18.
KÝ ỨC VỀ CÁC CHUYẾN
CÔNG TÁC VÀ THĂM
LÀO
Trong sự nghiệp đấu
tranh giành độc lập của nhân dân Lào đã có nhiều cán bộ chiến sĩ Thông tin Việt
Nam
tham gia quân tình nguyện hoặc công tác ở các đoàn 959, đoàn 100 giúp đỡ quân
đội Pathet Lào xây dựng và chiến đấu.
Bản thân tôi không kể
năm 1953 đã tham gia chiến dịch Thượng Lào giải phóng Tỉnh Sầm Nưa đã ba lần
được mời sang thăm và làm việc với Cục Thông tin quân đội Lào, hai lần ở cương
vị Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Binh chủng, một lần ở cương vị Tư lệnh binh
chủng Thông tin.
Sau khi nghỉ hưu tôi
cùng các Đoàn cựu chiến binh đã đi thăm Lào thêm hai lần.
Sau đây là những ký ức
tóm tắt về các chuyến công tác và thăm Lào:
Trong hai lần đầu, ở
cương vị Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, tôi sang Lào để kiểm tra các công trình
Thông tin ta xây dựng giúp Bạn, thăm Tổng trạm Thông tin, Trường và Xưởng Thông
tin, góp ý với bạn về tổ chức hệ thống thông tin, về đào tạo cán bộ và sử dụng
các trang thiết bị Thông tin, ký kết các văn bản giúp đỡ bạn, đến thăm gia đình
một số cán bộ Bạn đã nghỉ hưu trước học ở Trường Sỹ quan Thông tin trong thời
gian tôi làm Hiệu phó, Bạn rất cảm động.
Lần thứ ba, năm 1991 ở
cương vị Tư lệnh, tôi đi cùng đồng chí Nguyễn Chiến Phó Tư lệnh với ý định bàn
giao công việc giúp bạn để sau khi thay tôi, đồng chí sẽ thực hiện tiếp.
Trong các lần sang làm
việc, Bạn đón tiếp rất chu đáo, thân tình. Ngoài những ngày làm việc còn mời đi
thăm nhà máy điện Nậm Ngừm cách Viên Chăn hơn 40km do Pháp xây dựng từ trước
ngày giải phóng, thăm các công trình văn hóa như công viên 555, khu công viên
có nhiều tượng phật rất lớn, nằm ngồi ở nhiều tư thế.
Sau khi nghỉ hưu, năm
2006 tôi cùng một số cán bộ Thông tin đã tham gia quân tình nguyện, đã công tác
ở các đoàn 100, đoàn 959 giúp Bạn thuê xe tự tổ chức đi thăm sáu tỉnh ở Lào
trong 12 ngày có giấy giới thiệu của Đại sứ quán Lào ở Việt Nam. Đoàn đi theo
đường 7, qua cửa khẩu Nậm Cắn, sang thăm Xiêng Khoảng - Cánh đồng Chum. Trong
đoàn có Vợ đồng chí Lê Kim Khánh có anh hy sinh ở Lào đã được dân hướng dẫn đến
khu vực xảy ra trận đánh, nơi anh hy sinh để mang một ít đất về để thờ. Sau khi
thăm Cánh đồng Chum chúng tôi lên thăm cố đô Luang Prabăng thăm nhiều chùa đẹp
và hoàng cung, thăm chợ đêm mua các đồng tiền bằng bạc đúc từ thời Pháp thuộc.
Từ Luang Prabăng chúng tôi về Vientiane thăm ngôi tháp Thạt Luồng lớn nhất ở
Lào và nhiều Chùa khác, thăm chợ Sáng có nhiều Việt Kiều buôn bán. Từ Viên Chăn
chúng tôi sang Thái Lan, thăm một làng Việt Kiều ở Noong Khai là nơi Bác có
thời gian hoạt động ở đây, thăm nơi Bác đã từng trồng rau, nuôi gà...
Sau đó chúng tôi trở lại
Viên Chăn được đồng chí Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Lào mời dự một buổi
liên hoan, ta và bạn hò hát rất vui. Qua trò chuyện tôi được biết đồng chí đã
sang Việt Nam học hai lần,
lần đầu ở bậc Đại học, lần sau học Cao học, hiện gia đình có con gái đang học ở
Việt Nam.
Kết thúc liên hoan đồng chí còn lái xe trực tiếp đưa chúng tôi về khách sạn để
chia tay.
Rời Vientiane chúng tôi
tiếp tục theo đường 13 về thăm Thakhet, Savannakhet,. Ở Thakhet chúng tôi được
Ban chỉ huy quân sự chiêu đãi và bố trí ngủ ở nhà khách. Cũng ở đây vợ đồng chí
Khánh đã đưa đến ngôi nhà trước đây gia đình đã sinh sống nhưng nay đã chuyển
sang chủ khác.
Khi từ đường 13 chuyển
sang đường 9 chúng tôi dừng lại ở khu vực quân Pháp đã tổ chức tập đoàn cứ điểm
SENO để đối phó với ta trong thời gian quân ta tấn công xuống Trung và Hạ Lào
để buộc địch phân tán lực lượng cơ động không tập trung chi viện cho Mặt trận
Điện Biên Phủ.
Qua cuộc đi thăm chiến
trường xưa, tuy do chúng tôi tự tổ chức không theo lời mời của Bạn nhưng đi đến
đâu cũng được Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh giúp đỡ thu xếp chỗ ăn ở, ở đâu chúng tôi
và các bạn đều nhắc đến hai câu thơ:
Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu như nước Hồng Hà Cửu Long.
Năm 2011 tôi lại có dịp
sang thăm Lào trong đoàn đại biểu các chiến sĩ quyết tử Hà Nội do Trưởng
đoàn- Đại tá Nguyễn Trọng Hàm tổ chức
theo lời mời của Bạn. Tôi không phải là chiến sĩ quyết tử nhưng được mời đi vì
hai lý do:
- Vợ tôi là Chiến sĩ
quyết tử, hiện là Tổ trưởng một Tổ ở quận Đống Đa.
- Tôi đã đi thăm Lào năm
2006, thông thạo đường đi nên sẽ giúp đoàn đi theo lộ trình cũ thuận lợi.
Do là đoàn Đại biểu được
mời nên đến địa phương nào cũng được Bạn đón tiếp trọng thể, được Tỉnh ủy, ủy
ban nhân dân, Bộ chỉ huy quân sự, Hội cựu chiến binh Tỉnh tổ chức gặp mặt, giao
lưu, trao đổi quà lưu niệm. Đặc biệt ở cố đô Luang Prabang Tỉnh còn tổ chức một
buổi liên hoan có tổ chức chúc phúc và biểu diễn các điệu múa dân tộc.
Ngoài việc gặp mặt, Bạn
đều cử cán bộ hướng dẫn đi thăm các di tích lịch sử, các chùa lớn, các thắng
cảnh như thác Kuang-Si nổi tiếng ở Luang Prabang.
Khác với cuộc đi thăm
lần trước, sau khi thăm Ban chỉ huy quân sự ở thủ đô Viên Chăn chúng tôi qua
Thái Lan đi dọc theo Hữu ngạn sông MêKông qua các thị trấn lớn, qua Na Khon
Thanon để thăm nhà lưu niệm nơi Bác Hồ với bí danh “Thầu Chín” đã ở và hoạt
động trước khi về Việt Nam. Chúng tôi được ông chủ nhà kể tỉ mỉ về hoạt động,
sinh hoạt của Bác trong thời gian đó, vì lúc đó ông là một cậu thiếu niên đã
được Bác dạy dỗ.
- Đến Mục Đa Hán chúng
tôi qua chiếc cầu lớn bắc qua sông MêKông để về Việt Nam qua cửa khẩu ở Savanakhet. Đây
là chiếc cầu thứ hai được khánh thành năm 2007 có mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đến dự lễ khánh thành (cầu thứ nhất nối thủ đô Viêng Chăn với Noọng Khai -Thái
Lan).
Qua Savanakhet chúng tôi
i đi theo đường 9 về thị xã Đông Hà qua địa điểm cũ của Tập đoàn cứ điểm SENO
và cửa khẩu Lao Bảo.
Đến Đông Hà chúng tôi
được Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đón tiếp, gặp mặt giao lưu và hôm
sau đưa Đoàn đến thắp hương, viếng các liệt sĩ ở thành cổ Quảng Trị.
Kết thúccuộc đi, một lần nữa tôi lại cảm nghĩ
và tin tưởng rằng tình hữu nghị giữa Việt nam và Lào sẽ “Mãi mãi xanh tươi, đời
đời bền vững”...
19 - KÝ ỨC VỀ CHIẾN TRƯỜNG
CAM-PU-CHIA
Trước và sau khi nhân dân Căm Pu Chia
được quân tình nguyện Việt Nam
giúp thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo của bè lũ PônPốt-Iêngxari, tôi đã có
thời gian sinh hoạt và công tác ở chiến trường CămPuChia.
Sau đây là một
số ký ức tóm tắt về thời kỳ đó.
1- Thời
kỳ vào công tác ở B2 (1971-1972)
Tháng 8 năm
1971 tôi được Bộ tư lệnh Thông tin giao nhiệm vụ vào Bộ tư lệnh quân giải phóng
miền Nam (B2) phổ biến kinh nghiệm tổ chức bảo đảm thông tin trong các chiến dịch:
Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971) và chiến dịch 139 ở Thượng Lào.
Sau khi hành
quân dọc Trường Sơn trên đất Việt và đất Lào gần 2 tháng, ngày 20 tháng 10 năm
1971 tôi đi từ Trạm 81 đến Trạm 82 - nơi tiếp giáp giữa Lào và Căm Pu Chia.
Đúng 12 giờ 35 phút, sau khi qua suối Tà Ngân, tôi đã đặt chân lên đất Căm Pu Chia;
cảnh vật ở đây chẳng khác gì ở Lào, dân cư vẫn thưa thớt(1).
Sáu ngày sau,
khi đến Trạm 88 ở gần sông Sê Kông mới gặp dân làm nghề đánh cá và hôm đó
(26/10/1971) chúng tôi còn được ăn hai bữa cá do dân ủng hộ.
Từ ngày 18 đến
27 tháng 11 năm 1971, trên đoạn đường đến Bộ tư lệnh B2 (thời kỳ này đóng quân
trên đất CămPuChia) tôi mới được qua nhiều khu dân cư đông đúc, nhất là ở thị xã
Kra tiê - ở thị xã có nhiều cửa hàng buôn bán do Hoa kiều kinh doanh là chính,
cũng có một số cửa hàng của Việt kiều và dân bản địa.
Chúng tôi được
cấp một số tiền "Ria" của Căm Pu Chia nên có thể mua sắm vài thứ hàng
tiêu dùng và có dịp trò chuyện với một số Việt kiều để tìm hiểu phong tục tập
quán của nhân dân Căm Pu Chia và tình hình buôn bán, sinh hoạt của Việt kiều.
Được biết
chúng tôi mới từ Hà Nội vào nên đồng bào hỏi thăm tình hình mọi mặt ở miền Bắc.
Ngược lại, qua chuyện trò chúng tôi biết nhân dân Căm Pu Chia rất thật thà, chất
phác nhất là nông dân. Đồng bào Căm Pu Chia vẫn theo chế độ mẫu hệ… Các cô gái
Căm Pu Chia rất thích các chiến sĩ giải phóng, đặc biệt là anh em ở miền Bắc
vào vì thường có trình độ văn hoá cao lại trắng trẻo, đẹp trai… Đã có một số
chiến sĩ trẻ đi công tác bị "lừa tình" và phải ở lại "làm rể"!
Thời kỳ này
Pôn Pốt đã nắm quyền lãnh đạo lực lượng cách mạng Căm Pu Chia và có quan hệ
bình thường với Việt Nam nhưng đã có một số trường hợp chiến sĩ ta đi công tác
lẻ (giao liên) bị chúng thủ tiêu để cướp súng!
Từ cuối tháng
11 năm 1971 đến đầu tháng 3 năm 1972 tôi vẫn công tác ở Phòng thông tin B2 đóng
quân trên đất Căm Pu Chia, hoạt động ở vùng Kà Chay-Mimốt. Trong thời gian thâm
nhập các đơn vị thông tin và Trường H19 đào tạo cán bộ và nhân viên kỹ thuật từ
tháng 12 năm 1971 đến tháng 2 năm 1972 chúng tôi có dịp qua một số Phum sóc, thị
trấn tiếp súc với nhân dân Căm Pu Chia - Nhìn chung nhân dân Căm Pu Chia đều có
cảm tình với quân giải phóng, nhiệt tình thu xếp chỗ ăn nghỉ cho anh em khi đi
công tác…
Từ tháng 3 năm
1972, chúng tôi về Việt Nam dự chiến dịch Nguyễn Huệ đến tháng 10 năm 1972 được
lệnh gọi ra miền Bắc báo cáo tình hình, chúng tôi lại có dịp hành quân trên đất
Căm Pu Chia từ ngày 6 tháng 10 đến 28 tháng 10 năm 1972 mới trở lại đất Lào.
Tính chung
trong đợt đi công tác vào B2, tôi có thời
gian sinh hoạt trên đất Căm-pu-chia khoảng 5 tháng (từ 21-10-1971 đến 2-1972 và
từ 6/10 đến 28/10/1972). 8 năm sau, cuối năm 1980 tôi mới có dịp trở lại trong
giai đoạn quân tình nguyện Việt Nam truy quét tiêu diệt lực lượng Pôn-pốt sau
khi thủ đô Nông-Pênh được giải phóng.
2- Thời kỳ truy quét tiêu diệt tàn quân
Pôn pốt (1980 - 1987)
Đầu năm 1979, tôi được điều động từ
Khoa thông tin Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) về nhận
nhiệm vụ Tham mưu trưởng binh chủng Thông tin, giúp Bộ tư lệnh tổ chức và điều
hành công tác tổ chức bảo đảm thông tin trong chiến dịch bảo vệ biên giới phía
Bắc tháng 2 năm 1979 nên không dự chiến dịch tiến công thần tốc giải phóng thủ
đô Nông-pênh, giúp nhân dân Cămpuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Đến cuối
năm 1980, sau khi tốt nghiệp lớp bổ túc khoá 3 ở Học viện Quân sự cấp cao, tôi
được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng binh chủng nên có dịp tham gia
một số đợt hoạt động truy quét tàn quân Pôn Pốt và chỉ đạo việc giúp đỡ xây dựng
lực lượng bộ đội thông tin Quân đội Căm pu chia.
Trong thời kỳ
này, Bộ tư lệnh Thông tin tổ chức sở chỉ huy tiền phương ở Tân Sơn Nhất do đồng
chí Phó Tư lệnh Phạm Kim Bạo điều hành thường xuyên và đồng chí Phó Tư lệnh
Nguyễn Hữu Liên làm đại diện ở Nôngpênh chỉ đạo việc giúp đỡ Bạn xây dựng lực
lượng thông tin. Ở cương vị Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, tôi chỉ tham gia
đoàn của Bộ Tổng tham mưu do Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền đi kiểm tra
các mặt trận 479, 579, 979… trên đất Căm pu chia.
Lần 1-
đi kiểm tra mặt trận 579 ở Đông - Bắc Căm pu chia do Quân khu 5 phụ trách, chúng
tôi đi bằng trực thăng. Đồng chí Phan Hoan Phó Tư lệnh Quân khu 5 là Chỉ huy
trưởng Mặt trận đã tốt nghiệp hệ đào tạo chỉ huy thông tin ở Học viện Cờ Đỏ
Lêningrat, đã làm Chủ nhiệm thông tin mặt trận Tây nguyên (B3) nên có nhiều
kinh nghiệm. Ở cương vị Tư lệnh Mặt trận 579, đồng chí đã tổ chức liên lạc chặt
chẽ với sở chỉ huy tìền phương, với sở chỉ huy Quân khu và các đơn vị trực thuộc
Mặt trận bằng nhiều phương tiện thu được của Mỹ nguỵ năm 1975. Tôi chỉ bổ sung
việc tổ chức liên lạc hiệp đồng với các đơn vị của Mặt trận 479 do Quân khu 7
phụ trách.
Lần 2-
đi kiểm tra Mặt trận 479 ở Xiêm riệp, tôi đi đường bộ để kiểm tra một số trạm
tiếp sức AN-TRC24 tổ chức từ sở chỉ huy tiền phương Bộ ở Tân Sơn Nhất qua trạm
Núi Ông nối với các trạm do Quân khu 7 tổ chức đến sở chỉ huy mặt trận ở Xiêm
Riệp. Sau khi kiểm tra, tôi được cán bộ của Trung đoàn thông tin hướng dẫn đi
thăm Ang ko Vát lúc này còn hoang sơ, có rất nhiều phân dơi ở các hành lang…
Tôi không được thăm Ang ko Thom vì ở khu vực đó chưa rà phá mìn và có thể còn
tàn quân Pôn Pốt lén lút hoạt động.
Lần 3-
Mặt trận 979 do Quân khu 9 phụ trách, tôi được làm việc với đồng chí Phạm Văn
Trà - Phó tư lệnh Quân khu. Vì năm 1978-1979 đồng chí Trà dự khóa đào tạo chỉ
huy cao cấp ở Học viện Quân sự đã biết tôi là giáo viên khoa Thông tin nên sau
khi kiểm tra và góp ý về công tác tổ chức bảo đảm thông tin, đồng chí mời tôi
cùng dự bữa cơm trưa. Bữa cơm ở mặt trận tuy đơn giản chỉ có món thịt gà luộc
chấm muối tiêu và bát canh cá nấu dấm nhưng rất thân mật… Sau này năm 1988 khi ở
cương vị Tư lệnh binh chủng, tôi còn có dịp dự bữa cơm cùng đồng chí Trà hồi đó
đồng chí là Tư lệnh Quân khu 3 trước thời gian về giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng.
Ngoài 3 đợt đi
kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm thông tin liên lạc các mặt trận, tôi còn gặp
đồng chí phó tư lệnh Nguyễn Hữu Liên - đại diện Bộ tư lệnh Thông tin ở Nông
Pênh để nắm tình hình giúp đỡ xây dựng lực lượng thông tin quân đội Căm Pu
Chia…
Đến cuối năm
1987 các đơn vị thông tin quân tình nguyện mới rút về sau khi hoàn thành nghĩa
vụ Quốc tế.
Sau này, khi
đã về nghỉ hưu, tôi còn cùng bạn bè và gia đình thăm đất nước Căm Pu Chia bằng
các tua du lịch, được thăm Ang Ko Vát, Ang Ko Thom và thủ đô Nông Pênh trong điều
kiện hoà bình, được chứng kiến sự hồi sinh của đất nước Chùa Tháp sau khi bị chế
độ diệt chủng tàn phá.
20. KÝ ỨC VỀ VIỆC
HỢP TÁC VỚI CUBA
VÀ CHUYẾN SANG THĂM BỘ BƯU ĐIỆN CUBA
Sau khi chúng ta tiếp quản hệ thống Viễn thông liên kết và khôi
phục lại hoạt động của các Trạm địch chưa kịp phá trước khi rút ;Vì nhu cầu
khai thác ít hơn và để tiết kiệm chi phí, binh chủng đã đưa khoảng 40% số Trạm
hoạt động theo chế độ bảo quản, tiếp sau đó đã lập phương án tháo gỡ các thiết
bị không dùng đến để xây dựng tuyến Viễn thông Hà Nội - Đà Nẵng để hình thành
một đường trục Bắc Nam hoàn chỉnh, đồng bộ, có nhiều kênh hơn.
Do nhiều nguyên nhân, nhất là khó khăn về tài chính nên năm 1984
Chính Phủ mới thông qua luận chứng kinh tế kỹ thuật, giao cho Bộ Tư lệnh Thông
tin làm chủ đầu tư xây dựng công trình Viba Hà Nội - Đà Nẵng bảo đảm 284 kênh
thoại 192 kênh báo, một kênh phát thanh, một kenh truyền hình trắng đen. Đồng
chí Phó Tư lệnh phụ trách kỹ thuật Ngô Đức Thọ được phân công làm Giám đốc Ban Quản lý công trình.
Để thực thi dự án, chúng ta đã mời một số chuyên gia Cuba
sang giúp việc đo đạc, thiết kế tuyến, xây dựng các cột cao mạng ăngten và giúp
cải tiến thiết bị REL-2600 180 kênh thành máy VC-300 có 300 kênh tương ứng với
thiết bị FRC-109 có 300 kênh.
Bộ Bưu điện Cuba cũng cho
ta vay ngoại tệ để mua các linh kiện cần cho việc lắp máy VC-300 và nhận một số
cán bộ kỹ thuật của ta sang Cu Ba cùng bạn lắp ráp thiết bị.
Về phía ta nhà máy Thông
tin M1 và M3 sẽ xuất sang Cuba một số linh kiện và thiết bị thông tin để thanh
toán, mặt khác Tổng cục Bưu điện cũng nhờ Cuba bán tem lấy ngoại tệ để góp
thêm.
Tháng 5 năm 1987, Bộ trưởng Bộ Bưu điện Cuba sang thăm Việt Nam để
ký kết văn bản hợp tác với Bộ Tư lệnh Thông tin và Tổng cục Bưu điện, Đại tướng
Võ Nguyên Giáp cũng dành thời gian tiếp và nghe báo cáo việc hợp tác này.
Đáp lại phía Cu Ba mời
Tư lệnh Thông tin sang thăm để tiếp tục bàn thêm với các cơ quan chức năng của
Bộ việc thực hiện hiệp định hợp tác nhằm thúc đẩy nhanh việc hoàn thành công
trình Viba Hà Nội - Đà Nẵng.
Giữa năm 1988, tôi thực
hiện chuyến thăm Cuba cùng với một cán bộ ngành ngoại thương kiêm phiên dịch.
Khi qua Matxcơva tôi có
đến gặp đồng chí Cục trưởng Cục Thông tin kiêm Phó Tổng- Tham mưu trưởng Quân
đội Liên Xô để bàn việc thực hiện hiệp định Liên Xô giúp ta xây dựng hệ thống
máy Mã từ Bộ đến các quân khu.
Cuộc viếng thăm Cuba
diễn ra tốt đẹp vì đồng chí Bộ Trưởng Rabatxa trước là Thiếu tá Thông tin đã
học ở Liên Xô năm 1974, hai người còn nhắc lại những kỷ niệm vui khi cùng học ở
Lêningrat, đồng chí tặng tôi chiếc áo vét kiểu ngoại giao, hiện tôi vẫn mặc khi
đi du lịch để nhớ tới các Bạn.
Tôi còn được đồng chí Cục Trưởng Cục Thông tin quân đội mời đi
thăm Trường đào tạo sĩ quan Thông tin, thăm nhà máy và đã dành một ngày đưa
chúng tôi đi nghỉ ở Khu du lịch cách LaHavana 200km, tắm biển, câu cá, ăn tôm
hùm luộc. Trên thuyền ra Đảo, tôi và đồng chí cán bộ ngoại thương đã câu được
hai con cá biển, tôi câu được con cá dài tới 1m, khi cá mắc lưỡi câu hai người
phải kéo mới lôi được cá lên tàu và phải dùng búa đập chết ngay, sợ cá lại lao
xuống biển.
Đến ngày chia tay đồng chí Cục trưởng tặng tôi một vali nhỏ nói là
trong có ba quả bom phải giữ cẩn thận, khi về mở ra là ba chai rượu vang! Tôi
cũng tháo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên ra tặng, đồng chí rất cảm động và ôm hôn
tôi. ở La Havana tôi còn được dự một lễ hội Carnavan rất vui.
Sau cuộc viếng thăm, việc hợp tác tác giữa chúng tôi với các bạn
Cuba càng chặt chẽ, kết quả đúng ngày 19-5-1989 binh chủng đã tổ chức thông
tuyến kỹ thuật từ Hà Nội đến Đà Nẵng hoàn thành hiệp định hợp tác với Cuba, ký
kết văn bản trước sự chứng kiến của Phó Chủ nhiệm ủy ban kế hoạch Nhà nước.
Các chuyên gia Cuba đã được Chính Phủ ta tặng Huân chương Hữu
nghị.
Đúng ngày 9-9-1989 Binh chủng tổ chức lễ cắt băng khánh thành
tuyến viba băng rộng Hà Nội - Đà Nẵng, chứng kiến lễ cắt băng có Phó Thủ tướng
Đồng Sỹ Nguyên, Tổng Tham mưu trưởng Đào Đình Luyện, đồng chí Đặng Văn Thân
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu điện, Đại sứ Cuba tại Việt Nam. Sau khi cắt băng
tôi mời Phó Thủ tướng nói chuyện với Chủ tịch thành phố Đà Nẵng và mời đồng chí
TTMT nói chuyện với quân khu 5.
Cũng trong dịp này đồng chí Phó Thủ tướng chứng kiến lễ bàn giao
tuyến viba Hà Nội - Đà Nẵng cho Tổng Cục Bưu điện tổ chức khai thác, Binh chủng
Thông tin được xử dụng 30 kênh thoại trong 10 năm miễn phí, tiết kiệm cho Nhà
nước không phải đầu tư mua hệ thống 960 kênh của Liên Xô.
Ghi chú: Xin xem thêm bài Ký ức về hệ thống Viễn thông liên kết và
công trinh viba Hà Nội-Đà Nẵng.
21. KÝ ỨC VỀ HỆ
THỐNG VIỄN THÔNG LIÊN KẾT
Ở MIỀN NAM VÀ CÔNG TRÌNH VIBA HÀ NỘI - ĐÀ NẴNG
Tháng 7-1975, tôi vừa tốt nghiệp một lớp bổ túc tại Học viện Thông
tin Cờ đỏ ở Leeningrat trở về được Bộ Tư lệnh Thông tin giao nhiệm vụ tổ chức
khôi phục và khai thác hệ thống viễn thông liên kết của quân đội Mỹ - Ngụy do
binh chủng thông tin tiếp quản sau đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng Miền
Nam.
Hệ thống viễn thông này do quân đội Mỹ xây dựng từ năm 1965 và
chuyển giao từng bước cho quân Ngụy từ tháng 9-1971 đến tháng 6-1973. Hệ thống
gồm 33 trạm ICS triển khai từ Huế đến đảo Phú Quốc dùng các thiết bị thông tin
đối lưu REL-2600, MRC85 và máy viba giải rộng FRC-109 kết hợp với 5 trạm cáp
biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, có nối với Thái Lan và Philippin tạo thành các
đường trục, đường nhánh có dung lượng từ 60 đến 300 kênh nối với 29 tổng đài
kiểu XY và 4 trung tâm nối mạch tự động ở các thành phố, thị xã, căn cứ quân
sự. Hệ thông trên được tiếp hợp với hệ thống liên lạc diện địa của quân Ngụy
dùng các thiết bị siêu tần số 12 kênh TRC-24, 24 kênh (TRC-29) và các máy sóng
ngắn đơn biên KWM để bảo đảm nhu cầu liên lạc quân sự và hành chính cho toàn
Miền Nam. Hồi đó (năm 1975) đối với chúng ta cũng như các nước Đông Nam á đây
là một hệ thống thông tin rất hiện đại và hoàn chỉnh, một tài sản rất quý (theo
tài liệu của Mỹ, tổng giá trị của hệ thống là 192.142.542 đô la Mỹ - tương
đương với 2 tỷ USD hiện nay).
Nhờ chiến cuộc giải phóng Miền Nam chỉ diễn ra trong 55 ngày đêm,
quân địch rút chạy nhanh không kịp phá hủy các thiết bị nên chúng ta tiếp quản
được 70-80% hệ thống, chỉ hỏng 5 trạm ICS, 5 tổng đài tự động, một trung tâm
nối mạch.
Để khẩn trương khôi phục và đưa hệ thống viễn thông mới tiếp quản
vào hoạt động, binh chủng thông tin đã tập trung hàng trăm kỹ sư, chuyên viên
kỹ thuật của binh chủng, của Trường Đại học Kỹ thuật quân sự của Tổng cục Bưu
điện tham gia công tác khôi phục, kết hợp với tận dụng nhân viên kỹ thuật của
quân Ngụy nên ngày 19/8/1975 chúng ta đã vận hành thử đoạn Đà Nẵng - Sài Gòn và
đưa toàn tuyến vào khai thác từ tháng 02-1976 đúng dịp Tết âm lịch; nối với 12
kênh tải ba trên đường dây trần và 12 kênh siêu tần số TRC 24 mới triển khai từ
Hà Nội đến Phú Bài, tạo nên đường trục Bắc - Nam đầu tiên bảo đảm liên lạc từ
Bộ Quốc phòng với các quân khu, quân đoàn, các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Miền Nam
và cấp 3 kênh cho ngành Bưu điện để phục vụ các ngành dân sự.
Khó khăn của chúng tôi để duy trì hoạt động của hệ thống viễn
thông liên kết địch để lại là yêu cầu chi phí hàng năm rất lớn trên 10 triệu đô
la Mỹ, hơn 20.000 tấn nhiên liệu nhưng Bộ Quốc phòng chỉ cấp hàng năm là
500.000 USD và 2.000 tấn dầu. Mặt khác, hệ thống dùng nhiều linh kiện không mua
được ở các nước xã hội chủ nghĩa mà không có dự trữ. Trước đây khi có linh kiện
hỏng Mỹ sẽ gửi sang bằng đường Hàng không.
Căn cứ vào tình hình ở miền Nam không đủ điều kiện tổ chức khai
thác toàn hệ thống liên tục 24/24 và ở miền Bắc trong vài năm tới chưa có khả
năng xây dựng một hệ thống thông tin nhiều kênh từ Hà Nội đến Đà Nẵng bằng
thiết bị của phe xã hội chủ nghĩa để tiếp hợp vào hệ thống ở miền Nam nên Binh
chủng Thông tin đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ dùng 50% cơ sở ở Miền Nam để phù hợp
với ngân sách và lượng nhiên liệu cho phép, còn 50% thiết bị đưa vào bảo quản
làm dự bị và để tháo gỡ xây dựng tuyến Hà Nội - Đà Nẵng.
Sau khi khai thác ổn định các trạm ICS trên đường trục từ Phú Bài
đến Cần Thơ và đường cáp biển Đà Nẵng-Vũng Tàu, chúng tôi đã nghiên cứu phương
án dùng thiết bị REL-2600 và FRC-109 để xây dựng đường trục từ Đà Nẵng ra Hà
Nội. Cuối năm 1977, Binh chủng Thông tin đã báo cáo Bộ Quốc phòng và Phó Thủ
tướng Đỗ Mười phương án tiền khả thi nhưng do nhiều khó khăn khách quan nên năm
1984 phương án mới được triển khai.
Ngày 18/4/1984, Hội đồng Bộ trưởng giao Bộ Quốc phòng lập luần
chứng kinh tế kỹ thuật. Khi phê duyệt công trình mang ký hiệu VTH2-84. Ngày
05/7/1984, Bộ Quốc phòng chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Thông tin xây
dựng công trình gồm 2 đoạn:
1. Đoạn Hà Nội - Vinh gồm 8 trạm dùng thiết bị FRC-109 có dung
lượng 300 kênh thoại có rẽ mạch ở 4 Trạm (Hà Nội-Nam Định-Thanh Hóa-Vinh).
2. Đoạn Vinh - Đà Nẵng gồm 10 trạm dùng thiết bị REL-2600 cải
tiến, thay đèn Klystron bằng bán dẫn, mở rộng dải thông từ 180 kênh lên 300
kênh để tương ứng với đoạn dùng FRC-109. Thiết bị cải tiến do Bộ Bưu điệ Cuba thực hiện nên được đặt tên là VC-300 (Việt Nam - Cuba 300 kênh).
Trong đoạn Vinh - Đà Nẵng có một số trạm dùng nguồn điện pin mặt
trời, kết hợp máy phát điện dùng sức gió và có một trạm ở đèo Hải Vân chỉ dùng
2 ăngten parabôn có đường kính hơn 9m làm trạm chuyển tiếp thụ động.
Được sự giúp đỡ của một số chuyên gia Cuba, công trình được khởi công xây
dựng từ ngày 3/8/1984. Do khó khăn về kinh phí nên tiến độ xây dựng chậm, tuy
vậy nhờ các địa phương nhiệt tình giúp đỡ nên tháng 12/1986 đã thông tuyến đoạn
Hà Nội - Vinh đúng dịp khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Lần đầu tiên
các địa phương Nam Hà, Thanh Hóa, Vinh được xem truyền hình trực tiếp của Đài
truyền hình Trung ương truyền các hình ảnh họp Đại hội qua tuyến viba FRC-109.
Thành công trong việc xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh đã khẳng định
khả năng của binh chủng có thể hoàn thành tiếp đoạn Vinh - Đà Nẵng. Tuy vậy, do
những khó khăn về tài chính nên việc đầu tư xây dựng tiếp bị gián đoạn. Mặt
khác lại có ý kiến không xây dựng tiếp để tập trung vốn đầu tư cho ngành Bưu
điện mua thiết bị 960 kênh của Liên Xô và ngành Bưu điện cũng đang triển khai xây
dựng một số vỏ trạm gần các trạm của quân đội ở Bỉm Sơn, Hàm Rồng!
Trước tình hình đó Bộ
Quốc phòng kiên trì đề nghị tiếp tục xây dựng đoạn Vinh - Huế - Đà Nẵng vì nếu
không sẽ không phát huy được đoạn Hà Nội - Vinh và cũng không sớm hình thành
được đường trục thông tin Bắc Nam theo luận chứng đã được Hội đồng Bộ trưởng
phê duyệt. Rất may đến tháng 5/1987, nhân dịp Bộ trưởng Bộ Bưu điện Cuba thăm
Việt Nam, Bộ Quốc phòng (trực tiếp là Bộ Tư lệnh Thông tin) ký được văn bản về
Cuba tiếp tục giúp Việt Nam xây dựng đoạn Vinh - Đà Nẵng. Phía Việt Nam sẽ xuất
sang Cuba một số linh kiện và thiết bị do Nhà máy M1 và M3 của Binh chủng Thông
tin sản xuất để thanh toán số ngoại tệ Cuba dùng mua linh kiện của các nước tư
bản để cải tiến thiết bị REL-2600. Nhờ việc ký kết với Cuba nên Binh chủng tiếp tục được
đầu tư kinh phí và tháng 6/1987 đã hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Huế gồm 3 trạm. Sở
dĩ xây dựng đoạn Đà Nẵng - Huế trước đoạn Vinh - Huế vì từ Vinh đến Huế còn 7
trạm không thể thi công nhanh còn nếu hoàn thành sớm đoạn Đà Nẵng - Huế sẽ tạo
điều kiện cho các cơ quan của tỉnh Thừa Thiên Huế liên lạc được với Trung ương
và các tỉnh phía Nam qua các kênh siêu tần số và tải ba đã nối Hà Nội với Đà
Nẵng.
Tháng11/1988 Hội đồng Bộ
trưởng quyết định sau khi Bộ Quốc phòng xây dựng xong tuyến Hà Nội - Đà Nẵng sẽ
bàn giao cho Tổng cục Bưu điện quản lý và khai thác để phục vụ các ngành. Căn
cứ theo Quyết định này Binh chủng Thông tin được sự công tác nhiệt tình hơn của
ngành Bưu điện và đầu tháng 5/1989 đã hoàn thành đoạn Vinh-Huế.
Để kỷ niệm ngày sinh Hồ
Chủ Tịch, ngày 19/5/1989 Binh chủng Thông tin tổ chức thông tuyến kỹ thuật từ
Hà Nội đến Đà Nẵng hoàn thành Hiệp định hợp tác với Cuba, ký kết văn bản trước
sự chứng kiến của Phó Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Tháng 7 và 8/1989 tổ
chức đoàn nghiệm thu công trình cấp Nhà nước gồm chuyên viên của ủy ban Kế
hoạch Nhà nước, Viện đo lường, Tổng cục Bưu điện và Binh chủng Thông tin. Qua
nghiệm thu các chỉ tiêu truyền sóng trên toàn tuyến đạt 98,3%, vượt chỉ tiêu
thiết kế1,3%, phần lớn các kênh Thoại - Báo đạt chất lượng tốt. Dung lượng toàn
tuyến có 284 kênh thoại, 192 kênh báo, một kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình
trắng đen. Ngày 09/9/1989 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 44 ngày truyền thống bộ đội
Thông tin, Bộ Tư lệnh Thông tin tổ chức khánh thành tuyến viba băng rộng Hà Nội
- Đà Nẵng và chính thức bàn giao cho Tổng cục Bưu điện, Lễ ký kết giữa Thiếu
tướng Nguyễn Diệp - Tư lệnh Binh chủng Thông tin và đồng chí Đặng Văn Thân
-Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện có sự chứng kiến của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên
- Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thượng tướng Đào Đình Luyện - Tổng Tham
mưu trưởng. Sau khi cắt băng khánh thành, các đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Đặng Văn
Thân đã thử liên lạc với Chủ tịch ủy ban nhân dân và Giám đốc Bưu điện các tỉnh
Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng. Đồng chí Đào Đình Luyện cũng nói chuyện với Bộ
Chỉ huy quân sự các tỉnh và quân khu 5 tốt.
Trải qua 5 năm thi công,
vượt qua nhiều khó khăn, Ban quản lý công trình VTH2-84 cùng cán bộ, nhân viên
kỹ thuật Lữ đoàn 596 đã tháo gỡ, vận chuyển và lắp ráp các thiết bị viba, tải
ba, tải báo, nguồn điện.
Những năm sau đội ngũ cán bộ này đã góp sức cùng ngành Bưu điện
phát triển nhanh các tuyến viba dùng kỹ thuật số trên đường trục Bắc - Nam
cũng như trên các tuyến ở miền Bắc.
Sau 24 năm, kể từ ngày tiếp quản và khôi phục hệ thống viễn thông
liên kết ở miền nam và sau 10 năm hoàn thành công trình viba dải rộng đầu tiên
ở Miền Bắc hình thành đường trục thông tin nhiều kênh từ Thủ đô đến nhiều tỉnh,
những ký ức trên luôn giúp tôi nhớ và tự hào về những cán bộ trong binh chủng,
trong ngành Bưu điện và các chuyên gia Cuba đã đoàn kết, lao động sáng tạo phấn
đấu vì sự nghiệp phát triển mạng lưới thông tin quốc gia, tạo đà cho sự tăng
tốc của ngành Bưu điện trong những năm cuối của thế kỷ 20.
22.
MỘT
SỐ HỒI ỨC VỀ TỰ HỌC
VÀ PHƯƠNG
PHÁP HỌC TẬP
Tôi tham gia ngành thông tin quân sự từ
tháng 12 năm 1945, cuối năm 1991 bắt đầu nghỉ hưu. Trải qua 46 năm phục vụ, trưởng
thành từ một chiến sĩ học lớp báo vụ đầu tiên của Binh chủng (tháng 12 năm 1945
đến tháng 3 năm 1946), trải qua nhiều chức vụ, đến cuối năm 1988 được bổ nhiệm
làm Tư lệnh Binh chủng. Tuy có trình độ đại học nhưng tôi chỉ được dự các lớp
đào tạo hoặc bổ túc ngắn hạn (lớp dài nhất là 10 tháng). Riêng khóa học ở Đại học
Bách Khoa (1960-1963) cũng chỉ là lớp tại chức học mỗi tuần 3 buổi tối, mỗi buổi
4 tiết… Mặc dù thời gian được dự các lớp học tập trung tại trường chỉ chiếm 9%
thời gian tại ngũ (không kể lớp Đại học tại chức) nhưng nhờ luôn tự học, vừa
làm vừa học và khi được dự các lớp tập trung có phương pháp học tập tốt nên tôi
đã trưởng thành từng bước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, luôn được đánh giá là hoàn
thành tốt nhiệm vụ.
Sau đây tôi nêu tóm tắt quá trình tự học
và học tập trong công tác, một số kinh nghiệm về phương pháp học tập khi tự học
và khi dự các lớp học tập trung, hy vọng sẽ giúp các học viên đang học tại trường
cũng như các sĩ quan trẻ vận dụng để học tập đạt kết quả tốt và thường xuyên học
tập nâng cao trình độ để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của Binh
chủng trong thiên niên kỷ mới.
1. Sau khi học lớp đào tạo báo vụ 3
tháng, được về tập sự tại đài của Bộ, ngoài giờ làm việc theo phiên ca, hàng
ngày tôi đều tự tập phát báo và thu tin của các đài thông tấn quốc tế khoảng
hai giờ. Nên sau 4 tháng tôi đã phát được khoảng 100 chữ/phút và thu khoảng 150
chữ/phút, độc lập làm được các phiên liên lạc nên tháng 7 năm 1946 đã được giao
phụ trách một đài độc lập của Đại đoàn Bắc - Bắc đóng quân ở Lục Nam.
2. Trong khi phụ trách đài, do nhu cầu
phải tự sửa chữa đài khi hỏng hóc, tôi đã tự học nguyên lý Vô tuyến điện qua
hai tập sách tiếng Pháp (La TSF của Berchet và La radio, Mais cest trên Simple
của Aisberg)(2) rồi tự dò mạch điện
đài mình phụ trách nên đã có thể phát hiện và tự sửa các hỏng hóc thông thường
không phải đem đài về trạm sửa chữa của Khu.
Do có trình độ về kỹ thuật VTĐ nên đến
tháng 3 năm 1947 tôi được điều động từ khu 10 về làm việc tại xưởng CRL của Bộ
khi xưởng di chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc.
3. Nhờ vừa làm vừa học ở CRL, lắp ráp
và sửa chữa các điện đài, tôi đã được phụ trách bộ phận Vô tuyến điện và được
giao thêm nhiệm vụ làm giáo viên một lớp đào tạo báo vụ (1947) và một lớp cơ
công sơ cấp (1950).
Trong thời gian này, tôi còn dành thời
gian tự ôn về văn hóa bằng sách giáo khoa các lớp Trung học phổ thông hy vọng
là sau khi kháng chiến thắng lợi sẽ được học thêm ở bậc đại học.
Mặt khác để làm tốt nhiệm vụ giáo viên
tôi phải nghiên cứu thêm các tài liệu về kỹ thuật điện và vô tuyến điện, phải
tìm tòi cải tiến phương pháp giảng dạy để các học viên trình độ văn hóa thấp
cũng tiếp thu được.
4. Từ tháng 7 năm 1950 đến cuối năm
1954 vì đã làm trưởng đài lại có trình độ kỹ thuật nên tôi được giao làm đội
trưởng đội VTĐ cơ động của Cục thông tin chuyên đi phục vụ các chiến dịch do Bộ
tổ chức và chỉ huy (từ chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ).
Qua 9 chiến dịch, vừa tổ chức điều
hành các mạng VTĐ của chiến dịch, vừa phụ trách các lớp tập huấn Trưởng đài sau
các chiến dịch, tôi đã trưởng thành về quản lý chỉ huy đơn vị, về công tác tham
mưu và công tác huấn luyện.
5. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, từ 1955
tôi được phân công làm trợ lý huấn luyện tại phòng Huấn luyện - Cục thông tin,
được tiếp xúc với một số chuyên gia Liên Xô nên tôi tự học tiếng Nga qua hai tập
sách của “Dương Văn Thành” nên đã nắm được ngữ pháp và một số từ làm cơ sở để đọc
các tài liệu hướng dẫn sử dụng các thiết bị do Liên Xô viện trợ. Cũng nhờ quá
trình tự học và rèn luyện nên khi Chính phủ có chủ trương mở lớp Đại học tại chức
ban đêm ở trường Đại học Bách khoa, tôi được cử đi dự thi tuyển vào học khóa 1
(1960 - 1964). Đây là lớp học tại chức, mỗi tuần học 3 buổi tối, mỗi tối 4 tiết
nên sau giờ làm việc buổi chiều phải ăn vội rồi đạp xe đi học, gần 23 giờ đêm mới
về nên rất mệt, mặt khác mỗi dịp đi công tác xa 1 - 2 tuần lại phải mượn sách
chép bài và học đuổi rất vất vả vì thời gian này chưa có các giáo trình được in
ấn để bán cho sinh viên. Tuy vậy, với nhiệm vụ Trưởng lớp tôi vẫn cố phấn đấu để
thi các môn học đạt khá, giỏi. Đến giai đoạn làm đồ án tốt nghiệp tôi được Cục cán
bộ chỉ định đi học một lớp bổ túc 10 tháng ở Ki-ép (nay là thủ đô của
U-crai-na) cùng với một số chủ nhiệm thông tin quân khu, quân chủng nên không
được nhận bằng kỹ sư Vô tuyến điện nhưng
về cơ bản đã hoàn thành chương trình Đại học.
Trước khi đi Liên Xô, học viên được học
thêm 2 tháng tiếng Nga tuy lớp học có hai phiên dịch. Nhờ đã tự học tiếng Nga
nên chỉ sau hai tháng đầu phải nghe giảng qua phiên dịch còn từ tháng thứ ba
tôi đã có thể nghe trực tiếp và trả lời giáo viên bằng tiếng Nga khi kiểm tra -
kết quả là qua 55 lần kiểm tra tại lớp và kiểm tra cuối môn học tôi đều đạt điểm
5 (điểm tối đa).
6.
Trong thời kỳ chống Mỹ, tôi được chuyển về trường Sĩ quan Thông tin từ tháng
5/1965, lúc đầu làm Phó phòng Giáo vụ, sau làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 đào
tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp các chuyên ngành Vô tuyến điện cỡ nhỏ, xe máy Vô
tuyến điện công suất lớn, Vô tuyến điện tiếp sức, tổng đài, máy tải ba, tải
báo, máy điện báo truyền chữ... Do Nhà trường ở sơ tán trên nhiều thôn, mỗi Tiểu
đoàn làm nhiệm vụ như một phân hiệu, phải quản lý toàn bộ chương trình huấn luyện,
thông qua tài liệu, duyệt giáo án, kiểm tra công tác dạy và học.
Trên cơ
sở có trình độ đại học về ngành Vô tuyến điện, tôi tự học các chuyên ngành khác
qua duyệt tài liệu và giáo án do giáo viên biên soạn, dự các buổi dạy thực hành
nên sau 2 khóa huấn luyện tôi đã có trình độ kỹ thuật tổng hợp, nắm được tính
năng, cách sử dụng, bảo quản, sửa chữa các thiết bị được trang bị trong Binh chủng
giúp cho việc hoàn thành nhiệm vụ khi được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh kiêm Tham
mưu trưởng Binh chủng từ 1980 - 1987.
Tóm lại,
nhờ quán triệt tinh thần học tập thường xuyên, học tập không ngừng để làm tốt
nhiệm vụ. Tôi đã luôn tranh thủ thời gian tự học, vừa làm vừa học và tận dụng
thời gian được dự các lớp học tập trung để nâng cao kiến thức toàn diện, nâng
cao trình độ nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Muốn học
tập có kết quả khi tự học cũng như khi học ở các trường, ngoài tinh thần cần
cù, tranh thủ thời gian còn phải có phương pháp học tập tốt. Sau đây tôi xin
nêu một số kinh nghiệm đã thực hiện:
* Tự học cần chọn nội dung thiết thực, liên quan đến
nhiệm vụ công tác và làm cơ sở để học các môn có liên quan - Ví dụ: để có thể tự
học về chuyên môn kỹ thuật, tôi đã chú ý ôn và tự học thêm về Vật lý, Toán học
và Ngoại ngữ. Còn về chuyên môn thì tự học về Điện kỹ thuật, Nguyên lý VTĐ. Khi
làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đào tạo cán bộ Kỹ thuật trung cấp từ 1966 đến
1968 tôi đã chú ý tự học các chuyên ngành kỹ thuật khác...
* Tự học cần chú ý cả lý thuyết và thực hành. Ví dụ:
năm 1960 khi được cử đi dự thi tuyển vào lớp học đại học tại chức với yêu cầu
có trình độ hết lớp 9 (hệ 10 năm), lúc đó tôi mới có trình độ lớp 8 mà thời
gian chuẩn bị dự thi chỉ có 10 ngày. Làm thế nào để trong thời gian ngắn đó phải
vừa ôn kiến thức Toán - Lý - Hóa của lớp 7, lớp 8 và tự học thêm lớp 9. Ngoài
việc phải nỗ lực tự học mỗi ngày 16 giờ, tôi đã xếp chương trình hợp lý tập
trung thời gian vào các môn khó, môn từ lâu mình ít chú ý như hình học không
gian, hóa học...Phương pháp là sau khi nghiên cứu lý thuyết viết tóm tắt từng
chương và làm một số bài tập khó. Sau 9 ngày tự ôn, tôi dành một ngày nhờ một
giáo viên văn hóa giải đáp một số thắc mắc và hướng dẫn làm các bài tập khó...
Kết quả là khi thi tuyển tôi đạt điểm 5 về Vật lý, điểm 4 về Toán, về Hóa và được
chỉ định làm trưởng lớp.
* Khi học tập trung tại trường, việc tự học, tự nghiên
cứu, tham khảo các tài liệu có liên quan đến bài học, môn học cũng rất cần thiết,
giúp cho đạt kết quả tốt hơn.
* Học tập ở trường muốn hiểu sâu, nhớ lâu cần phát huy
tinh thần học tập chủ động. Trong 3 lần được dự các lớp bổ túc ngắn hạn ở Liên
Xô (ở Ki-ép học 7 tháng, ở Lêningrad 1 lần 10 tháng, 1 lần 5 tháng) tôi đã vận
dụng phương pháp học tập chủ động như sau:
- Căn cứ theo tiến trình biểu hàng tuần, tôi mượn ở
thư viện các giáo trình và tài liệu tham khảo có liên quan. Trong giờ ôn bài buổi
chiều tại lớp và tự học buổi tối ở nhà nghỉ, tôi dành 1/3 đến ½ thời gian ôn
các vấn đề khó và làm bài tập do giáo viên ra còn dùng ½ đến 2/3 thời gian tự
nghiên cứu các bài sẽ học sáng hôm sau ở lớp. Quá trình tự nghiên cứu đã giúp
tôi hiểu khoảng 80% nội dung sẽ học và nâng cao được trình độ ngoại ngữ. Do đó
trong buổi dự lên lớp sáng hôm sau, tôi có thể tiếp thu bài giảng một cách thuận
lợi, có thể nắm 100% phần lý thuyết, buổi chiều không phải ôn lý thuyết mà chỉ
làm bài tập và phụ đạo các đồng chí trong tổ, giúp anh em hiểu bài (đồng thời
cũng giúp mình hiểu sâu nhớ lâu bài). Sau đó lại tự nghiên cứu các bài sẽ học
sáng hôm sau.
Cuối từng chương, từng môn học tôi chú ý tóm tắt các vấn
đề chính nên khi chuẩn bị dự sát hạch cuối môn và tổng ôn, dự sát hạch cuối
khóa không mất nhiều thời gian mà vẫn đạt kết quả cao. Nhờ có phương pháp học tập
chủ động trên nên trong 3 khóa học ở Liên Xô, tôi đều tốt nghiệp loại “giỏi”,
các môn thi đều đạt điểm 5.
- Khi dự lớp học bổ túc 10 tháng tại Học viện Quân sự
cấp cao (1979 - 1980) vì là học trong nước, không mất thời gian đọc tài liệu
qua ngoại ngữ, tôi đã tranh thủ đọc thêm nhiều tài liệu tham khảo, chủ yếu là
các bản tổng kết các chiến dịch, các trận đánh lớn và chú ý tóm tắt, tổng kết
phần học lý luận nên khi thi cuối môn, ngoài việc viết đầy đủ phần lý luận theo
các bài giảng tôi còn liên hệ với thực tế, chứng minh bằng các dẫn chứng chiến
đấu nên qua 6 môn thi tôi đạt tổng cộng 58 điểm (4 điểm 10, 2 điểm 9) được xếp
đỗ đầu khóa học gồm hơn 100 cán bộ trung cao cấp (thủ khoa) và được Bộ Quốc
Phòng tặng bằng khen...
Hiện nay tôi đã nghỉ hưu được 9 năm nhưng vẫn chú ý học
tập qua sách báo, chú ý đọc các tài liệu kỹ thuật để khỏi lạc hậu với sự phát
triển của công nghệ thông tin.
Qua
bài viết tôi mong rằng các học viên đang học tại Trường cũng như các sĩ quan
công tác quán triệt tinh thần “học tập thường xuyên, học tập suốt đời” gắn việc
“học để biết” với “học để làm” và tùy hoàn cảnh, tùy trình độ để xây dựng cho
mình một chương trình và một phương pháp tự học hợp lý. Có như vậy chúng ta mới
tiến kịp thời đại, góp phần vào xây dựng nền kinh tế tri thức đang hình thành
và phát triển trong thế kỷ 21.
0 comments:
Đăng nhận xét