Sau cuộc tấn
công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Hồ Chủ Tịch đã gửi thư chúc mừng Bộ đội Thông
tin, lực lượng đã âm thầm đóng góp vào chiến công chung, hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ thông tin.
Ngày
28/1/1969 tờ báo Thông tin do ông Nguyễn Văn Khoan làm Tổng biên tập ra số đầu
tiên để chào mừng ngày nhận bức thư Bác Hồ.
Đây cũng được
coi là bức thư cuối cùng của Bác trước lúc đi xa.
Lưu giữ muôn đời
Bức thư Bác Hồ
khen ngợi Bộ đội Thông tin liên lạc đang được trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng
Thông tin. Bức thư mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc thể hiện sự quan tâm của Đảng,
Nhà nước đối với Bộ đội Thông tin liên lạc. Nhưng ít ai biết được bức thư cuối
cùng của Bác lại chứa đựng rất nhiều kỷ niệm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết
chỉ có một người hiểu rõ về bức thư hơn ai hết. Đó là Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn
Văn Khoan, trước đây công tác tại Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc, nay đã về hưu.
Trò chuyện với
chúng tôi, ông Khoan luôn nhấn mạnh, bức thư này là một tài sản vô giá, một tư
liệu học tập cho các thế hệ sau. Ông Khoan cho biết, có lẽ trong đời lính của
ông điều làm ông tự hào và hạnh phúc nhất là được chủ trì một kỳ đại hội đón nhận
bức thư Bác Hồ khen. Sinh năm 1929, hiện đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, bằng
giọng dõng dạc của con nhà lính, không có nét gì biểu hiện của tuổi tác, ông kể
vào quân ngũ năm 1949, ngay sau đó được cử đi học trường Lục quân bên Trung Quốc,
năm 1951 học xong ông về nước làm cán bộ chính trị.
Nhớ lại kỷ niệm
thời khắc nhận bức thư của Bác, ông hào hứng hẳn lên: “Sau trận Mậu Thân năm
1968, tôi đảm nhiệm nhiều công việc như tuyên truyền, thi đua, thời sự, văn
hóa, văn nghệ, bảo tàng, truyền thống… Cùng năm đó Bộ đội Thông tin được Quốc hội
khen. Tôi được biết lúc này Bác rất yếu. Sau đó tôi nói với đồng chí Lê Cư (Bí
thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) rằng:
“Quốc hội khen rất quý nhưng Bác Hồ là người khai sinh ra giao thông liên lạc
cách mạng. Theo tôi, được Bác gửi thư khen mới lưu lại được cho muôn đời, cho
các thế hệ Bộ đội Thông tin học tập và gìn giữ trong bảo tàng truyền thống”.
Nghe xong, đồng chí Lê Cư đồng ý và báo cáo trong Bộ tư lệnh rồi lên Tổng cục
Chính trị. Lúc đó, đồng chí Song Hào là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cấp cho một
giấy giới thiệu sang gặp thư ký của Bác là đồng chí Vũ Kỳ, sự việc được báo cáo
lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Được Bộ Chính trị thống nhất, đồng chí Vũ Kỳ gọi
tôi lên và nói: “Phủ Chủ tịch sẽ có một bức thư khen Bộ đội Thông tin liên lạc
nhưng thư khen thì phải có dịp, có cớ chứ tự nhiên khen thì không được”.
Kể đến đây,
ông Khoan trầm ngâm một hồi rồi tiếp: “Thư ký của Bác nói như thế làm tôi lo lắng,
lấy cớ gì để đón nhận bức thư của Bác? Tôi về nói với anh Lê Cư là năm 1968, Bộ
đội Thông tin liên lạc lập công xuất sắc thì giờ chúng ta mở một Đại hội thi
đua: “Bộ đội Thông tin lập công chống Mỹ”. Sau khi được sự nhất trí của Thường
vụ Đảng ủy Bộ đội Thông tin, tôi bắt đầu cuộc hành trình từ Bắc vào Nam mời các
đại biểu tới dự. Đã nhiều lần suýt mất mạng vì bom đạn địch nhưng vì ý nghĩ đây
là dịp có một không hai để đón nhận tình cảm của Bác nên tôi quyết tìm bằng được
những cá nhân tiêu biểu”.
Sáng sớm ngày
28/1/1969, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc ra một tờ đặc san có tên là Thông tin
với ý nghĩa chào mừng Đại hội thi đua đánh thắng giặc Mỹ và đón nhận bức thư của
Hồ Chủ tịch. Tờ đặc san do chính ông Nguyễn Văn Khoan làm Tổng biên tập. 6 giờ
30 phút ngày 28/01/1969, bức thư của Bác được đồng chí Song Hào, Chủ nhiệm Tổng
cục Chính trị dõng dạc đọc to trước Đại hội tại sân trường Chu Văn An, trong bức
thư Bác Hồ tặng Bộ đội Thông tin liên lạc có 8 chữ vàng không thể quên: “Kịp thời,
chính xác, bí mật, an toàn”. Ngay sau đó bức thư được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc
cho toàn thể đồng bào và nhân dân thế giới nghe.
Ông Nguyễn
Văn Khoan: “Bức thư của Bác gửi Bộ đội Thông tin liên lạc có giá trị lâu bền
cùng dân tộc”.
Một tư tưởng lớn
Ngay sau bức
thư của Bác được đọc tại Đại hội thi đua đánh thắng giặc Mỹ, ông Khoan được đồng
chí Vũ Kỳ cho biết, ngay sáng hôm 28/01/1969, Bác Hồ đọc lại toàn bộ bức thư và
lấy bút ghi thêm một chữ “Chung”. Bức thư có đoạn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu
nước, Bộ đội Thông tin liên lạc đã lập được nhiều thành tích vẻ vang. Đã dũng cảm,
nhanh nhẹn, khắc phục khó khăn, giữ vững thông tin liên lạc, bảo đảm tốt cho
chiến đấu và công tác “chung”. Theo ông Khoan, chữ “chung” này thể hiện một tầm
nhìn xa, không phân biệt trước sau, sự nghiệp cách mạng là của chung chứ không
riêng gì của Bộ đội Thông tin liên lạc. Hơn nữa, một chữ “chung” Bác ghi thêm
trong bức thư nghĩa là không phải cho Nhà nước, không phải cho Bưu điện mà nói
rộng ra là cho toàn thể đất nước, ông Khoan khẳng định.
Chia tay
chúng tôi, ông Khoan tâm sự: “Tôi thì gần đất xa trời rồi, cũng mong các tầng lớp
chiến sĩ đi sau hãy trân trọng, học tập và gìn giữ kỷ vật vô giá đó”.
Bức thư đang
được bảo quản trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Thông tin đã nhuốm màu thời
gian song những kỷ niệm về Bác, về giá trị học tập và ý chí kiên cường trong
chiến đấu của Bộ đội Thông tin liên lạc vẫn còn mãi.
Xuân Trung (theo ICTnews.vn)
Đăng bởi Quang Hưng
0 comments:
Đăng nhận xét