8/2/21

Âm vang dòng sông

         Lời BTV – Theo quy chế của Hội Truyền thống Phòng Quân lực Binh chủng Thông tin, hàng năm vào dịp tháng mười hai âm lịch Ban liên lạc đi chúc tết những hội viên tuổi 80 trở lên và gia đình các hội viên đã từ trần. Năm nay (năm Canh Tý) tôi cùng anh Hoàng Lập và anh Ngô Văn Đương cùng trong Ban liên lạc đã hoàn thành việc chúc tết từ 13 tháng Chạp. Hôm đến nhà bác Nguyễn Thụ chúc tết, sau những lời chúc tốt đẹp

của cả khách và chủ nhà, lúc ra về bác Thụ trân trọng đưa tôi tập sách “Nhớ mãi những miền quê” và nói: “Hưởng ứng đợt phát động viết hồi ức về Binh chủng Thông tin tớ đã ra được một số đầu sách, hôm nay xin tặng cậu quyển này”.

Đại tá Nguyễn Thụ tên thật là Nguyễn Văn Thụ, nguyên Trưởng ban Tổ chức biên chế phòng Tổ chức động viên (nay là Phòng Quân lực), sinh năm 1933, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Trung đội trưởng, quê làng Đại Thượng, xã Đại Đồng huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Thường trú tại ngõ 28 Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nghỉ hưu năm 1990. Khi nghỉ hưu bác tham gia công tác địa phương, làm Bí thư Đảng ủy phường Trương Định 10 năm, bác say mê viết văn, là cộng tác viên của buổi phát thanh Quân đội nhân dân Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và một số báo khác. Các sách đã xuất bản:

Chuyện làng tôi (NXB Văn học)

Cây súng trổ hoa (NXB QĐND)

Sau cơn mưa (NXB QĐND)

Nhớ mãi những miền quê (NXB QĐND)


Bác Nguyễn Thụ phát biểu và tặng sách
trong buổi họp mặt Hội Truyền thống Phòng Quân lực năm 2015

Hôm nay vào những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, Tết Tân Sửu đã cận kề, không khí đón Tết khi Đảng ta vừa tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 13 thành công rất tốt đẹp, mặc dù đại dịch Covid – 19 cùng biến thể của nó vẫn còn diễn biến phức tạp khôn lường nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm khống chế chúng để đồng bào ta yên âm, vui vẻ đón xuân. Tôi trích đăng truyện ngắn Âm vang dòng sông trong tập Nhớ mãi những miền quê của Nguyễn Thụ viết về một mối tình cách đây đúng 50 năm của người lính quân bưu với cô gái vùng quê bên dòng sông Thương yêu dấu.

 

Âm vang dòng sông

Tôi đến nhà Nam, người bạn chiến đấu năm xưa. Mới đến gần nhà đã nghe tiếng hát, tiếng nhị rộn ràng của làn điệu dân ca quan họ Ngồi tựa mạn thuyền:

Ngồi rằng ngồi tựa í ơ có mấy mạn ới ơ thuyền

Là ngồi tựa có a mạn thuyền

Ấy mấy đêm là đêm í hôm qua

Ngồi rằng ngồi tựa í ơ có mấy mạn ới ơ thuyền

Là ngồi tựa có a mạn thuyền

Trăng í in là in mặt nước í ơ cũng có a càng nhìn

Là càng nhìn non nước càng xinh

Hừ hứ lá hôi hư…

Thắm thiết hơn cả là khúc hát cổ “Giã bạn”:

Trăm năm mới có một ngày

Đàn cầm ai nỡ dứt dây cho đành

Đấng trên sao chẳng thương tình

Chữ chung luống chịu một mình sao nên.

Đã là người Kinh Bắc ai mà chẳng say mê với khúc hát truyền thống của quê hương.

Nam rất vui mừng đón tôi như người thân lâu ngày mới trở về. Bữa cơm thật đạm bạc nhưng thắm tình anh em. Phấn chấn, Nam đọc cho tôi nghe bài thơ “Dòng sông Thương” mà anh mới viết. Tôi nhớ rất kỹ mấy câu đầu và mấy câu cuối của bài thơ:

Nước sông Thương chảy ra biển cả

Ánh trăng soi trắng xóa dòng sông

Nước trôi, nước chảy mênh mông

Đưa trăng với nước về sông Thái Bình

Bến đò Lục Liễu xinh xinh

Con đò còn đó, chữ tình còn đây

Và mấy câu cuối:

Hỡi bao cô gái của dòng sông

Tình em đó như dòng sông Thương vậy

Ôi! Nhớ thương , thương nhớ dòng Thương ấy

Anh viết tặng em và tặng cả dòng sông.

Tôi lắng nghe thơ của Nam, cảm nhận thấy điều ai oán của tác giả về hạnh phúc của đôi trai gái nào đó, nó trái với cảnh sắc của dòng sông Thương êm đẹp này. Nhưng do hoàn cảnh trớ trêu nào đó khiến cho mối tình dang dở, nên mới có câu thơ:

Tình em đó như dòng sông Thương vậy

Và bây giờ chỉ còn trong lòng Nguyễn Nam mối ưu tư, phiền muộn “Thương nhớ, nhớ thương dòng Thương ấy”. “Thơ viết để tặng em và tặng cả dòng sông”.

Càng dễ hiểu vì sao Nam ưa khúc ca quan họ “Giã bạn” đến như vậy.

Chén rượu của hai chúng tôi gần như còn nguyên, tôi mạnh dạn hỏi Nam: Vì sao bây giờ không kết bạn trăm năm, tìm lấy người thương để mà nhớ? Nam cười, yêu cầu tôi ở lại chơi vài ba ngày, đêm nay sẽ đi chơi trên bờ đê dòng sông Thương.

Chúng tôi dừng chân đúng bến đò Lục Liễu, trăng mười sáu sáng vằng vặc. Ngồi chơi mát, Nam chậm rãi tâm sự: Anh muốn hiểu quá khứ cái gì đã diễn ra trong đời tôi à? Anh đã đoán đúng tâm sự của tôi qua bài thơ “Dòng sông Thương”. Năm Sáu chín, rời đất Kinh Bắc tham gia bộ đội, tôi mơ tưởng nhiều việc lắm. Tôi được phân về Binh chủng Thông tin liên lạc làm lính quân bưu. Chắc anh nghe bài hát về bộ đội quân bưu rồi chứ? Hay lắm, tình cảm lắm. Ngoài nhiệm vụ chung ra thì họ còn là sợi dây tơ hồng nối liền hạnh phúc của nhiều đôi trai gái từ hậu phương ra tiền tuyến, từ miền Bắc vào miền Nam, từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ đất liền ra hải đảo.

Vào một buổi chiều tà của năm 1971, trời đã xẩm tối, tôi nhận nhiệm vụ chuyển lệnh hỏa tốc hẹn giờ đến Bộ tư lệnh một sư đoàn phòng không đóng trên đất Hà Bắc, chậm nhất là 5 giờ sáng hôm sau thì phải hoàn thành nhiệm vụ. Xe ô tô và mô tô của đơn vị đã đi làm nhiệm vụ cả, chỉ còn lại một chiếc xe đạp cũ mà anh em chúng tôi gọi nó là con trâu già. Tôi phải cùng nó hành quân trên chặng đường gần 100 cây số. Chỉ kịp chuẩn bị cho mình một bi đông nước, một đèn pin và một khẩu súng AK thế là tôi mải miết lên đường. Cũng may mà tôi là dân của đất Kinh Bắc, khi còn ở nhà hay đi đây, đi đó nên đường sá cũng quen thuộc nhiều, cho nên lúc thì đạp xe trên đường quốc lộ, lúc lại rẽ vào đường tắt, làm chó cắn râm ran cả xóm làng.

Chấp hành mệnh lệnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là yêu cầu đỉnh cao đối với mọi chiến sĩ. Hơn nữa, ngày mai sẽ xảy ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa lực lượng không quân Mỹ với bộ đội không quân và phòng không của ta ngay trên quê hương Hà Bắc của tôi. Mệnh lệnh đến chậm thì có tội với đồng bào, đồng chí, với quê hương.

Trăng về hạ tuần như ai đó đã cố tình bán đi mất quá nửa, tiết trời đã sang đông, những cơn gió bấc đầu mù thấm lạnh. Tôi vẫn mải miết đạp xe, mồ hôi đã ướt cả áo. Hơn ba giờ sáng tôi đã đến được bến đò Lục Liễu của dòng sông Thương.

Bến đò Lục Liễu trên dòng sông Thương nơi nhân vật
 Nguyễn Nam đi qua cuối năm 1971
để chuyển công văn hẹn giờ là mệnh lệnh chiến đấu


Cảnh vật im lìm quá, vắng vẻ quá, không một bóng người. Giờ hẹn của mệnh lệnh đã đến gần. Tôi quyết định gọi đò: Ông lái đò ơi! Tôi là bộ đội cần sang gấp. Tiếng vang của dòng sông về đêm khuya như nhắc lại tiếng gọi đò. Vẫn yên tĩnh, tôi gọi lần thứ hai. Tiếng gọi của dòng sông đã thức tỉnh cô lái đò Lưu Hằng Nga. Cô bịt vội chiếc khăn vào đầu, che tai cho khỏi lạnh, con đò từ từ sang sông. Nga cất tiếng hỏi: Có việc gì cần mà anh phải vất vả đi khuya thế? Cô lái đò! Cô giúp tôi qua sông có việc quân sự gấp. – Tôi trả lời. Con đò cập bến, tôi mạnh bạo hỏi: nhà cô lái đò có ở gần đây tôi xin một ít nước. Nga vui vẻ trả lời: nhà em ngay đây mà, mời anh vào uống nước. Nghe tiếng người nói bố Hằng Nga cũng trở dậy, ông vốn là chiến sĩ Điện Biên năm xưa nên rất nhạy cảm với nhiệm vụ của chiến sĩ quân bưu. Bát nước vối trên tay cứ rung lên và cả người tôi cũng run lên vì rét. Bố Nga nói: Nga này, con xuống bếp đốt lửa để anh xuống sưởi, rét quá do thấm lạnh rồi. Khuôn mặt Hằng Nga hiện lên qua ánh lửa hồng, quả là một cô gái xinh đẹp như tên của cô ấy. Tôi nghĩ như vậy, Nga cởi chiếc áo bông đang mặc chùm lên lưng tôi và nói: đừng ngại anh ạ, anh rét lắm rồi đấy. Bố của Nga cũng mang bát cơm nếp mới nấu chập tối mời tôi: Cháu ăn đi, cháu đi đêm làm gì có hàng quán để mà mua. Con trai của bác cũng đang chiến đấu ở miền Nam, bác coi cháu như con, cháu cứ tự nhiên. Và ông báo cho tôi biết, chiếc xe đạp đã hỏng xăm. Tôi sững sờ đặt bát cơm xuống. Nỗi lo phải hoàn thành nhiệm vụ ập đến. Kìa con cứ ăn đi, ăn xong lấy xe đạp nhà bác mà đi. Ông cười vui vẻ bước ra khỏi bếp. hằng Nga luôn tay đẩy các nắm rạ vào bếp giữ ngọn lửa hồng để sưởi ấm cho người chiến sĩ đêm khuya. Nhiều lúc bốn con mắt của chúng tôi lại gặp nhau phát ra một thứ ánh sáng vừa huyền ảo vừa dịu dàng, vừa hắm đượm tình cảm.

-  Thế quê anh ở đâu? – Nga hỏi.

-  Anh là đồng hương của em. – Tôi trả lời.

Đã đến lúc phải lên đường, hai bố con Nga tiễn tôi ra tận đầu xóm chỉ hướng cho đi không quên nhắc tôi còn đủ thời gian không nên quá vội vàng. Sức nóng truyền cảm từ chiếc áo bông của tuổi dậy thì, bát cơm nếp, lòng nhân từ của bố Nga giúp tôi thêm sức mạnh.

Bố của Nga quay về ông quyết định thắp đèn sửa chữa ngay chiếc xe đạp. Còn Hằng Nga trở vào giường nhưng cô không sao ngủ được. Hình ảnh người chiến sĩ cứ lởn vởn quanh đầu. À mà quên mất, mình không hỏi tên anh, trông anh cũng khá đẹp trai, lại là đồng hương. Cô tư lự, tự hỏi có phải mình đã yêu không?

Năm giờ kém mười lăm phút tôi đến trao công văn cho sở chỉ huy sư đoàn. Sở chỉ huy nhộn nhịp hẳn lên. Mệnh lệnh tác chiến được phát ra qua các phương tiện thông tin. Tiếng ma níp tạch tạch, tè tè. Ngón tay người báo vụ như nhảy múa. Các cô gái tổng đài thoăn thoắt cắm phích gọi hết đơn vị này đến đơn vị khác: A53 đâu, A53 đâu giữ liên lạc để truyền lệnh. A56 đâu, xin đường cắm thẳng đến sân bay. Nhìn không khí náo nhiệt ở Sở chỉ huy, tôi sung sướng như mở cờ trong bụng vì đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng cho cuộc chiến đấu ngày mai.

 Hằng Nga với con đò nhỏ lại đưa tôi và con trâu già qua sông để về đơn vị.

Bịn rịn bên nhau, Nga tiễn một đoạn đường dài. Đột nhiên Nga nắm lấy tay tôi nói: máy bay địch, tên lửa. Vừa kịp nhìn lên trời đã thấy một máy bay như bó đuốc rơi thẳng xuống đất. Đạn pháo cao xạ nở như hoa trên trời. Từng tốp ba chiếc mích 21 hùng dũng triển khai đội hình. Trận không chiến quyết liệt lại thêm con ma nữa phơi xác. Tôi nghĩ trong chiến công này có công của người con gái tôi yêu.

Buông tay tôi ra, nga nói trong nước mắt: chúc anh lên đường mạnh khỏe và luôn nhớ về với con đò nhỏ, về bến nước quê hương này. Dừng một lát Nam hỏi tôi: thế anh có biết mối tình đầu nó say mê đến thế nào không? Hình ảnh Hằng Nga suốt ngày cứ quấn quít bên tôi. Mỗi tuần tôi gửi cho Nga một lá thư và cũng nhận được thư của Nga đều đặn. Có thư tôi đã nói với Nga thế này: Hằng Nga thân yêu! Dòng sông Thương của em thật êm đềm, nhưng có lúc nước sẽ nổi sóng. Mong em khéo lái con đò để khỏi chòng chành, thay chiều đổi hướng. Còn thư của Nga cũng nhắc tôi là: Anh là chiến sĩ quân bưu, đi khắp nẻo đường của Tổ quốc, mong anh không quên con đường của quê hương có con chim xanh tháng ngày buồn bã vẫn gọi bạn mong chờ.

Tôi bị thương nặng ở chiến trường, hình dáng bề ngoài thay đổi khá nhiều. Mỗi lúc nhớ đến Hằng Nga tôi lại thấy đau khổ, không muốn vì tôi mà nàng phải chịu ảnh hưởng hạnh phúc trăm năm. Cũng vì thế, biết bao bức thư tôi đã viết rồi lại không gửi nữa, mặc dù tôi vẫn yêu tha thiết Hăng Nga.

Được ra miền Bắc điều trị, ghé thăm bến nước năm xưa, chỉ còn vang vọng tiếng gọi đò năm trước và dòng nước trong xanh thì thầm yên ả. Chắc anh còn nhớ câu: “Hoa đến thì hoa phải nở, đò đầy thì đò phải sang sông”. Tôi luôn luôn có cảm nhận Hằng Nga vẫn còn yêu tôi tha thiết. Tôi đoán có lúc nàng chắc là đã khóc hết nước mắt, tin rằng tôi không còn dịp trở về. Nhưng mà có khi, có lúc nàng lại giận hờn cho tôi phụ bạc mối tình đầu thủy chung trong sáng và biết đâu nàng vẫn hy vọng mong chờ.

Đêm về khuya, theo dòng nước chảy, ánh trăng vẫn dập dờn đuổi nhau đến tận chân trời. Đêm ấy tôi không sao ngủ được, nghĩ về mối tình đầy dang dở của Nam. “Chiến tranh bao giờ vẫn là chiến tranh”, định nghĩa ấy không thể nói khác được. Người ta nói nhiều về sự mất mát về người, về của trong chiến tranh nhưng còn một thứ mất nữa ít người tính đến, đó là sự hy sinh tuổi thanh xuân của hàng triệu con người. Sự tan vỡ về tình yêu, hạnh phúc của biết bao lứa đôi đang nở rộ, đẹp hơn cả trăng rằm, đẹp hơn bất cứ thứ gì đẹp nhất trên thế gian này. Vết thương trong chiến tranh cũng có thể hàn gắn được nhưng còn vết thương trong lòng thì lấy gì bù đắp, đã đành chiến thắng nào cũng phải trả giá.

Xa Nam một thời gian, tôi nhận được tin Hằng Nga đột ngột tìm đến quê hương Nam. Cuộc hội ngộ bất ngờ này đã tốn biết bao nhiêu nước mắt. Nước mắt của ngày gặp mặt làm trôi ra dòng sông Thương tất cả các vết thương tưởng chừng vĩnh cửu.

Những quả đồi trọc nay đã biến thành rừng cây dưới bàn tay vun trồng của Hằng Nga trong những năm xa vắng, đợi chờ Nguyễn Nam. Rừng cây đang ngả theo chiều gió, vui mừng tiễn đưa Hằng Nga về với hạnh phúc của lứa đôi. Hạnh phúc bất ngờ bao giờ cũng là hạnh phúc đẹp nhất.

Tại bến đò xưa nay đã mọc lên một cây cầu kiên cố
mang tên Cầu Bến Tuần -  tên ngôi làng
của nhân vật Hằng Nga trong truyện ngắn
(Bên này Lục Liễu, bên kia Bến Tuần)

Bây giờ chỉ còn nghe thấy tiếng con chim cu xanh gọi bạn đều đều trong tuần trăng mật. Nó càng tha thiết hơn bởi có thêm tiếng thông reo rì rào xen lẫn với vang vọng tiếng gọi đò năm xưa.

                                   Tác giả: Nguyễn Thụ

                                                     Được đăng bởi: Thân Ngọc Thúy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét