24/2/15

Lên đường hạnh phúc



Lên đường hạnh phúc


Hồi ký của đồng chí Hoàng Đạo Thúy

BBT - Nhân dịp tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của Bộ đội Thông tin liên lạc (9/9/1945 - 9/9/2015), Ban biên tập Blog Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội xin trân trọng giới thiệu cuốn hồi ký "Lên đường hạnh phúc" của cố Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy. Cuốn hồi ký cho ta một bức tranh đầy khó khăn nhưng vô cùng oanh liệt của ngành Thông tin trong những ngày đầu Kháng chiến. Nội dung của cuốn sách không chỉ giới hạn trong khoảng thời gian 1945-1960 mà còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Hồi ký "Lên đường hạnh phúc" được đồng chí Hoàng Đạo Thúy hoàn thành năm 1985.

Cuốn sách do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Diệp cung cấp.





Những nét chính
về tiểu sử đồng chí Hoàng Đạo Thúy

Đồng chí Hoàng Đạo Thúy sinh năm 1900 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Lũ (nay là xã Đại Kim, quận Thanh Trì, TP. Hà Nội). Thân phụ đồng chí đã treo ấn từ quan về nhà viết sách để tỏ thái độ bất hợp tác với thực dân Pháp.
Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Hà Nội năm 1920, đồng chí làm giáo viên tiểu học và hăng hái hoạt động thanh niên, thể dục thể thao, truyền bá quốc ngữ. Đồng chí có ảnh hưởng lớn trong giới thanh niên. Đồng chí đã là:
- Hội trưởng Hội Thể dục Bắc Kỳ năm 1930.
- Tổng ủy viên hướng đạo Đông Dương (1929 – 1945).
- Tổng thư ký Hội Tế Sinh năm 1932 – 1945.
Năm 1940, Đảng đã cử các đồng chí Hoàng Văn Thụ và Trần Đăng Ninh liên lạc với đồng chí để lôi kéo tầng lớp thanh niên, trí thức đi theo cách mạng. Đồng chí tham gia phong trào Việt Minh từ đó.
Tháng 6/1945, bị phát xít Nhật truy nã, hai đồng chí Trần Quốc Hoàn và Hà Huy Giáp đưa đồng chí lên chiến khu, ở đó đồng chí đã được gặp Bác Hồ.
Ngày 12 tháng 8 năm 1945, đồng chí được vinh dự tham gia Quốc dân đại hội Tân Trào để bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chủ Tịch lãnh đạo.
Về Hà Nội, đồng chí tình nguyện tòng quân ngày 2/9/1945 mặc dầu lúc đó đã 45 tuổi. Đồng chí được các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái giao trách nhiệm tổ chức công tác thông tin và mật mã cho Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Ngày 6/1/1946, đồng chí được nhân dân tỉnh Thái Bình bầu vào Quốc hội đầu tiên của nước ta và ngày 2/3/1946 đồng chí được Quốc hội bầu vào Ủy ban Quân sự toàn quốc tức Quân ủy – Hội đứng đầu là đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Tháng 4/1946, đồng chí được cử làm Giám đốc Trường Võ bị Việt Nam Trần Quốc Tuấn khóa 1.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí được điều động ra mặt trận Hà Nội, giữ chức Cục trưởng Cục Công binh Bộ Quốc phòng.
Tháng 3/1947, đồng chí lại trở về làm Giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 3 (lúc này Trường gọi là Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam).
Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy học sinh quân chiến đấu anh dũng ở Đầm Hồng, Bản Ty, chặn 2 binh đoàn Bô-Phờ-Rê và Com-Muy-Nan hợp quân, góp phần bẻ gãy cuộc tiến công Việt Bắc của Pháp. Sau trận này, đồng chí được 2 đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Tử Bình giới thiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 1/1948, đồng chí được cử làm Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng.
Tháng 6/1948, Hồ Chủ tịch trực tiếp triệu đồng chí và giữ chức Tổng thư ký Ban Thi đua Trung ương để cùng với đồng chí Tôn Đức Thắng phát động phong trào thi đua yêu nước.
Tháng 6/1949, đồng chí lại trở về quân đội giữ chức Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Bộ Quốc phòng, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy Bộ đội Thông tin ở mặt trận Biên giới, Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Đại tá.
Năm 1960, đồng chí lại được nhân dân Thái Bình bầu vào Quốc hội khóa 2 và được Quốc hội cử vào Ủy ban Dự án pháp luật.
Vì sức yếu, đồng chí được chuyển ngành tháng 1/1962 làm Giám đốc Trường Dân tộc Trung ương. Tháng 6/1964, đồng chí về hưu, tham gia công tác địa phương và làm Chính trị viên trung đội Bạch đầu quân làng Đại Yên trong cuộc chiến tranh phá hoại của Nixon. Hiện nay, đồng chí Hoàng Đạo Thúy vẫn đóng góp tích cực vào việc ghi chép lịch sử quân đội.
Đồng chí Hoàng Đạo Thúy đã được thưởng:
1. Huân chương Độc lập hạng Nhất;
2. Huân chương Chiến công hạng Nhất;
3. Huân chương Chiến thắng hạng Nhất;
4. Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba;
5. Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh;
6. Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ;
7. Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.


 
LÊN ĐƯỜNG HẠNH PHÚC


Nặng lòng tin mến, để tặng các đồng chí chiến sĩ thông tin liên lạc trước, bây giờ và sau này.

Phần 1/5
I. BƯỚC ĐẦU
Việc đời, lúc nào chẳng có những khó khăn, lúc nhiều, lúc ít. Không có gì khó cả, mới là lạ chứ! Khó thì vượt khó, chứ cứ kêu ca thì có lúc người ta đâm ta lao đao, có khi chìm nghỉm.
Lịch sử nước ta, mấy nghìn năm, sướng ít, nhọc nhiều nhưng dân ta vẫn giữ được khí phách anh dũng. Tốt nhất là nhìn thẳng vào khó khăn, rồi quyết lòng vượt cho được.
Có anh em bây giờ, được giải phóng từ lúc chưa ra đời, cứ hay kêu ca; kêu ca hình như chỉ có mình là thiệt thòi thôi, không biết rằng đời trước đã khổ như thế nào. Đã không biết thế, thì cũng không biết rằng bây giờ mình được sướng như thế nào đâu.
Thực sự thì trong suốt dọc lịch sử Việt Nam, anh em chúng ta là lớp người sướng nhất. Trong có ba mươi năm trời mà trả hết hận thù mấy kiếp, dựng nên một nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á; đánh một trận Điện Biên, làm đảo điên cả hệ thống thuộc địa hoàn cầu; đánh luôn cho tên đế quốc to nhất, dữ nhất phải cuốn gói, “đằng không” chôn vùi oai tiếng; lại đánh cho vị hoàng đế già cỗi, thấy “đăng hình” trong tấm áo mới cũng không được gì.
Muốn hiểu hết giá trị của cái sướng mới, thì đừng quên cái khổ cũ.
Tám mươi năm trời, giặc Pháp chiếm đóng nước ta. Ở tỉnh thành, ngoài một số nhỏ thông, ký, có ăn gọi là, với những mảnh vụn, còn thợ thuyền thì vã mồ hôi, không đủ để mua bát cơm đầu ghế, nói gì đến nhà ở. Ra đường thì gặp đội xếp tây, đội xếp ta, đánh không tiếc tay, đánh không cần lý lẽ gì. Ở làng xóm thì đầu tắt mặt tối, một nắng, hai sương, để mà đi phu thì đi đầu tiên, chết đói thì chết trước nhất. Cả đời cứ phải cúi mày, cúi mặt trước bọn nhà giầu, chủ đất để nó nạo thịt, dóc xương, lạy bọn tổng lý, quan gia ăn quẩn và ức hiếp, không làm đầy tớ bọn kỳ hào thì không sống được; nhao ra tỉnh kéo xe thì ngã ngục đầu trên đường nhựa. Trên dân là quan tay sai bù nhìn? Nắm tất cả là những tên thực dân nước ngoài, là chủ tỉnh, toàn quyền, tổ chức bóc lột bằng rượu, tỳ, thuốc phiện, sòng bạc, bằng sắc, kìm kẹp bằng tổng, lý, cẩm cò, tòa án áo đen, áo đỏ, đại hình, đề hình, máy chém, nhà lao. Những chữ “hiếu, đế, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, chỉ còn dùng để viết văn thôi.
Những người thời tôi, mất cả thời niên thiếu, thời thanh niên. Thiếu niên không được biết cái mơ màng, cái hăm hở của thiếu niên. Thanh niên chỉ gặp tủi nhục, chỉ sống trong tối tăm, bán công nuôi miệng, giải trí bằng những trò tầm thường, tục tằn.
Những đêm khuya, giở quyển sử đất nước, vỗ sách, nước mắt ấm ức. Không thể thế này mãi được, không lẽ nào mà một dân nước như thế này, đành chịu ép một bề mãi. Đi trên các con đường, mỗi bước thấy vết tích công lao của tổ tiên, mỗi thước đất thấm bao nhiêu mồ hôi và máu đỏ. Không! Con người này, đất nước này không chịu làm tôi đòi cho chúng nó trèo đầu, bóp cổ, uống máu, ăn thịt mãi đâu.
Chúng ta nhất định được tự do.
Nhưng làm thế nào là việc còn chưa thấy thật rõ. Có đọc báo, có thấy nói đến Cách mạng Nga. Người đi xa mãi chưa về. Chỉ còn có cách bảo nhau học tập, rèn luyện, đọc các sách có được, đọc giấy các sách nhà binh, đi thăm đất nước, gặp đồng bào, nuôi cho chí hướng mình mạnh thêm. Mong mỏi.
Cảm ơn Đảng đã mở cho chúng tôi cái cửa Việt Minh, anh em ùa vào, và tiến đến trận chiến đấu mong đợi.
Nhiều anh em được đến Đại hội Tân Trào, được chào mừng Ủy ban Giải phóng dân tộc, được nhìn, lòng biết bao kính mến vị Chủ tịch đầu tiên của đất nước, được nghe đồng chí Tổng trình bày tình hình. Ba loạt súng trường nổ trước ngôi đình lợp lá để mừng chính quyền mới, là tiếng thét của nhân dân ta trước thế giới, cảnh cáo lũ tham tàn. Theo đoàn nhân dân đến mừng Ủy ban có một em bé không có quần. Cụ Hồ bảo: “Chúng ta sẽ làm thế nào cho các cháu không còn phải khổ như thế này nữa”. Ai cũng cảm động, coi như đó là lời ân ý của Đảng.
Đoàn đại biểu Hà Nội ra về, thấy Cụ Chủ tịch ngồi đợi ở nhà Cứu quốc, gốc đa, bận quá người ta quên không cho Cụ ăn sáng. Cụ mệt trông thấy, ấy thế mà Cụ cũng đợi. Cụ bảo: “Tôi đợi các đồng chí đây”. Cụ giải thích rõ công việc phải làm ở Hà Nội. Cụ dặn phải bảo đảm cho Pháp kiều. Đồng chí Thịnh sồ sồ: “Sao Cụ lại nói thế? Chúng tôi mong mỏi ngày hôm nay để trả thù chúng nó đây!”.
Cụ cứ bình tĩnh nói các lý lẽ, kỳ cho mọi người đều hiểu và nhận ra rồi mới cho đi.
Ra về, chân bước như muốn chạy. Tìm đường ngắn nhất, đi nhanh nhất. Tôi nằm vật ở những chỗ nghỉ, thiếp đi một cái là những hình ảnh chiến khu lại hiện ra. Đại hội, không khí hăng hái ngất trời. Buổi tiễn chân đoàn quân ra đánh Thái Nguyên, đồng chí Văn họp anh em ở gốc đa, kéo lá cờ đỏ sao vàng lên. Giặt những người vui mừng rạng rỡ. Một cảnh ra trận ngùn ngụt khí thiêng. Bao nhiêu anh em miền ngược, miền xuôi. Đeo một túi thuốc là anh Lê Văn Chánh, thanh niên miền Nam, học ở Hà Nội, một Việt Minh ở tổ anh Phạm Thành. Được báo là chiến khu cần, học thuốc sắp xong, anh xin anh Trần Duy Hưng bộ đồ mổ rồi lên đường ngay. Hôm nay lại cùng ra đi với các chiến sĩ. Lắm lắm là thanh niên Hà Nội.
Như in vào tim óc cảnh lúc trên đường đi lên, gặp một trung đội Nam tiến, đánh Tam Đảo xong xuống đóng ở làng Ký Phú. Khác nào người khát mà gặp suối nước trong.
Vẫn nhớ lời Cụ dặn, nhưng cả đoàn đại biểu còn cứ lo nghĩ. Nhất quyết làm đúng chủ trương của Đảng. Lời của Cụ Hồ, nhưng nghĩ đến cái thói quen của lũ thực dân thấy có lẽ phải đánh mới tống khứ được cái bọn chúng nó đi thôi. Các đại biểu thanh niên, mà đó là số đông, cầm chắc là mình sẽ vào quân đội, sẽ đánh. Tôi cũng còn là thanh niên, nhưng oái oăm quá, tuổi đã bốn mươi sáu rồi, bộ đội ai người ta nhận đây. Nếu tiếng súng nổ mà mình không đứng trong hàng ngũ, thì mặt mũi nào còn dám giở đến quyển sử Tổ quốc nữa.
Từ Tân Trào trở về, phấn khởi, mà có lúc lại bần thần. Giáo dục là một nghề hay, mình làm có nhiều hứng thú. Với chế độ cách mạng thì giáo dục càng quan trọng. Dạy học mà được tự do thì phấn khởi biết mấy, nhưng... phải vào bộ đội đã.
Cứ tưởng về để dự vào việc lấy Hà Nội. Nhưng đường từ Phủ Từ sang, cờ đỏ đã thấy rợp trời.
Về thẳng Hàng Vôi, tổ V.M gồm toàn anh em thanh niên cũ. Tổ đã sắp đặt như một pháo đài nhỏ. Anh em cho biết tình hình tốt đẹp. Đêm đêm đi canh gác phố.
Trăm việc dồn dập, đã làm sao có được sở mộ quân mà đi đầu quân chứ.
Sáng ngày 2 tháng 9, anh em cho biết là đồng chí Võ Nguyên Giáp nhắn đến gặp ở Bắc Bộ Phủ. Sau buổi mít tinh, đồng chí Giáp ở trong Chính phủ, làm Bộ Nội vụ, nhưng lại được Đảng trao cho nhiệm vụ quân sự. Đồng chí bảo:
- Bây giờ chúng ta đã có Bộ Quốc phòng, nhiều đơn vị bộ đội, các tỉnh. Anh phải tổ chức ngay liên lạc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, sao cho Bộ nắm chắc được tất cả.
Thoáng trong đầu, nghĩ đến một mạng thông tin bao la, một mạng to lớn rộng rãi lắm. Tiếng ba loạt súng Tân Trào còn trong tai, các tin dồn dập mọi hướng về, tôi nhận nhiệm vụ ngay, không chần chừ chút nào, cũng quên chẳng hỏi đồ đạc máy móc được trao cho là những gì. Mà thế là phải, vì hồi ấy mà đặt câu hỏi như vậy thì ngớ ngẩn quá đi mất. Chỉ xin đoàn thể cho thêm vài đồng chí để cùng làm.
Trình bày ý kiến: Nên tổ chức cơ quan Bộ đã, rồi đặt thông tin trong đó. Đồng chí Giáp bảo: Việc kíp lắm! Cứ làm ngay đi. Mấy hôm nữa sẽ có một thanh niên tốt về, ta sẽ tổ chức tham mưu.
Sau này mới biết rằng người thanh niên tốt ấy là đồng chí Hoàng Văn Thái.
Bước ra khỏi phủ, lòng tôi lâng lâng, y như là mới được chuyển giao cho một cơ nghiệp. Chân bước rảo, đầu óc lan man. Đến nhà trọ đóng kín cửa, định chưa nghĩ cho ra việc thì chưa có mở cửa đâu đấy.
Thông tin liên lạc, định nghĩa cũng dễ nói thôi.
Trừ phi đi đánh một mình, chớ mà đi chỉ hai người đã phải ăn ý nhau rồi, mới thắng được. Trong đấu tranh với nhiều lực lượng, thì làm thế nào mà mỗi người dưới nhất có thể nói lên được đến tai người cao nhất, cái mà mình thấy; làm thế nào mà người cao nhất nói được đến người sát địch nhất. Những người cùng đứng trong một hàng trận, lại phải thông báo tình hình cho nhau thì mới giúp đỡ nhau được. Không làm được thế thì muôn người thành ra muôn đơn vị, những hạt cát không dính gì với nhau, không làm nổi công chuyện gì. Làm được thì tập hợp được tất cả các ý kiến, các lực lượng, thành một cái vồ, nện vào chỗ địch đau nhất. Thắng lợi! Làm cho trên dưới thông suốt, tả hữu đồng lòng, là Thông tin liên lạc.
Các cụ nhà ta ngày xưa ra trận, có đội dao kiếm đánh gần, có đội cung nỏ, súng ống đánh xa, đội tiên phong để xông lên phá trận, đội hậu vệ để giữ gìn phía sau và làm dự bị, hai đội tả hữu để hoặc vươn ra mà bọc lấy địch hoặc mở rộng ra một hướng mới. Nắm tất cả mà chỉ huy các cụ có trống để ra lệnh xông trận, có chiêng để truyền quân rút lui, có cờ lụa năm màu để làm hiệu hay chỉ hướng. Có cờ lệnh, gươm lệnh để hạ lệnh, có con so để làm tin. Từ xa thì ngày hun khói, tối đốt lửa. Trên đường thiên lý giờ còn có những đồi “hỏa hiệu”, những gò “thổ kỳ”. Những nhân viên trạm dịch cưỡi ngựa, mũ cắm cái lông gà, đeo hòn than để làm hiệu “hỏa tốc”.
Chiến tranh bây giờ dùng nhiều ngành binh, chỉ huy thành một việc rắc rối không vừa đâu.
Quân phong kiến, đế quốc ra trận thì đi sát nách nhau, đằng sau có cai, đội, ai làm không đúng thì bị vụt, nặng thì bị bắn đi. Quân cách mạng, vì các chiến sĩ được hiểu rõ nhiệm vụ mình, nên có thể đánh tản ra, xa nhau. Vì thế mà thông tin liên lạc lại càng cần thiết.
Ngay ở châu Âu kia, thông tin liên lạc vẫn còn là một binh chủng rất mới. Hôm qua đây, các đôi điện thoại còn để thuộc Công binh. Chiến tranh Thế giới thứ hai đẩy cho Thông tin thành một binh chủng kỹ thuật, một đặc chủng binh, cần kỹ thuật hiện đại nhất. Không những phục vụ chiến đấu, mà có khi chiến đấu độc lập bằng sóng điện, dùng nghi binh.
Trong phong trào cách mạng ta, thông tin liên lạc đã được dùng đắc lực. Từ điện đài cho đến các chị, các anh giao thông, đã như mạch máu chạy khắp đoàn thể, đã truyền lệnh khởi nghĩa.
***
Lý luận chung chung về thông tin liên lạc là thế. Lời dặn “nắm các chiến khu, các đơn vị, các tỉnh, từ Lạng Sơn đến Cà Mau” chỉ ra rằng: Cần ngay một mạng liên lạc từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị đã. Mới chỉ là một mạng chỉ huy trên thôi.
Thế mà cũng đã thấy khó khăn to lớn rồi. Phải có máy vô tuyến điện, máy và dây điện thoại, các giao thông viên nhất là “người thông tin” dùng được các máy, chữa máy được, liên lạc lấy được, dù là “tay không”.
Mà chính bây giờ đây, mình đang tay không, không người không máy. Không có gì hết, nhưng mệnh lệnh đã nhận rồi. Cái quái lạ, là không một giây phút nào thấy ngại ngùng, thấy sợ hãi. Ba loạt súng bắn trước đình Kim Lung đã làm được cái thần kỳ ấy. Phải có máy, phải có người! Với tinh thần cách mạng, máy sẽ tìm được; với tinh thần cách mạng, người học tập sẽ nhanh, sẽ làm được, sẽ giỏi chứ gì?
***
Có lúc như bay liệng trên chín tầng mây. Cứ tạm kê ra những chỗ cần với tới, đã có mấy chục chỗ. Có được điện thoại thì còn nói gì, nhưng đồ điện thoại tốn kém; cần nhiều máy, dây. Với bây giờ phải tạm coi là quá sức. Phải dựa vào mạng điện thoại hành chính. Ăn thua là cách dùng. Về việc chạy công văn thì chưa phải sáng chế gì. Có cái mẫu tốt đẹp là người giao thông ở chiến khu. Bây giờ Bộ Quốc phòng mà làm thì phải sắp xếp làm sao cho nhanh cho chắc, lại bí mật. Bấy giờ “bí mật”, các đồng chí nói tắt là “Bem”.
Thấy khó rồi. Lo, nhưng sợ thì vẫn cứ không sợ. Sớm hôm sau, tinh sương đã ra đi. Tìm người, tìm máy.
VTĐ (vô tuyến điện) với chúng ta còn mới mẻ quá. Khi thực dân bắt đầu dùng VTĐ, thì đặt một máy ở Cột Cờ thành Hà Nội. Ta chả để ý đến, cũng như trước đó không ai để ý đến việc nó lợp nóc cho đài cờ để làm trạm đèn liên lạc với Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định qua Hà Nam. Hồi ở cơ sở chân cột cờ nó đặt các đội VTĐ (từ 1954, chỗ ấy thành Cục Thông tin liên lạc (TTLL) của bộ đội ta, rồi cuối cùng Bảo tàng Quân đội nhân dân đặt ở đó). Pháp huấn luyện một số báo vụ viên nhà binh, từ hạ sĩ quan trở xuống, để đặt đài ở Móng Cái, Cao Bằng, Lai Châu, v.v. Sau đến làm Sở VTĐ Đông Dương, dựng ba cột dây trời cao ở Bạch Mai, nay là chỗ Trường Kinh tế - Kế hoạch. Đó là mạng VTĐ hành chính, nối các tỉnh chính từ miền Nam, miền Trung tới Cát Bà, Hoàng Sa. Rồi, khi Hà Nội đã có một ít máy thu thanh thì đài phát thanh đầu tiên của một hội tư được đặt ở một nhà phụ Sở Công viên Hà Nội, đường Thụy Khuê. Sở VTĐ Đông Dương đào tạo vài ba “hiệu thính viên hạng nhất”, có biết cả máy móc, được ăn lương khá cao. Trong số này lại chọn một hai người, cho vào “ngạch tương đương”, gần như lương Tây. Đó là cách mua chuộc của họ. Sau đó Sở VTĐ đặt một máy phát thanh khá lớn ở Bạch Mai. Giữa các nhà máy điện Hà Nội, Hải Phòng cũng có một mạng nhỏ. Các đài này khá lớn, đặt chắc ở mỗi chỗ. Khi bắt đầu Thế giới đại chiến thứ hai, Sở VTĐ tổ chức 6 đài lưu động đặt trên các xe ô tô “voi”, để đề phòng khi di chuyển, để xe ở chỗ Mả Tẻ - Lắng Lủ.
Sau ngày 9 tháng 3, Nhật đã dẹp Pháp rồi thì trừ đài phát thanh Bạch Mai, không còn thấy nói mấy đến các đài khác nữa. Các xe voi dùng vào việc khác, vài đài và máy nổ cất vào kho.
Ở Hà Nội, các máy thu VTĐ có rất ít, vì giá quá đắt đối với dân. Ở Sở VTĐ, vài kỹ sư Pháp lắp một số máy thu nhỏ để làm quà. Các thợ ta chỉ được làm các việc phụ, lặt vặt thôi.
Máy thu đã ít, các hiệu chữa máy VTĐ ngoài phố không có máy. Thợ có dăm người, trong đó có một từ Thượng Hải sang. Có chữa thì cũng chỉ chữa máy thu, chứ làm gì có máy phát mà chữa. Không những không được có mà chữa, lại còn bị cấm. Trường kỹ nghệ Hà Nội có mở một lớp dạy VTĐ. Thanh niên thích thì đến học, nhưng cũng không thấy rõ tương lai nghề nghiệp ra thế nào.
Từ 9 tháng 3 (1945) Sở VTĐ Đông Dương thành Sở VTĐ Việt Nam. Giám đốc được cử là ô. Thụ. Ở nhà ông ta, Hàng Da, có một xưởng khá đầy đủ, mượn ô. Lộc một thợ khá của Bạch Mai đến làm thêm.
Đại khái, tình hình như vậy. Phải đi xem ở đâu còn gì, có gì?
Tìm anh Nguyễn Dực, người thanh niên đã đặt máy phát thanh để Cụ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn ngày 2 tháng 9 ở Ba Đình. Anh Dực là một thanh niên có chí và thiết thực, phần lớn tự học, trình độ nghề như anh lúc ấy không có mấy người. Anh bảo các hàng ở Hà Nội không có đèn máy phát đâu.
Đến những hiệu chữa máy, nói đến máy phát VTĐ thì ai cũng lắc đầu. Máy phát dùng những kiểu đèn riêng: Ai buôn làm gì những của ít dùng mà lại cấm ngặt ấy.
Khó đến thế cơ ư?
***
Vài hôm sau, gặp hai đồng chí Việt Minh là Lê Dung và Vũ Hán Thăng, được đoàn thể cử đến giúp.
Mừng quá! Thế là từ nay trong công việc có được những người bạn gần gũi. Có được cái mà người ta gọi là một “tập thể”.
Cả hai đồng chí đều là những thanh niên có chí hướng, đã tìm học một nghề thực tế, nghề VTĐ. Tôi, thì tôi chỉ biết những nguyên tắc chung về điện, đọc nhiều về máy móc, nhưng chỉ là “đọc” thôi. Đã đọc nhiều về “chiến tranh làn sóng”. Đọc sử, ngẫm nghĩ về các trận mạc ta xưa và cũng như tất cả các thầy đồ, anh nào cũng cho rằng mình quân sự cũng được. Có hai bạn chuyên môn đến là vững lòng rồi.
Bắt tay vào bàn ngay. Bàn không lâu la gì. Cả ba đều đã suy nghĩ, đều đã biết rõ các khó khăn, rõ ràng là đầy rẫy rồi. Các khó nhất là VTĐ. Phải dồn hết sức vào đó: Máy và Người!
Gặp đồng chí Minh mà sau này người ta gọi là Hạnh. Đồng chí cho biết là Trung ương ra vốn cho một máy VTĐ loại 20 Oát, kiểu bọc nhôm, vẫn dùng trong các công việc mật.
Thế là đã có đài rồi! “Chuyên gia” đem nghiên cứu ngay, xem dùng thế nào. Tìm máy phát điện để chạy thử.
Mặt khác, tập hợp ngay thanh niên để chạy công văn, bắt đầu đi Khu 2, khu Bờ Bể đã. Đụng ngay vào cái khó là rất đúng. Nhưng nền nếp chưa có, tìm được rồi, gây được lòng tin cẩn, không dễ. Có đồng chí bảo: “Anh thì tôi tin. Anh biết chỗ ở của tôi rồi, nhưng đừng có báo cho ai biết đấy!”. Đành phải nghe đồng chí ấy. Nhưng thật ra ai cũng bận, không ai hỏi. Ai cũng chắc là có anh liên lạc. Mà anh liên lạc thấy ngay rằng mình là người phải giữ bao nhiêu là điều kín đáo. May được cái là anh em có tiếng là những người thẳng thắn.
Chuyển đạt viên đầu tiên là đồng chí Trần Tử Hùng. Đồng chí Vũ Quang giúp nhiều trong tổ chức này.
***
Chạy ngay đến Sở Vô tuyến điện Việt Nam, phố Đồn Thủy, ô. Thụ tiếp tử tế, giới thiệu các cơ sở, nói nhiều đến khu Bạch Mai. Tất cả các đài và máy móc là ở đó. Xem ý thì hình như ông không muốn nói gì cụ thể lắm. Chưa sốt sắng giúp mình, hay chưa nắm được vững các bộ phận?
Hỏi, thì thấy bảo ở Bạch Mai, ta không có tay trong nào. Vẫn cứ phải đến đó, Giám đốc khu là ô. Phạm Trần Đắc, ông phấn khởi giới thiệu đài phát thanh, đặt trên gác cái nhà to nhất. Anh em vẫn giữ cho đài chạy tốt.
Xuống xưởng, gặp một ông cai già, ông muốn tỏ ra với “cán bộ” là mình hết lòng. Ông lấy sợi thừng quấn lấy cái máy nổ để giữa nhà mà giật cho máy chạy. Cố nhiên là máy không chạy. Máy có dầu mỡ gì đâu, khô không khốc. Hỏi thợ chuyên nghiệp và các kho thì thấy ai cũng lúng túng. Tự nhiên thôi.
Không có tự vệ canh. Chỉ canh ở cửa trước, cửa sau thôi. Thấy nói hay mất trộm. Kho ắc quy mất nhiều. Phải đến Sở Công an xin đồng chí Mỹ, nhắc anh em để ý giúp cho. Đồng chí Mỹ bận lắm. Trên đường về, lo ngay ngáy cho khu Bạch Mai, có lẽ nào nguồn lớn nhất của thông tin ta đó.
Phải dùng cách khác thôi. Nhớ ra, khi đến Sở VTĐ Việt Nam có gặp một hướng đạo sinh cũ, anh Lê Đức Thọ, Đoàn thanh niên Phương Liệt. Chắc cũng V.M thôi. Đúng! Anh Thọ nói cho biết tình hình rõ ràng. Ông Thụ là kỹ sư VTĐ giỏi, cử chỉ ôn tồn, nhưng không biết rõ bụng dạ thế nào. Con một ông giáo làm ở Sở Giáo dục. Từ Pháp về, ông làm rể một nhà giàu lớn. Ở Sở có các trưởng đài và các hiệu thính viên. Từ Sở đến Bạch Mai có một hệ thống điện thoại rất chắc. Ở Bạch Mai có một số ít thợ, tuy Tây chưa để cho làm một mình, những cũng có thể lắp và chữa máy được. Đài phát thanh là máy to nhất, có vài đài bậc trung giữ liên lạc với Huế, Sài Gòn, vài nơi khác. Có một kho các máy nổ và máy VTĐ cũ.
Điểm cuối cùng này là phải để ý nhiều đây!
Một mặt nhờ anh Thọ luôn nắm vững tình hình, một mặt trình lên Bộ, xin đặt Sở VTĐ Việt Nam trong phạm vi Bộ Quốc phòng. Bộ chuẩn cho ngay. Xuống luôn Bạch Mai, chỉ cái kho, bảo mở.
Trong một phòng khá lớn, lổm ngổm những máy nổ Ber-nard hai Zero, pin không đủ, máy phát điện quay tay chưa có, phải dùng máy nổ chạy máy phát điện cho đài phát. Một số ít máy VTĐ đã hỏng hay cất đi. Trung ương Đảng, đài đang thiếu máy nổ. Điều ngay một bộ, trao cho đồng chí Minh.
Hôm trước Trung ương đã cho một máy 20 Oát. Dùng làm đài trung tâm thì khó quá. May mà Đảng cho thêm một máy MK2. Hồi này, MK2 là máy lưu động tốt nhất. Với các thứ lấy trong kho Sở VTĐ, máy chạy thử được tốt. Lại được luôn hai đồng chí Việt Minh, cựu binh sĩ đến giúp: Các đồng chí Nguyễn Ái Hạc và Nguyễn Kỳ.
Thế là sau vài hôm xoay như chong chóng, chiếc máy VTĐ thứ nhất đường hoàng phát sóng.
Thông tin liên lạc là một sự không bao giờ làm được một mình. Liên lạc thì ít nhất cũng phải có hai người ở hai chỗ. Thế cho nên đoàn kết là đức tính đầu tiên của ngành binh. Một tập thể thông tin gồm những người có thể không gặp nhau bao giờ cả, mà tin nhau, mà đoàn kết. Gọi là lên, đến là gặp. Thế mới thành mạng thông tin được.
Mạng thông tin mà anh em Hà Nội làm, mà thành được mạng toàn quốc, mạng toàn quân, là nhờ ở lòng yêu nước của nhiều người.
Cái quý ở nước ta là “lòng yêu nước”. Đâu cũng như đâu, có ở khắp nước.
Khi bắt đầu tỏa mạng, có gửi điện qua bộ máy hành chính, có gửi thư, có nhắn tin. Nhưng nói thật, cũng là gửi hú họa. Không rõ, không quen biết trước.
Thế mà có những nơi là cơ sở cũ của Sở VTĐ Việt Nam, là cơ sở của nhà binh Pháp cũ. Sài Gòn có đài VMA. Ở Huế, đồng chí Phan Ngọc Dương được chỉ thị lập Phân phòng Thông tin Trung bộ và miền Tây; giúp việc có các đồng chí Lâm Quang Trác, Nguyễn Phúc Khuê, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Đình Nho và Trần Cảnh Tuân. Quảng Ngãi có đồng chí Trần Mạnh Đề, đồng chí Phan Phú Duyệt ở Tuy Hòa. Quảng Ngãi còn chu tất, đặt một đài khá mạnh để nối Hà Nội với Sài Gòn. Vinh có đài của đồng chí Trần Nghi.
Tất cả những người làm liên lạc đầu tiên ấy, phần lớn chưa gặp nhau bao giờ, có khi cũng chưa nhận được giấy tờ gì của nhau. Nhưng nổi lên là gọi nhau ngay, vì chung một nỗi phấn khởi. Đài Hà Nội yếu đuối như thế, mà đã thành ra đài Trung ương, nhờ lòng tin của trên, của anh em. Và sau này, đúng ngày 1 tháng 10, Phòng Thông tin liên lạc có thể làm một bản báo cáo, giấy mực lèm nhèm, nhưng nội dung vang lên như một tin thắng trận: Mạng liên lạc VTĐ cả nước đã chạy đều đặn!”.
Phòng Thông tin liên lạc, từ ngày 7 tháng 9 đã đến lập cơ quan ở nhà 18 phố Nguyễn Du của Bộ Tổng Tham mưu, công việc đã bắt đầu. Nhưng ở cái phòng chính giữa, đầu cầu thang. Sau lượt cửa kính ấy chỉ có mỗi một người, gọi là Trưởng phòng, ngồi còm cọm đó thôi. Các anh em khác chạy ngược chạy xuôi suốt ngày, có khi suốt đêm. Cứ đi săn máy, tìm người. Lắm lúc Trưởng phòng cũng đi nốt. Định gan mua máy của bọn “bị giải giáp” và cả của bọn “đến giải giáp”. Cả hai đều có gan bán được cả đấy. Nhưng khốn nỗi là máy VTĐ quá hiếm, đắt hơn súng, nó giữ chặt lắm.
Ruột rối bời bời. Mấy đám thù địch nhâu nhâu trong thành phố rồi.
Không nao núng tí nào. Nhưng vẫn phải cứ nghĩ đến nỗi có thể di chuyển. Nhà binh nó như thế! “Đang lúc bình phải nghĩ đến lúc biến”. Mà có bình là bao nhiêu đâu. Chỉ có: Cái mạng mà anh em khắp nơi góp sức mới làm được, mà đã nghĩ đến di chuyển, ai mà muốn. Nhưng vẫn cứ phải làm. Người có chuẩn bị là người vững! Đồng chí Lê Văn Đức ở tổ V.M Hàng Vôi thấy lo lắng quá, đồng chí ấy xắn tay áo giúp trưng dụng 6 xe FoV8 của Sở Hải quan. Lấy của người ta thế, ai chẳng giận. V8 lúc ấy là thứ xe du lịch mới và đẹp nhất, chắc chưa cần kíp lắm. Đồng chí Đức nói điều cho quân đội, thì anh em trao cho ngay.
Đi vét các máy VTĐ cũ, các máy nổ. Đem tất cả về Hàng Vôi và nhờ anh em đến làm; ở gần để dễ theo dõi và thúc giục. Mấy đồng chí đài trưởng và thợ giỏi đến, sửa, lắp không tính giờ. Mừng quá! Các máy vận tải, xoay đầu mãi, rồi cũng chạy được. Anh em đã làm quá sức và quá tài, mức tài đã được xếp hạng.
Tiễn chiếc xe thứ nhất lên đường. Phấn khởi, cảm động!
Mỗi xe có một đài VTĐ, một máy nổ phát điện, thùng nhiên liệu. Một báo vụ, một lái xe. Có khi có một thợ máy nổ.
Sau này có dịp gặp lại mấy cái xe, máy đi hồi ấy, thì phần lớn máy đã “đổ bộ” vào một gian nhà. Các xe Fo đã lo trước rằng nó bóng, đẹp quá, bị điều đi “công tác” khác rồi. Đâu cũng là những “điều kiện cụ thể” của vài địa phương.
Hai đồng chí báo vụ, thì một là đồng chí Kỳ, muốn đi làm công tác chính trị, đi Thái Nguyên. May mà đồng chí Hạc rất yên lòng làm việc. Lại cố tìm được thêm một số nhân viên khác.
Bắt đầu lo về tình hình trong Nam. Một bọn “giải giáp” khác cũng đến, đem theo nhiều lực lượng còn dắt cả quân đội Pháp trở lại. Pháp đã thua, đã mất nước. Nhờ có phong trào du kích và mặt trận hai cuối cùng cũng mở, nên tướng Đờ-gôn trở về, và như thể cũng dự vào hàng ngũ các nước chiến thắng. Nhưng sang ta làm gì nữa? Còn phải hỏi “làm gì”!
***
Đúng là công việc mới mẻ quá, nên làm thông tin, chỉ nghĩ đến thông tin thôi. Đánh vài bức điện là giật mình rồi. Còn lo thêm nữa, khi các bức điện truyền qua Sở VTĐ Việt Nam, hay Bưu điện. Chết rồi! Bí mật thế nào! Lập tức sang trình bày với đồng chí Hoàng Văn Thái và nhờ đồng chí xin với Bộ cho lập ngay Ban Mật mã. Bộ chuẩn cho và bảo làm luôn.
Nhưng làm thế nào đây?
Mật mã là một ngành tuyệt mật. Bọn Pháp không dùng người Việt vào làm việc ở cơ quan mật mã. Có chăng, làm việc dịch một số điện mật thường theo các bản luật họ đưa cho. Ta thì chỉ có mấy thanh niên, trong các “cuộc chơi lớn”, dùng mật mã, để làm cho hồi hộp và vui thích thêm. Trong cuộc chơi phải tinh để dịch các thư mật. Cố nhiên chỉ dùng các luật đơn sơ thôi. Đọc không ra thì chậm và thua. Bây giờ phải có người làm những luật mà không biết thì khó lòng hay không thể đọc ra được. Có thế, mới giữ được bí mật. Đáng lẽ phải biết khoa học mật mã đến một mức cao mới có thể đảm bảo được. Ta đành thay luật luôn, thay kiểu cách luôn vậy.
May mà tìm được các anh Tạ Quang Đệ và Đinh Loan Thuyên. Hai anh đều điềm đạm và tinh nhanh. Đồng chí Đệ sau gọi là Quang Đạm và đồng chí Thuyên cũng đổi tên là Hoàng Thành. Hai anh nghiên cứu các nguyên tắc chung của mật mã, rồi cố tìm tòi, đặt ra những luật càng ngày càng khó hơn. Đành phải bắt đầu thế này vậy: Sau này sẽ đặt thành một vấn đề quan trọng và đào tạo cán bộ một cách đầy đủ. Đồng chí Tạ Mỹ Thạnh được cử đi làm ở Việt Bắc. Một đồng chí được cử đi Huế, không giữ nghiêm ngặt. Mỗi Ban chỉ huy có một bản luật riêng.
Cái khổ là có những người không chịu để ý đến công việc này, không nghiên cứu những đặc điểm của tiếng ta, nó ảnh hưởng đến mật mã như thế nào. Bộ trao cho Phòng Mật mã một bức điện đã mã rồi của một cơ quan, để thử đọc xem. Chỉ cần độ 5 phút là anh em đọc được. Cơ quan kia giận là anh em khinh mình. Nhưng không, anh em chỉ chứng minh rằng bản luật dùng không đủ bảo đảm thôi. Mình không thấy thì địch nó cũng thấy. Thế là hỏng. Một đồng chí cán bộ đi công tác, mang một bản luật của Phòng đi. Đồng chí ấy cho là phức tạp quá, nên đã tự ý chế ra một bản luật khác. Đồng chí cứ thay mỗi chữ cái bằng một chữ cái khác. Thế thôi! Thật là đơn sơ và tiện quá! Nhưng cái điện của đồng chí ấy bị lộ. Cả cơ quan kia và đồng chí cán bộ này đều không để ý đến một tình hình: Trong 24 chữ cái của ta, có những chữ dùng rất nhiều, những chữ dùng rất ít. Trong nghề mật mã gọi là “luật lặp lại”. Nếu thay 1 bằng 1 thì chỉ cần đếm số mỗi chữ là đọc được ngay thôi. Đúng như câu phương ngôn ta nói:
“Điếc không sợ súng”.
Ai mà tránh được tất cả các sai lầm. Nhưng cẩn thận thì đỡ tốn xương máu của chiến sĩ.
Đài Trung ương đã đặt rồi, đã chạy rồi. Làm công tác cách mạng mà như chuyện rất bình thường: Giờ giấc, nền nếp. Không khó khăn gì, nhưng phải tôn trọng một cách thật nghiêm. Những người vừa mới được cách mạng cởi mở cho, mà đòi hỏi phải bó buộc tỉ mỉ, thì có khi cũng khó.
Đã chạy là mừng, nhưng vẫn cứ phải chuẩn bị đề phòng lúc khó khăn. Ngộ việc gì xảy ra thì sao. Ba anh em bàn nhau. Các đồng chí báo vụ viên hiện làm tốt lắm. Bồi dưỡng không có gì mà chăm chỉ rất mực. Nhưng chúng ta cũng phải có những báo vụ viên hoàn toàn do Thông tin cách mạng dạy dỗ. Gì bằng con em cách mạng, nghĩa là thanh niên do cách mạng đẻ ra, để mà bổ sung mà mở rộng, mà thay thế. Đào tạo báo vụ viên thường mất 6 tháng. Chúng ta là Thông tin cách mạng, tạm đặt 3 tháng, xem sao.
Hai đồng chí đi thu thập kíp anh em thanh niên. Được ngay hơn hai chục anh. Đó là các đồng chí Diệp, Minh, Khánh, Thịnh, Long, Hoạch, Đạo, Mậu... Tất cả đều là thanh niên Việt Minh.
Đại đội quân giải phóng nữ của đồng chí Long đóng ở Trường Hàm Long. Trường còn rộng, nhượng cho máy gian. Đồng chí Hoàng Đồng trông nom việc tổ chức ăn ở.
Có những anh từ khi ở Đoàn thanh niên đã biết chữ Morse rồi. Có những anh mới, nhưng học rất hăng hái. Hai huấn luyện viên, cố nhiên vẫn là Lê Dung và Hán Thăng. Thường thì một đồng chí dạy, một đồng chí chạy đồ.
Được một tuần đồng chí Hoàng Văn Thái đến xem. Đồng chí bảo rằng “rất tốt, trước đây chúng tôi phải học một tháng mới được thế”.
Tiến bộ trông thấy. Mới được một tháng, đã có một đài không có người làm. Đành phải lấy chú giỏi nhất, gọi tạm là “tốt nghiệp” và cho đi “phụ trách đài”. Thật là gian nan, cực nữa! Bỡ ngỡ. “Đài đối” trong khi bực bội, tay đánh những tín hiệu tiếng tắt “không lịch sự”. Có lẽ anh ta không biết là đồng sự của mình gặp khó khăn thế nào, để mà thông cảm. Nhẫn nại, nhịn, nhẫn nại, tập. Chỉ ít lâu sau, là anh em đánh đã lọt tai, rồi đánh khá. Việc này cũng chứng tỏ rằng cách mạng có thể chờ đợi ở thanh niên rất nhiều. Thanh niên không bao giờ ngần ngại.
Ngày 20 tháng 9, tất cả anh em, mặt đăm đăm lo lắng.
“Đài VMA không lên...”.
Máy anh em làm với miền Nam, tay vẫn gõ rành mạch, nhưng mặt lặng ngắt.
“Ngày 23, đài phát thanh Đất Hộ (Đa Cao), cũng không nghe thấy nữa...”.
Anh em ngoài này không chịu. Chắc anh em trong kia cũng không chịu. Chọc trời, quấy đất, làm qua VN3G, làm thẳng, gọi tất cả các đài quân sự và hành chính, đánh lấy được, nhận lấy được, không chịu để bức điện nào phải chờ. Trong bốn bức tường của phòng “phát”, y như là các biến chuyển lớn ở miền Nam đang diễn ra.
Sau này mới biết rằng: Khi giặc đến Đất Hộ, anh em đã nhanh tay lái cái xe chở máy dự bị lên chiến khu, để rồi thành đài “Tiếng nói Nam Bộ”.
Có những phiên, ruột quặn lại... Người ngoài chỉ nghe thấy những tiếng tịch tè, tè tịch, đánh đều đều, lạnh lùng. Nhưng đối với những người làm VTĐ, là những người đọc bằng tai, thì những tín hiệu ấy như xoáy vào óc, vào tim. Ôi! Tiếng gọi của người mẹ hiền, gọi con trong cơn nguy kịch. Bẵng đi một phiên... hai phiên... gọi suốt giờ canh không thấy trả lời, cái gì xảy ra với bà con, với đồng chí VTĐ trong ấy? Đến hết phiên, đồng chí báo vụ buông thõng tay, lặng đi, không nói không năng gì. Mà những người xung quanh, không ai dám hỏi một câu.
Khoảng giữa hai phiên, sao mà lâu thế. Rồi giờ đến, lại ngồi vào đài, lại gọi, gọi không mỏi mệt để rồi đến cuối phiên, lại buông thõng tay, từ từ đứng dậy, người mà như chỉ còn cái bóng.
Nhưng đến giờ sau, vẫn không chần chừ, vẫn gõ vào giây thứ nhất. Không cần hỏi, nhưng nhìn mặt anh ta bừng lên. Dòng máu ngừng, đã lại chảy rồi. Chắc anh em trong kia gặp việc gì đây, phải bỏ phiên nhiều ngày, nhưng vẫn tin là ngoài này chờ đợi, nên mới qua tín hiệu thứ nhất liên lạc đã nối lại ngay. Thật là đồng bào, thật là cùng một dòng máu mủ. Dòng máu từ tay đến tim, như ngập ngừng rồi qua tiếng thét, tiếng súng, vẫn cứ vọt về, vọt đi, toàn thân vẫn rung động.
Tình cảm của những người làm vô tuyến điện, của những chiến sĩ thông tin.
***
Cái hăng đi săn máy lại nổi lên dữ dội. Xin Sở VTĐ Việt Nam đặt một đài bậc trung ở Thái Nguyên. Thấy nói ở nhà điện Hải Phòng có cỗ máy 1 kilô Oát, đồng chí Hán Thăng xuống cảng ngay. Khốn nỗi, bọn “Tàu Tưởng” đã canh nhà đèn rồi. Mặc kệ! Đồng chí vào, tháo máy ra từng mảnh rồi mỗi ngày mang một ít ra; đến cửa bảo tên lính canh là đi chữa. Đến lúc đem được bộ phận cuối cùng ra, thì xếp tất cả xuống một chiếc ca nô, vù về Hà Nội. Phải đưa lên Bắc Kạn, cất làm dự bị. Giặc lại canh cầu Long Biên rồi. Phải vòng sang Sông Đuống. Đài này sau được dùng vào “Tiếng nói Việt Nam”.
Đến bây giờ nhớ lại, đi bao nhiêu ngày thế, thuê bao nhiêu xe thuyền thế, thì lĩnh tiền ở đâu. Có mấy khi đi lĩnh. Đến đâu người ta cũng cho ăn cơm, nhiều lúc thuê đò xe, mà chả ai đòi tiền. Chưa có chế độ công tác phí. Cho đến tận năm 1949 ở tiểu đoàn chuyển đạt 36 mới trả tiền đi công tác cho anh em.
Tiền hầu như không lĩnh, thế là được cái không bận về giấy tờ. Nhớ một chuyện: Đồng chí Tham mưu tổng trưởng bảo là “Tham mưu và Thông tin là hai cơ quan riêng biệt”. Chắc đồng chí muốn giữ bí mật cho tốt, chúng tôi cũng thấy thế, nhưng xin đồng chí cho hành chính và cấp dưỡng giúp luôn cho Thông tin. Như thế là hà tiện được cả một bộ máy.
Đầu tháng 10, một xe VTĐ được điều lên Vĩnh Yên, phục vụ tác chiến.
Tự nhiên là các chiến khu đều phải nghĩ đến thông tin. Khu bờ bể xin thợ VTĐ và trưởng đài. Cử một cơ công Bạch Mai, vào hạng giỏi, đồng chí Nguyễn Xuân Thăng và mấy đài trưởng, trong đó có đồng chí Nguyễn Hữu Thân, đi hải Phòng. Đến đó, các đồng chí cũng hết sức tìm máy móc cho đủ dùng.
Giặc Pháp đánh rộng ra, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đặt Phòng Thông tin quân sự Nam Bộ với đồng chí Tấn Trình. Với Phòng Thông tin Huế nữa, là trong tình hình mới, mạng thông tin đã đủ. Mỗi khi làm khó, thì đài Huế hay Quảng Ngãi vẫn làm trung gian giữa Nam Bộ và Hà Nội.
Mặt trận miền Nam mở rộng, Phòng Thông tin liên lạc phố Nguyễn Du có một ông khách lạ. Một nhà trí thức còn trẻ, trai Hàng Đào cũ, ông Nguyễn Văn Tình, kỹ sư điện và kỹ sư vô tuyến điện, người đã đi đặt đài VTĐ ở Hoàng Sa. Ông đã lập một cơ sở vô tuyến điện lớn ở Sài Gòn.
Cách mạng đến. Động lòng yêu nước, biết rõ cái khó khăn đang chờ đợi người cách mạng, ông khép cửa, ra đi cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt kháng chiến. Bây giờ ông được cử ra Bắc.
Mừng không sao kể xiết.
Về VTĐ, tôi đành là một anh dốt rồi. Hai đồng chí kia cũng biết một chừng nào thôi. Cứ mong ước có một người giỏi về chuyên môn, kỹ thuật VTĐ, vì tương lai có phải là chỉ có một mạng máy như hiện nay thôi đâu. Còn phải thấy trước tình hình có thể khó khăn hơn. Trong số anh em học VTĐ thì ông Tình là một trong những người có nhiều học thức nhất. Mà lại đến với chúng ta, còn gì bằng nữa.
Báo cáo ngay lên Bộ. Vài hôm sau được tin ông Nguyễn Văn Tình được cử làm Giám đốc Sở Vô tuyến điện Việt Nam. Từ nay thì Sở Vô tuyến điện trở nên một bộ phận hoàn toàn ở trong quân đội ta rồi.
Anh Lê Dung đang bận thu thập các đồ dùng để làm một xưởng sửa chữa.
Bộ chỉ thị tách Ban Mật mã ra khỏi Phòng Thông tin. Việc sắp xếp lúc đầu đã xong. Nay tách ra thì mới đúng phép bí mật. Lớp báo vụ đã bế mạc. Đồng chí Hoàng Đổng đến làm ở Ban Mật mã. Sau này đồng chí Đổng sẽ thay đồng chí Đệ và đồng chí Thuyên, chuyển đi việc khác.
Phòng Thông tin cũng dọn đến nhà cuối phố Nguyễn Du, nhìn ra đường Bà Triệu.
Ít lâu sau, Quốc hội họp lần thứ nhất. Theo ý kiến của Cụ Chủ tịch, Quốc hội cử ra kháng chiến ủy viên hội. Rồi Chính phủ mới thành lập.
Bộ Quốc phòng đến mở ở nhà Trường Trưng vương bây giờ. Thông tin dọn đến làm việc ở cái nhà sau Bộ, nhìn ra phố phía Nam, ở cái nhà nay là trụ sở Mặt trận Tổ quốc Hà Nội. Đài đặt ở phòng sau, trên gác.
Công việc càng ngày càng nhiều. Đài ở giữa thành phố làm nhiều khi không tốt. Anh em tìm mượn được cái trại của Nguyễn Bá Chính ở làng Nghi Tàm, giữa Hồ Tây, rộng rãi, quang đãng, có thể đặt các dây trời cao, từ bờ đê trở vào. Thế là được một “Trung tâm thu phát” bề thế.
Mạng VTĐ đã có những máy mạnh hơn, điều chỉnh dần dần theo đà chiến đấu. Điện thoại vẫn phải trông vào Sở Bưu điện. Liên lạc chân chạy khắp nơi. Đã có “bài hỏa tốc” để vượt các khó khăn trên đường như đi tàu, qua phà, đòi đi trước.
Nhưng vẫn cứ phải lo xa. Đem các máy nổ và các máy VTĐ có thể chữa được, xếp vào một cái chùa ở giữa đồng làng Nga Mi (Thanh Oai), giao cho đồng chí Kinh giữ gìn.
Được dự kỳ họp cán bộ quân sự đầu tiên ở trại Bảo an binh cũ. Xung quanh hội nghị, giữ bí mật nghiêm lắm. Lần đầu, các cán bộ quân sự nhiều chiến khu gặp nhau. Phần nhiều chưa biết nhau. Đã làm gì có những cán bộ cùng một trường hay một đơn vị ra.
Một đồng chí mặc cái áo đũi tươi màu, có ria mép. Dáng bộ ra vẻ thành thạo. Anh em bảo đó là đồng chí Nguyễn Sơn, từ nước ngoài về. Người mang cái tên rất thường là “Sửu” là đồng chí Thiết Hùng.
Cụ Chủ tịch đến. Cụ nhìn khắp lượt:
   - Hôm nay, các đồng chí mặc áo mới lịch sự cả nhỉ!
Một đồng chí giật mình, súng lục rơi cái bịch một cái. Chả là đến hội nghị, thì các đồng chí ta cũng mặc chỉnh chện những cái áo mà hồi ấy gọi là “varơi”, “palơtô” phần nhiều không đo may. Nhưng nghe Cụ nói, thì cảm thấy ngượng nghịu.
Có lẽ vì những bộ áo “sang trọng” ấy, mà Cụ bắt đầu bằng câu giải nghĩa tên hiệu “cán bộ”. Cụ bảo:
- Cán bộ là người, lo thì lo trước thiên hạ, vui thì vui sau thiên hạ.
Trong hội nghị có bàn nhiều việc. Đồng chí Sơn nhận xét rằng cách bố trí quân lực ta lúc ấy là rải mành mành.
Đối với tôi, thì những câu nói của Cụ Chủ tịch là dễ nhớ và nhớ kỹ nhất. Hồi ấy, có lẽ vì người ta còn hay dùng cách suy nghĩ và cách nói cũ, mà Cụ cứ nói những ý kiến mới bằng chữ cũ, cho ai nấy dễ hiểu.
Mấy tháng mà công việc đã đi vào một khuôn khổ mới, rộng lớn hơn.
Đầu năm 1946, sau khi Quốc hội họp, tôi được làm mấy nhiệm vụ khác. Đồng chí Nguyễn Hải Hạc thay.
Hồi năm 1948, từ bộ đội, tôi được Cụ Chủ tịch trao cho công việc làm Tổng thư ký Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Trưởng Ban là cụ Tôn. Cụ Hồ là chiến sĩ thi đua say mê nhất. Được làm với hai cụ, còn gì bằng.
Nhưng hồi ấy, đã nói đến chuẩn bị “chuyển sang tổng phản công”. Đi đến các hội nghị quân sự, các đơn vị, cổ động thi đua, “Tất cả để kháng chiến”, cũng rất phấn khởi. Nhưng trong đáy lòng, vẫn mong trở lại quân đội. Sau Đại hội Thi đua lần thứ nhất, giữa năm 1949, đã được nhận xét rằng: Trong nước đã có phong trào thi đua, đã có những kết quả đầu tiên, tôi được trở về quân ngũ.
Nhân cái dịp trở thành “Cục Thông tin liên lạc”, Sở Vô tuyến điện Việt Nam xây dựng một cơ sở mới ở bờ suối La Bàng, và cho Ban Thi đua mượn để họp Đại hội.
Họp Đại hội xong, tôi cứ ở luôn lại đấy thôi.

(Còn nữa)
Đăng bởi Nguyễn Quang Hưng













0 nhận xét:

Đăng nhận xét