4/8/15

Vị tướng CCB làm giàu giữa núi rừng


Tình cờ tìm đến trang Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt nam tôi được đọc bài viết của Đào văn Sử về những việc làm của Thiếu tướng Lê Đình Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin sau khi nghỉ hưu. Tôi hết sức vui mừng và cảm phục trước tấm lòng của Anh đối với quê hương, trước ý chí, nghị lực và tài năng của Anh trong môi trường mới, môi trường kinh doanh lao động sản xuất. Xin giới thiệu nguyên văn bài viết này với toàn thể bạn đọc.

       Trước khi nghỉ hưu vài năm, Thiếu tướng Lê Đình Hùng – Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin được đồng đội và bạn bè khuyên nên chuyển gia đình về định cư tại Nha Trang, Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Nhiều người hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho gia đình anh. Cuối năm 2014 nhận quyết định nghỉ hưu, Thiếu tướng Lê Đình Hùng cảm ơn thiện ý của bạn bè, đồng đội rồi anh nói rõ ý định:”Mình quyết  định  sẽ về miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Nơi ấy mình có nhiều kỷ niệm thời ấu thơ và mình rất thương bà con quê nhà vẫn còn nghèo trong khi tiềm năng phát triển kinh tế chưa được khai thác”.




                                   CCB Lê đình Hùng trước rừng keo

CON ĐÊ CHẮN LŨ CỦA THIẾU TƯỚNG
Trong cuộc đời binh nghiệp, từ 1971 đến 2014, Lê Đình Hùng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, trong đó có những ngày tham gia cùng lưới lửa phòng không, đánh máy bay B52 của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Nhưng kỷ niệm khiến anh nhớ nhất lại là một lần về tranh thủ thăm nhà sau đợt huấn luyện tân binh năm 1971.
 

                                       Khu rừng đã đến kỳ thu hoạch
Hôm ấy, xuống ô tô, anh hối hả rảo bước về nhà để gặp bố mẹ và những người thân yêu trong gia đình. Về đến đầu làng (thuộc xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ), anh hoảng hồn vì khu vực bàu trước làng bị lũ tràn về, nước đục ngầu, chảy cuồn cuộn như dòng sông lớn. Anh gào to, nước mắt đầm đìa khi nhìn thấy bố mình bên kia dòng lũ, cách xa hơn 100 m. Ông bố giơ cao tay, tiếng gọi con khản đặc. Bất lực, anh đành vào nhà dân gần đó ở trọ. Chờ đến ngày thứ tư thì nước rút, anh mới gặp được gia đình. Anh tâm sự: Nạn lũ là nỗi ám ảnh đáng sợ của dân làng tôi. Lũ thường xảy ra, gây thiệt hại về người và của cho dân làng. Có người dân chết, phải chờ vài ngày lũ rút mới đưa đi an táng. Vì vậy những năm qua, tôi luôn đau đáu ý định đắp con đê chắn lũ. Từ trước khi về nghỉ hưu tôi đã chuẩn bị mọi mặt thực hiện công trình này.
 

Tìm hiểu, tôi được biết từ cuối năm 2014, khi Thiếu tướng Lê Đình Hùng nêu ý định làm con đê, bà con trong làng mừng lắm, nhưng không ít người lo cho anh” nghỉ hưu rồi, có làm nổi không?” Anh đặt vấn đề với các công ty và bè bạn, ai cũng hưởng ứng việc làm tình nghĩa của anh nên đồng ý cho mượn xe ô tô, máy xúc, máy ủi... Anh chỉ lo đổ xăng dầu và thuê thợ lái. Bà con trong làng thì tùy tâm, tùy lực ”của ít lòng nhiều”gom góp được hơn 80 triệu đồng gửi anh. Ý tưởng của anh được vợ và các con nhất trí cao nên anh đã huy động tối đa mọi ngồn lực, vốn liếng trong nhà. Toàn bộ số tiền anh nhận khi về hưu cũng được huy động vào đó. Công trình sôi động suốt nửa năm, bắt đầu từ cuối năm 2014. Mỗi ngày khu vực này đào đắp hơn 200m3 đất đá. Đến đầu tháng 7 này, công trình hoàn thành. Dân trong vùng nô nức đến ngắm con đê cao lừng lững hơn 20 m, dài gần 150 m, mặt đường rộng 13 m, chân đê có chỗ rộng hơn 100 m. Anh Hùng nói: Con đê rất vững chắc, đủ sức chắn lũ và cho phép xe có tải trọng 100 tấn qua lại.
 

Không thể nói hết niềm vui của người dân làng anh và bà con trong xã. Họ gọi công trình này là con đê Thiếu tướng để ghi nhận ý chí, nghị lực của anh và tấm lòng của ông tướng CCB với dân làng.

MẠNH DẠN ĐẦU TƯ CHĂN NUÔI GIỮA RỪNG
 
Với quyết chí làm giàu trên quê nghèo, ngay từ khi còn làm hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin, Thiếu tướng Lê Đình Hùng đã tìm hiểu cung cách làm ăn khi nghỉ hưu. Tận dụng các mối quan hệ thân thiết, anh quyết định đầu tư nuôi lợn cho Thái Lan theo hình thức bao tiêu. Anh nhập giống lợn, mỗi con chỉ hơn 10kg, sau 3 tháng mỗi con trên 100kg, người Thái lan đến tận chuồng mua lại. Sau gần một năm thuê người san đồi, bạt núi, mở đường vào rồi xây công trình chuồng trại, anh đã có hệ thống chuồng hiện đại, bảo đảm an toàn, chống mọi dịch bệnh, có hệ thống làm mát, lọc khí trong lành, khử độc. Việc hạ thế, lắp đặt hệ thống điện từ trung tâm xã vào trong rừng, anh được ngành điện lực ủng hộ rất lớn nên khá thuận lợi. Thức ăn hoàn toàn nhập ngoại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Cuối năm 2014, anh nuôi lứa đầu 2000 con. Chỉ thuê 3 người chăn nuôi. Lứa này anh xuất 200 tấn lợn, trừ mọi chi phí, lời khoảng 600 triệu đồng. Tính đến tháng 7/2015 anh đã xuất 3 lứa, tổng cộng tiền thu từ nuôi lợn được gần 2 tỷ đồng. Đợt này anh nhập hơn 2000 con giống, qui mô chăn nuôi sẽ tăng dần.

 
                                               CCB Lê đình Hùng kiểm tra chuồng lợn
 Anh cho biết: Tôi vừa xây dựng xong hệ thống chuồng nuôi bò đẻ, cách khu nuôi lợn khoảng 1km và đã làm xong thủ tục vay tiền ngân hàng khoảng 6 tỷ đồng để mua giống. Để khỏi phải nhập cỏ, tôi đã thuê 3 héc ta đất trồng cỏ và mua 1 máy cày, 1 máy thái cỏ.... Phân lợn được chở ra bón đất trồng cỏ rất tốt. Phân bò sau này bán đi cũng đủ trả lương cho người chăn nuôi. Tính ra chỉ thuê 4 người, mỗi người nuôi 50 con bò. Tháng sau tôi sẽ nhập 200 con bò đẻ của Úc, mỗi con 30 triệu đồng. Hai năm sau bán, nếu bình thường cũng thu về 5 tỷ đồng. Trong 3 năm là trả xong tiền vay ngân hàng. 

                               Con đường mới mở vào khu nuôi bò
Những ngày này, Thiếu tướng Lê Đình Hùng đang cho đốn rừng keo để bán gỗ. Anh nói:”Tôi mới khai thác gần 10 héc ta rừng đã thu hơn 1 tỷ đồng. Khai thác đến đâu lại thuê người trồng cây mới.” Khu rừng của anh trải dài qua mấy triền đồi núi, xanh ngắt một màu đã cuốn hút cái nhìn của tôi. Đó là rừng cây lát, lim, trầm hương...nhiều hơn cả là keo. Vì keo chỉ 10 năm là đến kỳ khai thác. Trồng rừng là niềm đam mê của anh. Hơn 10 năm trước anh đã mua đất, trồng rừng. Mỗi năm đến dịp nghỉ phép, nghỉ hè...anh lại dành dụm mua thêm đất, trồng thêm rừng. Đến nay anh có hơn 22 héc ta rừng xanh tốt. Tôi lại nhớ đến vườn cây ăn trái và cây lấy gỗ của Trường Sỹ quan Thông tin ngay ven đường Mai Xuân Thưởng, TP Nha Trang. Khi làm hiệu trưởng, anh đã đẩy mạnh phong trào phủ xanh các con đường và bãi đất trống trong trường.

Thật vui và cảm phục anh hôm nay đã thực hiện mong muốn làm giàu giữa rừng núi quê nghèo của mình.

                                                    Bài và ảnh:   Đào Văn Sử

Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét