14/8/15

Trưởng thành từ người lính ( Phần 7/7 )




                                          CHƯƠNG BA

      HAI MƯƠI NĂM HOẠT ĐỘNG SAU KHI NGHỈ HƯU



Cuối năm 1991, tôi nhận Quyết định nghỉ hưu, bàn giao chức vụ Tư lệnh cho đ/c Nguyễn Chiến nhưng tháng 11 năm 1994 mới nhận sổ hưu vì thời điểm này Bộ đang nghiên cứu chính sách tiền lương đối với cán bộ nghỉ hưu.

Như vậy là tôi được tính thâm niên 49 năm, tuy thời gian thực tế công tác chỉ là 46 năm.

Quán triệt tinh thần là cán bộ nghỉ hưu nhưng là Đảng viên thì không nghỉ hưu khi còn sức khỏe nên tôi đã tham gia nhiều tổ chức và hoạt động tích cực từ năm 1991 đến 2011 mới không giữ trách nhiệm chủ trì trong các tổ chức .

Ngoài các tổ chức trong hệ thống chính trị mà mọi cán bộ nghỉ hưu đều tham gia như Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi và tham gia sinh hoạt Đảng trong khu dân cư, vì là cán bộ đã công tác lâu năm, có quan hệ tốt với anh em trong thời gian công tác nên đã được anh em tín nhiệm bầu vào Ban liên lạc, Ban chấp hành của ba tổ chức sau:

- Hội bạn chiến đấu đội Vô tuyến điện 101-230.

- Hội truyền thống bộ đội Thông tin khu vực Hà Nội.

- Chi hội các chuyên gia Vô tuyến điện tử lâu năm.

Sau đây tôi xin nêu tóm tắt hoạt động của ba tổ chức trên mà tôi thường xuyên ở trong Ban liên lạc, Ban chấp hành và có những đóng góp tích cực vào hoạt động của các tổ chức đó.


I. Hội bạn chiến đấu đội Vô tuyến điện 101-230

Là Đội trưởng đầu tiên và là Đội trưởng trong các chiến dịch lớn thời kỳ kháng chiến chống Pháp nên ngay từ năm 1987 hàng năm anh chị em đã nghỉ hưu thường đến nhà tôi họp mặt ôn lại các kỷ niệm thời sống và làm việc ở An toàn khu, thời tham gia các chiến dịch.

Ngày 15 tháng 8 năm 2000 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, anh chị em đã họp mặt ở Tổng trạm T579 để thành lập Hội bạn chiến đấu, một trong những Hội bạn chiến đấu đầu tiên của Binh chủng. Anh chị em đã bầu anh Ngô Thế Khoa làm Trưởng ban liên lạc, tôi cũng được bầu tham gia Ban liên lạc tuy chưa nghỉ hưu. Anh chị em quyết định lấy ngày 15-8 làm ngày truyền thống để họp mặt hàng năm.

Sau khi tôi nghỉ hưu anh em đã bầu tôi làm Trưởng ban, vài năm sau vì bận công tác ở hai Hội khác có nhiều đầu mối hơn nên tôi đã đề cử nhiều đồng chí làm Trưởng ban nhưng không ai chịu nhận, quyết định tôi phải làm chủ trì tới khi nào không còn khỏe, tôi đành không từ chức và tổ chức nhiều hoạt động cho Hội như:

- Nhiều lần tổ chức về thăm An toàn khu, thăm các làng bản đã đóng quân, thăm các di tích về Bác ở Tỉn Keo, ở Tân Trào, tổ chức quyên góp mua dụng cụ học tập, vui chơi cho các cháu Trường mầm non Điềm Mạc, gắn bia tại khu vực đội 230 đã đóng quân năm 1953-1954.

- Tổ chức đoàn Đại biểu về thăm, tặng quà các xã ATK nhân dịp Xã nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

- Đề nghị Bộ Tư lệnh xây dựng Nhà văn hóa ở làng Luông, nơi xưởng CRL và lớp báo vụ đã đóng quân năm 1947.

- Tổ chức đi nghỉ mát ở nhà nghỉ Đồ Sơn của binh chủng nhiều lần khi nhà nghỉ này còn hoạt động.

- Tổ chức đi thăm quê Bác, mộ đại thi hào Nguyễn Du và nghỉ an dưỡng ở Cửa Lò.

- Tổ chức anh chị em có điều kiện cùng đi du lịch ở Trung Quốc, đi sắm Tết ở chợ Tân Thanh - Lạng Sơn.

- Balần tổ chức đến chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chúc thọ người nhân dịp Đại tướng 80, 90 tuổi.

- Balần tổ chức đi thăm Điện Biên Phủ (1994 2004 2009) kỷ niệm 40 năm 50 năm và 55 năm ngày chiến thắng.

Đặc biệt là Hội bạn chiến đấu đầu tiên đã xuất bản các tập Hồi ký lưu hành nội bộ lấy tên Sóng điện để kỷ niệm thời gian ở chiến khu đã ra báo tường “Sóng điện”. Chúng tôi đã xuất bản 3 tập Sóng điện, 2 tập đầu in photo copy, tập thứ 3 xuất bản năm 2000 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập được in đẹp theo khổ sách 13x19 có 101 bài Văn thơ là kỷ niệm quý của anh chị em.

- Các cuộc họp hàng năm và đi thăm chiến trường xưa, đi nghỉ mát đều được ghi hình in thành băng hoặc đĩa. Riêng năm 2005 và 2010 đã biên tập đĩa tổng hợp các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 55 và 60 năm ngày truyền thống.

Tóm lại Hội bạn chiến đấu 101-230 là một Hội được tổ chức sớm nhất, sinh hoạt đều đặn, có nhiều hoạt động phong phú, duy trì mối quan hệ thân tình giữa các Hội viên, chia vui, chia buồn, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, tiễn đưa lúc qua đời.

Chi hội được Ban liên lạc Hội truyền thống đánh giá là một Chi hội hoạt động đều đặn và có hiệu quả nhất.

Đến nay Hội viên cao tuổi nhất đã ở tuổi 92, hội viên trẻ nhất đã 76, sức khỏe đã giảm sút không còn hoạt động sôi nổi như giai đoạn 1990-2005 nhưng chúng tôi vẫn duy trì đều đặn sinh hoạt hàng năm vào 15-8.


II. Hội truyền thống thông tin Hà nội

Từ năm 1987 các Cựu chiến binh Thông tin về hưu ở Khu vực Hà Nội đã tổ chức Hội hưu trí do đồng chí Võ Thương làm Trưởng ban liên lạc.

Đến 1991 khi tôi chuẩn bị nghỉ hưu anh em đề nghị tổ chức lại thành Hội truyền thống Thông tin tập hợp các Hội bạn chiến đấu (gọi là Chi hội) và các Tổ địa bàn do Hội hưu trí đã tổ chức gọi là Tổ trực thuộc, đến nay cũng đổi tên là Chi hội.

Hiện nay Hội truyền thống Thông tin Hà Nội đã có 22 Chi hội là các Hội bạn chiến đấu và 17 Chi hội gồm các cựu chiến binh sinh hoạt trong cùng khu phố hay khu dân cư.

Tôi được bầu là Trưởng ban liên lạc (gồm 13 đến 17 ủy viên) từ năm 1991 đến năm 2010 vì Hội có chủ trương biên soạn tập “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin” cử tôi làm Trưởng ban biên soạn nên tôi đề cử đồng chí Lương Sỹ Pháp Phó ban thay tôi điều hành hoạt động của Hội từ 2011.

Trong gần 20 năm công tác trong Ban liên lạc, chúng tôi đã kiện toàn tổ chức, soạn thảo hoàn chỉnh quy chế hoạt động và duy trì đều đặn cuộc họp toàn thể hàng năm vào dịp ngày truyền thống 9 tháng 9 của Binh chủng, ngoài ra Ban liên lạc còn họp mở rộng vào dịp 30/4, 7/5 gồm các Chi hội trưởng và ủy viên Ban liên lạc để thu thập ý kiến về hoạt động của Hội, kinh nghiệm hoạt động của các Chi hội, thu thập ý kiến đề nghị với binh chủng để thường trực Ban liên lạc kiến nghị với Bộ Tư lệnh trong cuộc họp liên tịch vào tháng 7 chuẩn bị cuộc họp vào dịp 9/9. Nhờ có sự phối hợp giữa Ban liên lạc và Bộ Tư lệnh binh chủng nên cuộc họp kỷ niệm ngày truyền thống 9-9 đều được tổ chức trọng thể nhất là các dịp kỷ niệm năm chẵn thứ 5, thứ 10 (kỷ niệm thứ 50,55,60,65)

Trong các cuộc họp này Ban liên lạc Hội và Bộ Tư lệnh binh chủng đều tổ chức mừng thọ các Hội viên 70, 80, 85, 90, 95 tuổi có quà lưu niệm và Bằng chúc thọ. Những năm nhà nghỉ Đồ Sơn còn hoạt động, dịp hè hàng năm Bộ Tư lệnh đều mời 40 hội viên đến nghỉ trong ba ngày.

Ngoài việc Hội tổ chức phúng viếng các Hội viên qua đời, các Chi hội tổ chức các hội viên đau yếu, tổ chức các cuộc thăm quan du lịch, trong các dịp kỷ niệm đặc biệt Hội đã tổ chức các đoàn thăm chiến trường xưa.

- Năm 1994, 2004, 2009 tổ chức các đoàn đi thăm Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 40, 50, 55 năm ngày chiến thắng.

- Đặc biệt năm 2005, kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lấy danh nghĩa của Hội, tôi đã xin giấy giới thiệu của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam để tổ chức cuộc đi xuyên Việt thăm cơ quan, đơn vị Thông tin các quân khu từ QK4 đến QK9, thăm BCH quân sự các Tỉnh, tổ chức cho Hội viên thăm tận Đất mũi Cà Mau, nơi Cực Nam của Tổ quốc.

Cuộc hành hương 23 ngày đã được các đơn vị đón tiếp rất nồng nhiệt, tạo được mối quan hệ giữa các Cựu chiến binh với thế hệ kế tiếp đồng thời tạo điều kiện được đi thăm chiến trường xưa, thăm đất nước với chi phí thấp (mỗi người 1,8 triệu kể cả tiền thuê xe).

Từ cuối năm 2010 sau khi bàn giao chức Trưởng ban liên lạc cho đồng chí Lương Sỹ Pháp, tôi đã cùng Ban biên soạn gồm đại diện các đơn vị Vô tuyến, Hữu tuyến, liên lạc đặc biệt, Vô tuyến tiếp sức, Nhà trường, Nhà máy, biên soạn xong 2 tập ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc.

Tháng 4-2012 đã in xong 1000 cuốn tập 1 gồm các ký ức thời kháng chiến chống Pháp, hiện nay chuẩn bị in Tập 2 gồm các ký ức thời kháng chiến Chống Mỹ và thời kỳ đổi mới, tháng 7 sẽ in xong và kịp phát hành đến các đơn vị trong dịp kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống của binh chủng (09 tháng 9 năm 2012).

Theo kế hoạch chúng tôi dành khoảng 500 cuốn để tặng các đơn vị thông tin đến cấp Đại đội giúp các Chính trị viên có tư liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang công tác. Còn 500 cuốn để tặng các tác giả và bán cho Cựu chiến binh làm kỷ niệm với giá ưu đãi giảm 50% so với giá thành.

Hoàn thành việc biên soạn và phát hành xong hai tập sách tôi mới tự thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ đối với binh chủng sau 46 năm phục vụ và đối với thế hệ kế tiếp sau 20 năm hoạt động trong Hội truyền thống.

III. Chi hội Chuyên gia Vô tuyến điện tử

Từ năm 1990 một số cựu sinh viên Đại học tại chức khóa 1 (1960-1964) ở Đại học Bách Khoa đã tổ chức gặp mặt nhau. Ngày 01 tháng 2 năm 1991 đã họp ở Bảo tàng Thông tin thành lập Hội kỹ sư Vô tuyến điện tử, sau này đổi tên là Chi hội Chuyên gia Vô tuyến điện tử lâu năm trực thuộc Trung ương Hội Vô tuyến điện tửViệt Nam (REV). Khi tôi còn đang công tác anh em đã bầu vào Ban chấp hành do Phó Giáo sư Hoàng Sước nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Bưu điện làm Chủ tịch.

Sau khi Tôi lĩnh sổ hưu, anh em đã bầu tôi làm Chủ tịch, anh Hoàng Sước làm Phó vì Tôi nguyên là Trưởng lớp Đại học tại chức, lại nguyên là Tư lệnh Binh chủng có điều kiện quan hệ rộng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Chi hội.

Chi hội lúc đầu có 40 hội viên, 10 năm sau đã tăng lên 82 gồm các Hội viên là Kỹ sư, cán bộ đầu ngành các cơ sở Thông tin của Binh chủng Thông tin, của Quân chủng Phòng không - Không quân - Hải quân, các cơ sở của ngành Bưu điện, ngành Phát thanh truyền hình, ngành Đường sắt và Y tế. Ngoài hoạt động ái hữu tổ chức thăm hỏi Hội viên ốm đau, phúng viếng khi qua đời, chúc thọ trong cuộc họp hàng năm như các Hội bạn hữu khác vì Chi hội là một Hội khoa học nên đã tổ chức các buổi nói chuyện khoa học, tổ chức tham quan các đài phát thanh, truyền hình, các nhà máy sản xuất, sửa chữa thiết bị thông tin.

Trung bình mỗi năm Chi hội tổ chức 5 đến 6 cuộc nói chuyện và tham quan, hiện đã thăm quan tất cả các Đài truyền hình thuộc các Tỉnh từ Thanh Hóa đến Thái Nguyên, thăm quan các Nhà máy của Bưu điện sản xuất cáp quang Nhà máy của Tập đoàn Viễn thông quân đội sản xuất, sửa chữa thiết bị Thông tin - Điện tử.

Chi hội cũng xuất bản định kỳ tạp chí Thông tin khoa học - Kinh tế - Xã hội tổng hợp các tin tức về sự phát triển của ngành Viễn Thông - phát thanh truyền hình và công nghệ Thông tin.

Chi hội được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Trung ương Hội nên Hội viên được mời tham dự các Hội nghị Khoa học do Trung ương Hội tổ chức và các Đại hội bầu BCH Trung ương Hội, Tôi cũng được bầu vào BCH Hội trong ba khóa.

Chi hội duy trì sinh hoạt đều và được Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tặng Bằng khen hai lần, được biểu dương là một mô hình tổ chức và hoạt động của các trí thức đã nghỉ hưu. Các hội viên đã hoạt động liên tục trên 10 năm đều được Ban chấp hành liên hiệp các Hội KHKT tặng huy hiệu “Vì sự nghiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật”.

Bản thân tôi cũng được Huy hiệu từ năm 2000 và được Bằng khen hai lần.

Năm 2011 Chi hội đã làm một đĩa DVD tổng hợp 20 năm hoạt động của Chi hội. Cũng nhân dịp này, sau 15 năm liên tục được bầu là Chủ tịch Ban chấp hành Chi hội Tôi đã đè cử đồng chí Nguyễn Xuân Bá trẻ hơn tôi 5 tuổi làm Chủ tịch vì năm 2011 tôi đã 82 tuổi.

Tóm lại, nhờ 20 năm hoạt động trong Chi hội các chuyên gia Vô tuyến điện tử lâu năm, tôi đã cùng các hội viên cập nhật được với tình hình phát triển của ngành Vô tuyến điện tử.không đến nỗi lạc hậu so với

tình hình phát triển như vũ bão của ngành. Tôi cũng hợp tác với một số hội viên nghiên cứu sử dụng máy tính, dùng các phần mềm chyên dụng để xử lý ảnh, làm các đĩa VCD, DVD ghi các hình ảnh quay từ Camera trong các dịp đi du lịch hay dự Hội nghị quan trọng. Hiện tôi đã lưu giữ vài trăm đĩa ghi từ các cuộc đi thăm quan, đi du lịch hoặc ghi các chương trình truyền hình trực tiếp của Đài truyền hình về các sự kiện quan trọng và các ký sự rất giá trị của các Đài truyền hình như MêKông ký sự, Ký sự mùa thu vàng, Ký sự biên phòng, Uống chung dòng nước.

Nhìn lại 20 năm hoạt động trong ba tổ chức trên, tôi đã giữ được mối quan hệ thân thiết với các bạn bè cũ cùng đơn vị, cùng ngành, đã góp phần duy trì hoạt động của các tổ chức đó tạo điều kiện gắn bó tình cảm giữa các cán bộ đã nghỉ hưu, giữ mối liên hệ với các thế hệ kế tiếp và bản thân cũng học tập được nhiều điều, không chỉ quanh quẩn với sinh hoạt gia đình, hoặc tham gia các hoạt động không lành mạnh ngoài xã hội.

Ngoài việc tham gia hoạt động trong 3 tổ chức trên, tôi còn tham gia nhiều ý kiến vào các tài liệu do cơ quan Bộ tư lệnh soạn thảo như: Lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc, Lịch sử Đảng bộ Binh chủng, Lịch sử Bộ Tham mưu, Đảng bộ Bộ Tham mưu… Đặc biệt năm 2001, Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Thông tin đã giao tôi làm chủ biên tài liệu "Tổng kết thông tin Vô tuyến điện trong kháng chiến chống thực dân Pháp". Tài liệu đã được Bộ tư lệnh và Viện Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng nghiệm thu và in tháng 6 năm 2002, sách dày 348 trang. Đây cũng là nguyện vọng và yêu cầu của các chiến sĩ vô tuyến điện đã công tác ở các chiến trường trong thời kỳ 1945 - 1954.

                                    CHƯƠNG IV

                      MỐI TÌNH ĐẦU VÀ DUY NHẤT


Các hồi ức đăng trong các chương trước đã kể lại các sự kiện diễn ra trong 46 năm phục vụ trong Binh chủng và 20 năm hoạt động sau khi nghỉ hưu của tôi, mỗi sự kiện đều diễn ra trong một thời gian và đã kết thúc.

Riêng một sự kiện đã diễn ra từ năm 1948 và vẫn tiếp diễn là “Mỗi tình đầu và duy nhất” của tôi. Không thể xếp xen kẽ vào đoạn nào nên tôi xếp thành Chương cuối của tập sách.

Đây là vấn đề riêng tư đáng lẽ không nên công bố công khai nhưng đây cũng là một sự kiện một nguyên nhân động viên giúp tôi luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và giữ vững phẩm chất, đạo đức của người Đảng viên, người quân nhân Cách mạng nên tôi quyết định viết để bạn đọc tham khảo, nhất là các bạn trẻ...

Tháng 2 năm 1947 tôi được điều động từ Khu 10 về Xưởng CRL thuộc Phòng Thông tin Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh.

Tôi được phân công vừa làm nhiệm vụ lắp ráp, sửa chữa thiết bị Vô tuyến điện, vừa làm giáo viên huấn luyện lớp đào tạo báo vụ viên ở An toàn khu. Đây là lớp thứ hai sau lớp đầu học từ năm 1945.

Lớp này có 16 học viên trong đó có 5 nữ, một số đã tham gia chiến đấu ở Thủ đô trong những tháng đầu của cuộc toàn quốc Kháng chiến. Trong 5 học viên có chị Nguyễn Sỹ Nga ít tuổi nhất là học sinh trường Đồng Khánh đã tham gia chiến đấu 30 ngày đêm sau đó thoát ly gia đình và được tổ chức xếp theo học lớp báo vụ.

Trong quá trình lớp học, giữa chúng tôi chỉ có mối quan hệ giữa giáo viên và học viên nhưng ngoài giờ học kỹ thuật ở lớp, chị Nga thường nhờ tôi giải đáp thêm một số vấn đề về Toán và Vật lý thuộc chương trình trung học nên cũng có lúc hỏi nhau về tình hình học tập, tình hình gia đình trước khi tham gia Cách mạng.

Sau khi địch tấn công căn cứ địa Việt Bắc, lớp học kết thúc 5 học viên nữ đều về làm việc tại Trung tâm Vô tuyến điện ở Bãi Gió, còn Xưởng CRL một thời gian sau cũng chuyển về Bãi Gió để vừa sửa chữa, lắp ráp thiết bị thông tin phục vụ các đơn vị, vừa trực tiếp bảo đảm kỹ thuật cho trung tâm thu phát của Bộ.

Trong 5 học viên nữ, 4 chị đều lớn tuổi hơn tôi và đã có người yêu, riêng chị Nga ít tuổi nhất là chưa có tuy đã có vài người tỏ tình.

Sự kiện tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên thân mật hơn là do trong cuộc họp Mừng công sau chiến thắng năm 1947 kết hợp Mừng Xuân năm 1948 Ông Ngô Thế Duông Trưởng phòng Thông tin khi công bố quyết định khen thưởng, không biết do vô tình hay hữu ý lại chỉ định Nga lên trao giấy khen của Đại tướng cấp cho tôi về thành tích bảo vệ Xưởng trong đợt địch tấn công căn cứ địa Việt Bắc. Lúc đó cả người trao và người nhận đều bối rối nhưng sau đó tôi cũng lấy lại bình tĩnh để phát biểu lời cảm ơn tập thể đã giúp đỡ tôi và hứa sẽ tích cực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Sau lễ mừng công, tuy trong thâm tâm có sốn sang nhưng tôi cũng chưa dám tỏ tình vì nghĩ là hai người đều còn ít tuổi (lúc đó mới 19), gia đình lại ở xa, hoàn cảnh gia đình cũng khác nhau, gia đình tôi ở nông thôn ngoại thành, gia đình Nga ở nội thành kinh tế khá hơn. Mặt khác cũng không hiểu Nga có cảm tình với mình không, nếu bị từ chối thì ngượng quá, dù sao mình cũng là Đảng viên, là cán bộ. Tuy vậy đến tháng 7 năm 1948 tôi đã nghĩ cách thăm dò thái độ của Nga bằng cách viết vào quyển sách nhỏ những tình cảm, suy nghĩ của mình, quan niệm về yêu đương, về hôn nhân và gia đình, lý tưởng cuộc sống... Hàng ngày sau buổi làm việc tôi viết vài trang, đến khoảng cuối tháng tôi đưa quyển sách cho chị Mai, một Đảng viên cùng sinh hoạt trong Chi bộ hỏi ý kiến xem có nên đưa cho Nga xem không?

Đến nay, sau 64 năm vợ tôi vẫn giữ quyển sách “tỏ tình” đó làm kỷ niệm nên tôi xin trích vài đoạn để bạn đọc hình dung quá trình chúng tôi tìm hiểu nhau:

1. Mở đầu quyển sách tôi viết:

Thân mến gửi em Nga,

Đây là cả một tấm lòng thành thật của anh đối với em. Đây là những dòng chữ ghi những tình cảm của mối tình đầu tiên của một thanh niên 20 tuổi. Mong em đọc kỹ để hiểu anh.

                                                          Bãi Gió, ngày 31-7-1948

                                                                          21h30

2. Sau khi viết những đoạn nêu suy nghĩ, quan điểm của mình về tình yêu, về lý tưởng, tôi đề xuất một kế hoạch trao đổi, tìm hiểu nhau gồm ba giai đoạn; mỗi giai đoạn sẽ tùy theo hoàn cảnh mà kéo dài hoặc rút ngắn:

- Giai đoạn đầu là giai đoạn chúng ta trao đổi ý kiến với nhau bằng giấy má thư từ để hiểu thấu tư tưởng của nhau. Giai đoạn này cố nhiên là bí mật và ngoài hai chúng ta có lẽ chỉ còn một người thứ ba nữa được biết (lát nữa em sẽ biết người đó là ai).

- Giai đoạn thứ nhì là lúc chúng ta đã hiểu nhau và tình yêu của chúng ta có thể ra công khai để chúng ta dễ dàng trao đổi với nhau và có thể giúp đỡ nhau một cách trực tiếp những lúc cần.

- Giai đoạn thứ ba là chúng ta tuyên bố chính thức thành đôi bạn đường và đến đây cũng chưa phải là hết. Có phải mục đích của anh là cố chính phục em để thỏa mãn đâu. Chúng ta sẽ sống bên nhau, nâng đỡ nhau để thực hiện lý tưởng của Đoàn thể (Thời kỳ này Đảng chưa ra công khai nên dùng danh từ Đoàn thể để giữ bí mật).

Trước khi đi đến giai đoạn đầu anh đã định để một tháng để viết đầy quyển sách này và đến khi đó anh sẽ nhờ chị Mai (Mai là đồng chí của anh) hỏi xem ý tứ của em đối với anh ra sao?

Và lúc đó anh sẽ nghĩ xem có nên đưa cuốn sách này cho em hay không? và chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thứ nhất để tiến tới các giai đoạn sau.

Sau lúc này anh sẽ viết thư cho Mai ngay, Mai sẽ làm trung gian cho chúng ta.

Qua những đoạn trích trên, bây giờ đọc lại tôi cũng không ngờ lúc đó mình mới 19 tuổi (để có vẻ già hơn tôi đã dùng tuổi âm lịch là 20 để Nga không cảm thấy là tôi còn quá trẻ) mà sao đã có những suy nghĩ chín chắn như vậy, đã nêu kế hoạch tìm hiểu thích hợp với hoàn cảnh lúc đó và kế hoạch đó đã được Nga chấp nhận.

Sau khi chị Mai chuyển quyển sách “tỏ tình” của tôi, tôi rất hồi hộp chờ đợi trả lời của Nga, chỉ sợ sẽ bị trả lại với một câu trả lời “Tôi còn ít tuổi lại xa gia đình nên chưa nghĩ đến yêu đương!”.

Đúng một tuần sau tôi nhận được một giấy nhỏ với vài dòng ngắn gọn sau:

Anh Diệp

Đáng lẽ phải trả lời anh cũng như Nga đã trả lời những anh khác, một là “có” hai là “không”, nghĩa là dứt khoát. Nhưng về chữ “có” với Nga không phải trong chốc lát.

Quan niệm về yêu đối với Nga là phải hiểu nhau, phải hợp nhau.

Hơn nữa phải suy xét vì với người con gái ở trong đời chỉ có “yêu lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng”. Biết đâu trong thời gian trao đổi ý kiến có những điểm anh không thể yêu Nga cũng như Nga không thể yêu anh. Vậy thời gian sau sẽ trả lời dứt khoát.

                                                                               Thân

                                                                                Nga

                                                                              6/8/1948



Nhận được thư trả lời tôi rất mừng vì như vậy là Nga đã đồng ý chuyển sang giai đoạn đầu theo kế hoạch ba giai đoạn tôi đề xuất.

Tôi đã không phải nhận câu trả lời số 2 là “không” nghĩa là dứt khoát như các bạn đã tỏ tình trước tôi.

Để tiện giữ bí mật, chúng tôi không viết thư vào giấy rời mà dùng luôn quyển sách của tôi, hai người cứ viết suy nghĩ vào đó rồi nhờ chị Mai chuyển đi chuyển lại. Sau này chúng tôi vẫn gọi đùa chị Mai là bà Mối, thực ra chỉ là Chị giao liên đặc biệt.

Sau vài lần trao đổi ý kiến qua quyển sách, ngày 14/8 tôi nhận được mảnh giấy thứ hai của Nga:

Thân gửi anh Diệp

Theo ý muốn của Nga thì muốn chúng ta qua một thời gian trao đổi ý kiến khá lâu để hiểu nhau thấu đáo thì hơn, nó sẽ đảm bảo cho một tình yêu vững bền sau này nhưng dư luận quá khe khắt. Đã có những sự xôn xao bàn tán nhiều. Hôm qua anh Kim đã gọi Nga ra nói chuyện, lo quá tưởng anh Kim mắng nhưng không, anh chỉ hỏi ý kiến và khuyên bảo Nga thôi.

Sợ thời gian kéo dài, mà không rõ nó có thể hại cho danh dự của chúng ta, hơn nữa thấy anh rất bận, mất nhiều thì giờ về sự trao đổi ý kiến này, Nga muốn có sự dứt khoát với anh để anh có thời giờ làm việc nhiều hơn không phải bận tâm đặt trong đầu óc những dấu hỏi.

Một câu hỏi mong anh thẳng thắn và thành thật trả lời: Anh đã hiểu ở N. nhiều chưa?

N. sợ anh chưa thật hiểu N. thời gian sau này khi Nga gần anh sẽ còn nhiều khuyết điểm hoặc tính xấu mà anh chưa biết, nó có thể phá vỡ hạnh phúc của chúng ta.

Nga đã thấy có nhiều người khác chỉ được lúc đầu, sau lại ghét nhau.

Nga lo có sự chưa hiểu sâu xa của anh đối với Nga và sau này N. sẽ bị số phận như những người kia. Anh nghĩ sao?

                                                                         Thân

                                                                23h15 ngày 14/8

                                                                           Nga

Tái bút: Sẽ có sự trả lời dứt khoát với anh sau khi anh cho biết ý kiến.

Nhận được mảnh giấy trên tôi rất mừng và trả lời ngay, đại ý là rất cảm ơn tình cảm của Nga dành cho mình và đề nghị chuyển sang giai đoạn thứ hai để có điều kiện tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về nhau.

Mặt khác tôi cũng tranh thủ ý kiến của chị Mai xem đã nên báo cáo với cơ quan hay vẫn dùng hình thức trao đổi bằng thư từ?

Ba ngày sau khi gửi thư, tôi nhận được một mảnh giấy nhỏ kèm theo một ảnh cỡ 3x4 của Nga

Thân mến gửi anh Diệp

Tất cả tấm lòng thành thật của em một thiếu nữ chưa biết yêu chưa tìm hiểu yêu đã dám yêu và đã yêu vì em tin tưởng ở anh 1 Thanh Niên Cách Mạng một Hướng đạo sinh bao giờ cũng thật thà thẳng thắn từ lời nói tư tưởng tới việc làm sẽ đảm bảo cho môt tình yêu chân chính và vững bền .

                                                             Bãi gió ngày 12/8/1948

                                                                   Nguyễn Sỹ Nga

Nhận được thư và ảnh tôi rất phấn khởi vì Nga đã bộc lộ tình cảm “dứt khoát”, đã tặng ảnh kỷ niệm Mối tình đầu.

Sau đó chúng tôi thống nhất chuyển sang giai đoạn thứ hai, chính thức báo cáo với Đoàn thể, với cơ quan trong buổi mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9-1948.

Từ sau ngày 2-9 lịch sử đó, chúng tôi không phải trao đổi thư từ nữa mà có thể ngồi tâm sự với nhau lúc rảnh rỗi, thường là sau bữa cơm chiều, không sợ ai dị nghị.

Chúng tôi cùng thống nhất với nhau là hai người còn trẻ, còn phải học tập, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đối với tôi là được chuyển Đảng chính thức, đối với Nga là một cảm tình Đảng phấn đấu để được Kết nạp.

Với tình cảm trong sáng đó nên trong gần 3 năm (từ 9/1948 đến tháng 2/1951) tuy có điều kiện gần nhau nhưng chúng tôi vẫn giữ khoảng cách chỉ là người yêu, không vượt quá giới hạn, luôn hứa với nhau chờ ngày Kháng chiến thắng lợi sẽ báo cáo với hai gia đình rồi mới tiến hành lễ kết hôn.

Trong thời gian này nhờ “Mối tình đầu” được đáp ứng nên hai người đều động viên nhau công tác, học tập và giúp đỡ nhau lúc ốm đau, bù đắp tình cảm cho nhau trong hoàn cảnh xa, không biết tin tức gia đình.

Có một việc làm tôi thêm tin tưởng ở tình yêu chung thủy của Nga đối với tôi là một một lần đồng chí N.Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng -Tổng Tư lệnh mời Nga lên cơ quan để giới thiệu với đ/c T. lúc đó là Tổng Tham mưu Phó. Biết Nga đã yêu tôi, đ/c N. đã thuyết phục Nga không nên yêu một người còn quá trẻ, chưa có tương lai nhưng Nga đã dứt khoát từ chối.

Tình cảm giữa chúng tôi ngày càng được củng cố, khi tôi được điều động đi chiến dịch biên giới, tuy hai người có bịn rịn chia tay nhưng dù ở xa vẫn luôn hứa với nhau phải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Tháng 2 năm 1951 sau khi tôi dự chiến dịch biên giới đơn vị tôi lập công xuất sắc được thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Nhì, bản thân tôi cũng được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Có một tình huống làm chúng tôi không giữ được lời hứa chờ đến ngày về Hà Nội mới tổ chức kết hôn. Sự việc diễn ra như sau:

Trong cơ quan Cục Thông tin lúc đó có anh Lê Dung và chị Kim Nguyệt hơn chúng tôi 4 tuổi đã đề nghị cơ quan tổ chức lễ kết hôn vì đã tìm hiểu nhau vài năm. Không rõ cơ quan chính trị bàn với Cục trưởng thế nào nhưng bác Hoàng Đạo Thúy gặp chúng tôi và khuyên là nên cùng tổ chức hôn lễ với anh Dung và chị Nguyệt. Lúc đầu chúng tôi thưa với Cục Trưởng là chúng tôi còn trẻ (lúc đó hai người cùng ở tuổi 22) muốn chờ ngày kháng chiến thắng lợi về báo cáo với hai gia đình trước khi kết hôn.

Bác Thúy liền nói “Kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng chưa rõ đến năm nào, còn hai cháu đã tìm hiểu nhau được ba năm, bác sẽ thay mặt hai gia đình làm chủ hôn, khi về Hà Nội bác sẽ gặp gia đình để thông cảm”.

Như vậy là đám cưới tập thể của hai đôi “ Dung -Nguyệt, Diệp - Nga” được Phòng Chính trị tổ chức rất trọng thể(1), cô dâu chú rể chẳng phải đóng góp gì (mà có gì để đóng góp). Tôi còn nhớ lúc đó Nga sửa một áo dài mang từ Hà Nội thành áo ngắn “cô dâu”, còn tôi được anh em góp tiền mua hai bút máy làm quà tặng thay cho nhẫn cưới. Anh Tạo ở đội liên lạc đặc biệt đem máy ảnh đến chụp, tiếc rằng chỉ chụp được ảnh anh Dung - chị Nguyệt, còn ảnh tôi với Nga bị hỏng. Mãi đến năm 1963 nhân dịp chuẩn bị đi học ở Liên Xô tôi được phát bộ Âu phục, Vợ tôi

mượn áo dài của cô em, hai vợ chồng lúc này đã có bốn con mới chụp được bức ảnh khá đẹp, hiện nay vẫn treo ở nhà coi như “ảnh cưới”!

Sau đám cưới hai ngày tôi lên đường đi chiến dịch chưa kịp “động phòng”. Mãi đến tháng 5/1951 trước khi đi chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh), hai vợ chồng mới có dịp “gặp nhau lần đầu”, kết quả là khi tôi đang dự chiến dịch Hòa Bình, Vợ tôi ở hậu cứ phải một mình vượt cạn, sinh cháu đầu ngày 16-01-1952 nên đặt tên là Nguyễn Bình.

Cuối năm 1953 Tôi đi dự chiến dịch Lai Châu rồi dự tiếp chiến dịch Điện Biên tháng 6-1954 trở về hậu cứ thì

Vợ tôi lại một mình vượt cạn lần thứ 2 sinh cháu Nguyễn Minh đã được 8 tháng.

Như vậy là nhờ sự giúp đỡ của anh chị em trong đơn vị ở hậu cứ. Vợ tôi đã vừa làm báo vụ theo ca kíp, vừa nuôi gà lấy trứng chăm sóc hai con, khi kháng chiến thắng lợi về gặp hai gia đình đã “tay bồng, tay mang”. Sau này Vợ tôi thường nói vui với bạn bè là Tôi cứ đi chiến dịch liên miên, chẳng biết Vợ chửa, Vợ đẻ lúc nào!

Sau khi Thủ đô được giải phóng, Trung tâm Vô tuyến điện của Bộ đặt ở ngôi nhà gần Cột Cờ (nay là Bảo tàng Quân đội). Vợ tôi vẫn “một nách hai con” vừa làm ca kíp, vừa nuôi con trong điều kiện chưa có nhà trông giữ trẻ. Khi Mẹ làm việc hai anh em tự do chơi ở sân, có lúc ngủ cả ở gầm cầu thang!

Năm 1955, theo chính sách chuyển ngành các nữ quân nhân ở hai ngành Thông tin - Mật mã, Vợ tôi được xếp đi học Dược tá ở Nam Định cũng phải mang theo hai con, vì tôi vẫn bận công tác ở Trường Thông tin đóng quân ở Đa Phúc cách xa Hà Nội 40km, còn Bà nội cũng bận trông cháu nhỏ của Chị tôi ở Yên Viên.

Sau khóa học Vợ tôi được phân công về Công ty Dược phẩm ở thị xã Sơn Tây, vẫn tiếp tục nuôi hai cháu. Còn tôi một vài tuần mới tranh thủ đạp xe từ Đa Phúc về Sơn Tây hơn 80km để thăm Vợ con từ tối thứ 7 đến trưa chủ nhật.

Năm 1957 khi Vợ tôi sắp sinh cháu thứ ba, tôi đem hai cháu lớn lên Đa Phúc để nuôi dưỡng và cho đi học (lúc này cháu lớn đã 5 tuổi).

Tháng 7-1957, vợ tôi sinh cháu thứ 3, rất mừng là cháu gái, như vậy là “có nếp có tẻ” và đây cũng là lần đầu tiên tôi được đón vợ sau khi sinh ở bệnh viện.

Năm 1958 chúng tôi lại “Vỡ kế hoạch”, Vợ tôi sinh cháu thứ tư, lại là cháu trai, hai chị em chỉ cách nhau đúng 12 tháng, thế là Vợ tôi lại “một nách hai con”. Cũng may dịp này bà nội đã đến Sơn Tây giúp vợ tôi trông hai cháu nhỏ, còn tôi vẫn hàng tuần đạp xe 80km về thăm. Vợ tôi vừa làm công tác chuyên môn vừa học văn hóa tốt nghiệp cấp 3 để có điều kiện thi vào Đại học Dược. Thời kỳ làm việc ở Sơn Tây 5 năm vợ tôi còn là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Tỉnh và được kết nạp vào Đảng ngày 06-01-1960(2).

Thực hiện đúng mong ước của tôi khi viết thư “tỏ tình” là “mong em sẽ trở thành đồng chí của anh”.

Cuối năm 1960 Vợ tôi được về Hà Nội học lớp Trung cấp Dược của Bộ Y tế, cả gia đình chuyển về ở làng Phương Liệt nhờ nhà Bác Kính - một bạn kết nghĩa hồi cùng công tác ở Bãi Gió (ATK), đến 1963 mới được phân công về ở số 57 phố Cửa Đông chung với hai gia đình có chồng công tác trong Bộ Quốc phòng và năm 1965 được về ở một căn hộ riêng trong tầng 3 - Nhà 6 Khu tập thể Quân đội Nam Đồng.

Bản thân tôi từ cuối năm 1958 do Trường Thông tin Đa Phúc chuyển khoa Đào tạo sĩ quan về Trường Lục quân nên Tôi về công tác ở Phòng huấn luyện Cục Thông tin nên từ khi gia đình ở

Sơn Tây chuyển về Hà Nội tôi mới có dịp ở cùng vợ con. Đến tháng 5 năm 1965 tôi lại được điều về làm Phó phòng giáo vụ Trường sỹ quan Thông tin mới được thành lập lại và sơ tán ở Hiệp Hòa - Bắc Giang vì thời kỳ này Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, mọi việc trong gia đình lại do vợ tôi quán xuyến (lúc này vợ tôi đã phụ trách phân xưởng kháng sinh của Xí nghiệp Dược phậm 1 Trung ương).

Từ năm 1966 Không quân địch mở rộng việc bắn phá gia đình tôi ở Hà Nội lại phải sơ tán: Bà Nội và ba cháu về xã Dương Quang - Gia Lâm, , cháu lớn theo Trường Nguyễn Văn Trỗi, vợ tôi vẫn ở cùng Xí nghiệp tại Hà Nội, hàng tuần đèo thực phẩm đi tiếp tế cho các cháu, vất vả nhất là phải qua sông Hồng bằng cầu phao vì cầu Long Biên đã bị địch đánh sập, có thời gian còn phải qua sông bằng phà vì cầu phao hỏng. Một tai họa nữa là một lần địch thả bom bi đúng vào làng các con tôi sơ tán. Khi bốn Bà cháu đang ẩn nấp trong hầm, thấy dân làng reo “Máy bay Mỹ đang rơi”, cháu Quang thò đầu ra xem thì bị một viên bi văng vào đầu. Thấy đầu em bị chảy máu, cháu Minh (hơn em 5 tuổi) vội nhảy ra khỏi hầm chạy lên nhà lấy băng cho em. Không may bị loạt bom sau nổ nên bị nhiều viên bi găm vào đầu, vào cổ, nặng nhất là bị gãy chân phải, mất rất nhiều máu. Khoảng hai giờ sau bà con trong thôn mới cáng được cháu lên bệnh viện Huyện sơ tán ở gần đó.

Rất may chồng chị tôi là bác sĩ phẫu thuật ở đó nên đã kịp thời tiếp máu, gắp các viên bi và băng bó cho cháu. Y bác sỹ ở bệnh viện đều khen cháu là “gan” không hề kêu khóc trong khi nhiều người lớn lại rên la. Khi phóng viên báo của Huyện đến thăm, hỏi tại sao cháu lại chạy ra khỏi hầm khi bom đang nổ, cháu trả lời “Cháu noi gương anh Nguyễn Bá Ngọc”, hỏi tại sao khi phẫu thuật cháu không khóc? Cháu trả lời “Đã thấm gì so với bác Nguyễn Đức Thuận bị tù ở Côn Đảo”(3)

Thời gian này báo chí và Đài Tuyên truyền nhiều về gương Nguyễn Bá Ngọc hy sinh cứu bạn và đã xuất bản cuốn “Vượt Côn Đảo” của Phùng Quán Thế mới biết việc tuyên truyền gương Người tốt việc tốt và xuất bản những Tiểu thuyết như Thép đã tôi thế đấy, Vượt Côn Đảo là rất có tác dụng nhất là với Thanh niên.

Vì gẫy chân phải bó bột nên cháu phải nghỉ học gần 3 tháng, đáng lẽ phải học lại nhưng nhờ cháu vốn là học sinh giỏi và trong khi điều trị vẫn được các bạn cho mượn sách để tự học nên năm đó cháu vẫn không phải lưu ban mà vẫn thi các môn đủ điểm được lên lớp.

- Về phần vợ tôi, tuy bận công tác và phải lo việc gia đình vẫn thi vào Đại học ngành Dược và học lớp hàm thụ 3 năm từ 1968-1971 (vì đã tốt nghiệp bậc Trung học Dược). Một khó khăn nữa là đúng dịp Vợ tôi ôn để làm luận văn tốt nghiệp thì tôi được lệnh đi vào chiến trường B2 ở Miền Đông Nam Bộ từ tháng 8-1971 đến tháng 12-1972 mới ra không có điều kiện giúp đỡ gia đình lại còn gây thêm mối lo cho người ở hậu phương.

Năm 1973 sau khi ở chiến trường ra, tôi được cử đi học ở Liên Xô từ tháng 9/1974 đến tháng 6/1975 để chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm. Về nước, tôi được phân công vào tiếp quản hệ thống Viễn thông liên kết Mỹ xây dựng ở Miền nam sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành hệ thống này đến năm 1977 mới ra Hà Nội nhưng lại lên Hiệp Hòa - Bắc Giang làm Phó Hiệu trưởng Trường Sỹ quan, thực tế là quyền Hiệu trưởng thay đồng chí Hoàng Tài Long đi chữa bệnh 6 tháng. Cuối năm 1977 tôi lại được tập trung về Học viện quân sự cao cấp chuẩn bị đề tài đi Nghiên cứu sinh ở Liên Xô đồng thời làm giáo viên ở Khoa Thông tin của Học viện.

Đầu năm 1979 trước tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Trung tôi được điều về làm Tham mưu trưởng binh chủng Thông tin giúp Tư lệnh kiểm tra hệ thống Thông tin sẵn sàng chiến đấu của Quân khu 1, Quân khu 2 và các Sư đoàn Phòng thủ biên giới và cùng các cơ quan điều hành việc bảo đảm Thông tin liên lạc trong dịp chiến tranh biên giới tháng 2/1979. Sau khi Trung Quốc rút quân tôi hướng dẫn các Sư đoàn củng cố hệ thống Thông tin, chỉ đạo diễn tập sẵn sàng đối phó nếu Trung Quốc liều lĩnh thực hiện “bài học thứ hai”.

Tháng 9 năm 1979 tôi được cử đi dự khóa 3 ở Học Viên quân sự cao cấp, đến tháng 8-1980 tốt nghiệp được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng đến cuối năm 1987 được bổ nhiệm thay đồng chí Tư lệnh Hoàng Niệm đến tuổi nghỉ hưu. Đến cuối năm 1991, tôi cũng được quyết định nghĩ và thực tế hết quý I năm 1992 mới nghỉ hẳn. Có thể nói từ cuối năm 1980 đến cuối 1991 tuy ở cùng gia đình nhưng tôi rất bận, buổi trưa cũng ăn cơm trong đơn vị nên việc nhà vẫn do Vợ tôi lo, tuy đất nước đã hòa bình nhưng sống trong thời kỳ bao cấp có nhiều khó khăn...

Trước tấm gương của cha mẹ, các con tôi cùng phấn đấu học tập, công tác tốt, xây dựng gia đình hòa thuận, kinh tế ổn định. Con trai đầu năm 1973 đã tốt nghiệp đại học tại Học viện Kỹ thuật quân sự được giữ lại làm giáo viên, năm 1986 điều về công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin, năm 1998 nhận quân hàm Đại tá và là Phó Giáo sư - Phó Tiến sĩ với hai bằng Đại học, Năm 2000 chuyển ngành về phụ trách Khoa điện tử tại Học viện Bưu chính viễn thông, năm 2006 nhận học hàm Giáo sư - Tiến sĩ. Con thứ hai sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc về công tác tại Trường Sỹ quan Thông tin, năm 1984 về Phòng Công trình - Bộ Tư lệnh Thông tin và theo học lớp Đại học Mỹ Thuật Yết Kiêu, năm 1989 tốt nghiệp rồi đi lao động hợp tác ở Đông Đức vì cơ quan công trình đã rút gọn biên chế. Con gái thứ ba công tác ở Tập đoàn Viễn thông Quân đội là Trung tá chuyên nghiệp khi nghỉ hưu. Con trai út, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự về công tác ở một Công ty thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tốt nghiệp Cử nhân chính trị. Con rể và hai con dâu cũng tốt nghiệp Đại học và đang công tác, riêng con dâu thứ hai là Thiếu úy chuyên nghiệp đã xuất ngũ theo chồng sang Đức.

Tóm lại Mối tình đầu của chúng tôi đã thành Mối tình duy nhất, năm 2001 chúng tôi đã tổ chức “đám cưới vàng” Kỷ niệm 50 năm ngày kết hôn, năm 2006 cũng tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày kết hôn và năm 2011 đã tổ chức “Đám cưới Kim cương” Kỷ niệm 60 năm ngày cưới. Có một điều đặc biệt là ngày ghi trong giấy giá thú là 14 tháng 2 năm 1951 mà sau này chúng tôi mới biết đó là ngày Valentin, ngày Tình yêu, có lẽ cũng là một điềm lành báo trước một tình yêu vĩnh cửu.

Ngồi viết lại Kỷ niệm về Mối tình đầu và kết quả của Mối tình đẹp thời chiến tranh, tôi lại nhớ đến một phóng sự của Đài truyền hình Hà Nội với tên “Tình yêu người lính” đã ghi lại hai chuyện tình thời chống Pháp, hai chuyện tình thời chống Mỹ trong đó có một chuyện của Vợ chồng tôi.

Suy ngẫm lại thấy rằng sở dĩ Mối tình đầu của chúng tôi phát triển tốt đẹp, hai người thường xuyên động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi gian khổ xây dựng nên một gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành, thành đạt, hòa thuận; có thể gọi là một gia đình hoàn hảo, một gia đình văn hóa. Vợ chồng, con cái đều là đảng viên, đều tốt nghiệp Đại học, các cháu cũng đã trưởng thành, là vì:

1. Hai chúng tôi đều là Thanh niên sớm được giác ngộ, được Đảng, được quân đội giáo dục, rèn luyện trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sống có lý tưởng thấm nhuần đạo đức của Bác, có tinh thần học tập cầu tiến, luôn phấn đấu vươn lên, sống thật thà, thẳng thắn với bạn bè, gương mẫu với con cháu.

2. Hoàn cảnh chiến tranh, từ khi kết hôn (1951) đến khi kết thúc chiến tranh ở biên giới Tây nam (1987) trong 36 năm Tôi chỉ ở cùng gia đình khoảng 10 năm nhưng vì điều kiện công tác bận rộn cũng ít chăm lo cho gia đình. Trong điều kiện luôn ở xa nhau, đó là sự thiệt thòi cho người vợ phải đảm đang mọi việc trong gia đình nhưng cũng là thời gian “nhớ nhung” nhau lúc xa cách, mong ngày “gặp nhau”. Về phía tôi thì cũng thấy sự vất vả, tần tảo của vợ mà cảm phục, thương nhớ vợ hơn. Vì vậy lý do xa cách nhau lại có mặt tốt là hai vợ chồng thông cảm gắn bó với nhau hơn!

3. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trong thời chiến và thời kỳ bao cấp cũng là môi trường rèn luyện chúng tôi và con cái biết khắc phục khó khăn, chịu đựng thiếu thốn, đức tính cần kiệm, quý trọng của cải vật chất, quý trọng sức lao động.

    Để kết thúc bài viết về “Mối tình đầu” của tôi, một lần nữa tôi xin tỏ lòng cảm ơn người yêu, người vợ của tôi đã xứng đáng là người phụ nữ ba đảm đang, đã góp phần quan trọng vào sự tiến bộ và thành tích công tác của tôi, xin cảm ơn đơn vị, cơ quan, bạn bè đã giúp đỡ vợ chồng tôi trong thời gian chiến tranh, cảm ơn lời chúc của bạn bè trong dịp chúng tôi tổ chức đám cưới vàng, đám cưới kim cương.

                                                                   Tháng 10 năm 2012

(1) Giấy giá thú lúc đó được làm ở xã An Lạc. Ngày 14-2-1951 không ngờ đó là ngày Valentin-ngày Lễ tình yêu.
(2) Thời gian công tác ở ATK vợ tôi đã được dự lớp cảm tình Đảng nhưng sau đó có chủ trương tạm thời ngừng việc phát triển nên sau khi chuyển ngành về công tác ở Sơn Tây mới được kết nạp.
(3) Xem phần Nhật ký hành quân dọc Trường Sơn và những bức thư tôi gửi từ chiến trường ra khi đi vào B2.

Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét