20/3/15

Lên đường hạnh phúc (phần 5/5)

(Hồi ký của đồng chí Hoàng Đạo Thúy, phần 5/5)



Từ trên núi, nhìn vào Mường Thanh, y như một tấm bánh đa khổng lồ, chi chít những hạt vừng, là những lô cốt. Chỉ toàn là đất đỏ và dây thép gai, như ở mặt một hành tinh chết nào ấy.
        Ta mở 160 kilômét đường bí mật, để đưa pháo vào: Lựu pháo và pháo cao xạ. Lại đào một giao thông hào lớn “đường cái”, quắp lấy Điện Biên, từ phía Tây. Bộ đội đi dễ dàng, pháo khiêng qua được. Các đơn vị có hào ra đường ấy và từ đường ấy đào những hào nhằm vào vị trí địch.
“Tiến chắc”, đánh rồi phải chiếm giữ. Thế là phải đặt dây lâu dài, đặt làm sao cho chịu đựng được phi pháo chắc hẳn nó dữ dội. Phải chôn dây.
Đào chiến hào ngay trước mắt giặc, đào đến tận rào thép gai của nó, đào chui qua cả khu vực rào, có khi dầy 30 m, đào đến sát chân lô cốt. Phải có hỏa lực để bịt mắt nó, để giữ cho nó khỏi ra lấp, kề ngay mũi súng nó mà đào, có khi phải đẩy trên đầu cả một cái bè gỗ dầy, rồi chui ở dưới mà đào. Có khi làm một cái ru-lô rơm to, đẩy đi, nấp đằng sau mà đào. Đào hào đã thành một trận chiến đấu gay go. Và đã có chiến đấu, là phải có thông tin. Thế là một trận hóa hai. Tỏa mạng thông tin cho việc đào hầm hố.
Đúng đây là những trận “mặt đối mặt” với quân thù. Đòi hỏi ở chiến sĩ đào hào, ở cả anh em thông tin, những đức tính bình tĩnh và cương quyết phi thường.
Ngày 4 tháng 2, thông tin đài quan sát pháo chỉ cho pháo 75 bắn cháy máy bay địch trên sân bay. Bầu trời bắt đầu bị thu hẹp trên đầu bọn xâm lược.
Ra đi ngày ba mươi tết, mười hôm sau T.T 308 đã nhận được lệnh thu dọn các mạng, trở về. Mười hôm đánh và đuổi liên tục, anh em đã rèn được cách làm việc nhanh chóng.
+ + +
Muốn đỡ đòn cho Điện Biên, địch từ Nha Trang đánh lên Quy Nhơn. Thế mà chủ lực Khu 5 lại cứ phớt đi, lên giải phóng Công Tum. Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên bị đánh càng làm cho cái chiến hạm của nước Pháp thả neo trong rừng Tây Bắc, khó bề mà nhúc nhích. Tất cả trông vào trời, mà du kích Hà Nội làm thế nào lại chui được vào sân Gia Lâm, diệt 20 tàu bay. Du kích Hải Phòng chắc cũng động lòng thi đua.
Ba mươi hai dũng sĩ và liên lạc, vào Cát Bi, phá 59 phi cơ. Sĩ quan Pháp và cố vấn Mỹ hộc máu.
Đường dây chuyển đạt hậu phương lại chuyển lên chiến dịch những túi thư nặng. Đời thuở nhà ai, lại khiêng thư riêng lên chiến dịch. Mà quả là những “chiến thư”! Các gia đình báo cho các anh biết là ở nhà đã làm cải cách ruộng đất!
Thông tin Đại đoàn 312 đã đặt một mạng điện thoại đủ dùng cho đơn vị chuẩn bị đánh ba ngọn đồi vị trí Him Lam. Ở tiền duyên, đặc biệt lần này có hầm cho bộ đàm. Ban 3 đã chỉ thị phải chôn kỹ đoạn dây phía trước và phái một cán bộ đến tận nơi kiểm soát. Bộ cũng cho người đi xem xét.
Nguyên tắc là pháo khi đi phối hợp với bộ binh thì phải đưa phương tiện thông tin của mình đến bộ binh. Nhưng pháo còn mới, nguyên tắc còn chưa rành rọt lắm, để thông tin ở hậu cứ, đi cho nhẹ.
Chuẩn bị đánh Him Lam, Ban 3 chiến dịch phải điều một đại đội của d303 đi giúp. Đại đội trưởng Phạm Minh cùng với trung đội trưởng Nguyễn Hữu Cầu đi mắc dây từ chỉ huy sở pháo của đồng chí Trác ở trên núi cao đến chỉ huy sở trung đoàn bộ binh (của 312). Từ đây trông rõ vị trí Him Lam và nhìn được cả vào cánh đồng Mường Thanh. Rồi lại phải rải dây từ chỗ đồng chí Trác đến đại đội mũi nhọn đánh lên Him Lam. Thế là anh em 303 cũng vào cái đột phá khẩu dữ dội ấy và cũng góp phần hy sinh với bộ binh, bảo đảm được phối hợp kịp thời.
Để làm các việc phối hợp điện thoại, 303 đi ngang dọc khắp Mường Thanh, đưa dây đến các trạm quan trắc của pháo, ở gần địch. Vì thế mà trong trận cắt sân bay sau này, đồng chí Cầu đi kiểm soát dây ở một đường hào cụt, chợt thấy đoàn xe tăng của địch ra, gọi ngay được pháo bắn tiêu diệt.
Đúng 13 giờ ngày 13 tháng 3, đồng chí Tổng tư lệnh, ăn mặc rất bình thường đến nhà chỉ huy và ra lệnh bắn vào Him Lam. Đại đội 806 bắn luôn 20 phát và báo cáo ngay là trúng đích. Thấy mình nói thẳng được cấp đại đội, thủ trưởng có vẻ thích thú.
17 giờ có lệnh tập kích pháo vào Mường Thanh và sân bay, 17 giờ 15 bắn mạnh vào ba đồi Him Lam. Đánh vào đồn, các đường điện thoại đứt cả, có chỗ thương vong đến mười người mà vẫn không nối lại được. Bộ đàm tiến lên thay nhưng địch bắn mạnh lắm, cần dây trời của bộ đàm bị phạt hết, phải lấy dây điện thoại thay vào và thả xuống mặt đất. Đồng chí Chiên, trưởng mạng bộ đàm, hy sinh, đánh thật ác liệt! Điện thoại 303, với các đồng chí Cầu và Văn vào đột phá khẩu để nối đại đội dao nhọn với đại đội pháo.
23 giờ 30, thông tin báo cáo là diệt xong đồn, đang bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm.
Trong trận này, tổ của đồng chí Huân, pháo binh, được anh em gọi là “tổ điện thoại anh hùng”.
Hoan hô quân ta, trận đầu đã thắng!
+ + +
Đêm sau, đánh luôn vị trí Độc Lập ở phía Tây. Thông tin trận đánh vất vả. Các đường điện thoại lên đồn, mắc không cẩn thận, không được việc. Phần lớn các đường dây từ tiểu đoàn trở xuống đều đứt. Một chiến sĩ bộ đàm, đồng chí Tuân, bị đất vùi, chỉ còn hở đầu và cái máy, cứ tiếp tục làm việc; một đồng chí chuyển đạt chạy giữa máy và chỉ huy. Cứ thế cho đến lúc giải quyết xong đồn.
5 giờ sáng, đồng chí Vương Thừa Vũ báo cáo trong điện thoại:
- Địch Mường Thanh ra viện, 2 tiểu đoàn, 5 tăng...
Nói chưa dứt lời, thì có tiếng súng nổ đánh ùm một cái, kinh người. Điện thoại tắt ngấm. Sau này mới vỡ ra rằng: Đường điện thoại cứ leo lên cao mãi, chỏm núi là chỗ tụ điện nhiều, sấm, chớp, sét đánh cháy 1 cây số dây. Đúng cái lúc tin đến là viện binh ra. Rồi thế nào? Đồng chí Tổng tư lệnh nóng lên. Phải xin đồng chí cho một tị để xem có thể làm gì. Đương nhiên là gọi vô tuyến điện thoại, nhưng ban TT của đơn vị đã lấy lệnh của Tham mưu trưởng đơn vị mà không mang đi rồi. Đành bí à?
- Đồng chí Diệp. Trước đây Ban 3 đã có chỉ thị là khi có tác chiến, thì các đài phải mở nghe. Gọi anh Thanh Tùng đi.
Thanh Tùng trả lời. Ở đời có phải là ai cũng liều đâu.
- Anh Thanh Tùng, anh có đơn vị nào ra gần Độc Lập không? Có à? Hỏi xem viện Mường Thanh ra thế nào?
Chỉ một lúc sau, trả lời viện Mường Thanh đã rút vào rồi.
Không khí nhẹ hẳn đi.
Hoan hô trận thắng thứ hai!
Linh động với nguyên tắc là chuyện hết sức nguy hiểm! Đồng chí Trưởng ban 3 đơn vị là một tay tháo vát giỏi. Vùng vẫy ở cả Thượng Lào, không những thông tin sư tốt mà thông tin các trung đoàn cũng giỏi. Khổ nỗi giỏi thì hay cho phép mình “linh động”. Suýt chết.
+ + +
Trận Độc Lập này làm rõ thêm rằng vô tuyến điện thoại là rất cần thiết trong các trận phức tạp. Mà có trận nào lại không phức tạp. Các đường dây điện thoại phải đánh dấu kỹ, tránh cái nỗi nối nhầm. Qua các ngã ba, phải chôn cẩn thận. Gần đến vị trí địch thì dây phải tách khỏi giao thông hào, đường vào đồn phải chôn dây. Ở Him Lam trong trận, bộ đàm không dám đổi sóng. Ở đây dùng khẩu lệnh ngắn đổi sóng được, địch có theo dõi cũng khó.
Cái quan trọng là phải có quy định, có điều lệnh. Ai cũng phải theo. Đừng chêm chuyện cá nhân vào.
+ + +
Từ nay trở đi, đào trận địa, rồi đánh. Ngày nào cũng đào và cũng đánh. Các phương tiện bị nghiền nát nhiều lắm. Rồi làm thế nào đây?
Bộ đàm dùng nhiều, thì hỏng cũng nhiều. Một đồng chí Hân đi với đội vô tuyến điện, làm không đủ. Phải gọi các đồng chí Ngô Thọ và Vũ Lương ra ngay. Lập cái xưởng nhỏ cạnh Ban 3.
Thỉnh thoảng đã có hôm mưa. Đất đường hào nhão nhoét. Bộ đội đi, không bám vào dây điện thoại thì bám vào cái gì, cho đỡ ngã. Thế là dây đứt tứ tung.
Đã đến nước phải cử đồng chí Ngoan đi các đơn vị, hướng dẫn cách dùng dây thép gai.
+ + +
Có mấy hôm mà cả phân khu Bắc Điện Biên đổ. Hai cánh cửa mở toang. Quan năm pháo của Pháp là Pirot bảo: Chỉ mấy phút là diệt hết pháo Việt Minh. Thường thì thế thật. Nhưng ở đây Pirot đã bắn hết 30 nghìn phát, mà chẳng “khóa mồm” được ai cả. Pirot tự cho mình phát thứ ba mươi nghìn linh một. Anh em thông tin, mấy hôm nọ nhọc về việc bố trí cho pháo, nay hả dạ vì thấy pháo đắc lực, mà không việc gì.
+ + +
Sau một đợt, ngành thông tin họp để rút kinh nghiệm cách đặt dây còn sơ sài, chiến lợi phẩm thu được khá. Phải chú ý đặc biệt đến “đột phá khẩu” – cẩn thận trong việc làm bản tiếng mật cho bộ đàm. Cán bộ phải gương mẫu giữ đúng nguyên tắc. Làm tốt thông tin cho việc đào trận địa.
+ + +
Sân bay địch hoạt động ráo riết. Nhưng hễ tàu bay hạ xuống là điện thoại gọi pháo 75, đáp vào sân bay, diệt nhiều phi cơ.
Mặt khác, do đồn Độc Lập đổ rồi, ô tô ta kéo cao xạ pháo vào cánh đồng và ngày 14 tháng 3 đã hạ được tàu bay thứ nhất.
Pháo địch bị “chiếu tướng” rồi, Tây cho một đoàn tàu bay lớn đến, hòng dập cho hết các pháo cao trẻ măng của ta. Đội trưởng, cả đội phó ta hy sinh. Các khẩu pháo im tiếng, chi ủy viên Thịnh vượt các hố bom, hô:
- Đảng viên và cảm tình Đảng, về ngay vị trí chiến đấu!
... “Chuẩn bị chiến đấu... Bắn!”
Một chiến sĩ nhặt chiếc mũ sắt, úp lên đầu cho Thịnh, máy ngắm hỏng. Các khẩu đội bắn trực tiếp. Tàu bay địch phải bỏ chạy.
Tướng Pháp đến thăm Điện Biên, cũng chỉ vè vè trên trời, không dám xuống.
Một việc mới. Tổ chức thông tin cho cao xạ. Trận địa một đại đội tiểu cao thường rộng từ 50 đến 100 mét. Ở giữa là chỉ huy sở, có quan sát và điện thoại viên. Bộ đàm đặt ở một hầm gần đó, sẵn sàng thay khi điện thoại đứt. Các đường dây đều phải chôn để cho người đi lại khỏi vướng và xe khỏi nghiến đứt. Từ đại đội lên tiểu đoàn, thường có 2 đường: 1 đường để chỉ huy và một đường để điều động xe. Ở mỗi tiểu đoàn lại có vô tuyến điện 71 và 81. Biên chế rất ít người, mà trực ban chiến đấu lại phải liên tục.
+ + +
Địch ở Điện Biên còn mạnh. Nó vừa được thêm 2 tiểu đoàn dù. Các công sự được củng cố để chịu đựng được với trọng pháo. Mỹ định giúp thêm hàng trăm máy bay.
+ + +
Ta tiếp tục đào hào, cho hào vòng cả phía Đông. Các đơn vị thông tin cũng đi đào. Đêm ra đi. Đặt ba lô xuống. Nằm sau ba lô mà đào. Đào một lỗ cho đủ ngồi. Rồi ngồi đào. Đào sâu nữa cho đứng được, để đứng đào. Các lỗ nối liền với nhau thành hào. Nhất định là giặc nghe thấy tiếng cuốc xẻng. Nó bắn. Ta cũng bắn trả những thằng nhô đầu lên, lại dùng trung liên truy các lỗ châu mai. Thế là thành trận chiến đấu, có khi có cả pháo và tàu bay. Lại phải tỏa mạng để phục vụ chiến đấu.
Lúc đến gần lô cốt, thì gay lắm, vì địch thấy cái chết cứ lừ lừ đến gần. Nó ném lựu đạn, bắn mạnh. Ta làm một cái lũy nhỏ bằng gỗ, hay một cái bè dày, rồi cứ chui dưới bè mà đào. Số hy sinh trong lúc đào trận địa cũng khá lớn. Đào cũng là động tác chiến đấu. Thành ra kế hoạch thông tin bắt đầu từ lúc đào hào và chỉ kết thúc khi hạ được đồn.
Chiếc máy bay thứ 43 của địch đã bị hạ.
Đảng ủy mặt trận quyết định đánh các đồi phía Đông, là chỗ mạnh của khu trung tâm địch. Phải đánh liên tục vào những cứ điểm mạnh, đánh nhiều tiểu đoàn một lúc.
Ban 3 cũng dặn các đơn vị thông tin: Khu vực tác chiến rộng, tất cả các đơn vị đều đánh, đánh mạnh và liên tục, vậy phải có dự bị ở gần, có chuẩn bị để cho các máy làm liên tục. Tìm cách giữ cho sức khỏe bền bỉ. Ngày đêm theo dõi, giúp đỡ dưới. Phối hợp tốt. Đào hàm ếch cho anh em thông tin ẩn và giữ vững đường dây.
Đội vô tuyến điện chuyển đi xa. Các máy làm với các đơn vị ở Điện Biên thì vẫn để ở Ban 3, nhưng chỉ làm khi rất cần thôi.
Các đơn vị đều phải đặt thêm dây về hướng địch và làm lấy việc phối hợp bộ và pháo.
+ + +
Sáng 30 tháng 3, anh em mặc những bộ áo tươm nhất để đi vào trận quyết định này. Ngụy trang kỹ, nên từ đường hào trục, các chiến sĩ thông tin đã nhìn rõ các đường đi của mình.
17 giờ 30, pháo ta bắn dồn dập vào Mường Thanh, Hồng Cúm. 18 giờ bộ binh nổ súng. Đây là khu trung tâm của địch, hỏa lực nó mạnh lắm, các đường dây đều đứt. Đường qua cửa mở đứt mãi. Anh em phải đào sâu hàm ếch ở hai đầu. Khi đứt thì ngồi trong hàm ếch mà lôi dây về, nối vào dây dự bị, ước lượng cự ly, ra dây sẵn, rồi cầm sừng bò chạy một mạch lên hàm ếch trên, với vào máy. Mỗi lần dây đứt là bộ đàm lên ngay. Sau 2 giờ hạ xong đồn D1, đồi E đánh 1 giờ 30 là xong.
Đại đội đồng chí Nọa cùng với bộ đàm và 1 tổ chuyển đạt chọc thẳng vào khu giữa của địch, đánh trận địa pháo, đuổi bọn dù 5, dù 6, dù thuộc địa 1, không có mũi phụ nào vào được đến nơi. Đồng chí Nọa đánh thẳng vào đến sông Nậm Rốm.
Bộ đàm tiểu đoàn gọi: “Chim ưng, chim ưng!”
Còn có 20 người, Đạn gần hết, đắp công sự để giữ vị trí ở giữa lòng địch. 9 giờ sáng, 2 tăng địch xông đến. Đánh đuổi đợt xung phong thứ 5 của chúng nó. 10 giờ tiểu đoàn còn nghe thấy đồng chí Nga, nói khàn khàn qua bộ đàm.
- Báo cáo tiểu đoàn, chúng tôi còn... đạn hết. Địch đang xông tới. Chúng tôi kiên quyết...”
Tiếp đó là một tiếng nổ dữ dội.
Nửa đêm hôm đó, mấy chim ưng còn lại trở về. Điện thoại, bộ đàm, chuyển đạt, đều nằm lại chiến trường.
+ + +
Ở C1, điện thoại đứt, bộ đàm không lên kịp. Trung đoàn đã dùng pháo hiệu, chỉ huy được việc phối hợp. Sau 45 phút lấy được đồn.
+ + +
A1 là cái đồi cao nhất, ở cuối Nam dãy đồi phía Đông. Vị trí nó khống chế cả cánh đồng, vì thế địch phải cố chết mà giữ. Ở đỉnh đồi là một khoảng đất rộng như một cái sân lớn, dưới có cái hầm bí mật, rất to. Ta đánh đến gần sáng, chiếm hai phần ba đồi rồi. Bọn giặc chui xuống hầm và gọi pháo bắn lên đồn. Không có chỗ ẩn nấp, quân ta mất đất dần. Trong cái thua thiệt này, thông tin có dự một phần trách nhiệm.
Bộ chỉ định đơn vị pháo khác đến thay. Ban 3 cũng cử cán bộ đến dự việc bàn giao mạng thông tin và góp ý kiến. Trung đoàn mới đặt bộ đàm ở trung đoàn và ở các mũi. Dây qua đột phá khẩu vẫn gay go. Thương vong 6 đồng chí điện thoại rồi, mà vẫn không vững. Tất cả chỉ còn trông vào bộ đàm. Trung đoàn trưởng Hùng Sinh đi cùng bộ đàm và chuyển đạt, vào trong đồn chỉ huy. Đánh đến hôm sau. Hai lần Mường Thanh đưa bộ binh và tăng lên phản kích, đều bị ta đánh đuổi. Cuối cùng giặc lại rút vào hầm. Một ngày đêm đánh gay gắt, mà bộ đàm vẫn giữ được liên lạc.
3 giờ sáng, Trung đoàn trưởng họp cán bộ trong một ụ súng, phái đảng viên đi các mũi thông báo quyết tâm diệt đồn. Sáng tinh sương, pháo địch lại bắn lên. Rồi đánh giáp lá cà. Trung đoàn trưởng và bộ đàm đều đánh. Địch phong tỏa đồn bằng một lưới đạn dày đặc, không ai ra được nữa. Nó đánh dồn ta về phía cửa mở. Bùi Minh Đức chạy liều ra, đưa được một thư cho chính trị viên trung đoàn.
Như mọi người, đồng chí Chu Văn Mùi, bộ đàm từ lúc đánh lên, chưa được ăn gì cả. Đánh đi đánh lại mãi, cuối cùng tổ bộ đàm lọt vào một cái hầm nhỏ ở góc Đông Bắc, giữa vòng vây. Quanh mình có mấy thương binh. Cùng tổ với Mùi có Đức. Hai người vừa liên lạc với đại đoàn, vừa chiến đấu để bảo vệ thương binh. Địch phát hiện ra bọn Mùi, nó từ trên cao đánh xuống. Mùi nhặt súng và lựu đạn để thương binh cùng đánh. Anh đổi chỗ bắn luôn, làm như còn nhiều người ấy.
Mùi gọi: “A lô, a lô, có tôi đây. Có con bò húc vào quán cà phê!”
Xe tăng địch bò đến gần quán, thì bị đạn, quay ra. Viện địch ra, Mùi gọi:
- A lô, yêu cầu tiếp tế cho cửa hàng 30.
Bọn Âu Phi vừa đến ô 30 thì bị dập.
Mùi đã dùng vô tuyến điện mà gọi pháo 5 trận địa, bẻ gãy nhiều đợt địch lên. Đức hy sinh. Mùi nói không ra hơi nữa. Mồm nứt nẻ cả ra. Người cứ chực ngất đi, mà phải cố giữ tinh thần.
Nói vào máy, cứ thấy đài bạn hỏi mãi. Thì ra khàn mất giọng rồi. Phải uống tí nước đái cầm hơi. Lại gọi pháo được. Vị trí 1 bộ đàm với 4 thương binh vẫn vững. Đài bạn báo tin là Mùi được công nhận là “Đảng viên chính thức”. Đại đoàn bảo Mùi đi tìm đoàn trưởng. Mùi dặn dò thương binh, rồi ôm máy ra đi. Cứ nổ là lăn xuống hố. Đến 12 giờ gặp được đoàn trưởng ở gần cửa mở. Tổ chuyển đạt của đồng chí đã gần hết rồi. Đồng chí Hùng Sinh cũng quấn băng quanh đầu.
Mùi gọi đại đoàn. Một giờ sau, chính ủy đến, đem theo cơm nước, bộc phá.
Bộ ra lệnh giữ chắc phần đồn đã chiếm được và điều đơn vị khác lên thay.
Với chiếc máy BC1000, Chu Văn Mùi đã chiến đấu anh dũng. Anh là người cuối cùng đã chỉ huy trận địa này ư. Ba ngày bốn đêm rồi. Các thương binh được cáng xuống.
+ + +
Để giữ phần đồi đã chiếm được, lối cửa mở vẫn gay go. Sau phải đào hào sâu đến gần 2 m đặt dây xuống, xếp 10 bó trúc lên trên, rồi lấp đất, mới giữ được liên lạc điện thoại.
+ + +
Địch cố giữ A1, dễ hiểu thôi. Nó đưa vào đó những tiểu đoàn Âu - Phi mạnh nhất, có tăng thường trực, có cả napan bấm điện, pháo ngắm sẵn. Rồi nó sẽ đổ, đổ cái lúc mà nó không sao gượng được nữa.
Anh em thông tin cũng rút được kinh nghiệm: Ghim dây vào mép đáy hào, về phía đạn bắn đến thì giữ được khá lâu.
Đây là những kinh nghiệm xương máu. Mà quái thật! Có những cán bộ thông tin cho là không cần thiết, cứ mặc để anh em cũng làm được. Cái tự ái nghề nghiệp này không phải là của ngành thông tin.
Đơn vị đồng chí Hùng Sinh về nghỉ. Đại đội thông tin bị tổn thất khá nhiều. Trưởng ban 3 chiến dịch, tìm đến thăm. Anh em đang làm việc hăng hái. Lúc về một chiến sĩ tiễn đến cửa rừng, bảo:
- Thắng lợi rồi, anh lại đến nhé! Chúng tôi sẽ hát chèo cho anh nghe!
Quả là có một tình anh em thắm thiết giữa các chiến sĩ thông tin với nhau. Quả là một lạc quan cách mạng!
+ + +
Chiến sự chuyển sang các đồn giữ phía Bắc sân bay. Ta đánh 105, chiếm gần hết đồn, mà viện của Mường Thanh ra, lấy lại cả. Tù binh bắt được, khai rằng: Qua vô tuyến điện, nó biết là ta thương vong nhiều, nên nó quyết tâm viện. Lộ là thế đấy... Chết chưa? Đã nhắc mấy lần rằng bảng chữ mật, chỉ nên hạn chế ở chỗ 24 tiếng là cùng. Nhưng các tham mưu nhất định không bớt, làm đến 90 tiếng. Nhiều thì khó nhớ, thế là không thay đổi. Mà không thay đổi là lộ ngay. Sau này khi giải phóng Điện Biên, bọn lính ngụy đã dí dỏm kể rằng: Các em cứ nghe thấy các anh nói “mướp, mướp” là các em xuống hầm thế hóa còn sống đến ngày nay.
Thế à! Thế ra thông báo cho chúng nó rồi! Thắng lợi tốt đẹp. Nhưng những chuyện lộ bí mật như thế này, khác nào đang mừng, mà cuống họng cứ phải nuốt những con cua thối ấy.
+ + +
Trận đánh vào 106, nhận xét về thông tin: “Mạng hữu tuyến đảm bảo hoàn toàn cho đến khi chiếm lĩnh trận địa”. Một câu đã thành cổ điển rồi. Nhưng sau đấy? Sau đấy đứt tuốt! May mà chuyển đạt làm tốt, nên đánh xong trong 30 phút. Bộ đàm lại lộ, phương tiện tốt nhất đã bị tự mình phá rồi.
Ngày 10 tháng 4, địch ném bom giết 444 đồng bào ta ở Long Nhai. Lòng chiến sĩ sôi sục lửa căm thù.
+ + +
Quân cách mạng là thích đánh vận động. Thế mà lâu ngày rồi, cứ phải ngồi trong hàm ếch. Đường hào làm, mưa có lúc rả rích. Ngày nào cũng chuẩn bị nhưng không đánh luôn. Đánh chắc, tiến chắc, nhưng mà dễ sốt ruột, lại cũng dễ ỳ. Đảng ủy mặt trận kiểm điểm cán bộ trên về “hữu khuynh, tiêu cực!” Một đợt giáo dục tư tưởng động viên anh em.
Ở Ban 3 mặt trận, cũng đăm đăm suy nghĩ. Chiến sĩ anh dũng là thế, mà làm sao có những “mang cá khoét” gọi là “những đường dây cho xong”. Cán bộ có gần chiến sĩ không? Có đặt rõ các yêu cầu không? Có kiểm tra không; tại sao lại cho rằng làm thế cũng được rồi. Tại sao biết rằng vô tuyến điện thoại dễ lộ, mà không cương quyết hạn chế số tiếng, thay đổi. Các chỉ thị sao không được thực hiện chu đáo. Thắng mấy trận, là có chủ quan, cho rằng địch không chống lại mạnh nữa. Mạng hỏng, đi chữa vài lần, rồi “đành chịu”. Có người hoang mang. Có đời thuở nhà ai mà bàn giao trận địa thông tin, chỉ đưa cái sơ đồ thôi, không chỉ nơi khó, chỗ dễ. Tất cả là vì thiếu nhắc nhở, thiếu đấu tranh, cần học tập tốt. Cả từ cán bộ!
+ + +
Các đơn vị nhận được nhiệm vụ mới.
Một đại đoàn đánh các đồn phía Tây và cùng bên phía Đông “cắt sân bay”.
Một đại đoàn đánh phía Đông và “cắt sân bay”, phối hợp với bạn.
Một đơn vị chuẩn bị đánh A1.
Một đơn vị đánh Hồng Cúm.
Pháo và cao xạ tiến sâu vào.
“Cắt sân bay”! Câu nói khủng khiếp!
Hai đêm liền, quân báo của ta bò vào cắt hết 5 lần hàng rào dọn hết mìn, rồi lại gác dây lại như cũ. Đêm thứ ba, đào. Địch đi tuần, ta bắt sống. Sáng ra, địch thấy một hào ngang đã đi sát bờ rào rồi. Nó dàn quân ra đánh ta đuổi. Nó bắn pháo vào hào, ta rút vào hầm sân bay rồi đào ra. Đào gặp một hào của địch, thành ra một “ngã tư” mà, gọi ngay là “ngã tư Đầm Hà”. Từ đó đã nhìn thấy anh em bên kia đào sang.
Bản án tử hình của địch đã ký rồi đó. Mất sân bay thì sẽ ra sao? Ngã tư thành ra một vị trí mà ta cố giữ lấy được. Bốn ngày liền. Địch phản kích 8 lần, 3 lần nó đã lọt vào trận địa, mà lại bị đánh bật ra. Ta quyết xẻo cái “dạ dày” của địch.
A1 ác liệt! Ở đây cũng là loại ác liệt hạng nhất, mà chỉ thu vào có một khoảng, mạng điện thoại bị băm ra, vì địch bắn điên cuồng. Chuyển đạt lại đi, vừa liên lạc, vừa tải đạn.
Lúc này có tâm lý sợ bộ đàm. Cho là lộ. Lộ là tại cách dùng là tại bảng tiếng lóng nhiều tiếng và ít thay đổi. Chứ tại gì máy mà sợ.
+ + +
Có một đêm mà ba cái hào, đào bằng cách “đào trườn”, đã chọc vào vị trí 206 của địch. Nó cho tăng ra phá. Ta diệt tăng. Rồi từ 3 cái đầu hào, ba “hồ lô” bằng rơm, lù lù tiến. Đằng sau anh em lại đào. Đến dây thép gai, lại “đào rũi” qua rào. Rồi một quả bộc phá hay một phát ĐKZ bắn tung lô cốt. Đến lượt 2 lô cốt bên. Cứ “lấn” như thế mà có đồn, nửa giờ trước, tướng Tây được báo cáo là không có gì, nửa giờ sau đã không còn đồn đâu nữa. Bao nhiêu hy sinh!
Pháo ta đặt trên đồi E, trước còn bắn máy bay khi nó hạ, nay nó đã hết đất hạ rồi, lại bắn lộn từng khẩu pháo của nó lên.
+ + +
Địch vét quân ở đồng bằng ném xuống, nhưng trời Điện Biên với chúng nó đã thu hẹp rồi. Có đứa rơi vào dây thép gai, lủng lẳng. Một phần đồ tiếp tế lọt vào các đoạn hào của ta.
Hội nghị Giơ-ne-vơ họp ngày 26.
Các đợt phá khẩu đã được sửa soạn, các hào đã đến sát vị trí tấn công.
Ở đồn A1 đang chuẩn bị một cái gì bí mật lắm.
+ + +
Sáng 30 tháng Tư, một tiếng không biết từ đâu ra, đập vào dãy núi Tây, rồi vọng vào các hầm hố, kêu gọi lính người thuộc địa. Chúng nó nhô đầu lên.
Thông tin đã được lệnh đặt một loa phóng thanh cực mạnh.
Đợt 3 bắt đầu đúng ngày 1 tháng 5 lịch sử.
Đánh vào Hồng Cúm, đánh từ phía Tây, từ phía Đông, ở vị trí 311, hào của ta đào thẳng vào hào địch, nên nửa giờ sau là chúng nó bị quét hết.
Có chỗ dây đứt ở đột phá khẩu. Bảy tám đồng chí đi nối đều thương vong. Phải dùng vô tuyến điện. Nhưng có những người không trọng nguyên tắc, khi trong trung tâm gay go, đã dùng bộ đàm nói rõ, nên địch hiểu được tình hình, nó phải xung phong, ta phải đánh một chập dữ nữa, nó mới rút.
Ngày 3, phía Đông, ta đã lấy được cả, chỉ trừ A1 và C2. Ta đặt pháo ở các đồi và chõ vào khu trung tâm của nó. Phía Tây ta còn cách chỉ huy sở của Đờ Cát có 300 mét. Muốn rút chạy thì cái núi Tây Chang. Ta đóng rồi. Lương thực còn 3 ngày.
Ta chuẩn bị tổng công kích.
Ngày 5, nó còn thả thêm một tiểu đoàn dù tinh nhuệ xuống. Nhưng trời và đất đã bóp lại rồi. Một phần rơi vào đất ta. Một phần rơi vào các bãi dây thép gai và mìn.
Qua ngày 6, mưa đã tạnh.
Đúng 8 giờ 30 tối, cái bí mật ở đồi A1 “vỡ lở”. Một tiếng nổ đánh ục một cái, chuyển quả núi bắt một mảng lô cốt, mấy ụ súng. Lính địch trong cái hầm thấy như là mình ngồi trong con tàu gặp bão, dầm trần khuỵu xuống, chúng nhao ra ngoài. Lập tức ba mũi quân ta lên. Nó đã hoàn hồn cố đánh để chờ viện, nhưng đường lên đã bị ta cắt, và đến 4 giờ sáng, cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của ta đã bay trên điểm cao nhất của tập đoàn cứ điểm.
Lần này các đường dây làm tốt, lại thêm 4 bộ đàm. Thông tin liên lạc bảo đảm!
Ta ở A1, ở trên đồi rồi, C2, địch phải hàng.
Ở phía Tây, đánh đến 13 giờ, đã đến sát Nậm Rốm. Điện thoại lôi thôi, nên chậm.
Ở Bộ tổng chỉ huy, họp cán bộ để chuẩn bị đợt tấn công cuối cùng.
+ + +
15 giờ Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh :
“Địch đã đến lúc tan rã. Các đại đoàn phải lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đánh thật mạnh. Vây thật chặt, không để cho tên nào chạy thoát”.
Điện thoại nhanh chóng thả dây. Trung đội Chu Bá Thệ xông qua cầu và vít chặt hầm Đờ Cát. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng 2 chiến sĩ nhảy vào “đại bản doanh” chĩa lưỡi lê vào tướng địch, hô:
- Giơ tay lên!
Tất cả mối căm thù của quân đội, của nhân dân vang lên trong tiếng quát ấy.
Đờ Cát và cả bọn giơ tay. Lúc ấy là 16 giờ 30.
Đồng chí Luật dùng điện thoại báo cáo về trung đoàn. Quốc Luật là một cán bộ thông tin cũ.
Bọn giặc Hồng Cúm chạy. Đoàn truy kích đem theo một GRC-9. Cuối cùng toàn bộ địch hàng.
+ + +
Tinh sương ngày 8, rừng bên có tiếng chim hót.
Hôm nay đây hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề Việt Nam. Các đại biểu của chúng ta bước vào hội nghị.
+ + +
Nhớ lại cái mừng chiến thắng ở Cao Bằng. Cao bằng và Điện Biên. Hai chiến dịch dài! Hai chiến thắng lớn người như nhảy như bay. Một đời người, mấy lần được hạnh phúc như thế này.
Nhớ ngay đến các anh em chiến sĩ thông tin liên lạc đã góp một phần vào chiến thắng này. Nhớ nhất các anh đã nằm lại trên hai bờ sông Nậm Rốm. Các anh đã không về, các anh đã bước vào lịch sử. Nhớ tất cả bộ đội bao la, anh hùng!
Chiến lợi phẩm gồm cái máy AZ13, vô tuyến điện mật Đờ Cát, các máy PRC6 và 9 chất lượng tốt.
+ + +
Trước anh linh các anh đã khuất, ta xem lại công việc đã làm để rút kinh nghiệm cho ngày mai.
Lần này, Bộ tư lệnh cùng với việc chỉ huy và phối hợp các đơn vị trên chiến trường chính, còn chỉ huy cả các mặt trận trong toàn quốc nữa. Cách đánh từ du kích đã chuyển lên lối trận địa, mặt đối mặt với quân thù trong dài ngày, đào trận địa trước mắt địch và đánh vỗ mặt địch.
Địch có thì giờ chuẩn bị, xây dựng một tập đoàn cứ điểm gắn chặt với nhau. Nó có đủ xe tăng, pháo lớn, phi cơ, rất nhiều bom, mìn và một số phương tiện tối tân.
Ở trận địa trực tiếp việc chỉ huy làm chính bằng điện thoại và chuyển đạt; chỉ lúc thật cần, mới dùng vô tuyến điện. Điện thoại có bộ đàm làm đỡ.
Bố trí mạng thông tin, phải đảm bảo cả thời gian xây dựng trận địa.
Đánh gần, trong phạm vi chiến trường hẹp, nên hỏa lực rất ác liệt.
Đường dây điện thoại, phải chịu đựng các oanh tạc. Lần đầu tiên bộ đàm được dùng khắp nơi. BC1000 thay điện thoại đắc lực, nhưng trong điều kiện hỏa lực mạnh, hay mất cần dây trời, bảng tiếng mật làm nhiều chữ thì hay lộ bí mật, chết người.
Chuyển đạt viên ra đi trong những lúc gay go, trên đất chiến đấu hẹp, hay bị thương vong.
Dây điện thoại đặt trong các hào và trên các đường chiến đấu, phải chịu những trận oanh kích và những lúc va chạm.
Tính chất ác liệt trội hẳn lên, số thương vong lớn hơn trước.
Pháo có ít, phải làm một nhiệm vụ lớn, yêu cầu một lối đặt thông tin riêng, tốn kém.
Việc phối hợp nhiều đơn vị, nhiều lực lượng, yêu cầu một tác phong nhanh chóng, một tinh thần đoàn kết chắc chắn, một sự thống nhất ý chí trên cơ sở những quy định chung.
Các anh em chiến sĩ và cán bộ đã chiến đấu vô cùng anh dũng, tỏ ra rằng anh em có thể đạt được những yêu cầu cao nhất. Thế nhưng, khi chiến cuộc kéo dài, có xuất hiện những hiện tượng mỏi mệt, chiến sĩ làm “gọi là được”, cán bộ không kiểm tra, khuyến khích, có chỗ, vì công việc làm không tốt, đã ảnh hưởng tới kết quả của chiến đấu. Có lúc chú ý đến mình, đến đơn vị mình nhiều quá, mà quên yêu cầu của binh chủng. Đánh trận địa mà còn một vài anh em giữ lại những thói quen du kích, dùng những thủ đoạn để đạt ý muốn riêng, để cho nhiệm vụ chung có thể gặp những bất ngờ.
Nhưng dù sao, qua chiến dịch lớn này, ngành binh thông tin liên lạc cũng tiến lên một bước dài, để rõ hy vọng rằng có thể phục vụ được tốt trong các cuộc chiến ngày mai. Nhưng phải thét to: “Kỷ luật, quy định”.
+ + +
Ngày cuối cùng của chiến dịch, chúng ta mất đồng chí Minh, một thanh niên yêu nghề, hăng hái và có tương lai. Anh ngã trong hàng trận của 312. Trong lúc thắng và nghĩ đến anh, rơi lệ..
Một lần nữa Bộ tổng tư lệnh thưởng Quân công hạng Ba cho Tiểu đoàn 303, tiêu biểu cho ngành thông tin ở Điện Biên.
Cánh đồng Điện Biên hôm nay như một bãi sa mạc rùng rợn. Những rừng dây thép gai chằng chịt và đèo theo bao nhiêu mìn. Đất đỏ mùi máu ứa. Đây đó những cái dù rách, xõa. Các đồi phía Đông, trơ trọi, có ngọn đã đổi hình. Những cửa sổ pháo thật, pháo giả đen ngòm. Vòng xa xa rừng núi vẫn xanh một cách mai mỉa.
Tin thắng lợi Điện Biên như một tia chớp loang loáng khắp nước. Đâu đấy chuẩn bị ngay cho những trận chiến đấu mới. Nơi nào cũng đánh với tư thế của người thắng trận. Tin thắng lợi Điện Biên Phủ vang trên toàn cầu. Các dân tộc thuộc địa thấy ngay rằng đây là trận chiến thắng của mình. Ngẩng đầu lên!
+ + +
Những ngày tiếp sau, lo ngay cho việc truyền lệnh đình chiến đến tất cả các đơn vị chiến đấu. Có những đơn vị ở xa, lâu lắm không có tin tức gì. Nhưng ở đâu đâu tin cũng đều đến kịp thời cả. Ai cũng thấy rõ ràng chiến thắng của dân tộc, nên khó khăn thế nào cũng tìm ra được đồng chí và truyền đạt mệnh lệnh.
Nhiều việc dồn đến một lúc. Tiếp quản nửa nước thì phải trực tiếp phụ trách ngay nửa nước. Vẫn cứ đảm bảo liên lạc chiến đấu, nhưng phải mở lưới liên lạc cho bao khắp các địa phương, phải mở đường thông tin với bên ngoài.
Đôn đốc anh em trồng cột, kéo dây. Anh em hai đoàn ra đi. Đoàn lên rừng chặt cây làm cột. Thật nhiều cột để trồng trên khắp các đường mới. Đoàn dựng cột, mắc dây, kỳ cho lúc mà bộ đội đến cầu Long Biên thì dây ta cũng phải đến đó.
Đoàn đi rừng kết xong hàng loạt bè thì nước lũ về. Các bè mắc trên cầu Việt Trì, làm thế nào mà dám qua. Một cán bộ Phòng 2, đồng chí Nguyễn Hữu Đới, xung phong lái tất cả các bè ấy qua gầm cầu.
Phải làm ngay đường dây tới Vinh. Câu chuyện cũ lại diễn ra. Bây giờ hòa bình lập lại rồi, ta tha hồ mà đi đường số 1 thênh thang. Ở Cục lại có ý khác. Địch nó phải ký rằng đến 1956 thì tổng tuyển cử. Nhưng có tin được địch không? Nguyên tắc quân sự là thế, lúc yên phải nghĩ ngay đến lúc không yên. Ta cứ nắm đạo chắc. Thảo luận mãi nhưng rồi cũng hạ được quyết định làm theo hướng rừng.
Nhưng đến lúc làm, Thì không thuận tiện gì. Bộ cho một đại đội “tập kết” để khởi công. Phải phạt qua rừng một lối để đặt đường. Đang phát đến một chỗ giữa Bến Chương và Suối Rút. Anh em bực lắm. Cục đến gặp anh em giữa rừng thăm tình hình sức khỏe, ăn uống, rồi hỏi: Anh em có biết là đường này đi đâu không? Đi Vinh. Đi Vinh rồi đi đâu nữa?
- Đây là đoạn thứ nhất con đường để đi vào Nam đó, các đồng chí ạ. Phải làm cho tốt, cho kín, để dùng được việc. Để rồi đi Nam!
Anh em hiểu ngay. Và từ hôm đó công việc chạy ve ve. Một đồng chí bị cây đè, hy sinh trên đường. Anh em đặt đồng chí mình ngay bên đường dây, để rồi mỗi lần qua, thì thăm được. Ngôi mộ một chiến sĩ miền Nam, chơ vơ trong rừng rậm, thành ra một điểm trong lịch sử con đường.
Đồng chí Thi, người lái xe giỏi nhất của Cục và 2 anh em nữa, đi nhờ một xe bạn, cũng hy sinh trong việc chuyển vận. Anh em cũng đặt các đồng chí bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ Hòa Bình, bên đường dây.
Bao nhiêu gian lao, nhưng con đường đã làm được, làm tốt, để sau này qua đường 14 đến tận trung tâm Thành Đồng.
(Sau này, khi bom Mỹ rơi tới tấp, các dây và các cột trên đường cái quan bị tơi bời, thì đường của ta vẫn vững chắc với rừng, với Trường Sơn).
+ + +
Rồi cải cách ruộng đất, cán bộ của Cục đi tìm hiểu, gặp nhiều nỗi cực nhọc. Về một làng, bị một ông già bảo: “Tôi không hiểu đơn vị anh thế nào. Đi hơn 10 năm với nhau, mà chả hiểu nhau. Làng tôi có vài người theo cách mạng. Chúng tôi hãnh diện. Thế anh còn hỏi cái gì?”. Ở một làng khác, ông chủ tịch bảo: “Hắn là phản động đây”. Đến gặp vợ anh ta. Chị này bảo: “Vâng, phản động” rồi ôm mặt khóc. Anh đương sự nghe nói vợ như thế, buồn lắm. Lại phải đi nữa, hỏi nhiều người. Thì ra chủ tịch ngày trước nhà có hèm với đương sự. Lại gặp chị vợ. Chị nói: “Em không nhận là phản động thì sống làm sao được với họ. Bây giờ chết thì chết, em không thể nói nhà em là phản động!” Khó thật! Đó là một nỗi khó trong việc lãnh đạo lúc này..
Vấn đề “chính quy và hiện đại” làm tất cả anh em thông tin đều phấn khởi. Chỉ có trình độ kỹ thuật còn thấp quá, cơ sở sản xuất chưa bao nhiêu, hóa ra lo lắng.
Một nỗi mừng. Đoàn cán bộ của đồng chí Hoàng Niệm được ra nước ngoài, vào Học viện Thông tin. Thế là việc chỉ huy trong ngành có tương lai rồi đây. Học ở Học viện trên mức đại học đấy. Nhưng vẫn không hiểu làm sao mà trong đoàn không có một cán bộ thông tin nào. Tìm hiểu mà không hiểu. Phục cái tài, cái chịu khó của các đồng chí học viên, tiếng nước ngoài không biết, dùng điện thoại còn chưa sành mấy, mà cố học cho lấy được, học được kết quả tốt. Hoan hô.
Ở nhà, các thay đổi đã bắt đầu. Đồng chí Ngô Văn Triện đi học rồi không trở lại. Sau đồng chí ấy hy sinh trên đường công tác. Đồng chí Nguyễn Trọng Tình, đã đổi đi từ lâu lắm. Cục phó, đồng chí Nguyễn Văn Tình về Hà Nội ít lâu cũng ra nhà máy, chỗ rất quan trọng cho tương lai công nghệ nước nhà. Cục trưởng cũng thấy rõ là một giai đoạn tốt đẹp sẽ mở, mà mình sẽ được đứng bên đường hoan hô.
+ + +
“Chính quy, hiện đại” làm nhớ đến tình hình những khó khăn trong công việc. Anh em tay khéo, óc sáng, thì đã hẳn rồi. Tinh thần anh dũng lại rõ ràng nữa. Mắc là mắc ở những chỗ, thói quen vì cách làm ăn lẻ tẻ, mà các thói quen ấy lại mạnh mẽ lên trong lối đánh du kích.
Còn lo lắm!
Nói chung chung, thì công việc vẫn chạy, có nhiều người cáu gắt, nhưng cũng có rất nhiều người khen. Lúc nào cũng tự hào được rằng: Lên đường với hai bàn tay trắng, mà ngành binh đã làm được nhiệm vụ, tàm tạm.
Tương lai bộ đội thì sáng sủa. Trong bộ đội, thì tương lai của ngành Thông tin, cố nhiên là cũng sáng sủa. Nhưng cái tương lai của công việc, có rõ ràng là sáng sủa không? Làm sao mà nó lại cứ như một anh thanh niên mà lại sớm có râu dài ấy?
Nhiều người dùng thông tin, vẫn không có thì giờ biết thông tin. Không biết thì không dùng được. Hết sức không đòi hỏi cho nó tiến lên, mà lại đòi những cái mà nó không tài nào làm được. Không biết thì không đỡ gì được cho nó. Lúc khát thì vặt cho hết quả, rồi trả cây lại cho đất trời.
Không phải chỉ có chuyện “3 cây số dây, 3 cái máy sang sông ngay!” kêu mãi cũng nhàm. Thôi cứ làm đi. Ngày xưa nói “cứ ở với trời!”. Nay nói: “Cứ biết có Đảng”.
Ai cũng biết rằng trong cách mạng, mỗi người làm một việc. Nhưng có những vị bảo: “Nhân viên chuyên môn thôi chớ gì?”. Y như là nói: Chỉ làm chuyên môn thôi, không tư tưởng, không chính trị, nhất là không có quyền gì đấy.
Coi thường chuyên môn. Không muốn biết chuyên môn là gì. Không biết thì dùng sao được. Thế mà vừa coi thường vừa “sợ”. Không dám để chuyên môn tiến lên. Thế thì làm thế nào mà chuyên môn đem lại những sức mới cho tác chiến?
Rồi đến các đồng chí làm chuyên môn, cũng bực, rồi cũng chỉ làm chuyên môn thôi. Thiếu sót nốt.
Mà sự thật thì, chiến sĩ thông tin, lúc có thể được, cũng bắt giặc, mà bắn đáo để. Cán bộ thông tin đi sát chiến sự, có khi cũng có những ý kiến tác chiến đúng.
Câu chuyện là: Đảng có nhiều người, nhưng mỗi người phải làm một việc, mà làm tốt.
Sao VTĐ, cứ yên lòng ở chỗ máy chiến lợi phẩm, phiên làm, đài đổi. Tại sao điện thoại chỉ nghĩ đến mạng móng ngựa, dây các ngón trong bàn tay; chuyển đạt tin bù đầu trong vận hành. BC1000 bắt được từ 1950 mà đến 1952 điện thoại vẫn phải rải lối cuốn chiếu. Ngoài pin ra, tự trang bị được bao nhiêu.
Làm cán bộ thông tin cũng chỉ giải quyết được việc là thôi, vận động giữa Cục và cấp chỉ huy trực tiếp. Không phải là tài cán có ít đâu. Nhưng sao cứ không muốn ra tay.
Anh em học không được hệ thống, không có điều lệnh quy định để rèn “ý thức tổ chức”, linh động, rồi làm ẩu, móc ngoặc, xong việc thì thôi, dù mình anh dũng vô cùng.
+ + +
Trong ngành Thông tin mà lối làm việc không thống nhất với nhau, người này làm mà không chắc chắn rằng đến chỗ kia cũng gặp bạn làm như mình, nối được dễ dàng; người dùng thông tin không biết được phạm vi và khả năng của công việc; người làm thông tin không biết rằng con đường mình nhất định phải đi là thế nào, yêu cầu đến đâu? Nói tóm lại, là không có một điều lệnh, những chế độ, bản giao kèo chung giữa mọi người, thì khó quá.
Đây là nội dung chính của Đại hội Thông tin lần thứ ba họp năm 1955.
Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng có đến hội nghị và đồng chí khen việc truyền lệnh đình chiến là một kỳ công.
Toàn hội nghị, lần này có đủ các đồng chí miền Nam, phấn khởi.
Đầu năm 1962, giở luật nghĩa vụ quân sự ra thì thấy tuổi đã quá hạn quy định xa lắm rồi. Tôi được trả lại làm cái nghề cũ, làm thầy giáo.
Đi, mà sung sướng, vì thấy bao nhiêu nhân tài mới vì tương lai rộng lớn của ngành binh trong những cuộc chiến đấu còn dài.
Anh em bảo viết hồi ký. Viết tập này. Nhưng đây là chuyện các chiến sĩ thông tin liên lạc nam, nữ ở tất cả các binh chủng, các chiến trường. Tôi chỉ là người cầm bút, mà còn sợ là viết không nên. Tôi nhớ ơn các đồng chí đã kể lại cho nghe những việc mà tôi kể lại.
* * *
Hai mươi năm trời! Xem lại thì quả có gặp những khó khăn. Khó khăn về đồ, về người, về thói đời. Chung quy cũng là người cả thôi. Nhưng những thói quen cũ, nhiều hay ít, những trình độ không giống nhau, đời nào mà chẳng thế. Có ân hận, là chỉ ân hận ở chỗ là không vượt được tất cả, để thiệt thòi cho công việc của nhân dân, thế thôi!
Nhưng được làm việc, phục vụ nước Tổ, phục vụ cách mạng, là đời sống đã có một hạnh phúc tốt đẹp. Được làm việc ở trong một ngành binh, ở đó là một gia đình chiến đấu, hiểu nhau, thương nhau, cố gắng cùng nhau, vui buồn có nhau, trong một không khí chặt chẽ, nhưng ân tình, khiến người ta dễ dàng chịu đựng, lam làm và hy sinh, niềm hạnh phúc này bao bọc chúng ta suốt đời./.
HẾT
Được đăng bởi Nguyễn Quang Hưng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét