15/1/16

Gương sáng đời thường




                                                  Nhịp cầu nối những bờ vui                                                                                                                  
                                                         Nguyễn Trần Hiếu                                                       Chi hội Thông Tin 559

        Sinh ra từ miền đất Hưng Hà trên quê hương “chị hai 5 tấn” Thái Bình, lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa trong những năm tháng sục sôi của thời kỳ đất nước đang còn chiến tranh.

        Cả nước đang dồn sức người, sưc của cho cuộc đấu tranh thống nhất. Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, ở nơi mà khi tổ quốc cần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, là thân gái mảnh mai, song với tình yêu đất nước nồng nàn và ý chí căm thù giắc sâu sắc, noi gương các thế hệ đi trước, theo lời Đảng gọi chị đã quyết tâm xin đi bộ đội, nguyện ước được cầm súng để cùng chung vai, sát cánh với các chị, các anh đi chiến đấu góp phần giải phóng đất nước. Nguyện vọng thiết tha ấy đã được đáp ứng, vượt qua những tháng ngày huấn luyện vất vả trong quân ngũ, rồi lần lượt chị đã được bổ sung vào đơn vị chiến đấu. Tạm biệt quê hương và người thân yêu dấu để lên đường vào chiến trường với những tháng ngày hành quân gian khổ, trong mưa bom, bão đạn ác liệt của quân thù. Thân gái dặm trường, trèo đèo, lội suối, đói cơm, nhạt muối, vắt núi mưa rừng, chị đã cùng đồng đội vượt dải Trường Sơn biên chế vào quân số của Đại Đội 12- Tiểu đoàn 16 Thông tin thuộc Bộ Tham mưu Hậu cần chiến lược- Đoàn 559. Đó là những tháng năm gian khổ hi sinh ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, nhiều khi vượt quá sức tưởng tượng và chịu đựng của con người, nơi mà lằn ranh giữa cái sống, cái chết của người lính chỉ được tính bằng giây, chị đã anh dũng cùng đồng đội vượt qua tất cả mọi hiểm nguy để mạch máu thông tin liên lạc luôn được nối liền thông suốt đêm ngày, đáp ứng cho chỉ huy qua từng chiến dịch, cùng đồng đội góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng chung của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
           Ngày 30-4-1975 hòa bình đã lập lại trên đất nước ta sau 20 năm dài chiến đấu hi sinh gian khổ, chị vẫn tiếp tục phục vụ tại lực lượng vũ trang trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho đồng đội để mang lại niềm vui và nụ cười cho chiến sĩ khi họ bị tái phát các vết thương chiến tranh hoắc ốm đau, bệnh tật. Đó là công việc của người thầy thuốc mắc áo lính, nét dịu dàng đôn hậu của người phụ nữ luôn là nguồn động viên an ủi đối với người lính khi được chị chắm sóc, điều trị. Rồi khi đến tuổi, chị được nhà nước cho nghỉ chế độ sau mấy chục năm trời chiến đấu hi sinh, phấn đấu gian khổ, để trở về tiếp tục bươn trải với cuộc sống lam lũ đời thường. Song nỗi gian truân vất vả, bất công dường như vẫn chưa buông tha người phụ nữ bé bỏng này. Gia đình đang hạnh phúc ấm êm thì người chồng, người bạn đời thương yêu nhất của chị lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo rồi mãi mãi ra đi, để lại cho chị nỗi buồn đau khôn tả, gánh nặng gia đình và hai đứa con thơ đè trĩu lên đôi vai gầy yếu của chị và giờ đây lần nữa đức tính anh hùng, đảm đang bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong con người chị lại được thể hiện. Nén nỗi đau mất mát riêng tư, vượt lên số phận chị lại đứng lên tiếp tục tham gia vào các công tác đoàn thể xã hội, xây dựng kinh tế gia đình một cách vững vàng, chắc chắn để công tư trọn vẹn cả đôi đường. Rời khỏi quân ngũ, ngay từ những ngày đầu của năm 2003 chị đã cùng các đồng chí cán bộ, chiến sĩ tùng chiến đấu và công tác trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa tập hợp lại thành lập nên Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn và Ban liên lạc Bộ đội thông tin Trường Sơn-Một trong những ban liên lạc tiền thân của Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam hiện nay.
          Hết lòng vì đồng đội, lúc nào chị cũng đau đáu một nỗi niềm là trong cuộc sống đời thường hiện nay còn nhiều đồng đội vẫn phải sống vô cùng nghèo khổ khó khăn. Nhiều trường hợp dù đã cố gắng hết sức vẫn không thể tự vượt qua được cái khổ, cái nghèo, nơi ăn chốn ở vẫn còn tạm bợ rách nát. Chị là một trong những người đi đầu của việc thực hiện cuộc vận động “xóa đói giảm nghèo” trong các hội viên của Hội cựu chiến binh Trường Sơn, chị tình nguyện với vai trò trực tiếp đứng ra làm đầu mối liên hệ với chính quyền các cấp của huyện Hoằng Hóa và tỉnh Thanh Hóa để xin được quyết định cấp 100 mét vuông đất ven sông Mã và dựng nhà cho nữ đồng chí Bùi Thị Sự chiến sĩ Đại đội 12 Tiểu đoàn 16 Thông tin Trường Sơn thoát khỏi cảnh không có nơi ở và con cái được học hành ổn định vào năm 2011 với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng trong đó chị đã ủng hộ 12 triệu.

          Luôn theo sát các chế độ chính sách của Nhà nước và của Hội truyền thống, chị còn liên hệ mật thiết với các quỹ Xóa đói giảm nghèo của Hội cựu chiến binh Việt Nam; Quỹ Thiện Tâm; quỹ Tấm lòng vàng; quỹ Khuyến học Vừ A Dính để phổ biến và đề xuất trợ cấp xóa nhà ở dột nát cho một số đồng chí trong Hội, trong đó có đồng chí Lê Thế Khanh là chiến sĩ thông tin C12D16- Đoàn 559 quê ở Thiệu Đô-Thiệu Hóa-Thanh Hóa với số tiền là 50 triệu đồng, vào năm 2014.
          Thật đáng trân trọng và mến phục biết bao nghĩa cử cao đẹp, dù gia đình chị còn nhiều vất vả, khó khăn trong cuộc sống đời thường với đồng lương khiêm tốn song bằng tấm lòng nhân ái, vị tha chị vẫn cố gắng giành dụm để tặng 30 suất quà nhân dịp Tết Ất mùi 2015 cho nữ quân nhân ở quê hương Hưng Hà có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 10 triệu đồng. Còn bao sự sẻ chia nhân ái trong nghĩa tình đồng đội, từ cán bộ đến chiến sĩ Hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn mỗi khi đau ốm hoặc khó khăn đột suất tái phát vết thương phải điều trị, chị đều đến tận nơi thăm hỏi cụ thể, nhờ thế mà bệnh tình thuyên giảm và càng thêm tin yêu, gắn bó trong sinh hoạt Hội.
         Ngôi nhà nhỏ thân thương của chị cũng là địa chỉ tâm hồn và đáng tin cậy của đồng đội ba miền Bắc-Trung-Nam mỗi khi có dịp về Hà Nội hoặc những ngày tập trung của Hội Truyền thống Thông tin Trường Sơn những khi họp mặt và những buổi tham quan.
         Thật đáng quý biết bao tâm hồn của người lính giữa đời thường, chị đúng nghĩa là “nhịp cầu để nối những bờ vui” tình cảm của những người lính Trường Sơn năm xưa. Mặc cho thời gian biến đổi những bước thăng trầm của cuộc sống chị vẫn luôn thể hiện phẩm chất cao đẹp của người lính cụ Hồ, luôn miệt mài, khiêm tốn, cần cù, nhẫn nại, nhiệt tình không mệt mỏi, hết lòng vì đồng đội, vì sự vững mạnh và phát triển bền vững của Hội truyền thống Trường Sơn. Chị thường nói chuyện vui, giản dị rằng “Phần thưởng xứng đáng và niềm an ủi cao quý lớn lao nhất với chị bây giờ, cũng là tài sản vô giá đó là các con gái, con trai của chị đã khôn lớn, trưởng thành, học hành cơ bản, là những thạc sĩ, kĩ sư, cán bộ năng lực triển vọng có ích cho cuộc sống hiện tại” và chị luôn tâm niệm “hãy sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh mất mát lớn lao của bao đồng chí, đồng đội”.
           Chị là Nguyễn Thị Thu Yến hiện tại là phó Trưởng Ban liên lạc Toàn quốc, nữ chiến sĩ Trường Sơn- Phó Ban liên lạc của Hội Truyền thống Thông tin Trường Sơn đường Hồ Chí Minh hiện sống tại nhà số 56 đường Lê Trọng Tấn - phường La Khê - quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội.
                                                             Xưa kia liên lạc thông tin
                                                       Giờ đây liên lạc con tim nối liền

         Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét