15/9/17

Giữ "mạch máu" thông tin liên lạc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh



Gần như cả cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn bó với Bộ đội Thông tin liên lạc (TTLL), trong đó gần 30 năm ở cương vị chỉ huy Binh chủng (1960-1988). Trong thời gian đó, tôi và đồng đội đã tham gia rất nhiều trận đánh, chiến dịch lớn, nhỏ, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thiếu tướng Hoàng Niệm. Ảnh: Duy Minh

Khi ấy, tôi được phân công làm Phó chủ nhiệm TTLL trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chuẩn bị TTLL trong một chiến dịch lớn chưa từng có đã được lãnh đạo Bộ tư lệnh họp bàn kỹ, công việc triển khai một cách khẩn trương về mọi mặt. Khó khăn của công tác thông tin chiến dịch do lực lượng huy động vào chiến dịch rất lớn gồm nhiều binh đoàn, nhiều mũi tiến công trong điều kiện xa Trung ương trên một quy mô rộng lớn cả thành thị và nông thôn, cả đồng bằng và rừng núi... Tôi và anh em xác định rõ: Lực lượng thông tin phải bảo đảm TTLL thông suốt từ Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Chiến dịch đến các lực lượng tham gia chiến dịch.
Sáng 24-4-1975, mệnh lệnh tiến công vào Sài Gòn của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương được Đại đội 5 Vô tuyến điện (thuộc Tiểu đoàn 77 của Lữ đoàn 205) chuyển kịp thời tới Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26-4-1975, các hướng chiến dịch đã tập kết đúng địa điểm và thời gian quy định. Ngày 28-4-1975, bộ đội thông tin Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng Phòng không-Không quân đã dẫn đường cho biên đội 5 máy bay A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, làm kinh hoàng quân đội Sài Gòn. Thời gian này, TTLL được bảo đảm thông suốt cho công tác chỉ huy chiến đấu từ Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đến các mũi tiến công vào Sài Gòn.
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4, cụm điện đài của Bộ chuyển cho 3 đài phục vụ trực tiếp Bộ tư lệnh Chiến dịch bức công điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, chỉ thị yêu cầu Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút, sau khi bộ đội ta cắm cờ lên nóc dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 4 đã dùng máy vô tuyến điện P401M báo cáo ngay với Sở chỉ huy Chiến dịch. Ngay sau đó, đồng chí Tư lệnh Chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đã báo cáo chiến thắng cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều tập thể và cá nhân được biểu dương khen thưởng. Đặc biệt, ngày 31-5-1976, Binh chủng TTLL được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân.
Có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với đồng đội, nhưng tôi nhớ mãi nhiệm vụ đột xuất khi trên đường hành quân từ Buôn Ma Thuột về huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên đường cơ động, Thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, lúc đó là Thư ký cho đồng chí Văn Tiến Dũng, nói với tôi: “Có chuyện rất gấp, Tư lệnh muốn trao đổi trực tiếp công việc ngay với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh có cách nào không?”. Tôi suy nghĩ, đang trên đường hành quân, giữa đường, xa trạm thông tin, rất khó để thiết lập mạng lưới liên lạc nhưng vẫn tổ chức một phiên liên lạc bằng vô tuyến tiếp sức khẩn cấp. Lực lượng thông tin nhanh chóng thiết lập đường liên lạc với tổng trạm ngoài Hà Nội, giúp đồng chí Văn Tiến Dũng (mật danh Z30) có ngay cuộc trao đổi trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về triển khai kế hoạch Chiến dịch Hồ Chí Minh. Kết thúc phiên liên lạc, đồng chí Hoàng Dũng nói vui với tôi: “Tao phục mày quá!”.
Thiếu tướng Hoàng Niệm (kể), Minh Nguyễn (ghi)
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn nguyệt san Sự kiện & Nhân chứng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét