13/12/15

Những kiến thức cần biết về các xét nghiệm sinh hoá máu



Khi khám bệnh, việc đầu tiên là bác sĩ phải chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, chỉ khi chẩn đoán bệnh đúng bác sĩ mới điều trị bệnh hiệu quả. Để chẩn đoán đúng, bác sĩ thường phải thực hiện 2 việc: Chẩn đoán lâm sàng và chỉ định làm xét nghiệm (còn gọi là xét nghiệm y khoa hay xét nghiệm cận lâm sàng). Chẩn đoán lâm sàng là bác sĩ thăm khám trực tiếp để xem các dấu hiệu hoặc triệu chứng biểu lộ từ cơ thể người bệnh như: xem thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở... Còn chỉ định làm xét nghiệm có nghĩa là bác sĩ ra y lệnh cho người bệnh được lấy máu hay nước tiểu (hai dịch sinh học thường được sử dụng nhiều nhất) để xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ đọc và nhận định kết quả để xem bệnh nhân có thật sự bị bệnh, tình trạng như thế nào. Kết quả xét nghiệm có các thông tin mà giới chuyên môn (bác sĩ, dược sĩ) nhờ đã được đào tạo có thể đọc được.
Bài viết xin giới thiệu ý nghĩa của một số xét nghiệm sinh hóa máu (serum biochemistry) cần biết để giúp chúng ta hiểu thêm về sức khỏe của bản thân, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.  
1. Xét nghiệm đường huyết
Trong phiếu xét nghiệm đường huyết được ghi Glucose, tức ghi hàm lượng hay nồng độ glucose có trong máu.
Tiểu đường là bệnh không lây nhiễm, do sự thiếu insulin hoặc có insulin nhưng không nhạy cảm, đưa đến sự tăng đường huyết mạn tính. Để biết có bị tiểu đường hay không, phải làm xét nghiệm máu đo nồng độ đường glucose trong máu. Là nồng độ nên đơn vị tính glucose trong máu là mmol/l (số milimol glucose trong 1 lít máu). Như đối với người bình thường không bị tiểu đường, xét nghiệm đường huyết lúc đói sẽ < 6,4 mmol/l. Số 6,4 mmol/l được gọi là trị số giới hạn đường huyết, nếu lớn hơn là bị bệnh. Thông thường trong phiếu xét nghiệm người ta không chỉ ghi kết quả mà còn ghi khoảng trị số đối chiếu (hay khoảng giá trị tham khảo), như đường huyết với người bình thường là 3,9 – 6,4 mmol/l và kết quả xét nghiệm của người được đo sẽ được đối chiếu để xem có rối loạn hay không. Thí dụ, kết quả xét nghiệm đường huyết là 6,3 mmol/l, so với 3,9 – 6,4 mmol/l nằm trong khoảng cho phép nên là bình thường. Nếu kết quả đo > 6,4 mmol/l (lớn hơn 6,4 mmol/l) là có rối loạn tăng đường huyết, bằng hoặc trên 7 mmol/l là đã bị tiểu đường. Nếu kết quả đo < 3,9 mmol/l (nhỏ hơn 3,9 mmol/l) là có rối loạn hạ đường huyết, ví dụ kết quả đo 3,0 mmol/l là có thể bị hôn mê do hạ đường huyết.
Xét nghiệm glucose thường được bác sĩ chỉ định thực hiện khi nghi ngờ tiểu đường, kiểm tra trước phẫu thuật, can thiệp, đang điều trị cocticoid, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh liều thuốc ở bệnh nhân đang điều trị tiểu đường, kiểm tra sức khoẻ định kỳ…
Đường huyết tăng cao gặp trong các trường hợp: Tiểu đường do tuỵ, cường giáp, cường tuyến yên, điều trị cocticoid, bệnh gan, giảm kali máu…
Đường huyết giảm gặp trong các trường hợp: hạ đường huyết do chế độ ăn, do sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều, suy vỏ thượng thận, suy giáp, nhược năng tuyến yên, bệnh gan nặng, nghiện rượu, bệnh Addison…
 Máu và nước tiểu là hai dịch sinh học thường được sử dụng nhiều nhất để xét nghiệm
 Cần lưu ý, khoảng trị số đối chiếu ở các bệnh viện khác nhau có thể hơi khác nhau bởi vì có nhiều phương pháp khác nhau được dùng ở bệnh viện để đo xét nghiệm đường huyết.
Vì trị số đường huyết bình thường được xác định vào lúc bụng đói, để có kết quả xét nghiệm đường huyết chính xác, người được đo cần nhịn đói 4 - 6 giờ trước khi lấy máu làm xét nghiệm hoặc không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy, thường lấy 3ml máu không chống đông hoặc chống đông bằng lithiheparin và chuyển máu xuống khoa xét nghiệm chậm nhất là 30 phút sau khi lấy máu.
Ngoài glucose, khi xét nghiệm máu còn có một tham số nữa liên quan đến tiểu đường là HbA1-C, có đơn vị là %. Nồng độ HbA1-C phản ánh tình trạng đường huyết trong khoảng 2 - 3 tháng trước khi lấy máu xét nghiệm (xét nghiệm định lượng glucose máu chỉ nói lên được hàm lượng đường tại thời điểm lấy máu làm xét nghiệm). Vì vậy HbA1-C được coi là tham số có giá trị để chẩn đoán và theo dõi điều trị tiểu đường.
Xét nghiệm HbA1-C được tham khảo khi nghi ngờ tiểu đường, những trường hợp cần kiểm soát đường huyết, nhất là những bệnh nhân tiểu đường khó kiểm soát, trị số bình thường là (4 – 6)%. HbA1-C tăng trong các trường hợp: bệnh tiểu đường, bệnh tiểu đường khó kiểm soát; HbA1-C tăng giả tạo trong các trường hợp: ure máu cao, thalassemia. HbA1-C giảm giả tạo trong các trường hợp: thiếu máu, huyết tán, mất máu.
 Tự kiểm tra glucose bằng máy đo đường huyết tại gia đình
2. Xét nghiệm mỡ trong máu
Trong máu có mỡ hay còn gọi lipid, bình thường lipid chứa trong máu với hàm lượng vừa phải, nếu khác hơn là bị rối loạn lipid huyết. Rối loạn lipid huyết (hay nhiều người gọi là rối loạn mỡ máu) là tình trạng khi hàm lượng chất béo như cholesterol, triglycerid ở trong máu vượt quá giới hạn bình thường.
Ta cần biết, chất béo như cholesterol, triglycerid không tan trong nước tức không tan trong máu, vì vậy, chất béo phải kết hợp với một protein (chất đạm) tạo thành chất gần như tan trong máu, di chuyển dễ dàng trong máu gọi là lipoprotein. Như cholesterol kết hợp với lipoprotein tạo thành các chất có tỉ trọng khác nhau. Trong xét nghiệm, người ta quan tâm đến hai loại cholesterol kết hợp với lipoprotein. Đó là cholesterol kết hợp với lipoprotein có tỉ trọng thấp, viết tắt là LDL-c (Low Density Lipoprotein- Cholesterol) và cholesterol kết hợp với protein có tỉ trọng cao, viết tắt là HDL-c (High Density Lipoprotein- Cholesterol). LDL-c được xem là cholesterol “xấu” vì nó vận chuyển cholesterol từ gan đi khắp nơi, thứ này quá thừa sẽ gây xơ vữa động mạch, huyết khối tắc mạch. Còn HDL-c được xem là cholesterol “tốt” vì nó vận chuyển cholesterol từ các mô ngoại biên về gan, làm chất béo trong máu giảm xuống.
Trong phiếu xét nghiệm, mỡ trong máu được ghi 4 tiêu chí: cholesterol toàn phần (cholesterol hoặc cholesterol TP), triglycerid, LDL-c, HDL-c. Chỉ số đối chiếu (giá trị tham khảo) của mỡ trong máu như sau:
- Cholesterol TP: Yêu cầu <5,2 mmol/l (thí dụ kết quả đo 4,2 mmol/l là tốt, 5,8 mmol/l là không tốt).
- Triglycerid: Yêu cầu < 2,3 mmol/l (thí dụ kết quả đo 1,5 mmol/l là tốt, 3,2 mmol/l là không tốt).
- LDL-c: Yêu cầu < 3,4 mmol/l (thí dụ kết quả đo 2,4 mmol/l là tốt, 4,2 mmol/l là không tốt).
- HDL-c: Yêu cầu > 0,9 mmol/l (thí dụ kết quả đo 1,5 mmol/l là tốt, 0,5 mmol/l là không tốt).
Khi 1 trong 4 yếu tố nêu trên vượt quá giới hạn cho phép thì có nguy cơ cao trong các bệnh về tim mạch và huyết áp. Riêng chất HDL-c là mỡ tốt, nếu cao nó hạn chế gây xơ tắc mạch máu. Nếu Cholesterol TP quá cao kèm theo có cao huyết áp và LDL-cs cao thì nguy cơ tai biến, đột quỵ do huyết áp rất cao. Nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều chất mỡ béo và cholesterol như: phủ tạng động vật, trứng gia cầm, tôm, cua, thịt bò, da gà... Tăng cường vận động thể thao và theo dõi huyết áp thường xuyên.
3. Xét nghiệm men gan
Men (enzyme) là chất sinh học có bản chất protein (chất đạm) có tác dụng xúc tác phản ứng hóa học, phản ứng chuyển hóa các chất trong tế bào. Trong tế bào gan chứa nhiều loại men gọi là men gan. Khi tế bào gan bị tổn thương (như bị viêm gan) các men gan sẽ phóng thích vào máu làm nồng độ men gan tăng lên so với mức bình thường. Đo men gan có thể biết được tình trạng tổn thương gan. Các men gan thường dùng trong xét nghiệm là thuộc loại men transaminase (men chuyển vận amin giữa chất đạm và đường) có tên như sau:
- SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminase) còn gọi là AST (Aspartat aminotransferase). SGOT là men xúc tác phản ứng trao đổi nhóm amin. GOT không những ở bào tương (khoảng 30%) mà nó còn có mặt ở ty thể của tế bào (khoảng 70%). Nồng độ men SGOT phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan, cơ tim. Chỉ định: Viêm gan, nhồi máu cơ tim, viêm cơ, tai biến mạch máu não… Trị số bình thường < 40 U/l. SGOT tăng cao trong các trường hợp: Viêm gan cấp do virus hoặc do thuốc, tan máu, viêm gan do rượu, nhồi máu cơ tim, viêm cơ… Lưu ý trong các trường hợp tế bào hồng cầu bị vỡ thì SGOT tăng rất cao
- SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase) còn gọi là ALT (Alanin aminotransferase). SGPT là men chỉ có trong bào tương của tế bào gan. Nồng độ SGPT phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan do viêm. Chỉ định: Viêm gan (cấp, mãn), nhũn não… Trị số bình thường < 40 U/l. SGPT tăng cao gặp trong các trường hợp viêm gan, nhũn não.
- GGT (Gama Glutamyl Transferase). Chỉ định: Các bệnh lý gan mật. Trị số bình thường: Nam < 50 U/l và nữ < 30 U/l. GGT là một yếu tố miễn dịch cho tế bào gan. Bình thường nếu chức năng gan tốt, GGT sẽ có rất thấp ở trong máu (từ 0-50 U/l). Khi tế bào gan phải làm việc quá mức, khả năng thải độc của gan bị kém đi thì GGT sẽ tăng lên dẫn đến giảm sức đề kháng, miễn dịch của tế bào gan kém đi, dễ dẫn tới suy tế bào gan. Nếu với người có nhiễm SVB trong máu mà các chỉ số GGT, SGOT & SGPT cùng tăng thì cần thiết phải dùng thuốc bổ trợ tế bào gan và tuyệt đối không uống rượu bia, nếu không thì nguy cơ dẫn đến VGSVB là rất lớn. GGT tăng cao trong các trường hợp: Nghiện rượu, viêm gan do rượu, ung thư lan toả, xơ gan, tắc mật… GGT tăng nhẹ trong các trường hợp: Viêm tuỵ, béo phì, do dùng thuốc…
 Lấy máu xét nghiệm tại bệnh viện
Nhìn chung, nếu các chỉ số men gan vượt quá giới hạn, chức năng thải độc của tế bào gan suy giảm. Nên hạn chế ăn các chất thức ăn, nước uống làm cho gan khó hấp thu và ảnh hưởng tới chức năng gan như: Các chất mỡ béo động vật và rượu bia và các nước uống có gas.
Khi viêm gan, SGOT/ALT và SGPT/AST tăng gấp 2 - 10 lần bình thường.
4. Xét nghiệm acid uric trong máu
Ta cần biết, acid uric là sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể (chuyển hóa của hợp chất có tên purin), nếu acid uric sinh ra không nhiều quá sẽ được đào thải chủ yếu qua nước tiểu. Khi acid uric trong máu (gọi là acid uric huyết) tăng ở mức không nhiều quá (từ 7 đến 9 mg/dl), khi đó được gọi là chứng tăng acid uric huyết không triệu chứng, không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần thực hiện chế độ ăn phù hợp. Khi acid uric huyết đo được trên 9 mg/dl, acid uric là chất ít tan sẽ kết tinh thành tinh thể muối urat đọng lại trong sụn, khớp đến mức gây đau đớn có khi là dữ dội ở các khớp gọi là cơn gout cấp, khi đó phải dùng thuốc trị gout.
Khi xét nghiệm máu, trị số axit uric để tham khảo khi nghi ngờ bệnh gout, bệnh thận, bệnh khớp, theo dõi hiệu qủa điều trị bệnh gout…
Trị số đối chiếu (giá trị tham khảo) của acid uric trong máu: 208 - 428 µmol/l.
Acid uric tăng cao trong nhiều trường hợp, thường gặp nhất là trong bệnh gout, leucemie, đa hồng cầu, suy thận, ung thư, tăng bạch cầu đơn nhân, nhiễm trùng nặng, bệnh vẩy nến…
Acid uric giảm gặp trong các trường hợp: có thai, bệnh wilsson, hội chứng Fanconi…
5. Xét nghiệm Ure máu
Chỉ định: Các bệnh lý về thận, kiểm tra chức năng thận trước phẫu thuật, can thiệp, kiểm tra sức khoẻ định kỳ…
Trị số bình thường: 3,3 – 8,3 mmol/l
Ure tăng cao trong các trường hợp: Suy thận, thiểu niệu, vô niệu, tắc nghẽn đường niệu, chế độ ăn nhiều protein…
Ure thấp trong các trường hợp: Suy gan làm giảm tổng hợp ure, chế độ ăn nghèo protein, truyền nhiều dich…
6. Xét nghiệm Creatinin
Chỉ định: Các bệnh lý về thận, các bệnh lý ở cơ, kiểm tra trước phẫu thuật, can thiệp…Nhằm mục đích đánh giá chức năng thận, mức độ suy thận.
Trị số bình thường: 44 – 106 µmol/l
Creatinin tăng cao trong các trường hợp: Suy thận cấp và mãn, bí tiểu tiện, bệnh to đầu ngón, tăng bạch cầu, cường giáp, Gout…
Creatinin giảm gặp trong các trường hợp: có thai, dùng thuốc chống động kinh, bệnh teo cơ cấp và mãn tính…
7. Xét nghiệm Bilirubin máu
Chỉ định: Các trường hợp vàng da do bệnh gan mật, tuỵ, tan máu…
Trị số bình thường: Bilirubin toàn phần < 17,0 µmol/l
Bilirubin trực tiếp ≤4,3 Mmol/l
Bilirubin gián tiếp ≤12,7 Mmol/l
Bilirubin toàn phần tăng cao trong các trường hợp: Vàng da do nguyên nhân trước gan (tan máu), trong gan (viêm gan), sau gan (sỏi ống mật chủ, u đầu tuỵ…).
Bilirubin trực tiếp tăng trong các trường hợp: Tắc mật, viêm gan cấp, ung thư đầu tuỵ…
Bilirubin gián tiếp tăng trong: Thalassemia, tan máu...
Trên đây là ý nghĩa của một số xét nghiệm sinh hóa máu để người bệnh tham khảo. Khi đi khám bệnh và hóa nghiệm, người bệnh cần tuân theo các chỉ định của bác sĩ điều trị.
Nguyễn Quang Hưng (tổng hợp từ các nguồn trên Internet)

1 nhận xét: