9/5/19

Kỷ niệm 60 năm Thông tin Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019) (phần ½)

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), BBT Trang tin Hội truyền thống Thông tin Hà Nội trân trọng giới thiệu hồi ức “Kỷ niệm 60 năm Thông tin Trường Sơn” viết về những năm tháng hào hùng của Bộ đội Thông tin Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đại tá Nguyễn Đăng Đằng1.
Chiến tranh đã lùi xa 44 năm, đặc biệt hôm nay những người lính Thông tin Trường Sơn gặp mặt truyền thống kỷ niệm 60 năm Thông tin Trường Sơn tại Bảo tàng Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là địa chỉ đỏ - là ngôi nhà chung của 12 vạn người gồm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ của tuyến đường mang tên Bác. Để gặp lại đồng đội, ôn lại ký ức về thông tin Trường Sơn, về chiến tranh… những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên của một thời để nhớ.
Đường xuyên Trường Sơn, đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp cho ý chí quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Nhận rõ sứ mệnh lịch sử vẻ vang và sự sống còn của đường Trường Sơn, quá trình thực hiện nhiệm vụ là sự đối đầu với chiến đấu ác liệt, chịu đựng gian khổ dài ngày, giữa chiến tranh ngăn chặn chi viện tổng hợp của đế quốc Mỹ với chiến tranh chống ngăn chặn tổng hợp của Tập đoàn Binh chủng hợp thành… thanh niên xung phong của Bộ đội Trường Sơn; của quân dân hai nước bạn (Lào và Campuchia); của sự phối hợp chiến đấu trên chiến trường của quân dân có tuyến đường đi qua; của sự chi viện sức người, sức của to lớn từ hậu phương xã hội chủ nghĩa (Đường xuyên Trường Sơn – trang 373).

Đoàn xe vận tải hùng hậu của quân đội ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 trên đường Trường Sơn - chiến dịch cuối cùng thống nhất hai miền Nam, Bắc. Ảnh tư liệu
Binh chủng Thông tin Trường Sơn là một bộ phận trọng yếu trong Tập đoàn Binh chủng hợp thành của Bộ đội Trường Sơn. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được nhân dân trong nước và thế giới đánh giá là một công trình huyền thoại. Mạng thông tin đa phương tiện lấy đường dây trần tải ba làm chủ lực là một công trình huyền thoại trong huyền thoại “Thức cùng Trường Sơn – trang 10”2.
Trong những năm đầu còn nhỏ bé, Thông tin Trường Sơn chủ yếu dùng điện đài vô tuyến điện (VTĐ) và một ít điện thoại dây bọc cho một số bộ phận nội bộ cơ quan chỉ đạo các cấp. Đến mùa khô 1967 – 1968, thực hiện chủ trương và nhiệm vụ cơ giới hóa toàn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, cũng như để đáp ứng yêu cầu của chiến đấu trong binh chủng hợp thành, kết hợp giữa phương thức liên lạc chỉ đạo với chỉ huy, tiến lên lấy phương thức liên lạc chỉ huy là chủ yếu. Quyết định đúng lúc của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Hậu cần, được sự giúp đỡ, chi viên về vật tư khí tài và cán bộ kỹ thuật của Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc3. Có thể nói đây là bước nhảy vọt của Thông tin Trường Sơn cả về lượng và chất. Nhân cơ hội này, Bộ đội Thông tin Trường Sơn đã quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ dưới mưa bom bão đạn, địa hình thời tiết nghiệt ngã, đã chấp nhận thử thách, kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo xây dựng đường dây trần, dây cáp tải ba nối từ hậu phương Quảng Bình (A72 của Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc) xuyên qua Tây Nguyên, chọc thẳng đến Lộc Ninh (Đông Nam Bộ). Lúc cao điểm nhất, mạng thông tin dây trần tải ba Đông Tây Trường Sơn dài trên 3.500 km với hàng chục trạm cơ vụ liên hoàn khép kín. Lúc này (cuối năm 1969) mạng thông tin tải ba từ Sở chỉ huy Bộ tư lệnh (SCH BTL) đến SCH các binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội… trên toàn hệ thống đường bộ, đường sông, đường giao liên đã thông suốt liên tục, đồng thời bảo đảm liên lạc thường xuyên với Bộ và các đơn vị, các SCH chiến dịch Bắc Đường 9 và các đầu mối chiến trường.
Để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt vững chắc trong mọi tình huống, Thông tin Trường Sơn vẫn lấy 3 phương thức là: Hữu tuyến điện (HTĐ), VTĐ và thông tin vận động (quân bưu).
Từ những năm đầu đến năm 1969, phương thức liên lạc VTĐ vẫn lấy 15 W liên lạc báo, mã dịch, hẹn giờ là chủ yếu.
Đến mùa khô năm 1967 – 1968, Đại đội 1 VTĐ và Đại đội 4 VTĐ tiếp sức của Tiểu đoàn 16 được trang bị thêm các loại máy công suất lớn hiện đại như P50, xe máy tiếp sức P-401M. Cùng với sự phát triển của đường trục HTĐ tải ba, đường trục VTĐ tiếp sức được thiết lập. Máy VTĐ tiếp sức được đặt trên các điểm cao gần SCH và các trạm cơ vụ, kết nối với các trạm cơ vụ khu vực, bổ trợ khi HTĐ tải ba mất liên lạc.
Đến cuối tháng 9/1971, từ Trung tâm Thông tin SCH (3000) đến SCH các BTL khu vực mới như: 473, 472, 471, 571 đều có 2 phương tiện liên lạc thoại trực tiếp là tải ba, tiếp sức và VTĐ báo 15 W bổ trợ. Mạng tiếp sức trên tuyến lúc này có đến 11 hướng duy trì liên lạc thường xuyên theo phiên hẹn trong ngày bảo đảm liên lạc tốt.
Mạng thông tin tải ba ở Trường Sơn có khi bị máy bay B52 oanh kích, đường dây bị bom đánh mất hàng ki-lô-mét, hay về mùa mưa có đoạn hàng ki-lô-mét bị ngập úng, những đường dây vượt sông suối bị cuốn trôi hàng trăm mét, việc khôi phục khó khăn mất dài ngày. Ngay đó mạng VTĐ tiếp sức thay thế duy trì liên lạc.
Điển hình như mùa mưa 1973, c4/d16 tháo máy khỏi xe đưa lên chóp T1 (cao điểm 1264) để duy trì liên lạc với f471 qua 5000; f470 qua 7000 và trực tiếp với sư đoàn 473, 472, 571. Cán bộ chiến sĩ VTĐ tiếp sức rất gian nan và vất vả vì đài phải đặt trên các điểm cao, khí tài trang bị đều phải mang vác bộ. Điều kiện sinh hoạt và bảo đảm liên lạc thiếu thốn nhiều bề. Mùa mưa thiếu lương thực, thực phẩm. Bộ đội đói nhưng không thể thiếu nhiên liệu để cho máy phát điện phục vụ cho máy VTĐ tiếp sức hoạt động. Để tránh sự trinh sát, định vị đánh phá của không quân địch, đài phải đặt ở cách xa SCH từ 2 đến 3 km. Phải độc lập chiến đấu với bộ binh, biệt kích địch và ngụy trang nghi binh để tránh máy bay địch oanh kích.
Đặc biệt những khi bảo đảm liên lạc cho SCH tiền phương hay chỉ huy cơ động, các sư đoàn xe chạy trên tuyến đường Hở và Kín, VTĐ tiếp sức, 15 W và 2 W, phải đồng bộ liên lạc hiệp đồng với các đơn vị công binh, pháo cao xạ và các barie hướng dẫn đường cho xe chạy theo đội hình hành quân.
Ngay sau khi giải phóng Tây Nguyên, ngày 21/3/1975 đặt trạm tiếp sức trên núi Hàm Rồng – Pleiku  (ngã ba Bàu Cạn) liên lạc trực tiếp với f470 và chóp 1264 không qua trung gian để BTL liên lạc và chỉ đạo f470, f471 phát triển xuống phía Nam theo yêu cầu nhiệm vụ.
Miền duyên hải từ Quảng Trị đến Nha Trang được giải phóng, BTL Trường Sơn quyết định chuyển SCH cơ bản từ Bến Tắt (Quảng Trị) vào Đồng Đế (Nha Trang). c4 đã triển khai đường trục tiếp sức có các trạm đặt ở: Núi Ngự Bình (Thừa Thiên – Huế), bán đảo Sơn Trà (Đà nẵng), núi Ấn (Quảng Ngãi), đèo Rù Rì (Nha Trang). Đồng thời, đặt trạm tiếp sức trên đèo Phượng Hoàng (quốc lộ 26 - Ninh Hòa - Buôn Ma Thuột). Ngày 13/4/1975 thông suốt liên lạc từ Bến Tắt (SCH hậu cứ) với SCH cơ bản Đồng Đế (Nha Trang) và SCH tiền phương ở Buôn Ma Thuột.
Lúc này BTL Trường Sơn dùng VTĐ tiếp sức và VTĐ 15 W liên lạc với các đơn vị trên toàn tuyến và các đơn vị hiệp đồng theo yêu cầu nhiệm vụ cho đến khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Về thông tin quân bưu, là một trong ba phương thức bảo đảm liên lạc của Thông tin Trường Sơn
Ngày 20/6/1959, Tiểu đoàn 301 - đơn vị đầu tiên của Đoàn 559 ra đời mới bắt đầu vận tải dẫn khách vào, ra và tiếp tục công tác quân bưu. Tuyến được bố trí 9 đội từ Khe Hó (Vĩnh Linh) trở vào Đội 9 cuối cùng ở “Bắc A Lưới” hàng chuyển giao từ trạm đầu đến trạm cuối. Thông tin vận động từ ban đầu đã luôn luôn bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn phục vụ cho chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn tới đích vào ngày 13/8/1959.
Về sau quy mô nhiệm vụ và lực lượng trên tuyến phát triển. Từ BTL Đoàn đến các đơn vị cơ sở vẫn tổ chức loại hình thông tin vận động (quân bưu) để chuyển đạt công văn mệnh lệnh, thư từ, báo chí, có khi làm liên lạc dẫn đường cho cán bộ đi công tác.
Từ năm 1966 - 1967 trên toàn tuyến vận chuyển bằng cơ giới. BTL đã giao cho thông tin nhiệm vụ “quân bưu chiến lược” vận chuyển công văn, văn kiện, thư từ ở hậu phương miền Bắc vào chiến trường và ngược lại. Cuối năm 1967, Bộ đã tăng cường cho Thông tin 559 hai đồng chí cán bộ quân bưu có bề dày kinh nghiệm tổ chức. Lúc này cán bộ Ủy ban Thống nhất TW và BTL Thông tin liên lạc vào túc trực cùng với Thông tin 559 để giải quyết hàng quân bưu tồn đọng ở cửa khẩu.
Cuối mùa khô 1969 - 1970 Bộ Tham mưu Trường Sơn đã tổ chức lực lượng gùi bộ theo đường giao liên đưa đến các chiến trường. Mùa khô 1970 - 1971, khi mạng dây trần mới thiết lập đến các binh trạm trên trục dọc và cả trục ngang. Bộ Tham mưu Trường Sơn đã giao nhiệm vụ cho các tiểu đoàn thông tin dây trần tải ba dùng lực lượng tổ canh dây phối hợp với lực lượng quân bưu ở các binh trạm vận chuyển hàng quân bưu giao đến các trạm tiếp nhận của Quân khu Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Để đáp ứng tình hình vận chuyển hàng quân bưu chiến lược tốt hơn, đầu mùa khô 1972 - 1973 BTL Trường Sơn đã quyết định tổ chức Đại đội 12 thông tin quân bưu trực thuộc Bộ Tham mưu. Đơn vị được trang bị các loại xe ô tô Zil, Gaz 63, Gaz 69 và mô tô 3 bánh. Vận chuyển hàng quân bưu với khối lượng lớn của hậu phương đi thẳng giao cho các chiến trường thay bằng vận chuyển bộ của các năm trước, không còn tồn đọng hàng quân bưu ở trạm đầu mối nữa. Giữa năm 1973, các chiến trường điện báo về BTL Trường Sơn: Thư từ sách báo từ miền Bắc gửi vào các chiến sĩ ngoài mặt trận nhận được nhiều hơn, nhanh hơn và ngược lại, số lượng thư từ ở các mặt trận gửi về hậu phương cũng được chuyển nhanh ra và chu đáo hơn rất nhiều lần so với các năm trước.
Chỉ tính từ mùa khô 1967 - 1968 đến hết năm 1973, quân bưu Đoàn 559 đã chuyển vào chiến trường được 132.355 công văn, 79.008 kg văn kiện, 43.925 kg thư binh sĩ; đã chuyển về hậu phương miền Bắc được 401 kg văn kiện, 11.393 kg thư binh sĩ, 576 kg hàng di vật liệt sĩ (tài liệu tổng kết của Thông tin 559).
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trao tặng Thông tin Đoàn 559 lá cờ có thêu dòng chữ “Nối liền tình cảm Bắc Nam” hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng đường Hồ Chí Minh.
Cán bộ chiến sĩ thông tin nhận rõ trách nhiệm và nhiệm vụ dám đối đầu với mọi thử thách, chiến đấu anh dũng trước sự đánh phá quyết liệt bằng không quân, bộ binh, biệt kích của địch. Lực lượng của các đơn vị thi công xây dựng đường dây đã băng rừng, lội suối, khảo sát, thiết kế, mang vác hàng chục tấn vật tư, phương tiện để thi công đường trục dọc theo hành lang đường vận chuyển với khẩu hiệu và hình ảnh từng đoàn quân:
“Trên vai vác nặng dây đồng.
Lưng thì còng xuống mà lòng vút lên”
Sau khi xây dựng xong lại bàn giao cho đơn vị bảo vệ khai thác và tiếp tục thi công theo nhiệm vụ mới. Những đơn vị bảo vệ khai thác đường dây trần đã giữ vững thông suốt liên lạc 24/24 h trong ngày. Trên tuyến đường trục cứ từ 5 - 7 km có một tổ canh dây từ 4 - 5 chiến sĩ thông tin túc trực, trang bị đầy đủ vật tư, đồ nghề. Địch đánh xong là lên đường đi khôi phục dây ngay với quyết tâm và khẩu hiệu: Dù đổ máu hy sinh chứ không để mất thông tin liên lạc; “đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”; “dây chưa thông, không ăn không ngủ”. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, nhiều đồng chí bị thương tật hoặc bị nhiễm chất độc da cam mang tật nguyền cho bản thân và hậu quả khôn lường cho con cháu.

Thông tin liên lạc trên toàn tuyến lúc phát triển cao nhất lên tới 1.600 km đường dây, giúp nối thông giữa tổng hành dinh chỉ huy tới các chiến dịch. Ảnh tư liệu
16 năm với gần 6.000 ngày chiến đấu anh dũng, ngoan cường thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trên tuyến đường mang tên Bác, Bộ đội Thông tin Trường Sơn đã khắc phục gian khổ, hy sinh, mưu trí sáng tạo xây dựng lực lượng lớn mạnh, tập kết vật tư, trang bị kỹ thuật đủ sức xây dựng và bảo vệ khai thác hệ thống thông tin liên lạc. Tuyến đường trục HTĐ tải ba cùng với hàng vạn cây số dây bọc, tổng đài, máy lẻ, kết hợp với VTĐ tiếp sức VTĐ sóng ngắn và thông tin vận động tạo thành mạng lưới thông tin đa phương thức hỗ trợ cho nhau trong mọi tình huống, bảo đảm chỉ đạo chỉ huy trực tiếp của các cấp, các binh chủng thuộc Bộ đội Trường Sơn. Đặc biệt chỉ huy chiến đấu binh chủng hợp thành các đợt công kích, các chiến dịch tổng công kích vận tải trên toàn tuyến. Nhận chỉ thị mệnh lệnh trực tiếp của Tổng hành dinh và liên lạc với một số chiến trường; phục vụ thông tin Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng… Đồng chí Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm và chúc Tết, dự Lễ mừng công của Bộ đội Trường Sơn. Phục vụ thông tin đưa đón khách quốc tế: Tháng 3 năm 1971 vợ chồng Quốc trưởng Campuchia Nô-đô-rôm Xi-ha-núc về thăm quê hương trong vùng giải phóng theo đường Hồ Chí Minh; tháng 10/1973 Tổng Bí thư, Thủ tướng CH Cuba Fidel Castro đến thăm bộ đội Trường Sơn ở Bắc Quảng Trị đã quyết định cử chuyên gia giúp Việt Nam và trang thiết bị làm đường Trường Sơn.
(còn nữa)
Đại tá Nguyễn Đăng Đằng
Đăng bởi Quang Hưng
-----------------------------------------
1 Tác giả Đại tá Nguyễn Đăng Đằng nguyên là Chánh Văn phòng BTL Thông tin liên lạc, hiện là Ủy viên BLL Hội truyền thống Thông tin Hà Nội kiêm Chi hội trưởng Chi hội Truyền thống Thông tin Thanh Trì. Năm 1967 – 1975 đ/c là cán bộ Phòng Thông tin BTL 559, giai đoạn 1974 – 1975 là TMP Trung đoàn Thông tin 596/BTL 559.
2 Phát biểu của đồng chí Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên ngày 19/3/2003 với Bộ đội Thông tin Trường Sơn.
3 Khí tài gồm dây trần, cáp cao tần, dây bọc, máy tải ba hiện đại 1, 3, 12 kênh, xe máy tiếp sức P-401M, máy phát VTĐ sóng ngắn P50, tổng đài 100 số, máy điện thoại của Liên Xô, Trung Quốc và Hung-ga-ri.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét