27/12/20

Nếu không có thông tin tôi đã chết rồi...

Nhân dịp sắp đón xuân mới 2021, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu hồi ức của đ/c Đại tá Nguyễn Thụ, hội viên Chi hội Phòng Quân lực, Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội, viết về những năm tháng chiến đấu oanh liệt đánh chiếm đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 66 năm. Bài viết tuy ngắn nhưng đong đầy sự dũng cảm, sẵn sàng hy sinh anh dũng  để hoàn thành nhiệm vụ của quân đội ta.

Tôi nhập ngũ vào E36 - Đại đoàn 308 từ năm 1949 lúc đó gần 16 tuổi. Tôi học lớp 3 trường làng thi không đỗ, nhưng tôi đã có thể viết chính tả bằng tiếng Pháp. Sau chiến dịch Trần Hưng Đạo tôi được điều về Ban Thông tin của Đại đoàn 308 do đồng chí Phó tư lệnh Hoàng Xuân Vượng làm Trưởng ban Thông tin, và từ đây tôi có chữ thông tin, tôi được cử đi học Trường Lục quân Việt Nam khóa 7 (năm 1952) tại Trung Quốc, tốt nghiệp về là Trung đội trưởng bộ binh D84 - E102 - F308 chiến đấu trên chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.  Ngày 30 tháng 3 năm 1954 mở màn đợt 2 của chiến dịch, cùng một đêm đánh cả 5 ngọn đồi ở phía Nam gồm các đồi: C1, C2, C3, đồi E và đồi D.  Đêm ấy ta tiêu diệt hoàn toàn: đồi C3, đồi D, E, còn lại đồi A1 và C1 ta và địch mỗi bên chiếm một nửa. Riêng đồi C1 cứ đánh giằng co mãi trên 30 ngày và đêm 6 tháng 5 mới đánh xong. Trên đồi A1 đã xẩy ra rất nhiều trận đánh của Đại đoàn 316 và 308. Bây giờ tuổi đã quá cao không còn nhớ đơn vị E102 của tôi và cả 316 cùng đánh vào A1 vào đêm nào. Trung đội do tôi chỉ huy có trên 20 người mới được bổ sung hôm trước, đêm ấy đã hy sinh chỉ còn độ 5 người. Bộc phá mở đột phá khẩu hy sinh lớn quá, cả đại đội tôi gần hy sinh hết. Tình thế cần phải động viên cán bộ, chiến sỹ, Chính ủy trung đoàn Lê Ninh cũng vác một quả bộc phá lên đánh hàng rào cuối cùng. (Hòa bình đ/c Lê Ninh được phong quân hàm Trung tướng).


Quân ta xung phong lên chiếm cột cờ một lô cốt của địch ở Đồi C1 năm 1954. Ảnh tư liệu

Đại đội của tôi xung phong ào ạt chiếm được lô cốt đầu cầu và chiến đấu giằng co trên nửa quả đồi A1, trung đội của tôi được ở lại giữ trận địa cho đến buổi chiều hôm sau. Trung đội còn 5 người và một máy thông tin 2W để liên lạc với Trung đoàn và pháo binh. Sau một đợt pháo kích thì đ/c chiến sỹ thông tin đã hy sinh và máy cũng hỏng, thế là chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với Trung đoàn và pháo binh.


Bộ đội ta đang theo giao thông hào tiến sát vào vị trí Him Lam năm 1954. Ảnh tư liệu

Lúc này ở Sở chỉ huy Trung đoàn do đ/c Hùng Sinh - Trung đoàn trưởng phán đoán có lẽ chúng tôi đã hy sinh hết và đã mất trận địa, đ/c định đề nghị pháo binh bắn trực tiếp vào trận địa của ta đã chiếm được. Nhưng nhờ sự sáng suốt của người chỉ huy, Trung đoàn đã cử một liên lạc bò lên trận địa Thì thấy ta còn giữ được. Trung đoàn trưởng trực tiếp dẫn 10 cán bộ chiến sỹ lên tại trận địa để nghiên cứu vì sao mãi ta vẫn không đánh được. Trung đoàn trưởng mới lên buổi vừa sẩm tối thì địch phản kích rất mạnh, Trung đoàn trưởng bị thương vào đầu và nhờ có thông tin, pháo binh của ta bắn rất mãnh liệt vào đội hình của địch và chúng ta đã chiến thắng. Trung đoàn trưởng trao nhiệm vụ giữ trận địa cho đơn vị mới lên và chúng tôi được về nghỉ ngơi. Thật hú vía: Nếu pháo binh của ta bắn vào trận địa thì thịt xương chúng tôi đã bay đi tận nơi nào. Xin cám ơn Trung đoàn trưởng và cảm ơn trời đất, kết thúc chiến dịch tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Xuân mới sắp sang trong lòng tôi vô cùng phấn khích vì Tổ quốc ta, quê hương và gia đình tôi đều phát triển rất tốt đẹp, tôi mong các đ/c hãy cùng tôi ngân nga bài thơ: TẾT NÀY CON VỀ. Bài thơ này có lẽ cũng là một kỷ niệm cho mỗi người lính chùng ta.

Tết này con về

Con về vừa độ xuân sang

Vài ba sợi rét tần ngần níu Đông

Nắng non thơm má cánh hồng

Nửa e ấp mở, nửa chừng lên hương

Ban mai ngàn ánh mắt sương

Trong veo những giọt ven đường cỏ non

Ngoài ngõ hẳn mẹ chờ con

Như bao nhiêu Tết, mỏi mòn ngóng trông

Dưa hành thịt mỡ nấu đông

Bánh chưng giò lụa mẹ mong con về

Thương con lầm lũi xa quê

Miếng cơm manh áo bột bè lo toan

Tết nào cũng nóng ruột gan

Cũng ao cũng ước vượt ngàn trùng xa

Mong nhanh chân bước vào nhà

Vòng tay nước mắt vỡ òa niềm vui

Mẹ ơi Tết đã đến rồi

Ngoài vườn đã nẩy trái chồi non tơ

Tết này chẳng phải ước mơ

Con về bên mẹ như xưa quây quần.

 

Đại tá Nguyễn Thụ

Đăng bởi Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét