1.2.25

Đường lên đỉnh núi Ti On

Đinh Kỷ

Tại vị trí tập kết của tiểu đoàn ở chiến trường Tây Nguyên, giữa tháng 2 năm 1975, nhiệm vụ đã được giao. Chia tay chúng tôi, anh Lưu Đức Doanh, đại đội trưởng, Phạm Quang Liệu - chính trị viên phó đưa trung đội do Nguyễn Văn Bớt làm trung đội trưởng tiếp tục hành quân đi cơ động cho chiến dịch. Để lại tôi và anh Nguyễn Văn Diến - chính trị viên chỉ huy đại đội phải chiếm lĩnh hai cao điểm bảo đảm liên lạc trên đường trục thông tin của tiểu đoàn từ Hà Nội vào chiến trường B2, trước mắt là phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Anh Diến đi cùng với trung đội đồng chí Nguyễn Xuân Liên lên cao điểm núi Chư Mom Ray. Tôi dẫn trung đội đồng chí Ngô Đăng Chữ lên cao điểm núi Ti On.

Với bản lĩnh của người chiến sĩ thông tin tiếp sức đã được tham gia triển khai thông tin phục vụ chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thuộc trung đội anh Đào Kim Kính của C12; sau đó là làm trạm trưởng trạm tiếp sức của C13 được đi cơ động phục vụ cho hướng tiến công vào Huế ở chiến dịch Quảng Trị năm 1972, nên tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm. Với cương vị là một người cán bộ đại đội phó vừa mới được bổ nhiệm, tôi rất tự tin và đặc biệt là được sự ủng hộ và yêu mến của anh em trong đơn vị. Cuộc hành quân tiếp tục, từ vị trí tập kết vào đến chân núi Ti On chúng tôi phải hành quân mất một ngày đường. Vào đến chân núi phải qua một bản làng dân tộc người Ráy thuộc tỉnh Kon Tum. Sau một ngày ổn định nơi ăn ở cho bộ phận dưới núi, đồng thời làm công tác dân vận, tìm hiểu địa danh, tìm hiểu địch tình, tìm hiểu những đơn vị bộ đội đóng quân gần, xa để tiện việc quan hệ giúp đỡ. Ngày hôm sau trừ các đồng chí lái xe ở lại bảo quản, tìm nơi cất giấu xe, còn lại toàn trung đội vận chuyển khí tài, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vũ khí, cuốc xẻng lên núi đào hầm đặt máy thông tin, dựng lán trại đủ bảo đảm cho một tiểu đội 8 đồng chí ăn ở bảo đảm thông tin, sau một tuần thì đổi kíp.

Đỉnh núi Ti On với độ cao trên 1.000m, đường lên rất hiểm trở, rừng già, vắt, muỗi nhiều. Theo người dân kể lại: Nơi đây là một trận địa của dân quân du kích. Vào năm bao nhiêu đó tôi không còn nhớ rõ đã xảy ra cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa ta và địch nên dọc đường lên núi có thể còn sót lại những vũ khí, bom, mìn, cạm bẫy mà bây giờ người dân địa phương cũng không thể lường biết được hết. Đây quả là một thách thức lớn đến với chúng tôi và còn rất nhiều những khó khăn, gian khổ đang ở phía trước. Nhưng tất cả phải vượt lên để chinh phục được đỉnh núi này cho cánh sóng vươn cao, vươn xa vào chiến trường Nam Bộ. Trước mắt là phục vụ chiến đấu giải phóng Tây Nguyên. Mọi công việc đã được đồng chí trung đội trưởng sắp đặt cụ thể, mang vác phù hợp với sức khỏe của mọi người. Ai nấy đều phấn khởi, vui vẻ chuẩn bị gọn gàng, đầy đủ mọi thứ được giao cũng như trang bị cá nhân để sẵn sàng lên núi, chỉ tiếc là hôm ấy không có người dẫn đường mặc dù tôi đã có liên hệ nhưng bà con dân bản nói không cần, các chú cứ đi theo con đường mòn mới mà lên, dân bản vẫn thường đi. Cuộc hành quân lên núi thật quả đã quá quen thuộc với lính tiếp sức do vậy mà không ai phải chần chừ do dự.

Đi đầu là trung đội trưởng Ngô Đăng Chữ, Bùi Xuân Hòa - tiểu đội phó, Nguyễn Văn Lanh cơ công vô tuyến điện... Đi cuối cùng là tôi và đồng chí Tuấn y tá. Tất cả có trên 20 đồng chí thành một hàng dọc dìu dắt nhau hành quân. Sau hơn một giờ hành quân, quãng đường chúng tôi đã đi qua ước chừng được khoảng bảy, tám trăm mét. Thế rồi tự nhiên tôi thấy hai bàn chân ngứa ngáy rất khó chịu, tôi dừng lại một chút cởi giày ra, thấy đôi chân của tôi loang lổ nhiều máu, 4 chú vắt đất vẫn cong mình, chúi đầu thi nhau hút máu ở bàn chân tôi. Trong giày còn xuất hiện 3 chú đã hút máu no căng, nằm cuộn tròn như những hạt nhãn đen sì, làm tôi choáng hết cả người. Nhanh chóng giải quyết xong mấy chú vắt, tôi đứng dậy đi tiếp. Trước mắt tôi vẫn là đoàn quân đang hành tiến và bỏ xa tôi vào khoảng 3 chục mét, chỉ có y tá Tuấn là đứng lại chờ tôi và vẫy gọi. Vẫn là những bước chân của tôi trên con đường mòn ở dải đất bằng phẳng này, vậy mà không hiểu tại sao, trong người thấy lạnh toát như có một luồng gió độc thoáng qua dun dủi tôi loạng choạng bước chân ra khỏi đường mòn chừng độ hơn một mét thì ngã ập xuống, hai cánh tay còn dang ra được để chống đỡ. Nhưng đôi cẳng chân đang bị hung khí gì đó cắn rứt ngang dọc suốt từ đầu gối trở xuống rất nhức và buốt đến tận óc. Tôi kêu thất thanh được hai tiếng (cứu, cứu). Thế rồi chỉ trong giây phút cứ xỉu dần, xỉu dần và gục đầu xuống đất, nghe láng máng có tiếng người gọi ai đó và những tiếng huỳnh huỵch trên mặt đất vội vã và thưa dần văng vẳng trong tai tôi. Có lẽ đồng đội đang chạy lại cứu tôi. Từ đó, tôi bất tỉnh nhân sự không còn biết gì nữa.

Sau khi được y tá Tuấn và anh em sơ cứu. Tỉnh lại tôi ân hận quá vì chưa làm được việc gì, lại thêm gánh nặng cho anh em rồi. Tôi nói với anh em: có lẽ bị vắt cắn ra nhiều máu quá, đứng lên đã hoa mắt, lại đeo nặng, bước đi thấy loạng choạng thế rồi chẳng may lao đúng vào nơi có vũ khí của trận địa cũ chăng.

Đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, có tới 13, 14 mũi chông xuyên dọc xuyên ngang vào hai chân tôi. Mọi người nhìn tôi với một ánh mắt đầy thương xót. Một nỗi niềm luyến tiếc bắt buộc tôi phải trở về phía sau. Lúc ấy đồng chí Bùi Xuân Hòa là tiểu đội phó (năm 2006 đã là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 614), là người thương quý tôi nhất và rất lo lắng đến tính mạng của tôi, đồng chí đã khẩn khoản đề nghị với trung đội trưởng, để được trực tiếp cùng y tá Nguyễn Văn Tuấn và một đồng chí nữa khiêng cáng, cõng tôi quay trở xuống cho an toàn. Xuống đến chân núi, Hòa mới an tâm vui cười động viên tôi yên tâm vào viện điều trị. Bùi Xuân Hòa một mình tiếp tục rảo bước lên núi ngay. Đồng chí Tuấn y tá và một lái xe chở tôi ra trạm y tế của huyện 40 Kon Tum. Nằm ở đó 3 ngày nhưng không có đủ điều kiện để phẫu thuật lại vào gọi đơn vị cho xe chở tôi ra Đội 6 đội giải phẫu trạm quân y của Trung đoàn 10 đơn vị công binh. Bác sỹ quân y trung đoàn xem bệnh án của tôi ở D4 Bộ Tư lệnh Thông tin đã ân cần hỏi chuyện tôi, có biết Mẫu Bá Cát không? Tôi nói chuyện Mẫu Bá Cát là tài xế lái xe ở đơn vị tôi, hiện nay đi với đồng chí đại đội trưởng vào sở chỉ huy chiến dịch rồi, vậy còn bác sĩ là ai mà hỏi đến Mẫu Bá Cát? Tôi là Mẫu Bá Phèn anh trai của Mẫu Bá Cát. Vậy là may mắn cho tôi được gặp quý nhân phù trợ rồi. Đồng chí Phèn đích thân ra tay phẫu thuật, gắp được hết những mũi chông gẫy cắm sâu vào bàn chân, bắp chân của tôi, đặc biệt là công tác giải phẫu chống nhiễm trùng được bác sĩ hết sức chú trọng đến. Trong một tuần đầu nằm, ngồi đôi chân bất động nhưng được các y, bác sĩ chăm sóc rất chu đáo. Sau đó 20 ngày, các vết thương đã lành, sức khỏe được hồi phục, tôi được xuất viện trở về đơn vị công tác. Lúc này cũng là lúc chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, tôi lại được cùng anh em ngày đêm bảo đảm thông tin phục vụ chiến đấu tiếp cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét