II. NHỮNG BỨC THƯ GỬI VỀ GIA ĐÌNH
Trong thời gian hành quân từ Miền Bắc
vào Miền Đông Nam Bộ, mỗi lần gặp các cán bộ đi từ Miền Nam ra Miền Bắc tôi đều
tranh thủ gửi thư về gia đình, nhờ các đồng chí dán tem và bỏ vào hòm thư của
Bưu điện hoặc gửi đến cơ quan Bộ Tư lệnh Thông tin ở Hà Nội.
Trên đường hành quân, tôi đã gửi 8 thư
đánh số 1 đến 8 và khi công tác ở Phòng Thông tin thuộc Bộ Tham mưu quân giải
phóng Miền Nam tôi còn gửi tiếp 5 thư đánh số từ 9 đến 14. Rất may là nhờ sự
giúp đỡ của các đồng chí đi ra Miền Bắc, Vợ tôi đã nhận được 12 thư và đã giữ đủ
số thư đó 40 năm qua (chỉ thiếu thư số 7 và thư số 10).
Sau khi gửi tập “Nhật ký hành quân” tặng
các con cháu trong gia đình, các cháu đề nghị tôi chép và in kèm theo Tập “Nhật
ký” 12 thư mà Vợ tôi đã nhận được để các cháu hiểu thêm tâm tư của tôi trong thời
gian tạm biệt gia đình đi làm nhiệm vụ ở chiến trường xa.
Đề nghị của các cháu cũng được Vợ tôi
đồng ý nên sau phần “Nhật ký” mời các bạn đọc tiếp 12 bức thư gửi từ chiến trường…
Cũng xin nói thêm là Tôi vô cùng cảm
ơn “Người Vợ yêu quý” đã một mình “Đảm đang việc nước, việc nhà” trong khi chồng
đi vào chiến trường xa xôi và hết sức cảm động vì đã lưu giữ cẩn thận các bức
thư Tôi gửi từ Tiền tuyến về…
Thư số 1
Em thân yêu
Cuộc hành quân đã sang ngày thứ
ba, chỉ còn một ngày nữa là chuyển sang đi bộ. Tranh thủ thời gian
chờ anh em nấu cơm, anh viết sẵn thư gửi về kẻo mai không có thời cơ.
Trước hết hôm đi có một điều ân
hận là vội quá chưa chào Cụ vì vậy nhờ Nga nói là lúc đi đông anh
em vội quá, Cụ lại đi đâu nên hôm nay xin gửi lời chúc Cụ mạnh khỏe,
mọi việc đã bàn bạc hôm trước sẽ gặp nhiều thuận lợi, nhờ Cụ gửi
lời chào chị Đoan và bà con họ hàng.
Về vấn đề đài (chiếc máy thu LIDO quên chưa dặn Nga là nếu cơ quan nhượng lại
thì xin cấp cho giấy để đi đăng ký ở Bưu điện (chỗ đăng ký là Bưu
điện ở trước cửa hàng Thủy Tạ). Có đăng ký mới mua được pin và phụ
tùng khi cần. Nếu cơ quan không nhượng thì trả lại tất cả máy, phụ
tùng, tờ thuyết minh và hộp và yêu cầu viết cho một giấy biên nhận.
Nếu nhà được mua thì cũng giữ
cẩn thận, Nga đi đâu cho vào tủ khóa lại, buổi trưa không cho vác đài
đi tập hát.
- Anh còn 7kg tem gạo thừa của anh
em gửi lại cả để ở nhà mua (cần mua trước ngày 5/9).
- Xe đạp nhỏ Nga bảo thằng Minh
thay lốp trước vì đã thủng, còn xe đạp của Anh dặn thằng Minh phải
giữ cẩn thận, chỉ lấy đi khi cần, không để thường xuyên ở Trường, phải
chú ý lau chùi. Trường hợp đặc biệt cần chi tiêu gì đến mức phải
bán xe thì trao đổi với anh Thiết nhờ cơ quan chứng nhận.
Còn mọi việc khác anh đã bàn
với Nga cả, chúc cả nhà mạnh khỏe, Mẹ con đều thi đỗ năm nay, sang
năm đến lượt Quang thi đỗ…
Về cảm tưởng trên đường đi thì
còn nhiều nhưng chưa đủ thời gian để viết, xin hẹn thư sau hoặc lúc
về kể lại một thể.
Thân yêu
14/8
TB: Gửi thêm
một thẻ cử tri + 1kg phiếu gạo nhân dân sót ở ví.
- Chứng minh thư của anh để lại
ở ví cũ trong tủ gỗ, khi nào cần đi đăng ký đài hoặc mua phụ tùng
xe đạp nếu cần thì lấy.
- Hôm nay xe
suýt đổ nhưng không sao, chỉ nằm nghiêng chổng 2 bánh lên, không ai việc
gì, nhờ xe khác kéo xong lại đi ngay.
Thư số 2
(Trường Sơn ngày 21-8-1971)
Em thân yêu
Nhân gặp nhà văn Thép Mới ở
chiến trường ra, anh tranh thủ biên thư để ở nhà biết tin sau gần một
tuần hành quân Vượt Trường Sơn.
Tiếp thư số 1 đã báo về chặng
đường đi xe, chiều 15-8 anh đến Trạm giao liên đầu tiên ở gần biên giới
từ 16-8 bắt đầu “ra nước ngoài không cần hộ chiếu”…
6 ngày qua cứ mỗi ngày đi một
Trạm độ 5-6 giờ rồi nghỉ. Mỗi ngày chỉ được độ 12-15km vì đường đi
khá vất vả, vừa leo dốc, vừa trơn lầy, vừa hành quân dưới trời mưa.
Anh em đi ra thường họ đi ngày 2 Trạm vì họ mang nhẹ (5-10kg) còn đi
vào thì như đoàn anh là giỏi vì 6 ngày qua chưa nghỉ ngày nào, đã
đuổi kịp đoàn đi trước một ngày.
Ăn uống trên đường cho đến nay thì
cơm và thức ăn như mắm ruốc, thịt hộp, bột trứng rán vẫn đầy đủ,
chỉ thiếu rau. Được cái may đi vào mùa mưa nễn dễ kiếm măng, từ hôm
đi đã ăn 5 bữa măng tự túc, ngoài ra còn đổi chác với dân địa phương
hoa quả cho thêm chất tươi.
Dân ở đây đổi chác rất lạ, chỉ
theo nhu cầu, không theo giá trị hàng hóa. Ví dụ họ cần pin đèn thì
một đôi pin có thể đổi được một con gà, một chiếc kim sào, một lưỡi
câu có thể được một quả dưa như loại dưa hồng của ta nhưng nếu mua
thì 1 đồng một quả bất kỳ to nhỏ. Chỉ tiếc là khi đi chưa kịp chuẩn
bị thêm một số hàng hóa nhẹ để đổi lấy thực phẩm, dân địa phương
rất thích dầu cao, pin đèn, chỉ thêu, xà phòng, hạt cườm đeo cổ, đá
lửa… giá đem đi thì sinh hoạt trên đường sẽ tươi hơn, bảo đảm sức
khỏe hơn.
Từ nay đến khoảng 2/9 sẽ đi được
một đoạn khoảng ¼ chặng đường và may ra có khả năng nhờ đánh điện
về. Khoảng 10-15/9 Nga cứ hỏi anh Thuyết có thể biết tin.
Theo anh em từ trong đó đi ra, có
thể đi mất 2 tháng rưỡi đến 3 tháng và nói chung an toàn chỉ có vài
nơi vượt sông đôi khi địch có ném bom. Đường đi chỉ có một dốc dài
nhất đi mất hai ngày còn cũng tương tự đoạn đường đã qua.
6 ngày vừa qua, cả 3 người đều khỏe,
ăn được, ngủ được, vai và chân không đến nỗi đau lắm (tất nhiên ba bốn
ngày đầu chân có hơi đau). Hiện nay vai và chân đã khá thuần và anh em
đi ra đều nhìn đoàn đi vào với con mắt thán phục vì chiếc ba lô quá
to.
Riêng anh đã được một đồng chí
vỗ đùi khen đùi quân Miền Bắc (vì mặc quần đùi hành quân) và được
một em bé người địa phương chỉ bắp chân khen to quá.
Như vậy ở nhà cứ yên chí, nếu
không bị sốt rét chắc sẽ khỏe đều… mặc dầu không cần rèn luyện.
Chúc cả nhà mạnh khỏe. Nhận
được thư này chắc Nguyệt đã có kết quả vào lớp 8 và Mẹ đã thi xong
môn Chính trị.
Chúc cả hai mẹ con đạt kết quả
tốt.
Thân yêu
1 giờ 30 ngày 21/8
Thư số 3
Nam đường 9
ngày 30-8-1971
Em thân
yêu
Từ hôm đi anh đã tranh thủ viết về hai
thư:
- Thư
số 1 gửi tay tù biên giới Việt - Lào chắc đã đến khoảng 20/8.
- Thư
số 2 gửi nhà văn Thép Mới trên đường từ Nam ra Bắc chắc đã đến khoảng 2/9 “ngàn
đời chớ quên” ở Bãi gió năm xưa.
Thư này anh viết nhân hôm nay nghỉ lần
thứ 2 từ hôm đi bộ, hy vọng sẽ gặp một người đáng tin cậy ra Bắc để bỏ hộ ở Hà
Nội.
Từ hôm đi bộ đến nay đã vượt được 15
Trạm, trung bình mỗi Trạm 15km, có một Trạm xa nhất khoảng trên 20km phải đi 8
giờ 30 phút mới đến. Tuần đầu đường khó lại bị mưa nên khá vất vả nhưng từ hôm
21/8 gặp nhà văn Thép Mới thì trời tạnh, đường lại ít dốc nên đi khá dễ chịu
nhưng ăn uống lại kém hơn, 8 Trạm đầu còn được ăn mức 0đ90 đến 0đ70
còn về sau chỉ còn mức 0đ50 tức là căn bản chỉ có cơm no còn thức ăn
rất ít, tuy vậy cuộc sống cũng chưa kham khổ lắm vì mùa mưa rất sẵn măng, nghỉ
15 phút là có thể tự túc hai bữa măng thoải mái chỉ khó vấn đề mượn nồi và nấu
nướng sao cho đỡ khói bảo đảm phòng không.
Thời gian biểu hàng ngày là: 5 giờ dậy,
ăn cơm ngay và đem theo cơm trưa, khoảng 6 giờ - 6 giờ 30 lên đường. Khoảng 11
giờ dừng lại ăn cơm nguội với ruốc và đun nước nóng uống, pha một cốc sữa sau
đó đi tiếp đến khoảng 12-13 giờ trưa là đến, chặng xa nhất cũng đến lúc 14 giờ
30. Sau đó xoay ra nấu măng cải thiện cho bữa chiều và sáng hôm sau. Tối đi ngủ
từ 19 giờ vì chẳng có đèn lửa gì. Vì đi ít người nên phần lớn được ngủ trong
nhà, có giường thoải mái, có hầm chắc chắn, từ hôm đi chỉ phải nằm ngoài trời một
tối vì Trạm đó mới di chuyển chưa kịp làm nhà.
Do ngủ từ chập tối nên không thể ngủ
suốt đêm, hay bị thức giấc vì chuột chạy (có lúc chuột cắn cả màn định vào cắn
ba lô) và thức giấc vì tiếng máy bay.
Từ khi qua biên giới thì ngày nào cũng
nghe tiếng máy bay và bom nhưng tương đối xa đường đi, từ hôm sang phía Nam đường 9
(27/8) thì thường trông thấy B52 bay qua (ở đây không có tên lửa nên chúng bay
thấp nhìn rất rõ). Những lúc trằn trọc không ngủ được lại nghĩ đến nhiều chuyện
ở nhà. Từ hôm đi có 2 lần ngủ mê thấy N trong giấc mơ, một lần đêm 24/8 sau một
chặng đi dài hơn 8 giờ người khá mệt nhưng lại mơ thấy đang cùng ăn cơm cá với
nhau, một lần đêm qua (29/8) mơ thấy đang đi chơi phố Hà Nội dưới trời mưa hai
người khoác chung một tấm nilông.
Tóm lại trong ¼ chặng đường xuyên
“Đông Dương” này tuy có nhiều gian khổ nhưng sức khỏe vẫn tốt, vẫn được anh em
đi ra khen là quân Miền Bắc khỏe thật, khen là một trong những người khỏe nhất
được gặp trên tuyến Trường Sơn… tin tưởng là sẽ không bị sốt như anh em đi ra
vì những người ra đều là thương bệnh binh hoặc cán bộ đã công tác lâu ở chiến
trường sức khỏe đã kém lại không có đường sữa, thuốc men dự trữ như mình được
Miền Bắc xhcn trang bị khá đầy đủ. Tuy nhiên đến nay có lẽ cũng phải sút đến dưới
1kg, lớp mỡ ở bụng đã giảm nhưng bắp chân và đùi lại chắc ra, sức dẻo dai phát
triển, đeo ba lô lúc đi đường bằng cảm thấy khá thoải mái. Bị vắt cắn khá nhiều,
có một lần vào đúng chỗ hiểm và ba con leo lên tận gần bẹn còn ở bắp chân trở
xuống thì hơn chục nốt vắt cắn rồi.
Muỗi cũng nhiều khó lòng giữ cho nó
không đốt được vì đi phải sắn quần, phải mặc áo cộc tay, chỉ lúc nghỉ đêm ở Trạm
mới mặc quần áo dài được cho nên căn bản là sức đề kháng bên trong. Cậu liên lạc
người nhỏ nhưng khá khỏe, vẫn đi kịp và giúp đỡ được nhiều trong việc cải thiện
ăn uống.
Cảnh vật thiên nhiên trên đường thật
là hùng vĩ, phần lớn là rừng già với những cây săng lẻ cao vút hàng 30 mét thẳng
tắp, to 2-3 người ôm và nhiều cây gỗ quý, mỗi cây gỗ cũng làm được 2-3 căn nhà
gỗ.
Có những lúc đi trên đỉnh núi nhìn xa
hàng 100km phong cảnh thật là đẹp, nếu có tài vẽ như Minh chắc là ghi lại được
nhiều cảnh đẹp.
Bom đạn địch thả trên đường cũng gặp
nhiều nhưng không thấm đâu với rừng núi bao la và thường đã oanh tạc trước đây
một vài tháng.
Từ hôm đi vẫn tranh thủ ghi nhật ký để
khi ra nhớ được nhiều chuyện (đến hôm nay đã ghi đến Trạm thứ 12).
Chuyện thì còn nhiều nhưng thư đã dài
lại kèm theo thư gửi đơn vị nên không thể viết thêm sợ nặng phiền cho người
mang hộ, anh tạm dừng bút, chúc cả nhà mạnh khỏe, chắc khi nhận được thư này
thì Nguyệt - Quang đã bước vào niên học mới, Mẹ chắc thi gần xong, tin tưởng là
mọi người đều gặp may mắn, còn đối với Bà N cố thu xếp hàng tháng cho Nguyệt
hay Minh về thăm.
À nhận được thư này, N. chuyển thư kèm
theo cho anh Thuyết ngay và hỏi xem anh Bành ở Xưởng Thông tin B2 khi nào vào
thì gửi thư cho anh biết tin tức gia đình từ khi anh đi, tình hình học tập của
hai Mẹ con, tình hình mua đài, sức khỏe mọi người…
Nga cứ viết sẵn thư, lúc anh ấy đi sẽ
mang tận tay và chắc là nhanh vì anh Bành đi bằng xe vào đầu mùa khô (khoảng đầu
tháng 10) Nga cũng có thể hỏi chị Điềđm vợ anh Sung ở buồng 8 nhà 7 (đã 2 lần
sang nhà ta để gửi thư cho chồng) và anh Bành có hẹn với chị Điểm khi đi sẽ qua
lấy thư và ảnh mới chụp. Nga chỉ cần gửi thư còn không cần gửi quà cáp gì khác,
đời sống trong này chắc không khó khăn như khi đi đường đâu.
Hôn cả nhà
30/8/1971
TB: Bảo Nguyệt
và Quang phải ngoan, chăm học, nghe lời Mẹ, lúc Bố về sẽ cho quà.
(Thư này gia đình nhận được ngày 10
tháng 10 năm 1971 sau 40 ngày).
Thư số 4
Trị Thiên ngày 31-8-1971
Em thân
yêu
Hôm qua nhân ngày nghỉ, anh đã viết một
thư dài kèm theo một số thư gửi anh em trong cơ quan. Sáng nay trên đường đi
vào may mắn đã gặp một đồng chí ra Tổng cục Chính trị (tên là Thành) nhờ bỏ vào
hòm thư ở Hà Nội nên chắc chắn ở nhà sẽ nhận được vào khoảng 25/9.
Chiều nay khi đến Trạm ngang đường
vào chỗ anh Cúc đi họp lần trước lại gặp một người quen có thể gửi
thư ra nên anh viết thêm một thư nữa cho chắc chắn.
Vì thư hôm qua đã viết dài nên hôm
nay chỉ tóm tắt:
- Tính đến nay đã đi được ¼
đường, vượt qua một đoạn dốc trơn lầy khá vất vả nhưng sức khỏe cả
đoàn vẫn tốt, mời dùng có 6 viên Nivaquine phòng sốt, một gói gluco
C, 12 viên Đại tảo hoàn, ½ số sữa trộn đường, một lọ mì chính. Đoạn
đường sắp tới dễ đi hơn nhưng không quân địch hoạt động nhiều hơn, khả
năng 23/9 sẽ đi được già nửa đường và từ đó đường đi sẽ ít dốc và
ăn uống sẽ khá hơn. May ra cuối tháng 10 sẽ đến, tin tưởng có thể
đến đích an toàn, mạnh khỏe vì theo anh em ở trong đó ra kể, khó khăn
chính là vấn đề ăn uống và phòng sốt nhưng mình đã có dự trữ một
số thực phẩm và đã sốt thời chống Pháp nên có thể đỡ, mặt khác
qua hơn nửa tháng khá vất vả vẫn thấy sức khỏe tốt (tuy có sút
khoảng dưới 1kg) lại đỡ hai bệnh táo bón và viêm họng không thấy
xuất hiện.
- Như thư trước anh đã dặn, nhận
được thư thứ ba, Nga cho những thư ở cơ quan vào phong bì khác dán kín
lại và đưa cho anh Thuyết hoặc Gia Trành ở cơ quan ngay (trừ thư gửi
đồng chí Lê Thanh cứ giữ khi nào có đài hỏng nhờ chữa mới đưa).
Đồng thời Nga hỏi xem anh Bành ở Xưởng Thông tin B2 lúc nào vào để
gửi thư cho anh biết tin nhà, địa chỉ cứ đề: Nguyễn Diệp - Hòm thư
810-790 (nhờ đ/c Nguyễn Xuân Thăng chuyển).
Có thể cứ viết sẵn thư gửi anh
Thuyết nhờ đưa hộ vì anh Bành có thể lên đường vào đầu tháng 10.
Nếu anh Bành đi rồi, Nga hỏi anh Chuẩn ở gác 2 xem lúc nào có anh em
cán bộ kỹ thuật đi vào gửi tiếp cũng được.
Mặt khác Nga dặn anh Thiết (Ban
Cán bộ) ở gác 2 xem khi nào có đoàn cán bộ nào vào thì báo để
gửi thư cho anh. Nga hỏi hộ hòm thư của Phòng 1 Bộ Tư lệnh Thông tin
để khi cần viết thư anh khỏi phải gửi qua nhà mình sợ không tiện.
Mọi việc khác anh đã viết trong
thư trước, chỉ dặn thêm Minh là phải cố gắng phấn đấu vào Đoàn trong
học kỳ I năm nay, còn Nguyệt trường hợp không được vào lớp 8 cũng
phải cố gắng học lại bài của Quang và giúp Quang học để hai chị em
sang năm cùng thi vậy, đừng chơi bời lêu lổng.
Một lần nữa chúc cả nhà mạnh
khỏe và nhờ Nga thông báo tin của anh cho cô Mỹ, chị Đoan và họ hàng
thân thuộc, gửi lời cảm ơn mọi người đã quan tâm thăm hỏi động viên
anh trước khi lên đường.
Thân yêu
(Gia đình nhận được thư này ngày
11/10/1971).
Thư số 5
Vĩ tuyến 15040 ngày
11-9-1971
Em thân yêu
Thấm thoắt rời Miền Bắc vừa
được một tháng, nhân ngày đi một chặng ngắn (10 giờ 15 đã đến) nên
tranh thủ viết sẵn thư này để khi tiện dịp sẽ gửi tay ra Hà Nội.
Tiếp theo thư số 4 viết ngày
31/10, anh đã đi thêm được 9 chặng, thời tiết và đường xá thuận lợi
hơn nhưng tiếp tế khó khăn hơn tuy vậy nhờ mật độ dân đông nên có đổi
chác được một số thực phẩm như dưa hồng, ngô, gạo nếp nên vẫn bảo
đảm sức khỏe, hơn nữa lượng đường sữa dự bị còn đủ dùng (giá hôm
đi ngại nặng mang ít thì gay go).
Đổi chác thì rất buồn cười, có
lúc một viên đá lửa một quả dưa, có lúc chỉ cần hai chiếc kim khâu,
nếu dùng tiền Việt thì một đồng một quả, một lưỡi dao cạo râu cũng
được một bơ sữa bò gạo nếp nhưng có chỗ một đôi pin đèn cũng chỉ
được hai bơ. Nhìn chung anh em đi vào đổi chác chặt chẽ hơn, đắt là
không đổi, còn anh em đi ra vì thiếu chất nên đổi bừa hơn, có khi mua
tới 50 đồng một con gà trong khi chỉ cần đổi một đôi pin đèn!
Hôm 2/9 được ăn bữa thịt lợn tươi
đầu tiên kể từ khi đi bộ, lúc ăn miếng thịt mới thấm thía giá trị
miếng thịt tươi.
Ngày 8/9 lại được hai bữa thịt
nai do anh em giao liên vừa bắn được. Đặc biệt hôm qua 10/9 đi qua một
đơn vị có đ/c Chính ủy quen đ/c Tường (đồng hương) nên được bồi dưỡng
thích đáng: một bữa chào xương vượn, một bữa cơm nếp và thịt lợn
tươi, một bữa cá rán và được bổ sung 1 kg đường + sữa để dùng trong
khoảng một tháng tới vì số đem đi gần cạn. Thật là may vì sắp tới
còn phải leo một dốc hai ngày để lên Cao Nguyên Bôlôven.
Sức khỏe anh em vẫn tốt, cậu liên
lạc người nhỏ nhưng theo được và đến nơi giúp đỡ được việc nấu
nướng cải thiện cho mình nghỉ ngơi.
Toàn được ngủ trong nhà chỉ có
một lần (từ tháng 8) phải căng tăng ngủ ngoài trời. Hôm 8/9 đã vượt
qua một tai nạn nguy hiểm nếu không thì lời nói gở của N đã thành
sự thật: lúc gần 12 giờ trưa, khi sắp tới một trạm nghỉ vì thấy máy
bay địch hoạt động ở gần nên cho anh em tạm dừng, sơ tán vào các gốc
cây to ven đường, không ngờ đang đứng thấy đau nhói ở mắt cá chân
phải, nhìn xuống thấy một chú rắn xanh màu lá cây đang nghển cổ
cách chân 30 phân. Đúng là bị rắn độc cắn rồi đây!
Vội vàng lấy tay bóp chặt mạch
máu ở cổ chân và chạy lại bảo anh em làm garô bằng dây cao su sau đó
chỉ cho đ/c Tường lại đánh chết con rắn đem xác về cho quân y xem (rắn
dài gần 30 phân đầu hình tam giác, rõ ràng là một loại rắn độc
rồi) cấp tốc về Trạm may mà chưa có phản ứng gì nên vẫn đi nhanh
được. Đến nơi sau khi rắn cắn độ 30 phút thì Quân y sĩ vội tiêm cho 1
ống Novocaine vào quanh mắt cá chân, cho uống 2 viên thuốc chống nọc
rắn, uống rượu chống nọc rắn và lấy Mincelam rạch chỗ rắn cắn nặn
ra đến gần 10cm3 máu.
Thật là tiếc nhưng máu có nọc
độc đã có màu đen nên cũng không thể để trong người được. Sau đó lại
tiêm một phát trợ tim rồi mới cho bỏ garô (như vậy là garô gần một
giờ). Tiếp sau đó tiêm một phát Peniciline và nằm nghỉ, hai giờ sau
tiêm nốt lọ Pen 500.000 và ba giờ sau uống một lần rượu chống nọc
rắn, nhiệt độ vẫn bình thường chỉ có chân hơi nhức và các vết tiêm
ở tay hơi đau.
Tuy biết là rắn độc, quân y nói
nguy hiểm để theo dõi nếu cần sẽ cáng đi bệnh viện cách đấy gần
20km nhưng bản thân rất tự tin sức đề kháng và nói chung đã xử trí
bình tĩnh, đúng, trong người lại vẫn cảm thấy bình thường nên tin
chắc là không sao chỉ khó khăn cho cái chân trong mấy ngày hành quân
tới!
Theo quân y, đáng lẽ lúc bị rắn
cắn lấy dao rạch tự nặn máu độc ngay thì tốt hơn nhưng mình thiếu
kinh nghiệm và sợ nhiễm trùng.
Đêm hôm đó khó ngủ vì các chỗ
tiêm đau hơn chỗ rắn cắn. Sáng hôm sau thấy bình thường nên anh quyết
định vẫn đi tiếp chỉ nhờ giao liên cho một người đeo hộ ba lô, cho đến
nay sau 3 ngày thì chân đã gần khỏi hẳn chỉ còn hơi sưng. Thế là tai
qua nạn khỏi và tin là lần sau nếu bị rắn cắn cũng không sao vì đã
miễn dịch! Và đã có kinh nghiệm xử trí hơn.
Ở nhà hãy ăn mừng cho Anh đi và
hãy tự phê về lời nói gở. Tính theo chặng đường, khoảng cuối tháng
10 sẽ đến vì chặng đường từ cuối tháng 9 trở đi sẽ thuận lợi hơn,
chỉ khó khăn độ nửa tháng nữa thôi. Tin chắc là cả đoàn sẽ tới
đích an toàn, mạnh khỏe.
À, hôm nay đi đường vừa đổi cho
anh em ra 10 đồng Miền Bắc đem theo lấy 500 đồng Miền Nam để đến nơi
có tiền tiêu vặt ngay. Cũng chẳng hiểu giá cả ra sao chỉ nhớ mang
máng trước đây tiền Miền Bắc giá trị khoảng bằng 40 lần, nay có thể
sụt giá hơn nên đổi như vậy còn người đi ra cũng cần đổi vì nếu
không sẽ chỉ là tờ giấy lộn!
À có một việc anh em phải lo cả
tuần vừa qua là sau 2/9 nghe đài biết tin Miền Bắc bị nạn lụt to,
nước to chưa từng có trong 70 năm nay nhưng không biết là ở tỉnh nào.
Nghe đài Gia Lâm cũng bị lụt nên lo cho gia đình chị Đoan và bà con ở
Việt Hưng - Yên Viên. Nhà ta chắc Cụ chưa về nên cũng không lo, có ít
đồ đạc không biết chị Đoan có kịp chạy lên gác cho không hay ngập
hết! Nhưng dù sao cũng không đáng là bao so với thiệt hại chung của
nhân dân.
Nếu Gia Lâm bị lụt thật, Nga nên
bảo Cụ cứ ở Hà Nội đừng về vội, chính quyền còn lo giải quyết
việc lụt lội, chưa ai có thì giờ giải quyết việc của Cụ, hơn nữa
vì bên đó chắc đời sống sẽ khó khăn, khi nước xuống cho trẻ con về
đem nốt số đồ đạc còn lại sang mà dùng, việc kia để sang năm 72 cũng
được.
Ở nhà Nga bảo thằng Minh chủ
nhật hàng tuần về phải xem và sửa sang lại cái xe đạp một lần thay
Bố, xe đạp con nếu lốp có hỏng mà không nhờ mua được hoặc đắt quá
thì tạm mua một đôi lốp nhỏ (độ 12-15đ) săm con còn ở trong tủ đấy,
lắp van vào là được còn săm to lại cất vào tủ khi có thời cơ sẽ
lắp lại lốp to, hoặc nếu được khoảng 300 đồng hay kém một chút thì
bán cũng được.
Bình thì phải cố gắng học tập,
cố giữ được mức xuất sắc thì sẽ có nhiều triển vọng vì ta có chủ
trương bồi dưỡng nhân tài. Phải cần cù và khiêm tốn, không tự mãn,
chủ quan, chú trọng toàn diện cả lý thuyết và thực hành.
Còn Nguyệt Quang thì cứ làm đúng
lời Bố dặn trong các thư trước và hàng tháng cứ viết thư cho Bố gửi
theo địa chỉ:
Nguyễn Diệp
Hòm thư 810-790 (Nhờ đ/c Thăng chuyển)
Tiện có ai đi B2 thì gửi tay nếu
không thì cứ gửi vào hòm thư Bưu điện cũng được. Khi nào thấy anh em
ở cơ quan báo anh đã điện bắt đầu ra thì thôi.
Thôi thư đã dài, hẹn đến thư số 6
- Nga cho thư kèm theo vào phong bì dán lại và chuyển cho các đồng
chí trong cơ quan.
Thân yêu
TB: Thư này nhờ một đồng chí ra đi phép ở Nam Định bỏ hộ vào hòm thư (
ngày 13/9/1971).
Thư số 6
Em thân yêu
Ngày 11/9 anh viết thư số 5 và
nhờ người cầm ra Bắc hôm 16/9 (có lẽ cuối tháng 10 đến).
Hôm nay 24/9 nhân ngày nghỉ và gặp
người quen ra Bắc nên lại tranh thủ viết nữa, khi ở nhà nhận được thư
này chắc là anh đã đến đích rồi vì hôm nay đã đi được nửa đường,
đã đi qua được hơn 30 Trạm có nhiều khó khăn hơn chặng đường sắp đến.
Mấy hôm nọ ba người đều hi vọng
đi đến đích an toàn, mạnh khỏe cả nhưng đến nay thì lòng tin đã bị
lung lay vì đ/c Tường tuy cũng rất khỏe nhưng đã bị sốt rét từ 17/9,
hôm nay phải đưa vào Viện điều trị cho lại sức mới đi tiếp được.
Anh và cậu Lôi lại đành đi trước.
Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là vượt qua được vùng trọng điểm sốt rét
toàn đông dương, nếu an toàn là không lo sốt nữa. Chân hôm bị rắn cắn
chỉ đau 3 hôm là khỏi hẳn, bây giờ đã có kinh nghiệm phòng chống rắn
cắn lại xin được thuốc đem đi nên không lo. Cậu liên lạc tuy nhỏ người
nhưng chỉ bị sụt sịt qua loa, chưa sốt. Ở nhà đến hôm nay chắc Nga đã
thi xong chắc là tốt nghiệp rồi, chỉ còn lo cho cô Nguyệt. Sau khi thi
xong chắc Mẹ có thời gian phụ đạo cho Nguyệt - Quang hơn để sang năm
đỡ vất vả.
Còn tình hình lụt anh nghe như Gia
Lâm cũng bị, nếu vậy Nga cứ bảo Cụ ở lại Hà Nội đến khi tình hình
bên đó ổn định đã, bây giờ thì chính quyền còn bận lo nhiều việc.
Còn mối quan hệ Bà cháu có khá hơn không?
Ngoài các việc anh nhắc trong các
thư trước Nga thỉnh thoảng lên giây đồng hồ Poljot chạy một ngày để
khỏi rỉ (độ một tuần một lần). Nếu để lại được trên 100 đồng thì
cứ để lại để thanh toán mọi khoản nợ. Đồng hồ anh đem đi theo lại
chạy rất tốt mặc dầu bị rơi vài lần, có lần rơi cả xuống nước
trong khi đó đ/c Tường có cái đồng hồ Liên Xô mới lại hay chết cứ
phải phơi nắng mới chạy vì ở đây độ ẩm cao.
Nga bảo thằng Minh hàng tuần về
phải thay Bố làm các việc tu sửa đồ đạc trong gia đình như xe đạp và
các dụng cụ khác, quạt máy hết mùa nực lau chùi sạch sẽ cho vào
hộp cất cẩn thận.
Ở trong này thỉnh thoảng anh sẽ
điện về báo cáo tình hình, N cứ hỏi anh em trong cơ quan sẽ biết tin.
Ngoài ra có dịp ai ra Bắc anh sẽ gửi thư, còn ở nhà cứ theo địa chỉ
Hòm thư 810-790 mà gửi đến khi nào có điện anh báo là ra Bắc thì
thôi không gửi thư vào.
Chúc cả nhà mạnh khỏe và nhờ
Nga chuyển lời thăm họ hàng, bạn bè và các gia đình láng giềng trong
nhà 6. Rất tiếc là hôm đi không lấy được thư của chị Bình Phó giám
đốc vì được biết là anh Thụy cũng công tác ở chỗ anh sắp đến.
Thân yêu
24/9
Thư số 8
(Chắc thư
số 7 bị thất lạc)
Em thân yêu
Hôm kia 7/11 vì gặp vội mấy đồng
chí trên đường nên chỉ viết vắn tắt được vài dòng, hôm nay gặp một
đ/c ở Tổng cục Chính trị có thời gian nên viết dài hơn.
Kể từ thư số 6 đường đi bằng phẳng
hơn, ăn uống đầy đủ hơn, ngoài những thứ trên cấp, các Trạm còn săn
bắn được nhiều thú rừng nên được nếm thử khá nhiều loại: nai,
hoẵng, bò tót, lợn rừng, vượn, doọc (một loại khỉ), Kỳ đà và cả
thịt Voi, chỉ còn thiếu thịt Hổ và chó sói.
Trên đường đi gặp rất nhiều vết
chân thú rừng nhất là Voi. Chỉ có khó khăn là bị sốt phải nằm lại
làm chậm thời gian đi nhưng phần lớn anh em đi trong mùa mưa đều bị
sốt nằm rải rác ở các bệnh xá, đội điều trị, bệnh viện, có người
đi từ tháng 5/71 vẫn còn ở dọc đường. Đoàn anh có cậu Lôi người Bắc
Thái là chưa bị sốt còn đ/c Tường đã bị sốt trước anh hơn một tuần.
Hiện nay đã gần đến đích nên
không lo nữa, khoảng một tuần nữa là đến, điều kiện sinh hoạt đầy
đủ hơn chắc sẽ chóng lại sức. Riêng anh khi sốt vẫn ăn được nên không
sút mấy, da dẻ vẫn hồng hào.
Thư này đến nhà chắc là sắp đến
Tết Nguyên Đán nên anh chúc cả nhà một năm mới mạnh khỏe, công tác
học tập tiến bộ, Nguyệt Quang lớn thêm một tuổi phải ngoan hơn. Anh
cũng nhờ Nga chuyển lời chúc Tết của anh đến các gia đình họ hàng
nội ngoại và bạn bè quen thuộc, chúc các gia đình ở nhà 6 mạnh
khỏe, hạnh phúc.
Từ sau thư này chắc sẽ ít có
dịp gửi thư về, còn ở nhà cũng không cần gửi thư nữa vì thư vào
thì có thể anh đã ra rồi.
Thân yêu
9/11/1971
TB: Kèm theo
thư trước một thư của đồng chí Dũng gửi anh là Bùi Minh Khoa, Nga dán
tem bỏ hòm thư hộ.
Gia đình
nhận được thư này ngày 28/2/1972, tức 14 tháng giêng sau Tết hai tuần.
Thư số 9
(Viết từ
Phòng Thông tin B2)
Em thân yêu
Nhân sắp có người ra Bắc, anh
viết sẵn thư để gửi. Đây là lá thư đầu viết từ hôm vào đây và là
thư số 9 kể từ khi đi.
Vì đường đi bị sốt hai đợt nên
27/11 mới tới nơi, tính ra vừa đúng ba tháng rưỡi, nếu không mệt thì
mất độ 85 ngày.
Vào đến nơi muốn làm việc ngay
nhưng các đồng chí phụ trách cho nghỉ 10 ngày vừa chữa cho khỏi sốt,
vừa bồi dưỡng cho lại sức sau đó mới về làm việc nhưng vẫn tiếp tục
ăn bồi dưỡng đến hết tháng 12.
Hiện nay sức khỏe của anh và hai
đ/c đi cùng đã khá đảm bảo làm việc bình thường.
Ăn uống ở đây cũng khá, đặc biệt
là có nhiều cá, thịt lợn thì hiếm và đắt hơn cả thịt gà. Cơm ăn
có lúc phải độn nhưng là độn đậu xanh nên ăn càng ngon và bổ.
Chỗ ăn ở cũng đàng hoàng tương
tự hồi ở Việt Bắc. Khí hậu ấm áp hơn ngoài Bắc, chưa phải mặc áo
len, tối ngủ chỉ cần đắp một tấm chăn mỏng là đủ. Đến gần Tết có thể sẽ rét hơn nhưng
sẽ được phát thêm vỏ chăn.
Vào đây gặp rất nhiều anh em quen
cũ, lâu ngày mới gặp nhau nên rất mừng, ngoài ra còn nhiều người là
đồng hương ở khu Nam
Đồng.
Sau đây kể sơ lược một số để Nga
liên lạc với các gia đình đó, báo cho họ biết tin:
- Đ/c Kiều Thuận chồng cô Vượng
công tác ở đây sức khỏe khá.
- Đ/c Nguyễn Viên ở nhà một tầng
hai buồng 16 hay 17 có con là Thắng, Dũng, Hạnh (kèm theo có thư, Nga
chuyển hộ và nói thêm là anh Viên có gửi ra một máy thu thanh nhưng
phải chờ khi anh ra mới đem ra.
- Đ/c Thăng chồng chị Nhâm ở nhà 6
(nửa bên kia) tầng 2, buồng tương tự nhà anh Thiết. Anh Thăng vẫn khỏe.
- Đ/c Sung (hoặc Lê Đức Trung)
chồng chị Điềm ở nhà 7 tầng 1. Anh Trung vẫn khỏe, đặc biệt là ít
sốt hơn anh em khác nên không già đi mấy.
- Anh Thụy chồng chị Ban ở Xí
nghiệp cũng khỏe tuy có gầy hơn trước.
- Đ/c Hoa chồng cô Vy vẫn khỏe,
hiện ở một đơn vị cách xa chỗ anh ở nên chưa gặp nhưng đã chuyển thư
đến.
Về thuốc men vừa qua đi trên đường
mới dùng hết số Đại Tảo Hoàn, một gói Thập toàn đại bổ, 4 gói
Gluco C, 1 củ sâm, 1/3 mật ông, như vậy lúc ra nếu không được phát thêm
cũng đủ dùng. Mì chính thì còn một lạng rưỡi.
-Về
thời gian công tác thì vẫn như ở nhà dự kiến nhưng theo kinh nghiệm đi
đường vừa rồi thì lúc ra cũng phải đi vào khoảng tháng 8,9,10 mới
đỡ mưa, do đó ở nhà cứ chuẩn bị khoảng tháng 11-12 mới về…
Hiện nay anh cũng đang chờ đoàn
sắp vào (có thể cuối tháng này hay đầu tháng sau đến) để biết tin
nhà nhất là tin cô Nguyệt có được lên lớp 8 không? Tin về lụt ở Gia
Lâm.
Nếu dịp vừa rồi Nga chưa kịp gửi
thư có thể hỏi anh Chuẩn và anh Thiết xem đầu năm 1972 có đoàn nào đi
tiếp thì gửi, các thư gửi trước tháng 4/72 thì anh còn có khả năng
nhận được còn sau đó thì không cần gửi nữa.
Thư lần trước anh viết vào khoảng
7/11-8/11 có kịp tới nhà trước Tết Nguyên Đán không? Tết vừa qua ở
Hà Nội có vui không?
Ở đây dự kiến cũng sẽ ăn Tết
đàng hoàng, có đủ bánh chưng, dưa hành.
Chúc cả nhà mạnh khỏe và nhờ
Nga chuyển lời anh thăm sức khỏe mọi người quen biết, họ hàng, láng
giềng.
Thân yêu
18/12/1971
Thư số 11
(Thư số 10 chắc
bị thất lạc)
Em thân yêu
Thấm thoắt đi công tác xa Miền
Bắc đã được gần 6 tháng, nhân có anh em sắp ra anh lại viết thư về
thăm hậu phương. Đây là thứ số 11 nhưng có lẽ ngoài đó chưa nhận được
thư số 9 (thư này có kèm một thư của một đ/c gửi vợ ở nhà 1) vì đ/c
anh gửi thư số 9 có công tác lại chưa đi được.
Như vậy là anh đã công tác được 2
tháng, đã đi một số nơi, có lúc đi bộ nhưng cũng có lúc đi mô tô.
Điều kiện sinh hoạt khá, ăn ngày
thường cũng tương đương ở Miền Bắc nhưng ngày lễ và có dịp liên hoan
nào thì tươi hơn, mặt khác mình là khách nên đến nơi nào thường cũng
được chiêu đãi. Do đó tuy thỉnh thoảng có bị sốt rét như sốt ở Việt
Bắc) nhưng sức khỏe không sút, tuy không cân nhưng cảm thấy đã gần lên
cân bằng hồi lên đường.
Thời tiết thì ấm áp nhiều so
với Miền Bắc, đêm nằm chỉ đắp cái võng là đủ, hôm nào lạnh thì
dùng màn đắp thêm. Áo len thường chỉ dùng từ 6 đến 9 giờ sáng. Võng
dù của anh đã đổi lấy một võng bằng Vinilong dai hơn, gọn nhẹ hơn
(loại vinilong ở đây là loại may quần áo được, không có lớp cao su
tráng để đi mưa nên thoáng hơn).
Thỉnh thoảng cũng có dịp đi qua
một vài thị trấn, nhân dân địa phương vẫn buôn bán, sinh hoạt bình thường,
có bán đủ các loại hàng tiêu dùng, có loại so với ngoài ta là đắt nhưng cũng có
loại rẻ hơn nhiều. Tiền ở đây giá trị khoảng bằng 1/30 đến 1/40 đồng tiền Miền
Bắc nhưng mua được nhiều hàng hơn. Ví dụ: một chiếc ấm nhôm to có 120đ (nghĩa
là chỉ khoảng 4đ Miền Bắc) nhưng 1kg xà phòng lại tới 100-110 đồng. Vì là thị
trường tự do nên giá cả lên xuống thất thường (đường có lúc 90 đ/1kg nhưng có
lúc chỉ có 55 đ/kg) và có cả tình trạng làm đỗ giả để cạnh tranh nhau (có lần
mua phải gói chè giả, dở ra thì loại bỏ được ½ là những cuộng và lá cây linh
tinh không phải là chè).
Ra chợ thì còn bị nói thách nên lớ ngớ
cũng bị mua hớ. Thật là giống hệt hồi còn thuộc Pháp, càng thấy những cảnh này
càng thấy tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Công việc của anh có lẽ phải kéo dài
hơn kế hoạch lúc đầu một chút, có lẽ tháng 8 hay 9 mới quay ra được vì đi sớm
hơn sẽ gặp mưa lũ cũng khó.
Cho đến nay (30/1) anh cũng chưa nhận
được thư nào ở nhà, không rõ Nga có dịp gửi không hoặc gửi mà chưa tới (từ khi
anh vào chỉ có vài đ/c đi theo một đoàn đặc biệt vào còn chưa có đoàn của anh
Bành mà anh nói là Nga có thể gửi thư).
Thôi vắn tắt vài dòng để ở nhà biết
tin anh, chúc cả nhà mạnh khỏe và nhờ Nga gửi lời thăm họ hàng, bạn bè, láng giềng.
Thân yêu
30/1/72
Ở đây
còn ½ tháng nữa là Tết, cơ quan đã chuẩn bị tấp nập, mình thì có rất nhiều nơi
mời đến dự Tết, chỉ lo không có thời gian và không có sức ăn! Anh đã chúc Tết từ
thư gửi 7/11/71 vì thư này đến nơi có thể đã là tháng 4/72 - sắp bước sang mùa
hè rồi.
Thư số 12
(Viết ở
Phòng Thông tin B2)
Em thân yêu
Bức thư số 9 kèm theo đây viết từ lâu
nhưng người nhờ gửi hộ lại hoãn đi nên thư số 10, số 11 có thể đã đến trước,
nay anh viết bổ sung kẻo thư số 9 lạc hậu quá.
Thư này viết vào mồng 5 Tết nên anh kể
về chuyện Tết ở đây là chính:
Nhìn chung tuy ở chiến trường nhưng vẫn
tổ chức vui vẻ, linh đình đến mức không ngờ.
-Về
tinh thần thì trừ phần xa gia đình còn thì đầy đủ, phần thì phấn khởi với thắng
lợi năm qua, phần thì náo nức với nhiệm vụ sắp đến.
Cùng tổ chức hội diễn ở đơn vị vào tối
29 và hội diễn chung vào tối mùng 1 (hội diễn chung làm tới gần một giờ sáng
cũng chưa hết tiết mục).
- Về vật chất thì thật là linh đình,
liên tục vì tuy mỗi đơn vị chỉ làm hai bữa liên hoan chính nhưng làm xen kẽ từ
27 đến tận mùng 3 nên cứ liên hoan lu bù. Riêng anh trong dịp Tết cũng đi dự tới
6 bữa liên hoan, bữa nào cũng sang hơn Tết ở nhà, có bữa có hàng 10 món tiếp
theo kiểu Âu, ăn hết món nọ mới đưa món kia, có cả rượu bia + nước đá (khí hậu ở
đây nóng bức chứ không rét nên dùng nước đá vẫn tốt). Các món ăn trong ngày Tết
cũng như ngoài Bắc chỉ thiếu món giò chả (vì ở đây nóng làm sẽ ôi) thiếu dưa
hành còn bánh chưng thì ăn rủng rỉnh đến hôm nay mới hết.
- Đêm giao thừa cùng thức đến 2 giờ
sáng, hướng về MB nghe tiếng pháo nổ, nghe lời chúc Tết của Bác Hồ, Bác Tôn.
Tóm tắt trong không khí vui chung nên
cũng giảm được phần nhớ tới Tết ở gia đình, hơn nữa ở đây đã có người ăn Tết thứ
12 xa gia đình nên trường hợp của mình lại là rất thiểu số.
Về tình hình sức khỏe của anh vẫn khá,
dịp Tết có thể lên thêm cân vì được bồi dưỡng nhiều chất nhưng thỉnh thoảng
cũng bị sốt ở dạng nhẹ hai ba ngày là khỏi và ít khi phải nghỉ công tác.
So với anh em khác khi mới vào như thế
là khá vì thông thường năm đầu chưa quen khí hậu thường bị ốm nhiều.
Thư này về đến nhà thì anh cũng sắp
hoàn thành nhiệm vụ nên cũng không mong gì thư trả lời nhưng cũng có thể do mùa
mưa khó đi lại thì thời gian đi ra có thể phải chờ tới đầu mùa khô mới thuận lợi.
Dù sao thì sang năm cũng có dịp đón Xuân ở gia đình như mấy năm trước.
Chúc cả nhà mạnh khỏe, các con đạt kết
quả tốt trong kỳ thi cuối năm và chuẩn bị học hè tốt. Hè năm nay Minh phải kèm
riết cho Quang và Nguyệt ngay từ đầu mới được.
Gửi lời thăm họ hàng, bạn bè, hàng
xóm.
Mồng 5 Tết Nhâm Tý
Thân yêu
Thư số 13
(Viết ở
Phòng Thông tin B2)
Em thân yêu
Lại có dịp gửi thư ra nên anh lại
tranh thủ viết đề phòng thư nọ thất lạc đã có thư kia, hơn nữa hậu phương nhận
được thư của tiền phương nhiều chắc càng phấn khởi và lúc dỗi dãi càng có thêm
nhiều thơ để… đọc lại cho đỡ nhớ…
Đáng lẽ thư viết sau bức thư kể chuyện
ăn Tết ở trong này (thư kia gửi cùng một lúc với hai thư viết cũ kèm theo một
thư của đ/c Viên gửi vợ con ở nhà 1, nếu Nga nhận được thư đó sẽ có 3 thư một
lúc).
Anh vẫn khỏe, sắp đi công tác ra tiền
phương nên sau thư này chắc sẽ ít có dịp gửi thư tiếp mà đợi lúc ra sẽ điện báo
cáo về cơ quan, ở nhà sẽ biết được ngày anh lên đường về cộng thêm khoảng 3
tháng là biết ngày được tổ chức liên hoan.
Kể ra thì thỉnh thoảng cũng bị một cơn
sốt nóng (thực chất là sốt nhẹ) nhưng do sức đề kháng tốt nên uống ít viên
Sulfate quinine là khỏi, vẫn ăn và làm việc được, gan và lách vẫn bình thường.
Do sinh hoạt ở đây khá lại có liên hoan
luôn nên không sút cân mấy so với hồi ở nhà (không có cân nên không biết chính
xác nhưng sờ lườn và da bụng cũng biết là không sút mấy, quần số một vẫn hơi chật
chứ không như các đ/c quân nhu dự kiến là gầy đi mặc sẽ vừa!
Anh Tường và cậu Lôi đi cùng vẫn khỏe,
lại ít sốt hơn mình.
Nhân dịp khi thư này đến nơi có thể
Nguyệt và Quang đã bước vào thi cuối năm, Bố chúc cả hai chị em đạt kết quả tốt,
Quang thi hết cấp xong lại đỗ vào lớp 8, còn Nguyệt Bố không rõ đã học lớp 8 để tháng 9/72 lên lớp
9 chưa? Nếu chưa thì năm nay cũng phải cố mà thi được vào lớp 8. Còn hai anh
Bình - Minh chắc không lo về kết quả học tập rồi.
Vì các chú đi ra đi bộ xa xôi không tiện
gửi quà gì nặng nên Bố tạm gửi một cây bút bi ruột đỏ để Mẹ xem đứa nào năm qua
tiến bộ thì làm phần thưởng trước còn sau Bố ra sẽ mua quà sau.
Chúc cả nhà mạnh khỏe, gửi lời về thăm
Bà, chị Doan, cô Mỹ, chú Thìn và họ hàng thân thuộc.
Thân yêu
23/2/72
- Bút chì bi thân màu xanh nước biển, đầu bấm
mầu xám, ruột mầu đỏ, ở nhà dùng xong thì bơm mực, lúc về sẽ có thêm ruột dự bị
vì gửi đi nhiều không tiện.
- Ấn vào núm ở đầu bi sẽ thòi ra hoặc
thụt vào. Khi muốn thào ruột bi, vặn thân bút ở đoạn giữa tiếp giáp với phần mạ
kền (vặn ngược chiều kim đồng hồ).
Thư này gia đình nhận lúc 19 giờ ngày 19 tháng 6 năm
1972.
Thư thứ 14 (Thư cuối )
(Viết trước
khi đi dự chiến dịch Nguyễn Huệ)
Em thân yêu
Lại có anh em sắp ra Miền Bắc nên anh
lại tranh thủ viết tuy tuần trước mới gửi ra một thư.
Đây là thư thứ 14 rồi không hiểu ở nhà
đã nhận được bao nhiêu.
Cách đây hai tuần anh có gửi đ/c Trần
Đức em anh Trần Việt Thắng ở phòng Chính trị (chỗ anh Thiết) một thư và một bút
chì bi về làm phần thưởng học tập cho Quang hoặc Nguyệt không biết ở nhà nhận
được chưa?
Từ Tết đến giờ sức khỏe anh vẫn khá,
không bị sốt. Qua dịp tết ăn nhiều “protit” nên có lẽ đã lên cân sấp sỉ bằng hồi
ở Miền Bắc (anh Tường còn béo hơn hồi ở Miền Bắc). Sắp tới sẽ có dịp đi công
tác ra khỏi vùng sốt rét nên có thể không bị sốt nữa.
Vì là khách nên được các đ/c ở đây
quan tâm giúp đỡ nhiều mặt, khi sốt cũng có thuốc tốt hơn, đi các đơn vị thường
được anh em chiêu đãi. Phần lớn cán bộ cũng đều quen cũ nên quan hệ công tác
thuận lợi. Theo tình hình hiện nay thì có thể cuối tháng 8 anh mới xong việc và
nếu không có gì thay đổi thì tháng 9 sẽ trở ra, cuối tháng 11 sẽ đến nhà.
Thôi viết vắn tắt vài tin vì gần đây
đã viết nhiều nên không có tin gì mới, chúc cả nhà khỏe mạnh, công tác, học tập
tiến bộ và gửi lời anh hỏi thăm mọi người quen thân.
Thân
yêu /3/72
13. NHỮNG LẦN GẶP NGUY HIỂM
Trong chiến tranh, anh
em thường nói “Lính thông tin đeo chữ Thọ” Câu nói này chỉ đúng một phần đối
với cán bộ công tác ở cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch và chiến sĩ Vô tuyến
điện báo còn ở phân đội Thông tin cấp Tiểu đoàn, Trung đoàn bộ binh thì số cán
bộ chiến sĩ hy sinh cũng nhiều nhất là chiến sĩ Hữu tuyến và chiến sĩ thông tin
vận động.
Mặt khác trong kháng
chiến chống Mỹ, địch dùng không quân đánh phá nhà ở hậu phương và trục đường
hành quân, vận tải (như ở đường Trường Sơn) nên cán bộ, chiến sĩ Thông tin công
tác ở cấp chiến lược, chiến dịch cũng hy sinh nhiều, điển hình là Trạm A69 ở
Quảng Bình bị địch ném bom một lần có 13 chiến sĩ hy sinh trong đó có 10 chiến
sĩ nữ tuổi từ 16 đến 20 tương tự 10 cô thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba
Đồng Lộc.
Riêng tôi trước năm 1950
công tác ở hậu phương, chưa lần nào gặp nguy hiểm, không kể lần ngồi gác đêm ở
Bãi Gió biết có hổ rình ở bên kia suối cách mình khoảng 50 mét định bắn nhưng
lại thôi. Chỉ từ khi đi dự chiến dịch biên giới cuối năm 1950 và các chiến dịch
tiếp sau trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và khi hành quân dọc Trường Sơn
vào B2 dự chiến dịch Nguyễn Huệ mới có bốn lần gặp nguy hiểm nhưng may mắn chưa
lần nào bị thương:
- Lần thứ nhất khi tôi
hành quân lên Cao Bằng dự chiến dịch biên giới, một lần trú quân gần một đơn vị
vận tải, do thiếu cảnh giác anh em buộc ngựa gần đường bị máy bay địch phát
hiện lao xuống trút bom. May mà tôi vừa kịp nấp vào một hang đá nhỏ thì bom nổ,
mảnh bom và các cục đã rơi rào rào, có cục văng cả vào chân nhưng không sao.
Thật hú vía!
- Lần thứ hai, đầu năm
1951 khi đang cùng đơn vị hành quân đến vị trí tập kết ở Sở chỉ huy chiến dịch
Trần Hưng Đạo (Trung Du) thì bị sốt rét, run lập cập, đầu nhức, chân mỏi, tôi
đành bảo đồng chí đội phó Chỉ huy anh em hành quân tiếp theo kế hoạch, còn tôi
tạm vào nghỉ ở một nhà dân ven đường, giữa phố Đại Từ đợi khi dứt cơn sốt sẽ
đuổi theo đơn vị.
Thấy tôi là bộ đội, bác
chủ nhà cho vào nằm nghỉ tại một giường tre và lấy nước cho tôi uống thuốc ký
ninh.
Tôi nằm được mười phút
thì nghe tiếng máy bay bổ nhào bắn mấy loạt đạn ở phía xa. Bác chủ nhà liền
giục: “Anh bộ đội chạy ra hầm đi, máy bay đang bắn ở đầu phố rồi đấy” Nói xong
Bác chạy ngay ra vườn còn tôi vì đang cơn sốt run cầm cập nên định cứ nằm liều
ở giường không chạy. Độ một phút sau lại nghe tiếng máy bay bổ nhào tiếp, tôi
đành vùng dậychạy ra khỏi nhà nhưng máy bay lại bổ nhào ngay trên đầu tôi vội
nằm luôn xuống rãnh ở trước cửa bếp không kịp chạy ra hầm ở vườn, vừa may nghe
tiếng đạn nổ vào nhà. Sau đó tôi vùng chạy tiếp ra vườn nhẩy xuống một chiếc hố
cá nhân không nắp.
Khi máy bay địch đã bay
xa, tôi trở vào nhà thì thấy chiếc giường tôi vừa nằm trúng 3 viên đạn, mặt
giường gãy nát. Hú vía lần thứ hai!
- Lần thứ ba là khi tôi
đang hành quân trên đường Trường Sơn đi vào Bộ Tư lệnh B2. Khi đang đi từ Trạm
T52 đến Trạm T53 thuộc Binh trạm 35 ở miền Trung thì nghe tiếng máy bay địch
đang ném bom, bắn phá ở khu vực phía trước. Tôi liền bảo anh em cùng đi tạm
dừng tìm gốc cây to ẩn nấp đề phòng địch ném bom tiếp. Không ngờ khi tôi vừa
bước vào sau một gốc cây to thì đau nhói ở mắt cá chân trái, nhìn xuống thấy
một con rắn xanh đang ở tư thế sẵn sàng đớp mình lần nữa. Tôi vội vàng dùng gậy
đập chết con rắn và nhờ đồng chí Tường đi cùng lất dây chun làm garô và mang
xác rắn đi tiếp đến Trạm. Rất may là sau gần nửa giờ chúng tôi đến Trạm vừa bị
oanh tạc, anh em đang dọn các khu vực bị bắn phá. Tôi được y tá chích chỗ bị
rắn cắn, nặn hết các máu độc rồi tiêm và uống thuốc chống nọc rắn. Đồng chí y
tá nói may là bị rắn cắn vào buổi trưa, có thể rắn đã cắn những vật khác bớt
nọc độc, nếu bị cắn vào sáng sớm có thể chết người!
Đêm đó tôi chỉ lo bị sốt
cao phải chuyển lên Bệnh viên, có thể bị tháo khớp không đi tiếp được thì không
hoàn thành nhiệm vụ.
May mà sau đó tôi chỉ
hơi bị sốt, chân bị sưng trong ba ngày, vẫn tiếp tục chống gậy hành quân được,
chỉ nhờ giao liên đeo hộ ba lô. Hú vía lần thứ ba!
- Lần thứ tư là khi đang
dự chiến dịch Nguyễn Huệ ở B2: Một lần tôi cùng một số cán bộ ở Sở chỉ huy
chiến dịch xuống nắm tình hình một Trung đoàn đang bao vây địch ở thị xã Bình
Long, chúng tôi đang hành quân thì gặp máy bay địch đang hoạt động ở phía
trước, một máy bay trinh sát OV10 đang lượn và ném một loạt lựu đạn khói màu
vàng. Anh Ba Động ở chiến trường đã lâu, nắm vững quy luật tùy theo màu khói để
xác định khu vực máy bay chiến đấu sắp bay đến sẽ ném bom trúng nơi có khói
hoặc bên phải, bên trái hay phía trước, phía sau khu vực có khói chỉ điểm liền
báo chúng tôi nhanh chóng sơ tán ra hai bên đường tìm chỗ ẩn nấp hoặc nằm sát
mặt đất. Lát sau máy bay chiến đấu địch đến ném bom bắn phá khu vực cách chúng
tôi hơn 100 mét, không ai bị thương vong chỉ có mảnh bom bay qua đầu phạt gẫy
cành và lá cây rơi vào nơi ẩn nấp.
Đúng là ở chiến trường
phải nắm vững quy luật hoạt động của địch sẽ tránh được nguy hiểm, ngoại trừ
nếu gặp B52 ném bom rải thảm mà không kịp ở trong hầm thì khó tránh khỏi thương
vong(1)
14- KỶ NIỆM THỜI KỲ VÀO B2
Đầu tháng 8 năm 1971, sau khi
tổng kết kinh nghiệm tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc trong chiến dịch Đường
9 - Nam Lào, tôi được Bộ Tư lệnh thông tin cử vào chiến trường B2 để phổ biến
kinh nghiệm về tổ chức và sử dụng phương tiện thông tin trong các chiến dịch
quy mô lớn và các trận đánh hiệp đồng quân binh chủng.
Cùng đi với tôi có đồng chí Phạm Mạnh
Tường – cán bộTrung đoàn 205 thông tin, một cán bộ trưởng thành từ báo vụ viên
nên có kinh nghiệm về tổ chức khai thác phương tiện vô tuyến điện. Chúng tôi
đem theo gần 20kg tài liệu để phổ biến cho các đơn vị nên được Bộ Tư lệnh cử một
chiến sĩ (anh Lôi) mang tài liệu vì ba lô đựng tư trang, thuốc men, lương thực
dự trữ của từng người đã nặng hơn 20kg, chưa kể còn đeo bao gạo 3 - 5kg ở thắt
lưng...
Từ Hà Nội, chúng tôi được xe quân bưu
đưa vào Quảng Bình, đến trạm giao liên “cửa rừng” để vượt Trường Sơn bằng đường
bộ tuy vất vả nhưng an toàn hơn đi đường giao liên cơ giới.
Với quyết tâm phải đến B2 trước khi ta
mở đợt tiến công chiến lược Xuân 1972 để kịp mở lớp tập huấn cho cán bộ thông
tin B2 nên mỗi ngày chúng tôi cố đi một chặng khoảng 25 km đường đèo dốc, có
lúc còn “vượt chặng” nếu đường đi ít dốc cao và trời còn sớm.
Sau khi vượt qua đường 9 bắt đấu gặp
khó khăn về lương thực vì các kho dự trữ bị sử dụng gần hết trong chiến dịch đường
9 Nam - Lào nên mỗi ngày chỉ được cấp 300g gạo, phải kiếm măng và rau rừng luộc
ăn cho đầy dạ dầy! Vì ăn uống thiếu thốn nên sức khỏe của mấy anh em đều giảm
sút, tôi lại bị rắn độc cắn vào mắt cá, may mà kịp thời làm ga-rô và đến Trạm
được tiêm và uống thuốc giải độc nên tiếp tục hành quân tuy chân sưng tấy. Khi
đến đoạn đường rẽ vào B3 (Tây Nguyên) Chúng tôi lần lượt bị sốt rét, đầu tiên
là cậu Lôi nên chúng tôi phải chia nhau đeo thêm tài liệu. Sau cậu Lôi, đến lượt
tôi cũng bị sốt rét phải vừa hành quân vừa nghỉ sau một vài chặng để chờ tôi (2) .
Vì sốt ruột, sợ mất liên lạc với nhau,
không vào B2 đúng kế hoạch nên sau hơn một tuần điều trị ở Trạm xá tôi xin đi
tiếp tuy vẫn còn sốt. Khi gần đến ngã ba 3 biên giới, chúng tôi gặp lại nhau và
sau khi qua Kratiê (Campuchia) chúng tôi được cấp xe đạp đi cho đỡ mệt. Một hôm
vì đang sốt hoa mắt và tay lái không vững nên khi lao dốc không kịp phanh, tôi
bị ngã xây xát cả người. Cuối cùng, sau 100 ngày vượt Trường Sơn bằng đường bộ,
chúng tôi cũng đến đích vào cuối tháng 11- 1971, kịp thời tổ chức lớp tập huấn
cho cán bộ thông tin từ cấp đại đội trưởng trở lên trước khi mở chiến dịch Nguyễn
Huệ.
Trong đợt tập huấn, ngoài việc phổ biến
kinh nghiệm tổ chức và bảo đảm thông tin trong các chiến dịch và trận đánh ở
chiến trường Khe Sanh và Lào, chúng tôi còn huấn luyện hai nội dung kỹ thuật để
anh em áp dụng trong chiến dịch sắp tới.
Một là sử dụng loại ăngten và tổ chức
trạm trung gian chuyển tiếp để có thể sử dụng máy PRC25 tổ chức mạng sóng cực
ngắn từ sở chỉ huy chiến dịch đến các sự đoàn và vượt cấp đến trung đòan (trước
đợt tập huấn các đơn vị chỉ dùng PRC25 để liên lạc trong phạm vi chiến thuật từ
sư đoàn đến trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội vì chỉ dùng ăngten cần).
Hai là tổ chức đường trục Hữu tuyến của
chiến dịch bằng dây bọc và loại tải ba một đường TCT-1, TCT-2. Trước đợt tập huấn
ở B2 chỉ dùng máy tăng âm 2 chiều do kỹ sư Trung (một cán bộ từ nhà máy M1 cử
vào) thiết kế tận dụng linh kiện từ các máy PRC25 nhưng cự ly liên lạc còn hạn
chế. Phòng Thông tin đã nhận được nhiều máy TCT nhưng vì không có bản hướng dẫn
sử dụng bằng Tiếng Việt nên máy vẫn xếp trong kho chưa dùng được.
May mà tôi biết tiếng Pháp và đã tổng
kết kinh nghiệm sử dụng loại tải ba này trong chiến dịch 139 ở Lào, bảo đảm
liên lạc ở cự ly gần 200 km qua một số trạm chuyển tiếp nên khi mở chiến dịch
B2 cũng sử dụng có hiệu quả loại máy này bảo đảm liên lạc từ sở chỉ huy cơ bản
B2 đến sở chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ xa hơn 100 km.
Sau lớp tập huấn, tôi cùng đồng chí Lê
Khôi trợ lý VTĐ đưa trung đội sóng cực ngắn ra vùng Mimốt huấn luyện trên thực
địa về cách sử dụng các loại ăngten, cách lợi dụng địa hình địa vật, cách tổ chức
trạm trung gian, cách dùng mật ngữ… Đồng chí Tường thâm nhập các tiểu đoàn trực
thuộc Phòng thông tin giúp đỡ và thu thập kinh nghiệm làm công sự của các đơn vị
trong điều kiện thường xuyên bị B52 rải thảm…
Trước khi mở chiến dịch chúng tôi còn
xuống thăm Trưởng Thông tin B2, trao đổi kinh nghiệm huấn luyện báo vụ, cơ công
sơ cấp.
Bước vào đợt tiến công chiến lược Xuân
1972, sở chỉ huy B2 chuyển từ đất Campuchia về Việt Nam để chỉ đạo, chỉ huy chiến
dịch Nguyễn Huệ và các hoạt động ở địa phương. Tôi được cử làm Phó ban Thông
tin chiến dịch giúp đồng chí Năm Nhượng, còn đồng chí Tường là phái viên xuống
giúp các Tiểu đoàn thông tin.
Trong đợt 1, vì được chuẩn bị chu đáo,
giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ nên Sư đoàn 5 đánh chiếm thị trấn Lộc Ninh
nhanh gọn, tiêu diệt 1 trung đoàn địch. Ta thu được nhiều chiến lợi phẩm thông
tin, đặc biệt thu nguyên vẹn chiếc xe thông tin GRC-122 là xe sóng ngắn đơn
biên có khả năng bảo đảm liên lạc báo - thoại - truyền chữ ở cự ly hàng ngàn
km.
Trong đợt tiến công này, các phương tiện
thông tin đều bảo đảm liên lạc tốt, đặc biệt phân đội HTĐ của chiến dịch đã bảo
đảm triển khai kịp thời đến Sư đòan 5, giữ được bí mật trong điều kiện địch thường
xuyên tung biệt kích nhằm phát hiện lực lượng ta.
Sau chiến thắng Lộc Ninh, Sư đoàn 9 tiến
xuống bao vây Bình Long, cửa ngõ để tiến về Thủ Dầu Một. Vì trời mưa, đường lầy,
việc cơ động pháo bị chậm nên không thể tranh thủ yếu tố bất ngờ tiến công ngay
trong khi địch còn hoang mang. Tuy vậy, khi tiến công Bình Long, lần đầu tiên
ta dùng xe tăng T54 hiệp đồng với bộ binh, pháo binh nên khi thấy xe tăng ta xuất
hiện ở trong trung tâm thị xã, địch hoảng loạn, lẻ tẻ đã xuất hiện cờ trắng và
có hiện tượng địch chuẩn bị rút chạy. Đáng tiếc lúc này Sư đoàn lại ra lệnh
pháo ngừng bắn, cùng lúc địch cho 1 lữ đoàn dù nhảy xuống phía Bắc chi viện và
thả bom chặn đường rút của quân trong thị xã nên chúng lại chống cự quyết liệt,
ta không dứt điểm được và một số xe tăng đã thọc sâu!
Trong đợt tiến công này thông tin chiến
dịch bảo đảm thông suốt cả bằng đường dây bọc có sử dụng tải 3 TCT và mạng sóng
cực ngắn PRC25. Tôi ở trạm trung gian giúp anh em khai thác
(2) nên nhớ hai sự
kiện sau:
Một lần anh em đang canh thì có một
đài địch gọi xen vào hỏi ta hướng dẫn cách ra hàng quân giải phóng. Tôi báo cáo
về sở chỉ huy, được trả lời và điện lại cho đài địch, sau này được biết có một
trung đội địch ra hàng theo cách ta chỉ dẫn… vậy là thông tin cùng lập công diệt
địch.
Một lần khác có đài địch xen vào nhưng
nói bậy và hỏi có tướng Giáp ở đấy không mời ra nói chuyện… tất nhiên chúng tôi
không trả lời.
Qua hai sự kiện trên thấy sự cần thiết
phải dùng mật ngữ vì khi đàm thoại qua mạng sóng cực ngắn PRC25 ta và địch dùng
kiểu máy giống nhau nên tìm mạng của nhau rất dễ để nghe trộm hoặc gây nhiễu.
Sau đợt tiến công thứ nhất không thành
công ta còn tiến công một đợt nữa nhưng cũng không dứt điểm được nên Bộ Chỉ huy
chiến dịch quyết định chuyển hướng, đưa Sư đoàn 5 cơ động về hướng Mỏ Vẹt hoạt động,
để lại 1 trung đoàn bao vây Bình Long, 1 trung đoàn chốt chặn ở ngã ba Tầu Ô,
không cho địch ở Thủ Dầu Một lên cứu viện, giải vây.
Trong thời điểm này, Phòng Thông tin cử
tôi và anh Ba Động thâm nhập trung đoàn bao vây Bình Long và các đơn vị pháo binh,
xe tăng thu thập kinh nghiệm để viết tổng kết. Anh Tưởng làm phái viên đi cùng
Sư đoàn 5…
Sau gần một tháng chiến dịch Xuân 1972
kết thúc ở cả 3 hướng Quảng Trị, Tây Nguyên và Nam Bộ trong lúc ta và Mỹ đàm
phán ở Paris và Mỹ buộc phải chấp nhận rút quân khỏi miền Nam khi sau hơn hai
tháng không giành lại được Thành cổ Quảng Trị.
Phòng Thông tin B2 tổ chức hội nghị tổng
kết chiến dịch Nguyễn Huệ, rút được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, chiến thuật,
biện pháp bảo đảm thông tin liên lạc trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng.
Lúc này có tin ta và Mỹ chuẩn bị ký Hiệp
định Paris, Bộ Tư lệnh thông tin có điện đề nghị B2 cho chúng tôi ra Bắc báo
cáo tình hình để có cơ sở giải quyết các yêu cầu của thông tin B2(3) sau khi quân Mỹ rút khỏi
Việt Nam.
Trên đường ta Bắc, để tranh thủ thời
gian, chúng tôi đề nghị được đi đường giao liên cơ giới nên sau khi đi đường bộ
đến Kratiê, chúng tôi được đi bằng canô trên sông Xêrêpốc - xuất phát từ buổi
chiều, canô chạy suốt đêm để tránh phi cơ địch bắn phá. Tuy đi đêm nhưng khi
nghe tiếng máy bay, canô vẫn phải dạt vào bờ, dưới lùm cây tắt máy và phủ bao tải
ẩm lên máy để địch không phát hiện được tia hồng ngoại tỏa ra từ máy canô.
Sau hai đêm đi đường sông, chúng tôi lại
đi bộ một số trạm rồi được theo các đoàn xe đi ra Quảng Bình. Hành trình theo
đường giao liên cơ giới quả là ác liệt vì nhiều lúc đoàn xe ra gặp đoàn xe vào,
đường mới bị bom đang sửa nên bị ùn tắc hàng giờ trong khi máy bay địch vẫn hoạt
động bắn pháo sáng, thả bom, cây cối ven đường còn cháy dở. Những lúc này đành
phó mặc cho số phận và lấygương các chiến sĩ lái xe, các thanh niên xung phong
đã chiến đấu ngày đêm từ năm này qua năm khác để tự động viên .
Vì kết hợp đi bằng nhiều phương tiện
nên sau 2 tháng chúng tôi đã ra đến Hà Nội rút ngắn được hơn một tháng nếu đi
giao liên bộ.
Chúng tôi đinh ninh là trong khi hành
quân ra Bắc thì Hiệp định Paris được ký kết, không ngờ vừa ra được một ngày,
chưa kịp báo cáo tình hình thì Mỹ dùng B52 đánh phá 12 ngày đêm và chỉ sau trận
“Điện Biên Phủ trên không” này địch mới chịu thua và ký hiệp định, chấp nhận điều
kiện rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam…
Đến nay nhân dịp kỷ niệm 34 năm Giải
phóng miền Nam và 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhớ lại thời gian làm phái
viên được cử vào chiến trường B2 xa xôi nhắc tôi lại nhớ đến các thủ trưởng
phòng Thông tin miền Nam (anh Hai Thăng, anh Tư Đào, anh Năm Nhượng) và các cán
bộ thông tin Miền đã cùng chúng tôi chuẩn bị và phục vụ có kết quả trong chiến
dịch Nguyễn Huệ (anh Tư Diệp, Tư Thỏa, Hai Vinh, Hai LaVi, Ba Động… và nhiều đồng
chí khác), đã giúp chúng tôi thu thập được nhiều kinh nghiệm để biên soạn tài
liệu huấn luyện và đến năm 1975 sau ngày miền Nam giải phóng tôi được cử vào tiếp
quản và tổ chức khai thác hệ thống viễn thông liên kết của Mỹ - ngụy lại được
các đồng chí cộng tác và giúp đỡ nhiều.
Nhớ lại những kỷ niệm không thể nào
quên về thời kỳ biệt phái vào B2, xin chân thành cảm ơn các đồng chí đã cộng
tác và giúp đỡ chúng tôi và xin thắp nén nhang tưởng nhớ các đồng chí ra đi sau
ngày miền Nam giải phóng (anh Hai Thăng, Năm Nhượng, Hai Vinh).
15. HỒI ỨC VỀ NHỮNG
LẦN HỌC TẬP Ở LIÊN XÔ
Trong quá trình công
tác, tôi được Cục cán bộ cử đi học ở Liên Xô ba lần và được tham gia một cuộc
diễn tập ở Viễn Đông. Sau đây là hồi ức về những khóa học đó:
I.
Lần đầu sang Liên Xô
Năm 1963, tôi đang dự
lớp Đại học ban đêm ở Trường Đại học Bách Khoa, đang chuẩn bị làm luận án tốt
nghiệp thì được cơ quan cán bộ thông báo Bộ sắp tổ chức một lớp đi học bổ túc
chỉ huy một năm ở Liên Xô và hỏi xem tôi có muốn dự lớp này không?
Tôi rất phân vân, nửa
muốn đi, nửa muốn tiếp tục hoàn thành khóa học để nhận bằng kỹ sư Vô tuyến
điện, niềm mơ ước của tôi từ khi còn công tác ở Xưởng CRL.
Sau cùng thì mong muốn
được sang Liên Xô, đất nước của Lê Nin của cách mạng Tháng 10 để mở rộng tầm
nhìn đã thắng. Mặt khác tôi cũng nghĩ mình học tập để nâng cao kiến thức là
chính, tuy chưa làm luận án tốt nghiệp để nhận bằng nhưng đã thi đủ các môn,
như vậy đã có trình độ tương đương kỹ sư, nay đi học thêm lớp cán bộ chỉ huy
càng có trình độ toàn diện hơn.
Suy nghĩ như vậy, tôi đã
viết đơn xin nghỉ học ở Đại học Bách Khoa tuy đang làm Trưởng lớp và tập trung
tự học Tiếng Nga bằng hai tập sách của Dương Văn Thành.
Trước khi sang Liên Xô
học, tôi còn được tập trung về Trạm 66 cùng các đồng chí đang học ở trường Văn
hóa quân đội ở Lạng Sơn, đã học ngoại ngữ được vài tháng để học thêm về ngữ
pháp và các từ ngữ thường dùng trong ngành Thông tin.
Giữa tháng 8 lớp chúng
tôi gồm 10 học viên và hai phiên dịch lên đường sang Liên Xô bằng xe lửa qua
Trung Quốc và Mông Cổ để theo học khóa bổ túc Chủ nhiệm Thông tin cấp Sư đoàn
trong 10 tháng ở Trường Thông tin Kalinin tại Kiep - Thủ đô của Ucraina.
Lần đầu tiên được xuất
ngoại, chúng tôi rất phấn khởi, lại đi bằng xe lửa nên được ngắm phong cảnh các
địa phương, các thành phố mà tàu đi qua, ngắm những đồng cỏ mênh mông khi qua
Mông Cổ, những vùng tuyết trắng ở Xibêri, ngắm hồ Baican to nhất thế giới...
Khi qua thủ đô Bắc Kinh
chúng tôi được Đại sứ quán Việt Nam
tổ chức đi thăm cố cung, lần đầu được ăn những quá táo to thơm phúc, ngọt lịm.
Trên đường qua Liên Xô
có hai chuyện đáng nhớ:
1. Khi mới chuyển sang
tàu Liên Xô, một buổi sáng khi chúng tôi đang ngồi trong khoang, một nhân viên
người Nga bán hàng trên tàu mang bánh kẹo đến mời mua. Vì vốn tiếng Nga còn kém nên chúng tôi chỉ trả lời
“Hem” (là không). Người bán hàng quay ngoắt đi và nói “Pơ lô khơ” (nghĩa là
xấu, là tồi). Sau đó anh Khoan phiên dịch tiếng Nga mới hướng dẫn chúng tôi
cách giao tiếp: đáng lẽ khi nhân viên mời, kèm theo chữ “Hem” phải nói “Cnacuõo”
(là cảm ơn), không được trả lời gọn lỏn“Hem” (không).
Thật là “đi một ngày
đàng, học một sàng khôn”.
2. Một câu chuyện nhớ
đời nữa là:
Khi qua ga Iec’cut ở
vùng Xibêri, anh Cao Chánh Phiếm vào trong ga thăm quan không may khi ra thì
tàu bắt đầu chuyển bánh, cửa lên toa đã đóng kín nên bị rớt lại. Thấy thiếu một
học viên, đoàn trưởng báo cáo với Trưởng tầu đề nghị giúp đỡ thì được hướng dẫn
cách giải quyết như sau:
“Khi tầu đến ga sau,
đoàn cử một phiên dịch đem áo rét và quay lại ga đón học viên đi lạc rồi chờ đi
chuyến sau đến Matxcơva.
Sau đó ổng Trưởng tàu
dùng Vô tuyến điện liên lạc với ga Iê’ckut đề nghị đón học viên bị lạc và thu
xếp cho hai hành khách Việt Nam
(học viên + phiên dịch) đi tiếp đến Matxcơva trên chuyến sau.
Thật là một cách giải quyết
chu đáo và đầy tình hữu nghị!
Mọi việc sau đó diễn ra
đúng kế hoạch và chúng tôi được thông báo là hai anh rớt lại sẽ đến Ki-ép sau
đoàn 2 ngày.
Qua sự việc trên chúng
tôi học được khả năng điều hành giải quyết tình huống của ngành đường sắt Liên
Xô và thêm tin yêu con người Xô Viết
Trở lại tình hình học
tập ở trường Thông tin Kalirin:
Sau khi chúng tôi đến
Ki-ép hai ngày, anh Phiếm và đ/c phiên dịch cũng tới đúng như dự đoán. Chúng
tôi là đoàn học viên nước ngoài đầu tiên, lại được ông Rubliốp một chuyên gia
đã công tác ở Việt Nam
giới thiệu trước với ban Giám hiệu nên chúng tôi được Nhà trường quan tâm giúp
đỡ mọi mặt rất chu đáo.
Sau đoàn chúng tôi ít
lâu, Trường còn đón một nhóm ba sĩ quan cấp Trung úy của Xyri đến học. Nhóm này
được Chính phủ nước họ chu cấp tiền ăn tiêu gấp 5-6 lần chúng tôi, nên hưởng
một chế độ ăn ở cao hơn đoàn chúng tôi.
Sợ chúng tôi thắc mắc,
nhà Trường chủ động giải thích: “Liên Xô bán cho Xyri một số thiết bị thông tin
nên Trường nhận đào tạo họ riêng về kỹ thuật, không học toàn diện như các đồng
chí. Họ là bạn hàng, không giống các bạn là “đồng chí”. Tất nhiên chúng tôi
thông cảm và không thắc mắc.
Số sĩ quan Xyri cũng tôn
trọng chúng tôi vì thấy chúng tôi đều ở cấp Thượng úy, Đại úy và Thiếu tá, khi
gặp chúng tôi họ đều giơ tay chào trước.
Ngoài sự tận tình giảng
dạy của giáo viên, cán bộ, các nhân viên nhà ăn, nhà tắm, căng tin cũng đối xử
rất thân mật và dành cho đoàn nhiều điều ưu ái.
Trong thời gian này kinh
tế của Liên Xô còn khó khăn, một số mặt hàng còn khan hiếm, phải dùng tem
phiếu, nhưng khi có những mặt hàng đó căng tin vẫn dành cho chúng tôi mua.
Có một chuyện khiến
chúng tôi nhớ và ân hận mãi:
Một buổi chiều vì mải
chơi bóng, chúng tôi đến nhà tắm thì vừa đến giờ đóng cửa. Bà phụ trách nhà tắm
liền giao chìa khóa cho chúng tôi và dặn “Các đồng chí tắm xong nhớ tắt điện và
khóa cửa, sáng mai trả lại chìa khóa cho tôi.”
Không ngờ khi tắm xong
chúng tôi chỉ khóa cửa, quên tắt đèn! Sáng hôm sau Trường gọi Bà phụ trách nhà
tắm lên khiển trách và phạt tiền vì lãng phí điện! Tất nhiên đoàn chúng tôi
phải lên nhận khuyết điểm, xin lỗi bà và nhận trả tiền phạt.
Lại một bài học đáng nhớ
và thấy rõ cách quản lý của Trường, việc duy trì kỷ luật chặt chẽ.
Ngày nghỉ chúng tôi ra
phố, thăm công viên, các di tích lịch sử, ở đâu cũng được các tầng lớp nhân dân
từ già đến trẻ đối xử rất thân tình khi biết chúng tôi là sĩ quan quân đội Việt
Nam.
Đôi lần tôi đi tàu còn
được các Bà có tuổi hỏi thăm tình hình ở Việt Nam sau chiến tranh, tự tay vén cổ
áo khoác và nói làm thế ấm hơn... (Thời gian đó kinh tế chúng ta còn khó khăn,
chúng tôi đi học chỉ được phát loại áo khoác bằng dạ mỏng, ở Liên Xô chỉ dùng
vào mùa thu và mùa xuân, còn mùa đông phải dùng loại áo dầy hơn).
Ấn tượng về mối quan hệ
thân tình, về phong cách, tính tình nhân hậu của cán bộ, giáo viên, nhân viên
trong Trường cũng như các tầng lớp nhân dân ngoài xã hội đã đọng mãi trong tôi,
không bao giờ phai mờ!
Rất tiếc là trong tình
hình chính trị quốc tế lúc đó, đang có phong trào chống xét lại nên khi chúng
tôi mới học được bảy tháng có chủ trương gọi tất cả học viên ở Liên Xô về nước,
nói là về nghỉ hè một tháng rồi lại sang học tiếp nhưng có lẽ Bạn cũng biết nên
không khí lúc chia tay rất buồn!
Thật là không may đối
với chúng tôi, nhưng dù sao lần đi du học đầu tiên này đối với tôi cũng rất bổ
ích, học được nhiều điều và có ấn tượng tốt đẹp với đất nước, con người Xô
Viết...
II.
Lần thứ hai (học ở Lêningrat)
Năm 1973, sau khi hoàn
thành chuyến công tác từ tháng 8-1971 đến tháng 12-1972 vào B2 (xin xem bài
Nhật ký hành quân dọc Trường Sơn), tôi tiếp tục làm công tác Tổng kết kinh
nghiệm, biên soạn tài liệu đến tháng
8-1974 được cử đi học một khóa 10 tháng tại Học viện Thông tin Cờ đỏ ở
Lêningrat theo chương trình “Sử dụng các phương tiện, trang bị Thông tin cấp
chiến dịch”.
Lớp chúng tôi có 6 học
viên và 2 phiên dịch đã tốt nghiệp lớp sỹ quan sơ cấp ở Ulianốp quê hương của
Lê Nin. Tuy không được phổ biến chính thức, nhưng chúng tôi cũng đoán biết là
theo chủ trương giải phóng Miền Nam trong hai năm, chúng tôi là số cán bộ các quân
binh chủng được đi học bổ túc để phục vụ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh
chủng quy mô lớn dự kiến sẽ diễn ra trong năm thứ hai của cuộc tổng tiến công
chiến lược để dành thắng lợi quyết định.
Diễn biến của Khóa học
10 tháng này tôi đã viết trong bài “Ký ức tháng tư” nên sau đây Tôi chỉ ghi
thêm vài điều:
1. Khác với chương trình
học ở Ki-ép năm 1963-1964, chúng tôi được học các thiết bị Thông tin cấp quân
đoàn, Tập đoàn quân như xe Vô tuyến điện công suất lớn, xe Thông tin tiếp sức
Thông tin đối lưu. Nhà trường còn giới thiệu cả hệ thống Viễn thông liên kết
(ICS) quân Mỹ - Ngụy đang sử dụng ở Miền Nam.
2. Trong khóa học có
nhiều lớp sỹ quan của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa (Đức, Ba Lan, Tiệp
Khắc, Hungari, Cuba...) chúng tôi đều giữ quan hệ thân mật nhưng đặc biệt với
đoàn sỹ quan quân đội Cu Ba hai đoàn quan hệ rất thân tình, thường sang thăm
nhau ở khu ký túc xá, hôm các đồng chí Cu Ba mãn khóa về nước trước chúng tôi
còn tổ chức liên hoan chia tay rất lưu luyến.
3. Ở Lêningrat quê hương
Cách mạng Tháng 10, chúng tôi được thăm quan chiến hạm Rạng Đông, chiến hạm đã
nổ súng vào Cung điện mùa đông, mở đầu cho cuộc đánh chiếm sào huyệt của Nga
hoàng.
Chúng tôi cũng được tham
quan bảo tàng Hermitage, một bảo tàng vào loại lớn ở Châu Âu tương tự bảo tàng
Louvre của Pháp ở Pa-ri, được thăm Cung điện mùa hè tuyệt đẹp. Trong chiến
tranh Cung điện này đã bị quân Đức chiếm đóng khi chúng bao vây Lêningrat chúng
đã lấy đi các báu vật và phá hủy nhiều ngôi nhà. Sau chiến tranh Chính phủ Liên
Xô đã thu lại được một số hiện vật, đã phục chế Cung điện hoàn toàn như cũ,
dùng hàng 100 tấn vàng để phục chế các tòa nhà và nội thất.
Chúng tôi còn được thăm
bảo tàngThông tin, Công binh, Pháo binh và các di tích lịch sử như lán của Lãnh
tụ Lê Nin. Khi ở Phần Lan trở về Nga để lãnh đạo cách mạng, chiếc thuyền nơi Lê
Nin chia tay với Stalin sau khi Stalin đến nhận chỉ thị...
Về văn hóa, nghệ thuật
nhà trường cũng tổ chức cho học viên dự các buổi hòa nhạc, khiêu vũ trên
băng...
Trong dịp nghỉ hè, Học
viện còn tổ chức đi nghỉ ở Matxcơva thăm tháp truyền hình, bảo tàng của Hồng
Quân Xô Viết, khu triển lãm các thành tựu kinh tế quốc dân của 16 nước Cộng hòa
trong Liên Bang, mỗi nước có một khu riêng.
Như vậy ngoài học tập
nội dung các môn ở Học viện, hoạt động ngoại khóa đã giúp chúng tôi mở rộng
kiến thức rất nhiều và thêm yêu mến đất nước, con người Xô Viết.
Tháng 6-1975 khóa học
kết thúc, chúng tôi về nước được tham gia ngay việc tiếp quản hệ thống viễn
thông liên kết (ICS). Những kiến thức mới được học ở Liên Xô giúp chúng tôi
không bỡ ngỡ, đủ trình độ để quản lý sử dụng số nhân viên kỹ thuật của quân
Ngụy được Binh chủng bảo lãnh để tiếp tục phục vụ khai thác hệ thống Viễn thông
bảo đảm Thông tin liên lạc ở Miền Nam mới được giải phóng.
III.
Lần thứ ba sang học bổ túc
Năm 1987 khi tôi đã giữ
chức vụ Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Binh chủng lại được sang Học viện Thông tin
Lêningrat dự một lớp 5 tháng theo chương trình bổ túc sỹ quan thông tin cấp
chiến dịch, chiến thuật. Lớp gồm 6 học viên và 2 phiên dịch về thiết bị thông
tin chúng tôi được học thêm loại VTĐTS 24 kênh (viba), được học loại “máy mã”
tự động mã hóa tín hiệu rõ và ngược lại giải mã từ tín hiệu đã mã hóa thành tín
hiệu rõ để chống kẻ địch nghe trộm.
Biết chúng tôi là cán bộ
đã công tác lâu năm, đã được học năm 1974-1975 ở Học Viện nên ngoài việc giảng
bài, các giáo viên còn trao đổi kinh nghiệm với chúng tôi.
Tôi còn nhớ một lần,
trong giờ Tự tu tôi được mời đến khoa Vô tuyến điện tiếp sức để trình bày với
giáo viên toàn khoa về kinh nghiệm sử dụng loại máy P401-M vốn trang bị để bảo
đảm liên lạc ở cấp chiến thuật - chiến dịch (với cự ly 40 đến 150km khi dùng
hai Trạm giữa) lại bảo đảm được liên lạc từ Hà Nội đến Sài Gòn và kinh nghiệm
để chống nhiều B52, ngoài ra còn hỏi thêm về thiết bị của hệ thống viễn thông
liên kết...
Giống như khóa học năm
1974, Nhà Trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa rất bổ ích.
Tuy chương trình học
ngắn hạn nhưng Học viện vẫn tổ chức thi tốt nghiệp rất nghiêm túc. Trước ngày
thi gần một tháng, các khoa giáo viên đưa 60 câu hỏi để ôn, trước một tuần rút
lại còn 30 câu để ôn có trọng điểm. Vì thời gian ôn ngắn, chúng tôi dùng biện
pháp mỗi người ôn kỹ 5 câu (vì lớp có 6 học viên) sau đó trong giờ Tự tu từng
người lần lượt trình bày đáp án để anh em bổ sung (đồng thời cũng để ôn, giải
đáp câu hỏi) theo cách học này mọi người đều ôn được toàn diện.
Đến ngày thi vấn đáp,
mỗi học viên được rút phiếu thi gồm 3 câu hỏi và chuẩn bị trong 20 phút trước
khi trả lời Ban giám khảo gồm ba người (2 giáo viên của Học viện, 1 cán bộ của
Cục Thông tin từ Matxcơva xuống).
Đoàn Việt Nam được chỉ
định vào thi đầu tiên. Nhờ chuẩn bị chu đáo nên bốn người đạt điểm 5 (giỏi),
hai người đạt điểm 4 (khá). Sau khi các đoàn thi xong, đoàn Việt Nam được biểu
dương vì là lớp học viên đầu tiên tốt nghiệp 100% loại khá, giỏi.
Chúng tôi về nước và
nghĩ rằng đây là lần cuối được sang học tập ở Liên Xô. Tiếp sau lớp chúng tôi,
Bạn còn nhận thêm một lớp và là lớp cuối cùng.
IV. Lần thứ 4 sang dự diễn tập
Tháng 9 năm 1989, Liên
Xô mời một đoàn cán bộ cao cấp của Quân đội Việt Nam sang dự cuộc diễn tập phòng thủ
bờ biển, có thực binh, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng ở Viễn Đông.
Đoàn do Tổng Tham mưu
trưởng Đại tướng Đoàn Khuê làm Trưởng đoàn gồm dại diện các quân binh chung,
các Tổng Cục, các Cục quan trọng trong Bộ Tổng Tham mưu, Học viện quân sự cấp
cao, các đoàn viên hầu hết là cấp Tướng. Về binh chủng có ba Tư lệnh các binh
chủng Thông tin, Công binh, Pháo binh.
Tôi lúc đó đã thay đ/c
Hoàng Niệm và nhận quân hàm Thiếu tướng từ năm 1988 nên được tham gia đoàn.
Đoàn được Liên Xô đưa
máy bay sang đón ở Sân bay Cam Ranh, bay thẳng sang Viễn Đông. Khi qua không
phận của Nhật Bản chúng tôi thấy hai máy bay chiến đấu của Nhật bay lên kèm hai
bên máy bay Liên Xô, đến hết không phận mới nghiêng cánh chào.
Khi gần đến Sân bay ở
Viễn Đông, tuy sương mù dày đặc nhưng nhờ thiết bị dẫn đường hiện đại và phi
công có kinh nghiệm nên vẫn hạ cánh an toàn.
Trước ngày thăm quan
diễn tập, chúng tôi được thăm một căn cứ không quân, xem máy bay trình diễn,
thăm một căn cứ hải quân, lên một chiến hạm và lần đầu được thấy loại tàu chạy
bằng đệm không khí hoạt động.
Đến ngày dự diễn tập,
ngoài việc nghe bạn báo cáo trên sa bàn, xem các loại chướng ngại vật chống
quân đổ bộ chúng tôi theo rõi các lực lượng hoạt động theo phương án rất nhịp
nhàng. Sau khi xem diễn tập thực binh Bạn mời tham quan Sở chỉ huy cơ động trên
các loại xe chuyên dụng. Đặc biệt khi đến xe liên lạc qua vệ tinh về Bộ Tổng
tham mưu, Bạn chỉ mời đoàn trưởng (đ/c Đoàn Khuê) và tôi là Tư lệnh Thông tin
lên xe thăm quan các thiết bị.
Kết thúc cuộc diễn tập
Bạn tổ chức đi thăm thành phố, tự đi mua sắm rồi về dự chiêu đãi, mỗi đoàn viên
được tặng một đồng hồ đeo tay Pa-li-ốt . Hôm sau đoàn được Bạn dùng máy bay đưa
về Cam Ranh, khi qua không phận Nhật Bản vẫn có hai máy bay chiến đấu lên giám
sát như lúc đi.
V. Lần thứ 5
Sau khi nghỉ hưu, năm
2010 tôi còn may mắn được cháu con bà chị ruột mời sang chơi một tháng, được
thăm Saint Pêtecbua (Lêningrat cũ) một tuần, nhớ lại những kỷ niệm hai lần được
dự lớp học ở thành phố này.
Đặc biệt ở Matxcơva tôi
được thăm nhiều nơi trước chưa có dịp đến (vì chỉ được Học Viện đưa lên một
tuần) như “nhà tròn” thể hiện toàn cảnh trận Bôrôdinô do Nguyên Soái Xurôrốp
chỉ huy, thăm lại Bảo tàng Trung ương của Hồng quân được mở rộng, có nhiều hiện
vật hơn trước.
Đặc biệt dưới thời Tổng
thống Putin (khóa trước) đã xây thêm Nhà Bảo tàng về chiến tranh vệ quốc vĩ đại
chiến thắng phát xít Đức (1941-1945), một ngôi nhà đồ sộ 5 tầng, nếu xem kỹ
phải mất vài ngày. Phía trước tòa nhà có một quảng trường rộng để nhân dân đến
vui chơi ngày nghỉ, ngày lễ hội rộng hơn khu vực Quảng trường đỏ trước lăng Lê
Nin.
Vợ chồng tôi cũng vào
viếng lăng Lê Nin (vì đây là lần đầu Vợ tôi được sang thăm Nga). Quang cảnh ở
Quảng trường đỏ vẫn như xưa, Lăng lãnh tụ Lê Nin vẫn được bảo vệ cẩn mật, vẫn
có hai vệ binh đứng nghiêm ở cửa thi hài của Người vẫn như xưa, song tôi có cảm
giác là gầy hơn một chút.
Sau những xáo trộn thời
kỳ xảy ra năm 1991, Liên Xô tan rã và Tổng thống Enxin cầm quyền, trước khi
sang Nga tôi cũng hy vọng dưới hai nhiệm kỳ trước của Tổng thống Putin, nước
Nga đã được hồi phục.
Đúng như tôi dự đoán,
tình hình mọi mặt đã được ổn định, nhiều công trình mới được xây dựng, người
dân Nga vẫn nhân hậu, vẫn giữ nếp sống như xưa, ngồi trên tàu điện ngẫm và lên
xuống thang máy vẫn có những người cầm sách báo tranh thủ đọc, thái độ đối với
người nước ngoài vẫn thân thiện...
Tất nhiên ở đâu đó thỉnh
thoảng có xảy ra sự việc tiêu cực nhưng trong một tháng tôi thăm lại Nga rất
may không được chứng kiến sự kiện đáng tiếc nào, chỉ gặp cảnh ùn tắc xe ô tô
(không phải là ùn tắc xe máy).
Qua cuộc đi thăm Nga một
tháng, cảm tình và lòng tin của tôi đối với nước Nga không hề suy giảm và tôi
tin rằng Tổng thông Putin tiếp tục đưa nước Nga phát triển tuy rằng tình hình
hiện nay có phức tạp hơn!
16. KÝ ỨC THÁNG
TƯ (1975)
Tháng 9 năm 1974, chuẩn bị chiến lược
giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, Bộ Quốc phòng cử một số cán bộ các
quân, binh chủng sang Liên Xô dự khóa ngắn hạn trong 10 tháng để bổ sung vào đội
ngũ cán bộ thực hiện kế hoạch năm thứ hai, dự kiến sẽ diễn ra các trận đánh hiệp
đồng quân, binh chủng quy mô lớn hơn năm thứ nhất.
Binh chủng Thông tin được cử một đoàn
sang học tại Học viện Thông tin Cờ Đỏ tại Lê-nin-grát (nay là Sanh Pê-téc-bua).
Đoàn gồm sáu cán bộ và hai phiên dịch
do đồng chí Đào Phố làm trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Diệp làm Bí thư Chi bộ.
Tuy chưa phổ biến kế hoạch chiến lược
hai năm, nhưng anh em đều nhận thức được ý nghĩa quan trọng của khóa học và xác
định quyết tâm khắc phục khó khăn vì phải học qua phiên dịch, phấn đấu đạt được
kết quả cao để góp phần xây dựng Binh chủng ngày càng hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ
chín trị “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…
Những ngày mới đến Học viện, chúng tôi
rất phấn khởi vì cán bộ, giáo viên và học viên các nước xã hội chủ nghĩa trong
khoa ngoại quốc đều chúc mừng và tỏ lòng khâm phục nhân dân Việt Nam đã giành
nhiều thắng lợi, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri tháng 1 năm 1973 và rút quân về
nước.
Có một chuyện hết sức cảm động làm tôi
nhớ mãi: Một buổi sáng trên đường từ ký túc xá đến học viện, chúng tôi gặp một
bà trạc 50 tuổi hỏi bằng tiếng Nga “Các anh là sĩ quan nước nào?” Khi biết
chúng tôi là cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà mừng rỡ nắm chặt tay chúng
tôi và nói: “Tốt lắm, các anh giỏi lắm, giỏi lắm, đã chiến thắng đế quốc Mỹ…”.
Phấn khởi, tự hào trước tình cảm bạn
bè và nhân dân Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân
ta, chúng tôi càng tích cực học tập, ngoài thời gian học ở lớp, chúng tôi còn tự
học thêm để nắm chắc nội dung đã học…
Chúng tôi duy trì được tinh thần tập
trung học tập như trên từ tháng 9 năm 1974 đến giữa tháng 3 năm 1975, còn từ
sau chiến thắng Buôn Ma Thuột và tiếp sau là các chiến dịch giải phóng Huế, giải
phóng Đà Nẵng chỉ duy trì được các tiết học ở lớp, còn buổi tối thì phân công
nghe các đài của Liên Xô, của phương Tây và Đài tiếng nói Việt nam để sớm biết
tin tức về diễn biến chiến sự. Riêng Đài tiếng nói Việt Nam vì công suất
phát không lớn, lại ở xa nên chỉ nghe được từ sau 22 giờ.
Đầu tháng tư, tôi đã dành tiền mua được
một máy thu cấp I, có thiết bị ghi âm nên chất lượng thu có khá hơn nhưng khi
thời tiết xấu nghe cũng rất nhỏ, phải nín thở, dán tai vào loa, vừa nghe, vừa
đoán…
Tâm trạng chúng tôi trong thời kỳ đó vừa
phấn khởi vừa tiếc là không được trực tiếp tham dự vào chiến cuộc, nhất là sau
khi Đà Nẵng được giải phóng, chúng tôi đều dự toán là quân ta sẽ giành toàn thắng
trong năm 1975, chúng tôi không hy vọng được trực tiếp góp phần vào chiến thắng!
Cán bộ, giáo viên, học viên khoa ngoại quốc đều rất quan tâm đến diễn biến chiến
sự ở Việt Nam,
thường xuyên hỏi tình hình và chúc mừng chúng tôi khi giảng bài. Đặc biệt sau
chiến dịch giải phóng Đà Nẵng đồng chí Thiếu tướng - Trưởng khoa ngoại quốc yêu
cầu chúng tôi chuẩn bị giới thiệu tóm tắt cuộc tiến công chiến lược của Quân đội
nhân dân Việt Nam trong buổi họp toàn khoa vào đầu tháng tư, kỷ niệm ngày truyền
thống của Quân đội Hung-ga-ri. Chúng tôi vẽ một bản đồ Đông Dương thể hiện diễn
biến chiến sự từ trận Buôn Ma Thuột đến chiến dịch Đà Nẵng.
Đến ngày kỷ niệm, sau phần nghi lễ ngắn
gọn chúc mừng quân đội Hung-ga-ri, Thiếu tướng - trưởng khoa giới thiệu đồng
chí Đào Phố - Trưởng đoàn học viên Việt Nam trình bày diễn biến chiến sự ở Việt
Nam trong tháng 3 năm 1975. Đồng chí Phố thuyết minh trực tiếp bằng tiếng Nga,
kết hợp chỉ trên bản đồ được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt và buổi kỷ niệm
ngày thành lập Quân đội Hung-ga-ri trở thành ngày mừng chiến thắng của nhân dân
Việt Nam và mọi người đều chúc nhân dân Việt Nam sớm giành được thắng lợi cuối
cùng…
Chỉ
sau gần một tháng, lời chúc của bạn bè đã trở thành hiện thực. Trong buổi
học sáng ngày 30 tháng 4, chúng tôi được giáo viên báo tin “Sài Gòn đã được giải
phóng” (vì lúc này ở Việt Nam đã là buổi chiều), nên chiều hôm đó chung tôi bỏ
cả giờ ôn tập để theo dõi tin túc qua đài phát thanh các nước. Tối mùng 1 tháng
5, tôi đã ghi âm được toàn văn bản thông báo tin “Chiến dịch Hồ Chí Minh đã
toàn thắng - Sài Gòn đã được giải phóng”
Trong buổi học sáng ngày 2 tháng 5 năm
1975, Thiếu tướng - trưởng khoa ngoại quốc đích thân đến lớp chúng tôi chúc mừng
thắng lợi của nhân dân Việt Nam
(vì ngày 1 tháng 5 là ngày Quốc tế lao động các lớp được nghỉ).
Trong tháng năm, tuy rất nóng lòng về
nước tham gia công tác, nhưng chúng tôi đều xác định phải tập trung giúp đỡ
nhau ôn tập để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Nhờ áp dụng phương pháp
ôn tập tập thể, kết hợp với sự nỗ lực của từng người nên trong kỳ thi tốt nghiệp
hai phần ba đạt loại giỏi, một phần ba đạt loại khá. Sau kỳ thi, lớp Việt Nam
được biểu dương là lớp đạt kết quả cao nhất, lớp đầu tiên 100% học viên đạt khá
giỏi, không có người đạt điểm trung bình.
Sau khi về nước, chúng tôi được tham
gia tiếp quản hệ thống viễn thông liên kết ICS do Mỹ xây dựng và bàn giao cho
quân ngụy. Nhờ những kiến thức về thông tin nhiều kênh, thông tin đối lưu được
học ở Liên Xô nên chúng tôi không bỡ ngỡ, nhanh chóng nắm được việc quản lý và
điều hành hệ thống thông tin ICS ở miền Nam, lúc đó được đánh giá là hiện nhất ở
Đông Nam Á. Tôi và đồng chí Lương Sĩ Pháp được bổ nhiệm làm Giám đốc và Phó
Giám đốc trung tâm điều hành hệ thống thông tin mới tiếp quản, tận dụng các thiết
bị AN-TRC24 để tổ chức đường trục Bắc - Nam, bảo đảm cho Bộ lãnh đạo, chỉ đạo
các quân khu, các tỉnh và đơn vị ở miền Nam sớm ổn định tình hình trật tự, an
ninh và xây dựng chính quyền ở vùng mới giải phóng.
Đến nay, sau 30 năm, nhớ lại những kỷ
niệm cũ, tuy vẫn có phần tiếc nuối là không được trực tiếp tham gia chiến cuộc
xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như đã vinh dự được tham gia chiến
dịch Điện Biên trong kháng chiến chống thực Pháp, nhưng tôi càng nhận rõ chủ
trương của Bộ cử cán bộ đi học thời kỳ đó là rất sáng suốt để sẵn sang đáp ứng
yêu cầu tác chiến trong tình huống phải kéo dài chiến tranh, đồng thời cũng rất
cần thiết để cán bộ các quân, binh chủng đủ năng lực tham gia việc tiếp quản,
việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại thu được của địch trong tình huống chiến
tranh kết thúc sớm như thực tế diễn ra.
17- HỒI ỨC VỀ NHỮNG LẦN GẶP ĐẠI TƯỚNG
I- Lần đầu gặp Đại
tướng và phu nhân
Thu Đông năm 1948, đề
phòng địch có thể tấn công căn cứ địa Việt bắc lần thứ hai, Bộ tổ chức Sở Chỉ
huy nhẹ ở một khu vực gần chân phía Bắc núi Tam Đảo.
Thời gian này tôi được
Xưởng CRL cử đi làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho bộ phận thông tin ở Sở Chỉ
huy.
Một hôm tôi được một
chiến sĩ cảnh vệ dẫn đến lán của Đại Tướng để sửa chữa máy thu thanh phục vụ
việc theo dõi tin tức qua Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Quốc tế.
Biết tôi là cơ công đến
sửa máy Đại tướng nói:
“Máy này Tôi dùng để
nghe tin đã lâu, chưa bị hỏng lần nào nhưng từ hôm qua bật máy chỉ thấy tiếng
rào rào, không thu được đài nào, em kiểm tra và sửa ngay nhé vì Bác rất cần
theo dõi tin trong nước và Quốc tế. Lúc mới đến tôi rất lo không rõ mình có đủ
khả năng chữa được máy của Đại tướng không nhưng sau khi gặp ông, trước thái độ
ân cần và giọng nói ấm áp, cách xưng hô thân mật của Đại tướng tôi đỡ lo và báo
cáo: “cháu sẽ cố gắng tìm nguyên nhân hỏng hóc và sửa nếu có linh kiện thay
thế”.
Máy thu của Đại tướng là
máy thu thanh dân sự dùng pin làm nguồn điện, tôi mới thấy lần đầu, khác hẳn
các máy dùng trong quân đội. Tôi tháo máy ra khỏi hộp, dùng đồng hồ đo kiểm tra
không thấy linh kiện nào bị hư hỏng, dây nối không bị chập. Tôi lắp pin và mở
máy, đúng là chỉ thấy tiếng rào. Tôi tiếp tục đo mức điện áp vào từng đèn và
xác định bộ phận khuyếch đại âm tần vẫn tốt nhưng nói chung điện áp hơi thấp.
Tôi đã bắt đầu lo và hỏi đồng chí Cảnh vệ xem có bộ pin nào mới để Tôi thử vì
nghi là do điện áp thấp nên tầng dao động để biến đổi tín hiệu cao tuần thu
được thành tín hiệu trung tần không hoạt động do đó chỉ thấy tiếng rào âm tần.
Không may là không còn
pin dự bị, cơ quan đang cử người đi Phú Thọ và Thái Nguyên tìm mua pin mới!
Thấy tôi loay hoay mãi
chưa tìm được chỗ hư hỏng, Đại tướng động viên: “Em cứ bình tĩnh và tìm cách
khắc phục vì chưa biết lúc nào mới có pin mới”.
Nghe lời động viên của
Đại tướng, tôi suy nghĩ tìm cách làm cho tầng dao động hoạt động trong điều
kiện điện áp thấp. Liên hệ với lý thuyết và đo lại các linh kiện thuộc tầng dao
động tôi nẩy ra ý kiến thử thay đổi các điện trở có trị số thấp hơn ở mạch lưới
và mạch phiếu của đèn, kết quả là máy hoạt động thu ngay được Đài Tiếng nói
Việt Nam.
Cô Hà - phu nhân Đại
tướng rất mừng khen tôi: “May mà em sửa được máy, nếu không Cô không có phương
tiện gì để theo dõi tổng hợp tin tức hàng ngày”
Thấy tôi đã sửa được
máy, nghe tôi báo cáo nguyên nhân và cách khắc phục, Đại tướng khen tôi đã có
sáng kiến khắc phục sự cố và hỏi quá trình tôi học tập và công tác ở ngành
Thông tin, hiện làm việc ở đơn vị nào?
Tôi báo cáo là học sinh
Trung học nhập ngũ sau Cách mạng tháng 8 được học lớp báo vụ đầu tiên, đã làm
trưởng Đài và tự học về lý thuyết Vô
tuyến điện nên được về công tác ở Xưởng CRL, đã vinh dự được giấy khen của Đại
tướng sau khi địch tấn công Việt Bắc đã được kết nạp là Đảng viên dự bị.
Nghe tôi báo cáo Đại
tướng khen và động viên thêm: “Em là thanh niên còn rất trẻ, có tinh thần tự
học, tìm tòi rút kinh nghiệm trong công tác là rất tốt, Em nên tiếp tục học văn
hóa, nghiên cứu các tài liệu về kỹ thuật để có thể làm chủ các trang thiết bị
thông tin hiện đại hơn”.
Trước khi tôi trở về đơn
vị, Đại tướng còn bảo phu nhân gói cho tôi ít bánh kẹo.
Ký ức về cuộc gặp Đại
tướng và phu nhân lần đầu giúp Tôi nâng cao thêm tinh thần vừa học vừa làm,
tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
II. Những lần gặp Đại tướng trong kháng chiến chống Pháp
Sau lần gặp đầu năm
1948, từ năm 1950 đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi còn được gặp
Đại tướng nhiều lần vì tôi phụ trách đội Vô tuyến điện cơ động 101 kiêm Trợ lý
tham mưu Vô tuyến điện trong các chiến dịch do Đại tướng làm Tư lệnh từ chiến
dịch Biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau đây tôi chỉ kể ba
lần để lại nhiều kỷ niệm nhất:
- Một là trong chiến
dịch Biên giới tôi có vinh dự được điều hành việc bắt liên lạc với Đại đoàn 308
và bảo đảm cuộc đàm thoại bằng Vô tuyến điện giữa Đại tướng với Đại đoàn trưởng
Vương Thừa Vũ trong tình huống đơn vị đang bao vây chặn đánh hai cánh quân của
Sactông từ Cao Bằng rút về và cánh quân của Lơ Pagiơ từ Thất Khê lên đón, không
cho chúng gặp được nhau để ta lần lượt tiêu diệt từng cánh.
Kỷ niệm sâu sắc nữa là
cuộc nói chuyện này được Bác Hồ trực tiếp theo dõi, sau đó Bác còn thăm hỏi,
căn dặn nhiều điều chúng tôi nhớ mãi và thực hiện tốt trong các chiến dịch sau.
- Hai là trong chiến
dịch Tây Bắc khi ta truy kích địch trên đường 41 do tổ chức kết hợp các bộ phận
không chặt chẽ nên tuy không mất liên lạc Vô tuyến điện nhưng Bộ chỉ huy không
nắm được tình hình, mặt khác ta chưa có điện đài đặt trên xe nên không cơ động
theo kịp người chỉ huy.
Lúc này ở Sở chỉ huy Đại
tướng rất nóng ruột vì không nắm được tình hình nên gọi tôi lên hỏi và chỉ thị:
“Các đồng chí phải bàn cùng bộ phận tác chiến và cơ yếu tìm biện pháp khắc phục
ngay kẻo tôi trở thành Tư lệnh “không quân”!
Chấp hành chỉ thị của
Đại tướng chúng tôi họp bàn và chỉ thị các đơn vị phải tổ chức hai nhóm, mỗi
nhóm gồm một điện đài, một cán bộ tác chiến, một cơ yếu. Khi đơn vị truy kích
địch hay hành quân di chuyển Sở chỉ huy hai nhóm phải thay nhau khi nhóm một
dừng lại để chuyển báo cáo và nhận lệnh thì nhóm hai phải bám sát chỉ huy để
nắm tình hình, khi nhóm một đuổi kịp thì nhóm hai dừng lại bắt liên lạc để báo
cáo tình hình và nhận lệnh mới. Cứ thay
đổi như vậy tuy có vất vả nhưng ở Sở chỉ huy vẫn nắm được tình hình để chỉ đạo.
Chính nhờ chỉ thị của
Đại tướng nên đến cuối chiến dịch việc nắm tình hình và ra lệnh bổ sung được
chặt chẽ hơn, tôi không bị gọi lên để bị khiểm trách.
Nhờ kinh nghiệm của
chiến dịch Tây Bắc, đến chiến dịch Thượng Lào, địch rút chạy từ đầu ta tiếp tục
truy kích nhưng vẫn bảo đảm liên lạc, Bộ chỉ huy vẫn nắm được tình hình và chỉ
đạo kịp thời.
- Ba là trong chiến dịch
Điện Biên Phủ, tôi vừa là Đội trường đội Vô tuyến điện, vừa là trợ lý Vô tuyến
điện của Ban ba chiến dịch nên Đại tướng gọi tôi lên báo cáo kế hoạch liên lạc
với các đơn vị tác chiến ở Điện Biên Phủ và các đơn vị hoạt động ở các chiến
trường phối hợp.
Sau khi nghe báo cáo Đại
tướng chỉ thị:
“Đối với các đơn vị bao
vây và tấn công địch ở Điện Biên tuy dùng phương tiện hữu tuyến là chính để giữ bí mật nhưng Vô tuyến
điện phải sẵn sàng thay thế hữu tuyến khi bị gián đoạn. Mặt khác chú ý chỉ đạo
các Đại đoàn, Trung đoàn và pháo binh phải tận dụng các máy bộ đàm thu của địch
trong các chiến dịch trước để bảo đảm cùng mạng Hữu tuyến điện trong các trận
đánh, vừa bảo đảm chỉ đạo từ Trung đoàn, Tiểu đoàn xuống các Đại đội, vừa bảo
đảm hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh. Chú ý thường xuyên thay đổi mật danh,
mật ngữ để giữ bí mật.
Đại tướng cũng chỉ thị
phải giữ vững liên lạc với đài hoạt động ở các chiến trường để Bộ chỉ đạo việc
phối hợp tác chiến giam chân địch ở các nơi, không cho địch tập trung lực lượng
cơ động lên chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Mặt khác phải chú ý giữ liên
lạc chặt chẽ với đài của Bộ Chính trị, đài của Tổng cục cung cấp…
Thực hiện chỉ thị của
Đại tướng, đội Vô tuyến điện chúng tôi đã chia thành hai bộ phận: bộ phận nhẹ
dùng máy Vô tuyến điện thoại ở gần cơ quan tác chiến, thực hiện canh liên tục
sẵn sàng thay thế Hữu tuyến điện, bộ phận nặng gồm các đài liên lạc với các
chiến trường, các đài ở Sở chỉ huy cơ bản Bộ các đài này phải di chuyển cách xa
Sở chỉ huy 10km đường chim bay để đề phòng địch trinh sát phát hiện vị trí Sở
chỉ huy và oanh tạc.
Kết quả là hai bộ phận
đài hoàn thành tốt nhiệm vụ, bản thân tôi cũng được Bằng khen của Bộ.
III. Những lần gặp Đại tướng sau khi đất nước thống nhất
Từ năm 1980 đến 1990 lớp
cán bộ thông tin tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ lần lượt về hưu và
tham gia các Hội bạn chiến đấu ở khu vực Hà Nội có các Hội bạn Vô tuyến điện
101-230, Tiểu đoàn 303 Hữu tuyến, đội liên lạc đặc biệt được thành lập sớm
nhất, tiếp sau là hơn 20 hội của các đơn vị. Tất cả đều gọi là Chi hội của Hội
truyền thống thông tin Hà Nội.
Riêng các Hội 101, 303,
liên lạc đặc biết trực tiếp phục vụ Đại tướng trong kháng chiến chống Pháp,
được Đại tướng thăm hỏi nhiều lần nên đã nhiều lần tổ chức đến chúc mừng Đại
tướng trong các dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên 7-5 hoặc chúc thọ Đại tướng.
Tôi còn nhớ những lần gặp sau đây:
- Năm 1984 nhân kỷ niệm
30 năm chiến thắng Điện Biên chúng tôi tổ chức Đại biểu của ba đơn vị đến đông
nhất.
- Năm 1991 đội Vô tuyến
điện 101, Tiểu đoàn 303 và đội liên lạc đặc biệt đến chúc thọ Đại tướng tròn 80
tuổi.
- Ngày 7-5-2001 ba đơn
vị lại tổ chức chúc thọ Đại tướng tròn 90 tuổi, kính tặng Đại tướng 3 cuốn “Ký
ức Cựu chiến binh Thông tin ba ngành Vô tuyến điện, Hữu tuyến điện, Liên lạc
đặc biệt.
Trong ba cuộc gặp năm
1984, 1991, 2001 Đại tướng còn khỏe nên còn hỏi chuyện căn dặn chúng tôi nhiều điều và chụp ảnh lưu
niệm với anh em.
Riêng Hội truyền thông
Thông tin Hà Nội gồm đại biểu nhiều đơn vị đã tổ chức chúc thọ Đại tướng vào
tháng 10 năm 2000 mừng Đại tướng tròn 90 tuổi theo âm lịch- Hội cũng tặng Đại
tướng một bộ tứ bình khảm Trai.
Đặc biệt ngày 7-5-2009
nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện biên, mặc dầu sức khỏe Đại tướng đã
giảm và có rất nhiều đoàn đại biểu các địa phương, các đơn vị đến chúc, Đại
tướng cũng dành 15 phút gặp đoàn đại biểu 10 cán bộ của Hội đại diện cho các
ngành Vô tuyến điện, Hữu tuyến điện, Liên lạc đặc biệt, Nhà máy đến chúc mừng
Đại tướng, người anh cả của quân đội, người dành rất nhiều tình cảm với bộ đội
Thông tin.
Xin kính chúc Đại tướng
trường thọ, làm chỗ dựa tinh thần cho các cựu chiến binh đã tham gia ba thời kỳ
dưới sự lãnh đạo chỉ huy của Đại tướng.
(1) Bộ
Tư lệnh Thông tin có 3 cán bộ hy sinh khi hành quân tuy không trực tiếp gặp
địch:
1. Đ/c Cục trưởng Nguyễn Anh Bảo hy
sinh ở Cầu Cấm khi vào công tác ở Khu 4
2. Đ/c Nguyễn Hữu Chỉnh Trung đoàn phó Trung đoàn
205 hy sinh trên đường từ Quảng Trị ra sau khi dự chiến dịch.
3. Đ/c Phạm Duy Phần Đại úy
Trợ lý Huấn luyện hy sinh vì trúng bom B52 khi hành quân.
(2) Vì thiếu lương
thực nên ai khỏe vẫn phải đi, không được ở lại chờ người ốm.
(3) Vì
lúc này, B2 đã cử anh ba Kiệt ra đề nghị Bộ Tư lệnh thông tin bổ sung trang thiết
bị để phát triển lực lượng.
Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh
0 comments:
Đăng nhận xét