22.6.24

Kỷ niệm về tình đồng đội trong sáng

Hoàng Hương Liên (nguyên nữ báo vụ viên Đội 101)

Dân ta có câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Ấy vậy mà đối với đội vô tuyến điện Bộ Tổng Tham mưu của chúng tôi ngày ấy lại dường như không chính xác.

Thật vậy, ở thời điểm 1947-1954 chúng tôi thấy thế là chuyện bình thường ở đơn vị. Nhưng giờ đây, nhất là trong cuộc sống thực tế hiện tại thì thấy điều thiêng liêng nhất lại là tình đồng đội trong sáng của đơn vị chúng tôi. Bởi vì bây giờ người ta khó tin vào sự thật hiển nhiên đó.

Trong kháng chiến, vô tuyến điện bao giờ cũng ở rừng rậm, xa dân. Những khi di chuyển đến địa điểm mới, chưa làm được lán doanh trại thì chúng tôi phải chia từng đài nhỏ, đạt mỗi đài ở một góc đồi, thật xa nhau, thật kín để dễ ngụy trang và ăngten không nhiễu loạn sóng của nhau.

Đêm xuống trong rừng thẳm sâu heo hút, sương mù mịt dưới một mái lều bốn năm mét vuông; một báo vụ, một quay máy phát điện, chỉ lâu lâu mới có liên lạc đến đưa điện chuyển và nhận điện về Bộ. Cả người và máy được trùm một cái màn rộng để chống muỗi, ngọn đèn dầu nhỏ cháy leo lét lại còn được chụp che ánh sáng chỉ còn ánh sáng lờ mờ. Ấy vậy mà đã bao đêm chúng tôi làm việc với nhau, các anh quay máy tuổi chưa tới ba mươi, người đã có vợ như anh Gọt, anh Hợp, người còn trẻ như anh Lục, anh Xoan. Còn nữ báo vụ thì mới mười tám, đôi mươi, tràn đầy sức sống.

Nhiều đêm, sau khi chuyển nhận xong hàng trăm bức điện thì đã mệt quá rồi: “Cô cứ gục xuống bàn mà ngủ đi vài phút, đến phiên anh sẽ gọi”, và thế là anh thức canh cho tôi chợp mắt đến phiên sau. Dù chỉ mươi phút cũng là quý lắm, mà còn quý biết bao là tấm lòng yêu thương trong sáng của đồng đội.

Khi đã làm xong phòng thu, đài tập trung một nơi thì đến đêm chỉ còn một hai đài làm suốt đến sáng, lại vẫn trong chiếc màn đôi, khi thì anh Phú lúc thì anh Ba cùng tôi chụm đầu bên nhau tìm đài, rồi người thu, người phát liên tục đến sáng. Đôi lúc đài bạn xin nghỉ 15 phút, anh bảo tôi: “Em cứ nằm xuống ghế mà ngủ lấy vài phút, kẻo mai về còn phải tăng gia thì mệt đấy”. Có khi trời rét quá anh ra vun đống lửa cho ấm, không quên vùi củ sắn cho em gái bồi dưỡng ca ba đỡ đói lòng, anh em vừa ăn vừa cười vui vẻ.

Nhà chúng tôi ngủ là một cái lán dài, sạp ngủ kéo từ đầu đến cuối lán, giữa nam và nữ chỉ ngăn một tấm phên nứa lưng lửng cho chị em thay quần áo cho “kín”. Làm ca đêm về ai cũng nhẹ nhàng tôn trọng giấc ngủ của đồng đội, không soi đèn, có khi những đêm cuối tháng tối như mực, cứ tưởng đã quá nửa đêm rồi, sờ vào màn thấy đầu húi cua, giật mình bụm miệng chạy cho mau về phần lán nữ, cứ thế mà cười khúc khích.

Đấy là chưa kể những hôm chưa làm xong lán, vây quanh đống lửa, đội trưởng phân nam phần góc này, nữ phần góc kia, đêm rét ngủ mê kéo nhầm chăn nhau kêu ối ối, tỉnh giấc mới biết là nhầm, thế là cười ầm lên lại ngủ tiếp. Thật là vô tư.

Các anh sốt rét thì chúng tôi xoa bóp cho đỡ đau đầu, bón cơm, bón cháo chu đáo, có khi cơn sốt rét quá còn nhờ nhau đè lên chăn cho đỡ run.Riêng cánh nữ sốt rét thì các anh vào rừng tìm bứa, dâu da, bưởi rừng về vừa bóc cho các em ăn vừa động viên an ủi cho các em khỏi tủi thân mà “khóc nhè”.

Nơi tắm là một đoạn suối trên có cây mọc kín chân cho “con gái”. Vậy mà chưa hề bao giờ có chuyện “ngược dòng”.

Còn đêm liên hoan văn nghệ thì khỏi nói. Thôi thì “Quốc tế vũ”, “Liên Xô khỏe” nhảy đến mệt nghỉ. Rồi chỉnh quân chính trị, đóng kịch chống địa chủ, anh Tiến đóng tá điền cõng cô chủ đỏng đảnh, vặn vẹo trên lưng đưa cô đi học, ai cũng thấy phải căm ghét cái cô gái chỏng lỏn trên lưng anh Tiến. Riêng nhóm tâm giao ngồi các góc rừng chuyện trò.

Thế đấy! Có đến bao nhiêu là hoàn cảnh, bao nhiêu thời cơ để “rơm gần lửa” vậy mà nào có “bén”, dù họ hết sức quý trọng nhau.

Chuyện thật đúng là như vậy, bởi vì sau ngày hòa bình về, có cô đêm tân hôn mới biết nụ hôn đầu đời, các cô đều được các “ông xã” nể phục sự trong sáng và khi hiểu hơn về hoàn cảnh sống trước đó, các “ông xã” càng cảm phục tình đồng đội trong sáng của chúng tôi.

Hàng năm, cứ đến ngày truyền thống, chúng tôi ôn lại chuyện “ngày xưa”, đều bảo nhau “kể cả bộ đội bây giờ cũng khó tin những chuyện dù đó là sự thật”.

Tình đồng đội trong sáng sẽ mãi mãi sống trong lòng mỗi cựu báo vụ, mỗi cựu binh thông tin chúng tôi. Đó cũng là niềm tự hào của đơn vị chúng tôi.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn "Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1") 

Gửi cô gái tổng đài

Lê Thành Nghị

Biết nói cùng em chuyện gì trong đêm

Gọi về em – đường tổng đài đang bận

Rừng nơi đây mây và hoa sứ trắng

Một góc trời sáng rực như trăng.

 

Lá báo đổ dập dồn: Tây Hiếu gọi Tây Trang

Tiếng em thưa ngọt lành như giọt nước

Nghe thoảng đến mơ hồ trong gió bấc

Cả mùa hoa năm ngoái vẫn còn hương...

 

Xuyên màn đêm và xuyên qua cánh rừng

Muốn bay cùng đường dây về nơi tiếng gọi

Một vệt sáng cuối chân trời mong mỏi

Em ở đâu? Em – cô – gái – tổng – đài.

 

Anh ở trên đường sống với đường dây

Nhớ về em là nhớ về ngọn lửa

Nếu nỗi nhớ biến thành mùa hoa sứ

Anh sẽ tràn theo gió tới nơi em.

 Đăng bởi Quang Hưng (nguồn "Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1")  

15.6.24

Liên lạc đặc biệt!

Hoàng Hiệp

Một túi công văn khoác lệch vai,

Một mình len lỏi buổi ban mai!

Lâng lâng mải miết tìm cơ sở

Đến tận tay người nhận? Chẳng sai

 

Vượt núi, qua sông, nhiều trở ngại,

Không ngoan, trí dũng quyết băng qua,

Hoàn thành nhiệm vụ, trên giao phó,

Một chút thảnh thơi... ta hát ca.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)

14.6.24

Sự tích Tiểu đoàn 303

 “Một cây làm chẳng lên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

                                                                         (Ca dao)

Trịnh Long Đắc

Một ngày đi chẳng mấy xa

Ba ngày đi chắc được ba chặng đường

Trăm quê hương... một tình thương

Chung một lý tưởng mở đường đi xa

Chàng 101, chàng 103

Cùng chàng 99 chúng ta... ba chàng

Ba chàng cùng đứng ngang hàng

Lập thành đơn vị Tiểu đoàn 303

Thế là quân đội chúng ta

Thông tin dã chiến 303 ra đời

Đánh cho quân giặc tơi bời

Quân kỳ lấp lánh, sáng ngời huân chương

Chín chiến dịch... hai chiến trường

Đoàn ta lớn mạnh... hậu phương tưng bừng

Hòa bình cả nước vui chung

Tiến lên hiện đại... trùng trùng quân đi.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)

12.6.24

Mừng Định Hóa anh hùng (tặng quê hương của 101)

Tôi về Định Hóa hôm nay

Bồi hồi, xúc động tràn đầy niềm vui

Bao lâu lòng những bùi ngùi

Vì thương mảnh đất cùng tôi tháng ngày

Hòa bình mấy chục năm rồi

Vẫn nghèo vẫn sống cuộc đời như xưa

Hôm nay Định Hóa rợp cờ

Huyện anh hùng đó – Thủ đô gió ngàn

Trải bao ngày thàng gian nan

Hôm nay phấn khởi, bản làng mừng vui

Đường xa lối cũ đây rồi

Về Bộc Nhiêu, tiến bước xuôi Bình Thành

Tỉn Keo – Nà Lạn – Phú Đình

Bản Cái – Thanh Định – Bảo Biên – Bản Mù

Quý Kỳ lối ngược đèo So

Ai về Bắc Chẩu nhớ qua Na Guồng

Dọc đường Sơn Phú – Trung Lương

Yên Thông – Điềm Mặc – Bảo Cường – Bình Yên

Phượng Tú – Đồng Thịnh – Định Biên

Phúc Chu – Phượng Tiến – Bảo Linh một nhà

Quán vuông – Trung Hội – Tà Ma

   Gốc Thông – Đèo Tọt khiến ta bồi hồi

Bao năm về với miền xuôi

Vẫn không quên được tình người chiến khu

Không quên bản cũ đèo xa

Khắc sâu ký ức: Thủ đô gió ngàn

 Giờ đây phấn khởi hân hoan

Đón mừng danh hiệu vẻ vang: Anh hùng

Hôm nay lòng mới thỏa lòng

Bõ bao ngày tháng chờ trông tin này.

Hoàng Hương Liên

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1) 

11.6.24

Một kỷ niệm sâu sắc1

Đội vô tuyến điện 101 được thành lập ngày 15 tháng 8 năm 1950 ở Đà Tẩu đúng một tháng trước ngày nổ súng mở màn chiến dịch Cao - Bắc - Lạng.

Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện cấp tốc 15 ngày, chúng tôi hành quân tới Nà Lạn, nơi đặt Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch. Ngoài việc triển khai 4 đài ở Sở chỉ huy cơ bản chúng tôi cử 2 đài đi Sở chỉ huy tiền phương, 3 đài xuống Đại đoàn 308, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209. Trong chiến dịch này chúng tôi sử dụng quy ước liên lạc đặc biệt chống trinh sát điện tử PAGT2.

Trước ngày nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh chiến dịch đến kiểm tra Ban Thông tin chiến dịch và anh em điện đài trong hang đã gần Ban. Qua trao đổi giữa Đại tướng với đồng chí Hoàng Đạo Thúy – Cục trưởng kiêm Trưởng ban Thông tin chiến dịch, chúng tôi được biết Bác Hồ cũng ở gần Bộ chỉ huy để theo dõi và chỉ đạo chiến dịch. Tin Bác Hồ ra mặt trận được phổ biến kín cho cán bộ trong Ban, tất cả đều nức lòng hy vọng sẽ được gặp Bác Hồ và tin tưởng “chiến dịch nhất định sẽ thắng to”.

Đợt 1 chiến dịch kết thúc, quân ta đã diệt gọn cứ điểm Đông Khê và sẵn sàng đánh địch tiếp viện hoặc rút khỏi Cao Bằng.

Ngày 28 tháng 9 năm 1950 chúng đưa 1 binh đoàn do quan năm Lơpagiơ lên Đông Khê đón cánh quân của Sáctông rút từ Cao Bằng về. Sau 6 ngày liên tục chiến đấu ta đã vây hãm địch ở Cốc Xá và chặn binh đoàn Lơpagiơ ở Khâu Áng – Khâu Luông. Tình huống rất khẩn trương vì nếu để 2 binh đoàn này liên lạc với nhau sẽ khó tiêu diệt được chúng.

Ngày 6 tháng 10 năm 1950 tôi được lệnh tổ chức cuộc đàm thoại trực tiếp giữa Tư lệnh chiến dịch với đồng chí Vương Thừa Vũ – Đại đoàn trường Đại đoàn 308. Sau khi bắt được liên lạc tôi thấy đồng chí trực ban tác chiến tay cầm bản đồ đi cùng Đại tướng và một người đi sau đầu đội mũ, cổ quàng khăn mặt bông. Tôi báo cáo và bật đảo mạch chuyển tín hiệu thu ra loa. Đại tướng cầm micro và quay lại phía người đi sau nói: “Kính mời Bác ngồi”. Tôi giật mình nhìn lại và nhận ra đó là Bác Hồ mà lúc đầu mải làm việc không để ý vì Bác cũng mặc quần áo chiến sĩ, lại dùng khăn mặt che chòm râu. Tôi vội kính cẩn mời Bác ngồi lên phiến đá gần máy để tiện theo dõi cuộc đàm thoại.

Thấy mọi người lúng túng, Bác nói: “Các chú cứ làm việc tự nhiên”. Giọng nói ấm áp và giản dị của Bác làm mọi người bình tĩnh trở lại.

Cuộc đàm thoại diễn ra rất tốt. Sau khi dùng tiếng Trung Quốc nói chuyện với Đại đoàn trưởng 15 phút, Đại tướng nói: “Thưa Bác có dặn gì thêm”. Bác nói: “Các chú nói với chú Vũ là Bác đang theo dõi trận đánh và chờ tin thắng lợi để thưởng cho đơn vị một số bò khao quân”. Cuộc đàm thoại kết thúc.

Mọi người quây quần quanh Bác, Bác thân mật hỏi thăm chung và từng người về công việc và học tập, sinh hoạt, rồi ân cần dặn dò mọi người phải đoàn kết học tập, giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Bác nói: Trước đây Bác cũng học qua và sử dụng điện đài để liên lạc với quốc tế khi hoạt động bí mật ở Trung Quốc.

Trước khi ra về Bác còn động viên anh em cố gắng để “Khi Bác và Bộ Tổng tư lệnh có lệnh là các chú kịp thời chuyển xuống bộ đội”. Nhìn thấy cột ăngten Bác dặn dò thêm: “Phải ngụy trang cái này cẩn thận kẻo bị lộ Sở chỉ huy”.

Bác Hồ tại đài quan sát trong chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950

Tối hôm đó tôi họp toàn đội kể lại tỉ mỉ cuộc viếng thăm của Bác và những lời căn dặn của Người. Anh em rất phấn khởi và hứa quyết tâm làm theo lời Bác. Vinh dự cho Đội 101 chúng tôi là khi kết thúc chiến dịch, đội được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Hai.

Đến nay, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị và 105 năm ngày sinh của Bác, nhớ lại những chặng đường chiến đấu của Đội 101 từ chiến dịch Cao – Bắc – Lạng đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi thấy luôn có Bác “vẫn đang cùng chúng cháu hành quân”.

Thiếu tướng Nguyễn Diệp3

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1)

 

1. Bài viết kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890-19/5/1995).

2. PAGT là phương án thay đổi giờ và tần số liên lạc.

3. Thiếu tướng Nguyễn Diệp: Nguyên Đội trưởng Đội vô tuyến điện 101, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc. 

7.6.24

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam

Năm 2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào tuổi 99, người Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”... và cũng là năm kỷ niệm lần thứ 55 chiến thắng Điện Biên Phủ. Vô cùng tự hào và xúc động, tình cảm với người Anh Cả, người chỉ huy của Bộ đội Thông tin liên lạc, xin kể một vài câu chuyện và cảm nghĩ về anh.

Lời dạy của Bác Hồ đối với công tác Thông tin liên lạc, Đại tướng là người thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhất, từ thành lập buổi đầu cho đến khi quân đội ta lớn mạnh, mọi lúc mọi nơi Đại tướng đều hết sức quan tâm đến việc xây dựng lực lượng Thông tin để bảo đảm cho lãnh đạo, cho chỉ huy.

Một lần trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho Đại đoàn trưởng Vương thừa Vũ kiên quyết diệt địch phản kích, giữ vững trận địa đã chiếm thì mất liên lạc. Bình thường, Tổng Tư lệnh rất đôn hậu, hiền lành nhưng lúc đó Đại tướng rất sốt ruột nên xẵng giọng: “Anh Thúy1 anh có tạo điều kiện cho tôi làm việc không”. Anh Thúy đang ngồi ngậm píp vội đứng dậy và chạy về Trung tâm thông tin dùng máy báo vụ vô tuyến điện SCR 694 để liên lạc qua Đại đoàn 312 cùng mũi chiến đấu thì biết được Trung đoàn 88 đã đánh tan quân địch, bắn  cháy xe tăng địch. Anh Thúy vội báo cáo Đại tướng. Tổng Tư lệnh cười, anh em trong Sở chỉ huy thở phào nhẹ nhõm.

Lần khác Tổng chỉ huy đang nói chuyện điện thoại thì nghe trong đường dây có tiến gọi nhau í ới... Đại tướng đưa tổ hợp cho anh Thúy hạ lệnh dẹp yên Z102 để Đại tướng nói chuyện... Xong hỏi anh Thúy lý do ồn trong máy, anh Thúy báo cáo: “Các đơn vị làm thịt trâu gọi nhau đi lấy...”. Đại tướng cười thông cảm, đã mấy tháng nay bộ đội mới có được bữa thịt.

Tháng 11 năm 1965, giữa lúc giặc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, để kịp thời cổ vũ động viên đơn vị, cá nhân quyết tâm chiến đấu, ra sức học tập và công tác, Bộ đội Thông tin liên lạc tổ chức đại hội, phát động thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đại hội vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và chỉ đạo, động viên Binh chủng, biểu dương thành tích trong chiến đấu, công tác, quyết tâm vượt khó khăn ác liệt... Những lời căn dặn, chỉ đạo của Đại tướng làm cho mọi người trong Đại hội vô cùng xúc động. Sau này đã lan tỏa đến toàn thể anh em trong Binh chủng Thông tin từ hậu phương miền Bắc đến chiến trường xa xôi miền Nam, biến thành sức mạnh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ.

Năm 1985, Binh chủng tổ chức kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Binh chủng. Quan khách, đại biểu mời đến dự thì có đủ. Nhưng người được anh em cán bộ, chiến sĩ ngóng trông, mong đợi nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người Anh Cả của Quân đội (mặc dù lúc ấy, Đại tướng đã nhận nhiệm vụ khác). Vẫn như mọi ngày, mọi lúc, hôm ấy cán bộ, chiến sĩ ai cũng háo hức được gặp, được trông thấy người Anh Cả. Mọi người đều ăn mặc chỉnh tề, tập hợp thành hàng ngay thẳng, bồng súng chào Đại tướng theo nghi lễ. Đồng chí Tư lệnh Binh chủng báo cáo mời Đại tướng đi duyệt đội ngũ, anh em chúc Đại tướng khỏe và Đại tướng đáp lại (lễ đón thiếu quân nhạc vì Binh chủng không có). Sau buổi lễ, anh em cán bộ và chiến sĩ tiếp Đại tướng ở phòng khách Binh chủng, buổi tiếp trong bầu không khí hết sức thân mật, tự nhiên như anh em lâu ngày được gặp người Anh Cả. Thay mặt Bộ Tư lệnh, đồng chí Tư lệnh báo cáo tóm tắt tình hình Binh chủng và gắn huy hiệu 40 năm ngày thành lập Binh chủng cho Đại tướng. Sau buổi gặp, Đại tướng đến thăm Bảo tàng Binh chủng; đi qua các gian trưng bày, Đại tướng đều dừng lại để nghe giới thiệu, đặc biệt là gian trưng bày về Bác Hồ và gian sa bàn Điện Biên Phủ. Đại tướng xem tỉ mỉ và khen ngợi bảo tàng đã sưu tầm và gìn giữ được nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử của Binh chủng và Quân đội. Đại tướng dặn dò là phải giữ gìn tốt và phát huy tác dụng tốt của bảo tàng. Đặc biệt tối hôm ấy, Bộ Tư lệnh đã mời được Đại tướng và phu nhân (chị Hà) tham dự bữa cơm thân mật với anh em cán bộ, chiến sĩ phục vụ ngày lễ tại nhà ăn tập thể của đơn vị T5793. Trong không khí hế sức nồng ấm, tự nhiên, đông vui, thân mật, tình cảm giữa anh chị và cán bộ, chiến sĩ hôm ấy hết sức sâu sắc, một kỷ niệm không bao giờ quên.

Để đền đáp công ơn và những điều dạy của Đại tướng, Bộ đội Thông tin liên lạc nguyện ra sức công tác, học tập, rèn luyện để xây dựng Binh chủng ngày càng lớn mạnh, chính quy, hiện đại, phục vụ cho chỉ huy, cho lãnh đạo ngày một tốt hơn, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thiếu tướng Hoàng Niệm

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập1”).

1. Hoàng Đạo Thúy – Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc, phụ trách Chủ nhiệm Thông tin trong chiến dịch Điên Biên Phủ.

2. Z10 Tổng đài hữu tuyến điện.

3. T579 – Tổng trạm Thông tin mới ở Hà Nội, xây dựng năm 1979. 

6.6.24

Cái dây tê-lê-phôn

Ngày 25 tháng 9 năm 1951, Bác Hồ đến nói chuyện ở Trường Chính trị cao cấp. Khi giảng phần đạo đức cho học sinh, có học sinh hỏi Bác:

- Thưa Bác, đạo đức cũ và đạo đức mới có khác nhau không ạ?

Bác vui vẻ trả lời:

- Có khác, ngày trước nói nhiều làm ít. Bây giờ nói ít làm nhiều.

Dừng giây lát Bác nói tiếp:

- Đạo đức của ta bây giờ vẫn là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư – Rồi Bác lấy ví dụ giải thích:

Các chú đi đường thấy cái dây tê-lê-phôn rơi, các chú mặc, quất ngựa đi, thế là không “chính”. Chấp hành mệnh lệnh cũng là “chính”.

Chúng tôi lắng nghe Bác nói, ai cũng thấy thấm thía, cách giảng giải cụ thể, sinh động của Người. Riêng tôi, “người lính” thông tin, tôi nhớ mãi: Đi đường thấy cái dây tê-lê-phôn rơi các chú mặc, quất ngựa đi, thế là không “chính”.

Hoàng Đạo Thúy

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)

2.6.24

Hội Truyền thống Thông tin khu vực Hà Nội tổ chức Hội nghị Ban liên lạc mở rộng năm 2024

Sáng 02 tháng 6 năm 2024, tại D76, Lữ đoàn 205, Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Ban liên lạc mở rộng đến các chi hội trưởng, nhằm đánh giá các hoạt động của Hội, các chi hội từ Họp mặt toàn thể của Hội tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 và triển khai một số nội dung công tác từ tháng 6/2024 đến Hội nghị Ban liên lạc mở rộng sắp tới (dự kiến vào tháng 9/2024).

Đồng chí Vũ Dương Nghi - Trưởng ban liên lạc chủ trì Hội nghị
Đến dự, ngoài các đồng chí trong Thường trực Ban liên lạc Hội Truyền thống và 37/38 đồng chí Chi hội trưởng, còn có đồng chí Đại tá Tô Hồng Quân  - Phó Chính ủy Binh chủng, thay mặt cho Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Binh chủng; đ/c Thượng tá Trần Trung Dũng – Phó Chính ủy Lữ đoàn 205 và đ/c Trung tá Nguyễn Đình Huy - Trợ lý Chính sách/Cục Chính trị Binh chủng.
Toàn cảnh hội trường Hội nghị
Đ/c Trần Đình Luận - Ủy viên thường trực khai mạc Hội nghị

Sau tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu của đồng chí Trần Đình Luận - Ủy viên thường trực Hội, đồng chí Vũ Dương Nghi - Trưởng ban liên lạc báo cáo kết quả hoạt động của Hội từ 17/12/2023 đến nay và dự kiến phương hướng hoạt động từ nay đến Ngày truyền thống Bộ đội TTLL 09/9/2024 với những nội dung chính như sau:

I. Những việc đã làm từ tháng 12/2023  đến nay

1. Về việc tổ chức Họp mặt toàn thể Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội vào ngày 17/12/2023 thành công tốt đẹp.

- Tiến hành các bước, các nội dung, theo mốc thời gian chặt chẽ chu đáo; các hoạt động diễn ra đúng kế hoạch. Đổi mới cách thức dự báo, nắm quân số hội viên dự buổi Họp mặt để chủ động làm công tác bảo đảm hậu cần được chu đáo. Nội dung chương trình buổi Họp mặt diễn ra đúng kế hoạch, chặt chẽ, xúc động, để lại ấn tượng tốt. Điểm mới năm nay là tổ chức biểu diễn văn nghệ do các hội viên Chi hội Truyền thống Thông tin Láng Thượng tiến hành. Chương trình văn nghệ chào mừng xúc động, ngắn gọn. Quân số hội viên dự Họp mặt tương đối đông đủ (870/1775 hội viên = 49%). Mọi hoạt động diễn ra tuyệt đối an toàn cả trước, trong và sau buổi Họp mặt.

- Đại biểu Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Bộ tư lệnh 86 và các cơ quan, đơn vị, nhà trường của Binh chủng phía Bắc đã đến dự và tặng quà cho Hội. Đặc biệt có các đồng chí Thủ trưởng BTL Binh chủng Thông tin đến dự. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Trị - Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Binh chủng phát biểu chào mừng và thông báo với Hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Binh chủng trong năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024.

2. Về tổ chức mừng thọ hội viên

Tổ chức mừng thọ cho 259 hội viên (bắt đầu tính theo theo tuổi dương lịch và lấy căn cước công dân làm chuẩn). Năm 2023 mừng thọ hội viên ngoài các độ tuổi 70-80-90-95-100 và trên 100, năm nay bổ sung  các hội viên tuổi 75 và 85 vào diện đối tượng được Hội và BTL Binh chủng mừng tuổi. Lễ mừng thọ được tổ chức chặt chẽ, tình cảm, nhanh, gọn, ý nghĩa; cấp phát bằng mừng thọ, quà mừng thọ cho các hội viên đúng đủ, chu đáo, lịch sự.

* Một số thiếu sót

- Trang trí ngoài sảnh chính hội trường Họp mặt phải bổ sung làm gấp; âm thanh, màn hình phục vụ năm nay không có vì phương tiện Binh chủng mang đi phục vụ diễn tập.

- Tiến hành trao hoa mừng thọ vẫn chưa hoàn hảo. Các hội viên được mừng thọ, tuổi cao đi lại khó khăn, không còn nhanh nhẹn, mất nhiều thời gian. Rút kinh nghiệm năm sau, tổ chức thông báo trước với các chi hội báo cho các đồng chi được mừng thọ ngồi hết trong hội trường...

3. Về tổ chức chúc Tết, đón Xuân Giáp Thìn 2024

Tổ chức chúc Tết cho 73 hội viên (14 hội viên tuổi 95 - 100 và 59 hội viên tuổi 90 - 94). Tổ chức 2 đoàn của Thường trực Ban liên lạc chúc tết 14 hội viên 95 tuổi trở lên (do đồng chí Văn và đồng chí Nghi làm trưởng đoàn), quà tết 500.000đ/hv (đi chúc tết từ 6.30 đến 14 giờ mới hoàn thành 14 hội viên tuổi 95 trở lên).

Đoàn do các chi hội tổ chức chúc tết các hội viên 90 đến 94 tuổi là 59 hội viên. Quà tết 300.000đ/hv.

Chúc tết các đồng chí trong Thường trực Ban liên lạc Hội và các đồng chí Chi hội trưởng. Thường trực Ban liên lạc trực tiếp đi phúng viếng 3 gia đình hội viên có thân nhân từ trần.

Thường trực Ban liên lạc đến tặng hoa chúc mừng đồng chí Chủ tịch/Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Tào Đức Thắng được Chủ tịch nước quyết định thăng quân hàm Thiếu tướng.

II. Một số hoạt động của Hội trong thời gian tới

1. Về công tác Họp mặt toàn thể hội viên:

Thống nhất Hội tổ chức gặp mặt toàn thể 2 năm 1 lần. Vì: Nhà nước kỉ niệm những ngày Lễ lớn và quy định kỷ niệm truyền thống vào các năm tròn (5) và năm chẵn (0); các đồng chí Thủ tưởng BTL Binh chủng cũng góp ý kiến nên 2 năm/1 lần; Hội thấy tổ chức họp mặt hàng năm cũng dầy quá, rối bận, còn phụ thuộc yếu tố bảo đảm, tài chính, phương tiện phục vụ và còn để các chi hội tổ chức gặp mặt. Cho dù những năm Hội không tổ chức gặp mặt toàn thể tại hội trường, nhưng các hoạt động khác của Hội, của các chi hội vẫn diễn ra bình thường, như: chúc thọ các hội viên tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và trên 100 tuổi; các chi hội tổ chức chúc Tết cho hội viên cao tuổi từ 90 tuổi trở lên đến 94 tuổi trong chi hội mình. Riêng chúc Tết hội viên 95 tuổi trở lên từ năm 2024 có thay đổi một chút đó là: Thường trực Ban liên lạc trực tiếp chúc Tết một số hội viên, còn một số giao về các chi hội đi chúc Tết. Điều này chủ yếu vì giao thông đi lại khó khăn..., các đ/c chi hội trưởng có trách nhiệm giải thích cho các hội viên hiểu và thông cảm.

2. Về công tác bảo đảm cho mừng thọ và chúc tết hội viên:

Tiền, hoa chúc thọ và chúc Tết vẫn bảo đảm như năm 2023, kèm theo thiệp chúc tết của BTL Binh chủng, thiệp của Hội.

Các năm trước đây, mừng thọ các hội viên tuổi 70 ngoài bằng mừng thọ của BTL Binh chủng, hội viên còn được Ban liên lạc Hội tặng một tranh sơn mài. Qua thực tiễn nhiều hội viên và lãnh đạo Hội, Chi hội đề nghị năm nay thôi không tặng tranh sơn mài cho hội viên được chúc thọ tuổi 70, vì: hội viên có nhiều huân huy chương, bằng khen kỷ niệm chương, tranh ảnh kỷ niệm, chúc thọ, ở nhà chật chỗ treo, chất lượng tranh sơn mài tặng hội viên có cái chất lượng không cao bị mốc, cong vênh, và việc bảo đảm kinh phí của Hội ngày một gặp khó khăn... Năm 2024, Hội sẽ không làm tranh sơn mài chúc thọ hội viên 70 tuổi nữa, thay vào đó là quà 100.000đ.

Về việc chúc thọ hội viên năm 2024, chúc Tết Ất Tỵ năm 2025, đề nghị các chi hội tổng hợp số hội viên được chúc thọ năm 2024 và số hội viên được chúc Tết tuổi từ  90 trở lên. Trên cơ sở danh sách các chi hội đề nghị; đối chiếu hồ sơ theo dõi của Hội, đồng chí Thân Ngọc Thúy tổng hợp, thống nhất với Chính sách Cục Chính trị Binh chủng danh sách hội viên được chúc thọ năm 2024 và được chúc Tết Xuân Ất Tỵ 2025. Báo cáo Thủ trưởng BTL Binh chủng để chỉ đạo cơ quan in, ấn xuất bản.

Bằng - quà mừng thọ, quà – thiệp chúc Tết các hội viên, quà - thiệp chúc Tết các chi hội trưởng sẽ cấp phát, chuyển tới các chi hội tại Hội nghị Ban liên lạc mở rộng với các đồng chí chi hội trưởng vào đầu tháng 9/2024. Thường trực Ban liên lạc Hội giao các chi hội nhận bằng chúc thọ, quà chúc Tết, đi chúc Tết và trao bằng mừng thọ cho số hội viên thuộc chi hội của mình. Ngoài ra chi hội còn đi chúc Tết thêm một số hội viên tuổi 95 trở lên như đã nêu ở trên.

3. Về công tác tổ chức của Hội.

Về tổ chức Chi hội truyền thống 132. Hiện trạng tồn tại Chi hội Truyền thống 132 - thành viên của Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội (đ/c Phong và một số đ/c khác trong Ban liên lạc).

Cùng tồn tại còn có Chi hội Truyền thống chưa là thành viên Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội (đ/c Bùi Công Trực Trưởng ban liên lạc).

Vừa qua chưa nhập được làm một. Vậy để cả 2 chi hội. Gọi là Chi hội Truyền thống 132 và Chi hội Truyền thống 132B.

Để đúng quy trình: Chi hội Truyền thống 132B có đề nghị bằng văn bản; danh sách hội viên (theo đúng quy chế), Ban liên lạc chi hội.

Hội nghị cũng được nghe đ/c Trần Đình Luận báo cáo tình hình thu – chi quỹ Hội.

Đồng chí Trần Đình Luận - báo cáo tình hình thu chi quỹ Hội

Dưới sự chủ trì thảo luận của đ/c Trưởng ban liên lạc Vũ Dương Nghi, Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm với nhiều ý kiến tâm huyết, làm rõ thêm tình hình hoạt động của Hội, của các chi hội và đề xuất những kiến nghị, đề nghị với Hội và Cơ quan BTL.

Hội nghị kết thúc trong không khí trách nhiệm, đoàn kết và nhất trí cao.

Một số hình ảnh Hội nghị:

Đồng chí Phó Chính ủy Binh chủng trao quà của BTL cho Hội truyền thống

Đồng chí Nguyễn Khắc Phúc - Chi hội LQ Khóa 7 và LK 3 phát biểu

Đồng chí Nguyễn Văn Thân - Chi hội Pháo binh phát biểu

Đồng chí Lưu Đức Doanh - Chi hội D4 Tiếp sức phát biểu

Đồng chí Nguyễn Đăng Đằng - Chi hội Thanh Trì phát biểu
Đồng chí Nguyễn Duy Chiều - Chi hội D2 - Mặt trận Tây Nguyên phát biểu
Toàn cảnh Hội nghị Ban liên lạc mở rộng 2024
Các đồng chí chi hội trưởng nộp quỹ Hội, thanh toán công tác chính sách, báo cáo danh sách hội viên, danh sách mừng thọ năm 2024... cho Thường trực Ban liên lạc
Tin, ảnh: Nguyễn Quang Hưng