Ngày 23 tháng 4 năm 2023, tại
Hội nghị Ban liên lạc mở rộng của Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội đã công bố
tiếp nhận Chi hội Truyền thống Trường Văn hóa Binh chủng, một tổ chức của Binh
chủng ra đời trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước,
là thành viên chính thức của Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội.
Để các đ/c hiểu rõ hơn “đứa
em út” của Hội cho đến thời điểm này, Ban biên tập xin giới thiệu tóm tắt quá
trình hình thành và phát triển, cũng như những thành tích chính của Trường Văn
hóa Binh chủng.
Ngày 10-01-1967, được ủy quyền
của Bộ Tổng Tham mưu, Cục Thông tin liên lạc ra quyết định thành lập Lớp Văn
hóa để bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ trong Cục, góp
phần tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ cho Cục Thông tin
liên lạc. Phụ trách lớp học thuở ban đầu gồm các đ/c Lâm Châu, Trần Phong Diệu,
Nguyễn Xuân Nhuận... Ngày đầu, Lớp Văn hóa đóng quân tại thôn La Thạch - xã
Phương Đình - huyện Đan Phượng - tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) (1967-1971). Nội
dung bồi dưỡng giai đoạn đầu chủ yếu là bổ túc văn hoá cấp II (hệ 10 năm).
Tháng 3-1968, Bộ Quốc phòng
chuyển Cục Thông tin liên lạc thành Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc, biên chế tổ
chức lực lượng của Bộ tư lệnh trong thời gian này gồm: Khối cơ quan Bộ tư lệnh;
khối đơn vị trực thuộc, trong khối đơn vị trực thuộc có Trường Văn hóa. Chỉ
tính trong 2 năm 1967-1968, Nhà trường đã bồi dưỡng hơn 600 cán bộ, hạ sĩ quan
học xong chương trình văn hóa cấp II và cấp III, trong đó có hơn 250 đồng chí tốt
nghiệp cấp III BTVH.
Về tổ chức giai đoạn
1967-1979, ngoài các đ/c phụ trách công tác chính trị, hậu cần, Nhà trường còn
có các tổ giáo viên, như các đ/c Nguyễn Xuân Nhuận, Bùi Cao Thưởng (tổ trưởng giáo
viên), Đồng Văn Nhưng, Phạm Phú Nhân (tổ phó giáo viên)... Từ năm 1975, Nhà trường
bắt đầu dạy lớp 8 (cấp III), năm 1978 bắt đầu có các lớp luyện thi vào đại học.
Thời kì này học viên chỉ có đơn vị lớp và do lớp trưởng là học viên tự quản.
Năm 1971, Nhà trường rời thôn
La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây về thôn Trường Lâm, xã
Việt Hưng, huyện Gia Lâm, Hà Nội (nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội).
Đến năm 1972, Nhà trường sơ tán về thôn Dương Xá, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào,
tỉnh Hải Hưng (nay là Hưng Yên). Năm 1973, sau khi Mỹ ký Hiệp định Paris, chấm
dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, Nhà trường lại quay về đóng quân tại xã Việt
Hưng, Gia Lâm, Hà Nội.
Trước nhu cầu nhân lực to lớn
cho việc xây dựng Binh chủng tiến lên chính quy hiện đại, yêu cầu dạy và học
ngày càng cao. Từ năm 1980, Nhà trường có Ban giám hiệu (Hiệu trưởng, các Phó
Hiệu trưởng Huấn luyện, Chính trị, Hậu cần), tổ chức đào tạo của Trường không
ngừng được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, Trường có Ban Giáo vụ, giáo
viên được tổ chức thành Khoa giáo viên. Học viên được tổ chức thành các khối, gồm:
Khối Bổ túc văn hóa; Khối Luyện thi vào đại học do Ban Cán bộ quản lý (gồm những
học viên thi vào 2 trường của Quân đội là Đại học Kỹ thuật Quân sự và Đại học Quân
y); Khối Luyện thi vào đại học do “Tổ chức động viên” quản lý (gồm những học
viên thi và nếu đỗ thì được xuất ngũ học tại các trường đại học ngoài quân đội);
Khối Luyện thi vào các trường sĩ quan. Học
viên được tổ chức theo các đại đội, trung đội.
Đến giữa những năm 80 của thế
kỷ trước, nền giáo dục nước nhà đã đủ sức trang bị trình độ văn hóa cấp 3 (bây
giờ gọi là trung học phổ thông), cho những thanh niên muốn lập nghiệp trong
quân đội. Họ thi thẳng vào các học viện, các trường cao đẳng quân sự, các trường
sĩ quan, mà không phải qua các trường văn hóa. Các sĩ quan trẻ cũng không còn
phải học bổ túc văn hóa như trước.
Ngày 10-6-1987, thực hiện
quyết định của Bộ Quốc phòng về tổ chức biên chế các lực lượng vũ trang và nhà
trường quân đội trong giai đoạn mới, Bộ tư lệnh Thông tin quyết định giải thể Trường
Văn hóa và Trường Đảng của Binh chủng. Thế là từ một mái trường, một “con đò”
quân sự đặc biệt, sau 20 năm tồn tại và miệt mài sông nước (1967-1987), Trường đã
hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Binh chủng trao cho và đã thôi “chở khách”. Nó
thanh thản bỏ neo trong trí nhớ của cả “người chèo đò” lẫn “khách qua sông” suốt
những năm tháng “hàn vi” về văn hóa xưa của Binh chủng, dẫu hôm nay, người còn
người mất.
Chẳng bao giờ người ta còn
thấy “con đò” ấy qua sông nữa. Trang sử ấy, trang sử bồi dưỡng, nâng cao trình độ
văn hóa bậc phổ thông cho cán bộ trong Binh chủng thuở nào, chắp cánh cho nhiều
cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Binh chủng bay cao, vươn xa, về căn bản, đã hoàn thành!
Trí tuệ, mồ hôi của hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường
rất đáng được ghi nhớ.
Ngày 20-11-1987, Trường Văn
hóa Binh chủng Thông tin tổ chức lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, đồng chí
Nguyễn Xuân Nhuận, nguyên hiệu trưởng thay mặt Ban giám hiệu Nhà trường đọc báo
cáo ôn lại thành tích của trường trong những năm qua. Trường đã tổ chức được
360 lớp học với 2580 lượt cán bộ chiến sĩ về học tập, trong đó có 390 cán bộ học
hết cấp II, 1220 cán bộ chiến sĩ học hết cấp III, 531 học viên thi đại học và
461 học viên sĩ quan. Kết quả: 90% tốt nghiệp văn hóa hết cấp II và cấp III;
83,3% trúng tuyển thi vào đại học và các trường sĩ quan. Chúng ta có quyền tự hào
vì Nhà trường cũng đã góp phần đào tạo được nhiều anh hùng và tướng lĩnh cho
Binh chủng và Quân đội như: Các anh hùng Hoàng Văn Cón, Trần Duy Hoan, Nguyễn Hữu
Thoan, Mai Ngọc Thoảng, Hồ Đức Tự, Hoàng Văn Vẻ (Hóa Học)... và các tướng lĩnh: Thiếu tướng Hoàng Mạnh An
(nguyên Giám đốc BVQY 103), Trung tướng Nguyễn Đình Hậu (nguyên Chính ủy Binh
chủng Thông tin), Thiếu tướng Trần Minh Tâm (Chính ủy Binh chủng Thông tin)...
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn Miền ký ức không phai - Chi hội Truyền thống Trường Văn hóa cung cấp)
0 comments:
Đăng nhận xét