|
Đại tá ĐỖ KHẮC QUẢNG
|
Ban liên lạc đặc biệt
là một tổ chức liên lạc quân sự có tầm chiến lược, trực thuộc Văn phòng Bộ Tổng
chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ban được hình thành trong những ngày quân đội ta chuẩn bị bước vào cuộc kháng
chiến toàn quốc năm 1946 và chỉ tồn tại đến tháng 9 năm 1951 tức là gần 5 năm,
nhưng đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên trong hàng ngũ chúng ta, những
chiến sĩ "liên lạc đặc biệt" của những năm tháng đầu cuộc trường kỳ
kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Hơn nửa thế kỷ đã
qua, sự kiện đã đi vào lịch sử. Chúng ta, những cán bộ, chiến sĩ của Ban liên lạc
đặc biệt nay người còn, người mất, nhưng không thể không ghi lại để cho các thế
hệ sau tham khảo:
Trước ngày Toàn quốc
kháng chiến tháng 12 năm 1946, toàn bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tổng chỉ
huy đã chuyển cả ra hướng thị xã Hà Đông (Bộ Tổng Tham mưu ra ấp Thái Hà, cạnh
gò Đống Đa). Như vậy bộ phận liên lạc nội bộ của mỗi cơ quan chỉ có thể đảm bảo
được đúng tính chất và nhiệm vụ của nó, còn liên lạc xa như xuống các quân khu,
các đơn vị chủ lực, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh... thì rõ ràng đang thiếu một
bộ phận chuyên trách. Đã thế, tình hình lại khẩn trương, công văn các loại đều
tăng gấp bội.
Bởi vậy ngày 17
tháng 12 năm 1946, Bộ Tổng chỉ huy quyết định phải gấp rút thành lập một bộ phận
liên lạc đường dài lấy tên là Ban liên lạc đặc biệt. Ngày 12 tháng 12 năm 1946,
Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã trao nhiệm vụ này cho Quyền Trưởng phòng
Thông tin Nguyễn Hải Hạc - phó ban[1].
Nhiệm vụ được nêu rất ngắn gọn. Nhưng khi nói đến tổ chức thì thật "đặc biệt":
không có người, phải tự tuyển lấy; riêng cán bộ thì trên sẽ bổ sung sau.
Không còn con đường
nào khác, đồng chí nghĩ ngay đến số hướng đạo sinh cùng quê, thôn Giáp Nhất, xã
Nhân Mục, ven đô. Đa số anh em, đã là thanh niên cứu quốc đang hoạt động ở địa
phương. Thế là chỉ một ngày sau, đồng chí đã tuyển được năm người; rồi người nọ
giới thiệu người kia, chẳng mấy chốc quân số tăng lên đến hơn chục người, gồm cả
thiếu niên, học sinh.
Trước ngày 19 tháng
12 - ngày Toàn quốc kháng chiến, trạm liên lạc đầu tiên của Ban liên lạc đặc biệt
đặt tại 150 phố Bóp Kèn thị xã Hà Đông đã đi vào hoạt động. Công tác chủ yếu là
chuyển công văn khẩn cấp đi xa, bao gồm cả hỏa tốc. Đây cũng là nơi đón nhận một
số cán bộ cấp trên chuyển đến và một số anh em quen biết nhau giới thiệu vào. Với
những anh em khi đến mang theo xe đạp, xe máy thì xếp ngay vào bộ phận hỏa tốc
để sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Đến nay, ngày 12
tháng 12 được coi là ngày chính thức thành lập Ban liên lạc đặc biệt. Cuộc
kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Pháp bùng nổ tại Thủ đô. Ngay hôm sau, Ban
liên lạc đặc biệt chuyển vào làng Mai Lĩnh, cách Hà Đông khoảng 10 km, đóng tại
ngôi đình trông ra sông Đáy.
Tại đây, ngày 22
tháng 1 năm 1947, sau Tết Nguyên đán, Ban đã đón nhận một tổ chức sáp nhập vào
là Ban liên lạc tuyên truyền thuộc Bộ Quốc phòng. Tổ chức này hình thành từ đầu
tháng 12 năm 1946 do Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam có các đồng chí Đào Duy Kỳ, Vũ
Oanh phụ trách để giữ liên lạc với Ủy ban kháng chiến các tỉnh[2].
Liên lạc tuyên truyền đặt 8 trạm chính xung quanh Hà Nội như Văn Giang, Phú Thụy,
Mai Lĩnh, Phù Ninh... Mỗi trạm là một đầu mối cho một đường trạm theo lộ chính
xuống đến tỉnh lân cận như trạm Phù Ninh đi Bắc Ninh; trạm Văn Giang đi Hưng
Yên, trạm Phú Thụy đi Hải Dương, Hải Phòng... Liên lạc viên ở các trạm đều do các
địa phương cung cấp.
Số nhân viên, cán bộ
bổ sung sang liên lạc đặc biệt không nhiều nhưng một số đã có kinh nghiệm đặt
trạm dọc đường dài.
Đầu tháng 2 năm
1947, một quyết định của Bộ Tổng chỉ huy có tính lịch sử đối với tổ chức Liên lạc
đặc biệt. Đó là: từ nay Ban trực thuộc Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy, có nhiệm vụ
liên lạc cả hai chiều giữa Bộ và Quân khu, trước mắt là Quân khu 1-2-3-10-11-12
ở Bắc Bộ và Quân khu 4 ở Bắc Trung Bộ.
Để làm được nhiệm vụ
liên lạc có tầm quan trọng chiến lược này, Bộ ủy nhiệm cho Ban liên lạc đặc biệt
chủ trì một hội nghị các trưởng ban giao thông liên lạc một số quân khu (từ Khu
4 trở ra) để phổ biến và bàn cách thực hiện nghị quyết. Cuộc họp tiến hành và kết
thúc tốt đẹp sau một ngày làm việc khẩn trương vào cuối tháng 12 năm 1947 tại
đình Mai Lĩnh.
Nhìn về tổ chức, lúc
này Ban đã phần nào hoàn chỉnh, có cán bộ chuyên trách từng bộ phận như: bộ phận
chuyên môn có đồng chí Đặng Trần Can (còn gọi là Can "già"), bộ phận
hỏa tốc có đồng chí Trần Văn Mỹ (còn gọi là Mỹ "nheo"), bộ phận hành
chính quản trị (gồm cả sửa xe đạp, xe máy) có đồng chí Nguyễn Côn. Ấy là chưa kể
cùng thời gian này cấp trên vừa bổ sung một đảng viên vào Ban phụ trách là đồng
chí Trần Sơn - người đảng viên đầu tiên của Ban.
Quân số của Ban lúc
này là 63 người. Ban đề nghị lên trên được chấp thuận lấy bí danh là Đại đội
63.
Việc tổ chức mạng
liên lạc chiến lược lúc này cũng chính là theo đúng tinh thần thư của Bác Hồ đã
gửi các đảng viên Bắc Bộ vào tháng 2 năm 1946, đoạn nói về công tác giao thông
liên lạc:
"Phải giữ vững
giao thông liên lạc giữa các tỉnh, các khu và giữa Trung Bộ, Nam Bộ và Bắc Bộ.
Giao thông là mạch máu của mọi việc. Giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao
thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng".
Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh
[1] Đồng chí
Hải Hạc là kỹ sư nông lâm, huynh trưởng hướng đạo, tổ chức ra đoàn hướng đạo ở
thôn nhà vào năm 1943. Đồng chí Hạc được đồng chí Hoàng Đạo Thúy giới thiệu vào
làm Quyền Trưởng phòng Thông tin lúc bấy giờ.
[2] Lúc đầu Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành
chính là hai tổ chức riêng. Thời gian ngắn sau sáp nhập làm một là Ủy ban hành
chính kháng chiến.
0 comments:
Đăng nhận xét