1.2.25

Đường lên đỉnh núi Ti On

Đinh Kỷ

Tại vị trí tập kết của tiểu đoàn ở chiến trường Tây Nguyên, giữa tháng 2 năm 1975, nhiệm vụ đã được giao. Chia tay chúng tôi, anh Lưu Đức Doanh, đại đội trưởng, Phạm Quang Liệu - chính trị viên phó đưa trung đội do Nguyễn Văn Bớt làm trung đội trưởng tiếp tục hành quân đi cơ động cho chiến dịch. Để lại tôi và anh Nguyễn Văn Diến - chính trị viên chỉ huy đại đội phải chiếm lĩnh hai cao điểm bảo đảm liên lạc trên đường trục thông tin của tiểu đoàn từ Hà Nội vào chiến trường B2, trước mắt là phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Anh Diến đi cùng với trung đội đồng chí Nguyễn Xuân Liên lên cao điểm núi Chư Mom Ray. Tôi dẫn trung đội đồng chí Ngô Đăng Chữ lên cao điểm núi Ti On.

Với bản lĩnh của người chiến sĩ thông tin tiếp sức đã được tham gia triển khai thông tin phục vụ chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thuộc trung đội anh Đào Kim Kính của C12; sau đó là làm trạm trưởng trạm tiếp sức của C13 được đi cơ động phục vụ cho hướng tiến công vào Huế ở chiến dịch Quảng Trị năm 1972, nên tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm. Với cương vị là một người cán bộ đại đội phó vừa mới được bổ nhiệm, tôi rất tự tin và đặc biệt là được sự ủng hộ và yêu mến của anh em trong đơn vị. Cuộc hành quân tiếp tục, từ vị trí tập kết vào đến chân núi Ti On chúng tôi phải hành quân mất một ngày đường. Vào đến chân núi phải qua một bản làng dân tộc người Ráy thuộc tỉnh Kon Tum. Sau một ngày ổn định nơi ăn ở cho bộ phận dưới núi, đồng thời làm công tác dân vận, tìm hiểu địa danh, tìm hiểu địch tình, tìm hiểu những đơn vị bộ đội đóng quân gần, xa để tiện việc quan hệ giúp đỡ. Ngày hôm sau trừ các đồng chí lái xe ở lại bảo quản, tìm nơi cất giấu xe, còn lại toàn trung đội vận chuyển khí tài, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vũ khí, cuốc xẻng lên núi đào hầm đặt máy thông tin, dựng lán trại đủ bảo đảm cho một tiểu đội 8 đồng chí ăn ở bảo đảm thông tin, sau một tuần thì đổi kíp.

Đỉnh núi Ti On với độ cao trên 1.000m, đường lên rất hiểm trở, rừng già, vắt, muỗi nhiều. Theo người dân kể lại: Nơi đây là một trận địa của dân quân du kích. Vào năm bao nhiêu đó tôi không còn nhớ rõ đã xảy ra cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa ta và địch nên dọc đường lên núi có thể còn sót lại những vũ khí, bom, mìn, cạm bẫy mà bây giờ người dân địa phương cũng không thể lường biết được hết. Đây quả là một thách thức lớn đến với chúng tôi và còn rất nhiều những khó khăn, gian khổ đang ở phía trước. Nhưng tất cả phải vượt lên để chinh phục được đỉnh núi này cho cánh sóng vươn cao, vươn xa vào chiến trường Nam Bộ. Trước mắt là phục vụ chiến đấu giải phóng Tây Nguyên. Mọi công việc đã được đồng chí trung đội trưởng sắp đặt cụ thể, mang vác phù hợp với sức khỏe của mọi người. Ai nấy đều phấn khởi, vui vẻ chuẩn bị gọn gàng, đầy đủ mọi thứ được giao cũng như trang bị cá nhân để sẵn sàng lên núi, chỉ tiếc là hôm ấy không có người dẫn đường mặc dù tôi đã có liên hệ nhưng bà con dân bản nói không cần, các chú cứ đi theo con đường mòn mới mà lên, dân bản vẫn thường đi. Cuộc hành quân lên núi thật quả đã quá quen thuộc với lính tiếp sức do vậy mà không ai phải chần chừ do dự.

Đi đầu là trung đội trưởng Ngô Đăng Chữ, Bùi Xuân Hòa - tiểu đội phó, Nguyễn Văn Lanh cơ công vô tuyến điện... Đi cuối cùng là tôi và đồng chí Tuấn y tá. Tất cả có trên 20 đồng chí thành một hàng dọc dìu dắt nhau hành quân. Sau hơn một giờ hành quân, quãng đường chúng tôi đã đi qua ước chừng được khoảng bảy, tám trăm mét. Thế rồi tự nhiên tôi thấy hai bàn chân ngứa ngáy rất khó chịu, tôi dừng lại một chút cởi giày ra, thấy đôi chân của tôi loang lổ nhiều máu, 4 chú vắt đất vẫn cong mình, chúi đầu thi nhau hút máu ở bàn chân tôi. Trong giày còn xuất hiện 3 chú đã hút máu no căng, nằm cuộn tròn như những hạt nhãn đen sì, làm tôi choáng hết cả người. Nhanh chóng giải quyết xong mấy chú vắt, tôi đứng dậy đi tiếp. Trước mắt tôi vẫn là đoàn quân đang hành tiến và bỏ xa tôi vào khoảng 3 chục mét, chỉ có y tá Tuấn là đứng lại chờ tôi và vẫy gọi. Vẫn là những bước chân của tôi trên con đường mòn ở dải đất bằng phẳng này, vậy mà không hiểu tại sao, trong người thấy lạnh toát như có một luồng gió độc thoáng qua dun dủi tôi loạng choạng bước chân ra khỏi đường mòn chừng độ hơn một mét thì ngã ập xuống, hai cánh tay còn dang ra được để chống đỡ. Nhưng đôi cẳng chân đang bị hung khí gì đó cắn rứt ngang dọc suốt từ đầu gối trở xuống rất nhức và buốt đến tận óc. Tôi kêu thất thanh được hai tiếng (cứu, cứu). Thế rồi chỉ trong giây phút cứ xỉu dần, xỉu dần và gục đầu xuống đất, nghe láng máng có tiếng người gọi ai đó và những tiếng huỳnh huỵch trên mặt đất vội vã và thưa dần văng vẳng trong tai tôi. Có lẽ đồng đội đang chạy lại cứu tôi. Từ đó, tôi bất tỉnh nhân sự không còn biết gì nữa.

Sau khi được y tá Tuấn và anh em sơ cứu. Tỉnh lại tôi ân hận quá vì chưa làm được việc gì, lại thêm gánh nặng cho anh em rồi. Tôi nói với anh em: có lẽ bị vắt cắn ra nhiều máu quá, đứng lên đã hoa mắt, lại đeo nặng, bước đi thấy loạng choạng thế rồi chẳng may lao đúng vào nơi có vũ khí của trận địa cũ chăng.

Đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, có tới 13, 14 mũi chông xuyên dọc xuyên ngang vào hai chân tôi. Mọi người nhìn tôi với một ánh mắt đầy thương xót. Một nỗi niềm luyến tiếc bắt buộc tôi phải trở về phía sau. Lúc ấy đồng chí Bùi Xuân Hòa là tiểu đội phó (năm 2006 đã là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 614), là người thương quý tôi nhất và rất lo lắng đến tính mạng của tôi, đồng chí đã khẩn khoản đề nghị với trung đội trưởng, để được trực tiếp cùng y tá Nguyễn Văn Tuấn và một đồng chí nữa khiêng cáng, cõng tôi quay trở xuống cho an toàn. Xuống đến chân núi, Hòa mới an tâm vui cười động viên tôi yên tâm vào viện điều trị. Bùi Xuân Hòa một mình tiếp tục rảo bước lên núi ngay. Đồng chí Tuấn y tá và một lái xe chở tôi ra trạm y tế của huyện 40 Kon Tum. Nằm ở đó 3 ngày nhưng không có đủ điều kiện để phẫu thuật lại vào gọi đơn vị cho xe chở tôi ra Đội 6 đội giải phẫu trạm quân y của Trung đoàn 10 đơn vị công binh. Bác sỹ quân y trung đoàn xem bệnh án của tôi ở D4 Bộ Tư lệnh Thông tin đã ân cần hỏi chuyện tôi, có biết Mẫu Bá Cát không? Tôi nói chuyện Mẫu Bá Cát là tài xế lái xe ở đơn vị tôi, hiện nay đi với đồng chí đại đội trưởng vào sở chỉ huy chiến dịch rồi, vậy còn bác sĩ là ai mà hỏi đến Mẫu Bá Cát? Tôi là Mẫu Bá Phèn anh trai của Mẫu Bá Cát. Vậy là may mắn cho tôi được gặp quý nhân phù trợ rồi. Đồng chí Phèn đích thân ra tay phẫu thuật, gắp được hết những mũi chông gẫy cắm sâu vào bàn chân, bắp chân của tôi, đặc biệt là công tác giải phẫu chống nhiễm trùng được bác sĩ hết sức chú trọng đến. Trong một tuần đầu nằm, ngồi đôi chân bất động nhưng được các y, bác sĩ chăm sóc rất chu đáo. Sau đó 20 ngày, các vết thương đã lành, sức khỏe được hồi phục, tôi được xuất viện trở về đơn vị công tác. Lúc này cũng là lúc chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, tôi lại được cùng anh em ngày đêm bảo đảm thông tin phục vụ chiến đấu tiếp cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

Đội văn nghệ Trung đoàn 134

Đại tá Phạm Bá Hiến - nguyên cán bộ Trung đoàn 134

Nhớ về cội nguồn, biết ơn cội nguồn là một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

"Cây có gốc mới nẩy cành, xanh ngọn

Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu".

Con người ta, ai cũng có quê hương để mà thương, mà nhớ, mà tự hào. Người lính thông tin chúng tôi cũng vậy, sau quê hương đúng nghĩa của nó, còn có một quê hương thứ hai. Đó là đơn vị mình nhập ngũ đầu tiên, nơi đấy có biết bao kỷ niệm; có những kỷ niệm không bao giờ quên. Nói như anh bạn văn nghệ của tôi thì nơi ấy là mối tình đầu; "Tình cũ không rủ cũng đến", quả thật như vậy, hễ nói đến gặp mặt bạn chiến đấu Trung đoàn là từ già đến trẻ, từ người ở nông thôn đến thành thị ai nấy đều háo hức, hồi hộp mong thời gian trôi nhanh để được "đến hẹn lại lên".

Trong cái quê hương rộng lớn của Trung đoàn 134 tôi còn có nhiều kỷ niệm với cái gia đình nho nhỏ mà rất đỗi thân thuộc của tôi. Đó là Đội văn nghệ Trung đoàn.

Sau thất bại trong "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc "chiến tranh cục bộ", tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam, mặt khác mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc với ý đồ "đẩy Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá". Để đáp ứng yêu cầu đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ngày 8 tháng 8 năm 1966, Trung đoàn 134 hữu tuyến điện được thành lập, trên cơ sở Tiểu đoàn 134. Trung đoàn đóng quân phân tán trải khắp miền Bắc từ rừng phi lao Móng Cái đến Quảng Bình, Vĩnh Linh với hàng chục trạm cơ vụ, hàng trăm tổ đường dây. Những người lính thông tin hữu tuyến điện thời đó kiên cường, bám trụ ngày đêm chiến đấu trên đôi dây với đủ loại kẻ thù: bom đạn, biệt kích, thám báo, gió bão, lũ lụt, thú rừng, rắn rết, đói rét và thiếu thốn đủ đường. Ước ao của người lính lúc đó cũng thật bình dị. Có anh ước được gần mẹ, gần chị, gần em để khâu vá cho bộ quần áo lành lặn mặc đi chữa dây để các cô gái nhìn thấy khỏi cười. Trước yêu cầu đòi hỏi về đời sống tinh thần của bộ đội, Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn ra Nghị quyết thành lập Đội văn nghệ xung kích, với quy mô gọn, nhẹ, thiết thực. Có nhiệm vụ tham gia làm chuyên môn khi cần thiết, khâu vá, cắt tóc và biểu diễn văn nghệ phục vụ các tổ, trạm trên toàn tuyến Trung đoàn, trước hết ưu tiên cho tuyến lửa phía Nam từ Thanh Hóa trở vào Vĩnh Linh.

Trong bài "Cả nhà là chiến sĩ thông tin" đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 24 tháng 9 năm 1967, tác giả Bùi Á viết: "Cả nhà là chiến sĩ thông tin là một vở chèo của đội nghệ thuật nghiệp dư, đơn vị bảo vệ đường dây X, Cục Thông tin liên lạc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội nghệ thuật này thành lập tháng 8 năm 1966, gồm 15 người, trong đó có 7 nữ là chiến sĩ thông tin tích cực trong công tác và dũng cảm trong chiến đấu. Trong những tháng cuối năm 1966 đầu năm 1967, đội đã đi bộ hơn 500 cây số vào tuyến lửa để làm công tác chuyên môn và biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ bảo vệ đường dây. Hầu hết các tiết mục nghệ thuật của đội là các vở chèo, tấu, thơ, dân ca do anh chị em trong đội sáng tác và biểu diễn".

Nếu tôi nhớ không nhầm thì sáu cô gái thông tin trẻ trung lúc đó là: Lê Thị Cửu, Lê Thị Bích Lộc, Dương Thị Lệ Phái, Đinh Thị Tuyết Lan, Nguyễn Thị Kim Tiến và Nguyễn Thị Kim Tuyến. Các chàng trai có mặt ngày đầu thành lập đội văn nghệ là Nguyễn Duy Nhuệ (nhà thơ Nguyễn Duy) biệt danh "Tổng Cóc", Đào Văn Doanh, Nguyễn Văn Thời, Nguyễn Văn Thỏa, Nguyễn Cao Nhẫn, Dương Hữu Cay, Hoàng Dĩ... Thoắt một cái đã bốn mươi năm, bây giờ gặp nhau đã lên ông bà nội, ngoại cả rồi.

Đội văn nghệ xung kích của Trung đoàn được thủ trưởng và Ban Chính trị Trung đoàn quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, đầu tư về con người, về cơ sở vật chất, nhất là về nội dung tuyên truyền văn hóa, văn nghệ. Đội văn nghệ được coi là một phương tiện đưa nghị quyết của Đảng ủy Trung đoàn đến các tổ, trạm đường dây hiệu quả nhất. Mỗi bước tiến bộ, trưởng thành của Đội văn nghệ Trung đoàn đều có sự chỉ đạo, giúp đỡ của Phòng Tuyên huấn Binh chủng. Đặc biệt là sự quan tâm dìu dắt của đồng chí Nguyễn Văn Khoan, Trợ lý văn hóa Binh chủng nay là tiến sĩ sử học.

Sau chuyến đi công tác động xuân 1966-1967 đạt kết quả tốt, đội tiếp tục được củng cố và chuẩn bị cho các chuyến đi phục vụ xa hơn, khó khăn ác liệt hơn.

Đội văn nghệ Trung đoàn được các nhà đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ chuyên nghiệp trong quân đội đến dạy hát, dạy múa, giúp đội đạt được các giải cao trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng của Binh chủng Thông tin liên lạc và của Bộ Tổng tham mưu, giúp đội có chương trình chất lượng cao hơn để phục vụ bộ đội tốt hơn. Cảm động nhất là nhìn thấy các thầy như: Vũ Trọng Hối, Văn An, Nguyễn Đức Toàn, Hoa Vinh xoay trần ra "đánh vật" với đội văn nghệ dưới tiếng máy bay phản lực gầm rít trên bầu trời, trong tiếng bom rơi, đạn nổ, để có những tiết mục văn nghệ, cánh lính đường dây còn nhớ mãi đến bây giờ như bài hát "Đường dây ai rải qua rừng", "Đường tôi đi dài theo đất nước", "Tấu cóc", hoạt cảnh chèo "Cả nhà là chiến sĩ thông tin". Nhạc sĩ Quốc Bảo, Thanh Phúc biên tập chuyên mục "Chiến sĩ ta ca hát", chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân đã nhiều lần trực tiếp giúp đội dàn dựng chương trình phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Tiếng hát của đội đã vượt ra khỏi các trạm cơ vụ, các tổ đường dây bay vào vũ trụ, lan tỏa đi khắp năm châu, bốn biển hòa quyện cùng tiếng hát của toàn dân, toàn quân át đi tiếng bom đạn của quân thù, góp phần vào chiến thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

"Tiếng lành đồn xa", Đội văn nghệ Trung đoàn được các đơn vị bạn mời đi biểu diễn phục vụ bộ đội, được cấp trên chỉ định biểu diễn báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, được cấp trên khen ngợi.

Đội văn nghệ Trung đoàn tồn tại, phát triển cùng với sự lớn mạnh và trưởng thành của Trung đoàn, lớp lớp kế tiếp nhau, lứa đàn chị, đàn anh do yêu cầu nhiệm vụ đi học hoặc bổ sung sang đơn vị khác, lứa đàn em lại thay thế như một dòng chảy không bao giờ ngừng. Tôi còn nhớ chuyến đội đi làm nhiệm vụ ở phía Nam cuối năm 1969, đầu năm 1970, anh chị em hầu hết mới nhập ngũ như Lê Thị Xuyến, Vũ Thị Nhung, Nguyễn Văn Thanh, Đào Văn Lịch, Lê Xuân Số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thủ trưởng Trung đoàn giao. Những năm sau đó, đội văn nghệ do anh Hồng, anh Sức lãnh đạo đã kế tục xứng đáng truyền thống của đội.

Bước vào phòng truyền thống Trung đoàn 134 anh hùng hôm nay, tôi bồi hồi, xúc động trước những hình ảnh, hiện vật mang những dấu ấn chiến công của cán bộ, chiến sĩ các thế hệ đã chiến đấu, công tác ở Trung đoàn. Ngước nhìn lên lá quân kỳ của Trung đoàn lấp lánh những tấm huân chương cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, tôi thầm nghĩ trong đó có những chiến công thầm lặng của Đội văn nghệ Trung đoàn.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)