19/3/19

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Bản anh hùng ca của tình hữu nghị chiến đấu Việt Nam - Lào

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019), Ban biên tập trang tin Hội truyền thống Thông tin Hà Nội trân trọng giới thiệu bài viết về những năm tháng hào hùng của Bộ đội Thông tin Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tác giả Đại tá Nguyễn Đăng Đằng1.
Hội nghị Trung ương lần thứ 18 (tháng 1/1970 dự đoán Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc với quy mô, cường độ lớn hơn, mở rộng chiến tranh trên đất Lào, Camphuchia. Đồng thời với hy vọng làm giảm nhịp độ tiến công của ta trên chiến trường miền Nam… Mỹ - Ngụy có thể sử dụng binh lực với quy mô lớn đánh phá cắt đứt tuyến đường chi viện Trường Sơn…
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định khả năng Mỹ - Ngụy sẽ cắt tuyến chi viện chiến lược cả Đông, Tây, Trường Sơn ngay khu vực Đường số 9 bằng một cuộc hành quân quy mô lớn của các binh đoàn thiện chiến với công thức: Bộ binh (quân Ngụy Sài Gòn, Lào, Thái) cộng chỉ huy, hỏa lực và hậu cần của Mỹ để bảo vệ học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ”.
Đúng như dự đoán của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ngày 30/1/1971 Mỹ Ngụy cho quân đánh ra Đường 9 – Nam Lào, mở màn cuộc hành quân đại quy mô được mang danh “Lam Sơn 719”.
Chiến dịch Lam Sơn 719 “hay cuộc xâm lăng Hạ Lào” được phương Tây xem là bước ngoặt trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây cũng là chiến dịch tiến công cuối cùng tại Việt Nam của quân lực Mỹ tham chiến.
Đây là cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn có quy mô chiến lược lớn. Do vậy hai bên sử dụng lực lượng và trang bị kỹ thuật đủ mạnh để tác chiến.
Bộ Tổng Tư lệnh đã tổ chức: Bộ tư lệnh chiến dịch, cánh Đông có Binh đoàn 70, chính diện có Bộ tư lệnh Trường Sơn, hướng Tây có mặt trận Y cộng Sư đoàn 2 Quân khu 5.
Lực lượng tham gia chiến dịch của ta gồm có: 5 sư đoàn bộ binh (304, 308, 320, 324 và 2), 4 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo phòng không, một số tiểu đoàn đặc công và lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4, B5 và Bộ tư lệnh Trường Sơn.
Lực lượng của địch có: 15 trung đoàn, lữ đoàn bộ binh, dù, thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn thiết giáp (578 xe bọc thép), 21 tiểu đoàn pháo binh, 1.000 máy bay các loại với tổng quân số 55.000 (15.000 quân Mỹ trợ chiến), ngoài ra có 2 binh đoàn (GM30, GM33) quân phái hữu Lào phối hợp tác chiến.
Địch kết hợp cho bộ binh từ Đông Hà theo Đường 9 lên Sepôn và cho máy bay lên thẳng đổ quân xuống 3 cụm cao điểm Nam Đường 9 – Tây Trường Sơn. Phối hợp với quân ngụy Sài Gòn, 4 tiểu đoàn quân ngụy Lào từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan.
Chiến dịch diễn ra 3 đợt:
- Đợt 1: Từ 30/1 – 07/2/1971
- Đợt 2: Từ 08/2 – 11/3/1971
- Đợt 3 Từ: 12 – 23/3/1971
Chuẩn bị cho chiến dịch Bộ tư lệnh Trường Sơn được giao nhiệm vụ: Đảm nhiệm làm đường sá, thông tin, hậu cần, cơ sở vật chất kỹ thuật. Bước vào chiến dịch đường sá tốt, thông tin được đảm bảo đến tận đại đội, bộ đội được xe cơ giới chở đến tận nơi chiến đấu, hậu cần, vũ khí, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng đủ cho chiến dịch.
Ở cánh Đông Binh đoàn B70 chủ yếu là 3 sư đoàn: 304, 308, 320 đã thực hành phản công, tiêu diệt và bắt sống hầu như toàn bộ lực lượng bộ binh địch hành quân lên Trường Sơn theo Đường số 9. Đặc biệt Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 đã lập công xuất sắc, tiêu diệt Lữ đoàn dù số 3 quân ngụy Sài Gòn trên trận địa phòng thủ của địch, bắt sống đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ ở cao điểm năm 543.

Đại tá Nguyễn Văn Thọ (đi đầu), Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 bị bắt tại điểm cao 543 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Ảnh tư liệu
Ở cánh Tây, Bộ đội Trường Sơn chủ yếu là Sư đoàn 968 đã phối hợp cùng bạn Lào tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở Thác Hải, Nậm Lực, Nậm Tiếng, Keng Coọc giải phóng nhiều khu vực dân cư, Sư đoàn 2 Quân khu 5 phối thuộc vây lấn tiêu diệt Trung đoàn 1, Sư đoàn bộ binh ngụy ở điểm cao 723, đánh lên cao điểm 660 diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch.
Ở phía Nam: Binh trạm 41 phối hợp với Sư đoàn 324 Quân khu Trị Thiên tại các cao điểm 532, 540, 550 đánh và tiêu diệt nặng lực lượng của Sư đoàn Thủy quân lục chiến ngụy. Hỏa lực phòng không các binh trạm 41, 32, 33 vây bủa, bắn tan xác 40 trực thăng, những chiếc còn lại cuống cuồng tháo chạy. Sĩ quan binh lính địch tranh nhau bám càng máy bay để thoát thân.
Ngày 18/2/1971 đúng vào lúc ta và địch đang giành giật nhau từng mỏm đồi khe cạn… tại Bản Đông – Sê Pôn. Đài AFP đưa tin quân đội Việt Nam Cộng hòa đã chiếm được huyện lỵ Sepôn, đích cuối cùng của cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên gọi điện cho Bộ chỉ huy tiền phương BTL Trường Sơn tại huyện lỵ Sepôn đang sát cánh cùng cấp ủy chính quyền bạn suốt chiến dịch, biết địch đưa tin sằng bậy đã tìm cách “bịt miệng” chúng lại, đồng thời dạy cho chúng một bài học. Liền sau đó ít phút có điện của đồng chí Song Hào từ Bộ Tổng hành dinh gọi vào gợi ý nên cho ghi âm lời nói của đồng chí Bun Đi Chủ tịch huyện Sepôn. Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn cử người ghi âm tiếng nói của đồng chí Bun Đi đồng thời giao nhiệm vụ cho thông tin Trường Sơn cùng phối hợp với các đơn vị Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc chuyển tải băng ghi âm ra Hà Nội bằng hữu tuyến điện tải ba sớm nhất để phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Đúng bản tin tối ngày 19/2/1971 Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời của đồng chí Bun Đi Chủ tịch huyện lỵ Sepôn: “Thị trấn Sepôn chưa hề có một tên địch nào đặt chân đến. Bộ đội và nhân dân vẫn sẵn sang chiến đấu và làm ăn bình thường”, địch bị đo ván trong cuộc khẩu chiến này. Sau đêm đó, đài Sài Gòn, đài AFP không thấy đưa tin gì về Sepôn và Đường 9 nữa.
Trong 2 tháng diễn ra chiến dịch và tham gia chiến dịch. Tuyến đường vận tải chiến lược quân sự Trường Sơn chẳng những vận tải không bị tắc mà khối lượng hàng chuyển giao các chiến trường tăng gấp hai lần, thời gian đưa hàng đến đích cũng nhanh hơn, chỉ bằng nửa thời gian trước đó. Không khí đánh địch, làm đường, vận chuyển trên toàn tuyến chẳng khác gì ngày hội.

Trên đồi Không tên (chiến dịch Đường 9 - Nam Lào). Ảnh Đoàn Công Tính
Đúng là “lửa thử vàng”. Cuộc chiến đấu đầy máu lửa, hy sinh cũng chính là thứ thuốc thử nhiệm màu, làm ánh xạ những tố chất tinh túy của người lính Trường Sơn. Đó là khi Mỹ - Ngụy tung toàn bộ thê đội 2, lực lượng thiện chiến nhất vào tham chiến nhưng đều bất lực. Tình thế chiến trường cho phép chúng ta từ phản công chuyển sang tiến công, đánh bại hoàn toàn quân địch, kết thúc chiến dịch (đường xuyên Trường Sơn-P220).
Ngày 23/3/1971 chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào kết thúc toàn thắng.
Kết quả ta đã tiêu diệt: 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác. Loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo cối, thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, cối, hơn 2.000 súng bộ binh.
Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào đã đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ”, chôn vùi vĩnh viễn ý đồ ngăn chặn tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn cho chiến trường miền Nam.
Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào là thắng lợi tổng hợp sự lãnh đạo của Đảng về nghệ thuật quân sự, khẳng định một sáng tạo mới trong tổ chức xây dựng quân đội, tổ chức chiến trường và điều hành chiến tranh.
Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi mùa xuân chiến trường Đường 9 – Nam Lào năm 1971. Vinh danh những vị tướng chỉ huy tài danh, những anh hùng dũng sĩ… Nhớ và tri ân biết bao những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, đồng bào đã ngã xuống vì sự sống của con đường, vì sự toàn thắng của chiến dịch. Nhớ những chàng trai, cô gái Pa Cô trong âm vang bài hát Tiếng đàn Ta lư trên đường tải đạn và những nam nữ quân giải phóng Lào với những điệu múa lăm vông sau  những trận đánh.
Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào là bản anh hùng ca hùng tráng của tình hữu nghị chiến đấu Việt Nam – Lào.
Đại tá Nguyễn Đăng Đằng
Đăng bởi Quang Hưng
-------------------------------------------------------
1 Tác giả Đại tá Nguyễn Đăng Đằng nguyên là Chánh Văn phòng BTL Thông tin liên lạc, hiện là Ủy viên BLL Hội truyền thống Thông tin Hà Nội kiêm Chi hội trưởng Chi hội Truyền thống Thông tin Thanh Trì. Năm 1967 – 1975 đ/c là cán bộ Phòng Thông tin BTL 559, giai đoạn 1974 – 1975 là TMP Trung đoàn Thông tin 596/BTL 559.
- Bài viết có sử dụng tư liệu của:
+ Cuốn hồi ức “Đường xuyên Trường Sơn” của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
+ Cuốn Sự kiện và Nhân chứng - Nguyệt san Báo Quân đội nhân dân, số 207 (tháng 3/2011).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét