Thời tiết nóng khiến sức đề kháng của nhiều người kém đi, dễ
bị các bệnh sốt virus, đường hô hấp. Để nhiệt độ điều hòa trong phòng thấp, bật
quạt quá mạnh thốc thẳng vào mặt cũng khiến trẻ ốm.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch
Mai (Hà Nội) cho biết, số trẻ khám hiện chưa có đột biến. Dự đoán vài ngày tới
với tình trạng nóng bức kéo dài như thế này có thể số ca bệnh sẽ tăng lên chủ yếu
do các bệnh về tiêu hóa, hô hấp... Nóng quá cũng dễ khiến trẻ mệt vì khả năng
điều hòa nhiệt kém.
Một số loại virus như virus hợp bào hô hấp thường trực ở mũi
họng, khi người nhiễm virus sẽ phát bệnh như viêm họng, cảm cúm. Trời nóng trẻ ở
trong phòng có điều hòa, quạt, tắm nhiều hơn, là điều kiện thuận lợi cho virus
phát triển.
Người mắc bệnh mãn tính, người già cũng là nhóm dễ bị tác động.
Theo các bác sĩ Viện Lão khoa quốc gia, thông thường vào những đợt nắng nóng số
lượng bệnh nhân tăng vừa phải nhưng tình trạng bệnh nặng chiếm tỷ lệ cao. Thời
tiết nóng hay lạnh đều tác động làm huyết áp của người bệnh, nhất là ở người bị
bệnh mãn tính, bệnh nhân sau can thiệp, suy tim… Do đó tình trạng bệnh tiến triển
nặng, lên cơn đau cấp tính, phải đi cấp cứu, thậm chí có thể dẫn tới đột quỵ.
Người già, người mắc bệnh mãn tính, trẻ nhỏ là nhóm dễ bị
tác động nhất khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Ảnh minh họa: P.N.
Trời nóng cũng khiến thói quen sinh hoạt của người dân thay
đổi. Bệnh nhân suy tim mà uống nhiều nước hơn sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn,
dẫn đến bị suy nặng hơn.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo để phòng bệnh, những người
có bệnh mãn tính phải uống thuốc đều, đặc biệt người già hay quên. Mùa hè nên uống
1,5-3 lít nước, người già cần định sẵn một lượng nước cần uống. Uống nước nhiều
thì tốt nhưng không bắt buộc với tất cả mọi người, những người uống nhiều nước
mà không ra mồ hôi thì phải cẩn trọng. Uống đến ngưỡng không hấp thụ được thì
không nên tiếp tục.Với bệnh nhân suy tim nên khống chế lượng nước đầu vào, khi
nào khát thì uống. Người bệnh mãn tính phải uống thuốc đều đặn theo chỉ định, đặc
biệt là người già.
Nhà có điều hòa nên đặt ở nhiệt độ 27-28 độ C. Lưu ý, không
để điều hòa quá thấp, chênh lệch nhiệt độ lớn so với môi trường bên ngoài. Khi
đã ở trong phòng điều hòa thì không nên để trẻ chạy ra vào phòng liên tục, sự
thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng khiến trẻ dễ đổ bệnh. Tùy theo lứa tuổi của trẻ,
cha mẹ nên bật quạt số to hay nhỏ. Trẻ sơ sinh thì không nên để quạt quá gần,
cách 2 m trở lên, số nhỏ nhất, không nên để quạt thốc thẳng vào mặt.
Hạn chế đi ra ngoài trời vào lúc nắng đỉnh điểm trong ngày.
Nếu phải lao động chân tay nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng thì cần phải uống
4 cốc nước mát mỗi giờ. Không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều
chất đường bởi chúng chỉ làm cơ thể thêm mất nước. Tránh các loại đồ uống lạnh
vì nó có thể gây co dạ dày. Người làm việc ngoài trời không nên lao động từ 11h
trưa đến 15h chiều. Người cao tuổi nếu tập thể dục vào buổi sáng thì nên về sớm
hơn và đi tập muộn hơn nếu vào buổi chiều. Thời gian tập cũng nên ngắn lại.
Với trẻ nhỏ, phó giáo sư Dũng cho rằng quan trọng là cha mẹ
có các biện pháp chống nóng. Để trẻ chơi ở nơi thoáng mát, nhà có điều hòa thì
cho bé chơi trong phòng điều hòa, không có thì dùng quạt, hoặc chơi dưới bóng
cây, có gió thoáng mát. Chú ý tắm rửa cho bé sạch sẽ, giữ vệ sinh tốt, vệ sinh
da, đừng để trẻ ra mồ hôi nhiều, dễ bị viêm da. Bên cạnh đó, cần cho bé ăn, uống
đủ nước, không uống đủ dễ dẫn đến mất nước, khiến trẻ mệ, đồng thời ăn thêm hoa
quả, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu
Hà Nội thì khi ra ngoài trời nên đeo
kính râm và chọn mặc quần áo thích hợp. Chọn loại quần áo làm từ chất liệu vải
cotton, sáng màu và không bó sát. Nắng gay gắt sẽ ảnh hưởng tới khả năng tự làm
mát của cơ thể và gây mất nước. Nó cũng là “thủ phạm” gây ra các nguy hại cho
làn da.
Nếu buộc phải ra ngoài, nên đội mũ rộng vành, đeo kính và
bôi kem chống nắng có độ SPF từ 15 trở lên từ trước khi ra khỏi nhà khoảng 30
phút. Trẻ em nên cho mặc áo rộng, thấm mồ hôi, thoáng mát không để trẻ chơi dưới
nắng. Những khe, kẽ trên da của trẻ nên dùng lớp phấn rôm nhằm giữ khô tránh hiện
tượng hăm kẽ gây khó chịu.
Phương Trang (VnExpress)
Nguyễn Quang Hưng sưu tầm
0 comments:
Đăng nhận xét