Nhân dịp kỷ
niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), BBT xin
trân trọng giới thiệu bài viết của đ/c Nguyễn Thị Thúy - công tác tại Bảo tàng
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - giới thiệu toàn cảnh về công tác bảo đảm
TTLL trong Chiến dịch lịch sử này, bài học cho cả hôm nay.
Chiến dịch Điện
Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp. Lực lượng tham
gia Chiến dịch gồm: ba đại đoàn bộ binh 308, 312, 316; Trung đoàn 57 (Đại đoàn
304); một đại đoàn công pháo 351. Đây là chiến dịch lớn có sự phối hợp, hợp đồng
giữa các quân binh chủng cùng chiến đấu. Vì vậy, nhiệm vụ của bộ đội thông tin
trong chiến dịch này rất quan trọng, đòi hỏi phải chính xác, chặt chẽ, bí mật,
kịp thời. Việc liên lạc về hậu phương với cự ly gần 400 km đòi hỏi phải luôn
thông suốt để đảm bảo đáp ứng kịp thời những yêu cầu về vật chất cho Chiến dịch.
Những mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên đến các đơn vị bộ đội, công binh, pháo
binh làm và bảo vệ đường vận chuyển từ hậu phương ra mặt trận đến kịp thời
chính xác giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi trận đánh diễn ra đòi hỏi
thông tin liên lạc luôn thông suốt để các đơn vị cùng hiệp đồng chiến đấu.
Cơ quan tham
mưu thông tin Chiến dịch Điện Biên Phủ do Cục trưởng Cục Thông tin Hoàng Đạo
Thúy làm chủ nhiệm, ngoài ra còn có một phó chủ nhiệm và 4 cán bộ. Đơn vị thông
tin trực thuộc Bộ tư lệnh Chiến dịch là Tiểu đoàn 303, với quân số 400 đồng chí
biên chế thành 3 đại đội thông tin hữu tuyến và 1 đại đội thông tin vận động
tín hiệu, 1 đại đội thông tin vô tuyến và 1 tổ cơ động. Được trang bị 2 tổng
đài, 80 máy điện thoại, 120 km dây bọc dã chiến, 7 điện đài và máy thu, ngoài
ra có một tổ sửa chữa thông tin.
Các đại đoàn
308, 312, 316 và Đại đoàn công pháo 351 mỗi đại đoàn được biên chế một đại đội
thông tin gồm: Hai trung đội điện thoại, một trung đội thông tin vận động tín
hiệu, một đội điện thính. Phương tiện các loại gồm có 2 tổng đài 10 số, 35 - 37
máy điện thoại, 40 km dây bọc, 2 đài 15 W quay tay, 4 máy BC-1000 và 702.
Hệ thống
thông tin liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ được tổ chức thành mạng lưới
thông tin từ Bộ chỉ huy Chiến dịch đến các đại đoàn, trung đoàn và các đơn vị
trực tiếp chiến đấu tại trận địa. Đồng thời thiết lập được một hệ thống thông
tin hiệp đồng giữa các binh chủng, đặc biệt là giữa bộ binh và pháo binh. Ngoài
ra còn tổ chức được một hệ thống thông tin giữa Bộ chỉ huy Chiến dịch với các
cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ tổng tư lệnh, giữa Đảng uỷ mặt trận với Trung ương Đảng
và Bộ Chính trị. Tổ chức được hệ thống thông tin giữa mặt trận Điện Biên Phủ với
các chiến trường phối hợp trong và ngoài nước. Tại Sở chỉ huy Chiến dịch ở Mường
Phăng được đặt tổng đài “Chiến thắng” do đồng chí Hoàng Tuấn Vượng, Phó trưởng
ban trực tiếp chỉ đạo.
Để bảo đảm
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đáp ứng phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”,
Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo công tác thông tin liên lạc phải lấy liên lạc hữu tuyến
bằng điện thoại làm phương tiện chính, bảo đảm từ Sở chỉ huy mặt trận đến các đại
đoàn và từ các đại đoàn đến các đơn vị mũi nhọn. Thực hiện chỉ đạo của cấp
trên, lực lượng thông tin liên lạc Chiến dịch đã tổ chức các tuyến liên lạc hữu
tuyến điện sử dụng dây kép, một số trường hợp đã đặt được hai đường dây, một đường
dây liên lạc trực tiếp, một đường dây liên lạc qua một tổng đài trung gian của
một đại đoàn khác. Các chiến sĩ thông tin liên lạc biết vận dụng nhiều biện
pháp kỹ thuật để lắp đặt và bảo vệ đường dây trong giao thông hào như: Đào rãnh
chôn dây ở vách hào, đặt dây ở dưới lòng hào và dùng những bó trúc tre phủ lên.
Nhằm phòng chống được đạn pháo địch và khi bộ đội ta di chuyển cũng không bị đứt.
Thông tin vô
tuyến điện cũng được xác định là một loại liên lạc quan trọng trong Chiến dịch.
Ngoài tổ chức liên lạc điện báo từ Bộ chỉ huy Chiến dịch đến các đại đoàn,
trung đoàn như các chiến dịch trước, thì trong chiến dịch Điện Biên Phủ quân ta
đã tổ chức mạng lưới liên lạc bằng máy bộ đàm. Trong rất nhiều trận đánh, khi hữu
tuyễn điện bị gián đoạn, đặc biệt là các trường hợp đường dây mắc qua của mở bị
pháo địch bắn nát mà không thể khôi phục được, việc liên lạc giữa trong và
ngoài cứ điểm chủ yếu bằng vô tuyến điện, đã đảm bảo cho việc chỉ huy từ đại
đoàn đến các trung đoàn, tiểu đoàn và các đại đội không bị gián đoạn. Thông tin
liên lạc vô tuyến điện bằng bộ đàm đã phát huy được vai trò quan trọng của mình
đúng nơi, đúng lúc, kịp thời, đảm bảo được liên lạc giữa các đơn vị trong và
ngoài cứ điểm địch, trong những trận đánh công kiên hoặc cơ động lực lượng đánh
địch phản kích. Vô tuyến điện sóng ngắn thường được sử dụng để chuyến các bức
điện báo, ta còn chú trọng phần khai thác liên lạc thoại để đánh lạc hướng quân
địch.
Nơi làm việc của Ban Thông tin Chiến dịch Điện
Biên Phủ
Nơi làm việc của Trưởng ban Thông tin Chiến
dịch Hoàng Đạo Thúy
Hầm tổng đài điện thoại
Vừa chiến đấu
vừa liên lạc, các chiến sĩ báo vụ kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ để vận
chuyển hàng nghìn bức thư từ hậu phương ra mặt trận, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần
chiến đấu của các cán bộ và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Đồng thời báo tin chiến
thắng về hậu phương.
Trong các trận
đánh của chiến dịch Điện Biên Phủ, có rất nhiều cán bộ chiến sĩ thông tin đã
nêu cao gương chiến đấu dũng cảm không quản hy sinh “vì mạch máu thông tin luôn
vững chắc”. Nhiều chiến sĩ hữu tuyến điện, thông tin vận động tín hiệu đã hy
sinh anh dũng để giữ vững liên lạc qua của mở vào các cứ điểm, nhiều chiến sĩ bộ
đàm đã bám sát các mũi xung kích dù phải chịu thương vong trong khi làm nhiệm vụ.
Tiêu biểu là đồng chí thông tin Chu Văn Mùi, Tiểu đội trưởng Thông tin Đại đội
127 và đồng chí Đàm Minh Đức, tổ viên nhận lệnh từ mặt trận phía Tây Điện Biên
về A1 đảm bảo thông tin liên lạc với sở chỉ huy Trung đoàn bằng vô tuyến điện.
Hai đồng chí này trên đường đi bị lạc nên phải nhập vào trung đội bộ binh chiến
đấu phòng ngự tại mỏm Thia Lia phía Đông Bắc đồi A1. Nằm giữa vòng vây của địch,
suốt 2 ngày đêm, hai đồng chí phải nhịn đói, nhịn khát nhưng vẫn kiên cường bám
máy vô tuyến điện BC-1000 liên lạc với cấp trên, gọi pháo binh ta bắn chặn đồng
thời cùng bộ binh đánh bật nhiều đợt xung phong của bộ binh và xe tăng địch.
Máy VTĐ sóng ngắn 102E do Anh hùng Chu Văn
Mùi sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Trong quá
trình chuẩn bị và tiến hành Chiến dịch, lực lượng thông tin liên lạc đã sáng tạo
các biện pháp bảo đảm, bổ sung kịp thời về người và trang thiết bị, khí tài; đồng
thời liên hệ với bưu điện, giao thông vận tải giúp đỡ thêm về dây trần, máy điện
thoại phục vụ Chiến dịch.
Các chiến sĩ
thông tin liên lạc sử dụng khéo léo linh hoạt các phương tiện có trong tay, biết
kết hợp giữa các loại phương tiện hữu tuyến điện, vô tuyến điện, thông tin vận
động, thông tin tín hiệu một cách chặt chẽ, giữ được bí mật bảo đảm chỉ huy tác
chiến trong một thời gian dài. Thông tin liên lạc hữu tuyến được ta sử dụng hết
sức linh hoạt, kết hợp được giữa cấp trên với cấp dưới, giữa bộ binh với pháo
binh, hình thành mạng lưới liên lạc rộng theo hướng vu hồi. Trong điều kiện có
ít dây máy, khi dây điện thoại bị đứt, thiếu bộ đội thông tin có sáng kiến dùng
dây thép gai của địch gỡ ra để làm đường dây cho tuyến sau, dành dây bọc cho
phía trước, sử dụng các đoạn đường dây sắt của bưu điện Pháp làm trước đây để
liên lạc về hậu phương, ngoài ra ta còn liên lạc với bưu điện địa phương để xin
cung cấp thêm dây dẫn.
Trong các trận
đánh, quân ta đã tổ chức được hiệp đồng chiến đánh nhanh diệt gọn các cụm cứ điểm
địch như trận mở màn Him Lam, Độc Lập... Nhiều đại đoàn, trung đoàn đã đặt được
đường dây với nhau. Nhờ có thêm các đường dây thông tin, việc liên lạc bằng đường
dây vòng với các đơn vị đã thực hiện khá tốt trong những tình huống khó khăn,
khi các đường dây mắc trực tiếp bị pháo địch bắn hỏng, đồng thời bộ đội thông
tin đã liên kết được mạng lưới hữu tuyến điện của các đơn vị với nhau, đặc biệt
là trong đợt tấn công thứ hai khi quân ta đào giao thông hào vào sát các cứ điểm
địch, cắt đứt được trận địa phòng ngự của chúng và thực hiện được những trận
đánh lớn.
Ngoài nhiệm vụ
bảo đảm thông tin liên lạc trong Chiến dịch, cơ quan thông tin chiến dịch còn tổ
chức được điện đài theo dõi liên lạc vô tuyến điện của địch để phát hiện những
sơ hở của ta mà địch thu thập được qua việc liên lạc vô tuyến, đồng thời để nắm
thêm tình hình địch cung cấp cho cơ quan tham mưu chiến dịch đưa ra những kế hoạch
tác chiến trong từng trận đánh. Nhờ đó, mà quân ta chiến đấu giảm bớt được tổn
thất về người và của.
Các chiến sĩ
thông tin liên lạc đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo
trong mọi tình huống, tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc hợp lý và thông suốt
trong cả quá trình chuẩn bị và thực hành Chiến dịch. Đảm bảo được sự chỉ huy thống
nhất từ Bộ chỉ huy Chiến dịch đến các đơn vị trong toàn mặt trận và phối hợp với
các chiến trường trong toàn quốc. Thông tin liên lạc đã báo cáo kịp thời tình
hình địch, ta và bảo đảm chỉ huy chặt chẽ công tác hậu cần góp phần quan trọng
vào thắng lợi của Chiến dịch.
Trên cơ sở
kinh nghiệm thu thập được trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội thông tin liên
lạc đã nhanh chóng xây dựng thành một Binh chủng vững mạnh, đủ sức hoàn thành mọi
nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và
sau này là kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bộ đội Thông tin liên lạc luôn xứng
đáng với lời khen của Bác Hồ: “dũng cảm, nhanh nhẹn, khắc phục khó khăn giữ vững
thông tin liên lạc, bảo đảm tốt cho chiến đấu và công tác chung”.
Nguyễn Thị Thúy (Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)
Đăng bởi Quang Hưng
0 comments:
Đăng nhận xét