Hồi ức về Hội truyền thống thông tin Hà nội
Thiếu tướng Nguyễn Diệp
Từ năm 1987 các Cựu
chiến binh Thông tin về hưu ở Khu vực Hà Nội đã tổ chức Hội hưu trí do đồng chí
Võ Thương làm Trưởng ban liên lạc.
Đến 1991 khi tôi chuẩn
bị nghỉ hưu anh em đề nghị tổ chức lại thành Hội truyền thống Thông tin tập hợp
các Hội bạn chiến đấu (gọi là Chi hội) và các Tổ địa bàn do Hội hưu trí đã tổ
chức gọi là Tổ trực thuộc, đến nay cũng đổi tên là Chi hội.
Hiện nay Hội truyền
thống Thông tin Hà Nội đã có 22 Chi hội là các Hội bạn chiến đấu và 17 Chi hội
gồm các cựu chiến binh sinh hoạt trong cùng khu phố hay khu dân cư.
Tôi được bầu là Trưởng
ban liên lạc (gồm 13 đến 17 ủy viên) từ năm 1991 đến năm 2010 vì Hội có chủ
trương biên soạn tập “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin” cử tôi làm Trưởng ban
biên soạn nên tôi đề cử đồng chí Lương Sỹ Pháp Phó ban thay tôi điều hành hoạt
động của Hội từ 2011.
Trong gần 20 năm công
tác trong Ban liên lạc, chúng tôi đã kiện toàn tổ chức, soạn thảo hoàn chỉnh
quy chế hoạt động và duy trì đều đặn cuộc họp toàn thể hàng năm vào dịp ngày
truyền thống 9 tháng 9 của Binh chủng, ngoài ra Ban liên lạc còn họp mở rộng
vào dịp 30/4, 7/5 gồm các Chi hội trưởng và ủy viên Ban liên lạc để thu thập ý
kiến về hoạt động của Hội, kinh nghiệm hoạt động của các Chi hội, thu thập ý kiến
đề nghị với binh chủng để thường trực Ban liên lạc kiến nghị với Bộ Tư lệnh
trong cuộc họp liên tịch vào tháng 7 chuẩn bị cuộc họp vào dịp 9/9. Nhờ có sự
phối hợp giữa Ban liên lạc và Bộ Tư lệnh binh chủng nên cuộc họp kỷ niệm ngày
truyền thống 9-9 đều được tổ chức trọng thể nhất là các dịp kỷ niệm năm chẵn
thứ 5, thứ 10 (kỷ niệm thứ 50,55,60,65)
Trong các cuộc họp này
Ban liên lạc Hội và Bộ Tư lệnh binh chủng đều tổ chức mừng thọ các Hội viên 70,
80, 85, 90, 95 tuổi có quà lưu niệm và Bằng chúc thọ. Những năm nhà nghỉ Đồ Sơn
còn hoạt động, dịp hè hàng năm Bộ Tư lệnh đều mời 40 hội viên đến nghỉ trong ba
ngày.
Ngoài việc Hội tổ chức
phúng viếng các Hội viên qua đời, các Chi hội tổ chức các hội viên đau yếu, tổ
chức các cuộc thăm quan du lịch, trong các dịp kỷ niệm đặc biệt Hội đã tổ chức
các đoàn thăm chiến trường xưa.
- Năm 1994, 2004, 2009
tổ chức các đoàn đi thăm Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 40, 50, 55 năm ngày
chiến thắng.
- Đặc biệt năm 2005, kỷ
niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lấy danh nghĩa của
Hội, tôi đã xin giấy giới thiệu của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam để
tổ chức cuộc đi xuyên Việt thăm cơ quan, đơn vị Thông tin các quân khu từ QK4
đến QK9, thăm BCH quân sự các Tỉnh, tổ chức cho Hội viên thăm tận Đất mũi Cà
Mau, nơi Cực Nam của Tổ quốc.
Cuộc hành hương 23 ngày
đã được các đơn vị đón tiếp rất nồng nhiệt, tạo được mối quan hệ giữa các Cựu
chiến binh với thế hệ kế tiếp đồng thời tạo điều kiện được đi thăm chiến trường
xưa, thăm đất nước với chi phí thấp (mỗi người 1,8 triệu kể cả tiền thuê xe).
Từ cuối năm 2010 sau khi
bàn giao chức Trưởng ban liên lạc cho đồng chí Lương Sỹ Pháp, tôi đã cùng Ban
biên soạn gồm đại diện các đơn vị Vô tuyến, Hữu tuyến, liên lạc đặc biệt, Vô
tuyến tiếp sức, Nhà trường, Nhà máy, biên soạn xong 2 tập ký ức Cựu chiến binh
Thông tin liên lạc.
Tháng 4-2012 đã in xong
1000 cuốn tập 1 gồm các ký ức thời kháng chiến chống Pháp, hiện nay chuẩn bị in
Tập 2 gồm các ký ức thời kháng chiến Chống Mỹ và thời kỳ đổi mới, tháng 7 sẽ in
xong và kịp phát hành đến các đơn vị trong dịp kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống
của binh chủng (09 tháng 9 năm 2012).
Theo kế hoạch chúng tôi
dành khoảng 500 cuốn để tặng các đơn vị thông tin đến cấp Đại đội giúp các
Chính trị viên có tư liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ
đang công tác. Còn 500 cuốn để tặng các tác giả và bán cho Cựu chiến binh làm
kỷ niệm với giá ưu đãi giảm 50% so với giá thành.
Hoàn thành việc biên
soạn và phát hành xong hai tập sách tôi mới tự thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ
đối với binh chủng sau 46 năm phục vụ và đối với thế hệ kế tiếp sau 20 năm hoạt
động trong Hội truyền thống.
Được đăng bởi Nguyễn như Khánh
0 comments:
Đăng nhận xét