Những ngày này con đường lên Tây Bắc vui
như trảy hội, mà đúng là đi trảy hội vì ở trên ấy có cả một sê – ri hội, Lễ hội
hoa đào Vân Hồ hồi tháng 1 năm 2019 cùng với “Vũ điệu thà khềnh” và bản sắc văn
hóa của người vùng cao, rồi đến Lễ hội hoa ban Điện Biên tháng 3 năm 2019.
|
Hoa ban Mường Phăng |
Đoàn chúng tôi đến Điện Biên thì lễ hội
hoa ban vừa kết thúc hai ngày trước, kể cũng tiếc vì không được tham gia các nội
dung phong phú của lễ hội vùng cao nhưng tinh thần lễ hội vẫn còn nguyên đấy:
hoa ban. Hoa ban trắng tinh khôi, hoa ban hồng ấm áp vẫn đung đưa chào đón những
đoàn khách từ miền xuôi lên với núi rừng. Đoàn khách viễn du của Hội Truyền thống
Phòng Quân lực Bộ Tham mưu Binh chủng Thông tin cả thảy có 20 người từ “U60” đến
“U90”, tuổi tác là vậy nhưng tinh thần lên Tây Bắc của mọi người “còn cao hơn
núi” đã lấn át đi cái sức lúc yếu lúc khỏe của tuổi xế chiều.
Trước khi lên đường, Giám đốc Công ty du
lịch Cội nguồn Ngô Văn Khanh dặn chúng tôi: “Các chú đi tham quan Sơn la, Điện
Biên lần này là rất vui và ý nghĩa vì năm nay kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử
Điện Biên Phủ nhưng đi du lịch tuyến đường này sẽ rất vất vả vì do địa hình núi
non hiểm trở nên đường liên tục đèo dốc, quanh co hay bị ù tai, chóng mặt”.
Trong đoàn nhiều người chưa lên Tây Bắc nên háo hức lắm, xe đi một mạch đến đỉnh
một con đèo mù sương, đó là đèo Thung Khe. Đây là điểm nghỉ chân đầu tiên trong
chặng hành trình, đúng là điểm nghỉ chân lý tưởng bởi vẻ đẹp hùng vĩ và khí hậu
ở đây, con đèo cao hơn 1000 mét so với mặt nước biển, nhô lên trên tầng mây trắng,
từ chân đèo lên đỉnh mà khí hậu đang nóng chuyển ngay sang mát mẻ, hai huyện
Tân Lạc và Mai Châu của tỉnh Hòa Bình cùng thừa hưởng ưu đãi của thiên nhiên vì
có con đèo này ở giữa.
|
Dừng chân trên đỉnh đèo Thung Khe |
Mỗi bước đi là một sự khám phá, cũng có khi là sự kiểm
nghiệm, đây rồi xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, hồi tháng 6 năm ngoái
còn nổi cộm lên với vụ phá án tiêu diệt 2 tên trùm buôn bán ma túy Nguyễn Văn
Thuận và Nguyễn Thanh Tuân, lực lượng chống buôn lậu và ma túy đã xóa sổ điểm
nóng này trả lại bình yên cho những gì vốn có của mảnh đất tươi đẹp này. Quả
nhiên hết mây đen thì bầu trời lại sáng, tháng 1 năm nay, tại Lóng Luông đã diễn
ra Lễ hội hoa đào, một đặc trưng của tình yêu, hạnh phúc của Vân Hồ, của Sơn La
và vùng cao Tây Bắc.
|
Hoa đào Vân Hồ, Sơn La |
Xe đi đến chân đèo Pha Đin, con đèo giáp gianh giữa huyện
Thuận Châu và Tuần Giáo của tỉnh Sơn La, tại đây năm nay người ta đã dựng lên một
tấm bia chiến thắng đỏ rực như tạc vào lịch sử những chiến công của quân dân ta
năm nào. Chúng tôi dừng chân chụp ảnh kỷ niệm cả đoàn, rồi lần lượt từng nhóm,
từng cặp vợ chồng tha hồ thả dáng… Đi dọc con đèo 32 cây số này đã gợi lên bao
câu chuyện về cuộc chiến năm xưa, bằng đôi vai gầy và đôi chân vạn dặm, hàng trăm
nghìn dân công, bộ đội, thanh niên xung phong đã gánh vác, thồ hàng nghìn tấn
lương thực và vũ khí đạn dược qua đây chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đây
cũng là điểm đánh phá dữ dội nhất của máy bay địch, ngày đêm chúng ném bom nhằm
cắt đứt con đường tiếp vận của ta. Xe lên đường cùng với bài thơ “Hoan hô chiến
sĩ Điện Biên” của Tố Hữu do giọng ngâm ấm ngọt chất miền Trung Kim Cúc – vợ
nguyên Trưởng phòng Ngô Văn Đương trình bày:
… Và những chị, những anh ngày đêm
ra tiền tuyến
Mấy tầng mây gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh, anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò, chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi
xanh…”
|
Dừng chân bên đèo Pha Đin |
Vào thăm nhà tù Sơn La, lại một lần nữa
mọi người chứng kiến sự khốc liệt của chế độ thực dân đối với tù chính trị của
ta, các thủ đoạn và đòn tra tấn của chúng triệt phá và cướp đi hoàn toàn sự sống,
ngược lại càng bị tra tấn dã man, các chiến sĩ cách mạng càng nung nấu niềm tin,
tìm cách phá gông xiềng vượt ngục. Sự sống nhen lên từ niềm tin như cây đào của
đồng chí Tô Hiệu trồng cách đây tròn 80 năm giờ vẫn vươn lên xanh tốt, một
nhánh cây được chiết đem về trồng bên Lăng Bác cũng xanh tươi, hoa thắm nở mỗi
độ xuân về.
|
Trước Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Nhà tù Sơn La |
|
Bên cây đào Tô Hiệu |
|
Thăm di tích Nhà tù Sơn la |
|
Tiếp tục lên đường |
Xe chúng tôi tiếp tục lên Điện Biên cùng
nhiều đoàn cựu chiến binh của Hà Nội và các tỉnh khác, một chiếc xe 45 chỗ vượt
lên để lại phía sau giọng đồng ca bài “Giải phóng Điện Biên” của các bác cựu
chiến binh. Từ trên cao, xe dần xuống dốc, hiện từ xa một cánh đồng bằng phẳng
và trắng xóa những ngôi nhà của đồng bào, đây rồi căn cứ Mường Phăng – Sở Chỉ
huy chiến dịch năm xưa.
|
SCH Mường Phăng |
|
Bên lán họp SCH |
|
Bếp Hoàng Cầm phục vụ SCH |
Bồi hồi thăm lại những lán hầm, nơi ở và làm việc của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng chiến dịch,
của Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy, rồi bếp Hoàng Cầm phục vụ Sở
chỉ huy Chiến dịch, tất cả thật đơn sơ, giản dị nhưng sự khiêm nhường ấy thật
là kỳ vỹ, điều đó chỉ có ở Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi dùng bữa trưa
tại Mường Phăng với các món ăn được chế biến từ các sản vật tại địa phương rất
lạ và ngon miệng. Trở lại thành phố Điện Biên Phủ, điểm đầu tiên ghé thăm là
nghĩa trang liệt sĩ, trong tiếng nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ” giữa một
nghĩa trang liệt sĩ rộng mênh mông ở nơi cách xa Thủ đô gần 600 cây số, tên Hội Truyền thống Phòng Quân lực, Binh chủng
Thông tin được Ban khánh tiết nghĩa trang đọc lên dõng dạc làm cho trái tim
mỗi chúng tôi rung lên mãnh liệt, thiêng liêng và tự hào! Chúng tôi chia nhau
đi thắp hương cho từng liệt sĩ, có 2 ngôi mộ nằm riêng một hàng, đó là mộ anh
hùng Bế Văn Đàn và anh hùng Tô Vĩnh Diện, mùi hương trầm ngây ngất, khói lam quấn
quít quanh mồ, hẳn các anh cũng vui lắm vì được nhiều đồng đội tới thăm nơi các
anh nằm. Rời nghĩa trang, chúng tôi tới “hầm Đờ - Cát”, nơi anh hùng Tạ Quốc Luật
chỉ huy tổ xung kích bắt sống tướng De castre vào sáng 7 tháng 5 năm 1954 (sau
này Đại tá Tạ Quốc Luật công tác tại Phòng Khoa học quân sự, Bộ Tham mưu, Binh
chủng Thông tin). Tham quan hầm cố thủ của tướng địch có thể chống được pháo
kích nặng nhất của ta lúc đó, tôi chợt liên tưởng tới chiếc lán ở và làm việc của
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Mường Phăng khác nhau một trời một vực,
một bên là sắt, thép, boong ke kiên cố, phục vụ sinh hoạt đến tận răng…, một
bên là lán tạm làm từ cây, lá rừng, núp dưới bóng cây rừng, sinh hoạt dùng nước
suối, ăn cơm tập thể bếp Hoàng Cầm, sống cùng bà con dân bản, thế nhưng chiến
thắng vẫn thuộc về chúng ta bởi chúng ta có chính nghĩa, có khối đại đoàn kết
toàn dân, có bạn bè ủng hộ…
|
Cổng Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ |
|
Trong Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ |
|
Trên nóc hầm De castre |
Tới thăm Đồi A1, cả đoàn ai cũng thấm mệt
nhưng vẫn quyết leo lên đỉnh quả đồi cao 49 mét so với mặt đất, đây là một điểm
cao có tác dụng quan trọng nhất, che sườn phía Đông và cùng các điểm cao khác tạo
thành bức bình phong bảo vệ trung tâm Mường Thanh của thực dân Pháp. Tại đây đã
diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của Trung đoàn 174 quân đội ta nhưng cũng
chỉ chiếm được nửa quả đồi, cho đến ngày cuối cùng của chiến dịch, vào đêm 6
tháng 5 năm 1954, quân đội ta đã đào một đường hầm bí mật để đặt khối bộc phá nặng
960 ki lô gam điểm hỏa lật tung cái lô cốt trên đỉnh đồi ta mới làm chủ được đồi
A1, trận đánh đó đã mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ huy tập
đoàn cứ điểm để giành thắng lợi toàn diện chiến dịch.
|
Trên đồi A1 |
Vào Bảo tàng Điện Biên Phủ, được giới
thiệu hệ thống toàn bộ chiến dịch và tương quan lực lượng, tuy hiện vật chưa thật
đầy đủ và phong phú nhưng qua đó mọi người đã phần nào hình dung ra quá khứ cuộc
chiến, về sự chiến đấu, hy sinh của quân đội và nhân dân ta vì độc lập, tự do của
Tổ quốc.
Những ngày ở Điện Biên, chúng tôi được sống
trong không khí ấm áp trước ngày lễ hội, trong hoài niệm chúng tôi thấy lịch sử
chảy về cuồn cuộn càng làm cho chuyến đi thêm nhiều ý nghĩa. Buổi tối cuối cùng
được giao lưu văn hóa với bà con dân tộc bản Mển, những điệu múa xòe, múa sạp,
những chiếc khăn piêu cùng tằng cẩu chao nghiêng… Các chị tranh thủ đi chợ mua
về nhà những đặc sản núi rừng, ngày mai thôi gần hai chục gia đình ở Hà Nội đều
được thưởng thức nồi cơm thổi từ gạo Điện Biên thơm ngào ngạt, những chai mật ong
vàng óng ánh cùng những trái đào Điện Biên nhai giòn tan cho trẻ.
|
Buổi sáng ở Thành phố Điện Biên |
|
Sáng sớm trên đường phố Điện Biên |
|
Giao lưu văn nghệ tại Bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên |
|
Giao lưu ẩm thực ở Bản Mển |
Trên chuyến xe trở về Hà Nội, mọi người
thấy lòng nhẹ nhàng, một chương trình văn nghệ nội bộ sôi nổi với những giọng
ca, giọng đọc như Hoàng Lập, Kim Cúc, Nguyễn Việt, Thu Vân, Hán Bình Lương, Ngọc
Thúy… Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Hoàng Lập cao hứng bắt nhịp cho cả
đoàn hát bài “Hát mãi khúc quân hành” , tiếng hát vang xa trong đêm, khi bài
hát kết thúc cũng là lúc xe về tới điểm hẹn.
Bài
và ảnh: Thân Ngọc Thúy
0 comments:
Đăng nhận xét