14/3/15

Lên đường hạnh phúc (phần 3/5)

(Hồi ký của đồng chí Hoàng Đạo Thúy)



III. ANH EM XÂY DỰNG NGÀNH

Cục Thông tin liên lạc được trao nhiệm vụ tổ chức ngành binh Thông tin trong quân đội. Các chiến sĩ thông tin liên lạc là những người đem cái tổ chức ấy ra dùng, rồi qua những việc làm thực sự, sửa chữa cho ngành binh được tốt. Chiến đấu, anh em xây dựng truyền thống cho ngành. Nhiều người đã cực nhọc, nhiều người đã hy sinh để cho TTLL phục vụ tốt cho tác chiến. Lịch sử TTLL trong quân đội, chính là do các đồng chí ấy là những chiến sĩ cách mạng, có khi để lại tên tuổi, nhiều khi không.
            Kể vắn tắt các công việc của mấy đồng chí mà tôi biết được, hay còn nhớ được, tôi cúi mình trước anh linh các đồng chí đã khuất, tôi hứa với các đồng chí hãy còn, giữ trọn lòng tin mến giữa các anh em cùng chung một chí hướng, cùng chung một dòng máu.
Tên là chiến sĩ thông tin mà!
Năm 1951, khi bắt đầu chiến dịch Hòa Bình, ta đánh cụm ba đồn Tu Vũ, bên Sông Đà. Mới có một đơn vị ta tiến sát đồn, thì pháo của giặc ở Phố Chẹ, bên kia sông, bắn chặn dữ dội, để cho quân phía sau không lên được nữa. Ai muốn đi qua bãi cũng phải chạy như bay.
Một đồng chí cán bộ cấp trên cũng đang vượt cái bãi nguy hiểm. Bỗng đồng chí ấy thấy một người nằm xoài trong cái hố nông choèn, tay cầm một ống gì đó. Đồng chí thét:
- Sao lại nằm đấy?
- Tôi là thông tin mà!
Thế ra một chiến sĩ thông tin liên lạc. Đến gần mới biết là một đồng chí điện thoại.
- Cho tôi nói được không?
- Có ngay!
Điện thoại viên cho cán bộ nói. Nói xong, đồng chí cán bộ ngần ngừ, rồi bắt tay và đi tiếp. Vừa đi, đồng chí ấy ân hận, vì quên không hỏi tên anh ta là gì. Mà cũng biết tên rồi đấy. Anh ta đã chả tự giới thiệu một cách gọn lỏn rồi ư: “Tôi là chiến sĩ thông tin mà!”.
Chiến sĩ thông tin, cứ ở dưới đạn, để kịp chữa các chỗ đứt. Tự nhiên, thế thôi mà.
Anh em kể lại mãi câu chuyện:
“Người anh hùng áo lửa”
Đại đoàn Đồng Bằng, ở Trung đoàn 2, có một đại đội chặn viện từ Chùa Cao (Ninh Bình) xuống. Ba trung đội bố trí ở 3 bãi đất làng Yên Ninh, có những xóm đã bị tàn phá. Địch phát hiện, nó tập trung bắn vào. Mười hai chiếc tàu bay nối tiếp nhau bắn xuống và thả bom na pan. Đại đội cần ra lệnh để bố trí lại và đưa nhân dân và tù binh đi ẩn nấp.
Liên lạc viên Trương Công Man vọt ra khỏi cái hố, lao về phía Trung đội 1. Bò rồi lại chạy, Man vượt được mấy mảnh ruộng. Máy bay sà xuống, in bóng loang loáng trên mặt nước. Một quả na pan vàng ệnh lăn xuống, dựng một cột lửa bên cạnh anh. Lửa cháy vèo vèo trên lá ngụy trang, trên áo. Man chạy thốc vào làng, thở dốc. Anh em xúm lại dập lửa, băng bó mảng thịt chín trên vai anh. Man lại quay về đại đội.
Tình thế càng khó khăn. Còn một trung đội nữa chưa bắt được liên lạc. Man nói:
- Đồng chí để tôi đi. Tôi đã quen đường. Chúng nó không làm gì được tôi đâu!
Bóng Man loạng choạng trên dòng nước. Máy bay chúi xuống đuổi. Một quả bom phá nổ chặn đường. Người Man bị bắn tung lên. Man tỉnh dậy... bàng hoàng... nhìn phía Trung đội 2. Bao nhiêu đau đớn tan hết. Man nghiến răng chui khỏi đống đất. Nhổm lên, gục xuống, loạng choạng. Tiếng máy bay rít, hai quả na pan lao về phía anh. Kiệt sức, Man không tránh được nữa. Chỉ thấy như một cái nơm lửa chụp lấy toàn thân. Người Man biến thành một khối lửa. Man nhổm lên rồi lại lăn xuống bùn, rồi chạy vụt đi, áo tơi cháy bùng bùng. Nhưng nhất định lệnh phải được chuyển tới. Đồng bào được chuyển ra ngoài, chưa đến 10 phút sau, cả khu vực ấy bị san bằng.
Trương Công Man là người Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Trong một trận, sau anh hy sinh.
Đường dây liên lạc chân từ Việt Bắc xuống phía Nam là rất quan trọng, vì đó là đường đi các khu 2, 3, 4 là đoạn đầu của đường đi các khu miền Nam.
Vĩnh Yên có lúc giặc đóng, có lúc không. Túi công văn phải làm sao cho chập tối là đến bờ Sông Hồng. Tối đen, đốt một ngọn đèn con lên, để giữa 2 cái thúng, để cho từ bờ Nam, chỉ có một chỗ nhìn thấy được thôi. Đó là hiệu để bên kia chở thuyền sang đón. Sơn Tây bị giặc chiếm tạm. Chỗ có thuyền chính là một thôn nhiều dân công giáo. Nhiều người tốt, nhưng bị bọn phản động nắm chặt: Ở đấy biết tình hình để nếu có trở ngại, thì thuyền không sang.
Mang túi công văn từ thuyền lên, không chuyện trò đòi hỏi gì cả. Đi một mạch theo con đường đã được kiểm tra rồi, đến sau núi Ba Vì, mới nghỉ. Chỗ ấy có trạm anh Hổi. Lĩnh lương thực, nghĩa là một bát ngô rang. Hổi đi tiếp. Một bát ngô, cũng khó lắm đấy. Phải lên núi mua của đồng bào Dao mới được. Ra đến gần đường số 6, là phải đợi thủ tục qua đường.
Một tổ chuyển đạt cùng với du kích bám đường. Cả ngày từ núi cao, theo dõi địch đi lại. Sắp tối, đến gần đường kiểm tra, rồi đi ngược một đoạn, đi xuôi một đoạn. Không có gì cả, mới làm hiệu cho người và công văn qua. Không chắc thì nhất định đóng đường. Khi có việc kíp, hay đoàn cán bộ cần đi qua ngay, thì du kích đánh chặn hai đầu để cho đoàn qua.
Kỷ luật là: Ai thì ai, đi qua phải theo lệnh người trạm trưởng. Như thế, bao nhiêu chuyến không xảy ra chuyện gì. Một lần, một đồng chí ra lệnh, bắt anh em phải đi với đồng chí ấy. Lần này ta mất một cán bộ, anh Thành và chú Hán.
Trong chuyển đạt có mục H.T là hắc lắm. H.T là “hỏa tốc”; thư H.T đến, là chạy ngay. Lại có cái khoản “hỏa tốc hẹn giờ”, trên thư ghi giờ đến, là nhất định phải chạy nhanh cho kịp.
Chiến sĩ mang H.T là đã thấy mình cần cảnh giác rồi. Vừa tự hào vì sự tin cẩn của cấp trên, vừa lo nghĩ về bảo vệ, về kỳ hạn.
Cũng có khi, có ít khi lắm, anh chuyển đạt chạy đứt hơi, dây rừng đập rát mặt, đến nơi, thấy người nhận mở phong bì, móc ra một viên thuốc nhức đầu. Anh chuyển đạt tiu nghỉu, rút lui, không biết có nhớ chào không.
Những người dựa vào quyền lợi của tác chiến, mà thuận tay, đóng đánh toẹt một cái, con dấu “H.T” vào bì thư thường, những người ấy quả là những quái vật. Trong cách mạng mà lẫn một vài quái vật, thì chắc cũng ít thôi. Nhưng làm cho người ta nhọc lắm.
Nhưng cũng có lần, người nhận, cầm C.V (công văn) đọc, rồi gọi bộ đội, bảo tăng thêm người bảo vệ cho cơ quan. Đồng chí ấy hỏi:
- Chú đi bao nhiêu người?
- Em đi một mình...
- ...!
Lúc ra đi, đồng chí thủ trưởng đã dặn: “Em đi một mình mới qua được. Nếu thư này không đến nơi, thì anh coi như là em không về nữa”.
Đồng chí bắt tay thật chặt.
Đồng chí nhận thư bảo: “Chú ở lại nghỉ vài hôm đã, chắc chú mệt, đi miết mấy hôm rồi”.
Nhưng em xin về ngay, mang giấy báo nhận về, cho thủ trưởng yên lòng.
Nhiều khi người ta không hiểu tại sao mà thủ trưởng lại quý một chú bé liên lạc đến thế!
Cách mạng nghĩa là hy sinh. Trong cách mạng những người hy sinh có nhiều. Nhưng nhất định làm sao không hy sinh, để làm cho được một nhiệm vụ. Cũng hay lắm!
* * *
Lúc mặt trận chưa tạm ổn định là lúc anh em chuyển đạt khó làm ăn lắm. Đi công tác, làm gì có đủ người đi trước, đi sau mà xem xét, mà bảo vệ. Khi giặc tấn công Việt Bắc, chú Đông chạy C.V qua Châu tự do (Sơn Dương). Vừa vào nghỉ chân ở một nhà thì giặc ập đến. Chỉ còn có một lỗ trên trần nhà. Chú đánh đu lên. Hôm sau, địch di chuyển, mới xuống đi tiếp được.
Kể không xiết những lần đi rừng gặp lũ, gặp thú dữ, gặp biệt kích. Khao khát  muốn nghe câu chuyện đồng bào đang nói trong làng, mà cứ phải đi dấn lên, đến chỗ nào đó, không có người, không có hớp chè, mới nghỉ chân.
Nhưng trong 9 năm đánh Pháp, cũng có một lần mất túi C.V. Một cái tang dữ dội cho toàn Cục lúc bấy giờ.
Thủ phạm là cái tư tưởng “ăn tết”. Ăn tết thì có làm sao. Nhưng vì vội ăn tết mà để mất công văn, thì còn gì gọi là quân bưu, là chuyển đạt. Lộ bí mật của nhân dân, lại là một tội nặng.
Mọi lần vẫn đi vòng sang bên kia Sông Bứa, vẫn bảo đảm. Vì gần 30 tết, đi đường thẳng, ngay bên này sông, bị địch đuổi, rơi mất túi C.V, lại suýt nữa để cán bộ bị bắt. Anh ta tự xin được xử bắn. Cấp trên không xử bắn để anh ta sống, để suốt đời kể lại chuyện mình, cho mọi người cảnh giác!
Đường liên lạc chạy qua các vùng địch hậu, còn phức tạp hơn nữa. Như con vạc, chỉ chạy đêm. Gần sáng, đến một nơi “gọi là an toàn”. Nhiều lần, cả ngày phải nằm hầm.
- Có khó khăn gì không?
- Có cái khó là cả ngày ở trong bóng tối với du kích, nhiều khi là phụ nữ. Miệng cứ phải lẩm nhẩm. Chị em chế: “Cầu kinh à?”.
- Vâng, cầu kinh! “Mười lời thề”.
Trong mấy năm đầu thông tin phục vụ tác chiến, có những hình thức thật là đặc biệt.
Bộ đội từ trong rừng, theo khe núi tiến ra. Liên lạc đi trước, cắm “lộ tiêu” để chỉ đường. Một bộ phận ra trước đến các vị trí chiến đấu, để đón bộ binh.
Đội điện thoại tiến theo. Lính điện thoại khiêng hàng tạ dây đồng, dây thép, ì ạch. Bên hông đeo chiếc máy “xay hạt tiêu” đặt trong bị cói. Mấy anh khác, vác những bó cọc mắc dây. Đi chật cả đường. Bộ binh cứ gọi yêu là “cái của nợ”.
Đặt gánh xuống, cắm cọc, mắc dây. Xong rồi thử bằng cách thổi, chớ không được quay chuông. Rồi báo cáo ban chỉ huy, để bộ binh và pháo binh chiếm lĩnh trận địa.
Đội trưởng gắt: “Làm sao mà thoáng một cái đã mất liên lạc rồi!”. Thì ra đường trơn, bộ binh cứ víu lấy dây điện thoại, cho khỏi ngã. Dựng lại cọc không biết là mấy lần nữa. Có khi pháo còn bảo T.T căng dây đo hộ từ miệng súng đến đồn là bao nhiêu mét.
Công binh mở đường, xung kích tiến vào là T.T lại phải theo ngay, rắc vôi bột, rải vải trắng, hay bẹ chuối để thê đội 2 thấy đường. Lúc này, cuộn dây mềm quý hóa mới được giở ra, để đồng chí đơn vị trưởng vào chỉ huy.
Làm bao nhiêu chuyện như thế ở trước mũi súng địch, mà chiến sĩ T.T không được dùng súng, không được bò, lăn.
Giải quyết được đồn, hay không, thì chưa sáng đã phải rút. Chuyển đạt lại cắm lại lộ tiêu, mở cờ đỏ, đứng sẵn ở chân đèo, để chỉ đường về. Pháo địch, ngày thường đã nhằm những lối ra vào của ta, lúc ấy tha hồ mà bắn lên đèo. Chỗ đứng của liên lạc viên nguy hiểm lắm. Nhưng không đứng ở đó, thì ai chỉ đường cho anh em về chỗ tập kết.
Đội điện thoại còn phải thu dây, nhổ cột, bao giờ cũng về sau cùng.
Ruột con người ta như thế! Những đứa con hay sài đẹn làm cho mẹ khó nhọc, lại được mẹ yêu nhất. Chiến sĩ thông tin có lúc cũng bực bội, nhưng trong lòng vẫn thương yêu tha thiết cái binh chủng của mình. Mà anh em các binh chủng khác đều thấy rõ ràng. Thông tin giúp cho mình chiến đấu kết quả hơn, vì thế vẫn âu yếm anh đồng chí “tờ tờ lờ lờ”, vun đắp nên một tình đoàn kết rất tốt cho nhiệm vụ chung.
Có người ra, mới biết rõ các khó khăn của anh em thông tin miền Nam.
Ngày 23 tháng 9, cuộc kháng chiến bắt đầu. Đồng bào trang bị đơn sơ, mà đánh rất anh dũng, nhưng tổ chức không kịp. Ủy ban nhân dân Nam Bộ rút ra ngoài Thành, không mang được máy vô tuyến điện theo. Đây là mấy hôm liên lạc với miền Bắc đứt, làm cho chúng ta lo lắng ghê gớm đó. Mấy hôm sau, được một máy từ Mỹ Tho đem về, nên lại thông tin ngay được với Trung ương, lúc đánh thẳng, lúc nhờ Khu 5 chuyển tiếp.
Trong các trận chiến đấu dũng cảm, nhưng vô cùng khó khăn, lúc đầu chưa đặt được liên lạc chắc chắn. Chỉ có các “Thiếu niên tiền phong”, đi đi, lại lại như con thoi dưới làn đạn địch.
Bộ tư lệnh Nam Bộ thành lập. Các lực lượng phân tán khắp nơi. VTĐ phải là phương tiện chủ yếu, mà khổ là không có máy. Lúc ấy anh em công nhân viên Sở Vô tuyến điện, Sở Phát thanh, cho đến thợ các xưởng VTĐ tư, cũng cả quyết tìm cho ra máy. Nhặt được một máy ở chiếc tàu bay rơi, thế là đặt được liên lạc giữa hai miền Đông và Tây. Cho đến 1946, các đồng chí từ Côn Đảo về, mang theo một máy, mới lập được một mạng tay ba.
Đến khi lập ra các khu 7, 8, 9 thì ở mỗi khu đã có một khoa thông tin liên lạc, gồm máy VTĐ, bộ phận nạp điện và sửa chữa, bộ phận điện thoại. Ngoài ra còn có ban giao thông liên lạc chạy chân, gọi tắt là “giao liên”. Ngành giao liên này sau phát triển rất rộng rãi, khắp miền, khắp nước, đi khắp mọi nơi. Mà có người hy sinh, có người mất tích, nhưng mạng “giao liên” thì không thể nào phá được. Đưa cán bộ, đưa công văn. Không thể nào chiến đấu và sống mà lại không có giao liên.
Với phong trào “Nam tiến”, Bộ Quốc phòng gửi vào 2 máy VTĐ để đặt ở Khu 7 và Khu 8.
Thời gian sau, vì chiến trường chia cắt, ta và giặc đóng xen kẽ nhau, anh em thông tin đã cố gắng nhặt nhạnh đồ cũ, mua sắm các phụ tùng, làm được nhiều máy, đặt ở khắp mọi nơi.
Có lẽ nào mà địch không hết sức phá thông tin ta. Nó phá bằng gây nhiễu, bằng cách dùng máy VTĐ đo góc để tìm đài ta và gọi pháo và tàu bay bắn phá, bằng cách cho tay sai chui vào nội bộ thông tin.
Cùng là “đồng chí” kháng chiến với nhau, sống với nhau thân thiết. Nhưng lại vì thân thiết, mà sinh ra xuề xòa. Địch lợi dụng ngay cái chỗ ấy.
Tìm thấy đến 5, 6 người của địch, cài vào làm đài cho ta. Họ tìm các điện của ta, có khi chuyển cả các điện của ta cho đài địch. Sau khi bắt bọn này, cử một đài trưởng khác rồi sau này cũng phát hiện rằng người này cũng phản nốt. Ấy nó phá đến mức như thế!
Nhưng để đến tình trạng ấy, trước hết cũng là lỗi của ta. Chọn người không cẩn thận. Không kiểm soát công việc kiểm soát mà nghe được morse thì sao có phản được, có khi đặt 1 máy riêng để thủ trưởng bất thường kiểm tra các liên lạc.
Lại cứ cho là “đồng chí với nhau”, không cần kiểm soát. Người kiểm soát lười, không làm, người được kiểm soát cũng tự ái.
Thật ra, kiểm soát là một chế độ lớn của chỉ huy. Nhất định phải làm. Có làm, mới nâng đỡ được người yếu. Mới tìm ra được các sai lầm mà sửa chữa. Có làm mới biết ai là làm tốt, để khen ngợi và khuyến khích. Người xấu không có kiểm soát thì sẽ hỏng. Người tốt mà không kiểm soát, không ủng hộ, có ngày cũng nản.
Sao lại liều đến nỗi bỏ việc kiểm soát?
Giặc Pháp muốn chiếm lại nước ta. Nó không thể nào rải quân ra khắp nơi, biết rằng rải ra là chết. Nhưng rồi cũng cứ phải rải. Không rải thì không chiếm được đất, của và người.
Nó đánh lớn ở miền Bắc, miền Nam và vùng Bình, Trị, Thiên; thế là ta có 2 vùng ít khi giặc đến. Bắc có Thanh, Nghệ Tĩnh, Nam có Quảng Ngãi, Bình Định. Thanh Nghệ dính liền với Bắc Bộ. Nghĩa Bình thì Bắc có giặc ở Huế, Đà Nẵng, Nam có địch ở Nha Trang. Nhưng ở đâu thì chúng cũng giữ được đồng bằng thôi. Phần lớn rừng núi là của ta. Nghĩa Bình thành Khu 5, gồm cả cao nguyên miền Tây và phía sau Phan Thiết, mà khu gọi là cực Nam và vẫn có một bộ đội lớn đóng, nhất là đâu đâu cũng có du kích, mà phải tiếp tế thêm về vũ khí.
Khu 5 với tinh thần Quảng Ngãi, Ba Tơ, giữ được địa bàn. Vị trí ở giữa Nam và Bắc, nên Khu 5 thành một khu cất giữ. Khu 5 còn có cả tàu hỏa. Cán bộ đi làm công việc liên lạc, giao thông, đi tầu thật là thuận tiện. Có cả một đường điện tín, điện thoại, đi suốt từ đầu đến cuối Khu.
Hồi đánh Pháp chưa có đường Hồ Chí Minh lớn, vận chuyển nhiều như sau này. Nhưng đã có hai đường Hồ Chí Minh, núi và bể.
Cán bộ và công văn từ Bắc vào, đến Nghệ, rẽ qua Hương Khê đi gần đường Tà Lao vua Hàm Nghi, đến nguồn Sông Gianh, Tuyên Hóa, theo đường Cà Roong, lên đỉnh Trường Sơn. Núi cao không có hổ báo, nhưng lại có gấu, đười ươi. Thỉnh thoảng gặp những con voi già lụ sụ mà anh em cho là voi Hàm Nghi cũ. Có khi gặp cả bầy người rừng.
Đến đường số 9, thì đành phải xuống đất và qua cũng khó như đường số 6. Sau đó, lại lên núi qua Hướng Hóa, miền các đồng bào Vân Kiều, vào A Sốc, An Điềm, hết đất Quảng Nam, mới tạt vào Quảng Ngãi. Biết bao nhiêu là gian nan, mà thế là đi Nam Bộ, mới được có nửa đường thôi.
Ở Khu 5 có một trạm chuyển đạt lớn. Soạn xem bức nào của Khu thì giữ lại, còn thì bao, phong gửi tiếp qua đường Hồ Chí Minh.
Đặng Quang Cẩm, người Nghệ, mất liên lạc, tay không, mà một trăm ngày nuôi 9 thương binh què cụt, được lên tiểu đội phó. Làm trinh sát có công to, được cử làm trung đội phó đường Hồ Chí Minh. Đường dài 300 kilômét, đi suốt Tây Nguyên vào Nam Bộ. Giặc treo giải lấy đầu bộ đội, trung đội trưởng lại gây chuyện với dân, Cẩm đi với anh em, cứ phải tránh các làng, đi theo núi. Đường đi yên lành cũng phải 9 ngày. Chuyển công văn hay đưa cán bộ, đi còn nhẹ, nhỡ chuyển võ khí hay hòm tiền thì nặng quá chừng. Chạm địch là cứ chạy sâu vào rừng núi, dành vũ khí cho miền Nam; có khi lủi, hay phải đi vòng đến 10 hôm. Có lần đói, trong đội chết ba bốn người. Cẩm cũng đói, mà phải vọt lên, vào tìm người ra đón.
Sau Đặng Quang Cẩm đổi cách làm, anh liền vào làng, trình bày với đồng bào thiểu số, giúp đỡ đồng bào, dần dà đưa đồng bào chống với giặc. Cẩm xây dựng chi bộ, lập đội vũ trang tuyên truyền. Vạch được con đường mới qua 10 xã, xã nào cũng có dân quân. Giặc tấn công cắt đường 14 lần, thì 14 lần anh lại nối được; vây quét 5 lần, anh em cũng phá được. Không kể công văn, tiền, võ khí, trung đội anh Cẩm đã đưa được an toàn bẩy mươi đoàn cán bộ quan trọng, từ Bắc vào, từ Nam ra.
Đặng Quang Cẩm thật anh hùng!
* * *
Đơn vị ở cực Nam (sau Phan Thiết) cần võ khí lắm. Các căn cứ du kích dọc bờ bể cũng cần. Khu tổ chức đường Hồ Chí Minh trên bể. Cứ có hiện tượng sắp bão là anh em thủy thủ mới xuống thuyền. Thuyền chở dăm ba tấn đến vài chục tấn vũ khí. Phải nhân cơn bão, bọn hải quân Pháp canh bờ biển đi tránh bão là mình vọt ra khơi. Đi như vậy cầm chắc là gian nan rồi. Phần lớn anh em say sóng nằm ở sạp thuyền, cứ lăn long lóc. Người cầm lái ép vào nách, vào đùi tím cả thịt. Có khi sóng mạnh quá, gẫy bánh lái thì là nguy nan vô cùng. Giữa cơn bão, từ ngoài xa, miền biển quốc tế, thuyền đi về hướng Nam. Đến một mức nào đó thì quay mũi; khi đã thấy các ngọn núi, đúng chỗ mình muốn đến, là căng buồm bơi chèo, vào bờ cho nhanh, trao vũ khí, rồi thường thì đánh đắm thuyền. Vào núi, đi bộ ra.
Một lần đồng chí Trần Á ra đi với 6 đồng chí. Thuyền tải mấy tấn. Sắp đến Mũi Nây thì thấy có tảng đá gì lạ. Đó là tầu chiến địch. Tháo ra không kịp nữa. Nó đã thấy mình rồi. Hết sức đâm vào bờ.
Giặc yên trí rằng thuyền ta đã ở trong vó của nó. Nhưng đồng chí Á cùng anh em đã khiêng hết vũ khí lên bờ, theo con đường mòn sau bán đảo Mũi Nây, chôn kín đã. Rồi trở lại, bẩy anh đội nốt cái thuyền lên đầu. Đương nhiên dốc cao suối sâu. Anh em trạm ra giúp. Cuối cùng tầu chiến của Trần Á lại được hạ thủy bên kia Mũi Nây. Lại xếp võ khí lên, nhân trời mù, đi thẳng vào cực Nam. Bộ đội được võ khí, mừng rỡ, cái mừng xóa hết nỗi cực nhọc khi đội con thuyền nặng như cối đá.
Cái việc táo bạo của Trần Á, đặt đồng chí vào hàng ngũ các anh hùng quân đội.
+ + +
Một đồng chí trước ở Trung đoàn quyết tử Thủ Đô ra nói chuyện:
Ở mặt trận Hà Nội, cuối 1946, đầu 1947, chỗ nào có dùng được điện thoại đều dùng cả. Nhưng phần lớn trong chiến đấu, dùng liên lạc viên. Những cô bé, hôm qua còn đi ở, đi học, những chú thiếu niên, thành những chiến sĩ thông tin đắc lực, đem tin tức, báo cáo và mệnh lệnh đi khắp nơi. Ở Ô Chợ Dừa, có chị tự vệ, đi liên lạc, bị bắt, địch dọa cắt cổ và chị không chịu nói là đi đâu, mang gì. Bị trói, dao kề cổ, chị còn thét: “Chúng mày sẽ chết hết! Chúng tao sẽ thắng!”. Chú Trần Văn Tám đang đi liên lạc, bị bắt. Nó đánh đòn “săng tan”. Chú không kêu một tiếng. Nó bóp cổ chú bé, moi trong mồm, chỉ ra được những bã giấy, đọc không còn ra chữ gì nữa. Địch đang bắn rát mà em Nguyễn Văn Phúc, 11 tuổi, ra đi mang mệnh lệnh của Ban chỉ huy cho một đơn vị chiến đấu. Một em khác, lăn như một hòn bi, liên lạc từ phố này sang phố kia. Đó là em Trang Công Lũy, bị Tây đuổi, lẻn lên gác, rồi bình tĩnh rút chốt lựu đạn, ném xuống giết 3 thằng, thế rồi em nấp vào cái tủ áo, đến tối trốn thoát.
Giữa các ụ chiến đấu, các em bò, toài, đi lại, vừa đi vừa hát những bài ca cách mạng. Nhiều chỗ đã bị giặc bao vây kín, mà đội liên lạc đặc biệt cũng đưa được vào đủ mệnh lệnh, thư động viên, quà tết, thư chúc tết của Hồ Chủ Tịch, cả võ khí nữa, làm cho chiến sĩ lúc nào cũng thấy Đảng, Cụ Hồ và toàn dân ở bên mình. Đến ngày có lệnh rút ra ngoài thành xây dựng, thì ở các ngóc ngách, các ổ phân tán, mà lệnh vẫn đến nơi cả được, và giữ được hoàn toàn bí mật.
Chúng tôi đề nghị kết nạp các liên lạc viên mặt trận Hà Nội vào Ngành Thông tin liên lạc.
Khi địch đổ bộ ở Đà Nẵng, đánh lên Huế, ta đóng quân cả ở bờ Nam và bờ Bắc. Một tổ điện thoại từ Vinh vào giúp Trung đoàn Cao Vân, lợi dụng cầu xe hỏa, nối hai bờ, góp phần vào các thắng lợi lúc đầu. Đến sau, mặt trận vỡ, có người sợ quá, chôn cả vũ khí. Anh em điện thoại bảo: “Người chưa chết, chưa chôn dây máy!”. Anh em cuốn dây thành nhiều cuộn, nhờ nhiều người mang. Nhịn đói mấy ngày mà anh em vẫn giữ dây máy và tiếp tục chiến đấu.
Trong những đợt tấn công dài của địch, như khi nó tấn công Việt Bắc, anh em chuyển đạt bị một cơn thử thách gay go. Nhất định là các đơn vị phải di chuyển để tránh giặc, để đánh giặc. Liên lạc lúc này khó quá, nhưng khó mà không làm, không được. Chính những lúc như thế này, các đơn vị, các cơ quan cần thông tri, mệnh lệnh, tin tức. Có thể khi đến trao công văn thì hỏi địa điểm dự bị. Nhưng có lúc không dùng đúng chỗ dự bị. Có đơn vị di chuyển, vẫn để người ở lại để giữ liên lạc. Nhưng lắm lúc cũng không còn ai.
Anh chuyển đạt mang thư đến, mà lại là thư hỏa tốc, không có lý do gì mà để chậm.
Có anh liên lạc, là đoàn viên thanh niên cũ, biết cách theo dấu vết, anh làm thế này: Anh theo vết chân dép và giầy đinh, ra cổng làng. Nếu buổi trời tà, mà nằm sát mặt đất, thì các vết hiện lên rất rõ. Khi nhiều người đã đi một đường, mà vết chân không giống vết chân nông dân, thì nhìn không khó. Lại còn vết bánh xe đạp chỉ rõ hướng tiến, vết chân ngựa, lá ngụy trang rơi. Cứ nhìn trên đường như đọc bức bản đồ mà đến được chỗ mới. Chỉ có mưa to mới xóa hết được dấu vết đi thôi.
Có anh đang đi thì thấy địch đằng sau. Anh vọt lên núi, rồi cứ giữ hướng đường, lợi dụng các đường tắt, chạy trước, đến nơi báo cáo tình hình với đơn vị.
Có khi mang thư quan trọng, phải có người đi trước.
Quân đội cách mạng, ban đầu bao giờ cũng nghèo. Chúng ta cũng nêu khẩu hiệu “cướp súng giặc đánh giặc”. Giặc phải trở thành nguồn cung cấp cho ta.
Thông tin liên lạc cũng thế, mà thế hơn nữa. Một bộ máy VTĐ khó kiếm hơn là một khẩu súng.
Những khẩu súng cướp được của giặc, bộ máy VTĐ chiếm được là tốn bao nhiêu xương máu của các đồng chí chúng ta. Các đồng chí chiếm được, trao cho ta dùng, đi đánh giặc. Ta dùng được tốt, đó là đền công cho các đồng chí. Nếu dùng không tốt, hay làm hỏng đi, tức là phản lại ý chí của các đồng chí, phản lại nhiệm vụ chiến đấu của chúng ta.
Có những đơn vị bộ đội bắt được máy VTĐ đẹp, là đem biếu Cụ Chủ tịch. Cụ chỉ nhìn qua, rồi bảo liên lạc viên đem cho Cục Thông tin.
Ai cũng hiểu rằng chiến lợi phẩm là của công. Phải dành để làm việc công, đi chiến đấu.
Trong khi đi ra Phủ Điện Biên, tôi đã thấy một đồng chí chiến sĩ, năm ngày ròng rã, cứ ôm cái máy trong lòng không một lần nào để lên đệm xe, sợ xe xóc hỏng máy. Mình đi xe lắc thì không làm sao.
Vì biết quý, biết cố gắng thu nhặt, nên chúng ta đã có một số đồ, dây, máy khá lớn để làm nhiệm vụ.
Nhưng có một số anh em không nghĩ kỹ. Các máy nhỏ gửi về Cục, phần nhiều mất một vài chiếc đèn quý. Thế là cái máy VTĐ đã thành ra súc củi lụt. Có những người đang tâm lấy một phần nhỏ là phá cái máy to. Có những cán bộ chiều cấp trên, cắt cả một bộ máy, để chỉ lấy máy thu “biếu” một ông nào đó.
Sau một chiến dịch thắng lớn, có những ông trưởng ban lập kho thông tin ở địa phương. Các ông lo xa đấy. Nhưng không nộp vào Cục để chia cho các chỗ thiếu, hay để rồi sau chính mình dùng, lại để vào cái kho ẩm ướt và ở sâu trong hậu phương. Các chiến dịch phóng theo một đà như giông tố. Ai mà trở lại đằng sau nữa, kho không có người thì mục nát, kho có người mà lâu quá không ai hỏi đến thì tự túc, rồi đến làm rể địa phương, cho đến ngày hòa bình lập lại, mới ra đi, tìm đơn vị. Bao nhiêu đồ đã lãng phí một cách cổ lỗ như thế.
Có những đồng chí không phân biệt được lý luận và kỹ thuật. Một ông hỏi một kỹ sư ta: Máy Tây và máy ta, máy nào tốt? Kỹ sư bảo: Về kỹ thuật, cái máy Tây này hơn... Thế là ông ta bảo kỹ sư mất lập trường.
Chúng ta thù ghét địch, ghét cả những cái nó làm. Nhưng máy này đã lấy được để mà đánh giặc, thì phải coi là máy của ta rồi.
Một mặt khác, các nhà kỹ nghệ phương Tây làm máy rất tốn kém, thì thu được nhiều lãi. Chính phủ bắt dân lao động trả tiền, chớ nhà kỹ thuật có trả đâu. Vì thế nó hay có máy đắt tiền.
Ta thì ta làm có kế hoạch, có nhiều việc cần phải làm. Mỗi thứ ta chỉ tiêu đến một mức nào thôi. Còn thì phải đem tinh thần mà dùng cho được việc hơn.
Ta quý máy của chúng ta làm. Ta cũng giữ gìn để dùng tốt cái máy “chiến lợi phẩm”.
Ở Nam Bộ, đất nhiều sông rạch, có chỗ đơn vị ta đóng ở một xã, xung quanh là sông, lúc nào cũng có tàu thuyền của địch. Có khi trên một con đường, ta đóng khúc này, địch ở khúc sau. Chia cắt, xen kẽ như thế, nên VTĐ thành ra một phương tiện quan trọng. Anh em đã cố kiếm, đã lắp rất nhiều máy, đến từng tiểu đoàn, có khi đến đại đội; nguồn điện vẫn là cái gay go. Máy nổ ồn ào, phải đặt trong hầm sâu, máy quay tay có ít, dùng xe đạp quay máy điện, làm không xuể. Điện thoại lại còn khó khăn nữa.
Chú “giao liên”, nhất là “cô giao liên”, đã thành ra một phương tiện phổ biến và lâu dài. Bóng dáng và vết chân người giao liên có trên khắp nẻo đường, sông nước, tỉnh thành, rừng ruộng, bưng biền. Các cô nhiều kinh nghiệm, lắm mưu mẹo. Có một cô đưa đoàn cán bộ đi qua một chỗ địch hay phục kích, cô để mọi người đi trước, còn mình đứng lại như chờ đợi, phàn nàn:
“Mấy ông chỉ huy, sao mà chậm thế!”.
Giặc tưởng có mấy ông “chỉ huy” đi sau, nên cứ phục kích, chớ không đuổi theo.
Bị phục kích, có cô chỉ hướng cho đoàn đi, còn mình đi hướng khác, kéo địch theo và hy sinh.
Qua những vùng địch kiểm soát chặt, giao liên không mang tài liệu được, cứ phải học thuộc lòng các chỉ thị rồi nhắc lại. Như thế, sai một chữ là nguy hiểm. Có lần vì nhầm mà gây ra thương vong. Vì thế mà nghe kỹ, nhắc lại đúng thì mới đi, vừa đi vừa nhẩm.
Nhiều khi nhân dân cũng làm giao liên. Vào thành thị khó, nhưng có những bà, những chị gánh cá, mang gà vào thành bán. Trong bụng cá, trong đít gà, có tài liệu. Chị Pla mang lệnh qua đồn Thôn Thanh. Bị bắt, chị chửi mắng giặc không ngớt mồm, rồi hy sinh, không khai ra một điều gì cả.
Không có bao giờ mà lại ngóng tin tức các cuộc chiến đấu bằng độ đầu năm 1950. Không biết rằng thời kỳ đầu của độ tổ chức binh chủng, các đơn vị thông tin liên lạc làm ăn thế nào.
Những kỷ niệm về Sông Lô, ở đó việc chỉ huy rất rất khó khăn, vì không có thông tin, trận Phủ Thông gần đây cũng vì không có thông tin mà đánh khó khăn, thắng lợi bị hạn chế.
Tin thứ nhất đến từ chiến dịch Lê Hồng Phong, tháng 2 năm 1950, quân ta, Trung đoàn Thủ Đô, đánh Phố Lu, một thị trấn khá lớn, có thành đất dày và công sự vững. Trận đánh kéo dài tới một tuần. Binh hỏa lực của ta để ở cả hai bờ sông. Thế là công việc thông tin không dễ. Mạng điện thoại đặt có hệ thống và hợp lý. Qua Sông Thao (khúc trên Sông Hồng) dùng cờ và đèn để liên lạc. Ba lần đổi cách đánh mà thông tin cũng phục vụ được tốt. Được nhận xét là: “liên lạc bảo đảm được chắc chắn và kịp thời từ đầu đến cuối”.
Tin trận lớn thứ hai đến từ Cao Bằng. Trung đoàn 174 đánh Đông Khê, vị trí lớn, có một tiểu đoàn địch đóng không được rõ chi tiết nào về mạng thông tin. Nhưng trận đánh thắng lợi giòn giã. Đây là trận đánh Đông Khê lần thứ nhất, tháng 5-1950, trận mở đầu cho thời kỳ có những thắng lợi lớn.
Như thế là ở Cục Thông tin có được một phần yên lòng.
Trận Đông Khê lần thứ hai, trong khuôn khổ chiến dịch Biên giới, Ban T.T của Bộ hôm đầu chỉ bò được đến cánh đồng Đông Khê, đành lòng làm anh quan sát. Nhưng T.T của 174 đã tỏ ra vững tay. Địch đã nếm mùi thất bại. Thứ 5 rồi, nên nó đã bịt kỹ con đường vào đồn của ta. Trận đánh thật khó khăn. Trung đoàn 174 đặt được cả liên lạc với Trung đoàn phía Nam. Vì thế, dù rằng chỉ huy sở tiền phương không thể gọi qua Bộ tư lệnh để nói với phía Nam, thì dùng dây của 174 cũng được. Ngoài ra lại có VTĐ.
Cho đến sáng mới lấy được một phần các đồn ngoại vi, cuộc tấn công phải tạm ngừng để chuẩn bị thêm. Lập tức T.T họp để rút kinh nghiệm và chuẩn bị thêm nữa. Đến lúc đánh lại, địch bắt rất dữ, làm đứt dây ở nhiều quãng, trong khi điện thoại đi nối thì anh em chuyển đạt nêu khẩu hiệu “bám sát chỉ huy, nắm chặt xung kích”. Như thế là liên lạc luôn kịp thời.
Đến đoạn sau, khi bọn Cao Bằng chạy đến phía Tây đường số 4 và bọn Thất Khê cũng vào đó thì T.T ta thật là gặp khó khăn. Đại đoàn vì phải giữ liên lạc điện thoại với Bộ, nên không sang được phía Tây. Bây giờ, nhắc đến chuyện lúc ấy thì ta phải nhớ rằng ta chưa có “bộ đàm”, nếu có VTĐ bộ đàm và có bảng chữ tốt, thì mấy trung đoàn ta và bao nhiêu quân địch, quần nhau, rối mù, cũng vẫn thấy rõ được. Tây đã dùng BC1000 nhưng ta chưa có. Thế mà điện thoại ta đặt liền tay từ trung đoàn đến tiểu đoàn nhưng vừa nói được lại bị tàu bay địch thả bom dây ném đứt.
Với lực lượng ta, không địa hình nào xem trước được, không kế hoạch nào đặt trước và tính toán trước được.
Giặc, cả hai bọn, lâm vào thế gần như “tuyệt vọng”, chỗ nào xông được là xông lên, có chỗ xông lên một đèo và bị đánh hất xuống đến bẩy lần. Tàu bay lăn xả vào cứu nguy, ném bom dây, đứt hầu hết các đường điện thoại.
Thế là gánh nặng đặt lên vai các đồng chí chuyển đạt. Anh em quên cả rằng 3 hôm rồi, chưa ăn cơm, vượt các chỗ bom đạn, tìm ban chỉ huy, rồi lại đi tìm tiểu đoàn, vì ai cũng di chuyển luôn. Lại còn báo cho các cơ quan di chuyển để tránh loạn quân địch. Đi một mình ở những đường chằng chịt, mà gặp địch, cứ phải cứng, hô đánh, rồi bắt tù binh thu võ khí.
Phương tiện đơn sơ nhất, đã thành phương tiện rất cần thiết.
Rối tinh rối mù, mà Đại đoàn và Bộ tư lệnh vẫn nắm được tình hình. Điện của Cụ Chủ Tịch gửi được đến anh em đang chiến đấu.
Có thể các cách làm việc còn chưa khoa học lắm. Nhưng Binh chủng đã đi thẳng vào chỗ gay go, nên đã qua một cuộc thử thách, nó làm cho anh em già dặn. Tự hào được rằng: Tinh thần đã thắng!
Đường về qua Đèo So, đuối sức rồi, ngã xuống suối lúc nào không biết.
Lúc kết thúc chiến dịch, thì máy BC1000 của giặc ta lấy được, xếp như cái tường. Thắng lợi to mà ý thức còn có chỗ chưa đủ, nên coi thường chiến lợi phẩm ngay. Có lần đứng trên xe tải, ném máy xuống đất, hay đem về vứt vào kho trong rừng.
Cục cũng không đặt ngay thành công việc nghiên cứu và tập dùng máy mới. Mãi đến năm sau mới làm. Thế còn là may, vì từ cái lớp huấn luyện BC1000 do đồng chí Diệp làm ấy, đồng chí Chu Văn Mùi ra và chiến đấu kiên cường ở trận Phủ Điện Biên.
Mà anh em cơ công cũng ít mó đến BC1000, nên ở Điện Biên, phải gọi các đồng chí Ngô Thọ và Vũ Lương ra để chữa. Lại tiếc các lớp trung cấp kỹ thuật VTĐ, tiếc là không làm sao được.
Một độ vô cùng phấn khởi: Địch rút cả Lạng Sơn và Lào Cai. Sợ nên vội rút. Rút xong lại nghĩ mà sợ. Các tướng đổ lỗi cho nhau rồi bị triệt về cả loạt. Ở Hà Nội giặc hoang mang, dân ta mừng. Ngụy lo vơ vét để cuốn gói. Ngoại kiều lũ lượt ra tàu bay. Quân lính nốc rượu cho quên đời. Mỹ đã lăm le hất cẳng Pháp rồi.
Nhưng Pháp chưa đành thôi, tăng quân, xin viện trợ của Mỹ, cử một “danh tướng” Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi, có tiếng từ đại chiến thứ hai sang, kêu gọi “danh dự”, hẹn chiến thắng ngay trong năm mới.
Thế mà, trong khi năm 1950 cũ còn chưa hết, đã giật nẩy mình rồi.
Chiến dịch Trung du mở, đồng chí Nguyễn Văn Tình làm Trưởng ban 3, đóng ở đỉnh Tam Đảo. Đi cùng có các đồng chí Lê Dung và Lưu Phúc Thảo. Độ này Bộ cho thêm cán bộ và cử đồng chí Hoàng Bửu Đôn từ Ban chấp hành Tổng liên đoàn đến.
Phục vụ một chiến trường rộng lớn, lần thứ nhất Ban 3 phải đặt một mạng dây điện thoại đi xa, qua cả miền địch còn kiểm soát. Đồng chí Đôn cử đồng chí Tuấn đi Lạng Sơn thu được một trăm cây số dây mà địch bỏ lại. Số này giúp cho Ban có thêm dây. Về chiến công thu dây này, đồng chí Tuấn đã được thưởng huân chương.
+ + +
Anh em ngành binh Thông tin liên lạc, ở chiến dịch Biên giới, bước một bước vào một chiến trường rất hoạt động, đã rèn được tinh thần vững vàng, cách làm tháo vát.
Đến trung du, một vùng đất đã có nhiều chỗ bằng phẳng. Nhất là tinh thần chiến đấu của anh em cao hơn trước, Bộ đề ra cách đánh “bôn tập”. Bôn là chạy. Từ rừng sâu, chạy ra khá xa, bất chợt đánh. Địch đối phó sẽ khó khăn trước cái táo bạo ấy.
Đánh thì đánh bất chợt, nhưng các bậc chỉ huy ta cũng đã lập kế hoạch cẩn thận. Chỉ có làm thì nhanh thôi. Nhưng nếu thông tin có được dự bàn kế hoạch tác chiến nữa, thì thời gian chuẩn bị cũng gấp lắm. Máy móc, dây dợ nhiều thứ. Nặng mà cứ chạy chẳng kém anh em. Đến nơi, anh em bố trí là mình phải tỏa mạng gấp. Đánh xong thì cố nhiên phải thu xong dây máy mới rút được. Ấy thế là có khi không tránh được pháo giặc bắn trả thù. Khó đấy. Nhưng lối làm việc nhanh nhẹn này lại luyện thêm cho anh em cách làm nhanh chóng, cách xếp đồ đạc có phương pháp, cách quản lý dụng cụ nghiêm ngặt. Làm việc mà không cẩn thận thì gây khó khăn thêm. Các cuộn dây không cuốn có hàng lối, nên ở trận Non Nước sau này, vì ngã mà rối dây trong đêm tối. Làm chậm việc chiến đấu.
Tam Đảo ở ngay rìa Việt Bắc, chiến dịch Hoàng Hoa Thám tiếp đó ở vùng Yên Tử và đường 18. Đường xa, đêm thẳm, hành quân dài ngày, tỏa mạng không được nghiên cứu trước. Anh em lại tiến lên bước nữa. Bó, buộc, nai, nịt cần xem xét. Thứ tự hành quân như thế nào cho trong mỗi bộ phận nắm được nhau, lúc dùng dùng ngay được, không thất thố, thiếu, quên. Lại cũng thu xếp cẩn thận cả việc tiếp tế.
Kể một trận T.T làm tốt.
Đường 18 từ Bắc Ninh, Phả Lại đi Uông Bí, Bãi Cháy, đoạn Phả Lại – Uông Bí ở giữa một cánh đồng trắng, phẳng cách chân núi độ 10 cây số. Vậy là “bôn” ra đánh, đánh xong lại “bôn” về. Đêm 27 tháng 3 năm 1951, ta đánh Bí Chợ, Phán Huệ và Tràng Bạch. Uông Bí chạy. Bí Chợ đứng đầu hệ thống đồn, bốt, có pháo các nơi yểm hộ.
Thông tin Trung đoàn Thủ Đô đặt mạng điện thoại, trên đến Đại đoàn, dưới xuống 4 mũi tấn công, đến pháo. Rồi rải bẹ chuối cho 4 mũi vào đồn.
Chuẩn bị cẩn thận, lại còn diệt VTĐ và điện thoại địch, nên pháo nó chỉ bắn vu vơ. Quân ta thắng lợi sau 45 phút.
+ + +
Nhưng cũng kể một trận nữa:
Bãi Thảo ở gần mấy quả đồi, giữa những bãi hoang và đồng lầy. Một tiểu đoàn Âu Phi. Đến gần đồn, khó nhận ra phương hướng.
Đến nơi, điện thoại đặt một đường “móng ngựa” quanh đồn, bảo các đơn vị bám vào. Đến gần sáng cũng chẳng thấy ai đưa dây đến, vì không ai tìm thấy móng ngựa. Chỉ có một mũi tiểu đoàn là thông từ đầu đến cuối.
Điện thoại đã không được, gọi đến chuyển đạt. Chuyển đạt cũng chỉ biết một con đường, giữa hai đồng lầy. Pháo nó nhằm con đường ấy, không đi được. Bỏ đi tìm đường khác thì đêm tối, lạc. Thế là đồng chí chuyển đạt lại đem lệnh về, đến nơi thì bộ đội tập kết rồi.
Vị trí địch 5 phần, ta diệt được 4 rồi. Vì gần sáng mà phải rút. Chỉ tại đến lúc cần thiết, không phối hợp được mấy đơn vị.
Lỗi tại ai? Cán bộ đi nghiên cứu không có anh em chủ chốt của các đội. Khi về phổ biến kế hoạch trên một sơ đồ. Nửa đêm hành quân đến một đất lạ, không nhận rõ được các vị trí. Không ai cắm lộ tiêu, không được đi thử đường trước. Không trao được mệnh lệnh, mà lại hy sinh mấy anh em.
Mỗi lần, lại phải nhắc lại thất bại này.
Phối hợp với Trung du, Đại đoàn Đồng bằng ra quân, nhưng cập rập quá, lễ thành lập Đại đoàn chưa làm được. Chỉ mới có 4 tiểu đoàn, cũng nhanh chóng tiến lên Sơn Tây. Kiểm xem T.T có bao nhiêu. Dây ít quá lắm. Ba chiến sĩ T.T xin cho vượt Sông Đáy để đi “thu” dây. Cắt được kha khá, chất đầy các bè chuối. Địch bắn đuổi, nhưng anh em cứ bơi miết, đến bờ là cõng các bó dây, chạy.
Thế là bộ đội có dây đánh giặc. Diệt địch một mạch từ Vật Lại về đến Nhật Tảo.
+ + +
Trong thời gian này Đại tướng Tổng tư lệnh có nhận xét: “Thắng lợi bị hạn chế vì thông tin còn yếu, không được cán bộ chỉ huy hiểu biết, kiểm tra và giúp đỡ, thông tin cũng thiếu những phương tiện nhỏ như dầu, đèn, tiếp tế có khi không làm việc được”.
Tiếp theo là chiến dịch Hà Nam Ninh hay Quang Trung.
Tháng 5, Cục trưởng và đồng chí Hoàng Bửu Đôn đi làm Ban 3. Lần này ta đánh phía Tây Nam đồng bằng. Hà Nam Ninh nhiều đồng chiêm lầy lội, chuyển đạt đi khó, điện thoại thiếu cây, que.
Mở đầu chiến dịch, Cục trưởng TTLL được đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cảnh cáo vì một chuyển đạt viên đến nhận công văn, không có sa-cốt, tay cầm công văn, chạy. Đơn vị chủ công đánh Ninh Bình là Đại đoàn Quân tiên phong, có chỉ huy sở ở đám núi Hoa Lư. Bộ tư lệnh chiến dịch ở vùng Nho Quan. Từ Nho Quan đi Hoa Lư có đường cái Nho Quan đi Gián Khẩu, ô tô chạy được, qua bến Đế, rồi khi đến Gia Viễn, thì tạt vào, sang đò ngang là đến Hoa Lư. Đường lớn, một bên có đường dây sát cột cao của bưu điện. Thật đàng hoàng. Mắc dây, sẵn cột, chỉ qua sông 2 lần. Làm điện thoại đường trục theo lối đi này, thì thật là tiện, đỡ vất vả.
Ấy thế mà Trưởng ban 3 cứ ngại. Ngại chính vì cái chỗ đường hoàng ấy. Đường mới được giải phóng, bọn phản động chả phải ai bảo nó cũng biết theo đường dây của bộ đội, theo đến chỗ dây tạt sang Hoa Lư, là chúng nó biết ngay bộ đội ta ở đâu. Nó phá đường không khó gì. Nó phá thì ta chữa. Nhưng đi đơn vị chủ công đứt một lúc là lôi thôi.
Tốt nhất là làm theo một đường mà ít ai chú ý đến. Ai có thể ngờ được rằng ta lại đặt dây qua đồng lầy, sau mấy dãy núi đá, chỗ chả có con đường lớn nào cả, mà đường nhỏ cũng ngập đến đầu gối ấy. Làm việc quân thì “không ngờ” là tốt nhất.
Ban 3 yêu cầu anh em 303 đặt dây theo đường Nam sông Hoàng Long, qua làng Đồng Đỉnh. Phong cảnh đẹp vô ngần, y như một cái vịnh Hạ Long ấy. Núi chơi vơi, nhà sàn, thuyền câu. Nước vỗ vào núi óc ách.
Dây đi từ Núi Côi, chui dưới cống để vượt đường cái, rồi qua hai khúc sông. Phải mắc trên cột thật cao và đặt người canh, để khi có thuyền mành qua, thì đề nghị người ta hạ cột buồm. Vào đến đồng nước thì khổ ngay, vì núi đá không có cây. Phải vào làng mượn tất cả sào phơi. Các cô thanh niên tốt quá, thấy bộ đội cần, các cô đi khắp mấy xóm thu sào, lại còn cử người đến các làng trên đường, đề nghị nữ thanh niên ôm sào ra đồng, chờ sẵn. Thế là nhẹ hơn là có cây trên núi. Anh em gọi các cô là “các nàng tiên của con nhà dây!”.
Trưởng ban 3 đi kiểm tra đường dây, mà thực ra là để dự phần lặn lội với anh em. Lội 20 kilômét giữa các núi đá, gặp các trạm ở những thôn lẻ, chỗ nào cũng vui, vì các chú bé xúm lại để chờ chú bộ đội cho biết những tin thắng trận. Các chiến sĩ canh dây chỉ ngồi ở bờ đầm mà nhìn rõ đường dây đến hàng cây số.
- Có đứt không?
- Không đứt đồng chí ạ!
Thế thì còn gì nữa.
Nhưng Trưởng ban 3 bị phê bình, vì đường quang chẳng đi, lại đâm quàng vào đường rậm, “làm khổ chiến sĩ”.
Bảo một người chỉ huy là “làm khổ chiến sĩ” thì còn biết trả lời thế nào?
Đang tư lự, thì có tin tầu bay đầm già đã dùng móc kéo đứt dây bưu điện trên đường Bến Để đi Gia Viễn. Nó cũng co luôn cả sợi dây ta đặt ở phía Rịa nữa.
Làm khổ chiến sĩ! Chiến sĩ có bị khổ thật. Nhưng đường thông tin được bảo đảm! Không bị móc đi.
Con người ta, ai cũng có lúc thích nhàn nhã. Nhưng lại thích “hoàn thành nhiệm vụ” hơn nữa. Người chiến sĩ ra đi, chỉ ở chỗ phục vụ nhân dân, muốn nhất là muốn được việc cho nhân dân. Được việc, dù phải hy sinh cũng bằng lòng.
Đồng chí chỉ huy yêu cầu anh em chịu mệt nhọc vượt khó khăn gian hiểm, để chiến đấu có kết quả. Làm được như thế người chỉ huy phải dũng cảm. Ngại anh em mệt, mà không yêu cầu anh em, khiến cho việc của Tổ quốc không xong, hay gặp vấp váp, thì chính anh em cũng không muốn đâu. Anh em thích thú, khi thấy địch không thể ngờ được đường đi của chúng ta.
Gần đường dây, trên cánh đồng Vô Hốt, có 4 ngôi mả mới. Như cầm dao cắt ruột... Y như 4 ngôi mả ngày nào ở chân đèo Đà Tẩu. Sao sự việc đau thương lại lặp lại như thế? Đã quên được rồi ư, các đồng chí đã hy sinh ở Chiến dịch Biên giới, mà lại đặt cơ quan ở bên đường qua lại, gần ngã ba thế này...
Câu chuyện Hoàng Đan, câu chuyện nực cười, cười mà nảy ra nước mắt. Cái khổ vì thiếu “đúng”, thiếu “rõ ràng”. Chiến dịch có một hướng phụ, chọc thẳng vào hậu phương Nam Định. Việc này không làm được, chỉ tại thông tin. Thông tin hẹn có mỗi một câu gọn lỏn: “Liên lạc ở đình Hoàng Đan”. Người chờ, chờ mãi ở đình Hoàng Đan, người đến cũng đến và chờ ở đình Hoàng Đan, mà hai người không gặp nhau. Vì làng Hoàng Đan có những 2 ngôi đình. Người dặn chỉ nhớ một chữ đình. Không hỏi xem có mấy đình, không nói đình ở chỗ nào. Người chờ không gặp, cũng không tìm xem có đình nào nữa không.
Kinh nghiệm Hoàng Đan phải nhớ mãi. Trong ngành T.T phải nói gọn, nhưng thiếu rõ ràng, thì có khi thành tai vạ.
Có chỗ làm trái ngược với Hoàng Đan, ấy là một đơn vị của Đại đoàn Đồng Bằng đánh Kỳ Cẩu. Trước trận, anh em T.T, được nghiên cứu kỹ sa bàn, nhận rõ địa hình, địa vật các vật chuẩn để xác định hướng, các nơi hợp điểm. Vì thế mà bố trí TT được trót lọt, trận đánh thắng nhanh.
Anh em thông tin cứ thèm chiến đấu, không được bắn, nên hễ ai đi ra trận về cũng hỏi xem đánh đấm thế nào. Những chuyện anh em chiếm núi Non Nước, cái lô cốt đá to tướng đứng giữa Sông Đáy và thị xã, giặc vây bốn mặt mà anh em rút đi lúc nào không biết. Truyện anh Phương Mèo với mấy anh em luồn trong núi Hồi Hạc. Núi ấy là một hòn đá lũa to bằng cái đình, mà đầy những hang hốc thông với nhau. Giặc không làm thế nào mà đuổi anh em ra được.
Đến tận bây giờ, đến xem núi Non Nước, còn thấy cái oai hùng của các chiến sĩ ta. Nhưng quay lại tìm núi Hồi hạc, thì không còn thấy đâu. Người ta đã phá quả núi lịch sử đẹp ấy, để lấy đá nung vôi rồi...
Trong buổi liên hoan “lửa trại”, trao cho 303 quyết định. Bộ trưởng cho Quân công hạng Ba vì chiến công ở Biên giới và đồng chí Tuân được báo là được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba vì đã đem về được 100 cây số dây.
Phải kể câu chuyện “hai cây số dây”. Trận Chùa Cao để lại nhiều kỷ niệm đau xót. Thông tin có góp một phần vào nỗi thua thiệt. Đồng chí cán bộ TT đi nghiên cứu địa hình, ước lượng chỉ cần 2 cây số dây, và lúc vào trận chỉ đem vừa đúng có ngần ấy dây thôi. Lúc đặt thì dây không đến vị trí chiến đấu. Có những lúc ban chỉ huy không nắm được tình hình. Bộ đội thương vong, đành rút.
Ngày thường không tập ước lượng cho nên nỗi này. Ước lượng có giỏi nữa, thì làm sao không đem theo dây dự trữ, mà dây có đo kỹ từng cuộn không?
“Hai cây số dây” trở thành một vết thương rỉ máu.
Nhưng không phải trong TT, ai cũng như đồng chí “hai cây số” đâu.
Khi phải đánh lại Chùa Cao một lần thứ hai nữa, thì một chuyển đạt viên, đồng chí Hãng, đã hai lần đưa lệnh vào tận trong đồn.
Một bên đồn là đồng nước sâu, một bên là đồng mầu (khô). Địch cứ nhằm phía đầu Tàu mà bắn. Hai chuyển đạt viên đi trước đã 3 giờ rồi mà không thấy trở lại. Đồng chí Hãng nhận một mệnh lệnh mà phải chuyển bằng mồm đến một tiểu đoàn. Bình tĩnh nhẩm ba lần, cho thật thuộc, rồi ra đi. Đến khu đồng mầu, đồng chí Hãng ngừng lại, buộc mũ, thít thắt lưng cho chặt, nhẩm lệnh một lần nữa, xem xét làn đạn, rồi “tiến vọt”. Hỏi anh em các chiến hào thì biết tiểu đoàn trưởng đã vào đồn, không biết đâu mà kiếm, phải lần theo dây điện thoại mới gặp được thủ trưởng, chuyển lệnh và nhận báo cáo mang về.
Vừa về đến nơi thì một cáng khiêng đồng chí chuyển đạt viên đi trước cũng vừa đến, công văn vẫn còn đeo theo, Hãng lại vào đồn một lần nữa. Anh bảo: Nó bắn nhiều thật, nhưng không bắn được kín tất cả các chỗ. Xem quy luật đạn rơi, rồi lợi dụng mô đất, bờ ruộng, hố đạn; nếu quen tập chiến đấu cá nhân, thì qua được. Bình tĩnh, đừng sợ, nắm vững vật chuẩn!
Có đồng chí Hãng như vậy, mà đánh lần thứ hai vẫn không lấy được Chùa Cao. Có mỗi một đường dây vào đồn, lại không mắc xa đường độc đạo, bộ binh đi, níu lấy dây, làm đứt luôn, chỉ huy không rõ được việc đánh trong đồn thế nào.
Sau bãi Thảo, Chùa Cao nữa, lại là một thất bại của thông tin. Anh em gọi là “cái hận Bãi Thảo”, “cái hận Chùa Cao”. Phải nói thẳng rằng: Mồm nói “hận” nhưng có nhớ đâu. Nếu nhớ cái hận Bãi Thảo, thì đã không có cái hận Chùa Cao.
Một chuyển đạt viên can đảm nữa là đồng chí Hoàng Bá Tùng. Đơn vị của đồng chí ấy, thuộc Trung đoàn 9, bị vây chặt. Tùng lẻn được ra ngoài, tìm đơn vị bạn, dẫn đường đánh giải vây kịp thời. Làm nhiệm vụ liên lạc quan trọng như vậy, mà Tùng vẫn không quên nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp, anh chỉ có quả lựu đạn thôi, nhưng đã dùng quả lựu đạn ấy, áp đảo một tên ngụy binh, bắt nó và thu một súng trường và một quả lựu đạn nữa. Anh thông tin vẫn không quên rằng mình là bộ binh.
Việc chiến đấu ở đồng bằng Bắc Bộ, các năm 50-51 trở đi, đẻ ra một ngành thông tin khác thường: liên lạc các vùng địch hậu.
Ngay từ Thu Đông 1947, giặc đã thấy rõ là không sao đánh nhanh được đâu, Revers tham mưu trưởng Pháp sang xem xét và đề ra chủ trương: Ra sức tăng viện, bảo vệ biên giới, chiếm rộng ở đồng bằng Bắc Bộ, mở rộng độc lập quốc gia (cố nhiên là giả hiệu), xúc tiến tổ chức quân đội (bù nhìn), tập trung quân cơ động, tăng cường càn quét.
Tức là đóng chặt cửa, chiếm các tỉnh đông dân, nhiều gạo, dùng người ta đánh ta, cướp của ta để nuôi quân, lập ngụy quyền. Tức là quay sang đánh lâu dài.
Từ cuối 1949, đồng bằng ta bị 4 lần lấn chiếm lớn, càn quét cực kỳ tàn khốc, cướp lúa, bắt người, lôi kéo bọn phản động đội lốt tôn giáo, làm một lực lượng đàn áp hung tàn. Tách các vùng tạm chiếm ra khỏi các vùng tự do bằng đồn, bốt, vùng đai trắng. Lập quân viễn chinh Âu Phi, quân địa phương, bảo hoàng, bảo chính đoàn, ngự lâm quân, tử về đạo, vệ sĩ, tổng dõng, hương dõng... Đất Hưng Yên có 365 vị trí. Thái Bình 195, ba huyện của Ninh Bình có đến 59 đồn bốt. Những tháp cao có súng, những lò sát sinh, tổ chức hội tề. Nó nhằm uy hiếp tinh thần ta, phá cơ sở, diệt các tổ chức chính quyền và lực lượng vũ trang.
Ta thì, phần lớn nhân dân vẫn yêu nước một lòng, cán bộ vẫn ở với dân, các lực lượng vũ trang vẫn bám lấy địa phương, các tỉnh ủy, ủy ban vẫn làm việc, gây cơ sở, phân tán cơ quan, cất giấu của cải kho tàng, theo dõi và ngăn chặn mọi âm mưu phá hoại của các bọn phản động, luôn luôn tìm cách cải thiện đời sống của nhân dân, tạm cấp ruộng đất cho dân nghèo. Chống giặc bằng mọi cách: Hợp pháp và không hợp pháp. Phá ngầm và phá công khai chính quyền địch. Chống kê khai, chống thuế, bao vây kinh tế địch. Lại thi đua sản xuất cung cấp gạo cho kháng chiến, gửi con em ra tòng quân. Mở những khu tự do trong lòng địch.
Ở một làng kia, có cái nhà khá giả, sau bức mành mành hoa, có một ông hàn mặc áo đoạn, ngồi trước khay trà. Ai biết đâu rằng đó lại là đồng chí trung đoàn trưởng. Tham mưu trưởng của ông ta là một anh mặt rỗ nhằng giỗ nhịt, mà tháo vát vô cùng. Trưởng đài VTĐ cũng là một tay đáo để. Trung đoàn chia ra làm nhiêu đại đội, đóng khắp nơi, di chuyển luôn, lúc làm võ trang tuyên truyền, chỗ dựa của dân, lúc đánh đồn bốt. Chiến sĩ của trung đoàn này là những anh trời đánh không chết!
Có khi cả đại đoàn sang sông, đánh cho địch lộn bậy rồi lại đi đâu mất ấy.
Thế đất, ví như Thái Bình, bốn bên là sông với bể, dọc tỉnh còn 3 con sông địch và phản động chia nát đất, cán bộ chết nhiều. Có những chỗ cứng, có những “chi bộ thép!” ngay sau lưng địch, ngay sát đồn địch, vẫn có chính quyền ta, có quân ta. Cả đến trong những thôn xóm bị kìm kẹp nặng nhất, có tề, có dõng, có đồn bốt hẳn hoi mà vẫn có những nhân mối trung kiên của ta.
Đảng lãnh đạo, bộ đội làm chỗ dựa, du kích mạnh dần, xây dựng các làng chiến đấu, tiến tới mở các căn cứ du kích.
Trong các thời gian có chiến dịch, dân “địch hậu” vẫn ra đi dân công. Tải lương thực ra, thanh niên đi nhập ngũ. Du kích đánh mạnh để phối hợp.
Mỗi khi có thể được, là địch bổ vây từng khu vực, những trận “càn”, chia cắt ra những vùng nhỏ để phá cơ sở diệt du kích, xua bộ đội. Nó xua dân và quân vào một cái túi, rồi “cất vó”. Nó từ nhiều hướng, bất thình lình đánh vào, quét từng cánh đồng. Ta bảo là nó “o ép”. Kể ra thì thật ác liệt. Kẻ thiếu bình tĩnh thì chôn võ khí, có khi bị bắt. Người gan dạ vẫn đối phó được, bảo vệ được cơ sở, địch đi, lại lập lại.
Điều kiện chiến đấu như vậy đặt ra cho công tác thông tin liên lạc, những nhiệm vụ mà không tài liệu nào nói đến.. Tỉnh ủy có một mạng liên lạc vững chắc gồm các đảng viên, bộ đội, ngoài VTĐ, những tổ điện thoại nhỏ, có một số khá to liên lạc viên.
Nhiệm vụ có hai: Phục vụ việc chỉ huy các lực lượng địa phương, bộ đội và du kích; phục vụ cho chủ lực vào hoạt động. Có mấy việc phải cẩn thận: Gây cơ sở, đi liên lạc, vượt vòng vây, qua vùng đai trắng, tổ chức đường dây của bộ đội đi qua.
Bao giờ cũng bắt đầu bằng “gây cơ sở”. Những chỗ địch đã càn qua, quét lại ở đó địch đã đặt được bộ máy kìm kẹp, chỉ điểm, là khó lắm. Mới đến là trong một đêm đào xong cái hầm 1 người đã; chỉ một mình mình biết thôi. Lân la gặp bà con. Đừng vồ vập mà lộ. Dần dà gặp các bà các chị trước đây ở trong đoàn phụ nữ, nhất là các bà nghèo. Nhờ những việc dễ. Phát triển ra vài ba bà nữa, giúp các bà ý kiến để chống tuyên truyền phản động, nhờ các bà báo tin khi địch quây.
Rồi làm hầm tốt hơn, “hầm lặn”. Từ một bụi bờ ao, tụt nhẹ xuống, lặn một đoạn rồi chui vào hầm. Cửa hầm ở sâu dưới mặt nước, nhưng trong có chỗ cao ngồi được, để được tài liệu và lương thực. Sau nhờ các bà đi chợ bán mớ rau mua mớ cá về. Rau, cá đều đựng thư mật.
Trước còn ngày ở hầm, đêm mới lên. Lâu sau, ăn mặc lối địa phương, đi liên lạc, khi bị bắt, địch hay khám vai thấy vết đeo ba lô là nguy. Nếu có vết đòn gánh thì có thể được thả. Đi thì mặc như người buôn bán, có cả giấy thông hành. Có nhờ người đưa đường cũng đừng để cho biết cơ sở của mình. Chỗ gặp cũng cần bí mật và thay đổi luôn. Nấp nhìn xem có đúng người cần gặp, hãy ra mặt. Đi đêm dễ hơn, nhưng từ ban ngày phải nhìn rõ hình các làng xóm, cây đa, nóc chùa. Đi đêm, cảm thấy cánh đồng rộng hơn, và làng nào cũng giống như làng nào. Tránh những chỗ lính địch có thể phục kích, hay các bọn phản động giả danh du kích đi tuần tra. Xem sao tìm hướng. Để phòng tình trạng đang đi mà bị giặc quây. Dặn trước đồng bào, nếu bất chợt địch đến, thì làm hiệu, ví dụ, bẻ quặt một cành cây đầu làng. Có chỗ nhân dân báo hiệu bằng cách giã gạo. Nghe nhịp chày mà đoán tình hình.
Có đồn mười lần ra đi là mười lần lộ. Không biết tại sao (có gì đâu? Cứ nhìn cây sung cao là biết địch đi hướng nào).
Khi có việc kíp mà muốn gặp ủy ban hay xã đội thì chỉ có cách đi nghênh ngang cho du kích bắt mình thôi.
Cái lý đương nhiên là thế. Lúc giặc càn là lúc nhiều công văn hỏa tốc. Thế cho nên nó càn, nó quây, nó o ép thế nào, cái đầu của đồng chí liên lạc vẫn cứ phải bình tĩnh, không thể liều, vì công văn phải đến nơi, bằng ngóc ngách nào, bằng mưu mẹo nào, mà qua được. Đồng chí Quyết Trung đoàn 42, gánh gánh rạ, lùi lũi đi. Giặc khám, thấy thắt lưng có cái bao. Mở bao thì một con chuột vọt ra, giặc cười ầm, nhưng Quyết ngẩn ngơ, nhìn theo con chuột tiếc quá. Địch bảo là thằng ngốc, đẩy đi.
Qua sông có thể đội bèo mà bơi đứng.
Muốn vượt vùng đai trắng thì theo sát đồn địch, nó đi đâu, đặt mìn chỗ nào, phải biết.
Nhiều lúc anh em liên lạc phải bó chân, thì chị em ra đi. Các chị là những chiến sĩ gan liền, hy sinh không bờ bến, những tình trạng tuyệt vọng, mà vẫn giải quyết được.
Một chị đi liên lạc trên đường 39, tức là đường cái Tiên, Duyên, Hưng, chợt gặp một liên lạc bộ đội cùng đi. Thế nào lại đụng phải ngụy binh. Anh đang lúng túng, thì chị đi sau, thỏ thẻ:
- Ra tỉnh thì anh mua cho em bánh xà phòng thơm nhé.
Đi thoát.
Một chị nhận nhiệm vụ phân phát giấy tờ cho nhiều điểm trong thị xã. Chỉ bảo bà hàng bánh trôi:
- Bà để cháu đi bán cho.
Chị te te gánh đi, gần trưa gánh về, bánh bán hết mà tài liệu cũng phát hết.
Sau chiến dịch Điện Biên, bộ đội Thái Bình còn một đội 60 chị em. Cục Thông tin viết thư thân tình cảm ơn các chị và ghi nhớ công lao vì Tổ quốc của các chị. Bây giờ chắc các chị đã già rồi. Các “bà” hãy kể cho con cháu các cuộc chiến đấu của các “bà” ngày kháng chiến xa xưa.
Đúng đấy! Còn dân thì còn đường cho bộ đội ta đi.
Một loại liên lạc viên khác là anh em liên lạc miền Tây của Khu 5. Miền Tây là Tây Nguyên và xa hơn nữa. Ở đây, cái khó lại là ít khi gặp người lắm. Gặp có lần cũng chẳng nói được câu nào. Bà con không hiểu, khó, có bà con bị địch nó lừa gạt và biến làm tay sai. Riêng một khu Tây Nguyên đã to gần bằng nửa Bắc Bộ, đồng cao, núi cao, rừng rậm và rừng thưa bạt ngàn. Dân có đến hai mươi sáu tộc thuộc, bị giặc kìm hãm lâu trong tình trạng quá thấp; có những nhóm người, gần như cổ sơ. Đi hàng ngày, có khi mấy ngày mới thấy một nóc nhà, lại không nói được với nhau. Cái yên lặng nặng nề. Được cái là, có những tộc thuộc không bao giờ chịu theo thực dân. Nói “đánh Pha lăng”, thì bà con hiểu ngay.
Để gây phong trào, để nuôi phong trào, ta có những đơn vị, những đoàn cán bộ đi sâu vào các miền và ở lâu với đồng bào. Vì thế mà phải vạch những “hành lang” giao thông, đặt những trạm. Địch tìm cách phá ta, dùng những đội “xuyên sơn”, bất thình lình đánh úp các trạm, bịt các hành lang, phục kích các đoàn mang tài liệu, lương thực đưa cán bộ. Thế là cứ phải đổi đường luôn. Đổi đường, nào có phải là đi đường khác, vì có đường to nhỏ nào đâu. Phải tìm vạch những lối mới qua rừng; thế gọi là “soi đường”.
Đi soi đường, thường là 2 người, đủ võ khí, lương khô, dao, liềm để làm lán ở. Dạy nhau một số tiếng chào hỏi. Qua rừng rậm, không thấy mặt trời, không dám chặt nhiều, chỉ bẻ cành cây làm dấu. Không có địa bàn, cứ xem thân cây, mé nào khô, ít rêu là hướng đông.
Đi xa hơn nữa về phía Tây, để liên lạc với anh em tình nguyện, thì đường còn hoang vu hơn nữa. Soi đường ở đây thật là khó. Có những người dân sợ giặc, làm tay sai cho nó, nên anh em đi hàng tháng trong rừng mà cứ phải tránh người. Có bản đồ, nhưng bản đồ tốt nhất cũng là đại khái thôi. Phải trèo lên cây cao, xác định hai điểm thật xa nhau trên bản đồ, rồi cứ thẳng hướng mà đi. Nói thẳng hướng thì dễ, nhưng rừng che, gai góc, giữ được hướng là khó. Lại phải trèo lên cây ngắm lại. Không thể lấy gì làm vật chuẩn, đành chỉ ghi rừng cây gì. Đánh dấu cũng phải làm một cách kín đáo, như dân địa phương vẫn làm. Có lúc mất cả đường lẫn hướng; sa vào cái hõm mà không còn thấy ngọn núi nào nữa, vẫy vùng hết đêm, hết ngày mới ra thoát. Có khi bất ngờ gặp con đường, con sông, làm thế nào để xác định được vị trí mà không phải hỏi thăm ai cả.
Khó khăn rèn luyện con người. Các anh em này mỗi lần lên đường có thể ngâm bài “chiến sĩ hành”, một lần ra đi. Mỗi lần về đơn vị vui sướng như về nhà, được hát, được nói. Những chiến sĩ soi đường sẽ trở nên những anh hùng Đặng Quang Cẩm. Mà liên lạc viên Khu 5 lại thêm một mục cho Ngành Thông tin liên lạc.
Cục Thông tin tự hào vì các chiến sĩ địch hậu và các chiến sĩ miền Tây. Nhưng cứ ở Việt Bắc, không được cầm tay các anh em ấy.
Bà con ta ở đồng bằng có cách tổ chức một mạng thông tin khủng khiếp với giặc. Như thế này: Nơi nào thấy giặc là nổi trống. Những nơi nghe thấy tiếng trống là hạ mõ. Tiếng mõ đến đâu là ở đấy khua chuông... Nghe thấy tiếng trống, tức là giặc sắp vào, dân quân đối phó ngay cơ quan xuống hầm, đồng bào tập hợp để đi sơ tán. Nghe thấy mõ là địch đã ở gần, đặt cảnh giới, du kích chuẩn bị. Đồng bào vẫn tranh thủ sản xuất. Nơi thấy tiếng chuông, chỉ theo dõi thôi.
Địch đến đâu cũng thấy tiếng trống, chuông, mõ rùng rợn, quấn lấy mình, gỡ ra không được.
Nhờ có đội liên lạc vững vàng và nhanh nhẹn, đoàn thể chỉ huy được du kích, hướng dẫn được nhân dân. Nếu đứt liên lạc, thì du kích phải bỏ vào ngồi với dân, có khi chạy cả vào cái vó của địch. Địch cho là chủ lực ra rồi, nuốt chửng được du kích, nhưng va đầu vào các làng chiến đấu. Một trung đoàn tinh nhuệ đánh làng Nguyễn hai ngày đêm, không vào được. Một đại đội “lưu vong” của Kiến An giữ làng An Độ (Thái Bình), đánh một trung đoàn Âu Phi phải bỏ chạy. Làng Cảnh Dương (Quảng Bình), bốn bề địch đóng, một mặt bể, một mặt sông, suốt cả cuộc kháng chiến địch không chiếm được; vào trong làng rồi đấy, đánh từ đầu này đến đầu kia, mà không lấy được. Bà con Cảnh Dương mỗi tuần đổi hệ thống đường ngầm một lần, chỉ huy có đội liên lạc dũng cảm, nên từ dưới đất vẫn vận động được các lực lượng liên lạc của xã đội, dùng cả tù và, thanh la, còi, làm thông tin, làm cả nghi binh nữa.
(Còn nữa)
Được đăng bởi Nguyễn Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét