30/4/20

Sự cố lúc nửa đêm (số 2/2)

(tiếp theo và hết)
Tết năm ấy thật vui! Trước Tết cả chục ngày, các bố, mế vào từng nhà, đon đả mời chào bộ đội ăn Tết nhà mình, mà lại mời phải đến từ ngày mồng Một (chứ không phải ngày mồng Ba như tục lệ). Bà chủ nhà chúng tôi không chỉ mời nhiệt tình, mà còn tỏ ra rất áy náy, ngượng nghịu về những việc đã qua và mong được bỏ qua chuyện cũ. Cả đám lính chúng tôi cảm ơn và rất xúc động trước lòng vị tha của gia đình và tất cả bà con trong thôn bản.
Vì là Bí thư Chi đoàn, tôi phải cùng Ban chỉ huy đơn vị đi chúc Tết đại biểu chính quyền, đoàn thể địa phương và được cử đại diện cho đơn vị ăn Tết ngay chính nhà bà chủ, tôi đã từng gây họa và bây giờ đang còn ở. Tôi mừng và cũng lo lắm. Mừng vì mối bất hòa giữa dân và quân đã hết; lo vì không biết phong tục tập quán của người Mường trong ngày Tết ra sao, sợ lại lỗi phép với dân.
Đúng ngày mồng Một Tết, mới mười giờ sáng, bố mế chủ nhà đã lao xao mời mọc. Mâm đã dọn, rượu đã rót. Tôi và anh bạn (tên Cành) được mời vào mâm. Theo phong tục Mường, ai có vợ rồi thì bà chủ nhà tiếp, ai chưa vợ thì con gái đến tuổi lấy chồng tiếp. Đương nhiên tôi sẽ là người được cô con gái “rượu” quý hóa vừa mới lớn của ông bà chủ nhà tiếp chu đáo rồi. Hạnh ngồi cạnh tôi. Em hôm nay dịu dàng, tha thướt trong bộ áo váy mới, đẹp như một bông hoa rừng tỏa hương thơm ngát và có sức quyến rũ diệu kỳ, khiến cho lòng tôi càng thêm rộn ràng phấn khích.
Đã biết rằng ăn Tết với đồng bào dân tộc thì chắc chắn phải uống rượu, không thể không uống, mà cái tài uống rượu của tôi thì thuộc loại “bẹt”, nghĩa là một hớp thì “con chấy cũng phải say” cả tuần. Tốt nhất là “quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy”, tôi thủ túi một chiếc khăn mặt bông Trung Quốc, để uống vào rồi lại “thải” ra ngay, khỏi lo quá chén. Nhưng thật lạ, anh em chúng tôi cứ tợp vài hớp thì chủ nhà lại rót vào cho đầy tràn; tợp càng nhanh thì chủ nhả cũng rót vào càng nhanh, nên cái chén của tôi không bao giờ cạn được. Đúng là “rượu nhạt uống mãi cũng say”, đằng này lại là rượu không nhạt, thì say cũng là quá phải. Chiếc khăn tôi mang theo đã ướt đẫm. Tôi lén vắt thử xuống mâm mà chẳng thấy ai phản ứng gì, liền đánh bạo vắt qua khe sàn nhà cho chảy hẳn xuống đất. Hành vi của tôi được mọi người lờ đi cho qua, và tôi nghĩ cái sự “cho qua” đó như là một sự cảm thông và thiện chí của chủ nhà. Tuy vậy, mặt tôi đã nóng bừng bừng mà vẫn chưa được thôi uống. Hạnh nhìn tôi ra điều ái ngại lắm, nhưng vẫn cứ phải liên tục rót rượu vào chén của tôi, theo đúng phong tục địa phương. Thật “đáng ghét !”
Cuộc vui kéo dài từ mười giờ sáng, thông trưa, đến chiều. Cái anh Cành ngồi cạnh không biết có “võ” gì mà vẫn tỉnh như sáo, còn tôi thì đã quá bí tỷ, nên chẳng thể vui được mà đã chuyển sang buồn từ lâu rồi, nhưng vẫn phải làm ra vẻ vui tươi. Chẳng có cái gương nào để soi, tôi tự nghĩ cái bộ mặt của tôi chắc đã đỏ lựng lên. Cái cười của tôi chắc đã chuyển từ cái “chất” chân thành, thoải mái, tự tin lúc đầu sang cái “chất” gượng gạo, giả dối và mệt mỏi. Cái miệng của tôi chắc là đã méo mó tệ hại và đáng ghét lắm? Thế mà em vẫn miệt mài, cần mẫn, nhiệt tình rót vào chén cho tình cảm tràn trề. Thật khổ cho cái thân tôi !
Bỗng “ợ...!”, biết rằng sắp có sự cố nghiêm trọng, tôi lảo đảo đứng dậy. Hạnh ngồi kề bên theo dõi cẩn thận, không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào của tôi.  Gạt qua mọi e ngại, ngay lập tức nàng bám theo. Em ôm lấy tôi, dìu ra phía cái sạp ở đằng sau. Tuy đã rất say, nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra cơ thể của tôi và của nàng đang dính chặt vào nhau. Đôi tay và khuôn ngực đầy đặn, êm ấm, phập phồng của em phải vất vả lắm mới giữ cho cái vai, cái đầu của tôi đỡ rung lên, đỡ phá phách, để cố tầy ra cho đỡ xấu hổ, vì cái sự yếm thế của kẻ mày râu, đang sa cơ lỡ bước, bị gái tơ “chân yếu tay mềm”, dùng cơ bắp khống chế, buộc phải phục tùng. (Rõ thật không biết dơ lại còn sĩ diện rởm!). Nàng cố gắng ôm chặt lấy tôi và tôi cũng quài tay ra sau bám chắc lấy nàng. Không biết còn lý do nào không, hay chỉ để hai đứa đừng mất thăng bằng mà rơi từ trên mặt sàn xuống đất thì... Eo ôi! Không có cái mẹt nào để che cái bản mặt của tôi! Nhưng càng cố khống chế và bị khống chế, thì hình như cả hai đứa càng cảm thấy có cái gì đấy thích thú đến kỳ lạ, cần khám phá, nên cứ dùng dằng, dùng dằng mãi?
Cuối cùng tôi cũng phải nôn ra, nôn hết, nôn sạch cái thứ chất lỏng hỗn hợp xuống đất. Khiếp quá! Mồ hôi toát ra đầm đìa. Nhẹ cả người! Tôi mệt rũ ra, lảo đảo đứng dậy, thầm cảm ơn em đã rất tinh ý và có hành động kịp thời, cứu nguy cho tôi một bàn thua trông thấy. Nếu chỉ chậm thêm vài giây thôi, thì không biết cơ sự sẽ như thế nào nữa. Tuy vậy chắc nàng sợ tôi ngã nên vẫn cứ ôm chặt lấy tôi. Và tôi cũng cứ ngoan ngoãn để yên như vậy (thì mình đang ở vị thế yếu hèn nhất thời mà lị!). Thế rồi hình như cả hai đứa đã nhận ra điều gì rất khó tả. Hơi thở của nàng phả vào gáy tôi nóng hầm hập. Tôi chợt nghĩ không thể cứ ôm nhau mãi thế này được, lỡ ra... có ai đó... nên quay mặt lại và cũng đúng lúc nàng vội buông tôi ra. Bất giác tôi thoáng thấy nàng rất lúng túng, tay run lập bập cuốn lại cạp váy cho gọn ghẽ. Có lẽ vì mải ôm giữ cho cơ thể tôi được cố định nên nàng đã vô tình để xổ ra mà không kịp quấn lại chăng? Cả hai sau khi đã sửa lại trang phục, cùng ngẩng lên nhìn nhau ngượng ngùng bối rối.
Cả chiều hôm ấy đến sáng hôm sau, tôi nằm mê mệt, chẳng thiết ăn uống gì. Ông bà chủ nhà cứ luôn miệng nhắc nhở mọi người trong nhà đi lại nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ “để cho anh bộ đội táy” (là ngủ). Còn Hạnh thì cứ tất bật, lúc thì giã búp lá dong vắt lấy nước cho tôi uống, lúc lại xì xụp nấu cháo dỗ tôi ăn. Thỉnh thoảng nàng lại khép nép, sẽ sàng ngồi xuống, ý tứ đặt tay lên trán xem tôi có sao không. Tôi thầm nghĩ, mình chỉ quá say thôi chứ có cảm sốt gì đâu. Tôi trộm ngắm nhìn em, với mái tóc đen dày, óng mượt xõa ra, che nửa khuôn ngực đầy đặn, chỉ để lộ ra một mảng cổ thanh thoát, trắng mịn màng như ngọc ngà. Lần đầu tiên được một người con gái chăm sóc tận tình, trống ngực tôi rộn ràng, loạn nhịp. Tôi đánh bạo nắm lấy cổ tay tròn lẳn, trắng hồng, ấm nóng của em. Như chạm phải điện, em giật thót tay lại, vội quay mặt đi, như muốn tránh ánh mắt có lửa của gã con trai trước mặt, nhưng vẫn ngoan ngoãn để yên tay em trong bàn tay to chắc và vụng về của gã. Chưa đủ, tay kia của nàng gượng gạo, lóng ngóng giơ lên, như cố che giấu khuôn mặt đang đỏ dần dần, nghiêng nghiêng, thẹn thùng, trông lại càng hấp dẫn. Tôi cũng lập bập hỏi em: “Bố mế... còn.. còn giận anh không?”. Vẫn không quay mặt lại, nhấm nhẳng, nàng đáp: “Chăng!” (là không). Thấy em có vẻ êm xuôi, tôi mạnh bạo tấn công: “Có thích... à... à... có yêu anh không?”. Quay mặt lại, nàng lí nhí đáp trống không: “Đã biết rồi còn hỏi!”. Tự nhận thấy mình cũng rất lúng túng, tôi hỏi:  “Hình như anh... ăn nói vụng về lắm... phải không?”. Nàng bẽn lẽn: “Anh... chỉ hay... rụt rè thôi! Rồi bỗng nhiên hoạt bát hẳn lên, nàng nhẹ nhàng, từ tốn: “Ngay từ lúc anh mới đến, em đã thích nghe anh nói. Cả bây giờ, lúc nào em cũng thích nghe anh nói”. Ngừng một lát nàng lại tiếp: “Em còn thích nghe anh hát bài gì nhỉ... à bài gì có câu “Ai về Thủ Đô tôi gửi vài lời, Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó...”. Chắc lúc đó anh nhớ nhà lắm phải không? Có lần em nấp sau cánh cửa buồng nhìn ra và nghe anh hát bài ấy và nhiều bài khác nữa”. Chà! “ún” (em) này cứ tưởng hiền lành nhút nhát mà cũng ranh ma thật! Kiểm soát hết mọi hành vi của mình mà mình chẳng hề hay biết gì! Nhưng không sao!
Theo Điều lệnh Quân đội, bất kỳ khi nào và ở đâu, mối quan hệ giữa quân và dân cũng rất được coi trọng . Đi dã ngoại ở trong nhà dân thì đơn vị lại càng chú trọng tới chuyện này hơn. Điều đó thì tôi đã rõ và cũng rất chú ý giữ gìn. Tuy nhiên, sau một nguyên cớ hi hữu, tình cảm giữa tôi và Hạnh được nảy nở, hình thành và phát triển rất tự nhiên. Kể từ sau cái trận say bí tỉ, rồi lại được em gần gũi săn sóc tận tình, và đặc biệt là lần đầu tiên trong đời, tôi đã dám “dũng cảm” vượt qua rào cản vô hình để cầm tay một cô gái và lại được em ưng thuận là chuyện chưa từng có trong đời. Cũng kể từ khi ấy mỗi lúc hai đứa vô tình hay cố ý gặp nhau, trong ánh mắt đều mang lại những cảm xúc lâng lâng, thú vị.
Tôi và em đã có những lần kín đáo hẹn hò trên cái chòi trông thú ở giữa nương ngô, nơi cách nhà, ngược lên chừng hơn trăm mét. Ở đó, hai đứa được tự do gần gũi, tâm sự cho nhau nghe những câu chuyện bâng quơ chẳng ra đầu ra cuối. Ở đó, em không phải ngượng ngùng, để ngả đầu vào ngực, thủ thỉ kể cho tôi nghe chuyện gia đình, chuyện địa phương... và cũng để cho tôi được tự do đưa bàn tay ấm nóng của mình lên, rờ lau những dòng nước mắt nóng hổi trào ra trên khuôn mặt của em, bởi xúc động và lo lắng cho tôi vể sự cố vừa xảy ra. Ở đó, hai đứa tin tưởng tự nguyện dâng hiến cho nhau những tình cảm yêu thương nồng nàn chưa từng có, khiến con tim chúng rạo rực. Ở đó, bản năng sinh vật nhiều khi trỗi dậy mạnh mẽ, lấn át cả lý trí, buộc nó chiều theo ý muốn bản năng. Nhận biết được nguy cơ đó nên tôi đã rất tỉnh táo, làm chủ được hành vi, để không sa xuống vực thẳm, mà trong thực tế không ít người sa ngã.  
Thế rồi, có một hôm ông bố Hạnh đột nhiên gọi tôi và bảo: “Anh này, con Hạnh nhà tôi nó muốn chồng rồi đấy. Nếu anh “háo” (muốn) nó thì tôi cũng đồng ý. Tôi rất thông cảm với bộ đội nên chỉ bắt ở rể một năm rưỡi thôi! Nghe đến đây tôi rụng rời cả chân tay. Bố già tinh thật! Tuy quan hệ giữa tôi và Hạnh được cho là rất kín đáo (chủ yếu để đối phó với công tác dân vận) mà cũng không thể giấu được cặp mắt rất tinh tường của bố Hạnh. Lại còn “thông cảm” chỉ “bắt ở rể một năm rưỡi thôi”.
Tôi khấp khởi mừng thầm vì những cố gắng của đơn vị và của cá nhân đã được gia đình và bà con dân bản ghi nhận. Tình cảm và mối quan hệ quân - dân đã được củng cố và giờ đây đang trở nên rất bền chặt. Bằng cớ hùng hồn nhất là bố mế chủ nhà đã rất ưu ái, chủ động gợi ý và sẵn sàng chấp nhận một “tên tội đồ” như tôi làm con rể.
Ngay từ khi đơn vị mới sơ tán đến đây, các bộ phận đều phải rất khẩn trương triển khai thành một Tổng trạm Thông tin, sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Có những lần tôi được thấy những cán bộ đã luống tuổi (chắc là cấp cao), vận thường phục quần áo súp, chân đi dép lốp cao su, ngồi bên bàn mải mê đọc, viết gì đó, như một ông nông dân mang dáng trí thức, đang làm việc ngay dưới gầm nhà sàn của mình, lát lát lại quài tay ra vớ lấy tổ hợp chiếc điện thoại bàn, quay số gọi đi đâu đấy để hỏi, bàn về một việc nào đấy. Bắt gặp cảnh đó, tôi thường có ý dừng lại từ xa để ngắm nhìn các bác với tấm lòng ngưỡng mộ và kính trọng đặc biệt. 
Chẳng mấy chốc đã qua mấy tháng đơn vị rời doanh trại “ra ở riêng”. Một số bộ phận đã tự làm được nhà khang trang, thoáng mát và thụ hưởng nền nếp sinh hoạt tương đối tự do thoải mái. Trọng tâm là công tác bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”, được cấp trên đánh giá cao. Công tác huấn luyện đã đi vào nền nếp và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Mọi việc đang đi vào ổn định, tạo nên bầu không khí vui tươi phấn khởi trong đơn vị. Đêm tối đen như mực, cả đơn vị im lìm trong giấc ngủ. Thời gian đang chuyển dần vể sáng. Chỉ vài tiếng nữa thôi là một ngày mới lại bắt đầu.
Bỗng tuýt tuýt...! Tuýt...! Tuýt tuýt...! Tuýt...! Báo động! Tiếng còi sắc lẹm xé toạc màn đêm, đánh thức cả đơn vị vùng dậy. Từ trong các hầm dã chiến, xe đặc chủng đồng loạt rầm rầm nổ máy, ngất ngưởng bò ra. Trên mình xe nào cũng khoác tấm áo lưới cài kín cành lá ngụy trang, như một lùm cây di động. Cặp đèn rùa le lói, chỉ vừa đủ soi rõ một lối mòn cho xe di chuyển ra khỏi cửa rừng. Trừ các khí tài cồng kềnh và các trang bị có trọng lượng lớn cùng với gạo nước, xoong nồi lỉnh kỉnh được chất lên xe tải. Những trang bị cá nhân theo người, nhanh chóng ra vị trí tập hợp chỉ trong ít phút. Đại đội trưởng khẩn trương phổ biến nhiệm vụ chuyển quân.
Ôi! Thật là đột ngột! Tôi không hề biết về cái lệnh oái oăm này, không hề có một sự chuẩn bị nào. Nhưng, nếu như tôi biết về nó, thì dù rất muốn, tôi cũng không thể báo cho Hạnh biết, bởi như thế, tôi sẽ phải đối mặt với một hình thức kỷ luật nữa cực kỳ nghiêm khắc. Đã là lính, nhất là trong thời chiến thì ai cũng phải biết điều đó, dù Hạnh có trách thì cũng đành chịu vậy.
Tập hợp xong, chúng tôi hàng một hành tiến. Trên lối mòn dẫn ra đường lớn, phía trước, tôi thấy có nhiều đuốc sáng rực cả góc trời. Tôi thật ngạc nhiên. Kiểu này máy bay địch phát hiện thì chỉ có no đòn, chết không kịp ngáp! Trực ban nhanh chóng chạy lên hét lớn: “Tắt đuốc đi...! Tắt đi...!”.
Thì ra bà con dân bản rất tinh ý, bằng cách nào đó, họ đã biết trước việc đơn vị chuyển quân, nên đã truyền tai nhau cái thông tin tối mật ấy. Không biết ai đã tiết lộ ra, hay tổ anh nuôi sơ ý trong việc chuẩn bị hậu cần, để dân biết, nên họ kéo nhau đi đưa tiễn. Hai bên con đường mòn dẫn ra đường quốc lộ, bà con đứng chen chúc, chật chội, ồn ào, náo nhiệt hẳn lên. Trên tay ai nấy đều ôm khư khư những gói, bọc to tướng. Từ đó tỏa ra mùi thơm của xôi nếp và của thịt luộc. Ấy là chỉ nom thấy qua ánh đèn pin lấp loáng thôi, chứ trời còn tối lắm. Cả đơn vị nhất quyết không ai nhận quà của bà con. Ai cũng biết cuộc sống của họ còn quá khó khăn, lại vừa trải qua trận “đói vàng mắt” đến nỗi cực chẳng đã, có người phải làm cái việc “đói ăn vụng, túng làm càn”. Nhưng rồi anh nuôi cũng phải gánh theo một gánh khá nặng mới được bà con thông cảm, thôi níu kéo mà cho đi.
Đúng là “Trong cái rủi có cái may”. Chính do có sự rò rỉ thông tin, để bà con dân bản biết việc chuyển quân, nên cánh lính trẻ chúng tôi mới được tận mắt thấy tấm lòng của bà con dân bản với bộ đội, thấy cái “Tình cá - nước quân - dân” là như thế nào, chứ không phải chỉ nghe ai nói, hay đọc trong sách báo. Không biết có nơi nào trên thế giới như thế không, hay chỉ ở ta mới có như vậy?
Em nhớn nhác chạy đến bên tôi. Qua ánh đèn, tôi thoáng đọc thấy vẻ mặt đăm chiêu, hờn dỗi của em. Chẳng biết thanh minh thế nào, tôi lặng lẽ kéo em ra bên đường, tách khỏi hàng quân, vào một chỗ khuất. Em gục đầu vào tôi thổn thức. Như sực nhớ điều gì, em choàng ra, ấn vào tay tôi một gói nhỏ bọc trong khăn mùi xoa và dặn: “Không được mở ra bây giờ!”. Tôi ngoan ngoãn nghe theo và cất vào túi ba lô. Không kìm nén được xúc động, em ôm chầm lấy tôi mà nấc lên từng hồi. Trong cái se lạnh của mùa Xuân, nước mắt của em tuôn trào, ướt đẫm vai và cả vùng ngực áo của tôi. Trời ơi! Không biết có cách nào lưu giữ được mãi mãi những giọt nước mắt nóng hổi, chảy ra từ trái tim đang hừng hực yêu của em? Chợt em ngẩng lên, khe khẽ đọc câu thơ: “Mình về thành thị xa xôi / Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?” (Việt Bắc - Thơ Tố Hữu). Nghe tiếng lòng của em, tôi xúc động tột cùng, tay run run nâng cằm em lên và nhẹ nhàng đặt lên môi nàng một nụ hôn cháy bỏng mà không dám mở lời. Người lính trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, sinh mạng chỉ mỏng manh như con ong cái kiến, ai có thể dám chắc rằng mình tránh được “hòn tên mũi đạn” của kẻ thù ở nơi sa trường.   
Xung quanh chúng tôi vẫn đang lao xao, hối hả trong cảnh người đi kẻ ở chào nhau tíu tít. Một hồi còi dài rúc lên. Tôi và em nắm chặt tay nhau, dùng dằng, nấn ná, để rồi cũng phải rời xa nhau... Em ngẩng lên nói trong đứt đoạn: “Anh đi... giữ gìn... sức... sức khỏe...! Đừng quên... vùng quê này... đừng quên... đừng quên... em... nha...!”
Tôi và em chia tay nhau mà không thể biết có khi nào gặp lại. Nhìn dấu bưu điện đóng trên những chiếc bì thư nhàu nát, lấm lem vừa gửi đến, rồi so với ngày nhận, đã thấy thông tin qua lại trong chiến tranh khó khăn như thế nào. Nhiều khi chỉ có thư đi mà không có thư lại. Em ở bản Mường cứ ngóng trông, còn tôi cứ mải miết hành quân, cứ đi, cứ đi... cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Phong tục người Mường, con gái lấy chồng rất sớm. Quả đúng thế! Ngày  hòa bình, tôi về thăm lại bản Mường của em sau gần mười năm xa cách, chỉ thấy cảnh, mà không thấy người. Tôi bần thần đứng lặng hồi lâu. Em đã yên bề gia thất ở nơi đâu!?
Cho đến bây giờ, dù đã hơn năm mươi năm, mỗi khi chợt nhớ đến em, tôi lại giở cái gói nhỏ “Không được mở ra...” lúc chia tay, để ngắm nhìn món kỷ vật tuy đơn sơ, giản dị, nhưng nó được kết tinh và tạo nên từ máu thịt của em. Bởi thế, nó cực kỳ thiêng liêng với tôi. Dù đã qua nhiều năm tháng, qua nhiều vùng quê, nhưng tôi vẫn không thể quên được em, cũng như không thể quên được bản Mường tuy nghèo khó, đơn sơ mà giàu lòng nhân ái và thân thương của em.
Vũ Lan
Viết tháng 11 năm 2014
Chỉnh lý tháng 2 năm 2020
Đăng bởi Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét