Đội vô tuyến điện 101 được
thành lập ngày 15 tháng 8 năm 1950 ở Đà Tẩu đúng một tháng trước ngày nổ súng mở
màn chiến dịch Cao - Bắc - Lạng.
Sau khi hoàn thành chương trình
huấn luyện cấp tốc 15 ngày, chúng tôi hành quân tới Nà Lạn, nơi đặt Sở chỉ huy
cơ bản chiến dịch. Ngoài việc triển khai 4 đài ở Sở chỉ huy cơ bản chúng tôi cử
2 đài đi Sở chỉ huy tiền phương, 3 đài xuống Đại đoàn 308, Trung đoàn 174 và
Trung đoàn 209. Trong chiến dịch này chúng tôi sử dụng quy ước liên lạc đặc biệt
chống trinh sát điện tử PAGT2.
Trước ngày nổ súng, Đại tướng
Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh chiến dịch đến kiểm tra Ban Thông
tin chiến dịch và anh em điện đài trong hang đã gần Ban. Qua trao đổi giữa Đại
tướng với đồng chí Hoàng Đạo Thúy – Cục trưởng kiêm Trưởng ban Thông tin chiến
dịch, chúng tôi được biết Bác Hồ cũng ở gần Bộ chỉ huy để theo dõi và chỉ đạo
chiến dịch. Tin Bác Hồ ra mặt trận được phổ biến kín cho cán bộ trong Ban, tất
cả đều nức lòng hy vọng sẽ được gặp Bác Hồ và tin tưởng “chiến dịch nhất định
sẽ thắng to”.
Đợt 1 chiến dịch kết thúc,
quân ta đã diệt gọn cứ điểm Đông Khê và sẵn sàng đánh địch tiếp viện hoặc rút
khỏi Cao Bằng.
Ngày 28 tháng 9 năm 1950 chúng
đưa 1 binh đoàn do quan năm Lơpagiơ lên Đông Khê đón cánh quân của Sáctông rút
từ Cao Bằng về. Sau 6 ngày liên tục chiến đấu ta đã vây hãm địch ở Cốc Xá và chặn
binh đoàn Lơpagiơ ở Khâu Áng – Khâu Luông. Tình huống rất khẩn trương vì nếu để
2 binh đoàn này liên lạc với nhau sẽ khó tiêu diệt được chúng.
Ngày 6 tháng 10 năm 1950 tôi
được lệnh tổ chức cuộc đàm thoại trực tiếp giữa Tư lệnh chiến dịch với đồng chí
Vương Thừa Vũ – Đại đoàn trường Đại đoàn 308. Sau khi bắt được liên lạc tôi thấy
đồng chí trực ban tác chiến tay cầm bản đồ đi cùng Đại tướng và một người đi
sau đầu đội mũ, cổ quàng khăn mặt bông. Tôi báo cáo và bật đảo mạch chuyển tín
hiệu thu ra loa. Đại tướng cầm micro và quay lại phía người đi sau nói: “Kính
mời Bác ngồi”. Tôi giật mình nhìn lại và nhận ra đó là Bác Hồ mà lúc đầu mải
làm việc không để ý vì Bác cũng mặc quần áo chiến sĩ, lại dùng khăn mặt che chòm
râu. Tôi vội kính cẩn mời Bác ngồi lên phiến đá gần máy để tiện theo dõi cuộc đàm
thoại.
Thấy mọi người lúng túng, Bác
nói: “Các chú cứ làm việc tự nhiên”. Giọng nói ấm áp và giản dị của Bác
làm mọi người bình tĩnh trở lại.
Cuộc đàm thoại diễn ra rất tốt.
Sau khi dùng tiếng Trung Quốc nói chuyện với Đại đoàn trưởng 15 phút, Đại tướng
nói: “Thưa Bác có dặn gì thêm”. Bác nói: “Các chú nói với chú Vũ là Bác
đang theo dõi trận đánh và chờ tin thắng lợi để thưởng cho đơn vị một số bò
khao quân”. Cuộc đàm thoại kết thúc.
Mọi người quây quần quanh Bác,
Bác thân mật hỏi thăm chung và từng người về công việc và học tập, sinh hoạt, rồi
ân cần dặn dò mọi người phải đoàn kết học tập, giữ gìn sức khỏe để hoàn thành
nhiệm vụ. Bác nói: Trước đây Bác cũng học qua và sử dụng điện đài để liên lạc với
quốc tế khi hoạt động bí mật ở Trung Quốc.
Trước khi ra về Bác còn động viên anh em cố gắng để “Khi Bác và Bộ Tổng tư lệnh có lệnh là các chú kịp thời chuyển xuống bộ đội”. Nhìn thấy cột ăngten Bác dặn dò thêm: “Phải ngụy trang cái này cẩn thận kẻo bị lộ Sở chỉ huy”.
Bác Hồ tại đài quan sát trong chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950 |
Tối hôm đó tôi họp toàn đội
kể lại tỉ mỉ cuộc viếng thăm của Bác và những lời căn dặn của Người. Anh em rất
phấn khởi và hứa quyết tâm làm theo lời Bác. Vinh dự cho Đội 101 chúng tôi là
khi kết thúc chiến dịch, đội được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Hai.
Đến nay, kỷ niệm 45 năm ngày
thành lập đơn vị và 105 năm ngày sinh của Bác, nhớ lại những chặng đường chiến đấu
của Đội 101 từ chiến dịch Cao – Bắc – Lạng đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng
tôi thấy luôn có Bác “vẫn đang cùng chúng cháu hành quân”.
Thiếu tướng Nguyễn Diệp3
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký
ức cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1)
1. Bài viết kỷ niệm 105 năm
ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890-19/5/1995).
2. PAGT là phương án thay đổi
giờ và tần số liên lạc.
3. Thiếu tướng Nguyễn Diệp: Nguyên Đội trưởng Đội vô tuyến điện 101, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc.
0 comments:
Đăng nhận xét