12/4/19

Thông tin Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào: Dấu son ghi nhớ!


Hồi ký của Đại tá Nguyễn Đăng Đằng
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào “Cuộc hành quân Lam Sơn 719”. Mục tiêu có tính chiến lược của Mỹ là cắt đứt vĩnh viễn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh (đường vận tải chiến lược quân sự).
Do vậy Mỹ - Thiệu có phối hợp với lực lượng quân phái hữu Lào mở chiến dịch binh chủng hợp thành quy mô lớn tiến công vào Đường 9 - Nam Lào để bảo vệ học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh” của chúng. Còn ta với đường lối chiến tranh nhân dân, chiến lược quân sự của Đảng, quyết tâm của Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh mở Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là để đánh quỵ ý đồ của địch, buộc chúng vĩnh viễn chấm dứt việc ngăn chặn con đường vận tải chiến lược quân sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam.
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào diễn ra từ ngày 30/01/1971 đến  23/3/1971. Là nơi tranh chấp quyết liệt và cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn. Đây là cuộc đụng độ của hai quyết tâm lớn muốn thay đổi cục diện chiến trường, nên cả hai bên đều tung vào những lực lượng lớn và vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, hậu cần đủ mạnh để tham chiến. Ngày 23/3/1971 Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc toàn thắng. Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” – cố gắng cuối cùng trong cơn “giãy chết” của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thất bại thảm hại. Cho dù điểm đến của chiến dịch này quân Mỹ Ngụy đặt ra là Sepôn. Xong ta đã làm chủ con đường số 9 – từ Bản Đông đến Mường Phìn. Sở chỉ huy tiền phương BTL Trường Sơn vẫn sát cánh với cấp ủy, chính quyền Bạn chiến đấu trong suốt Chiến dịch.
Ngày 18/02/1971. Đúng vào lúc ta và địch đang giành giật nhau từng mỏm đồi, khe cạn… tại Bản Đông – Sepôn. Đài AFP đưa tin quân đội Việt Nam Cộng hòa đã chiếm được huyện lỵ Sepôn - đích cuối cùng của cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên1 gọi điện ngay cho Sở chỉ huy Tiền phương. Biết địch đưa tin sằng bậy và tìm cách “bịt miệng” chúng lại đồng thời dạy cho chúng một bài học… Liền sau đó ít phút có điện của đồng chí Song Hào từ Bộ Tổng hành dinh gọi vào gợi ý nên cho ghi âm lời nói của đồng chí Bun Đi Chủ tịch huyện Sepôn. Tư lệnh đã giao nhiệm vụ cho Sở chỉ huy Tiền phương ghi âm tiếng nói của đồng chí Bun Đi Chủ tịch huyện Sepôn. Sau đó giao nhiệm vụ cho Thông tin Bộ đội Trường Sơn phối hợp với các đơn vị thông tin của BTL Thông tin liên lạc chuyển tải băng ghi âm ra Hà Nội bằng HTĐ tải ba sớm nhất để phát trên Đài tiếng nói Việt Nam…

Ghi âm lời nói của đồng chí Bun Đi. Ảnh tư lệu
Với truyền thống của Bộ đội Thông tin anh hùng, những người cán bộ chiến sĩ thông tin chúng tôi từ khi nhận được thông báo đến khi thực hành ca đứng máy để làm nhiệm vụ có một không hai này (với thời điểm lúc bấy giờ), đã phát huy tinh thần làm chủ khoa học kỹ thuật – trang bị thông tin hiện có. Nhận rõ trách nhiệm, tận tình cởi mở, không quản khó khăn, không nản chí, nêu cao tinh thần hợp đồng lập công tập thể.

Trung tâm thông tin 3000 phục vụ Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Ảnh tư liệu
Kết quả là: Bản tin tối ngày 19/02/1971. Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời nói của đồng chí Bun Đi Chủ tịch huyện Sepôn… “Thị trấn Sepôn chưa hề có một tên địch nào đặt chân đến. Bộ đội và nhân dân vẫn sẵn sàng chiến đấu và làm ăn bình thường”. Địch bị đo ván trong cuộc khẩu chiến này. Sau đêm hôm đó Đài Sài Gòn, Đài AFP không thấy nói gì đến Sepôn, Đường 9 nữa. Đồng nghĩa với việc chúng đã thừa nhận thất bại trong cuộc chiến này.
Việc phối hợp với các đơn vị, cơ quan giữa Thông tin Bộ đội Trường Sơn với các đơn vị thông tin của Bộ để chuyển băng ghi âm nói trên. Với công nghệ thông tin hiện nay thực hiện trên các mạng thông tin viba, di động là quá đơn giản. Nhưng lúc đó, như đã nói ở trên từ rừng núi Trường Sơn cách Hà Nội gần 1000 km, truyền được tín hiệu băng ghi âm tiếng nói về Thủ đô bằng đường dây trần tải ba duy nhất để ghi âm lại rồi phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, để góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh trên mặt trận chính  trị, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước là một kỳ tích công phu, cả bằng khoa học kỹ thuật và trí tuệ. Là chiến công của Bộ đội Thông tin Trường Sơn và các đơn vị thông tin có liên quan của BTL Thông tin liên lạc là dấu son đáng tự hào của thông tin phục vụ Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mùa Xuân năm 1971.
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2018
Đại tá Nguyễn Đăng Đằng
Đăng bởi Quang Hưng
-----------------------------
1 Đ/c Đồng Sỹ Nguyên là Trung tướng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là Tư lệnh BTL Trường Sơn.
- Bài viết sử dụng ảnh tư liệu trong video “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm – Tập 6” của Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam.  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét