15/12/16

Nhớ đến một nhà giáo dục

Có một bài thơ tôi được đọc đã lâu, mà càng khi có tuổi càng nhớ: “Gió thoảng, trăng trong, buổi mát trời / Ngủ quên, không dậy, việc thường thôi / Các con chớ giận không từ biệt / Cháu nhớ ông bà, ngày tháng trôi / Cái chính chỉ là một lời dặn: Giữ lòng trung hậu ở trên đời / Nhớ thương ghi tạc lòng cao cả: Tổ quốc bền lâu với đất trời”.
Bài thơ "Ngủ quên" - tác phẩm cuối cùng của cố Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy
Bài thơ có cái tên thật nhẹ nhàng: “Ngủ quên” để nói về cái chết “nhẹ tựa như lông hồng” theo cách cảm nhận của người xưa. Tác giả là nhà giáo Hoàng Đạo Thuý, người nếu còn sống thì đến tháng 11 này vừa tròn 110 tuổi (1900-2010). Cụ là một người Hà Nội chính gốc, ngụ ngay tại phố Hàng Đào. Thân sinh là cụ Cử Hoàng Đạo Thành, người đỗ đạt rồi cả đời làm giáo học và viết sách thành danh, nay có tên đặt cho một con phố ở Hà Nội. Chị là bà Cả Mọc lập hội Tế Sinh nổi tiếng một thời là người làm từ thiện ở Hà Thành được Cụ Hồ đến thăm hồi nước nhà mới độc lập. Còn con rể là GS Tạ Quang Bửu, một thời làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, được nể trọng là người thực học và trọng thực học.
Hoàng Đạo Thuý cùng Tạ Quang Bửu một thời nổi danh là hai vị huynh trưởng Hướng Đạo Sinh (Scout), một tổ chức giáo dục xã hội mang tính toàn cầu. Thời Cách mạng mới thành công, Hướng Đạo Sinh được Cụ Hồ nhận làm Hội trưởng Danh dự. Chính hai vị huynh trưởng này đã tạo sức hút để cả một thế hệ hướng đạo sinh Việt Nam “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, phát huy ưu trội trên lĩnh vực quân sự nhờ tính tháo vát và tình yêu nước mà người hướng đạo sinh được “chơi” từ tấm bé.
Xuất thân là nhà giáo, say mê với giáo dục con trẻ trong học đường cũng như ngoài xã hội, Hoàng Đạo Thuý dành một quãng đường dài tham gia xây dựng Quân đội Nhân dân với tư cách là người gây dựng và đào luyện nhiều binh chủng như thông tin, tham mưu, bản đồ, cơ yếu, vận tải, đảm nhiệm hiệu trưởng trường võ bị đào tạo sĩ quan lục quân từ khoá đầu tiên. Cụ Hoàng cũng được Cụ Hồ tin cậy giao làm Tổng bí thư Phong trào thi đua yêu nước thời kháng chiến chống Pháp...
Giám đốc trường võ bị Trần Quốc Tuấn Hoàng Đạo Thuý nhận lá cờ  Trung với nước, Hiếu với dân.
Đến khi đất nước tạm thanh bình, năm 1962, cụ lại được Nhà nước nhờ cậy trông nom một ngôi trường dành cho học trò là con em các dân tộc thiểu số. Cụ Thuý bắt đầu gõ đầu trẻ từ năm 1925 tại một trường vùng cao của tỉnh Cao Bằng, nay lại được giao làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Dân tộc Trung ương.
“Ngày Nhà giáo” năm nay xin thuật lại câu chuyện mà nhà giáo Hoàng Đạo Thuý viết trong tập bản thảo “Kể cho con cháu nghe” về việc nhận làm hiệu trưởng Trường Cán bộ Dân tộc Trung ương (nghe việc này Cụ Hồ bảo: “Thế là cụ lại trở về với cái nghề gõ đầu trẻ!”):
“Năm 1962, Bộ Quốc phòng cho tôi chuyển ngành vì đã có tuổi ở quân đội không tiện. Đồng chí Lê Quảng Ba nói: “Trường Cán bộ Dân tộc Trung ương làm to lắm, mấy nghìn học sinh lớn nhỏ các dân tộc mà tình hình xấu lắm. Mỗi lần đến, Bác Hồ phải kêu về vệ sinh, về giáo dục. Con gái chửa hoang, con trai ăn trộm. Bác bảo anh nhiều tài lắm, anh lại là thầy giáo cũ. Nhờ anh giúp chúng tôi”.
Đã dạy học 25 năm rồi. Bây giờ không thể chỉ vì cấp bậc mà không nhận. Tôi cho là 6 tháng có thể thay đổi được tình hình trường. Tôi nhận vì tính yêu trẻ, lại quý tấm lòng của Đảng với các dân tộc. Tôi định bí mật nghiên cứu đã, rồi hãy làm. Dựa cái xe đạp ở cửa phòng hành chính, rồi đi lang thang trong trường. Cái xe bị tháo hết phụ tùng mà tôi không nói gì. Cứ xem.
Trường to quá, đông quá. Trong một trường mà có tới 7 trường, học trò từ các bác học trường trung cao chính trị cho đến các em bé bốn, năm tuổi sống sót từ trong Nam đưa ra. Hỏi thì được biết: Học trò có lương, dù bé mà làm du kích cũng có lương cán bộ, học trò hay ăn lung tung, bắt chuột ăn, nhai cả lá; con gái ngủ bừa bãi, nhà trường đang trù một nhà trẻ cho con hoang của học trò. Ăn trộm trong trường, cả trong mấy trường lân cận. Mỗi năm vỡ 1500 mảnh kính. Nước tắc dềnh lên trong các nhà xí. Học trò nào cũng có dao, học trò lớn có cả giáo mác. Hay trốn đi chơi, coi thường giáo viên…”.
Tác giả kể rằng cơ ngơi nhà trường rất lớn, “thiết bị của nhà trường vào loại nhất Hà Nội. Đảng không từ chối gì cả”, vậy mà nhìn em nào cũng đăm đăm, đũng quần lúc nào cũng bê bết đất. Nghiên cứu kỹ, chẳng qua cả trường chẳng có một cái ghế công cộng nào. Giám đốc sắm ghế xi măng để khắp sân rồi hướng dẫn cách ngồi cho “lịch sự”, thế là các em quen dần. Rồi hướng dẫn các em tự tổ chức sửa sang sân vận động lúc này đã bị chia nhỏ làm vườn rau. Có sân vận động, hướng dẫn chơi bóng, chạy, nhảy… các em hiếu động có nơi để thoả thích... Cụ giám đốc kể tiếp:
“Những nghĩ cái chuyện ăn uống là chuyện to nhất!... Biết tổng quản lý là một đảng viên... rõ là người tốt. Hỏi: “Các em có được ăn quả không?” - “Ấy chết, ăn quả thì đi lỏng đấy!” - “Tôi là giám đốc mới đây. Tôi yêu cầu đồng chí mỗi ngày cho mỗi em một quả chuối hay 2 quả ổi!”. Tôi giải thích cho đồng chí ấy về cách ăn uống và vai trò của sinh tố... ”. Rồi củng cố nhà ăn, sửa sang vườn hoa, dọn dẹp vệ sinh, hút phân, diệt rệp v. v... “Đánh các trận từ nhỏ tới lớn. Bây giờ đã đến lúc có thể tính đến cái “luỹ” to nhất: Chuyện “trai gái”. Anh em bảo: “Bác làm cái ấy thì nó đâm bác đấy!”. Có thể thế thật, vì cái này động vào một trong hai sức “bản năng” nhất của con người. Nhưng không làm thì vứt đi cả cái công nghiệp của Đảng là cái trường này. Nửa số con gái chửa hoang thì còn học gì. Cứ xểnh ra là trai gái đã đưa nhau ra cái quán giữa đồng. Trù tiền làm trại trẻ rồi. Nhưng về sư phạm thì ức quá!
Không biết vì lý do gì mà nhà trường lại sắp các phòng ngủ nam và nữ một cách “cài răng lược”, xen lẫn nhau... Ai cũng tránh nói chuyện này vì ngại cái sức “rừng rú” của các con dao găm. Cuộc tấn công lớn, thì phải có chuẩn bị... Mục tiêu là các học sinh nữ. Trên cái cảm giác tốt ấy (nói đến việc diệt rệp nên học sinh ngủ ngon giấc), triệu tập tất cả học sinh nữ lên hội trường. Hỏi: “Các em có nhớ nhà không?”. Để các em nghĩ một lúc, để hình ảnh quê hương giúp ta. “Có nhớ bố mẹ không?”.
“Có chứ!” - “Nhớ thì chuẩn bị quà gì để biếu bố mẹ ngày trở về?” - “Cái này..., cái này... ” - “Tốt! Thế nhưng, không có quà nào bằng cái này…”. - “Cái gì, bác?” - “Cái này: Khi trở về các cháu thành kỹ sư, bác sĩ!”. Để một lúc cho các em nghĩ và thấy rõ cái vui ấy - “Đúng không?” - “Đúng, đúng rồi!” - “Nhưng mà, này các cháu ạ. Nếu một tay bế con, một tay dắt đứa nữa, thì còn học thế nào mà thành kỹ sư, bác sĩ được. Nếu các cháu cứ để họ lôi ra cái quán giữa đồng, thì đành chịu. Các cháu có “cứng rắn” được không?”.
Một em mạnh bạo nói: “Ở dân tộc, chúng cháu cứ 13 tuổi là ra rừng, không làm sao đâu. Sao bác cứ lo?” - “Bác lo lắm vì không giữ được thì không có quà tết cho bố mẹ các cháu, mà công phu của Đảng làm cái trường to nhất này cho các cháu hoá vô ích, mà Bác Hồ mỗi năm đến thăm các cháu cũng không vui”. Nói thế thôi để các cô suy nghĩ...
Rồi phải có tổ chức để giúp các em. Tách ra, trai gái ngủ khác nhà. Các ông nghe chuyện này mà “khiếp”. Các ông lo rằng không có sức nào ngăn được “bản năng”, “sinh lý”. Nhọc lắm, nhưng cũng phải làm. Lạ quá! Khó ở học trò không bằng khó ở các người lớn. Nhưng rồi cũng làm xong và quy định là học sinh nam nữ tha hồ gặp nhau và trò chuyện trong vườn hoa giữa hai nhà.   Đồng chí bảo vệ chạy đến báo một tin “Một học sinh nam đến nhà nữ!”. Giám đốc phải đi. Nhưng không phải đi bắt. Chỉ đến nơi, nhẹ nhàng hỏi: “Sao cháu lại đến đây?”... Ít hôm sau, xảy ra một chuyện lớn. Các ông cho là vì cách biệt trai gái. Hai đám, mỗi đám hàng trăm người, hầm hè rút dao ra. Giám đốc đi. Tay không. Bảo vệ nắm lại “Nguy hiểm lắm! bác ơi”. Thế thì làm thế nào. Cứ đi vào...
Thấy thầy vẫn tươi tỉnh, tự nhiên đi vào, các học trò dãn ra. Giám đốc hỏi: “Cả hai bên có phải cháu Bác Hồ không?” - “Phải” - “Thế thì tại sao lại cãi nhau. Giải tán thôi”. Sắp đánh giết nhau nhưng chỉ nói là “cãi nhau”, cho nhẹ đi. Cũng có thể nguy hiểm thật. Nhưng giải quyết bằng lực lượng có khi khó thêm nhiều. Rõ ràng là các cháu tốt lắm và cách làm đúng là làm cho các cháu tự trọng, tôn cái tốt của mình lên. Khó đến như trừ trộm cắp, các cháu còn làm được...
Có một cụ giáo già từ Huế ra, cụ bảo các cháu không học được đâu, vì bố các cháu không học. Tôi không đồng ý. Nhiều người Châu Phi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm là trường khó nhất ở Pháp. Có thể có một phần vấn đề “mầm”, vấn đề “gien”, nhưng có phương pháp thực tế, rèn lâu thời gian hơn thì vẫn đựơc. Các cháu bé dân tộc nhanh nhẹn, thông minh khác gì trẻ con Kinh... Ở đây, các cháu không có cha mẹ, không có gia đình, chỉ có thầy cô thôi. Thầy cô mà cho rằng các cháu không có “gien” được thế này là may rồi, thì nguy thật.
Vấn đề cơ bản nhất mà thầy giám đốc Hoàng Đạo Thuý lo lắng là chất lượng giảng dạy của các thầy cô giáo. Cụ kể: “Vào dự môt lớp chính trị, thầy nói một mạch cho tới hết giờ. Nhớ làm sao được? Suy nghĩ lúc nào? Hỏi thầy: “Đồng chí xem độ bao nhiêu em hiểu bài?”. Trả lời: “Chả em nào hiểu cả”. Đến dự lớp 9, thầy giảng “tỷ lệ xích” thao thao bất tuyệt. Nhác nhìn giáo án thì ra giáo án của thầy trước kia học ở Đại học Sư phạm. Cũng hỏi: “Đồng chí xem độ bao nhiêu em hiểu” - “Không em nào hiểu!” - “Sao lại thế?” - “Vì cái anh lớp 7 nó dạy kém quá”(!)...
Và câu chuyện cuối cùng: “Giám đốc 63 tuổi. Đảng uỷ phân công phụ trách thanh niên! Trường có 800 thanh niên, trình độ không kém, nhưng rõ ràng là không tự tin, tự cho mình là kém và cho rằng mọi người cũng coi mình kém”... Hoàng Đạo Thuý đã quyết định tổ chức cho các em lên Bắc Kạn thử sức bằng việc nhận làm một đoạn đường. Có phá mìn, san ủi, đắp nền... Tổ chức khéo nhờ phương pháp của hướng đạo, chăm lo ăn ở, văn nghệ làm các em vui, hứng thú lao động. Công trình hoàn thành, có hiệu quả kinh tế chia cho mỗi em một món để động viên. Kết quả: “Học sinh về vui lắm, gặp Giám đốc nói: “Về Tây Nguyên, chúng cháu sẽ mở nhiều công trường!”. Đó là một phần thưởng về thành công...
Tôi đã 64 tuổi. Ở trường ồn ào quá, mà phải để các em nói các em hát... Xin về nghỉ. Hai em gái Ba Na dệt cho một cái khố làm kỷ niệm. Hai cô làm 6 tháng mới xong. Đó là một “gia bảo” của tôi”.
Rồi một buổi sớm, khi đã ở tuổi 94, nhà giáo Hoàng Đạo Thuý như mọi ngày ra ngồi trên chiếc ghế xích đu, ngắm nhìn ngôi vườn nhỏ trên đất Thập Tam Trại (Đại Yên - Hà Nội) xưa, thế rồi cụ “ngủ quên, không dậy, việc thường thôi” y hệt như bài thơ mình đã viết.
Dương Trung Quốc (http://laodong.com.vn/)

Đăng bởi Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét