Bộ chỉ huy Chiến dịch đến các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm 4 yêu cầu “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”.

Anh hùng Chu Văn Mùi. Ảnh tư liệu

Đồng chí Chu Văn Mùi sinh năm 1929 tại thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tham gia du kích từ khi còn trẻ, đến năm 1949, đồng chí Mùi nhập ngũ, thuộc biên chế Đại đội thông tin 127, Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 12. Trước khi tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Mùi từng chiến đấu tại nhiều chiến dịch như Cao - Bắc - Lạng, Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào..., đồng thời từng trải qua nhiều vị trí công tác như chiến sĩ nuôi quân, chiến sĩ xung kích, pháo thủ. Năm 1952, ông tham gia lớp vô tuyến đầu tiên của Cục Thông tin liên lạc mở và trở về làm đài trưởng đài vô tuyến của đơn vị. Từ đây, ông đảm nhiệm vai trò của một người chiến sĩ thông tin ở đơn vị trong các trận đánh lớn.

Chiều muộn ngày 30-3-1954, quân ta tổ chức mở đợt tấn công giai đoạn 2 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Cùng với việc tiêu diệt sân bay Mường Thanh, dãy cao điểm phía Đông cũng là mục tiêu chính của đợt tấn công này. Nếu như tại các cao điểm khác, bộ đội ta nhanh chóng “mở cửa” và tiêu diệt lực lượng địch chỉ sau vài giờ chiến đấu thì tại cứ điểm đồi A1 lại xuất phát chậm hơn và vấp phải hỏa lực rất mạnh của địch.

Trong trận đánh đồi A1, đơn vị của đồng chí Chu Văn Mùi được lệnh tiếp nhận chiến đấu trên cao điểm A1 từ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 trong đêm ngày 31-3-1954. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Địch liên tiếp tăng viện nhiều xe tăng, lính dù, lính lê dương nhằm tiến hành nhiều cuộc phản công hòng chiếm lại các vị trí mà ta chiếm được trước đó.

Tối 31-3-1954, đơn vị chủ công của ta đánh trên đồi A1 bị thương vong; điện thoại, vô tuyến từ Đại đội trưởng đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn bị mất liên lạc. Chỉ huy Tiểu đoàn 38 giao đồng chí Chu Văn Mùi - khi đó là Tiểu đội trưởng, phụ trách 5 máy thông tin của đơn vị - cùng với tổ đội của mình phải nối lại đường dây liên lạc tại đồi A1. Sự có mặt của điện thanh lúc này là vô cùng quan trọng, bởi không có liên lạc thì không thể tổ chức trận đánh và đánh thắng được. Thông tin liên lạc thông suốt sẽ hướng dẫn các đơn vị pháo của ta hiệu chỉnh được mục tiêu, tiêu diệt địch, hỗ trợ quan trọng cho bộ binh.

Chiếc máy điện thanh BC-1000 của đồng chí Chu Văn Mùi sử dụng trong khi chiến đấu ở cứ điểm A1.

Bằng nghiệp vụ tinh anh, đồng chí Chu Văn Mùi sử dụng cách nói ám hiệu để pháo ta nhả đạn vào mục tiêu. Trong điều kiện chiến đấu khó khăn, vừa làm công tác thông tin liên lạc, vừa chiến đấu như một chiến sĩ cảm tử để bảo vệ trận địa, đồng chí Chu Văn Mùi đã nối thông đường liên lạc chỉ toạ độ cho các đơn vị pháo của ta bắn tan đội hình quân Pháp, ngăn chặn được nhiều đợt phản kích của địch.

Tuy nhiên, vì phải liên lạc nhiều, chiếc máy điện thanh BC-1000 gần hết pin khiến thông tin không được chuẩn xác. Đồng chí Chu Văn Mùi đã liều mình ra khỏi hầm, kéo dù hàng của địch được thả từ trên máy bay xuống. May mắn khi thu được một dù hàng trong đó có hộp pin có thể dùng được cho máy điện thanh. Sóng điện mạnh hơn hẳn, các đơn vị phía sau nghe rõ tín hiệu máy từ đồi A1. Nhưng cũng chính chi tiết này khiến chỉ huy của đồng chí Mùi nghi ngờ, vì sóng mạnh như vậy có thể từ đài địch chứ không thể từ phía ta. Sau nhiều lần kiểm tra bằng những ký hiệu, mật mã, thông tin nghiệp vụ chuyên môn, chỉ huy Đại đoàn 308 mới tin tưởng và tiếp tục chỉ huy đồng chí Mùi chiến đấu. Lúc ấy, đồng chí Mùi mới thở phào, yên tâm làm tiếp nhiệm vụ giữ vững trận địa.

Chiều 2-4-1954, đồng chí Chu Văn Mùi nhận lệnh phải gặp bằng được Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) Nguyễn Hùng Sinh để nối liên lạc. Lúc này, đồng chí Mùi sau 3 ngày đêm kiên cường bám trụ đã gần như kiệt sức. Không thức ăn, nước uống, bị cô lập với mặt trận phía sau, luôn chiến đấu căng thẳng, mệt mỏi, đồng chí Mùi phải uống nước giải của chính mình lấy thêm chút sức lực. Sau đó, đồng chí Mùi vác chiếc máy điện thanh nặng hơn 20kg của mình đi tìm chỉ huy bị thất lạc.

Sau nhiều giờ cơ động trên chiến trường, đồng chí Mùi tìm được đồng chí Sinh bị thương đang nằm trong hầm, đầu còn quấn đầy bông băng. Nhờ chiếc máy điện thanh đồng chí Mùi mang đến, đường dây liên lạc từ Trung đoàn trưởng đến Đại đoàn 308 được nối lại trên đồi A1. Mặc dù đang bị thương nhưng đồng chí Sinh cũng vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu, đánh lùi một đợt phản kích của địch, khôi phục được trận địa của ta.

Sau 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân ta còn nhiều khó khăn chưa giải quyết dứt điểm, trong khi địch rút hết quân tại các cứ điểm khác để dồn về cứu viện cho cứ điểm A1 bằng mọi giá. Đến sáng 3-4-1954, nhận mệnh lệnh của trên, Trung đoàn 102 bàn giao lại trận địa cho Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316, Quân khu 2), sau đó rút về Mường Phăng (nay là xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) củng cố lực lượng.

Ngay sau đó, khi biết được tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng chí Chu Văn Mùi, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định khen thưởng và công nhận Đảng viên chính thức trước thời hạn 5 tháng đối với đồng chí Mùi.

Ngày 31-8-1955, đồng chí Chu Văn Mùi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thời điểm đó, đồng chí Mùi đang là Trung đội trưởng Thông tin vô tuyến điện thuộc Trung đoàn 102, Đại đoàn 308.

Thanh Tâm

Lược trích:

- Ký sự: Đại đoàn - Sư đoàn Quân Tiên phong, Nxb QĐND, Hà Nội-2019, tr. 609-610.

- Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn).

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn báo QĐND)