23/4/20

Sự cố lúc nửa đêm (số 1/2)

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban liên lạc Hội truyền thống Thông tin Hà Nội viết hồi ký, ký ức, những kỷ niệm sâu sắc trong đời lính Thông tin, đăng trên Blog nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Binh chủng 09/9/2020, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Sự cố lúc nửa đêm" của tác giả Vũ Lan – bút danh của đồng chí Hoa Ngọc Trụ, hội viên Chi hội Tây Hồ 2. Truyện ngắn được chia làm 2 kỳ kể về kỷ niệm đẹp của tình quân dân trong những ngày làm chiến sĩ tại Trung đoàn 205, đóng quân ở Hòa Bình trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.
   
Số 1/2
Pằng pằng...!  Pằng...! Pằng pằng...! Một tràng tiểu liên vang lên rất đanh giữa đêm khuya yên tĩnh của vùng rừng núi hẻo lánh đang chìm trong giấc ngủ. Đàn chim hoảng hốt, táo tác bay ra từ các lùm cây; tiếng chân người rầm rập; tiếng chó sủa ran ran; tiếng gọi nhau í ới… Tất cả tạo nên một bầu không khí hoảng loạn đối nghịch với sự trầm mặc bao la vô tận của rừng đêm, khiến cho ai đã từng chứng kiến không thể nào quên. Người lính đã xả tràng tiểu liên đêm ấy chính là Tôi – người đang hồi tưởng từ trong ký ức để ghi lại cảm xúc của mình cách đây đã hơn 50 năm.
Tôi còn nhớ, sáng sớm ngày 11 tháng 8 năm 1965, báo động Trung đoàn 205. Toàn đơn vị nhanh chóng sơ tán ra khỏi doanh trại, để phòng tránh máy bay Mỹ đánh phá. Trung đoàn đóng quân trên một diện tích rừng núi rất lớn, mà theo các “tham mưu con” thì bố thằng trinh sát Mỹ cũng không thể phát hiện ra. Có thấy chăng thì cũng không thể đủ bom đạn mà dải khắp rừng núi được.
Đại đội Ba Hữu tuyến chúng tôi bao gồm các trung đội Tổng đài, Tải ba, Điện báo, và Dây nội bộ, đóng quân rải rác nhiều điểm kéo dài đến 30 cây số, từ Quèn Chùa sang Kim Bôi. Trừ một số bộ phận phải đảm bảo thông tin liên lạc trong ca trực ở riêng trong các hang núi, số còn lại đều ở trong nhà dân. Đây là vùng dân tộc thuần gốc Mường. Không biết từ bao giờ, vùng đất này đã nổi tiếng là rừng thiêng nước độc với câu ca: “Yêu nhau cho thịt cho xôi, ghét nhau đưa tới Kim Bôi Hạ Bì”. Được nghe câu này từ lâu, và giờ đây tôi lại đang ở chính nơi ấy. Có lẽ đây là một trải nghiệm thú vị.
Cùng mấy anh em, tôi được phân công về ở nhà ông Thản, bà Dậu, nơi có bếp và nhà ăn của Đại đội. Người Mường gọi cha mẹ là Bố Mế. Ông bà chủ nhà đã lớn tuổi, nên chúng tôi cũng gọi ông bà là Bố Mế. Ông bà có bốn người con, con gái lớn đã lấy chồng; con gái thứ hai tên Hạnh và dưới nữa là hai cậu con trai. Hạnh 17 tuổi, có nước da trắng, khuôn mặt tròn xinh xắn, tóc dày, dài và óng mượt. Nói chung là ưa nhìn. Em ít nói, chỉ hay cười, đặc biệt là nụ cười bẽn lẽn, e ấp, rất có duyên. Bởi thế, mỗi buổi sáng vác ống bương ra giếng lấy nước, nàng là mục tiêu để các chàng lính trẻ soi ngắm, dướn mắt nhìn theo và kèm mấy lời rì rầm bình luận cho đến khi nàng khuất vào rặng cây bên suối.
Vừa đến hôm trước, hôm sau tôi được phân công vào ca gác. Lúc đó là 12 giờ đêm. Tôi nhận bàn giao từ ca trước rằng: “Có hổ mới về bắt lợn ở gần đây và hôm qua nhà bếp lại mất gạo, cần cảnh giác!” (chả là gần đây, nhà anh nuôi hay bị trộm hỏi thăm, có đêm trộm đột nhập đến hai lần, vác đi cả bao gạo 70 kg). Nhận ca xong tôi khoác súng đi đi lại lại trên các ngả đường trong khu vực đóng quân. Xong một lượt tuần tra, tôi tiến về phía nhà bếp. Trộm thì tôi không ngại mà ngán nhất là hổ. Chưa gặp hổ bao giờ, tôi hơi rờn rợn, liền xoay khẩu AK ra trước ngực, mở khóa an toàn, vào bếp tìm vị trí thuận tiện dễ bề quan sát. Đêm tháng Chín, trời tối đen như mực, im ắng lạ lùng, chỉ có tiếng chim Từ Quy thi thoảng phát ra những tiếng tít ti... tít ti khắc khoải, gọi bạn tình trên triền núi. Bỗng có tiếng “roạt...!” Tôi dựng tóc gáy, sởn gai ốc... Theo bản năng, lập tức tôi đặt tay vào vòng cò súng, rón rén, hướng ra phía có tiếng động. Bất ngờ vấp phải một chướng ngại vật, làm tôi ngã bổ chửng xuống đất... Thế là sự cố xảy ra!
Sau loạt đạn ấy, cả vùng rừng núi sôi lên sùng sục. Phút chốc bộ đội, nhân dân, ông già bà cả, người lớn trẻ con rầm rập, ùn ùn kéo đến, chẳng mấy chốc đã chật cả sân. Anh xã đội trưởng là con rể lớn của ông bà chủ nhà, không biết từ đâu đã nhanh chân chạy đến, cùng với đám dân quân lăm lăm súng, mác cầm tay, lơ láo, nhớn nhác. Lập tức một cuộc khẩn cấp kiểm tra hậu quả vụ nổ súng. Tất cả ngóc ngách xa gần đều được mọi người lục soát kỹ lưỡng. Chẳng thấy hổ đâu, chỉ có một con chó săn của chủ nhà nằm chết dưới chân hàng rào, máu me lênh láng; một con ngỗng lăn quay dưới gầm sàn còn đang ngáp ngáp; một liễn mỡ treo trên gác bếp vỡ tung tóe và.... cả chục chiến sĩ từ các trạm lẻ về học chính trị... không ai dính đạn. Thật hú vía!   
Rất nhanh chóng, bên phía gia đình chủ nhà do người con rể là xã đội trưởng làm đại diện cùng với Ban chỉ huy đơn vị dàn xếp vụ việc ở dưới gầm sàn nhà. Ngay những phút đầu tiên, tình hình đã cực kỳ căng thẳng giữa một bên rất gay gắt và bên kia lại rất nhũn nhặn, mềm mỏng. Phía gia đình cho rằng mình bị thiệt hại rất lớn, nhất là mất con chó săn. Nó là con vật quý hiếm, đã gắn bó với gia đình từ lâu, là tài sản rất có giá trị và đặc biệt đắc dụng trong việc mưu sinh, mất nó không gì có thể bù đắp được, cần phải được đền bù thỏa đáng.
Bên phía đơn vị bộ đội lại rất lúng túng, không biết phải đền bù thế nào cho hợp lý, hợp tình, mà vẫn đảm bảo đúng nguyên tắc, chế độ tài chính. Điều khó khăn nhất mắc ở chỗ không ai đủ căn cứ để xác định được giá trị thật của con chó săn là thế nào, để có phương án đền bù cho thỏa đáng. Giữa lúc tranh cãi còn đang gay gắt mà vẫn chưa có sự thống nhất thì Đại đội trưởng Trần Văn Toại nhỏ nhẹ xin phát biều. Ông nói với mọi người, như tự nói với chính mình. Trong giọng nói của ông, sau một hồi phân tích, toát lên một thái độ chân thành và cầu thị. Không khí cuộc họp đã có phần dịu hẳn đi. Anh con rể cũng tỏ ra thông cảm với những khó khăn của bộ đội và thể hiện thiện chí. Hai bên cũng tìm ra được một giải pháp tạm cho là hợp lý, dù còn nhiều lấn cấn, chưa thật sự đáp ứng được ý muốn của gia đình.
Tuy vậy, sau cuộc họp, thái độ của gia đình, nhất là bà chủ nhà vẫn tỏ ra rất gay gắt và không khoan nhượng. Không khí hai bên rất căng thẳng. Tình cảm Quân - Dân xấu đi một cách tệ hại. Điển hình nhất là bà chủ nhà cứ nhè mỗi khi bộ đội xếp hàng ăn cơm ở sân nhà mình là ra sinh sự. Bà tuôn ra xối xả vào mặt đám lính chúng tôi hàng tràng tiếng Mường, nào là “ma thoi... ma thoi...”, nào là “moong pắt... moong pắt...” (đồ chết toi, hổ bắt mày đi) và những tiếng gì gì nữa? Chịu! Chắc là đại loại như cái bài của các bà dưới xuôi, mỗi khi bị trộm, “của đau con xót” buông ra bài “khấn” mấy thằng đạo chích đột nhập vào nhà chôm chỉa con gà, con chó gì đó. Đoán thế chứ có ai đủ trình độ để mà dịch được một mớ tiếng Mường, của người đàn bà đang trong cơn bực tức tột độ kia phát ra những ngôn ngữ gì, chỉ biết rằng những lời ấy chẳng thể tốt đẹp hay ho gì. Những lời ấy rõ ràng là những lời đay nghiến cay độc và quyết liệt, khẳng định việc muốn tống khứ tất cả cái bọn “ôn dịch” ấy ra khỏi nhà bà cho khuất mắt. Không khí nặng nề, ảm đạm làm tắc nghẽn hẳn tiếng cười, tiếng hát như bình thường nó vẫn có ở lớp người trẻ tuổi.
Về phần mình, tôi đã chủ động gặp ông bà chủ nhà xin lỗi về sự việc đáng tiếc xảy ra, và hứa sẽ cùng đơn vị tích cực khắc phục hậu quả. Bản thân cũng tự làm bản kiểm điểm, thể hiện trách nhiệm của mình với gia đình và với bà con dân bản trong công tác dân vận, để lấy lại uy tín của mình và của đơn vị sau sự cố, và tự nhận mọi hình thức kỷ luật của quân đội 
Hôm sau, cả đơn vị đang ăn trưa, gã trực ban không biết có chuyện gì vui mà cao hứng cầm tờ báo ra hắng giọng: “Các đồng chí chú ý nghe trực ban đọc báo đây! Nhân dân Một Răng, Một Rắc ủng hộ chúng ta đánh Mỹ!” (?). Có một khoảng lặng rất ngắn để tất cả mọi người há miệng, tròn mắt ngạc nhiên, rồi bỗng chuyển nhanh thành một loạt tiếng cười ồ lên không ngớt. Anh chàng trực ban “mặt đực ra như ngỗng ỉa”, không hiểu chuyện gì nên hỏi dồn: “Sao...!? Có chuyện gì mà cười lắm thế?” Có những tiếng lao xao, lao xao, tôi liền trả lời: “Cười cái Một Răng Một Rắc của ông chứ còn cười gì nữa!”. Lợi dụng lúc đang nhốn nháo không ai để ý, có gã nào nghĩ ra trò đùa nhả liền xách cổ một con cún của chủ nhà, thả vào chậu canh chỉ còn lõng bõng nước, lính đang ăn dở. Con chó bất bình kêu ăng ẳng. Nó phản ứng bằng cách giãy, đạp đổ chậu canh, rồi nhảy phóc ra ngoài vẫy đuôi, quay quắt, rũ lông tít mù, làm bắn tung tóe nước canh vào mặt mũi quần áo những người xung quanh. Như chưa hả giận, nó dạng hai chân sau ra tè một bãi rồi mới chịu nhảy xuống khỏi bàn ăn. Quá ngán với cái trò đùa cợt nhả ma quỷ ấy, mấy người lắc đầu bỏ mâm. Tiếng cười càng rộ lên ngặt nghẽo, ngả ngớn, ngất ngất ra điều khoái chí lắm. Bỗng bà chủ nhà lững thững đi ra (!?) Tất cả im bặt, dò xét. Tay bà xách cái rá vo gạo rách, tay kia cầm chiếc nồi nhôm cũ mèm, méo mó. Mặt bà hầm hầm; miệng bà lầm bầm, tiến về phía cái vạc đựng nước vo gạo của nhà bếp. Rất tự nhiên, bà cúi xuống chao vớt rau dưa, cơm cháy, gạo tấm... tất tần tật những thứ nhà bếp bỏ đi có trong cái vạc. Vừa làm bà vừa nhả ra những tiếng “ma thoi, moong pắt...” càng lúc càng to, càng gay gắt hơn. Bà bực lắm bởi hôm nay lại có những tiếng cười đùa quá vô duyên của đám lính trẻ. Đám lính đang ăn thấy miệng đắng ngắt, tắc nghẹn trong cổ họng, không sao nuốt nổi. Đã có sự chuyển đổi trạng thái tình cảm từ chỗ đang vui thái quá, sang buồn bực một cách quá đột ngột. Hầu như tất cả bỏ đũa. Nghĩ mà nhục quá! Đã có nhiều tiếng sụt sịt trên các khuôn mặt ngân ngấn nước mắt. Và cũng có lời ra tiếng vào, xin Đại đội cho chuyển quân.
Ăn xong tôi lên gặp Đại đội trưởng nộp bản tự kiểm điểm và xin chịu mọi hình thức kỷ luật. Đại đội trưởng Trần Văn Toại, người thấp đậm, quê Hải Dương. Ông là ngưởi rất có uy tín và cũng là ngưởi chỉ huy cao nhất ở đây. Xem xong bản tự kiểm điểm của tôi, suy nghĩ giây lát, ông ôn tồn nói: “Bản tự kiểm điểm của đồng chí rất thành khẩn và cầu thị! Việc xảy ra tuy chỉ là sự nhỡ nhàng, sơ xuất, nhưng đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ quân - dân, đồng chí sẽ phải chịu kỷ luật. Đồng chí là Bí thư Chi đoàn, sau đây phải động viên đoàn viên cùng cán bộ chiến sĩ làm tốt công tác dân vận hơn nữa. Chúng ta phải chuộc lỗi lầm!”. Nói rồi ông tiến lại gần vỗ vai tôi: “Thôi đồng chí về đi, chúng tôi sẽ xem xét sự việc có lý có tình!”.
Tuy rất buồn, nhưng tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn bởi sự gần gũi và chân tình của ông. Với riêng sự việc của tôi gây ra, ông tỏ ra rất bình tĩnh, rất nghiêm khắc, và cũng rất cảm thông. Khi nghe một số anh em trong đơn vị đề xuất ý kiến cho chuyển quân, ông đã nói với mọi người rất chân tình như người anh nói với các em, như người cha nói với các con bằng chất giọng rất trầm ấm, nhưng rõ ràng, mạch lạc, và dứt khoát: “Chúng ta không đi đâu cả, phải ở đây cho đến khi nào...”. Giọng ông bỗng trùng hẳn xuống và, đột ngột dừng lại, với vẻ mặt đầy căng thẳng. Tôi hiểu ông đã rất xúc động và muốn nói điều gì.
Từ khi có sự cố lúc nửa đêm, mối quan hệ giữa chủ nhà và bà con dân bản với đơn vị chúng tôi thật là tồi tệ. Đi đâu chúng tôi cũng chỉ gặp những tiếng lầm bầm, những khuôn mặt hằm hằm, những cái nhìn ghẻ lạnh của dân bản. Cũng từ lúc ấy mới vỡ ra một điều rằng, cánh lính trẻ chúng tôi đã quá vô tư. Tuy cả nước đang có chiến tranh ác liệt, đau thương khốn khó trăm bề mà chúng tôi vẫn có đủ cơm ăn, áo mặc, cho dù một số sinh hoạt có khó khăn eo hẹp.
Tình hình địa phương, do đơn vị chúng tôi vừa chuyển đến, chưa nắm bắt được cụ thể hoàn cảnh đồng bào. Ở đây đang thời kỳ giáp hạt. Thóc trong từng nhà đã hết, lúa trên nương chưa ra đòng, sắn mới trồng, ngô chưa ra bắp... hỏi trông vào đâu để hằng ngày tìm ra miếng ăn cho được? Tôi cũng đã nhìn thấy trên các triền đồi những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, lom khom, trên đôi chân lòng khòng, đôi tay khẳng khiu (giống như cái bóng dáng của mẹ tôi ở nhà), đang mê mải đào bới trên nền đất đồi khô cằn, để lôi lên từ cái lỗ bé tẹo, hút sâu hàng mét, từng mẩu củ mài chỉ nhỏ bằng chuôi dao, gãy vụn. Trên các nương sắn, người ta cũng moi lên những củ? Không! Đúng hơn là những cái rễ cây sắn chỉ  như ngón tay. Thức ăn chủ yếu hàng ngày chỉ có rau chuối và măng luộc. Vậy thì cái cảnh bà chủ nhà của chúng tôi hàng ngày phải dày mặt ra vớt ở cái vạc nước gạo, để chắt chiu lấy từng cọng rau, từng hạt cơm rơi vãi, phải bỏ đi của bộ đội, rồi thêm thắt nắm rau rừng mang về nấu cho cả nhà ăn, có làm cho đại đội trưởng và các chiến sĩ chúng tôi động lòng hay không? Kể cả cái việc bà cứ nhè vào bữa ăn mà kể lể, mắng nhiếc đám lính đã được ăn no, lại còn rửng mỡ cười đùa ngay bên nỗi khổ của dân thì cũng là điều dễ hiểu. Tôi chạnh lòng nghĩ tới mỗi lần đơn vị đi lấy gạo ngoài kho của huyện, phải khiêng vác đến chồn chân, mỏi gối, vai đau ê ẩm đến cả tuần lễ. Những lúc đó ai cũng chỉ muốn vứt bớt đi cho nhẹ cái thân, chứ có ai nghĩ được rằng, những hạt gạo chúng tôi lấy về, đã thấm đẫm mồ hôi nước mắt của bà con dân bản ở đây làm ra, rồi đóng thuế cho Nhà nước để nuôi chúng tôi từng bữa, từng ngày?
Ngay sau cái đêm xảy ra sự cố, Đại đội trưởng đã triệu tập cả đơn vị họp khẩn cấp nhằm tìm ra biện pháp hữu hiệu khắc phục. Sau khi thông báo tình hình thiếu đói rất gay gắt của bà con dân bản, ông đã đưa ra quyết định, cả đơn vị từ nay sẽ không ăn bữa sáng, tiết kiệm triệt để, dành lương thực giúp dân chống đói. Ông vừa dứt lời thì tiếng vỗ tay rào rào dậy lên không ngớt. Và chỉ trong khoảng gần nửa tháng, đơn vị chúng tôi, được sự hưởng ứng rất tích cực của cả Trung đoàn, đã tiết kiệm được đến vài tấn gạo, thông qua huyện sở tại, gửi về cứu đói cho bà con dân bản. Hành động kịp thời và hiệu quả ấy đã nhanh chóng làm thay đổi hẳn cách nhìn của bà con với bộ đội.
Chi đoàn Thanh niên chúng tôi cũng có nhiều buổi giao lưu gắn kết với Chi đoàn Thanh niên địa phương do Hạnh làm bí thư và đóng góp xứng đáng vào thành công của đơn vị. Công tác dân vận vốn là thế mạnh của tôi nên sau khi xẩy ra sự cố, tôi không ngần ngại, e dè mà càng gần gũi chia sẻ, tâm sự với ông bà chủ nhà, giúp đỡ các em và tất nhiên cả với Hạnh. Đã từng làm công tác Đoàn ở địa phương và đơn vị, tôi có thể dễ dàng truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm cho em. Tình cảm giữa chúng tôi từ chỗ xa cách, lạnh nhạt sau sự cố xảy ra, nay đảo chiều ngược lại để có điều kiện phát triển nhanh chóng hơn. Đó cũng là lúc đơn vị chúng tôi chuyển nhà công vụ ra rừng để bảo mật công việc, còn đại đa số anh em vẫn ở nhà dân như cũ.
Thấy bộ đội đào đất đắp nền chuẩn bị làm nhà, các bố mế kéo nhau đến hỏi han rồi bảo nhau, ngưởi góp mấy cây bương, bó nứa, người mang đến chục tấm tranh lợp mái. Chẳng mấy chốc nếp nhà mới đã dựng xong.
Mùa Đông sắp qua, mùa Xuân sắp tới, những chiếc lá vàng cuối cùng trên cây đã rời khỏi cành, thia lia trước gió để những lớp chồi non, lá mới lên xanh ngút ngàn rừng núi. Cảnh sắc bản làng đã đổi thay. Từng vạt khói lam tỏa lan trên các mái nhà khi chiều về, để từ đó nức lên mùi thơm của cơm gạo mới. Vẻ ấm no, hạnh phúc hiện rõ trên từng khuôn mặt rạng rỡ của người già, hớn hở của trẻ thơ. Trên cành cây trước cửa nhà tôi, có đôi chim cu đứng sát vào nhau, xù lên tấm chăn lông dày xốp. Chúng còn âu yếm rỉa lông, rỉa cánh cho nhau thật tình tứ.
Vũ Lan
(Còn nữa)
Đăng bởi Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét