30/6/20

Ký ức về tổng đài điện tử kỹ thuật số đầu tiên

Thiếu tướng Nguyễn Như Khánh
Nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc
Năm 1992, trong một lần xuống kiểm tra và làm việc với Lữ đoàn 205, Tư lệnh Nguyễn Chiến thông báo với chúng tôi chủ trương của Binh chủng đã được Bộ Quốc phòng cho phép nghiên cứu đổi mới mạng liên lạc điện thoại phục vụ cơ quan Bộ. Tư lệnh còn kể lại ý kiến của Tổng Tham mưu trưởng Đào Đình Luyện nhiều lần nói với đồng chí, mong muốn bằng cách nào đó ngồi một chỗ có thể nói chuyện trực tiếp với người chỉ huy các cấp trong toàn quân. Đồng chí Tư lệnh gợi ý Lữ đoàn nên chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án báo cáo Bộ tư lệnh, vì chẳng ai hiểu rõ thực trạng cũng như yêu cầu phục vụ cơ quan Bộ như Lữ đoàn. Quả thật, liên lạc điện thoại từ cơ quan Bộ đến các đơn vị đầu mối trong toàn quân khi đó hết sức gian khổ. Liên lạc đường dài phải qua chuyển tiếp nhân công của các tổng đài từ thạch và hệ thống tải ba trên đường dây trần ở phía Bắc, hệ thống viễn thông liên kết (ICS) ở phía Nam. Đường dây trần nhiều mối nối do bị kẻ gian cắt phá, máy tải ba cũ không còn làm việc ở chế độ điều chỉnh tự động nên hiện tượng ù, xạo, nhiễu xảy ra thường xuyên làm người nghe rất khó chịu. Chuyển tiếp nhân công chậm do phích giắc cũ, mòn, tiếp xúc kém, nhân viên phục vụ do làm việc căng thẳng dễ sinh cáu gắt, gây ức chế cho người được phục vụ liên lạc. Liên lạc trong nội bộ Sở chỉ huy cũng như với các đơn vị khu vực Hà Nội cũng chẳng hơn gì, do hệ thống cáp, dây, máy lẻ cũ nát không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tư lệnh, chúng tôi hết sức phấn khởi bắt tay triển khai ngay công việc. Khi hội ý chỉ huy, đồng chí Nguyễn Việt Phiên Lữ đoàn trưởng giao cho tôi, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng cùng cơ quan Tham mưu triển khai thực hiện ý định của Tư lệnh. Tôi họp Phòng Tham mưu, quán triệt nhiệm vụ, phân công Ban Hữu tuyến điện nắm chắc lại thực trạng số, chất lượng mạng cáp, dây, máy lẻ của Lữ đoàn, còn tôi với đồng chí Ngô Văn Sơn, Phó Tham mưu trưởng Tác chiến sẽ tìm hiểu thông tin về sự phát triển công nghệ viễn thông trên thế giới và trong nước tại thời điểm đó. Chúng tôi có thuận lợi là hai anh em đều được đào tạo chuyên ngành hữu tuyến điện tại Trường Đại học Kỹ thuật quân sự, tôi tốt nghiệp khóa 3, Ngô Văn Sơn khóa 10. Sau đó, khi tôi đi học lớp quản lý kinh tế bưu điện ở Leningrad năm 1987-1988 lại gặp đồng chí Ngô Văn Sơn đi học sau đại học về kỹ thuật thông tin liên lạc tại Học viện Thông tin Cờ đỏ của quân đội Liên Xô cũng ở Leningrad năm 1987-1989. Khi về nước, với cương vị Phó Phòng Tác chiến Binh chủng, tôi lại có nhiều dịp làm việc với đồng chí Ngô Văn Sơn, Phó Tham mưu trưởng Tác chiến Lữ đoàn 205. Đến cuối năm 1991, tôi được Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ đảm nhận chức vụ Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 205, mối quan hệ công tác giữa chúng tôi càng thêm gắn bó.
Trong giai đoạn tìm hiểu thông tin, một mặt chúng tôi tìm đọc các tài liệu về thiết bị viễn thông kỹ thuật số để bổ sung thêm kiến thức, mặt khác lập kế hoạch tham dự các buổi hội thảo do các hãng viễn thông nước ngoài giới thiệu và liên hệ để tham quan thực tế. Tôi còn nhớ, buổi hội thảo đầu tiên do các đồng chí ở Phân viện Viễn thông, Viện Kỹ thuật Quân sự mời chúng tôi tham dự được tổ chức ở Nhà khách Bộ Quốc phòng (33 Phạm ngũ Lão) do một doanh nhân người Đài Loan giới thiệu với sản phẩm là dòng tổng đài DIMENSION. Đây là loại tổng đài cơ quan (PABX), liên lạc nội bộ là chủ yếu, gọi ra mạng ngoài bằng trung kế một chiều, công nghệ một phần kỹ thuật số (digital), một phần kỹ thuật tương tự (analog), thiết bị đã qua sử dụng nên giá rẻ. Sau đó chúng tôi còn được đưa lên Bưu điện Sóc Sơn là nơi triển khai tổng đài này để tham quan thực tế. Nhìn tổng đài 500 số chỉ nhỏ gọn như cái tủ đầu giường của sĩ quan, khi gọi nội bộ chất lượng rất tốt chúng tôi đã mừng nhưng khi quay số gọi về Hà Nội phải qua bộ chuyển đổi (interface) thì lại phập phù, lúc được lúc mất. Thôi, hãy biết thế, chúng tôi tự nhủ, cần tiếp tục tìm hiểu thêm.
Vì có nhiều bạn trong lớp quản lý kinh tế bưu điện Leningrad đang giữ trọng trách ở Tổng cục Bưu điện và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) nên chúng tôi nhanh chóng cập nhật được tình hình phát triển mạng viễn thông dân sự với các thiết bị của hãng Alcatel (Pháp), Ericsion (Thụy Điển), Siemens (Đức), Hàn Quốc. Được biết tại Bưu điện Bờ Hồ đã lắp đặt tổng đài trung tâm OCB-283 của hãng Alcatel và một trong những tổng đài vệ tinh đang triển khai tại Bưu điện Từ Liêm, chúng tôi liên hệ xin tham quan. Khi tham quan tổng đài trung tâm Bưu điện Bờ Hồ, chúng tôi được anh Thành (một kỹ sư đã được hãng Alcatel đào tạo và phụ trách kỹ thuật suốt từ khi triển khai tổng đài đến thời điểm đó) trực tiếp hướng dẫn và giải đáp cặn kẽ tất cả những câu hỏi của chúng tôi. Cho đến lúc này, chúng tôi hiểu rõ thêm cấu trúc của tổng đài công cộng (PUBLIC) kỹ thuật số thường bao gồm một tổng đài trung tâm (OCB) và một số tổng đài vệ tinh (CSND) để cự ly cáp nối từ máy lẻ đến tổng đài dưới 5km mới đảm bảo chất lượng. Kết nối giữa tổng đài trung tâm với các tổng đài vệ tinh có thể bằng vi ba hoặc cáp quang với giao thức kết nối luồng. Vì là tổng đài kỹ thuật số, điện áp cung cấp cho các card tổng đài chỉ 5V nên yêu cầu độ ổn áp rất cao, yêu cầu chống sét, chống bụi và giữ nhiệt độ môi trường làm việc của tổng đài trong giới hạn cho phép hết sức nghiêm ngặt. Qua anh Thành chúng tôi còn nắm được những ưu điểm vượt trội của tổng đài Alcatel so với các hãng khác là phần mềm rất mạnh, xử lý rất linh hoạt các yêu cầu của người sử dụng nhưng cũng đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo kỹ. Có một điều khiến tôi còn băn khoăn khi thấy phòng máy bưu điện quy mô đồ sộ với dung lượng thuê bao lên đến hàng vạn liệu có phù hợp với yêu cầu của thông tin quân sự?
Điều băn khoăn của tôi được giải đáp khi chúng tôi tìm đến anh Nguyễn Bá Thước, Giám đốc Công ty COKYVINA, Công ty chuyên nhập khẩu thiết bị của VNPT. Anh Thước giới thiệu với chúng tôi sản phẩm tổng đài Alcatel 1000E10 compac có tính năng tương tự tổng đài đã triển khai ở Bưu điện Bờ Hồ, chỉ khác là dung lượng tối đa chỉ 5000 số. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã nhập một tổng đài loại này để phục vụ công tác giảng dạy.
Thông qua các cơ quan chức năng của VNPT, chúng tôi cũng nắm được quy hoạch trang bị của các đồng chí: Hà Nội sẽ phát triển các tổng đài Alcatel, sẽ thành lập cơ sở bảo đảm kỹ thuật liên doanh với Alcatel, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển dòng tổng đài EWSD của hãng Siemens (Đức), các tỉnh khác trước mắt phát triển tổng đài Hàn Quốc, khi có điều kiện sẽ thay bằng tổng đài Alcatel hoặc Siemens, tổng đài cửa ngõ quốc tế dùng của hãng Ericsion, tổng đài TRANZIT mạng liên tỉnh dùng của Hàn Quốc.
Từ những thông tin tìm hiểu được, chúng tôi xây dựng phương án, thảo luận kỹ với các đồng chí trong Ban Hữu tuyến điện và đi đến kết luận cần đổi mới toàn bộ mạng tổng đài khu vực Hà Nội. Tổng đài trung tâm đặt trong thành Hoàng Diệu phục vụ cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục; một tổng đài vệ tinh đặt ở Bạch Mai phục vụ Quân chủng Phòng không - Không quân; một tổng đài vệ tinh đặt ở Sở chỉ huy Quân khu Thủ đô phục vụ Quân khu Thủ đô, Bộ tư lệnh Biên phòng, Viện Quân y 108; một tổng đài vệ tinh đặt ở Học viện Quốc phòng phục vụ các đơn vị phía Tây bao gồm: Học viện Quốc phòng, Viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự, Binh chủng Hóa học, Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Binh chủng Công binh, Binh chủng Pháo binh, Viện Quân y 354 và một số đơn vị của Bộ tư lệnh  Biên phòng, Tổng cục 2, Tổng cục Kỹ thuật; một bộ tập trung thuê bao đặt tại Binh chủng Thông tin liên lạc (Sở chỉ huy T-5). Dung lượng cụ thể từng tổng đài, tôi giao cho Ban Hữu tuyến điện khảo sát kỹ, xin ý kiến phòng Tác chiến Binh chủng để báo cáo sau nhưng tổng số thuê bao (tính cả dự phòng) không quá 5000 số. Kết nối giữa tổng đài trung tâm với các tổng đài vệ tinh bằng vi ba, với bộ tập trung thuê bao bằng cáp quang. Chọn loại tổng đài 1000E10 compac của hãng Alcatel (Pháp) vì nằm trong quy hoạch của VNPT và có liên doanh Alcatel hỗ trợ bảo đảm kỹ thuật khi cần. Về mặt đối tác, cũng đảm bảo để không có vấn đề nhạy cảm về chính trị trong điều kiện Mỹ chưa bỏ cấm vận. Chúng tôi thông qua phương án trong nội bộ chỉ huy và cơ quan Lữ đoàn, sau đó chính thức đăng ký báo cáo Bộ tư lệnh Binh chủng. Trong suốt quá trình tìm hiểu, hình thành phương án, tôi tranh thủ một vài buổi tối sang nhà đồng chí Tư lệnh Nguyễn Chiến ở cùng khu tập thể Ngọc Khánh để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo. Trong hội nghị thông qua phương án do Tư lệnh Nguyễn Chiến chủ trì, vì hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn, được chuẩn bị kỹ và trình bày ngắn gọn, mạch lạc, nên báo cáo của Lữ 205 đã nhanh chóng tìm được sự nhất trí cao của Thủ trưởng Bộ tư lệnh và các cơ quan chức năng Binh chủng. Ngày 9-9-1992 Bộ tư lệnh ra văn bản giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị triển khai tổng đài kỹ thuật số tại Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng trong thành Hoàng Diệu với dung lượng, cấu hình, chủng loại, đối tác như đề xuất của Lữ đoàn 205.
Sau khi được Bộ tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ, chúng tôi với sự sắp xếp của Công ty COKYVINA đã có một số buổi làm việc với đại diện thương mại hãng Alcatel tại Việt Nam, ông Cascarino thông qua cô Hằng làm phiên dịch. Tại các buổi làm việc, chúng tôi đưa ra nhu cầu và các yêu cầu cụ thể, hỏi thêm những vấn đề chưa rõ. Đại diện Alcatel tập hợp ý kiến của chúng tôi, trao đổi với các chuyên gia của Hãng ở Pháp, chính thức đưa ra bản chào hàng rất chi tiết, là cơ sở hình thành nội dung phần kỹ thuật của bản hợp đồng mua bán để chúng tôi báo cáo Bộ tư lệnh. Đến tháng 10-1992 khi được Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ, Tổng công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (SIGELCO) tiến hành đàm phán về thương mại với ông Cascarino. Tháng 1 - 1993, sau khi báo cáo Binh chủng và Bộ Quốc phòng, bản hợp đồng mua tổng đài Acaltel 1000E10 compac được ký chính thức giữa SIGELCO và Alcatel. Tôi còn nhớ trước khi đặt bút ký, anh Phạm Ngọc Điệp Giám đốc SIGELCO còn yêu cầu tôi đọc kỹ và ký muỗi vào tất cả các trang thuộc phần kỹ thuật để chịu trách nhiệm trước Bộ tư lệnh Binh chủng và Bộ Quốc phòng. Tôi vui vẻ thực hiện và thông cảm với anh vì SIGELCO không tham gia từ đầu.
Trong thời gian này, với nhiệm vụ tổng thầu xây lắp của Bộ tư lệnh giao, chúng tôi phải huy động toàn lực các cơ quan Lữ đoàn tham gia nghiên cứu quy hoạch, thiết kế, dự toán toàn bộ mạng cáp chôn, cáp treo, hệ thống tiếp đất; xây mới, cải tạo vỏ trạm để báo cáo cấp trên phê duyệt. Khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc rất mới mẻ như: các thủ tục xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật theo đúng đơn giá nhà nước ban hành tại thời điểm đó; cách thức xây dựng hợp đồng mua bán; thủ tục xin cấp phép đào rãnh, bể cáp; thủ tục xin treo nhờ cáp trên cột điện lực v.v. Áp lực công việc rất lớn nhưng ai cũng hăng say vừa học vừa làm nên chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Ngày 13-3-1993 theo thỏa thuận trong Hợp đồng, được phép của Bộ Quốc phòng và Binh chủng, Lữ đoàn cử 4 đồng chí cán bộ kỹ thuật (Thiếu tá kỹ sư Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn Nguyễn Hòa Bình, Trung úy tốt nghiệp Cao đẳng Thông tin Ulianốp - Liên Xô Lê Dũng, Thiếu úy kỹ sư Trần Đức Thọ, Thiếu úy kỹ sư Vũ Duy Hùng) do đồng chí Nguyễn Hòa Bình làm trưởng đoàn sang Pháp học cách quản lý khai thác tổng đài điện tử kỹ thuật số Acaltel 1000E10 compac.
Trong thời gian này, thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng và Binh chủng, Lữ đoàn đã sắp xếp lại tổ chức biên chế, bỏ cấp tổng trạm, chuyển đổi thành các tiểu đoàn trực thuộc Lữ đoàn. Cán bộ chủ trì Lữ đoàn về quân sự có sự thay đổi, anh Nguyễn Việt Phiên - Lữ đoàn trưởng được điều động lên Binh chủng làm Trưởng ban ĐT-92 (là tổ chức lâm thời giúp Bộ tư lệnh triển khai mạng tổng đài kỹ thuật số), tôi được bổ nhiệm Lữ đoàn trưởng, anh Lương Bá Quát được bổ nhiệm Phó Lữ đoàn trưởng Tham mưu trưởng, anh Ngô Văn Sơn được bổ nhiệm Phó Lữ đoàn trưởng quân sự. Cán bộ chính trị ổn định, anh Nguyễn Mạnh Tiến Phó Lữ đoàn trưởng Chính trị, anh Trần Đăng Tân, Chủ nhiệm Chính trị. Về tổ chức đảng cũng có sự thay đổi, Thường vụ Đảng ủy Binh chủng chỉ định tôi là Phó Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn (trước đó là Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra), chỉ định anh Trần Đăng Tân là Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Đội ngũ cán bộ chỉ huy các tiểu đoàn được kiện toàn, chuyển đổi và phát triển từ tổng trạm, trung tâm lên. Đảng ủy Lữ đoàn chủ trương phải nhanh chóng ổn định tổ chức và xây dựng nền nếp làm việc mới, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong đội ngũ cán bộ cơ quan và chỉ huy các cấp để đón nhận nhiều nhiệm vụ nặng nề sắp tới. Tiểu đoàn 75 do đồng chí Vũ Anh Văn Tiểu đoàn trưởng, Lương Anh Tùng Phó Tiểu đoàn trưởng Chính trị, Lê Minh Hải Phó Tiểu đoàn trưởng Quân sự được tăng cường một phần lực lượng của Tiểu đoàn 76 với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật tập trung triển khai mạng cáp chôn, cáp treo, hệ thống dây đất của tổng đài điện tử  kỹ thuật số. Phòng Hậu cần Lữ đoàn giám sát nhà thầu thi công xây mới vỏ trạm, cải tạo một số hạng mục doanh trại Tiểu đoàn 75.
Cuối tháng 7-1993, khi thiết bị đã được tiếp nhận đầy đủ, Hãng cử một chuyên gia phần cứng và một chuyên gia khai báo phần mềm sang Việt Nam, cùng với 4 đồng chí cán bộ kỹ thuật của Lữ đoàn đã được đào tạo tại Pháp triển khai lắp đặt tổng đài. Các tủ tổng đài được dựng lên, các card mạch được cắm vào, hệ thống cáp kết nối chạy bên dưới sàn giả và đấu vào phía sau các ngăn tủ cùng với giá phối dây nối tổng đài với mạng cáp ngoài lần lượt được triển khai, trông thật gọn gàng đẹp mắt. Các tủ phối, nắn nạp nguồn điện và hệ thống ắc quy kín khí cũng hiện đại, gọn gàng, khác xa với các thiết bị trước đây chúng ta có. Tất cả các phòng thiết bị đều sáng choang, mát lạnh nhờ hệ thống chiếu sáng, điều hòa được triển khai theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Hãng. Chuyên gia kiểm tra kỹ các tiêu chí an toàn trước khi nối điện vào thiết bị. Sau khi thông điện lại phải thực hiện các bài test kiểm tra đúng như quy trình đã mô tả trong tài liệu. Công việc của chuyên gia phần cứng hoàn tất, chuyên gia phần mềm mới bắt tay vào cài đặt, khai báo phần mềm để tổng đài hoạt động được. Công cụ làm việc của chuyên gia này là một chiếc máy tính xách tay và rất nhiều đĩa chứa các phần mềm. Khi gặp vướng mắc, chuyên gia phần mềm liên hệ điện thoại hoặc fax với trung tâm hỗ trợ kỹ thuật khu vực của Hãng đặt tại Ma-lai-xi-a. Quan sát hai chuyên gia làm việc, tôi thực sự ấn tượng với hiệu suất, hiệu quả và tính chuyên nghiệp của họ.
Một kỷ niệm nữa cần nhắc lại là chuyện xin quỹ số cho tổng đài để hòa mạng viễn thông quốc gia. Tôi còn nhớ sau nhiều lần xin làm việc với Ban Viễn thông, Cục Điện chính, Tổng cục Bưu điện không được vì các đồng chí rất bận, một buổi tối tôi và anh Ngô Sơn mò đến nhà anh Phan Mạnh Quang, Trưởng ban Viễn thông ở khu tập thể Trương Định. Sau khi thăm hỏi xã giao, tôi báo cáo với anh Quang tiến độ tổng đài đang triển khai và đặt vấn đề nhờ các anh giúp để tổng đài có thể hòa vào mạng viễn thông quốc gia. Mới đầu anh Quang nghĩ đơn giản chỉ cần cấp cho chúng tôi một quỹ số thuộc kho số của Bưu điện Hà Nội là xong. Nhưng khi nghe tôi trình bày thêm đặc thù của mạng viễn thông quân sự, dung lượng không lớn so với mạng dân sự nhưng bao phủ toàn quốc với cấu trúc của hệ thống chỉ huy quân sự khác với hệ thống hành chính của dân sự, dưới Bộ Quốc phòng là các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các sư đoàn, vùng hải quân, các bộ chỉ huy quân sự tỉnh, yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và tính cơ mật cao, trong tương lai mạng viễn thông quân sự phải là mạng viễn thông độc lập, anh Quang đã có suy nghĩ khác. Xem lại bảng mã vùng của Bưu điện, anh cân nhắc chọn được mã vùng 69 cho quân sự và còn nói thêm sau này khi Công an có nhu cầu sẽ dùng chung mã vùng này luôn. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với phương án của anh nêu ra. Anh yêu cầu chúng tôi về làm công văn gửi sang Tổng cục Bưu điện xin cấp mã vùng 69 cho mạng viễn thông quân sự. Tất nhiên Lữ đoàn không đủ tư cách soạn công văn mà phải là Binh chủng. Chúng tôi báo cáo lại với Tư lệnh và đồng chí đã chỉ thị cho cơ quan triển khai ngay. Chờ mãi không thấy công văn của Tổng cục Bưu điện phúc đáp, tôi sốt ruột gọi điện hỏi anh Quang thì được biết Ban đã báo cáo Cục Điện chính nhưng Cục chưa nhất trí, lại phải giải trình kỹ về đặc thù của mạng thông tin quân sự để các đồng chí hiểu và chấp thuận, Ban đã giao cho trợ lý chuyên phụ trách quỹ số Nghiêm Xuân Tịnh soạn công văn để Thủ trưởng Tổng cục trả lời Bộ tư lệnh Thông tin và thông báo cho các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Bưu điện phối hợp thực hiện. Ngay tối đó, tôi và anh Ngô Sơn lại phải đến nhà riêng anh Tịnh đốc thúc vì ngày khánh thành đã cận kề mà tổng đài vẫn chưa có tên thì làm sao mà hòa mạng được. Thế rồi mọi việc cũng xong xuôi, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm!
Ngày 1-9-1993 Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng tổng đài điện tử kỹ thuật số đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đặt tại Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng/Bộ Tổng Tham mưu trong thành Hoàng Diệu. Thời tiết đầu thu mát mẻ, ánh nắng vàng rực rỡ, thật là trời phù hộ cho chúng tôi. Từ sáng sớm chúng tôi đã có mặt ở Tiểu đoàn 75 để kiểm tra lần cuối mọi công tác chuẩn bị và giao nhiệm vụ cho các thành phần đại diện cho Lữ đoàn và Tiểu đoàn 75 dự lễ khánh thành theo quy định của Binh chủng.
Thượng tướng Đào Đình Luyện - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Đặng Văn Thân, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và các đồng chí đại diện Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng đầu tư, Sở Bưu điện Hà Nội, đại diện các tổng cục, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, học viện và cơ quan Bộ Quốc phòng đã đến dự lễ khánh thành.
Đại tá Nguyễn Chiến - Tư lệnh Binh chủng báo cáo quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 205 cùng sự giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan Nhà nước, chuyên gia của Tổng cục Bưu điện và chuyên gia nước ngoài góp phần vào việc hoàn thành lắp đặt tổng đài điện tử kỹ thuật số đầu tiên của Quân đội đạt chỉ tiêu kỹ thuật và đúng tiến độ đề ra.
Sau khi cắt băng khánh thành, đồng chí Đào Đình Luyện và đồng chí Đặng Văn Thân đã kiểm tra thiết bị, gọi điện thoại đến một số tỉnh, quân khu, quân đoàn ở xa (những nơi có đặt máy bưu điện). Đồng chí Đào đình Luyện nhận xét: "xa vậy, mà nói như người bên cạnh”.
Để sử dụng có hiệu quả tổng đài điện tử kỹ thuật số T78b, Lữ đoàn phải tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng nền nếp chính quy ngay từ đầu.Trước hết phải kiện toàn tổ chức biên chế đơn vị quản lý tổng đài, huấn luyện nhân viên khai thác và đội ngũ cán bộ quản lý các cấp; xây dựng mới quy trình điều sửa dây máy lẻ; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý mạng cáp, dây máy lẻ. Trang bị mới dụng cụ sửa chữa dây máy lẻ, thống nhất quy trình triển khai dây máy lẻ chính quy, đảm bảo mỹ thuật dù triển khai ở nơi làm việc cũng như nhà riêng. Quy định chiến sỹ dây máy lẻ phải đeo biển tên, máy điện thoại phải dán tem, số máy phải in và dán đúng vị trí quy định. Tổ chức hội thi “Điện thoại viên thanh lịch”, “Quy trình triển khai, thu hồi, sửa chữa dây máy lẻ” tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Lữ đoàn.
Tháng 12-1993, tổng đài vệ tinh Bạch Mai do cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 205 tự triển khai không cần đến sự trợ giúp của chuyên gia đã được khánh thành. Tiếp đó 1994 triển khai tổng đài vệ tinh Quân khu Thủ Đô, năm 1995 triển khai tổng đài vệ tinh Học viện Quốc phòng, hoàn tất hợp đồng tổng đài điện tử kỹ thuật số khu vực Hà Nội ký với hãng Alcatel. Duy chỉ có hạng mục triển khai bộ tập trung thuê bao ở Sở chỉ huy T5 của Binh chủng Thông tin không thực hiện do Bộ tư lệnh quyết định triển khai tổng đài EWSD tại T579.
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Như Khánh – Lữ trưởng 205 báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp tình hình đơn vị.
Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương và căn dặn cán bộ Binh chủng và Lữ đoàn 205.
Ngày 2-6-1995, chúng tôi còn vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Lữ đoàn. Tháp tùng Đại tướng có đồng chí Nguyễn Chiến, Tư lệnh Binh chủng và đồng chí Đoàn Minh Chức, Phó Tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng ủy Binh chủng. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình chung của Lữ đoàn, Đại tướng đã đi thăm Trạm máy tính ở cơ quan Lữ đoàn, thăm Trạm tổng đài điện tử kỹ thuật số T78b trong thành Hoàng Diệu. Đại tướng tỏ ra rất hài lòng trước những đổi mới trang bị thông tin liên lac quân sự nhưng vẫn căn dặn chúng tôi chớ chủ quan thỏa mãn, đất nước ta còn nghèo và trình độ khoa học công nghệ còn tụt hậu xa so với thế giới, các đồng chí phải nỗ lực học tập nâng cao trình độ hơn nữa để tiếp tục tiến lên trên con đường hiện đại hóa. Lời căn dặn của Đại tướng được thấm nhuần sâu sắc đối với thế hệ chúng tôi và cần tiếp tục quán triệt đến đội ngũ cán bộ chiến sỹ hiện nay để Binh chủng chúng ta tiếp tục tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong sự nghiệp xây dựng Binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại./.
Tháng 6-2020
Đăng bởi Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét