|
LÊ SĨ HỌC
|
Cuối năm 1946, tình
thế vô cùng khó khăn, phức tạp, giặc Pháp gây hấn khắp nơi ở Hà Nội đã gây căm
phẫn cao độ trong nhân dân nhất là tầng lớp thanh niên, học sinh chúng tôi
trong xã.
Những ngày đó tôi đang là ủy viên quân sự trong Ủy ban kháng chiến
xã. Theo nguyện vọng, được cấp trên đồng ý tôi được anh Nguyễn Hải Hạc giới thiệu
vào bộ đội. Anh Hạc đưa tôi đến Mai Lĩnh gặp anh Phạm Thành Vinh (bí danh là Hồng
Lĩnh) và biên chế tôi vào đội Liên lạc hỏa tốc thuộc Ban liên lạc đặc biệt do
anh Trần Văn Mỹ (thường gọi là Mỹ "nheo") làm đội trưởng.
Nhiệm vụ đầu tiên của
tôi là chuyển một bì công văn của Bộ Quốc phòng gửi cho một đơn vị ở Sơn La. Với
chiếc xe đạp cũ của nhà mang theo, tôi phóng một mạch theo đường số 6, khi tới
thị xã Hòa Bình thì trời đã tối. Tôi phải ghé vào một đơn vị để hỏi thăm đường
đi. Được biết là từ Hòa Bình lên Sơn La đường còn xa và phải qua nhiều đường rừng
dốc núi khó đi, lại có nhiều thú dữ không ai dám đi đêm. Ban chỉ huy Tiểu đoàn
nhận sẽ chuyển tiếp công văn đó đến nơi ngay sáng ngày hôm sau theo chuyến liên
lạc bằng ngựa đi Sơn La.
Trong tháng 1 năm
1947 cứ vài ngày, tôi lại được giao nhiệm vụ chuyển công văn đi một số cơ quan,
đơn vị cách xa khoảng 20 đến 30km, ở những nơi khuất nẻo không có đường cái lớn,
phải dò đi theo đường mòn, phần nhiều vào ban đêm, nhất là những đêm không
trăng, rất khó đi. Nhờ có đôi mắt tinh tường của tuổi thanh niên và thói quen
lượn vòng xe đạp từ thuở còn đi học ở các đường phố Hà Nội nên cũng quen dần,
không khó khăn gì lắm.
Đến tháng 3 năm
1947, giặc Pháp đánh nống ra các khu vực quanh Hà Nội, tình hình rất gay go, mặt
trận Hà Đông vỡ. Các cơ quan của Bộ được lệnh di chuyển, Ban liên lạc đặc biệt
cũng hành quân theo đường số 6 hướng Xuân Mai. Tôi được lệnh kèm một xe xích lô
chở đầy bản đồ. Đi được một đoạn đường, thấy đồng bào đang đi trên đường chạy
tóe sang hai bên, tiếng xe tăng, thiết giáp ầm ầm lẫn với tiếng súng liên thanh
nổ đằng sau. Tôi thúc anh đạp xích lô đạp nhanh, nhưng tiếng xe và tiếng nổ
ngày càng gần. Anh đạp xích lô bảo tôi là anh cho giấu xe vào bụi cây ven đường
bên trái, còn tôi tiếp tục phóng xe đạp như bay. Đi được một đoạn ngắn, tôi rẽ
sang phải theo một con đường nhỏ đi qua một cánh đồng rộng, đến một ngôi đình, ở
đấy một số anh em trong Ban cũng vừa tới. Đoàn xe của địch chạy vượt qua, tiến
thẳng lên Xuân Mai. Chiều đến, tôi và một đồng chí nữa (tôi không còn nhớ tên)
đi thám thính thấy địch đã rút về, tình hình trở lại yên tĩnh. Chúng tôi quay
trở lại chỗ cũ tìm thấy chiếc xe xích lô chở đầy bản đồ vẫn nguyên vẹn, nằm kín
trong bụi rậm. Dỡ bản đồ và chất tất cả ba lô đồ đạc lên một chiếc xe bò, tiếp
tục di chuyển, anh em thay nhau kéo, đẩy suốt đêm. Đến đêm hôm đó chúng tôi đến
thị xã Sơn Tây.
Hôm sau, trong cuộc
họp cán bộ của Ban ở thị xã Sơn Tây, tôi, anh Đỗ Khắc Quảng, Hoàng Đình Hiên và
một số đồng chí khác được phân về Ban liên lạc đặc biệt miền Nam (phía quốc
lộ số 6) do anh Phan Định phụ trách. Chúng tôi, mỗi người một xe đạp lên đường
ngay. Cơ quan Ban liên lạc sau cuộc họp của Ban liên lạc miền Nam, tôi là
"đạo trưởng" phụ trách tổ chức các trạm từ Bộ xuống Quân khu 4. Anh
Phan Định dự kiến tình hình và giao nhiệm vụ cho tôi như sau: "Đường liên
lạc đi Quân khu 4 không thể đi đường số 1 được vì tương lai sẽ bị địch uy hiếp,
do vậy đồng chí Học phải tìm một con đường "xuyên sơn" đi vào Quân
khu 4 ở Vinh và đặt các trạm chuyển công văn vào và ngược lại". Nhiệm vụ
thì nặng nề nhưng trong tay không có một quân, không một cán bộ giúp việc. Tôi
cùng với anh Phan Định vạch kế hoạch triển khai, chia làm ba bước thực hiện:
- Nghiên cứu vạch đường
trên bản đồ.
- Đi tìm đường và
liên hệ với địa phương trên tuyến đường.
- Tuyển quân tại
Quân khu 4 và các địa phương đặt trạm liên lạc.
Sau khi thống nhất
được đường đi trên bản đồ, tôi bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị lên đường. Vì
đường xa và qua nhiều đường rừng tôi được cấp một xe đạp tốt chính cống của
Pháp nhãn hiệu "Mercier", khung tốt, nhẹ và lắp đôi lốp mới. Xe không
phanh, không đèn, không chắn bùn, không chắn xích (anh em thường gọi là xe
"cởi truồng") với một chiếc "ba lô con cóc" từ thời còn là
"hướng đạo sinh" trường kỹ nghệ thực hành Hà Nội, trong đựng một bộ
quần áo mặc ngoài, 1 bộ lót, 1 khăn rửa mặt, 1 hộp thuốc đánh răng
"Gíp", bàn chải và một ít tiền công tác phí, tôi đạp xe một mình theo
đường đã vạch sẵn.
Tới Nho Quan, đi một
đoạn rồi qua độ 15 km đường rừng đến Đền Sòng, Phố Cát. Nơi đây có phong cảnh rất
đẹp. Trên là một ngôi đền, dưới là một con suối nước trong veo nhìn tới đáy sỏi,
hàng trăm con cá to bằng bắp chân lượn tung tăng. Thấy người trên bờ, chúng
chen chúc nhau xúm đông lại chờ người ném bỏng cho ăn... Từ đây đi đến Thạch
Thành, tuy là đường rải đá ô tô đi được, nhưng vì đã quá lâu, không có xe đi và
cũng không có ai tu sửa, nên cỏ cây bò ra đường che kín, chỉ còn lại hơn con đường
mòn một chút. Trên đoạn đường này có một sự kiện tôi nhớ mãi không quên.
Chẳng là khi đã qua
một quãng đường rừng khó đi, vừa dốc vừa lởm chởm đá sỏi thì tới một đoạn đường
dễ đi, bằng phẳng hơn, tôi để xe tự lao dốc thoải mái, đầu óc thảnh thơi đôi
chút... Đến đoạn quặt sang phải chợt thấy đường cụt, dưới là một con suối sâu,
cạn nước, toàn đá hộc và sỏi lớn, tôi vội "phanh" chân, lấy gót siết
mạnh vào lốp xe để hãm đến nỗi chiếc dép cao su bị gập đôi lại, gót chân bị xiết
cháy bỏng. Bánh xe trước vừa đến mép suối thì xe và người ngã sang một bên. Thật
hú vía, chỉ chậm 1/10 giây nữa là người và xe lao xuống vực suối, chẳng chết
cũng gẫy xương bất tỉnh. Dựng xe, ngồi dậy, vừa mừng, nhưng cũng vừa hoảng toát
mồ hôi hột. Đến nay nghĩ lại, tôi vẫn còn cảm giác kinh hoàng...
Qua Thạch Thành, tôi
đạp xe tiếp vào Vĩnh Lộc, nơi đây nổi tiếng có chè lam (gọi là chè lam Phủ Quảng)
vừa cứng, vừa giòn ăn ngon tuyệt vời. Từ Vĩnh Lộc qua Bái Thượng vào Nông Cống
rồi đi vào đường rừng qua nhiều bản của đồng bào thiểu số để đến Phủ Quỳ. Nơi
đây có một nông trường, nhiều hàng binh Âu-Phi đến tăng gia sản xuất. Qua đây
theo đường cái, tôi đi tiếp vào Đô Lương (huyện Anh Sơn) rồi từ Đô Lương theo
đường đất đỏ qua Nam
Đàn. Dừng lại ở đây, tôi tìm gặp đồng chí Chu Văn Biên là Chủ tịch huyện Nam
Đàn lúc bấy giờ. Đồng chí tiếp tôi rất niềm nở và tạo mọi điều kiện cho tôi làm
việc với các xã trong huyện.
Ngày hôm sau, đạp tiếp
20 km tôi tới Quân khu 4 đóng tại Vinh, lúc này thành phố Vinh hãy còn nguyên vẹn,
chưa thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Bộ Tư lệnh Quân khu vẫn đóng quân trong
thành phố, phố xá vẫn buôn bán sầm uất... Thấy tôi đến để tổ chức đường liên lạc
về Bộ, các đồng chí trong Bộ Tham mưu rất phấn khởi và hết sức giúp đỡ. Thế là
công tác tìm đường đã hoàn thành nhanh chóng và cũng có nhiều kỷ niệm lý thú.
Đường rừng nhiều dốc,
cô giao liên thấy tôi dắt xe đạp đi chậm bảo tôi đưa xe đạp cho cô ấy vác. Xe đạp
trên vai, cô giao liên leo dốc đi thoăn thoắt rất nhanh. Tôi chỉ đeo ba lô cố gắng
bước nhanh nhưng cũng không kịp. Đứng trên đỉnh dốc chờ tôi, cô bảo tôi phải đi
nhanh hơn nữa nếu không khi trở về trời sẽ tối mất. Ngồi nghỉ, lưng dựa vào ba
lô tôi thản nhiên trả lời: "Tối thì thôi, ngủ lại, mai về. Được
không?". Cô giao liên bé nhỏ xinh xinh mỉm cười im lặng...
Từ bé đến lớn, tôi
chỉ biết sống và đi học ở Hà Nội, chưa đi vào rừng sâu bao giờ nên bỡ ngỡ vô
cùng, thế mà tìm được con đường xuyên rừng từ miền Bắc vào miền Trung dài hàng
trăm cây số. Bây giờ nghĩ lại là một thành công và nhớ lời Bác dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần
dân liệu cũng xong". Cho nên kết quả tìm được đường là nhờ có dân giúp
đỡ. Vì vậy có thể nói đường liên lạc với Quân khu 4 là đường của dân.
Tôi bắt đầu công việc
tuyển quân và đặt trạm liên lạc. Công tác tuyển quân là nhờ Quân khu và Mặt trận
Việt Minh các địa phương giới thiệu người. Theo giấy giới thiệu, Bộ Tham mưu
Quân khu chọn một số chiến sĩ đã qua chiến đấu ở các đơn vị và cũng là những đồng
chí tốt, trung kiên chuyển lên Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy để làm việc. Số anh
em này là các đồng chí Đông, Thu "đen", Nguyễn Văn Viên, Thái Văn
Giêng, Ngô Chương, Báu, Lâm (người Thừa Thiên), Đặng Nhỏ, Đinh Trọng, v.v. tôi
không nhớ hết. Tôi nói rõ nhiệm vụ cụ thể rồi chuyển đi bố trí vào các trạm. Mỗi
trạm cách nhau khoảng 40 km đi một ngày đường là vừa. Nếu là đường rừng thì
quãng đường ngắn hơn (độ trên 20 km).
Trạm gần Quân khu nhất
là trạm Đô Lương cách thị trấn 1km. Tôi không nhớ tên đồng chí trạm trưởng. Tiếp
đó là trạm ở trong rừng: trạm ở bản Mou Me tại nhà ông trưởng bản. Trạm Mou Me
là trạm trong rừng sâu, khó khăn về tiếp tế thực phẩm; tôi cử đồng chí Đông làm
trạm trưởng và đồng chí Thu đến làm trạm phó (đồng chí Thu đen sau là Thiếu tướng
phụ trách Hậu cần Quân khu 7). Từ đó qua Như Xuân, Thạch Thành rồi đến Vĩnh Lộc.
Tôi đặt ở thị trấn Vĩnh Lộc một trạm tại nhà đồng chí Côn. Đồng chí Côn, đồng
chí Chương được địa phương giới thiệu nhập ngũ, tôi cử đồng chí Côn làm trạm
trưởng (đồng chí Côn nay đã mất). Đến Nông Cống tôi đặt ở Làng Sim một trạm ở
nhà đồng chí Tới. Đồng chí Tới và em là Mau đều được Mặt trận Việt Minh và chính quyền giới thiệu.
Tôi cử đồng chí Tới làm trạm trưởng. Đồng chí Mau sau này công tác ở Trung tâm
75 thuộc Tổng cục Tình báo, nay đã nghỉ hưu.
Về đến Nho Quan, tôi
đặt một trạm ở làng Sui (nhà bà Sướng) cách thị trấn gần 2 km. Đồng chí Nguyễn
Đình Viên được cử làm trạm trưởng, đồng chí Viên được dân giúp đỡ, lấy vợ ở đó.
Các trạm đã đặt xong, bắt đầu nhận chuyển các công văn, văn kiện. Chuyến công
văn đầu tiên của Quân khu 4 gửi ra đã tới Hòa Bình (trạm Phương Lâm) ngày 15
tháng 4 năm 1947, cái mốc đánh dấu đường liên lạc từ Bộ đến Quân khu 4 đã hình
thành; guồng máy Liên lạc đặc biệt miền Nam đã tổ chức xong và bắt đầu hoạt động.
Trạm bố trí đã khó
khăn như vậy, còn công tác hậu cần cũng không đơn giản, nhất là với các trạm ở
sâu miền rừng. Đạo trưởng phải thường xuyên đi trên đường nhưng mỗi tháng lại một
lần về ban lĩnh tiền và lần lượt qua các trạm, vừa để kiểm tra công tác, vừa
phát sinh hoạt phí, công tác phí và làm công tác chính trị (phổ biến thời sự,
tình hình thi đua ở các trạm khác, v.v.). Để hỗ trợ công tác giáo dục và công
tác động viên, chúng tôi ra một tờ báo lấy tên là "Cuốc bộ". Anh em rất thích vì tên báo đúng với công tác của
anh em, vừa hãnh diện với nhiệm vụ của mình, lại vừa dí dỏm... Cũng có tháng
lĩnh tiền chậm, đạo trưởng không đến cấp tiền được kịp thời, trạm ở rừng, đồng
chí Đông ở trạm Mou Me phải làm công tác dân vận nhờ đồng bào giúp đỡ, cho ăn uống.
Khi đạo trưởng đến phải thanh toán xong với đồng bào và xin lỗi về sự chậm trễ.
Chủ gia đình là đồng chí trưởng thôn cười vui vẻ và tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ. Đến
giữa năm 1948 vì đường rừng khó khăn, ở Ban có gửi cho các trạm một con ngựa khỏe,
đặt tên là "Đích" để đi đường rừng. Sau này lại rút về Ban.
Suốt cả quá trình
công tác, đường dây liên lạc không vi phạm một khuyết điểm nào, anh em liên lạc
viên rất tận tụy, luôn cảnh giác giữ gìn tài liệu, công văn rất cẩn thận không
để mất một công văn hay tài liệu nào. Đây là thành tích của cả một tập thể anh
em cán bộ trạm và liên lạc viên mà tôi chỉ là một cán bộ làm công tác tổ chức,
công tác dân vận và nối các trạm thành một đường dây thông suốt nối liền từ Bộ
đến Quân khu 4, chuyển tiếp vào Khu 5 và Nam Bộ.
Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh
0 comments:
Đăng nhận xét