8/3/15

Lên đường hạnh phúc (phần 2/5)



(Hồi ký của đồng chí Hoàng Đạo Thúy - phần 2/5)
II. ĐƯỜNG MỞ RỘNG
Sau Đại hội thi đua, tôi nhận việc, thế là lại được trở lại ngành Thông tin.
Gọi là Cục, nhưng cơ sở chính chỉ là Sở Vô tuyến điện Việt Nam với những thứ mà đem từ Hà Nội ra được. Trong dịp thi đua “gây cơ sở, phá kỷ lục”, đồng chí Nguyễn Văn Tình và anh em đã bắt đầu lắp được mấy kiểu máy, tổ chức cơ quan phát triển cơ sở máy móc, nhất là xây dựng và duy trì được Đài “Tiếng nói Việt Nam”, suýt được Bộ xếp vào giải thi đua thứ nhất. Ngoài ra, còn có Phòng Thông tin của Bộ với đồng chí Nguyễn Mai, nguyên tham tá bậc cao của Bưu điện, với một Ban Điện thoại, một đội liên lạc chân của đồng chí Sinh Hùng. Đội vô tuyến điện 59 với đồng chí Nguyễn Văn Nho và xưởng sửa chữa của đồng chí Lê Dung, phòng liên lạc Đông Phương với đồng chí Hoàng Quý, thầy giáo người Nghệ. Liên lạc đội Sinh Hùng làm các liên lạc quân sự. Phòng Đông Phương thì phục vụ trực tiếp Bộ Quốc phòng, đi các khu, tỉnh, đơn vị, có khi chuyển cả tiền, sách vở. Các bộ trong Chính phủ cũng hay nhờ Đông Phương chuyển các khoản đặc biệt.
Xin thêm cán bộ. Chưa được. Cán bộ thông tin quân sự thì không có rồi. Cán bộ bộ binh cũng khó, chưa biết bao giờ có. Kể ra như thế, trong cách mạng, thì “không có” cũng là tình thế tự nhiên thôi.
Nhiệm vụ được trao rồi. Phải xoay xở thôi! Không chần chờ được! Không đợi được! Phải bắt tay vào làm ngay.
Năm 1945, đã làm mạng chỉ huy từ Bộ đến các đơn vị. Năm nay là mạng thông tin ở mỗi đơn vị lớn, nhỏ, từ Bộ đến khu, đến đại đội bộ binh. Tức là tổ chức cả ngành binh.
Cứ nghĩ đến danh từ “Tổng phản công” mà nóng cháy gan, cháy ruột. Đợi gì mấy được chứ?
Cũng may là, các tổ chức cũ vẫn chạy đều, mạng chỉ huy vẫn thông suốt, các cán bộ VTĐ, các báo vụ viên đã vượt thời kỳ gay go nhất, thông suốt Bắc Nam, Nam Bắc, các miền tự do, các khu sau địch, gọi nhau được cả. Về tất cả các việc máy móc, đã có đồng chí Nguyễn Văn Tình. Đồng chí Lê Đức Thọ (Phương Liệt) nguyên là Giám đốc Ty Sự vụ, là một tay tháo vát, có thể kiêm rất nhiều việc, chạy giỏi.
Khốn nỗi, thông tin liên lạc là một binh chủng rất mới. Bộ Tổng Tham mưu chưa đồng ý cho gọi là một “binh chủng”. Nhưng thấy vẫn cứ phải nhằm xây dựng binh chủng “Binh chủng” ấy. Trước đây, ngay Pháp cũng chỉ có những đội VTĐ riêng, những đội điện thoại đặt trong công binh. Thời kỳ đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều tướng cũng chưa tin, chưa quen dùng VTĐ. Có ông nhận được máy thì cho cất cả vào kho. Còn nói gì ở một nước hôm qua vẫn còn là thuộc địa. Nắn bụng mình thì thấy bất quá chỉ là một anh thầy giáo tiểu học. Nhưng Cách mạng cho phép vùng lên! Coi thời gian trước như một sự huấn luyện.
Làm thế nào? Làm thế nào thì làm. Nhiệm vụ đã được trao cho rồi. Không những phải làm hết sức mình, mà nhất định phải làm được việc. Ra rừng, suy nghĩ. Đặt rõ vấn đề mà suy nghĩ. Ôn lại các trận lớn nhỏ trong sử nước nhà rồi các trận gần đây. Chỗ nào nếu có liên lạc thì lợi như thế nào. Chỗ vì không có liên lạc, thiệt thòi như thế nào. Liên lạc bằng cách nào. Bây giờ ta có thể làm thế nào. Chỉ xem một trận Phủ Thông cũng thấy ngay là có liên lạc thì kết quả trận đánh sẽ khác thế nào rồi.
Nhớ lại các tài liệu mà trước đây đọc được ở Thư viện Nhân dân Hà Nội. Thư viện nhỏ này trước đặt ở Hàng Trống. Sách không nhiều, nhưng có đủ ngành kỹ thuật và quân sự, nhiều quyển sách không giấu giếm.
Hãy lấy sư đoàn (lúc ấy gọi là đại đoàn) làm đỉnh cao của cái tháp. Vạch xuống từng bậc thang. Xem trong mỗi trận thì trên cần gì, dưới cần gì, mỗi lúc. Vẽ các đường lên xuống, bố trí các phương tiện có thể có được.
Phác thảo một lý luận thông tin, vẽ một tổ chức. Định bụng rồi đem ra giảng, sẽ có được ý kiến anh em học viên góp thêm. Thế có được không? Chắc là chưa tốt lắm; được cái từ thực tế mà xây dựng. Rồi xem.
Rồi cứ bằng công việc ở mỗi cấp, mà sắp xếp người sao cho gọn và làm đủ việc.
Trên các chiến trường có những đơn vị đã tự lực tìm cách làm thông tin. Ở Trung đoàn 174, đồng chí Đặng Văn Việt đã đặt điện thoại trong các trận phục kích trên đường 4. Đồng chí Lê Trọng Tấn, ở Trung đoàn 209 đã cho đặt điện thoại khi đánh Suối Rút. Chỗ nào cũng thấy cần thông tin lắm rồi.
Bàn với đồng chí Tình, rồi làm. Xin Bộ cho ra một loạt nghị định: Tổ chức thông tin liên lạc trong quân đội, mở Trường Sĩ quan Thông tin liên lạc, mở Trường Trung cấp Kỹ thuật Vô tuyến điện. Vừa làm vừa đi hỏi người này, người kia, không thể chờ được lâu nữa. Thu xếp sao cho trong 6 tháng, các công việc đại khái sắp đặt xong.
Mở lớp Sĩ quan Thông tin khóa I ở vùng chiến đấu La Bàng. Lúc này trên Bộ cho một đồng chí ủy viên quân sự, đồng chí Phạm Ngọc Côn đến giúp việc. Ủy viên quân sự, đồng chí đã làm nhiều việc, nhưng cũng chưa làm quân sự trong bộ đội ta. Đứng tuổi và có sáng kiến, đồng chí tổ chức tốt khóa học. Thông tri đi các đơn vị toàn quân. Các nơi đều gửi về những cán bộ bộ binh. Tốt. Thế là không phải giảng mục quân sự nói chung nữa. Bộ Tổng Tham mưu vừa bế mạc lớp cán bộ tham mưu, gửi cho 10 học viên đã tốt nghiệp, để học khoa T.T. Thế là mọi nơi đều tin cậy. Bây giờ là việc mình đây. Đi vào ngay công việc thông tin. Không định trước được giờ giấc. Cục trưởng làm giảng viên Khoa Thông tin liên lạc, giảng về tổ chức và nghiệp vụ thông tin. Hơn được cái đã suy nghĩ nhiều. Còn anh em thì mới. Thế cho nên giảng có vẻ súc tích, lấy nhiều thí dụ. Giảng xong, phải nhờ anh em hai việc: Góp ý kiến, theo các kinh nghiệm tác chiến của đơn vị mình, và sau này, khi đã ra chiến trường thi thố, thì nhớ gửi ngay kinh nghiệm về Cục. Đồng chí già Nguyễn Mai giảng một cách say sưa về điện thoại. Sau đó học viên được tự tay tháo lắp và đặt điện thoại. Đồng chí Nguyễn Văn Tình làm giảng viên vô tuyến điện thì bảo đảm lắm rồi.
Về thực hành, có đi dã ngoại, nhưng cũng đơn sơ thôi.
Đến kỳ thi tốt nghiệp. Lạ quá! Bài thi là kế hoạch TT một trận đánh ở cấp đại đoàn. Các bài phần nhiều tốt. Đặc biệt là có hai kế hoạch của các đồng chí Lê Ninh và Lê Chân, thì y như bài của một học viên chính quy vậy. Thì ra anh em rất ham học và như thế các giảng viên cũng không kém mấy đâu.
Sau, Trường dọn lên ở gần Cục, vì các giảng viên đều bận nhiều việc cả. Liên tiếp mở 4 khóa thì mới đủ cán bộ cho biên chế. Lúc ấy bộ đội ta chưa nhiều lắm.
Lại cũng liên tiếp mở những lớp cán bộ điện thoại ở Bản Piềng, ở Làng Mới. Việc này cần lắm, vì cán bộ điện thoại là những anh em phải đi sát chiến đấu rất nhiều.
Giảng mãi, sửa mãi, cũng thành một tài liệu lý luận và thực hành thông tin liên lạc. Đầu năm 1950, được Nhà in Sự thật giúp in cho. Sách gửi đến các đơn vị, góp phần gây được niềm tin vào ngành binh và bước đầu đặt mấy nền nếp làm việc.
Trường cán bộ trung cấp VTĐ, có lẽ là trường kỹ thuật trung cấp mới nhất ở nước ta. Không tin rằng có số mệnh gì cả. Nhưng anh em thì cứ bảo là trường này “xấu số”.
Đồng chí Tình và đồng chí Chấp Kinh đã tốn nhiều hơi sức với trường này, giảng cho một số anh em trong Cục và anh chị em bên Trung ương Đảng gửi. Học gấp lắm, nên định là một năm. Nhưng đến tháng thứ 11, vào lúc chiến dịch Biên giới, một cơ quan, nhân vì một đồng chí thủ trưởng trên nóng nghe tin, xin trưng dụng lớp kỹ thuật VTĐ trung cấp đó, để làm hiệu thính viên. Bỏ một nghề họ đã học gần xong, để làm một nghề mà họ cần phải tập lâu mới làm được. Các anh chị em bên Trung ương trở về cơ quan, tiếp tục học và làm được việc. Còn các anh em cơ công trong Cục phải đi học nghe tin. Xong chiến dịch, xin cho anh em về tiếp tục học, thì được trả lời rằng: Việc ấy là Cục Thông tin đóng góp vào công trình xây dựng cơ quan bạn đấy! Nói nữa, mang tiếng là thiếu tinh thần xây dựng.
Đồng chí Tình cùng chúng tôi cứ tính rằng: Nghề mình cần nhiều cán bộ kỹ thuật. Sau lớp 1 năm, anh em đi làm vài năm, rồi trở lại học mấy năm nữa, thì đủ cả tay nghề và kỹ thuật để trở thành những kỹ sư mà thông tin nhất định phải có để cho ngành tiến lên.
Thế là phải thu thập học sinh một phen nữa. Lần này thì gặp những khó khăn về hiểu biết. Có người hỏi: “Tại sao, trong khi chúng mình là những anh “nhọ đít” (ý nói công nhân), lại cứ đi dậy những người ăn trắng mặc trơn. Chúng mình lên được trung cấp khó thế, tại sao cho bọn trẻ làm trung cấp ngay? Trình bày sự cần thiết của công tác. Trình bày về mấy chữ “kỹ thuật trung cấp” khác “cán bộ trung cấp”. Nhưng có lẽ chúng tôi trình bày chưa được rõ lắm. Học sinh, đa số là đảng viên, nhưng cũng có mấy người do các cơ quan đơn vị cử đến, chắc cơ quan Cục xét chưa được đến nơi. Khi đồng chí Tỉnh, Phó Cục trưởng đến trường, đồng chí thấy con một quan lại phản động cũ, nên đuổi ra ngay. Rồi nhà trường bị giải tán. Một số học sinh xin về và tìm học kỹ thuật ở chỗ khác. Còn lại chuyển thành học sinh báo vụ, gồng gánh lên Cao Bằng học. Cao Bằng không đủ gạo. Vài tháng lại gồng gánh về. Thế là trừ 1 người, còn thì chuyển làm báo vụ cả. Chỉ không học kỹ thuật thôi.
Đến cuối năm 1953, rất nhiều nơi cần cơ công giỏi, kíp tập hợp một số cơ công để đồng chí Lê Dung cho học thêm. Nhưng chưa được 1 tháng, vì thiếu nhiều quá, nên lại phải giải tán để đủ thợ đi phục vụ.
Bao nhiêu năm mà không có được nhân viên kỹ thuật khá để xây dựng ngành đắc lực hơn. Đó là một cái thất bại lớn của tôi.
Cuối 1949 và đầu 1950, Bộ cử cán bộ đến. Các đồng chí Phạm Minh, học viên Lục quân Quảng Ngãi cũ, Phùng Minh Bội, cán bộ từ Tây Bắc về, Lưu Phúc Thảo, cán bộ Hà Nội. Các đồng chí đều là cán bộ bộ binh. Nay phải đi dần vào ngành thông tin.
Trước khi thành Cục Thông tin, Sở Vô tuyến điện Việt Nam có một khu chuyên môn máy VTĐ, gọi là khu SX, sản xuất đặt tên thế vì muốn để hết sức vào việc sản xuất máy. Khu do đồng chí Quý điều khiển. Có vài chục người mà đã làm được các máy phát SXA1, SXA2 và TFC. Trong Đại hội Tổng liên đoàn lao động lần thứ nhất, Công đoàn VTĐ đã đem bầy các máy ấy trong một gian và đã gây được nhiều hy vọng. Khu chuyên môn thứ hai gọi là khu Mờ Nờ, MN, máy nổ. Khu này có ít người hơn, do đồng chí Ngô Văn Thiện, một thợ máy nổ giỏi từ Bộ Nội vụ đến. Hai khu không ở được một chỗ với nhau, nên làm việc có lúc cũng khó khăn. Từ lúc thành Cục, lại dùng cơ sở của đội sửa chữa VTĐ của các đài 59 mà lập xưởng CRL do đồng chí Lê Dung chỉ huy. Ở đó có cả các thanh niên Diệp, Minh, Khánh có tương lai kỹ thuật.
Có nhiệm vụ cung cấp khí tài cho toàn quân đấy, nhưng Cục Thông tin không có gì mấy. Trong nước không có một cơ sở sản xuất dụng cụ thông tin nào. Nhiều trung đoàn vẫn dùng máy VTĐ cũ, cấp từ những năm 1945, 1946. Sau này đánh giặc, nhiều khi lấy được máy 694 mà quen gọi là máy Crosby đã cho là máy hiện đại lắm. Phát điện bằng máy quay tay Hand Generator, nhẹ, không cần nhiên liệu. Không phải khiêng máy Bernard hai Zero nữa. Đồng chí Thân ở địch hậu Thái Bình kể rằng: Đặt đài ở đâu là dân không đuổi, nhưng khiếp sợ, vì máy nó cứ nổ bình bình, mà trong thế cài răng lược, giặc có ở xa đâu. Thật sự thì có khi chỗ đặt đài cũ bị bom. Đài cứ phải chạy quanh; đến tội...
Anh chị em báo vụ của chúng ta trung kiên vô cùng. Ít khi phải cầm súng bắn, nhưng cứ làm việc và làm được, là rất dũng cảm. Đánh đường Bắc Nam, thường người ta dùng máy một nghìn Oát, nhỏ cũng phải hai trăm. Thế mà mình chỉ có máy 15, lại còn liền liền đổi chỗ. Chỉ cứ dán tai vào mà nghe, gọi được bạn, đã vã mồ hôi rồi. Những tín hiệu nó có đến được, cũng như từ thế giới nào đến ấy. Mà anh chị em không chịu để điện đọng lại, vì biết rằng có khi vì tin chậm mà các đồng chí mình tốn xương máu thêm. Đánh hết thì thường phải 10 giờ. Nhiều khi hơn. Không có giới hạn nào cho công việc, cũng như không có giới hạn cho tấm lòng của đồng chí báo vụ. Đánh được bức điện là thở phào. Ấy thế mà có khi không chỉ là một bức điện, mà là cả một cuốn sách. Tài liệu học tập mà đưa cho chuyển đạt chân thì thường mất 6 tháng. Có lần bí quá, đồng chí Diệp lắp một chiếc SST một đèn. Gọi, mà miền Nam nghe tiếng, miền Nam trả lời, cho là độ nghe khá. Diệp sướng như điên.
Một lần đến thăm đài, Cụ Chủ tịch hỏi: Anh chị em mỗi ngày làm mấy giờ?
Anh em thưa: Ít là 10 giờ. Còn thì hết điện mới ra.
Cụ thương lắm. Cụ bảo: Trước, tôi cũng có làm việc nghe vô tuyến điện. Làm 4 giờ thì mệt rồi.
Ở địch hậu, khi giặc quây, thì thật phức tạp. Đồng chí Thân kể rằng: Ở vùng Thái Bình, ba bề bốn bên là sông và bể. Địch bít hết các ngả. Một đài VTĐ làm việc với Bộ, với các đài bạn trong miền. Mở đài ở đâu thì ở đó đồng bào bỏ chạy; không có cũng nhớn nhác, vì sợ tàu bay giặc. Khi giặc càn, phải đặt đài lên cõng, đắp cái chăn, giả làm thương binh, chạy. Khốn nỗi, đi đến đâu, các bà mẹ cũng nắm lấy đòn:
- Để mẹ cho anh ấy uống nước đã!
- Để lau mặt cho anh ấy đã!
Đứt ruột, mà phải gỡ tay mẹ ra, chạy cho mau. Giữa ngày hay giữa đêm, vượt sông Luộc, nước thì đến nửa ống chân – vì có cầu ngầm. Lên Bắc, rồi lại quật xuống phía Nam sông, có lúc tụt xuống mãi Thần Dầu, Thần Huống. Còn nói gì ăn uống. Đỗ một tí, lại mở máy nghe. Các anh em vẫn gọi, không trả lời được, nhưng cũng thấy ấm lòng. Bỏ bao nhiêu phiên rồi, các đồng chí vẫn nghe, lo lắng như lo cho người ruột thịt, vật lộn trong mạng nhện của các trận càn liên tục. Đánh một bức điện, là anh em nhận ngay, không phải gọi hai lần. Càng nguy nan thì tình đồng chí càng xoắn xuýt.
Gian khổ như thế, mà 9 năm đánh Pháp không mất một đài nào. Chỉ có ở đơn vị 98, một lần phải chôn giấu đài. Còn như địch, thì họ đã thành những người tiếp tế máy cho anh em ta. (Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi). Đúng đấy!
Chỉ giận là có mấy anh, chiến sĩ tốn máu mới lấy được máy, mà mấy anh ấy lại tháo lấy bộ phận thu, vì nghe tốt quá, làm cho bộ máy khập khiễng. Tệ đến như thế!
Chỉ có một lần, đồng chí Nguyễn Chánh, Chính ủy Khu 5 tìm đến Cục Thông tin. Đồng chí báo cáo rằng anh em vùng Lào Cai cho đồng chí ấy cái đài Crosby, Cục có đồng ý thì đồng chí ấy mới nhận.
Không hợp pháp lắm. Vì làm sao mà lại có cái chuyện “cho” của công, nhất là của “xương máu” của bộ đội. Nhưng đã nói rằng chỉ mới có một lần mà một cán bộ đến báo Cục một vấn đề như thế. Vì vậy nói với đồng chí Chánh cứ đem về dùng. Mà vì thế, cũng quý đồng chí Chánh.
Các ông khác, vì thiếu thốn, đã “linh động”. Thiếu thốn có cho phép “linh động” không? Khốn khổ cho 2 chữ “linh động”; người ta đã cho 2 chữ ấy một cái nội dung xấu xa, đê tiện.
Ở các khu, Cục đã tổ chức những phòng thông tin liên lạc với một xưởng nhỏ, nhưng nếu gặp hỏng to, thì cứ gửi về Cục chữa. Chỉ có nhiều nơi, vì “lo xa”, trước khi gửi đi, đã để lại một số phụ tùng để phòng xa. Cục chữa là đúng lý lắm rồi, nhưng đồ phụ tùng là khoản khó khăn lắm. Phòng Hành chính lúc ấy còn kiêm cả nhiệm vụ vật liệu. Phải cử những cán bộ giỏi đi mậu dịch. Một đoàn đi rất xa, đường về trên bể bị địch chặn đã nổ súng vào tàu địch, rồi tự đánh đắm chớ không hàng. Đồng chí Phạm Ngọc Chuẩn phải đi Bắc Giang, biết rằng làm việc này nhiều nguy hiểm lắm. Nhà buôn phải vào Hà Nội mới mua được những đồ lạ lùng ấy. Đem ra cũng khó khăn nữa. Nó mà bắt được đem đồ máy phát VTĐ thì hết đường thoát.
Có anh em đi mua về kể rằng: Đến một hàng gặp một bà nói: “Anh mua đồ này cho ai, tôi biết rồi! Tôi gửi gói này, anh đưa cho ông ấy”. Cãi với bà ta thì nguy hiểm quá nên cứ mang về. Đây gói ấy đây! Thì ra một bộ răng giả. Bà nào thế? Gửi cho thứ đồ mà ở đây không ai mua được. Nhưng làm sao có một tuần mà đi chữa răng. Đành biếu Ban Nha khoa. Sau này cũng không biết bà ấy là ai.
Mình có chỗ yếu rồi. Sao người ta biết công việc của mình? Phải cẩn thận.
Điện thoại là một ngành trang bị nặng nề. Ở Bộ càng nặng. Có dây nhỏ thì gửi ngay xuống đơn vị. Bộ dùng dây đồng. Phá cột dây điện cao thế. Tãi những dây to ra, thành những sợi nhỏ. Dùng được, nhưng nó cứ vân vân theo chiều quấn cũ.
Ở các đơn vị thì điều đáng ngợi khen nhất là sự cố gắng tìm tòi để trang bị. Một ít máy kiếm được ở Ty Bưu điện, ở các nhà ga. Tổng đài thật khó. Dây lại khó nữa, vì cần đến hàng mấy chục cây số. Thôi thì lẻn vào các thị xã, dây nào cũng mua. Mua cả dây thép phơi, cả dây điện đèn. Làm những cái cũi cuộn dây. Dây to, cũi nặng quá, mà lúc thả dây thì kêu còng cọc.
Ngồi ở tổng đài để giữ liên lạc cũng khó đấy. Máy móc cổ lỗ, các người dùng lại hay nóng nảy, có cô bị người ta văng tục, ôm mặt khóc. Nhưng rồi nghĩ: “Tổ quốc có phải chỉ của ông ấy đâu”, rồi lại làm hết lòng. Có những anh được các góp ý về kỹ thuật, về địa lý, mình không chấp nhận được mà cứ phải “vâng, vâng”, vì nhiều chỗ khác gọi phải cắm cho các đồng chí nói.
Cố nhiên Cục là cơ quan cung cấp dây. Lấy gì mà cung cấp. Có những người dân buôn, bán mấy cuộn dây cũ mà đắt quá. Cục phải tổ chức mậu dịch. Dây điện thoại không ai bán. Phải cử đồng chí Riệu đi. Sau này gọi là đồng chí Riệu bạc đầu. Nghiên cứu nhiệm vụ với đồng chí ấy. Nguy hiểm đấy! Có thể phải hy sinh. Đồng chí Riệu nhất quyết đi. Vào địch hậu, từ sông lên, đã có thể bị phục kích rồi. Đồng chí bị phục kích thật, nhưng thoát. Vào các làng, đề nghị với anh em du kích cắt dây điện giữa các đồn. Cắt thì anh em muốn cắt lắm. Nhưng cắt xong thường cứ phải đem chôn. Nay cắt cho bộ đội chủ lực, thì ai chả muốn. Thành ra một chiến thuật cắt dây. Có khi cắt đêm, có khi phải đánh rồi mới cắt được. Lại phải tổ chức đem dây ra khỏi khu địch chiếm cho trót lọt. Thù lao đưa được cho các đồng chí, có là bao nhiêu. Những sợi dây đã thành những món quý vô cùng.
Nhiều hơn ở Cục, các đơn vị cũng đi “mậu dịch” dây. Áp thuyền vào bờ sông. Đổ bộ, cắt dây, cần thì đánh, cắt được là xuống thuyền chạy.
Được dây rồi, đi làm cũng khó. Các ban chỉ huy chưa quen thấy thông tin là rất cần, đi nghiên cứu đất đai, không cho cán bộ thông tin đi. Thế là lúc chiếm lĩnh trận địa, điện thoại cứ làm một vòng lớn, tất cả các máy bám vào đó y như hội chợ. Cho đến lúc thủ trưởng cầm lấy cái tổ hợp, lắc mấy cái làm phép, vì đã quen dùng máy Ôki, cối hố tiêu rồi, thét lên. Thế là trật tự mới trở lại.
Một việc mà Sở Vô tuyến điện Việt Nam, sau đến Cục Thông tin, tốn rất nhiều công sức, là công tác mang ký hiệu CAT và LTK. Cái gì ở CAT cũng lạ lùng cả. CAT ở đâu không ai biết. Một mình ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng biết rằng CAT ở khu vực nào. Thế thôi. Những người xây dựng nhà cửa, làm đài máy, một khi vào CAT, là không nói đến ngày ra nữa. Nếu được ra ngoài, đến thị trấn, uống một chén cà phê... mà có được trở lại, cũng không thấy CAT đâu nữa, CAT đã chuyển rồi. Đồ ăn phần lớn là tự túc. Dầu hỏa cần cho máy đi-den, đành phải mua ngoài. Thỉnh thoảng một đoàn người địa phương gánh mấy chục thùng dầu, đặt ở một bờ suối, mà anh em gọi với nhau là bến Bạch Đằng. Rồi một ngày nào đó, anh em trong đài, bọc cơm nắm ra gánh về. Hai nhóm người không bao giờ gặp nhau.
Người điều khiển các công việc, xây dựng, hoạt động, sửa chữa, là đồng chí Nguyễn Văn Tình. Nhưng ở trong đài người ta chỉ biết có ông Lý Mạnh thôi. Ông Lý Mạnh cùng với các các ông Quý, Cung, Duông, Tuân, Chuẩn... là những người đã đem một mớ đồ “chai chén” ấy, nói như lời bà con Huế gọi món đồ cũ, mà làm ra tiếng nói ấm lòng tất cả các bà con các vùng tự do, các vùng địch tạm chiếm, khắp nước lo ngay ngáy, các bạn Miên, Lào, các kiều bào ở xa, nghển cổ, dỏng tai nghe.
Hồi bấy giờ “Tiếng nói” thuộc về Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, vì cơ sở VTĐ Việt Nam cung cấp phương tiện truyền đi.
Người ta vặn đánh “tách” một cái là nghe thấy: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Yêu mến tiếng nói, nó làm cho mình khi yên lòng, khi phấn khởi, biết đâu rằng một cuộc chiến đấu kỹ thuật cực kỳ gay go, đã diễn ra trong núi sâu, ròng rã chín năm trời.
Phá cái đài to rồi. Đem một máy bậc trung từ Hà Nội ra qua Trầm, rồi đến một nơi, bỏ xe “voi” lại, anh em đội cái khung sắt lên đầu, lội suối, vượt rừng. Rồi rút khỏi Bắc Kạn. Hôm địch nhảy dù, một chú liên lạc để lại một cái chân. Tạm im cho giặc không đoán được hướng. Cũng biết rằng mấy hôm đó bà con mất ăn mất ngủ, mong biết tin giặc đánh lên Việt Bắc thế nào, mà bặt tin. Lo quá chừng. Khao khát tiếng nói quá chừng!
Rồi một buổi sớm, các cụ trở dậy đun nước, xót xa vặn nút đài. Bỗng vang lên “Tiếng nói”, báo tin “thắng trận ở Bông Lau”. Con cháu xúm cả lại quanh máy. Tổ quốc lại lên tiếng; yên lòng, dân lại ra đồng, du kích lại đi đánh đồn, đâu đâu cũng thấy tư thế người chiến thắng!
Được đến thăm đài, đi tắt qua bao nhiêu cánh rừng, thỉnh thoảng đi gần những làng bản không có tên trên bản đồ, lội nhiều suối, vòng đi, vòng lại. Rẽ vào một cái eo núi, bỗng mắt lóa vì thấy một cái đô hội ánh sáng, như khu nhà tầng cao trong câu chuyện viễn tưởng. Dưới tán cây dầy, mấy ngọn đồi với những nhà xếp chồng diêm. Bên này là khu thu phát tin, ở giữa là một nhà hai tầng, đặt máy phát trên gác, bên kia là bộ phận “tiếng nói”, gần trạm phát tiếng, phòng nhạc, phòng hát, các nhà ăn ở nghỉ ngơi. Tre lá cả thôi, nhưng khéo, đẹp, thuận tiện, chắc ở lâu không chán. Từ đất bằng nhìn lên, khác nào một động đào ánh sáng, nhưng từ đỉnh núi trông xuống, nào có thấy gì.
Khu thu phát đây là đài Trung ương vô tuyến điện hành chính, đi từ Chính phủ đến các địa phương, thu tin tức thế giới, theo dõi các đài đi công việc xa. Một hôm nhận được bức điện ngắn. Dịch xong, đọc, lặng người... Điện vĩnh biệt của một nhóm trên bể. Điện: “lúc này chúng tôi nghĩ đến Đảng, đến tất cả các đồng chí”. Điện của Như Kim đây...
Lúc bấy giờ quanh nước ta không có nước bạn nào. Không có đường nào ra vào dễ dàng. Một máy đặt ở nước bạn xa, ở miền Tây, chuyển về các bài báo chính, các tài liệu lấy được. Hai thứ bản tin hàng ngày được chờ đợi. Ở đài, các đồng chí Mùi và Tạ đánh và nhận đều đặn, như một bộ máy tự động.
Nguồn điện chạy cho máy phát thanh lấy từ một cỗ máy đi-den. Cỗ máy này có lịch sử đẹp. Đó là một trong các máy đặt trên xe Voi. Nó đã được đồng chí Tước đặt để chạy đèn cho Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Đến lúc Trường chuyển, thì Sở VTĐ lại lấy về mà đưa lên thượng du. Bao nhiêu tạ, khiêng lên, mà rồi thành ra một khối thép chết. Chiến tranh Thế giới thứ hai, tất cả các máy đi-den ở Đông Dương đều chết. Vì thế này: Trong máy có một bộ phận nhỏ, cái ống phun, gọi là anh-giếch-tơ, ở bên này không ai làm được. Không ai cứu được các máy đi-den cả. Máy ta cũng chạy ít ngày rồi nằm yên. Anh thợ nguội Ngô Văn Tuân không thể nào chịu được cái tình hình ấy. Điện đài lâm nguy! Anh hì hục “vá trời” trong một khoảng bằng một bàn tay. Anh làm được cái anh-giếch-tơ, một thỏi thép bé bằng nửa ngón tay út, mà lại có một lỗ nhỏ hơn sợi tơ chạy suốt qua. Lúc bấy giờ không ai nghĩ đến một cách gì để thưởng cái kỳ công ấy, nhưng anh Tuân rất sung sướng giữa cả tập thể cũng rất sung sướng. Đài “Tiếng nói” nói đi; cái mà Tây cả Đông Dương không làm được, anh Tuân đã làm được; sẽ luôn luôn có dòng điện. Chiếc máy đi-den với cái ống phun của anh Tuân được trao cho ông già Hợp và anh thợ trẻ Trọng.
Trên nhà lầu đặt cái máy phát, dưới bức thêu khẩu hiệu “Tiếng trong và vang xa!”. Ở đây lại có một bi kịch khác. Không mê tín, nhưng lá số tiền định của máy này lại mang hai chữ “đoản mạng”. Bi kịch ghê gớm! Cái máy là vật chất, bộ đèn của nó, mỗi chiếc to bằng quả bưởi, khi chế ra, chỉ bảo đảm có 6 tháng. Thế mà bấm đốt ngón tay, kể từ ngày Hà Nội ra đi, đã mấy năm rồi. Làm sao tránh được số mệnh, khi số mệnh ấy đã được quyết định do các vật chất cấu tạo nên. Đèn tắt thì tai vạ như thế nào. Vẫn cứ chạy, nhưng chạy xong mỗi phiên, lại thở dài nhẹ nhõm. Lặn lội ra nước ngoài mua đèn thay, cũng không được, vì trên thế giới không còn ai làm kiểu đèn ấy nữa. Đành chịu thua số mệnh ư? Cách mạng sao mà chịu? Bác sĩ Lý Mạnh họp các ban lại “hội chẩn” và quyết định chế một bộ máy “dưỡng lão” cho máy cái đèn ốm dở. Đèn to bằng quả bưởi nhưng máy dưỡng đèn lại đồ sộ bằng cái bàn. Xong phiên việc, lại đem bàn đi nuôi. Sách có chữ rằng “nhân định thắng thiên”, nghĩa là người định thắng trời. Cứ thế mà đến năm 1954, tức là 8 năm sau ngày ra đi, cái máy lại chở theo đường về Thủ đô. Đặt ở Sơn Tây, rồi đến Hà Nội.
Hai trận thắng lớn mà âm thầm. Người nghe đài không biết, có những người dùng máy để đưa tiếng nói của mình đi xa, cũng không hay!
Người ở liền với bộ máy là cụ Kỳ và cụ Nhượng. Cụ Kỳ là một người theo công giáo, mà cụ đã đặt hết tin tưởng và yêu thương vào cái đài của Tổ quốc. Không lúc nào cụ rời máy, rảnh là cụ pha ấm trà núi, ngồi đối diện với máy nhấm nháp. Cụ Nhượng đã cho nghề nghiệp một bên tai. Cụ mê làm việc, tai chạm điện, cháy rụi.
Bộ phận Tiếng nói, phát tin, ca hát, dàn nhạc cùng sống ấm cúng với những người đồng chí cả ngày cứ kỳ cọm với dầu mỡ và máy móc.
Nhưng ngộ vì một cơn cớ gì mà hỏng, thì sao? Thì lập tức LTK ở đâu đấy, chỗ có đồng chí Chuẩn giữ gìn, sẽ lên tiếng lập tức.
Đó là một cách thắng trận của anh em. Cái lạ là việc chuyên môn như thế mà lắm các ông cụ: Cụ Hợp, cụ Kỷ, cụ Nhượng, cụ Mùi, cụ Tạ và Lý Mạnh là một vị sắp cụ rồi – các cụ cùng với anh em trẻ làm như một đoàn thanh niên ấy.
Ở Cục cũng sắp xếp dần dần. Đồng chí Côn làm Trưởng phòng Thông tin quân sự. Công việc là theo dõi việc tổ chức ở các khu, các đơn vị, kỳ cho ở đâu cũng sẵn sàng. Đồng chí Ngô Thọ từ Công đoàn Khu 4 ra, được cử làm Trưởng phòng Kỹ thuật, nghiên cứu và hướng dẫn các việc sửa chữa và làm pile. Trong phòng có đồng chí Đạt, tháo vát và tận tụy.
Ngành binh sắp đặt được hơn nửa năm rồi. Trong các trận mạc đã thu được các kinh nghiệm đầu tiên. Phải tập hợp cả lại. Ít ỏi nhưng cũng là cái vốn quý lúc ban đầu. Anh em các đơn vị cũng cần gặp nhau, để cùng thấy cái khuôn khổ của thông tin toàn quân, trong đó mình đều có bạn chiến đấu cả. Tin rằng có khó đấy, nhưng vẫn làm được nhiệm vụ.
Cục cũng cần gặp tất cả anh em để xem rằng đâu yếu, đâu mạnh, đâu đủ, đâu thiếu. Chuẩn bị cho tốt nhất trước mùa Đông đầu tiên.
Giữa năm 1950, ở khu rừng Quế Linh. Lội mấy đoạn suối đến một khu rừng cây cao tán. Một cái nhà, lúc ấy có thể gọi là lâu đài. Đó là trụ sở cũ của Sở Vô tuyến điện. Nhà lớn hai tầng. Tầng dưới có phòng họp lớn, tầng trên là chỗ ngủ cho hàng trăm người.
Tất cả các cán bộ chính ngành Thông tin miền Bắc họp. Đó là Đại hội Thông tin thứ nhất. Anh em nhắc nhở tới các đồng chí miền Nam, chưa ra được. Mỗi người kể diễn biến của các trận vừa qua, cách làm việc của đơn vị mình, những chỗ hay, chỗ dở. Căn cứ vào các báo cáo, Cục dự kiến các chỗ bổ sung hay điều chỉnh cần thiết, các nền nếp cần phải đặt. Anh em trong Cục cố làm cho hội nghị sinh hoạt vui vẻ và đầy đủ. Giữa những cán bộ ở cơ quan và cán bộ đi đơn vị, nảy ra một ý thức đoàn kết và tin cẩn nhau.
Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đến Hội nghị và cho chỉ thị. Đồng chí cũng mừng rằng trong có mấy tháng mà ngành binh đã thành hình và chúc anh em tiến lên mạnh mẽ. Cả Đại hội phấn khởi vì sự săn sóc của Thủ trưởng.
Anh em về, ai cũng vui vẻ và tin tưởng, ai cũng mang mấy quyển thông tin liên lạc về để anh em đơn vị học. Khác nào những con gái từ nhà chồng về nhà mình, ai cũng nhằm vào cái kho. Cục cũng mở rộng cửa kho, nhưng của cải có là bao nhiêu, mà các nơi thiếu thốn quá! Xin ý kiến Bộ, thấy trước mắt không có nhiệm vụ gì đặc biệt, nên có bao nhiêu đồ đưa ra hết. Đem ra đánh giặc, hơn là để đấy. Kho của Cục đến không còn một bộ máy nào gọi là chạy được, không còn một cuộn dây.
Nhưng vui lắm, vì ai cũng thấy rằng mùa khô này ngành binh sẽ cố gắng hết sức thử lửa.
***
Chợt Bộ Tổng Tham mưu triệu tập cả hai thủ trưởng Cục và báo cho biết: Từ nay Cục Thông tin liên lạc trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, và 3 ngày nữa, phải lên đường phục vụ Bộ tác chiến!
Giữ bí mật là việc hết sức đúng, nhưng đột ngột như thế này, ngoài mặt không thấy gì, mà trong lòng có thể nói là choáng váng. Chắc cũng đoán được thế, đồng chí thủ trưởng bảo: Không lo gì. Lên đó có đủ thứ rồi. Chỉ cần người thôi.
Đơn sơ thật. Chỉ cần người thôi!
Quen vung tay bắt gió, nhưng đến nước này cũng thấy lo.
Chỉ cần người thôi! Lấy người ở đâu? Có người thì cũng cần học mới làm được, mới thành người Thông tin chứ. Lại đi tay không lên nữa. Cán bộ Thông tin có thể đi tay không được ư?
Lúc này gặp lúng túng là phải. Trong biên chế chúng ta chưa làm tổ chức thông tin từ đại đoàn trở lên. Đây là dịp để làm việc ấy. Mà thuận tiện, vì lần này chúng ta có thực tế để mà nghiên cứu.
Cùng nữa thì một nửa anh em trong Cục ra chiến trường cũng được. Nhưng mà đồng chí trung đội phó Thái Văn Giêng đi Khu 4 nhận lính mới, đang ra. Đi đến đâu rồi? Gửi “hỏa tốc” đi đón đồng chí Giêng thì bảo rảo bước lên thẳng Đồn Du.
Kho không còn có lấy một nửa cây số dây. Xét kỹ mạng điện thoại trong Bộ, có thể dỡ đi 16 kilômét. Thứ dây đồng của đường dẫn điện cao thế, đã gỡ ra, vẫn cứ vân vân. Cũng được; tháo lấy 10 máy điện thoại; một tổng đài; đến VTĐ thì bí. Nạo trong kho, còn có 2 bộ máy phát cũ, “đại tu” có lẽ còn dùng được.
Thế là cũng có một chút đồ lề.
Về chuyển đạt thì nhẹ nhàng. Chỉ cần kéo dài đường đến mặt trận thôi.
Nhân viên chỉ huy và kỹ thuật là cần thiết. Đồng chí Phùng Minh Bội sẽ chỉ huy cả cuộc hành quân dài, một đơn vị tập hợp tất cả các thành phần. Đồng chí Phạm Minh cùng đi và theo dõi các anh em điện thoại. Điều một tiểu đội 66 đi với một cán bộ chuyên môn điện thoại. Hòe 66 là đội điện thoại nội thoại.
Đặt yêu cầu nhiều ở đồng chí Nguyễn Cung. Ông là báo vụ viên hạng nhất, lại say mê nghiên cứu máy. Đồng chí Nguyễn Diệp đem theo 10 báo vụ viên trẻ và chăm chỉ.
Đặt với đồng chí Cung thế này: Một mặt coi việc chữa 2 cái máy hỏng, kỳ cho chạy tốt, mặt chính là luyện kỹ cho 10 anh em báo vụ, cho thật thành thạo một nếp doanh tác mà địch khó có thể gỡ ra được. Biết rằng giặc có đến hai bộ phận theo dõi mạng VTĐ ta. Làm thế nào mà chúng nó mò vào các mạng của ta, thì gỡ ra không được. Ta thì ta học thật kỹ, để hết hơi sức vào.
Đồng chí Cung vừa cảm động về lòng tin của Cục, vừa gặp việc đúng tài của mình. Nét mặt tươi lên, dù trước mắt phải đi bộ mấy trăm kilômét.
Các bộ phận lên đường. Tân binh được phát mỗi người hai đoạn dây bọc. Hễ nghỉ thì giở ra tập nối, tập tháo. Thế là khi đến nơi, đã biết được 2 động tác cần nhất.
Lo! Trước đây toàn nói lý thuyết. Bây giờ phải xắn tay áo vào làm. Làm mọi chuyện ngay từ đầu.
Địch còn ở Cao Bằng. Phải đi vòng lên phía Bắc. Đến Bản Pàng thì bị bom.
Được cái, đến nơi thì thời gian chuẩn bị còn được nhiều. Chỉ có ăn là khổ nhất xưa nay. Gạo tốt cần dành cho bộ binh. Anh em cả cơ quan ăn ngô, một thứ ngô mọt, chỉ còn mày thôi. Là một ngành binh phục vụ, nhịn như thế cũng phải. Mấy tháng, đói, anh em không kêu ca câu nào. Ai cũng phấn khởi vì là lính cơ quan mà lại được dự vào một trận đánh lớn.
Đợi các thứ trước nói là có sẵn. Đợi mãi không thấy gì. May mà có 16 cây số dây loằng ngoằng đấy, còn đặt đủ cho Bộ tư lệnh. Không có, thì còn ra cái kiểu thông tin gì.
Cuối hè ở rừng núi, anh em tân binh chịu đựng khó. Đồng chí Cao Kiều là người ngã thứ nhất ở Nà Suối.
Ban Thông tin, gọi là Ban Ba. Ban Ba đóng ở bên đường núi. Cứ thấy tàu bay nhòm ngó. Bộ ra lệnh ban ngày phải vào núi, không được ở làng. Trưởng Ban Ba phổ biến lệnh của Bộ cho anh em, nhưng có cái khuyết điểm lớn là các buổi trưa không đi kiểm tra. Thủ trưởng đơn vị cũng không đi kiểm tra nốt.
Tàu bay quần đi, quần lại, bắn rất gắt. Đồng chí Bội bị thương nặng. Bốn chuyển đạt viên hy sinh. Chưa nổ súng mà đã bốn cái mả mới ở chân đèo Đà Tàu, cứ như những cái kim châm vào đầu óc.
Khí tài vẫn cứ chưa đến. Phải đi thương lượng với Ty Bưu điện tỉnh, xin cho tạm gỡ vài đường dây phụ, để đặt trên đường, từ Chỉ huy sở chiến dịch đến các cơ quan, đơn vị phía sau. Lấy ai mà giữ các đường này. May được Bộ Tổng Tham mưu cử đến 10 cán bộ tham mưu, các đồng chí Hán, Thành, Hy... Đưa các đồng chí đi theo các đường dây mới, lập các đội “thông tin nhân dân”. Các đồng chí dân quân này chỉ cần học: Dựng cột đổ, nối dây đứt và đi tuần tra luôn trên các đường dây.
Còn 4 hôm nữa là lên đường ra tiền phương. Đến lúc ấy mới thấy nói bên Hậu cần có 40 kilômét dây. Sang xin đi mắc ngay một đường từ Chỉ huy sở đến Bản Nhom. Để đôn đốc việc vận tải, trong những ngày gấp rút ấy Tổng cục Hậu cần nhận và ngay hôm ấy đặt xong. Vận tải chưa bao giờ chạy tốt như thế.
Sắp nhổ trại ra Nà Lạn mà vẫn không có tin gì về khí tài mới. Đành xin Bộ chỉ huy cho lệnh dỡ các đường 40 cây số dây mới mắc 3 hôm để ra tiền phương.
Lợi một cái là các vùng Nước Hai, Án Lại, Quảng Uyên, Tà Lùng, Hà Lạn, Đông Khê đã biết từ xưa, nên có được cái yên lòng như là về nhà. Các núi cao, sông, ngầm, đèo, đường mòn không đe dọa, mà như đón người bạn cũ.
Cũng phải thống kê các khả năng: Bốn mươi cây số dây đơn, 2 máy VTĐ cũ. Lo quá, nghĩ bụng: Nếu không có gì thì làm thế nào.
Dù sao cũng phải nghĩ đến việc sắp xếp nền nếp thông tin chiến dịch. Làm tham mưu thông tin cho Bộ, công việc và tài liệu phải làm. Với các đơn vị, soạn sẵn một chỉ thị chuyên môn, căn cứ theo yêu cầu của tác chiến, hoạt động của bộ binh, các bộ phận trợ chiến, các bộ phận liên hệ, hình dạng đất đai, các khó khăn phải chú ý. Còn đủ thì giờ thì họp các trưởng ban Thông tin đơn vị, cùng nghiên cứu. Đồng chí Lưu Văn Bằng, T.T 174, đến họp lần ấy rồi sau đó không bao giờ gặp nữa. Năm sau đồng chí ấy hy sinh ở Mỏ Thổ. Bổ sung chỉ thị rồi gửi. Dặn các đơn vị: Khi vào nơi đóng quân thì tắt hết các đài VTĐ, chỉ để đài thu nghe thôi. Liên lạc phải chủ yếu bằng điện thoại. Mạn tác chiến, Cục sẽ phái người và máy VTĐ đến. Đề phòng việc thiếu máy, chỗ nào Cục không gửi đài đến thì nổ súng rồi mới mở máy.
Thảo kế hoạch Thông tin liên lạc chiến dịch và vẽ phác họa mạng thông tin, treo ở Bộ chỉ huy.
48 giờ nữa thì nổ súng. Đến lúc ấy mới nhận được máy VTĐ mới.
Cũng rất mừng. Dựng cột ngay.
Máy VTĐ có quá ít. Chỉ có mấy máy được cùng báo vụ viên của Cục phái đi đơn vị. Nổ súng, mới lên đài. Đánh đúng lối đã quy định. Địch đã quen với máy và cách đánh của các đài. Nay máy lạ, người lạ, lại đánh bằng cái lối gì mà không mò ra được hệ thống nào cả. Đó là phát súng tấn công của TTLL.
Dây có 40 cây số đơn cũng phải đặt đến hai đơn vị chính đánh Đông Khê. Mới làm, nên phải đi cẩn thận, cứ ra mỗi cuộn dây là gọi về tổng đài có thông mới đi nữa. Đường nhánh Nam đi đơn vị trợ công thông ngay. Nhánh Bắc từ Nà Lạn đi Bản Ven, trôi chảy.
Tiến nhanh lên, anh em ơi gần đến giờ hạn rồi. Qua một vùng núi hiểm trở. Bước chân đến cánh đồng Đông Khê thì hết dây. Mà hết là hết, không có dự bị đâu cả. Nhìn đồn rõ mồn một, mà đứng đây thì ức quá.
Đồng chí Tổng tư lệnh nói: Bảo tiểu đội trưởng điện thoại, ở đó mà quan sát, thấy gì thì báo cáo về ngay. Hóa ra ta có một đài quan sát gần.
Chỉ huy sở tiền phương ở một cái hang. Vì sợ nhiều người thì lộ, anh em điện thoại không được đi theo, nên bây giờ còn phải đi tìm.
May mà ở Chỉ huy sở tiền phương có đồng chí Lân với một đài. Lúc đầu liên lạc khó, nhưng rồi sau cũng thông đều.
Đang làm thì đài VTĐ của trợ công hỏng. Đồng chí Thúy cơ công phải vượt qua cả cánh đồng đang có đánh nhau, đi chữa được máy hỏng. Nếu không có thợ, hay thợ không vững, thì công việc điều khiển càng phía Nam sẽ như thế nào.
Ban Thông tin liên lạc ở trong một cái hốc, lưng chừng núi đá. Nhân viên có 3 thanh niên: Cầu, Bối, Quốc thay nhau giữ tổng đài và khi có việc thì chạy. Một lần, đồng chí Tổng tư lệnh trèo lên xem xét. Chính lúc ấy đồng chí Nguyễn Cung đang theo dõi và đồng chí Trương Đức Tiến làm đài. Đồng chí Võ Nguyên Giáp hỏi han tỉ mỉ các công việc và ngồi vào quay thử máy điện. Đồng chí thấy quay cũng được, nên hào hứng lắm. Tuy vậy, thấy ở Ban chỉ có một tổng đài điện thoại, một máy VTĐ, một máy nữa ở chân núi, đồng chí cám cảnh với nỗi đơn sơ cực độ ấy.
Một hôm chuông đổ dài. Ai đó? Đồng chí Tổng tư lệnh gọi: “Xuống ngay, có người hỏi”.
Sao lại có lối triệu tập này nhỉ?
Chỉ huy sở ở ngay chân núi, cũng nép vào một hốc đá nhỏ. Một ông cụ đeo cái khăn mặt che râu, ngồi cái chõng tươi cười.
Tôi lặng người. Bụng nghĩ ngay rằng: Thế này thì nhất định thắng to rồi!
Mấy hôm sau Cụ Chủ tịch cũng lên Ban Thông tin. Không có gì mà đón tiếp vị Chủ tịch nước hằng kính mến và mong đợi. Cụ ngồi phệt ngay xuống tảng đá, bảo:
- Cho tôi một mảnh giấy.
Xé sổ công tác, đưa Cụ một mảnh. Cụ nghí ngoáy viết một lúc lâu. Thì ra hôm ấy là ngày quốc khánh Trung Hoa. Cụ viết thư mừng và đưa cho Ban TT để gửi đi. Cụ cũng đến thăm các đài ở mặt đất, chỗ đồng chí Diệp và anh em làm.
Đại tướng chỉ thị cho TT làm việc thu tin địch. Bọn Hà Nội phát: “Chúng ta không rút Cao Bằng” sau lại nói: “Chúng ta không chiếm lại Đông Khê”.
Có lẽ bọn này quẫn rồi, nên cứ nói ngược để ra vẻ cứng. Giữ Cao Bằng mà không lấy lại Đông Khê là giữ thế nào?
Trình với đồng chí Tổng tư lệnh là địch nó rút Cao Bằng đấy. Đồng chí nói: “Chúng tôi cũng xếp việc ấy vào khả năng thứ ba đấy”. Đồng chí mỉm cười; cười chăng, cái anh thông tin mà lại ngứa tác chiến ấy.
Tin nhận được khá đầy đủ, ông Lý Văn Sa đánh máy đưa lên ngay. Đại tướng bảo: “Thu tin cũng là một chiến công”.
Nghe thế, anh em phấn khởi lắm. Mình đã túng là thế mà lại còn làm thêm được một việc.
Sau trận đánh găng ở Đông Khê, đến hồi giặc Cao Bằng chạy, giặc Thất Khê lên đón. Ta quần địch ở vùng Cốc Xá. Bắt 2 chỉ huy chóp bu của nó. Cụ Chủ tịch tự tay viết điện khen bộ đội.
Đồng chí Lê Văn Chánh, người bác sĩ đầu tiên ở chiến khu, nay là thầy thuốc của Cụ Chủ tịch. Anh Chánh lên hang thông tin hỏi:
- Anh có cái áo nào cho một cái. Bác đi xem tù binh, thấy có một tên chỉ còn đóng khố, Bác cởi áo cho nó rồi. Bây giờ Bác chỉ còn một cái áo thôi!
Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng cũng dùng đài VTĐ làm nghi binh. Lại được thêm một việc nữa.
Định thừa thắng đánh luôn Thất Khê. Tháo các đường cũ để đồng chí Lưu Phúc Thảo đặt đường mới, đến tận Khau Xung, sau Thất Khê. Nhưng địch bỏ Thất Khê, ù té chạy, bỏ cả Na Sầm, bỏ đến cả Lạng Sơn, hộc tốc dốc gan chạy ngược đường Quỷ Môn Quan, rút về Hà Nội. Bên kia, Lao Cai cũng tháo.
Thắng lợi. Chúng ta lớn hẳn người lên!
Đồng chí Tổng tư lệnh quyết định thưởng cho Thông tin. Thưởng Huân chương Quân công, vì cái chỗ nghèo đến như thế mà vẫn làm được nhiệm vụ. Ban Thông tin đề nghị đồng chí thưởng cho đơn vị chủ công của TTLL. Anh em ở đây đã thành 3 đại đội: 99 cộng với 101, với 103. Anh em đều có công. Bây giờ tiểu đoàn trưởng vì bị trọng thương, còn nằm ở bệnh viện. Về, chúng tôi lập Tiểu đoàn 303 ngay. Xin thưởng cho Tiểu đoàn 303 nghĩa là cả thông tin để làm cơ sở cho sau này.
Căn bản là vì đồng chí Thủ trưởng biết anh em đã cố gắng quá mức, nên đồng chí cũng nghe theo và cho ghi ngay: Thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho Tiểu đoàn thông tin 303. Các đồng chí Nguyễn Cung, Nguyễn Văn Diệp, Nguyễn Văn Thúy đều được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.
Ai cũng mừng. Mừng vì thắng lợi to lớn của Tổ quốc. Mừng vì anh em tiến bộ.
Cụ Chủ tịch vẫn dặn: “Thắng không kiêu, bại không nản”.
Thế mà khi đến chỗ trú quân, đặt một đường dây từ đó ra thị xã Cao Bằng mà lúc thông, lúc không. Lúc cần nhất, lại tắc tị.
Vừa mới thắng, đã lơ là. Thế có là mạnh đâu? Đau quá. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng phê bình cho.
Hôm sơ kết chiến dịch, có một người khách lạ đến, ông ta nói thì hay lắm. Như có cái vẻ bảo là bọn mình còn non quá. Tôi ngồi ở cuối hội trường. Cụ đến bảo tôi đi với Cụ đến gặp ông khách một tí. Tôi ngần ngừ. Cụ kéo đi. Cụ giới thiệu với khách:
- Đồng chí này là đồng tử quân cũ đây!
Ở bên nước họ, hướng đạo sinh gọi là đồng tử quân. Người khách trợn tròn hai mắt.
- Sao lại làm thông tin liên lạc?
Cụ Chủ tịch mỉm cười:
- Đồng tử quân Việt Nam mà, nhà chú không biết!
Tôi vốn để ý đến tiếng nói. Không hiểu Cụ mới về mấy năm mà sao đã quen dùng từ “nhà chú” ấy.
Có lẽ Cụ khó chịu về cái cách ăn nói của chú ta, không khiêm tốn, mà muốn cho chú ta biết Đảng Việt Nam sáng suốt và ở Việt Nam có những cái tốt, mà ở nước khác lại không có đấy!
Về căn cứ. Làm tổng kết cẩn thận. Có những anh chị đại biểu vui, vui quá, hóa ra nói không giữ gìn. Cụ gắt:
- Thôi! Vui quá hóa buồn đấy!
Đứng lên về, lúc qua cửa, Cụ hỏi:
- Các đồng chí có nhớ hôm nay là ngày gì không?
Không ai trả lời được.
Cụ nói nhỏ:
- Hôm nay là ngày giỗ đồng chí Lê-nin.
...
Thảo nào mà hôm nay mặt đồng chí già tư lự thế. Người ta nói “ngày giỗ là cái tang một ngày”. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang để cái tang một ngày ấy. Lòng Cụ như vậy.
Đài Pháp ở Hà Nội phát: “mạng VTĐ của quân viễn chinh đã bị mạng VTĐ Việt Minh đánh bại”. Rõ ràng là nó theo dõi VTĐ mà gỡ không ra. Nhưng chúng cũng có thể nêu cái thua của thông tin, để giảm nhẹ cái thua của quân đội. Đó là thói quen của lũ chỉ huy bất tài.
Chiến dịch tiếp theo là Trung Du và Đường 18. Đồng chí Nguyễn Văn Tình làm Trưởng ban. Trong dịp này, đồng chí Hoàng Bửu Đôn được trên cho về Cục Thông tin.
(Còn nữa)
Được đang bởi Nguyễn Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét