27/9/16

Bút ký: Được các chú đến thăm thế này, bố cháu vui lắm đấy

Vì mỗi người bận một việc của riêng mình nên mãi hôm nay chúng tôi, ba người trong ban liên lạc mới cùng nhau đi thăm hỏi các hội viên bị ốm đau và nằm viện trong thời gian vừa qua.

Đã chọn giờ thấp điểm để xuất phát nhưng đường hành quân của chúng tôi cũng gặp đầy gian nan bởi tắc đường. Mấy cụ nhà ta trước đây chọn vị trí làm nhà toàn nhằm vào các ngõ ngách sâu để “ngự” cho yên tĩnh thành ra bây giờ đi lại đến là khổ. Nhưng suy cho cùng thì cũng phải, lấy đâu ra tiền mà mua mặt phố, có chỗ chui ra chui vào là hạnh phúc lắm rồi, thế mà cũng mấy thế hệ sinh ra và lớn lên từ đó, bây giờ cũng đã trưởng thành cả. Kể ra cũng hơi ái ngại vì có bác ra viện đã lâu mà nay ban liên lạc mới đến thăm nhưng đến nơi sự việc diễn ra hoàn toàn khác: cảm động và trân trọng. Các bác còn thông cảm ngược lại cho ban liên lạc, những người “vác tù và” cho Hội như chúng tôi cũng còn nhiều việc phải lo, thậm chí như anh Ngô Văn Đương, Phó trưởng Ban liên lạc cũng vừa mới ra viện được ba ngày, trong người vẫn còn chưa bình phục nhưng đi thăm người ốm mặt vẫn tươi như hoa. Anh Hoàng Lập, thời trai trẻ có tiếng là sung sướng vì là con một nhưng bây giờ là lúc phải lo toan toàn diện cho mẹ già 94 tuổi đã rất yếu, không tự phục vụ được mình. Thôi thì lẽ đời là thế, mình càng quan tâm được nhiều đến người khác thì lại có nhiều người khác động viên lại mình. Điều làm chúng tôi vui nhất khi thăm các bác trong khu vực nội thành là ai cũng thấy phấn khởi, sức khỏe được cải thiện hơn, không khí trong gia đình đầm ấm, đoàn kết và khi chia tay, ai cũng nấn ná, đi tiễn khách thật lâu.
Ban liên lạc Hội TT Phòng Quân lực thăm bác Lê Thanh

Thăm bác Nguyễn Huy Đồng

Thăm bác Nguyễn Thụ

Tạm biệt nội thành, chúng tôi còn đi đến một địa điểm ngoại ô mà mới nghe tên đã thấy thật xa và còn có vẻ heo hút nữa. Đi hôm nay, người ở Phòng Quân lực lâu nhất là tôi nhưng trong thời gian còn công tác, cũng chưa có dịp về thăm nhà bác ấy, còn anh Lập, anh Đương về phòng thì bác ấy đã nghỉ hưu. Đó là bác Vũ Đình Thuyên, năm nay 80 tuổi, nhà ở thôn Lời, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đã hai năm nay bác không dự họp mặt mà gọi điện thì không được, không rõ lý do gì nên ban liên lạc quyết tìm rõ “nguồn cơn”.  Ngồi trên xe, nhìn cảnh vật lạ mà chúng tôi lo không biết có tìm được nhà bác ấy không, liệu trong thời gian qua có sự thay đổi gì với bác ấy không. Xe đi trên đê sông Đuống, những bãi cát trải dài, những bờ dâu xanh biếc, bất giác tôi nhớ tới nhà thơ Hoàng Cầm, có phải những cảnh vật thân thương này đã làm cho ông xúc động khi quê hương đang bị địch chiếm mà cảm tác bài thơ “Bên kia sông Đuống” với bãi cát “nghiêng nghiêng kháng chiến trường kỳ” hay chăng? Đang mải đuổi theo hồn thơ thì lái xe cho chạy chậm gần như dừng lại trước một ngã ba, tôi giật mình như có luồng điện chạy qua người. Khi ở nhà, tôi đã tra “Google map” nên nhìn cái làng trước mặt tôi nhận ra ngay, đúng nó rồi, đúng thôn Lời rồi. Đây con đường mang tên Ỷ Lan nối tiếp tỉnh lộ 179 chạy tuột lên Đê Vàng. Theo con đường hai bên trồng cây bạch đàn chúng tôi dừng xe ở đầu làng, dưới một gốc đa to xòa bóng mát, người ta kê ba bốn chiếc ghế đá ga-li-to, chúng tôi hỏi mấy cụ già đang ngồi hóng mát thì kết quả như sắp đặt từ trước, đây đúng là thôn Lời, có ông Thuyên 80 tuổi. Mừng quá, theo tay chỉ của mấy cụ già, chúng tôi đi đến một cổng sắt gọi cửa, một ông già đang ngồi đan rổ quay ra, đó chính là bác Thuyên. Sau chút bất ngờ gần như sững người lại vì bác Thuyên không nghĩ là chúng tôi tìm được đến đây, chủ dắt khách vào nhà, ngôi nhà tầng khá là sang, chưa hỏi thăm được gì vì bác Thuyên thấy chúng tôi đến, mừng quá, cứ chạy đi chạy lại, lấy cái nọ, bỏ cái kia, mãi mươi phút sau mới ngồi vào bàn trò chuyện được. Hóa ra, trước đây còn tham gia công tác xã hội bác có cái điện thoại bàn để liên lạc, nhưng vài ba năm nay nghỉ, bác đã không dùng tới, có khi vài tháng may ra mới có cuộc gọi rủ nhau đi ăn cỗ, các con thì đã có máy di động, thậm chí hai tay hai … máy, thế là bác đã cắt. Chẳng biết nay mai mình có thế hay không nhưng người già hay đơn giản thế đấy, bỏ đi cái máy điện thoại cứ như không, làm ối người gọi đến đều không được đến mức phải lọ mọ đi tìm. Song gặp những việc cụ thể khác thì lại cứ băn khoăn rằng hôm nay ở đây người ta đang làm đường nên đi lại vất vả quá. Được cái ở Phòng Quân lực người ta sống với nhau có tiếng là tình nghĩa, cái nết ấy bây giờ mang theo trong Hội truyền thống nên vất vả thế chứ vất vả nữa mà đồng đội vui vẻ thì chẳng ai xá gì. Ngồi nói chuyện, chúng tôi kể cho bác Thuyên nghe về những cuộc gặp mặt thời gian qua bác không được tham dự. Đó là những cuộc gặp mặt đầm ấm của Hội Truyền thống Phòng Quân lực, của Bộ Tham mưu, của Hội Truyền thống Binh chủng và gần nhất là cuộc họp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống của bộ đội Thông tin tổ chức tại Sở chỉ huy Binh chủng với 1178 hội viên đến từ khắp nơi trong cả nước, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho mọi người, trong phần mừng thọ, Ban tổ chức có đọc đến tên bác. Người vắng mặt cứ ngồi suýt xoa mãi rằng sang năm dứt khoát phải đi. Là một cán bộ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, bác đi “B” năm 1968 đến 1978 mới ra Bắc, từ khi nghỉ hưu nhớ đơn vị và đồng đội lắm. Anh Hoàng Lập, Trưởng Ban liên lạc trao quà của Hội Truyền thống Phòng Quân lực, bằng và quà mừng thọ của Binh chủng và Hội Truyền thống Binh chủng Thông tin nhân dịp bác vào tuổi 80, bác Thuyên nhận và cảm ơn trong niềm vui và xúc động vô bờ. Nhân tiện tôi lấy một số di động của con trai bác, bác mở sổ đọc cho tôi, anh con trai bác đang công tác tại một cơ quan của huyện Gia Lâm gọi máy thông liên lạc với tôi mừng rỡ, nói như reo: “Được các chú đến thăm như thế này, bố cháu hẳn vui lắm đấy”.
Tặng quà của Hội TT P. Quân lực, Hội TT Thông tin Hà Nội và bằng mừng thọ của BCTT cho bác Vũ Đình Thuyên
Chia tay bác Thuyên ra về, mặt trời đã sắp xuống đúng hướng Tây nhưng trong lòng ai nấy cũng thấy nhẹ nhàng, chúng tôi đi theo một con đường khác, xe đi hết tỉnh lộ 179 nhỏ hẹp thì quốc lộ 5 đã hiện ra thênh thang trước mặt.  


                                   Bài và ảnh: Thân Ngọc Thúy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét