16/8/16

Rèn luyện sức khỏe để làm việc tốt

BBT : Trong cuộc họp mặt truyền thống chi hội 101-c5 VTĐ ngày 14-8-2016, hội nghị chúc mừng bác Nguyễn Duy Thịnh là hội viên cao tuổi nhất ( 96 tuổi ). Để lý giải nguyên nhân trường thọ, bác Thịnh đã đọc lại bài báo của Tác giả Trần Thị Tuyết, đăng trên báo Cựu Chiến Binh Thủ Đô ngày 15-9-2011. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

       Ông Nguyễn Duy Thịnh là cán bộ tiền khởi nghĩa. Năm 1947 ông được kết nạp Đảng, rồi chuyển sang phụ trách đài VTĐ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ năm 1948, 1949 đến giữa năm 1950 ông nhận lệnh biệt phái sang công tác tại Văn phòng Chủ tịch phủ, phụ trách đài VTĐ riêng của Bác Hồ. Đài này làm nhiệm vụ giữ liên lạc giữa Văn phòng Chủ tịch phủ với Bộ Tổng Tư Lệnh QĐND Việt Nam và một số đơn vị chủ lực như các Đại đoàn 308, 351, 350...cùng các địa phương vùng chiến sự trọng điểm. Đài hoạt động trong điều kiện rất khó khăn, máy móc còn đơn sơ, thời đó thông tin chưa có máy phát điện, mỗi khi thu, phát tín hiệu phải có 2 người thay nhau quay máy phát điện bằng tay, bất kể ngày hay đêm để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Lúc đó đài được bố trí cố định trong một lán nhỏ, dưới lùm cây thuộc khu vực Thác Rẫng, Tân Trào, ngay cạnh hội trường của Hội đồng Chính phủ ( Bây giờ là một quần thể di tích của Tân Trào ). Vào một buổi trưa mùa hè năm 1948, giờ nghỉ ông ra gốc cây bên bờ suối, đang ngồi thả chân xuống nước thì gặp Bác Hồ ra tắm. Thấy vậy ông chào Bác và định đi chỗ khác, nhường chỗ bóng mát cho Bác.
      Bác bảo :
      - Chú cứ tắm tự nhiên đi, chú ở đài vô tuyến điện phải không ?
      - Vâng ! Thưa Bác cháu ở đài ạ !
      - Chú đã biết chèo mảng chưa ?
      - Thưa Bác cháu chưa biết ạ !
      - Thế thì phải cố gắng học tập nhân dân để biết chèo mảng, phòng khi gặp lũ lụt, bảo đảm an toàn cho khí tài chiến đấu.
      - Vâng, cháu sẽ cố gắng ạ !
     Thấy Bác Hồ thân mật nên ông nói :
      - Thưa Bác cháu có điều này muốn xin phép hỏi Bác có được không ạ ?
      - Chú hỏi gì cứ nói đi ?
      - Cháu nghe bác sỹ Chánh điều trị sức khỏe cho Bác nói :" Lúc Bác ở nhà tù của Tưởng Giới Thạch, mắt Bác bị mờ, chân đau không đi được. Nhưng khi chúng trả tự do, Bác chịu khó luyện tập nên mắt đã sáng lại, chân đi bình thường. Bác cho cháu biết được không ạ ?"
        Bác cho biết : Mỗi buổi sáng khi mặt trời vừa mọc, Bác thức dậy tập thể dục và mát xa mắt đều đặn hàng ngày, đồng thời kết hợp uống thuốc của bác sỹ. Lúc đó Bác rất gầy, thường mặc quần áo bà ba mầu nâu hoặc quần áo dân tộc, cưỡi con ngựa nhỏ, đội chiếc nón có quai bằng khăn để che bớt chòm râu. Hết giờ làm việc Bác lại về lán Nà Lừa trong rừng sâu, nơi âm u hẻo lánh, không tránh khỏi vắt, muỗi và các côn trùng gây bệnh khác nhưng Bác vẫn cố gắng chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe để làm việc.
       Năm 1949, một lần họp Hội đồng Chính phủ xong, Bác tổ chức trận đấu bóng chuyền giao hữu giữa Văn phòng Chủ tịch phủ với đoàn của Hội đồng Chính phủ về họp. Ông Thịnh được tham gia, là cầu thủ của đội Văn phòng Chủ tịch phủ, còn Bác là cầu thủ của đội Hội đồng Chính phủ. Lúc đó Bác đã gần 60 tuổi, người gầy nhưng rất nhanh nhẹn. Bác hướng dẫn cho các cầu thủ vị trí đứng và cách đỡ bóng. Thi đấu 3 séc, Bác tham gia cả 3. Kết thúc trận đấu, Bác vỗ tay hoan hô bên thắng, rồi Bác bảo mọi người đứng lại nhận quà. Cầu thủ bên thắng và trọng tài mỗi người được một điếu thuốc lá thơm. Bác nói :" Nhất định lần sau đội của hội nghị sẽ thắng, đội các chú hôm nay thắng phải cố gắng giỏi hơn nữa, bóng chuyền là môn thẻ thao rất tốt cho sức khỏe nhưng chơi bóng phải biết giữ bí mật, không được để lộ sân " Cả đội đồng thanh : vâng ạ !
        Lúc bấy giờ được điếu thuốc lá thơm là quý lắm. Các cầu thủ hút xong điếu thuốc của Bác, ai cũng sảng khoái tinh thần, cảm giác ấm áp trong lòng, được tiếp thêm sức mạnh mỗi khi ở bên Bác.
       Năm ấy sau lần giặc Pháp nhảy dù xuống khu vực Trung ương, mọi hoạt động phải thường xuyên thay đổi địa điểm để giữ bí mật. Một hôm ông Phan Mỹ bảo ông Thịnh chuẩn bị đi công tác đặc biệt. Đài VTĐ gồm 4 người khẩn trương lên đường, đi từ bến Bình Ca, ngược dòng sông Lô đến Tuyên Quang. Vào một khu rừng mới đã thấy Bác Hồ đang ở nhà một người dân tộc Tày, cạnh nhà của đài. Sáng hôm sau liên lạc mang biếu Bác một đùi thịt hươu, Bác chia cho các chiến sỹ một nửa. Chuyến đi lần này Đài phát sóng liên tục 3 ngày đêm, hầu như không ngủ. Khi về đơn vị ông Phan Mỹ chuyển lời khen của Bác Hồ đến các chiến sỹ thông tin :" Các chú làm việc rất tốt ".
        Sau năm 1950 ông Thịnh trở lại Đài Trung ương để chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ. Tham gia chiến đấu đến ngày giải phóng Điện Biên, ông đi học ngành y và công tác ở Bộ Y tế, làm chuyên gia tại Angiêri 6 năm. Hiện đang sống tại số 9 Nguyễn Quang Bích, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đã ngoài 80 nhưng ông vẫn đi dậy dưỡng sinh miễn phí cho các Trung tâm thể dục của người cao tuổi và người mù.
      Bài báo trên đã đăng cách đây 5 năm. Hôm nay chúng tôi vẫn chứng kiến cụ Nguyễn Duy Thịnh ở tuổi 96 ( cụ sinh năm 1921 ) nhanh nhẹn, không quản đường sá xa xôi, mưa gió, đến gặp mặt với những người đồng đội thân yêu đã cùng nhau công tác từ gần 70 năm trước. Thật cảm phục người " Bộ đội Cụ Hồ " luôn làm theo lời Bác dậy, là tấm gương sống để chúng tôi noi theo !
      Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét