Đầu Xuân người
ta hay chọn các địa điểm du ngoạn, chơi Xuân nhưng chúng tôi có một quyết định
khác, đi thăm bố mẹ đã cao niên của một đồng đội.
Lái xe hôm
nay là Tổng Giám đốc Kiều Quang Thuật, ngày Tết cho anh em nghỉ không phải trực
nên đi đâu Tổng Giám đốc phải trực tiếp cầm lái. Anh Thuật vốn là dân đài trưởng
15 W nên tai rất thính, trên xe mọi người nói chuyện gì cũng nghe và tham gia
tuốt, anh bảo mọi người cứ vô tư đi, trên xe có định vị GPS toàn cầu rồi cứ
theo hướng dẫn mà chạy sẽ đến đúng địa điểm cài đặt. Thế là năm anh em chúng
tôi trên một chiếc xe với bao nhiêu câu chuyện về đời lính thông tin được tuôn
ra như nước chảy. Ăn cơm mới nói chuyện cũ là chủ đề không bao giờ thay đổi mỗi
khi những người lính lâu ngày mới gặp lại nhau, bác Ước nguyên là Chủ nhiệm
Chính trị Đoàn 4 Thông tin, người cùng thế hệ với Phó tư lệnh về Chính trị Đoàn
Minh Chức, vừa kể xong một câu chuyện cũ trầm ngâm nói: “Đúng là chỉ có những
người lính mới giàu tình cảm đến thế, đó là kết quả của những năm tháng vào
sinh ra tử, đói rét cùng nhau, coi nhau như anh em ruột thịt nên bây giờ lại
tìm đến nhau như thế này…”. Chuyến đi hôm nay chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn
Văn Phúc, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thiết bị trường học thuộc Bộ
Giáo dục. Anh Phúc nguyên là học viên báo vụ 15 W Đoàn 4 Thông tin khóa 1970 -
1971, khi mãn khóa như hàng nghìn học viên khác của đơn vị, anh khoác ba lô lên
đường vào Nam chiến đấu, sau ngày giải phóng, anh được đi học và trở lại công
tác tại một đơn vị phía Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tết này vợ chồng anh và
các con bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra quê để chăm sóc bố mẹ già. Xe chúng tôi
lướt êm trên đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, cảnh vật hai bên đường đang
khoác trên mình chiếc áo mùa Xuân trông thật lạ mắt và đầy sức sống, vẫn còn đó
những tấm băng rôn mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới và cờ đỏ sao
vàng được các gia đình treo lên theo một hàng thẳng tắp từ phố tới làng, lòng
chúng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Xe đi qua thành phố Phủ Lý, qua bến phà
xưa, nay đã được thay bằng một cây cầu hiện đại vắt ngang sông, bỗng tôi nhớ lại
cũng ở nơi này ba mươi bảy năm về trước, khi biên giới phía Bắc nước ta bị quân
bành trướng đánh sang, đơn vị chúng tôi, Trường Hạ sĩ quan Thông tin được Bộ tư
lệnh Thông tin liên lạc giao nhiệm vụ tập huấn khí tài mới nhận từ Liên Xô cũ về
cấp cho các đơn vị chủ lực phía Bắc, trong khi chờ phà đi từ trong núi Bút Sơn
ra để qua sông, xe thông tin quân sự mới cứng xếp thành hàng dài từ bến phà đến
đầu làng Phù Vân làm tăng thêm khí thế chiến đấu không chỉ trong quân đội mà
lan tỏa tới mọi người dân. Kiều Quang Thuật vừa lái xe, mắt đăm đắm nhìn về
phía cây cầu Phủ Lý, anh đang nhớ tới những kỷ niệm xưa không thể nào quên được
vì trong đoàn xe ấy có anh là đài trưởng mới ra trường được bổ sung cho một đơn
vị chiến đấu tại Hà Quảng, Cao Bằng. Bỗng tiếng cô gái giọng Nam bộ phát ra từ
bản đồ định vị: “Đã tới địa phận Thôn Ngòi, xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý…”, tất
cả giật mình nhìn về phía trước, anh Thuật dừng xe ngay trước mặt anh Phúc đã
chờ sẵn ở đầu làng. Nhảy xuống xe, cả năm anh em ôm chầm anh Phúc hò reo làm
cho đám thanh niên đang đi chúc Tết cũng phải dừng lại mà nhìn rồi ý nhị mỉm cười
đi tiếp.
Tặng
quà mẹ Nguyễn Thị Tèo 95 tuổi
Theo chân anh
Phúc, chúng tôi về tới nhà, một ngôi nhà xây xinh xắn có đầy đủ vườn cây, ao cá
mà anh Phúc xây tặng bố mẹ, còn anh thì “ba ngày Bắc, bảy ngày Nam” như anh thường
nói. Thấy chúng tôi đến, bà cụ mẹ anh Phúc đang nằm trên giường bỗng bật dậy,
theo lời giới thiệu của con trai, bà bắt tay từng người và luôn miệng “quý hóa
quá”, chúng tôi chúc Tết, chúc sức khỏe bà, bà cười đôn hậu bảo rằng: “Các con
cứ về đây vui như thế này là mẹ khỏe rồi”, nhìn bà như trẻ ra, chẳng ai bảo là
tuổi bà đã 95. Từ ngoài sân, đứa cháu đi gọi ông đã đưa ông về, cụ ông cũng còn
nhanh nhẹn lắm, lưng đi vẫn thẳng không cần chống gậy, ông bước vào nhà, giơ
hai tay chào và ôm mọi người thay cho những cái bắt tay đơn lẻ. Từ nãy đến giờ,
cụ bà cứ đi đi, lại lại lấy hết cái nọ đến cái kia mời khách, bao nhiêu bệnh tật
trong người dường như bay biến hết, thật
là kỳ diệu! Thế mới biết con người ta ngoài cơm ăn, áo mặc còn có một thứ không thể thiếu, đó là tình cảm,
tình cảm vợ chồng, đồng đội, tình cảm bạn bè, tình mẫu tử, phụ tử… Ngồi với hai
cụ và gia đình, ôn nghèo kể khổ, bao nhiêu chuyện cũ, mới lôi ra kể hết, những
chuyện cách đây bốn mươi sáu năm, cái ngày tiễn anh Phúc đi bộ đội mà cứ nghĩ
không có ngày đoàn tụ hôm nay, rồi cái ngày anh đóng quân trên Yên Dũng, Bắc
Giang, xa là vậy mà các em cứ đòi đạp xe lên thăm, hay khi anh Phúc và các anh
đây đi “bê” mất tin bao nhiêu năm, những tưởng… Ôi chuyện gia đình lính thật
nhiều tâm sự, mãi khi bác Vũ Hữu Ước thay mặt Ban liên lạc Đoàn 4 – Trường Báo
vụ - Trường HSQ Thông tin đứng lên phát biểu cảm xúc, chúc tụng gia đình, anh
Trọng Mừng thay mặt Ban liên lạc mừng tuổi các cụ đắc thọ, anh Trọng Hòa hát tặng
lời “Giã bạn – Người ở đừng về” thì cuộc hội ngộ mới chia tay được.
Ra về, chúng
tôi ai cũng thấy vui vì vừa gặp lại đồng đội và gia đình nhưng vui nhất vẫn là việc
chúng tôi đã mang đến niềm hạnh phúc cho tuổi già như những đứa con đi xa, nay
trở về với cha mẹ. Xe rời con đường liên xã bon nhanh trên đường cao tốc, cửa
kính chưa kịp đóng, một luồng gió Xuân mát lạnh ùa vào.
Tin,
ảnh: Thân Ngọc Thúy
Đăng
bởi Quang Hưng
0 comments:
Đăng nhận xét