29/4/15

Vượt suối băng ngàn giữ vững đường dây

"Vượt suối băng ngàn giữ vững đường dây" là cuốn hồi ức của cố Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy. Bằng ngôn ngữ giản dị, tác giả đã mô tả hình ảnh chân thực của những chiến sĩ thông tin hữu tuyến điện đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ giữ vững mạch máu TTLL trong đầu những năm 1960.
Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 1962.
Ban biên tập Hội truyền thống Thông tin Hà Nội xin cám ơn Thiếu tướng Nguyễn Diệp đã cung cấp cuốn sách và trân trọng giới thiệu với toàn thể các đồng chí.


VƯỢT SUỐI BĂNG NGÀN GIỮ VỮNG ĐƯỜNG DÂY
Hoàng Đạo Thúy

(Phần 1/5)

                                       LẠI LÊN RỪNG

Những nông nỗi của tổ 21
Anh em đã được “động viên” rồi. Với nhiệm vụ, tất cả cũng đều đã trả lời “thông” rồi.
Nhưng, trên đường hành quân để đến địa điểm công tác, một đèo, một đèo, lại nhiều đèo nữa, đồi núi, suối rừng ngổn ngang, làm ngổn ngang cả cõi lòng của những người chiến sĩ, phần lớn, nào có phải là non yếu gì đâu.
Mỗi tối, trung đội đóng quân, rồi sáng ra lên đường và để lại một tổ, ba hay bốn người. Hôm nay đến lượt tổ 21 đóng lại.
Từ tối hôm qua, cũng đã biết làng Tọt là nơi đây, là vị trí công tác của tổ; nhưng trung đội còn đó, cái tập thể ấy vẫn rắn chắc và ấm áp nên chưa có ý nghĩ miên man nào cả. Đến bây giờ, trung đội tập họp rồi ra đường, anh em bắt tay những người ở lại; bốn cánh tay rơi thõng xuống, nhìn mái tranh tù mù trong sương sớm dày đặc, y như bốn người ở riêng một thế giới ấy, ai cũng nao nao trong lòng, vẻ mặt tần ngần.
 Đồng chí tổ trưởng cảm thấy thế nào ấy; như điện giật, anh chỉnh đốn lại tư thế, hô dõng dạc:
- Toàn tổ, tập họp!
Toàn tổ, chỉ có bốn người; nhưng sát cánh nhau, cũng thấy mạnh. Đồng chí tổ trưởng nói:
- Từ giờ phút này, tổ 21 chúng ta nhận nhiệm vụ trên đường. Chương trình ngày hôm nay: Đồng chí Thi, chuẩn bị cơm sáng ngay, rồi dọn nhà ra trạm mới; đồng chỉ Chắt và đồng chí Trọng, xong cơm thì ăn ngay, rồi đi nghiên cứu đường dây, từ trạm đến cột 2.800, ở phía trước; phía sau, hôm qua chúng ta đã nhìn thấy rồi. Yêu cầu nắm là: Hành trình đường cột và tình hình dây. Năm giờ chiều phải có mặt ở trạm. Còn tôi, theo dõi công việc chung, đi dân vận và tìm hiểu về lương thực. Rõ chưa?
- Rõ!
- Giải tán.
Một ngày tấp nập của bộ đội bắt đầu.
Và, đến tối, trong cái nhà trạm vừa mới làm xong, gồm một gian làm việc, một gian ngủ, một cái bếp, toàn tổ lại họp, kiểm điểm việc làm trong ngày.
Chất báo cáo về đường dây: Khu trước mặt, tổ ta phụ trách, dài chừng 15 cây số. Ra khỏi làng này, đường dây vượt 2 cây số đồng lầy. Đứng trên đường cái thì thấy rõ cả đấy, nhưng muốn đến chân cột, phải lội quá đầu gối Sau đó, dây lên núi ngay. Có một cặp thử dây ở chỗ cái cầu, tạm gọi là Cầu Dài, cách đây chừng tám cây số. Từ Cầu Dài trở đi, dây leo lên đèo cao, có chỗ xa đường cái rất nhiều, có chỗ dốc ngược mà lại men vực thẳm. Không biết các đồng chí “ba hai” làm thế nào mà lôi được những cái cột 2 tạ lên đến đấy. Chúng tôi đi mỗi giờ nghỉ 10 phút, mà đi đến cột 2.800 rồi trở về, thì vừa hết từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Đồng chí Thi báo cáo tình hình sinh hoạt: Gạo còn ba ngày nữa, đồ ăn vừa hết. Nhà trạm mới làm xong, xung quanh bờ bụi chưa phát; chả khác một cái nhà nhỏ bỏ thỏm vào trong rừng. Đề nghị ngày mai toàn tổ ở nhà làm tổng vệ sinh và đi mua lương thực.
Tổ trưởng nói chậm rãi:
- Không nên. Chúng ta lính đường dây. Việc đường dây là quan trọng nhất. Mai, các đồng chí Chắt và Trọng nghiên cứu đường phía sau, cho đến cột 2 nghìn linh 50. Chưa nắm hết đường dây, là chưa nói chuyện gì khác được. Tôi cũng báo cáo công tác tôi làm hôm nay. Tôi đi thăm cả xóm, gồm có ba nhà. Tôi nói tiếng phổ thông, đồng bào lắc đầu; giở tiếng Tày ra, cũng lắc. Thế là không dân vận gì được, mà cũng chẳng mua được đồ ăn. Ngày mai đồng chí Thi đi xem; đồng chí đã chiến đấu lâu ở Tây-Bắc, thử nói tiếng Thái xem thế nào. Không được thì ngày kia, đồng chí Chắt đi một phen vậy; ông cựu chuyển đạt chắc còn nhớ tiếng Mèo. Trọng nói được tiếng gì không?
- Tôi mới làm nghĩa vụ một năm, đóng ở Hà Nội thì còn biết tiếng gì?
- Ngộ ngày mai, đồng chí Thi nói không ăn thua gì thì làm thế nào? Tôi có ý kiến: Chúng ta cứ chuẩn bị tư tưởng trước, có gì, thì ta lại mở cái tủ kinh nghiệm kháng chiến ra. Lại đi chợ rừng, mua măng về vậy.
- Cũng đến phải thế... – Tổ trưởng nói tiếp – còn tôi, thì tôi làm nội vụ và ở trạng giữ thường trực.
Mà rồi, chẳng ăn thua gì thật... Đồng chí Thi nói, đồng bào không hiểu. Không hiểu cả Chắt. Thế là cạn khả năng. Cái khó khăn thứ nhất này, mới là rầy. Cá phải có nước, mà quân với dân lại không nói được với nhau nửa lời; lại gặp khó khăn về việc tiếp tế.
Gạo, mong chuyển từ đại đội xuống, mong thế nào được; mà lĩnh ở địa phương, thì đã biết những đâu là đâu mà lĩnh. Tìm mãi, mới nhờ được một đồng bào làm phiên dịch, rồi cũng chỉ mua được có mấy mớ ngô, mấy bó sắn thôi. Đồ ăn chính, thế là có ngô, sắn và nhắm với măng.
Công tác lại gắng hết sức. Hàng cột trồng quá nhanh, mưa một dạo, nghiêng ngả không còn nguyên tắc nào nữa. Từ đầu đường dây có tiếng bực bội:
“Trời nắng như quay người ta thế này, mà lại nêu lý do là mưa à?” Kể ra, thì cũng khó cảm thông cho nhau thật; con đường dài năm bảy trăm cây số, đầu đằng kia biết sao được rằng đầu đằng này mưa gió. Đi củng cố đến quá nửa ngày, thử về trạm thấy thông đáo để, thế mà vừa về đến nơi, đã lại đứt. Cố nhiên, là lại phải lên đường, vừa đi, vừa thử; thử cho đến cột cuối cùng cũng chẳng thấy gì. Té ra là đứt ở trạm sau. Bực cho cái nghèo của mình, chưa có máy thử dây hiện đại, nên đứt một cái là cả mấy chục tổ chạy hớt hơ hớt hải suốt dọc đường, chứ chẳng phải chỉ có bọn mình tất tưởi thế này. Về, không kịp nữa, đành tìm nơi ngủ đỗ; tìm được cũng là may còn bữa cơm chiều thì đành miễn.
Đêm nằm, áo ướt, không nhắm được mắt, đâm ra nghĩ lan man. Mới hôm nào, ở thủ đô, xem phim “Hạnh phúc nông trường” khá là tươi vui, trong trung đội lại bàn chuyện “xây dựng bộ đội tiến lên chính quy và hiện đại”, lòng phấn khởi biết mấy. Đêm nay nằm co trong tán, nghĩ những chuyện ấy, sao mà thấy xa mình đến thế. Từ hôm lên đây, công tác nhiều, quên cả ngày giờ, nhưng thế cũng là hơn tháng rồi, mà tin nhà bằn bặt; giả như mẹ cu nó có hỏi mà tìm lên thăm, thì một là phải giữ bí mật địa điểm, hay là biết chỉ chiêu đãi sở ở chỗ nào bây giờ…
Đi trên đường dây cả ngày, tối về lại chia nhau thường trực máy: Mắt dính lại. Có lúc cũng liều linh động, ôm ống nghe chui vào màn nằm. Trong giấc ngủ chập chờn, có khi thiếp đi, nhưng rồi bỗng tiếng chuông như nổ máy, vội chồm dây. Cái “tin” vẫn quen nghe, nhưng với lính nhà dây thì mỗi lần đến cũng vẫn như sét đánh: “đứt”! - Toan bổ đi nối, nhưng đèn chẳng có, đuốc thì gánh đi bao nhiêu cho xuể. Đến đành bịt tai lại mà đợi sáng.
Tưởng là đã dứt được cái nghiệp thuốc ký ninh vàng, ai ngờ lại sốt rét trở lại. Khoác cái chăn trấn thủ, ngồi nhìn những sợi dây dài đằng đặc, mà ngứa ngáy cả người. Làm lính giữ dây, để truyền tin, mà đối với mình, những sợi dây cứ lặng ngắt, hay chỉ vo ve trong gió thu, thế thôi Lúc này có ai nói không? Nói gì? Đích là những chuyện quan trọng. Còn mình thì mình phục vụ chuyển tin, mà vẫn khao khát tin thế này…
Tổ trưởng làm thế nào thì làm, không khí trạm cứ như ỉu ấy.
Có hôm ba tổ viên ốm cả ba. Một mình tổ trưởng vừa trực máy, vừa kiêm cả cấp dưỡng và y tá. Chuông kêu: Dây chập, anh dúi ống nghe cho Trọng, rồi nhào đi.
Một hôm dây đứt phía sau, anh phái Thi và Trọng đi từ sớm. Mười giờ, Thi báo về là nối xong. Anh gọi lên trạm trên, thấy thông, nhẹ cả người. Đang hỏi thăm sức khỏe tổ bạn, bỗng cảm thấy tiếng gì như giằng, như cứa rồi im bặt. Anh gọi thất thanh cũng không thấy ai trả lời. Mãi sau, mới thấy tiếng Trọng, mắc máy gọi về. Thế là đứt ở đoạn đường tổ bạn rồi. Cái gì thế? Không bao giờ anh cảm thấy rõ ràng thế, cái tình giữa những tổ trên một tuyến đường. Anh ra lệnh cho Thi và Trọng quay trở lại, cho đến khi gặp người tổ 20 mới thôi. Quá trưa. Thi báo cáo: Đã gặp tổ bạn; voi ủi đổ hơn 10 cái cột.
- Cái gì.
- Voi, con voi, có cái vòi ấy. Nó ủi đổ hàng chục cột rồi.
- Lại thế nữa cơ à!
Chạy một mạch, anh gặp tổ bạn đang lặng người trước cảnh tượng hoang tàn. Một vùng bờ bụi bị xéo nát bét; cột, có cái bị đẩy lăn kềnh, có cái bị nhổ. Dây, cố nhiên là đứt làm bao nhiêu đoạn.
- Hỏng to thế này thì phải xin đội sửa chữa xuống mới được.
Tổ trưởng 21 góp kiến: Đề nghị chúng ta cố nối cho đường dây thông đã. Đợi đội sửa chữa thì cũng phải mấy hôm. Chả nhẽ đành ngừng liên lạc.
Hai tổ đấu sức, tìm chống, nối, hàn dây, làm cật lực cho đến lúc chạng vạng mới xong. Đặt máy, báo cáo được về đoàn. Một tràng vỗ tay của lực lượng 2 tổ, nổ ran trong cả khu rừng.
Tổ trưởng quyết định cả tổ về ngay, để sẵn sàng công tác, lại được cái lợi là đi đêm cho nó quen. Vừa đi anh vừa nghĩ. Quái sao lúc chia tay, tân binh Trọng với tân binh bên 20, lại chào nhau bằng cái kiểu kỳ quặc thế? Giơ một ngón tay lên là cái gì? Thôi. Ý chừng các cậu nản công tác, báo cho nhau biết rằng chỉ một năm nữa thôi là “hết” nghĩa vụ… Chán thế cơ á?
Đêm hôm ấy, không rét, giường không có rệp, mà tổ trưởng cứ trằn trọc. Sáng dậy, anh bê tập “Nhân Dân” đến bàn trực ban, giở đi, giở lại nghiên cứu mãi. Và đến tối, giờ sinh hoạt, anh nói tình hình đấu tranh ở miền Nam cho cả tổ nghe.
Lấy lại được tinh thần rồi, nhưng tổ trưởng vẫn đăm đăm suy nghĩ: Phải làm cái gì đây!

Những biến chứng của Tổ 20
Cũng như Tổ 21, Tổ 20 đã nhận được một đoạn đường, hình thể. Có khác, nhưng không kém phần hiểm ác. Đường gì mà một đầu thì chỉ những sông với suối, còn một đầu thì là mấy chục cây số rừng gianh, khô khốc, cháy sém như vừa mới bị hỏa tai ấy. Sông với suối có cái vạ của sông với suối, rừng khô lại có cái vạ của rừng khô.
Dây đồng nhà mình, cũng là cái của vô tri mà thôi, ấy thế mà lại có tính thích sạch. Lắm sông, lắm suối là lắm rừng, lắm cây to: Cái giống nhện rừng đông tám dã, nó cứ giăng lưới từ dây nọ sang dây kia, trông cũng đẹp mắt. Nhưng mưa xuống, hay chỉ có sương mù thôi, mạng nhện cũng đủ thành ra con đường nước, làm cho điện chập mạch. Thế cho nên mạng nhện là kẻ thù của lính hữu tuyến. Tệ hại, vừa quơ sạch hôm nay, ngày mai mấy cái của nợ ấy lại đã dăng khắp nơi rồi.
 Rừng ẩm, cây mọc thì phải biết. Mùa hè, vừa mưa, vừa nóng, cỏ cây mọc lớn trông thấy. Thế là nó chọc vào dây, nó vượt dây; rồi có gió, là nó phất phơ quyệt vào, như gãi vào tai người dùng điện thoại, rồi lúc mỏi là nằm kềnh lên 2 dây, làm thành một cái cầu; lại chập điện.
Con đường dài mấy trăm cây số, qua biết bao nhiêu rừng, thì biết bao nhiêu mạng nhện, biết bao nhiêu cành cây; lắm lúc, nhất là lúc mưa, mà lại không có trạm tăng âm, không có bộ lọc điện, tiếng nói qua đường dây nhỏ như tiếng từ âm ti vọng lên, hay là lại loạn xạ như là trong cơn giông tố.
Đi lau, đi quét, đi phạt cây, mãi cũng nản. Mà nào có dễ gì. Rắn hồng, rắn lục, có con rắn hệt như cành cây khô, đụng phải nó có khi rầy rà đến tính mạng. Đồng chí Quý, một chiến sĩ tích cực, lúc hết người, xung phong đi chữa một mình, bị lợn lòi đuổi một phen ở đồi gianh, thất điên bát đảo.
Lại còn cái giống biệt kích, thổ phỉ, phản động nó cũng cứ bám lấy đường dây. Khi xây dựng đường dây, anh em đã chả bị chúng nó cướp kho là gì. Mới hôm nào đây, dây đứt như vì cành cây đổ. Xem kỹ thì ra cây đổ không phải tại gió, mà lại có vết dao chặt. Ấy thế đấy!
Mấy anh em, tưởng là nói cho vui câu chuyện, nhưng kỳ thực, đã lộ ra cái vẻ chán chường, lệch lạc: Các ông trên Cục, cứ nêu mãi khẩu hiệu “đường dây là mạch máu”, đòi sao chữa ngày phải xong trước năm giờ, chữa đêm phải xong trước bảy giờ. Rõ lý thuyết; đêm mà đi, thì có mà thử răng cọp. Các ông cứ ngồi ở bàn giấy, thử tưởng tượng bọn mình xem: Vai mang yếm khênh, chân đi móng quỷ, lưng thắt đai bảo an, một tay xách thùng hắc ín bọc cột, một tay xách cái lò hàn to kếch xù của Phòng Khí tài. Hoa rừng có trông thấy, nó cũng chết khiếp; còn tươi cái nỗi gì.
Nghĩ như vậy, nên làm cứ tàm tạm. Cột đổ, chống tạm; dây tuột, nâng tạm; nhện chăng, quét gọi là; cây mọc, phát lấy lệ. Làm phiên phiến thôi. Vả lại con đường mấy chục tổ, tổ mình cố, tổ người ta có cố cho không; mà chỉ một tổ cố gắng thôi, cả con đường cũng vẫn hỏng bét cơ mà. Trên có hỏi, thì trả lời: Kỹ thuật đường dây kém, đồng chí ạ; chúng tôi chỉ bảo vệ được thôi. Vả lại điều kiện cụ thể của trạm cũng khó khăn lắm.
Rồi dây đứt, đứt, rồi lại đứt; đến quên không thống kê được là mấy lần nữa. Vật liệu sửa chữa, chả còn vào sổ sách nào; đem đi dùng, không dùng đến thì bỏ dọc đường, có gửi nhà nào thì rồi cũng quên đi; ai xin một đoạn dây, để mặc ga-len, cũng bẻ cho, bảo thế là “dân vận”; cuối cùng, trên mất tin tưởng, không tích cực phát đồ, sợ phí; dưới uể oải, không tích cực chữa. Tình trạng đứt, nhiều độ kéo dài, người nhắc, nhắc mãi cũng nản, người nối, nối lúc nào nên lúc ấy.
Cho đến nỗi, con đường, mà tổ đã được giao cho nhiệm vụ bảo quản, không được bảo quản gì mấy. Hai mươi bốn giờ, đã cắt bỏ đêm rồi, còn có mười hai. Chỉ nghĩ đến đèo phải trèo, đến sông phải vượt, rừng gianh phải phát, đồng lầy phải lội; chỉ nghĩ đến rắn xanh, rắn đỏ, hổ, báo, lợn lòi, cả voi nữa. Bụi rậm nào cũng cho là có thổ phỉ, biệt kích. Lại thêm những cái mả của mấy đồng chí đã hy sinh trên đường. Đối với tổ, con đường dây đã gần hình như một khu có bệnh truyền nhiễm, làm cho mọi người không muốn lui tới.
Người đã tách khỏi nhiệm vụ, thì ngày đã dài, đêm lại dài hơn nữa. Công việc không làm, nên trăm cái thắc mắc lại nổi lên ầm ầm.
Nào xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì làm việc chính quy, 8 giờ, ai lại lúc nào cũng gọi đi chữa ấy! Nào là hòa bình đã trở lại, ai thích nghề gỉ, cho làm nghề ấy mới có lợi; căn bản là tôi không hợp với cái nghề này cơ mà! Phân công phải cho hợp lý chứ! Nào cái đơn vị xây dựng, lúc này mà còn đường quang chẳng đi đâm quàng vào đường rậm, làm khổ người ta.
Nhưng mổ ra mà xem, thì chỉ tại rằng: Hòa bình đã trở lại, cũng muốn thoải mái một ít; trai tơ thì tấp tửng xây dựng món nọ, món kia; trung niên thì cũng muốn trở về với ruộng đồng, cái vườn con, cái ao cá. Lại thêm bữa cơm, bữa sắn; văn công, điện ảnh thì không còn sơ múi được nữa rồi. Còn cái chuyện không tiện nói ra: Ở phân tán thế này, xa cấp trên, tương lai thế nào... ai mà đề bạt cho. Ấy là không kể ở rừng sâu, ăn uống kém, màu da đã trở lại bung bủng.
Nghĩ quanh, rồi nghĩ quẩn. Đành phải ở cho hết hạn, nhưng làm thế nào cho khi về vẫn còn có mẽ con người. Tăng gia từ đấy tích cực, rau đậu chả thiếu thứ gì; chuồng gà mươi con mái, đủ trứng để quấy đường ăn, bồi dưỡng. Tính khéo hơn nữa, là tìm mua lợn chỗ rẻ, về làm thịt đem nhượng đi, còn giữ bộ lòng để cải thiện. Đời sống đã trở nên rảnh rang. Đồng bào xung quanh cũng nhận định: Các đồng chí ấy kháng chiến gian khổ, nay Chính phủ cho các đồng chỉ ấy giải nhàn!
Đời tươi; nhưng còn đường dây thì cứ bi đát.
Đồng chí chính trị viên, xa-cốt đầy ăm ắp giấy tờ, đến thăm tổ. Đồng chí vất vả quá, đi từ tổ đầu đến tổ cuối, mất hơn tháng rồi; đi phổ biến chưa hết số chỉ thị, nghị quyết này, thì chỉ thị, nghị quyết mới đã tới.
Đến trạm, đồng chí hỏi tổ trưởng: Có tư tưởng gì không?
- … Cũng không có gì…
- Công tác thế nào?
- Cũng như tháng trước.
- Có đi tuần đường dây không?
- Báo cáo, đi mới về ngày hôm qua.
Trên đường về Đội bộ, được chỗ đường bằng phẳng, đồng chí chính trị viên đạp chầm chậm, nhìn theo dây, bỗng bóp mạnh tay phanh. Cái gì kia! Một cây mọc đúng giữa đường cột, đã chui gọn lỏn giữa hai sợi dây đồng, cành lá sum xuê, vượt dây đến chừng hai mét. Thế thì, ít ra cũng đến ba tháng, không có ai đi qua chỗ này rồi. Biểu hiện tư tưởng đường dây là đây. Đồng chí tổng hợp các điểm đã nhận xét. Kết luận rằng: Báo cáo không đúng, không đi tuần dây, tình hình xấu không kém tháng trước. Vấn đề tư tưởng phải được nghiên cứu.
(Còn nữa)
Đăng bởi Nguyễn Quang Hưng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét