18/3/15

Lên đường hạnh phúc (phần 4/5)

(Hồi ký của đồng chí Hoàng Đạo Thúy, phần 4/5)


Các chiến trường đánh mạnh lên là yêu cầu đối với Cục Thông tin càng lớn. Nhiều máy hỏng, phải chữa, nhiều máy chiến lợi phẩm mới phải nghiên cứu. Không có nhà máy hay xưởng, cửa hàng nào cung cấp, Cục phải làm lấy nhiều thứ đồ.
        Các tổ sản xuất và MN khi thành Cục, đã họp lại làm một ở trong một thung lũng sâu vùng Thành Công. Việc sản xuất, phối hợp đã có những kết quả khá.
Nhưng bây giờ các nhu cầu đặt ra cấp bách. Không thể cái gì cũng gồng gánh qua Đèo So, rồi lại gồng gánh về. Đi lại làm hỏng thêm. Phải sắp xếp thành một xưởng lớn ở Nà Guồng, gần Cục. Xưởng mới, cơ ngơi, tay nghề khá đủ, bắt đầu làm ăn tốt.
Nhưng thế là kháng chiến đã năm năm rồi. Không ai bảo là lòng yêu nước có giảm đi, nhưng có những lúc anh em đâm ra suy nghĩ nhớ nhung. Có nhiều đồng chí đã đưa được gia đình lên, gần thì Đại Từ, Dốc Điệp, xa thì Yên Thế, chợ Chờ. Hàng mấy năm không về thăm nhưng anh em qua lại vẫn chuyển những tin tức, nhưng cũng có nhiều đồng chí, vợ con ở Khu 3, ở địch hậu. Không nói ra, nhưng bặt tin bấy nhiêu lâu rồi. Anh em làm công tác có đề ra khẩu hiệu “không để giờ chết”. Sản xuất rồi lại họp, họp học vui, họp đọc báo, không còn giờ chết thật, nhưng cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì, mà mệt nhoài. Tư tưởng không giải quyết được thì nó chiếm cả giờ nghỉ. Có phải là chuyện bịt được đâu.
Đồng chí An bàn là cử một anh em đi xuôi, thăm các gia đình. Trong hành chính, không có thủ tục nào như thế. Nhưng từng con người làm thế nào mà không lo được. Cục cử đồng chí Lương, Thư ký công đoàn của Xưởng, đem một túi giấy giới thiệu cần thiết, đeo trong ba lô tất cả các thư về nhà. Gánh nặng tình cảm.
Đồng chí Lương đã đi vùng tự do, vùng địch hậu, thăm mỗi gia đình, đưa thư, nói tình hình sức khỏe, hỏi tình hình nhà, nhận thư trả lời. Mấy tháng sau, đồng chí về Xưởng, ba lô nặng hơn trước.
Như một phép lạ, từ sáng hôm ấy Xưởng chạy ro ro. Đúng là việc riêng gia đình của công nhân, chiến sĩ, cũng là một phần việc công đó. Đây là một kinh nghiệm lãnh đạo tốt. Không sợ có giờ chết nữa.
Kháng chiến đã khá nhiều ngày, may mà sự lãnh đạo của Đảng được mạnh lên.
Trước kia, ở cơ quan vẫn có một chi bộ, Chi bộ Hà Huy Tập. Bộ Nội vụ cử sang giúp Đài Tiếng nói Việt Nam một cơ công máy nổ giỏi, đồng chí Ngô Văn Thiệu, nguyên là học sinh trường kỹ nghệ, đồng chí đã làm một thợ giỏi và đắc lực ở Tân Ấp xưa kia. Đồng chí tinh, nhanh, được anh em trong Cục bầu làm bí thư và được Đảng ủy cấp trên tín nhiệm.
Đi họp về, đồng chí thông báo là từ nay Đảng sẽ trực tiếp lãnh đạo tất cả. Mọi người mừng rỡ! Phòng Chính trị được lập ở cửa thung lũng với đồng chí Thiệu làm trưởng phòng. Thu xếp cẩn thận và tính xa là tác phong của đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Trọng Tình, cán bộ Cục Dân quân đến TT làm Phó Cục trưởng. Phòng Chính trị có thêm các đồng chí An và Lạc.
Từ chiến dịch về mấy hôm thì tôi được đi học chính trị, quân sự gần nửa năm. Chưa bao giờ được học có hệ thống, nên học say mê lắm. Ngoài công việc học, cũng có một kỷ niệm:
Ở mãi trong rừng cũng thấy bí. Hôm ấy, qua trưa, sửa soạn ra hội trường nghe giảng. Tôi đi sớm một chút để có thể đi vòng đường đồng lúa cho dễ thở. Tay xách cái đèn để đến tối về thì soi đường.
Bỗng phía sau có tiếng người đi. Rồi có tiếng hỏi:
- Ông cụ đi tìm ai thế?
Tiếng Cụ Chủ tịch. Cụ nhắc cái điển tích Hy Lạp, Đi-ô-gien giữa ngày thắp đèn ra đường, bảo là đi tìm người.
Tôi thưa rằng:
- Tôi đã tìm thấy một người rồi ạ.
Nói để tỏ lòng kính mến Chủ tịch. Rồi bước xuống ruộng, mời Cụ đi trước. Đến hội trường, không có một ai cả. Ai lại ngờ rằng Cụ đi đường đồng đâu. Cụ đi một vòng thấy nhiều khẩu hiệu lắm, đọc hết:
- Sao lại viết nhiều chữ nước ngoài thế này? Tệ nhất là ở đây! Đồng chí Ka-li-nin và đồng chí Lê-nin đều ghét cái cách này.
Buổi tối, học trò kháo với nhau rằng: Cụ đã rẽ vào nhà ông hiệu trưởng. Bà đẻ con gái đầu lòng. Ông vốn là một nhà văn có tiếng tăm, chọn cho con cái tên hai chữ rất thơ mộng lấy trong một câu thơ cổ.
- Cụ Chủ tịch hỏi tên cháu, rồi bảo: “Sao không đặt là sắn, là khoai?”.
Cụ không nói rõ rằng: Cái tên mơ mộng kia, đọc hay, nhưng mang một nghĩa suy tàn.
Thật là hai bài học “ngoại khóa” cho học trò chúng tôi.
Trong khi học, được tin là Cục đã có Đảng ủy để lãnh đạo về chính trị và chuyên môn. Đồng chí Bí thư Đảng ủy đã đi làm Trưởng ban Thông tin ở chiến dịch Hòa Bình, cùng đi có cả đồng chí Tình.
Hôm ra về, đồng chí liên lạc đưa về Cục. Sao anh em nhìn mà có vẻ ngơ ngác thế? Đồng chí Tình, Phó Cục trưởng, bảo: Sửa soạn va-li mà đi Mạc Tư Khoa.
Cũng bình thường thôi! Làm lâu một chỗ thì thay đổi. Bây giờ có nhiều cán bộ rồi, được làm một việc khác, cũng hay ở chỗ biết rộng ra. Tự nhủ rằng: Làm việc gì cũng phải làm tốt đấy!
Vài hôm sau, nhận được thư của đồng chí Thủ tướng, đồng chí hỏi:
- Sao anh lại thích đi nước ngoài?
Thế ra tôi thích đi nước ngoài à?
Rồi mấy hôm nữa thấy đồng chí Trần Đăng Ninh bảo:
“Bác bảo anh cứ làm ở đây, không đi đâu cả. Đợi anh Văn về đã”. Lâu ngày không gặp, nói chuyện khá lâu.
Đồng chí Ninh nói: “Nhớ lại, một lần anh Hoàng Văn Thụ và tôi, rủ nhau đến gặp anh. Khi gần đến nơi, thấy nó bố trí, chúng tôi phải lủi...”.
Tôi cũng không ngờ là thực dân nó lo xa đến thế. Không thế thì đã được gặp các đồng chí từ đấy rồi.
Sau này đồng chí Lê Quảng Ba kể, mới rõ công việc thế nào khi Cụ Chủ tịch được báo cáo về việc thay đổi công tác của tôi.
Thế là lại tiếp tục được làm Thông tin.
Ít lâu sau, các đồng chí đi chiến dịch, thắng lợi trở về. Đảng ủy làm công tác chính trị, lãnh đạo chuyên môn, kỹ thuật, tôi được làm nghiệp vụ!
Một đồng chí đặt cho một vấn đề để xem nghiên cứu thế nào.
Đang chuẩn bị đánh. Trưởng Tiểu ban TTLL đến gặp đồng chí Trung đoàn trưởng, xin chỉ cho chỉ huy sở ở đâu. Thủ trưởng chỉ cây gạo giữa đồng.
Thông tin đào hố, làm hầm, đặt tổng đài, kéo dây...
Nhưng đến lúc nổ súng, mấy anh em đợi mãi không thấy thủ trưởng đến. Phải đổ đi tìm, rồi vừa chạy theo vừa bố trí những mạng tạm thời, không làm được gì mấy.
Có lẽ trong binh chủng phải nghiên cứu một cái mạng TT thế nào, để khi gặp chỉ huy trưởng thích di chuyển, đi sát chiến đấu thì dùng.
Nghiên cứu chưa được, thì đến chiến dịch sau, ở Nghĩa Lộ, cũng vị thủ trưởng ấy, cứ đeo xắc cốt đi đó, đi đây, không đứng yên chỗ nào cả. Trong trận đánh, không những TT của trung đoàn mà cả TT các tiểu đoàn, các liên lạc, các cán bộ, chạy khắp chỗ hỏi thủ trưởng đâu? Thủ trưởng đâu?
Đành thôi không nghiên cứu vấn đề ấy nữa.
Trong trận Tu Vũ, anh em kể lại việc của hai chiến sĩ thông tin.
Một chú “chuyển đạt” của đại đội xung kích vượt trận địa như một quả “pháo chuột”. Đó là Vũ Văn Nghĩa. Đồng chí Nghĩa không những truyền lệnh nhanh, mà mỗi lúc được ở lại chỉ huy sở là đồng chí đào “hố một người”. Đào luôn được 6 chiếc cho thủ trưởng và cán bộ. Đạn đại bác rơi gần, đồng chí lấy mình che cho đại đội phó. Dẫn trung liên lên đồn gặp anh bộc phá rơi mất bao diêm, đồng chí chạy đi mượn hộ bật lửa, cõng cả thương binh.
Pháo địch mạnh lắm, các đường dây từ tiểu đoàn chủ công lên trung đoàn, từ tiểu đoàn xuống các đại đội đều ở trong khu vực bị bắn nặng. Nhiều anh em điện thoại bị thương rồi. Những anh bị nhẹ vẫn đi nối dây. Đồng chí Phan Đình Hồng đào cho mình một hố để nằm mà theo dõi dây. Đào chưa xong, đã phải lao đi vì dây đứt. Cán bộ chạy qua bãi, cần nói, được phục vụ ngay. Rồi hố đành bỏ dở vì cứ phải chạy hết đầu nọ đến đầu kia. Trong 3 giờ, đường lên đứt đến 20 lần, các đường xuống đến gấp hai thế. Đồng chí Phan Đình Hồng được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất. À ra đây là cái anh nói “tôi là thông tin mà!”.
Ở trong cái bãi bị bom đạn, anh em điện thoại mới thấy rõ là “cuộn dây đeo theo người” là rất cần. Hai chiến sĩ đi, một người theo dây, đến một hố bom thì rút ngay dây của mình nối, trong khi ấy, chiến sĩ thứ hai chạy ngay đến bờ kia, cũng rút dây nối, rồi hai anh gặp nhau ở giữa thế là chữa được nhanh.
Cũng đáng nêu lên việc hai đồng chí điện thoại đi với đội biệt kích pháo Hòa Bình.
Trong thị xã Hòa Bình, địch có một trận địa trọng pháo để bắn xa ra ngoài. Quanh Thị xã là những đồn bốt chi chít.
Một đội biệt kích của ta gồm 41 người, trong đó có 2 chiến sĩ điện thoại của Tiểu đoàn 303. Hai đồng chí đã luyện kỹ trong 2 ngày. Đi theo đội, luồn lách giữa các vị trí địch, đi đến đâu rải dây đến đó. Từng đoạn, đồng chí chỉ huy báo cáo được về nhà. Đến trận địa trọng pháo thủ trưởng đi đến đâu là dây rải đến đó. Việc xong lại cuốn hết dây về, an toàn.
Tiểu đoàn Thông tin của Cục làm tốt việc thả dây qua Sông Đà. Nước chảy xiết, tầu địch đi lại luôn. Thả dây, làm những quả đá buộc theo ròng rọc cho dây chìm sát đáy ngụy trang tốt ở hai đầu, chỗ bờ sông.
Chuyển đạt qua sông cũng không dễ vì có tàu bay đi lại luôn. Ban ngày mà có hỏa tốc thì dùng ống nứa hay cây chuối mà bơi qua. Nếu đi thuyền mà gặp tàu bay thì tụt xuống sông, rồi lặn ra xa thuyền. Công văn đã phải bọc kín trước. Nhiều lúc dùng vải nhựa làm phao bơi. Tàu bay xa rồi, lại đuổi theo thuyền.
Đặt dây qua đường số 6 là việc làm rất công phu. Địch tuần tra trên đường luôn, chặt hết các cây mà tán giao nhau ở trên đường. Hai bên đường cũng bị phát quang. Đặt dây ngầm cũng nhiều lần nó dùng máy dò được. Sau phải làm cách này: Phá hoại nhiều quãng đường, rồi đặt dây chính ở chỗ đường hỏng ấy. Đào sâu trong lòng suối, ghìm sát đất, ngụy trang, bằng rong, rêu, cho dây chui qua cống. Ngoài cống lại để một quãng dây giả để nó tìm thấy mà phá. Còn dây thật thì chôn sâu nên dùng được lâu.
Có chỗ không có cống nào mà chui. Dây phải đặt theo mặt đường. Như thế thì phải làm một công trình thật sự mỹ thuật. Phải xem kỹ mặt đường rồi ghi rõ: Chỗ nào có cuội, có đá, có ổ gà... Rải áo ra, lấy dao nẩy từng mảng nhỏ, để lên áo. Không được rơi vãi tí đất nào. Đặt dây xong, lại xếp các mảng lại. Y như trước, một trăm phần trăm. Làm thật khéo thì dây có thể dùng được khá lâu.
Ở trận Gô Tô, đại đội TT có những kinh nghiệm đáng ghi nhớ.
Vì một cọc “lộ tiêu” không vững mà anh em đi qua vịn vào, làm chệch hướng, mà một đơn vị lạc đường. Tuy đến cuối chiến dịch, đã mệt mà vẫn chuẩn bị tốt nên mạng đặt được. Nhưng đường dây qua “cửa mở” bị cắt luôn 4 lần, điện thoại viên lăn xả vào nối, một đồng chí hy sinh. Sau phải làm nhiều đường qua cửa, xa nhau mới giữ được liên lạc. Khi chiếm ụ súng thứ nhất thì hai đồng chí điện thoại hy sinh, máy bị phá, VTĐ thoại lên tiếng thì đồng chí phụ trách cũng hy sinh. Một điện thoại nhặt máy làm thay, bị lúng túng vì tiếng mật, thì đồng chí đại đội nóng ruột, ra lệnh “nói rõ”. Kết quả nguy hại đến ngay: Địch bắn chặn lập tức phía sau, dây về hậu phương đứt hết, viện không lên được. Điện thoại viên Tiến lao đi nối, bị thương luôn  2 lần, đảng viên Kế cũng bị thương, chỉ còn thoi thóp mà vẫn động viên Tiến đi tiếp.
Ở trận Đồi Miều, các đường dây đứt hết, đứt nhiều chỗ nối không kịp nữa. Tất cả các điện thoại viên sang chuyển đạt hết, bảo đảm được việc chỉ huy.
Thế mà cũng còn cái chuyện hai đơn vị ở hai bên đường số 6, cứ chỉ trông vào một điện thoại, mà điện thoại bị phá luôn luôn, đành không liên lạc được với nhau và không phối hợp được với nhau.
Anh cấp dưỡng Trần Văn Cặng, Tiểu đoàn 303, xung phong đem hỏa tốc, bơi qua Sông Đà, chính lúc tàu bay địch đang khống chế khúc sông, giao thư trước hẹn nửa giờ.
Ở trận cuối của chiến dịch, các điện thoại viên và chuyển đạt của Trung đoàn 9 đều trực tiếp chiến đấu, diệt được nhiều địch, thu nhiều súng.
Địch khoe là chúng có một chuỗi boong ke bọc kín đồng bằng. Boong ke như một khối xi măng cốt sắt, đầy lỗ châu mai, ngoài lại có dây thép gai, phủ kín. Trông khiếp thật.
Trung đoàn Cao Bắc Lạng đánh vào vị trí boong ke Le ri, về ở Phúc Yên. Đây là lần thứ nhất đánh một vị trí như thế. Chiến sĩ ta đem liên thanh bắn tịt nghiến các con mắt của boong ke, rồi bò vào, dẹp dây thép gai, nhảy tót lên nóc và từ trên đánh xuống. Cưỡi lên đầu hổ! Nhưng ác quá, chính lúc ấy lại hết bộc phá, hết cả lựu đạn. Gọi điện thoại về Trung đoàn, thì đường dây đứt rồi, vì pháo các nơi nó câu đến ầm ầm, mặt đất lỗ chỗ như một cái sàng gớm ghiếc.
Triệu Văn Báo lao đi chữa. Chân nhảy, tay nối, không biết là mấy mối nữa. Đạn nổ thì anh lại lao xuống hố, tin rằng không bao giờ hai viên đạn lại nổ chung một chỗ. Vừa chơi hú tim với đạn pháo vừa nối dây. Đến mối cuối cùng thì hai đầu dây chỉ còn chấm nhau, không đủ để nối nữa. Báo cắn cả hai đầu dây vào hàm răng, nghiến lại cho điện thông. Phía trước quay máy gọi về. Đang khẩn cấp, mắm môi mắm lợi mà quay, biết đâu rằng luồng điện quật đồng chí hộc cả máu mồm ra, nằm chết ngất. Tiếng súng làm Báo tỉnh dậy. Thử thấy đứt, lại bò đi nối. Nhưng lần này không còn đủ dây để ngậm được nữa. Chỉ còn cách mỗi tay cầm một đầu dây, lấy thân mình mà nối. Chịu đựng. Chịu đựng. Và như thế, phía sau chuyển bộc phá lên, làm nổ tan xác cái boong ke.
Sau trận này, Báo dự trận Bắc Ninh, đã có lệnh rút. Nhưng thấy ở sườn đồi còn mấy cuộn dây mà đại bác bắn tới tấp. Báo không ngần ngừ, lăn theo sườn đồi, đến lấy dây đem về. Giữa đường, gặp đại đội trưởng bị thương, nằm ở đồng lầy. Đồng chí ngâm mình xuống bùn, để đại đội trưởng nằm lên lưng, rồi toài đi.
Đồng chí Triệu Văn Báo thật là anh hùng.
+ + +
Địch ném bom Phòng TT Khu 10. Đồng chí Phạm Trần Đắc - Trưởng phòng hy sinh. Đồng chí được tuyên dương trong toàn quân.
+ + +
Tin tức các chiến trường về gây được bao nhiêu là phấn khởi, tin tưởng. Trang bị vẫn còn quá nghèo nàn, mà các đồng chí ta đã chiến đấu với tinh thần cách mạng cao cả, đạt đến những đỉnh đáng mừng.
Vì phải không ngừng học tập, mà chúng ta cần nói rõ ràng các chỗ thiếu sót ra để mà tiến lên nữa.
Ở Ninh Mít có vội vàng thật, nhưng sao mà đồng chí tham mưu không phổ biến gì cả, chỉ ra lệnh cứng: “Đem 3 cây số dây, 3 cái máy, sang sông ngay!”. Đến lúc đặt mạng thì thiếu dây, để cho một bọn giặc lớn chạy thoát.
Ở Dốc Bóp, cán bộ thông tin không đi sát anh em, dây mắc qua cả ngã tư đường, để cho địch nó nhìn thấy và ù té chạy.
Trận Vai Cời, trong tay có mấy thứ phương tiện mà đời thuở nhà ai, lại bố trí có mỗi một thứ cờ hiệu thôi. Gặp ngay lúc sương mù. Địch đi qua mà đành phải bó tay. Y như là “không có thông tin” ấy.
Có chỗ mắc dây lộ, đồng bào đi qua nhìn thấy, phải kêu “trời”. Đường dây bí mật cho du kích “độn thổ” đánh thủy lôi. Địch đi lại nhiều lần mà không thấy gì cả. Tham mưu nói anh em rõ yêu cầu từng đoạn. Chỗ nào địch có thể bắn mạnh. Chỗ nào ta hay qua lại. Trận đánh diễn ra rất tốt.
Trận đánh viện địch từ Ninh Bình lên Hoàng Đan. Anh em đặt dây qua đồng sâu, địch không thể ngờ được. Dây gác trên các đám bèo. Đến đê thì chôn vào mặt những mảng cỏ lên trên. Địch sục sạo vào làng, không thấy gì cả. Đến lúc ta nổ súng thì nhờ có mạng dây bí mật đặt đi các xóm, việc chỉ huy được nhanh chóng, địch không sao chạy thoát nữa.
Nửa đêm, Tiểu đoàn 706 nhận được lệnh tác chiến. Anh em thông tin đang đi lấy gạo. Trung đội phó tập hợp đơn vị, anh tái mặt: Chỉ còn 3 chiến sĩ và 2 cấp dưỡng. Nhưng mấy anh em ốm cũng xung phong xin đi. Cố khiêng cho hết dây máy. Tỏa mạng điện thoại cho trận địa phục kích. Đồng Mít gồm nhiều mũi. Lại phải đặt một đôi dây qua đường cái, ở hướng địch tiến đến. Sáng sớm, địch đến. Hơn một đại đội Âu Phi đổ trong 15 phút. Đại bác địch bắn đến, nhưng anh em đã thu xong dây, ra về.
Đồng chí trung đội phó ấy là Phùng Quý.
Một phần lớn của Đại đoàn Đồng Bằng đi rất nhanh về hướng Phát Diệm. Để theo kịp bộ binh anh em TT rất nhọc về cái khoản dây máy của mình.
Vị trí Phát Diệm dài 2 cây số, có một trung đoàn đóng, có “Tổng bộ” tự vệ với những người tu hành mà mặc áo nhà binh, quân lính lúc nhúc.
Ta tiến vào là đánh ngay. Điện thoại phải rải bên đường đi, theo hướng tiến quân. Vì thế, lúc pháo địch bắn, bộ đội đào hố, là dây đứt nhiều. Tiếc rằng không biết được trước để đặt dây qua cánh đồng.
Trận đánh rất phức tạp, nhưng thắng lợi rất nhanh chóng. Hay nhất, là từ đó nhân dân Kim Sơn biết bộ đội ta anh dũng và trong sạch như thế nào.
Thông tin cũng rút được kinh nghiệm rải dây cấp tốc.
+ + +
Ở địch hậu, trận Cầu Vật cho rút ra những kinh nghiệm quý. Tất cả các đường dây, cả bộ, cả pháo, đều ghim theo một con đường. Người đi lại vướng, đứt, đã đủ khổ. Đến lúc một quả pháo đến là đứt ráo. Có nối lại khổ vì râu ông nọ cắm cằm bà kia. Không tránh được cãi nhau. Vì ai cũng nóng, vội. Ở trận Vô Tình, cũng khổ vì thả dây theo đường đi. Nhưng mắc theo cánh đồng, cũng phải cẩn thận. Ở Ứng Hòa, trên cánh đồng mới gặt, tàu bay nó cứ chiếu các đường dây mà ném trúng các chỉ huy sở. Lẽ ra phải đặt dây theo chiều đất, nép vào các bờ ruộng, ở dưới cỏ thì đã đỡ lộ.
Trong Binh chủng, vô tuyến điện là một phương tiện rất quý. Nhưng cách dùng cũng không dễ dàng.
Cứ nói máy thôi thì gồm máy thu, máy phát, máy phát điện. Trước thì đâu cũng phải dùng máy nổ nặng nề. Có chỗ dùng xe đạp mà quay một bộ phận phát điện. Sau đã lấy được một số máy quay tay nhẹ nhàng hơn. Ở Đại đoàn Đồng Bằng mua được nhiều pin. Dù phải một người gánh đi, nhưng được cái làm việc yên lặng, ít sợ lộ.
Quan trọng là báo vụ viên. Nếu được học cẩn thận thì đánh được đều, người ta khó nhận biết. Vì theo dõi một đài mà báo vụ viên đánh có chứng, thì khá dễ. Lại phải có tinh thần phục vụ cao. Người làm với cái máy, đến giờ mới làm, nên dễ có thói quen của người công chức, làm việc tĩnh tại, không thích những chuyện thay đổi. Từ chỗ làm một đài ở cơ quan, ra đi với một đài cơ động, đã khó rồi. Bí mật công việc yêu cầu thay đổi luôn, đổi chỗ đặt, đổi máy, đổi cách làm, đổi cách doanh tác, đổi tổ chức mạng. Một cạnh nữa là các điện gửi đi, nếu là điện rõ thì còn có chút thích thú, nhưng lại chỉ là con số, là chữ mã, không biết là chuyện gì cả. Đã hay rằng có độ khẩn đấy, nhưng người làm cũng dễ coi điện nào cũng như điện nào ấy. Có khi lại thích nêu những cái khó khăn của một bộ máy tinh vi.
Vì thế mà việc quản lý báo vụ viên phải là một việc rất cần chú ý. Săn sóc sinh hoạt, giúp đỡ học tập, kiểm xét việc làm. Có việc thì phải hướng dẫn thật kỹ, đặt các yêu cầu rõ ràng, làm cho anh em thấy rõ sự cần thiết của công việc.
Không săn sóc thì dễ xảy ra việc bất ngờ. Một đài của Bắc Ninh, thấy địch gần đến là cuống ngay lên, quẳng máy xuống ao. Một đài khác ở Vĩnh Phú, làm hầm nhỏ quá, khi cả nhân viên cần xuống đó, suýt chết ngạt. Một đài quân báo vào Thái Bình, chưa làm được gì cả, đã rút ra, nhân viên bị thương. Lúc cần làm thì cái tay quay lại ở trong ba lô người đi sau, chưa đến!
Nhưng có đài, như đài đồng chí Thân, cả đời ở trong địch hậu, mà chẳng sao cả. Đồng chí Thân và các đồng đội đã tự coi như là một đơn vị chiến đấu, trước hết là không sợ gì, rồi cơ động, linh hoạt.
Có khi lại bảo người ta mang máy cùng một hai người đến ở một chỗ chim ho cò gáy” nào ấy. Không biết bao giờ về. Tất nhiên là phải chuẩn bị cho các đồng chí ấy hiểu thấu sự cao cả của nhiệm vụ, và biết tìm ra cái hay, cái đẹp, cái vui ở chỗ đến làm.
Những người làm thủ trưởng cần biết rằng: Dù không có gì phản phúc, nhưng với những lối làm tài tử”, phát ký hiệu lung tung, nói chuyện riêng trên đài, những việc này giúp rất nhiều cho địch. Cũng có anh được dùng một dụng cụ trình độ kỹ thuật cao, thì tự mình cũng sinh ra kiêu,đuổi bạn”, từ chối điện, làm cho mạng TT mất đoàn kết, mà mất đoàn kết thì mất luôn hiệu lực. Đoàn kết trong mạng VTĐ là đoàn kết giữa những đồng chí, không biết mặt nhau, nhưng cùng làm một nhiệm vụ cách mạng, cho rằng không có vui thích nào hơn thắng lợi của lý tưởng.
Thế mà, hồi chiến dịch Hòa Bình, một đài đi vào địch hậu, bị vây, mà bạn lại bỏ liên lạc, lấy cớ rằng qua hai ngày không có điện. Đến lúc đài hậu địch phát được, thì phải kêu như người sắp chết đuối, “chèn” khắp các mạng, cả một ngày, mới được giới thiệu làm việc. Biết rằng cái đài ở địch hậu thì trăm khó, ngàn khó, lòng nào mà để đồng chí mình khổ đến thế.
Lại có một đài Vĩnh Phúc, ở một khu bị địch theo dõi ngặt, lại sục vào luôn, đã dặn đài Bộ là đừng chờ trả lời, cứ đánh “phóng thiên” tất cả các điện. Ở gần địch không mở được máy phát, nhưng đã nhận được tất cả các chỉ thị của trên, nhận được các tin thắng trận, phổ biến để giữ vững tinh thần. Giấy báo nhận phải gửi qua chuyển đạt. Sau dần, nắm được quy luật địch, thì nếu có đến cách một cây số, máy cứ làm việc; nó vào gần hơn mới chôn máy, chôn máy phát đã, còn máy thu cứ để nghe. Báo vụ viên VTĐ cũng được nếm vị chiến đấu như thế.
+ + +
Chiến dịch Hòa Bình chấm dứt. Địch đem 5 binh đoàn, tất cả 20 tiểu đoàn, 64 pháo, 500 xe cơ giới, 2 tiểu đoàn dù, định phen này đẩy hết quân và du kích Thái Bình ta xuống bể. Mà lớ ngớ thì nó làm được thật đấy.
Sớm 26 tháng 6 năm 1952, năm cánh quân nó dàn ra. Nhưng các đơn vị địch hậu của ta vẫn vững lòng. Vì vô tuyến điện của Bộ đem đến những tin tức tình báo, những chỉ thị tác chiến, y như là cấp trên ở luôn với mình. Cái càng của địch vươn ra thì quân dân ta đánh gãy mũi đằng trước, thụt vào đằng sau, các tiểu đoàn rút ra vòng ngoài rồi lại đánh vào. Cách đánh như thế đặt ra cho thông tin những yêu cầu nhanh nhẹn rất lớn. Các trung đoàn và một số tiểu đoàn có VTĐ, đặt và gỡ liên tục. Điện thoại rải cấp tốc, rồi lại thu cấp tốc. Chuyển đạt chạy thi với cơ giới. Vài tiểu đoàn còn mắc lại thì liên lạc của Bộ tư lệnh phải vào lấy được, để đưa đường rút ra. Bộ đội ra hết rồi thì trạm liên lạc mới được rút. Như thế nhiều khi vẫn bị lẫn trong đám đồng bào, bị dồn vào đáy vó. Địch vừa đi là trạm lập lại ngay, để giữ lấy cơ sở. Địch bịt chắc các đường, tàu, ca nô đi trên sông như mắc cửi. Thế mà cứ nhè vào những chỗ địch cho là khó nhất, ta qua được.
Sau Hòa Bình đã mệt, càn lại mệt nữa, cất mẻ vó to, chẳng được gì. Chính lúc ấy đằng sau lại bị đánh ùn ùn. Đó là cái trường khắt khe cho ngành thông tin học vận động và cơ động.
+ + +
Ở trong Khu 5, những kinh nghiệm khó đến được. Anh em đã lớn mạnh nhanh chóng.
Đại đội TT của Trung đoàn 803, vì điều kiện địa phương có 2 trung đội chuyển đạt, 1 trung đội điện thoại, 1 trung đội thông hiệu, 1 trung đội VTĐ. Ở các tiểu đoàn chỉ có chuyển đạt thôi. Trung đội điện thoại có đến 7 tiểu đội, cộng 83 người, mang 20 máy điện thoại có bao da, 50 đến 60 km dây, một phần là dây đồng.
Trận đánh đồn Ai Nu, anh em phải vượt qua Sông Ba thường có cá sấu. Đặt mạng điện thoại gần các mũi, nhưng lại có một dây vu hồi đi theo rào đồn nên nhiều lần đứt mà vẫn nối được. Đường về hậu phương thì lợi dụng dây của địch ở trên đường. Đến lúc nổ súng mới cắt.
Sau trận đánh, TT được khen là thông tin thông từ đầu đến cuối.
Ở Khu 5, có cách chuẩn bị thế này: Trước trận, các đơn vị đều họp quanh sa bàn, mỗi người làm một bản nhiệm vụ cụ thể và ghi quyết tâm.
+ + +
Ở chiến trường Nam Bộ, ta và địch ở xen kẽ. Ngoài bọn tu hành khoác áo lính, còn lắm địa chủ làm tay sai cho giặc. Hao hao như ở Thái Bình, các Khu 8, Khu 9, Đồng Tháp, nhiều kênh rạch ngang dọc, giặc đi trên tàu, thuyền, xe lội nước, bất thình lình đổ bộ chỗ này, chỗ khác. Vì thế mà liên lạc chiến đấu vẫn dùng vô tuyến điện là chính. Anh em cơ công đã có những cố gắng lớn, nên đủ máy dùng. Các đài của ta cứ phải thay nhau mà canh liên tục. Quân báo thấy địch, chỉ cần đánh một tín hiệu là bộ đội chuẩn bị đánh, hay di chuyển ngay. Dù không ở giáp địch, đơn vị cũng không bao giờ ở một nơi quá 3 ngày. Có lần đài bị napan, báo vụ bị bỏng. Trong các trận Mỹ Tho, Mỹ Thành, Sa Đéc, trận Hồng Dân ở Bạc Liêu, Bình Hành Trung hoặc những khi truy kích địch, hoặc di chuyển, các đài luôn luôn ở trên đường, đến giờ ngừng lại làm phiên, rồi lại đuổi theo bộ đội. Nhiều khi đặt máy trên thuyền, thả dây xuống nước, vừa đi vừa làm. Tín hiệu di chuyển phải thay luôn. Một cái khó là có nhiều kiểu máy lắm. Các máy dùng thạch anh, thay đổi sóng khó, nên các đài khác phải đổi sóng luôn. Các máy dùng pin thường yếu, nên cứ phải để một đài mạnh ở nhà, làm trung gian. Nhiều lần bắt được đài địch, cứ để núm nguyên ở chỗ cũ mà lấy được tin địch. Mình thì cố giữ kỷ luật liên lạc, cách đánh chính quy, luôn đổi tên, đổi sóng, đổi cả người làm. Các đài ta và các đài địch quẩn vào nhau, sơ xuất một tý là hại ngay. Có đài nào của mình mất, là phải thông báo ngay. Đêm cũng như ngày, lúc nào anh em cũng nai nịt gọn gàng, máy, đồ để đúng chỗ.
Chính trong những đợt chiến đấu gay go, mới thấy rõ rằng việc giáo dục chính trị, nắm vững tư tưởng là vô cùng quan trọng. Có những học sinh hăng hái, từ thành ra, lúc đầu làm việc rất tốt, nhưng đến lúc gian hiểm thì bỏ về. Có những anh em thành phần tốt rõ ràng, mà thiếu dạy dỗ cũng dễ hỏng. Có nơi đã không rèn cập, lại để đi lại tự do, công việc không kiểm soát kỹ, sau gặp đổ vỡ lớn.
+ + +
Xem kỹ tình hình ngành binh hồi này thì thấy rằng đâu đâu cũng có những cố gắng để phục vụ tốt cho tác chiến. Trong một công việc khó khăn là thế, được như vậy là đáng mừng. Nhưng cũng thấy những chỗ yếu, phải coi chừng.
Lúc này, phải tiến mạnh hơn nữa.
+ + +
Bảng đen:
Một trận “độn thổ” của 54 chiến sĩ gần Bùi Chu (1982) đã bị chậm vì điện thoại viên ở bộ phận chặn đầu đã “ngủ quên”!
Phục vụ tác chiến hai năm rồi. Phần lớn Binh chủng đã làm được nhiệm vụ. Với sự lãnh đạo của Đảng ủy, Cục Thông tin liên lạc tổ chức Đại hội Thông tin toàn quân lần thứ hai ngày 1 tháng 5 năm 1952, lần này số đại biểu đông hơn lần trước. Có cả mấy đồng chí miền Nam dự.
Có đông đủ anh em, đem trình bày các cách làm tốt, các trận thông tin thất bại và do thông tin hỏng, thắng lợi của quân đội bị kém đi, có khi thiệt thòi nữa. Hội nghị có quyết tâm mới và đặt một số nền nếp mới để phục vụ các trận đánh mới, từ đây chắc chắn to hơn trước.
Bộ phận phát hành của Tổng cục Chính trị chuyển sang Cục Thông tin liên lạc. Đồng chí Lê Cư cũng sang.
+ + +
Mùa Hè 1952, quân đội ta học: “Cách mạng Việt Nam và cuộc trường kỳ kháng chiến”.
Rõ ràng là cần thiết, vì trong chiến dịch trước đã có những lần có anh em tỏ ra ngại ngần. Mà năm nay thì ta phải tiến vào Tây Bắc, nơi bọn thực dân đã chiếm giữ lâu ngày, nơi lắm đèo, nhiều núi, tác chiến sẽ gặp nhiều khó khăn.
+ + +
Đồng chí Hoàng Bửu Đôn lãnh đạo các bộ phận thông tin đi chiến dịch Tây Bắc. Đồng chí Nguyễn Văn Tình làm Phó ban. Lên đường khoảng tháng chín.
+ + +
Tiến vào Nghĩa Lộ, đường chính qua Ba Khe. Nhưng với chúng ta, đó chỉ là hướng phụ. Đại quân phải vượt đèo Khau Vác cao 1500 mét, rồi từ trên nóc ấy nhảy vào Nghĩa Lộ, như quân từ trên trời xuống.
Làm vệ quốc quân, có ai kêu hành quân gian khổ bao giờ. Nhưng mà đường Khau Vác quả là dốc ngược. Anh em thông tin đã thắt cái bao gạo truyền thống vào lưng rồi, còn đeo thêm tám bữa lương chín nữa. Gánh dây è trên vai. Không dám xoa, vì đi cùng có các đồng chí pháo, khiêng trên vai hàng khối sắt. Khau Vác thật ra cái đèo, phải trèo. Gót chân người đi trước có lúc va vào mũi người đi sau. Nhọc thì nhọc, nhưng mỗi người chỉ vượt có một lần. Riêng các đồng chí chuyển đạt, thì vì cái nỗi mấy đơn vị qua bên kia, còn một phần hay ban chỉ huy ở bên này, thế là có ngày phải vượt đèo đến hai lần. Mà có phải chỉ trèo mệt thôi đâu. Có đơn vị ì ạch trên đường trèo, đã ra cái quyết định “Tuyệt đối cấm vượt”. Không phải ai cũng cảm thông với thông tin binh, nên lắm lúc đành tạt ra hai bên đi “lối khỉ hái chè”.
  + + +
Trận đầu đánh Sai Lương. Địch chạy rồi mà pháo cứ bắn đùm đùm. Muốn bảo thôi không được, vì TT của 141 đã không làm đường đi pháo, như kế hoạch đã vạch.
+ + +
Lúc vào đánh Nghĩa Lộ, 303 phục vụ tốt cho Chỉ huy sở Tiền phương của Bộ. Trung đoàn 102 tấn công đồi cao Pú Chạng, toàn mạng liên lạc tốt. Chỉ có một dây qua đường lại mắc thấp, để cho giặc đi qua nó dứt mất. Lúc ấy chưa nổ súng. Bọn địch thấy dây, tru tréo lên. Thế là lộ. Pháo các nơi bắn đến, dây đứt tứ tung. Thương vong. Napan. Các chiến sĩ điện thoại, lưng cháy lem lém, dập lửa cho nhau. Có đồng chí chuyển đạt nằm đè lên bạn và chiếc máy đang cháy. Tất cả lao đi nối. Rồi lập lại liên lạc và trận đánh thắng giòn giã. Một tai vạ nữa: Vì một vị trí đã chiếm được, chỉ đánh dấu sơ sài thôi, mà xảy ra việc bắn nhầm nhau, mấy anh em bị thương...
Cái chuyện chỉ huy sở không định rõ chỗ, lại thay đổi xoành xoạch, làm cho dây trên xuống không đến, chuyển đạt dưới lên không gặp, phải quay về. Các tiểu đoàn đánh thật tốt, chiếm được khu phố Nghĩa Lộ. Nhưng ngộ có việc gì, thì làm sao. Người ta cũng có khi đổi chỗ, nhưng đổi thì phải trình trên, báo dưới đặt người ở lại chứ!
Đẻ ra một cái vạ, thật là một cái “vạ”! Cái vạ “móc ngoặc”. Hỏi thì trả lời là “linh động”. Linh động là cái gì? Trái nguyên tắc. Lộ bí mật quân sự. “Ẩu”! Người ra cũng có khi mắc “chữ đinh”. Nhưng phải được phép trước khi mắc. Đây là làm bừa. Bị bọn làm bừa bám vào, Tiểu Đoàn 303 phải bỏ đường đê, lội suối, tìm đường yên ổn hơn, đến cánh đồng Nghĩa Lộ, ngụy trang khéo, nên dây làm được việc mà không bị bom.
303 được lệnh đặt một đường từ Bản Tú về. Nhịn đói ba ngày, mắc xong; nhưng đến Nghĩa Lộ, không biết cho vào đâu. Cuối cùng mất hai ngày để dỡ.
Một kinh nghiệm. Đi rừng là phải có tổ chức. Đừng để cả đám người đi ùn ùn, bạ suối nào cũng lội, bạ ngách nào cũng đâm vào. Nếu không có chỉ huy phụ trách, mà gặp chỗ con suối uốn đi uốn lại nhiều lần, con đường rẽ phải, rẽ trái, là đi một lúc lại quay về đường cũ mà không biết, luẩn quẩn hết ngày.
Pú Chạng đóng cheo leo, 270 mét, mà cũng mất như Đông Khê, như Non Nước. Các tướng, cả bộ trưởng Pháp, vòng mãi trên trời, không biết sao mà lại mất được. Ồn đến Quốc hội Pháp.
Gia Hội tháo chạy. Nó ném hàng trăm bom để chặn đường ta. Một tiểu đoàn dù nhảy xuống để ứng chiến. Nhưng ứng chiến cũng chạy. Hậu cần ta chưa theo kịp. Một ngày nhịn rồi, thông tin cứ tỏa mạng. Tú Lệ chạy nốt.
Truy kích! Có 2 tiểu đội điện thoại. Mỗi người vác 2 cuộn dây chạy xa lên trước, buộc dây thân cây, rồi làm lối “chọc mũi dùi”, tiến lên. Bộ binh và chỉ huy chưa đến thì anh điện thoại cầm tổ hợp đứng đợi. Khi đại đội cuối cùng đã qua và báo cáo với chỉ huy rồi, thì điện thoại cuốn dây, phi lên phía trước, làm lối “cuốn chiếu” “sâu đo”. Các tổ ăn ý nhau, hậu quân biến thành tiền quân. Cứ bóc sau, đặt trước. VTĐ cũng bôn, để liên lạc với trên khi đến giờ hẹn. Một bộ phận đi sát tiền đội, để gặp địch là tỏa mạng đánh ngay.
Đuổi như vậy, đến gần Ít Ong, trên Sông Đà, một trăm cây số. Bốn ngày đêm. Đói quá. Ăn cả hoa chuối rừng, ổi xanh. Địch bỏ dây máy trên đường. Ta thu, dùng ngay. Bắt 187 thằng và 8 VTĐ. Còn thì nó sang sông cả. Khổ vì chưa có VTĐ bộ đàm. Không có bộ đàm mà làm TT chỉ huy truy kích thế này là giỏi!
Chiến dịch chuyển sang Sông Đà.
Địch đánh lên Phú Thọ, để cắt đường phía sau của ta. TT của Trung đoàn 36 rộng từ mặt trận đến tận Trạm Thản, sau Phú Thọ, bố trí trước cho bộ đội hai lần đánh thắng giặc.
Phía Nam, vấn đề là vượt Sông Đà, chỗ này không rộng nhưng lắm đá, nước chảy xiết. Cả dây điện thoại cũng phải đem ra để vặn thành cáp thả bè. Sang sông, là ùa vào một khu mà địch đã cắm nhiều đồn bốt, từ lâu ở yên trong vùng dân tộc múa dẻo, hát hay. Chuyển đạt phải đi đầu, chỉ đường, hướng dẫn truy kích. Thông tin bố trí để đánh những trận chớp nhoáng.
Tiểu đoàn 303 phải đặt đường ra bến Vạn Yên để Bộ chỉ huy việc vượt sông, rồi lại chạy lên trước, trên đường 41, để điều khiển việc truy kích.
Lần đầu tổ chức TT cho một đơn vị phòng không.
Mộc Châu là một vị trí lớn của giặc giữ đầu đường 41 và đường sang Lào. Đồn làm trên núi đá cao. Cạnh đồn có sân bay, lại có mấy vọng tiêu. Trung đoàn 174 đánh lên. Các đường dây gần đường đều bị phá, sau phải đem ra xa, phía rừng, mới đặt được. Đường vào cửa mở, không dây nào chịu được. Sau phải buộc đầu dây vào hòn đá, ném qua rào thép gai, mới đưa được dây vào. Sân đồn lại toàn đá, cắm dây đất không được, phải làm dây kép. Có lúc cả 2 mũi quấn dây vào rào thép, nói với nhau cũng được.
Trận đánh găng, nhưng chỉ huy có phương pháp, thắng lợi gọn.
Bộ để ý nhiều lắm đến chỗ Mộc Châu, vì nó là một cái nút lớn trên đường. Ấy thế mà đêm 19 tháng 11, chính vào lúc mà theo kế hoạch, 174 đánh, thì đài VTĐ của Bộ không nghe thấy đài 174 đâu cả. Ở Bộ, sôi sùng sục. 6 giờ liền bặt tin. Cái gì đã xảy ra thế?
Trong VTĐ có một vài vùng đặt đài, đánh, không ai nghe thấy. Hay là đài 174 đặt ở một cái vùng “yên lặng” ấy. Nhưng sau xét ra, thì không phải thế. Biết rằng trận đánh khó khăn, đài 174 chui vào sâu trong hang đá, dây trời đặt cẩu thả, cũng chẳng xem. Bộ tư lệnh chiến dịch ở phương nào mà định hướng. Thẳm nào!
Bây giờ mới kể đến chuyện cái Tiểu đoàn 115, hôm nọ truy kích đến tận Ít Ong, mà một phần địch vượt Sông Đà chạy mất. Tiểu đoàn được lệnh củng cố, rồi tiếp tục đánh để phối hợp với mũi chính. Tình hình phát triển nhanh. Tiểu đoàn vừa đánh, vừa tiến sâu vào lòng địch. Trước mắt, các đồn địch bốc cháy. Cửa ngõ Sơn La mở toang rồi, mà cái đài VTĐ độc nhất lại hỏng... Đồng chí Hà Văn Luân, tiểu đội phó chuyển đạt, cùng 2 chiến sĩ được lệnh đi tìm Trung đoàn. Chỉ còn cách theo hướng máy bay địch hoạt động mà tìm đến. Chui bờ, vượt bụi 2 ngày 2 đêm, hôm thứ ba, trong một khe núi ở Mường Piểng mới gặp Ban chỉ huy Trung đoàn. Chân tóe máu, đất bám đầy người, áo quần xơ xác, Luân chỉnh đốn tư thế, báo cáo thủ trưởng mừng lắm. Thế là cái tiểu đoàn mất hút 5 ngày trời, bây giờ đã có mặt ở đây rồi.
Nhưng kìa, người liên lạc còn báo cáo tiếp:
- Tên thiếu úy chỉ huy Mường Piểng và 52 lính của nó đã đầu hàng.
- ...? Sao?
- Sau khi quân ta diệt Mường Sài, tên chỉ huy Mường Piểng đem quân chạy trốn. Chúng tôi gặp, nhưng lực lượng chênh lệch quá, nên chúng tôi bàn nhau, rồi khi chúng nó đến gần, thì cả tổ bắn. Chúng nó lúng túng. Tôi hô:
“Trung đội bên phải, trung đội bên trái, chuẩn bị xung phong!” Tên thiếu úy ngơ ngác. Tôi nhảy ra, chĩa súng, bắt nó giơ tay. Nó tưởng đã sa vào ổ phục kích, nên ra lệnh cho quân lính hạ vũ khí. Chúng tôi giải tù binh về đây!
- Tuyệt!
Đâu đấy, tổng truy kích. Chiến thuật TT “sâu đo” cũng không kịp nữa rồi. Dây của địch, cứ cắt về phía trước; đặt máy làm việc ngay. Quân giặc Sơn La, tàn quân Tuần Giáo, 6 tiểu đoàn dù xuống, rùng rùng chạy vào đám núi Nà Sản, cụm lại thành một “tập đoàn cứ điểm”.
+ + +
Tin tức từ đồng bằng cho biết: Ta lại đánh vào Phát Diệm diệt cả Chùa Cao, đánh khắp nơi. Phần lớn đồn bốt địch bị vít trong rào đồn, sống chỉ nhờ vào tàu bay.
+ + +
Cho chúng mày cụm lại ở đây. Không làm được gì, mà tiếp tế khó khăn. Ông cho rằng cũng phải rút thôi.
Nó phải rút thật. Nhưng chính cái hôm nó rút, máy VTĐ của đài quan sát ta, lại hỏng!
Hóa ra nó rút trót lọt...
+ + +
Chiến dịch chấm dứt. Giải phóng được rất nhiều đất, đất các dân tộc ít người. Thông tin được đặt trước tình trạng di chuyển vận động lớn, nên tháo vát nhanh nhẹn, già dặn thêm. Tiểu đoàn chủ lực của Cục cũng đặt những mạng rất rộng. VTĐ đeo cả máy. Đi truy kích, vừa đi vừa làm. Điện thoại vừa dập lửa trên lưng vừa nối dây, chuyển đạt vượt những vùng xa lạ. Thế này là khá vững vàng rồi đây!
Nhưng VTĐ còn kém về phối hợp: Hành quân bỏ phiên, đặt đài không chú ý đến hướng; đài cấp trên chỉ cần làm xong việc mình thôi, liên hệ với cơ yếu chệch choạc. Kế hoạch TT Sài Lưng chủ quan. Ký hiệu không rõ, anh em đánh lẫn nhau. Thay chỉ huy sở không báo. Điện thoại của Bộ cũng bị vài lần chậm. Thường thì cứ đến các đợt sau, người mệt, đồ sứt mẻ, là lúc phải mạnh về lãnh đạo, đặt rõ các yêu cầu, chỉ các điểm phải tránh. Mạng thông trước lúc nổ súng, chưa đủ.
Móc ngoặc linh tinh, làm loạn liên lạc, VTĐ bỏ phiên hay liên lạc một chiều, tự động tháo đường dây không xin lệnh, đó là những việc đã xảy ra rồi, đã kiểm điểm rồi mà cứ xảy ra nữa. Hay là cán bộ thiếu kiên trì; những lúc nhọc, không động viên hướng dẫn, thậm chí đòi hỏi. Cùng làm với việc cải thiện đời sống, giáo dục, rèn luyện là rất cần đây.
+ + +
Chiến dịch mở rộng, các khó khăn liên tiếp. Đó là độ xảy ra nhiều vấn đề. Ngay trong năm 1952 này, đã xảy ra những chuyện: Một đài vào trận địch, bị đài ở nhà bỏ liên lạc 2 ngày. Một đài trong hành quân truy kích, địch chạy lên Điện Biên, bị đài trên bắt ngừng lại làm “điện dịch ngay”. Phải nhận, nhưng đến lúc đưa cho cơ yếu, thì ra không khẩn cấp gì. Kết quả đài hành quân chậm, lạc một độ đường. Hai đài ở Ba Lay, Bản Hoa, cậy có điện thoại quyết định làm thưa phiên. Đến lúc dây đứt, hàng giờ mới liên lạc được với nhau.
Mạng vô tuyến điện, là một mạng liên lạc vô hình, nên tình cảm giữa các báo vụ viên là một tình cảm lý tưởng. Làm hàng ngày hàng giờ với những người bạn không hề quen biết, bằng những bộ máy thô sơ, phải căng tai căng óc ra mới nghe được một tiếng thoi thóp, làm không kể giờ, không kể phiên nào, anh chị em báo vụ đã tiêu rộng rãi cái vốn sức khỏe của mình. Khó mà hiểu được với những đồng chí lắng nghe rồi lại gọi, gọi rồi lại lắng nghe. Thâu ngày, thâu đêm, đầu óc căng thẳng. Tính khí hóa ra bẳn gắt, hay lầm lỳ. Có khi bao nhiêu ngày, một đài bạn ở sâu phía bên kia mặt trận bỗng im, bặt, mệnh hệ đồng chí ta thế nào? Đơn vị ta thế nào? Nhưng lại cũng dễ thông cảm với đồng chí ở trong vòng nguy hiểm. Chỉ liên lạc với Trung ương bằng một máy VTĐ, mà máy bị hỏng, đến bị phá hay bị bắt, phải lặn lội, mày mò, tìm kiếm, chắp nối thành một cái máy cổ sơ. Mà không còn đồng hồ. Điều chỉnh lên một tý, xuống một tý, lắng tai. Khổ tâm!
Không gì khổ tâm bằng mất liên lạc. Đói chịu được. Không có vũ khí thì còn cái khác. Chứ không có liên lạc với trên, không nhận được chỉ thị, tin tức, thì khác nào dòng máu ngừng lại, dây thần kinh cứng đờ, đã cô đơn lại cô đơn một cách xót xa hơn nữa. Nay máy lên được rồi nhưng bạn có còn nghe mình không? Ai oán thay! Tiếng gọi của đài đi tìm liên lạc. Sung sướng thay khi chắp được liên lạc. Không những chỉ vì nối lại đường dây, dù nó vô hình, không những nhận được chỉ thị, mệnh lệnh, mà còn cảm thấy nỗi thương yêu của đồng chí mình. Đứa con đã tắt thở, mà lại cựa quậy được. Thảo nào mà công tác vô tuyến điện gay go thế!
Ấy thế mà chính trong ngành ấy, đã hiện ra mấy chỗ nứt nẻ. Phải chú ý nhiều đến chỗ này mới được.
Tháng 3 năm 1953, mặt trận liên minh Việt-Miên-Lào quyết định đánh địch ở Thượng Lào. Một số đơn vị ta sang phối hợp với quân đội Neo Lào Jssala. Trưởng đài Lê Thành Ý đi đã lâu lắm. Đến bây giờ đài vẫn làm việc, nhưng không biết Ý có còn không...
Hai đồng chí Hoàng Bửu Đôn và Nguyễn Văn Tình lại lên đường.
Địch ở đây cũng bố trí bằng cách tập đoàn cứ điểm. Nhưng bộ đội Lào-Việt còn ở cách 20 cây số mà chúng nó đã chạy rồi. Khố xanh tẩu trước. Khố đỏ và dù tẩu sau. Thế là một cuộc “truy kích thần kỳ” diễn ra, vừa gạt, vừa đuổi 3 trăm kilômét đường rừng núi. Rồi quay lại nhặt. Ba nghìn tên đóng ở Sầm Nưa, mà chỉ hai trăm tên thoát. Ai mà ngờ nó rộng nhanh thế, nên mạng thông tin truy kích không dễ dàng. Nghe nói là không được tốt.
Thượng Lào được giải phóng phần lớn.
+ + +
Đến bây giờ mà nguồn tiếp tế máy vẫn là ở tiền phương. Đồng chí Tình ra kiểu cho lắp mấy chục máy thu mới, 4 đèn. Vì thế mà tiềm tiệm đủ được.
Làm đường dây đồng cột cao từ Chợ Chu đi biên giới.
Cuối năm 1953.
Tình hình sáng sủa nhiều rồi.
Từ năm 1950, bộ đội thực dân đã mất quyền chủ động. Mỗi lần cựa quậy lại đau thêm. Bao nhiêu phương pháp kinh điển của đế quốc đã đem ra dùng hết rồi: Ngụy quân ngụy quyền, tự trị giả hiệu, địa chủ cường hào, phản động tôn giáo, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, đem người Việt đánh người Việt. Bẩy tướng tổng chỉ huy đã lần lượt bị triệt về, kinh tế đã đến chỗ kiệt quệ. Nhân dân Pháp đã đấu tranh. Tình trạng sa lầy đã quá rõ ràng rồi. Đâm đầu đi nhờ Mỹ, thì Mỹ nó kẹp è cổ.
Bên ta, miền xuôi nhiều vùng du kích đã nối liền với nhau, những đất đai rộng lớn đã được giải phóng. Đồn bốt giặc như các đảo chơi vơi trong biển cả. Vị trí hiểm ác như Non Nước, như Phú Chạng, Mộc Châu cũng hạ được rồi. Phần lớn chiến sĩ đã thấy gia đình được nhận đất. Phù Đổng đã đứng lên.
Tám năm, công nuôi dạy của Đảng, của nhân dân, một trận to lớn có thể đến rồi đây.
+ + +
Nóng ruột quá! Đã đành rằng anh em làm thì cũng như mình làm, nhưng một không khí mới đang nổi lên, mà mình cứ “ốm đứng” thế này, thì buồn thật.
Một đồng chí thủ trưởng Cục lên Bộ họp về bảo: “Anh sửa soạn đi chiến dịch”.
Mừng gần như nhảy lên được.
Hỏi ra, thì một đồng chí bên Bộ kể rằng: Đồng chí Tổng tư lệnh hỏi: Anh Thủy đâu?
- Anh Thủy ốm.
- Ốm, thì bảo người khiêng ra xe tôi ấy.
Cách điều động cương quyết thật!
+ + +
Có ý kiến là chiến dịch này không quan trọng!
Đối với mình, thì cái vấn đề không phải ở đấy. Có nhiệm vụ là làm. Mà làm tốt!
Nhận được 40 cây số dây và một trung đội vô tuyến điện do đồng chí Dương Quốc Hưng phụ trách, thêm một cái áo cánh bông tay dài. Lên xe. Có xe, là lạ quá đi rồi! Ngày 5 tháng 1 năm 1954.
Sớm hôm sau, ngừng ở một khu rừng. Đại trưởng hỏi:
- Anh không ốm à?
- Thưa, có việc thì không ốm.
- Thế thì anh chuẩn bị để chiều nay nói chuyện về ba trận nhà Trần đánh quân Nguyên. Chúng ta có một số khách. Anh không đi, tôi không yên tâm.
Nhìn đồng chí, lâu ngày không gặp. Không mang giáp triện mà đồng chí đã được Đảng trao cho nhiệm vụ tiết chế quân đội. Chúc thắng lợi, đồng chí ạ..
Nhưng rồi có những điện quan trọng đến, không có thì giờ nghe chuyện.
Địch soi sáng khắp đường đi, các bến phà. Đến đèo Pha Đin còn chặn bằng bom nổ chậm. Làm cái gì? Suối nào chả chảy xuống đồng bằng. Dưới bể mây, theo con suối này vẫn đến được Tuần Giáo.
Đứng ở nguồn Sông Mã, đồng chí Tổng tư lệnh nói:
Chúng ta có đánh thắng; ở Geneve, chúng ta sẽ thành những nhà ngoại giao giỏi.
Gặp đồng chí Hoàng Xuân Vượng, đồng chí làm trưởng ban thông tin đi cùng đồng chí Tổng tham mưu giải phóng Lai Châu.
Ban 3 chiến dịch Điện Biên chỉ có 2 cán bộ: Các đồng chí Lưu Phúc Thảo và Nguyễn Văn Ngoan. Thế là cũng có được một phó ban nhiều kinh nghiệm rồi.
Có lệnh tỏa mạng ngay. Một cùng đi phía Tây cánh đồng Mường Thanh đã ngoém gần hết 40 cây số vốn liếng rồi. Điện về nhà gửi dây ra. Trông chừng cũng không thể đủ được.
Bộ có cái quyết định rất sáng suốt là ở mặt trận chính chỉ huy bằng điện thoại thôi. Nhưng như thế là dây lại càng thiếu nữa.. Ông bạn pháo đã cố gắng đem tất cả các khẩu pháo lên, chỉ để thông tin ở nhà thôi! Ban 3 phải đảm bảo thông tin cho pháo. Tiểu đoàn 303 thì phải căng ra, phục vụ cho đường hậu cần đến 3 trăm cây số rồi, còn mạng chỉ huy, còn pháo.
Phải thương lượng với huyện Mai Sơn, mượn tất cả dây bưu điện của huyện này. Các đồng chí cũng cho. Thật là quý hóa, sự hết lòng với chiến dịch. Nhưng đã đủ làm sao được.
Cử đồng chí Lưu Phúc Thảo đem bộ đội và xe đến Nà Sản đèo dây. Địch nó chạy vội, chắc còn nhiều dây đấy. Nhưng đồng chí ạ, phải đề phòng mìn.
Đồng chí Tổng tư lệnh hỏi: Mạng thông tin cần bao nhiêu dây. Tôi ước lượng 1500 km. Đồng chí ngạc nhiên, cái số to thế, nhưng bên trong, đồng chí chắc cũng yên lòng về cái khuôn khổ của công việc.
+ + +
Những tin tức đến đều phấn khởi. Tin thông báo của Trung đoàn 101 vượt Trường Sơn, vùng vẫy trong những vùng xa lạ, phục vụ lấy bản Nà Phao, lấy Nhom Ma Rạt, giải phóng Tà Khẹt nhiều kỷ niệm, thông tin đi tay không, kiếm dây đặt đường tác chiến 5 kilômét, đặt đường liên tỉnh 40 cây số.
Tin gần. Một chuyển đạt viên của Trung Đoàn 174, Bế Văn Đàn, đi truyền lệnh. Về qua Mường Pồn, thấy anh em đang đánh giặc, súng liên thanh không có chỗ tì, đồng chí đưa ngay vai mình làm giá súng. Đồng chí Đàn hy sinh, trở thành anh hùng!
Ta chặn đường sang Lào, đóng đường Lai Châu, địch phải dồn lại trong cánh đồng dài Mường Thanh (Mgthanh). Nó tăng cường rất mạnh bằng đường không, ném võ khí, vật liệu, người xuống, tổ chức một tập đoàn gần 50 cứ điểm. Chắc chúng nó nghĩ rằng ta không đánh xong Nà Sản, thì không làm gì được Điện Biên. Tập trung bao nhiêu lực lượng tinh nhuệ, bao nhiêu vũ khí, đứng giữa 2 sân bay lớn, nó huênh hoang. Mỹ đến cũng tấm tắc: “Không thể đánh được”. Rõ ràng đây là một điểm quyết chiến chiến lược rồi
Ta đổi cách đánh: “Đánh chắc”.
Ở Ban 3, cùng đồng chí Hoàng Xuân Vượng, họp các cán bộ thông tin, nêu một số điểm, ý của Bộ là chỉ huy bằng điện thoại. Trong một thung lũng dùng 1 dây không thể giữ được bí mật. Vô tuyến điện mở mà không dùng. Khi có trận đánh thì các đài đều phải mở, nghe. Không làm việc nếu không có lệnh. Thu xếp để dùng được nhiều máy “bộ đàm” nhưng phải hạn chế bằng chữ mật. Dùng vài chục chữ thôi. Chuẩn bị cho chuyển đạt có thể tăng cường cho điện thoại được. Làm kế hoạch bổ sung huấn luyện.
Sau khi Bộ đã quyết định cách đánh trận địa, hầm hố, lại cấp tốc họp anh em để nghiên cứu cách đặt mạng điện thoại trong giao thông hào, ở các chỗ ngã ba, ngã tư, ở các hầm hào gần địch. Đây là điểm mới nhất trong công tác thông tin của ta. Không chuẩn bị đặc biệt, thì không thể hoàn thành nhiệm vụ đâu.
* * *
Phải di dời vô tuyến điện đi xa để bảo đảm an toàn cho chỉ huy sở.
Mạng liên lạc điện thoại của Bộ không có gì lạ, đi các đại đoàn trực thuộc, đi pháo và cao xạ. Nhưng có chỗ lạ là pháo bố trí vòng quá nửa trận địa. Nếu có đủ dây mà làm một mạng riêng thì còn nói gì. Cứ phải làm những đường nhánh đi từ mạng chung cho đến trận địa pháo.
Một nhiệm vụ hết sức nặng, là làm thông tin cho pháo. Cách đặt pháo của ta ở Điện Biên, thật thần tình, nhưng số máy và dây phải dùng, là to ghê gớm. Các đồng chí Phạm Ninh và Nguyễn Hữu Cầu còn phải đi dọc ngang cách đồng Mường Thanh để đặt thông tin các đài quan sát cho pháo. Vì công tác này anh em một số hy sinh. Số hy sinh to hơn số hy sinh của pháo.
Một mặt khác là đặt dây đã nhiều mà vẫn không sao đủ. Càng phía Tây là càng chính, Bộ xuống 2 đại đoàn không sao có được 2 đường dây. Phải đặt 1 tổng đài trung gian, tổng đài 20, đại đội Phạm Ninh. Từ đó có dây đi 312 và 308. Đồng chí Hoàng Xuân Vượng thật là hết lòng, đồng chí nhận đến ngồi ngay ở tổng đài ấy, để có thể trả lời ngay các yêu cầu của 2 đơn vị chủ công. Như thế việc thông tin lên Bộ vơi bớt hẳn đi.
303 đi đặt dây gian nan lắm. Các đồng chí Sơn (sì) và Thọ (lùn) bận rất nhiều. Núi đá cao, lên thì nhọc, nhưng mắc theo đường, hay chỉ gần đường thôi, cũng nguy hiểm. Biệt kích cắt dây và cũng tệ, là những anh chị em dân công cứ nhè dây điện thoại mà cắt làm quang. Nó bền lắm mà! Bộ Tổng Tham mưu ở chiến dịch có ra một lệnh nghiêm cấm cắt dây thông tin, nhưng cái thói “cha chung chả ai khóc” ở ta nó nặng quá. Thế tất là phải mỗi ngày lại mắc cao lên nữa trên nghìn thước, là thường.
Đồng chí Trần Xuân Hán là tay khỏe leo núi đưa đường dây qua những ruộng thuốc phiện no sương mù.
Chưa đánh. Nhưng tết đã đến. Sửa soạn đâu đấy cả rồi thì bỗng đồng chí Tổng tư lệnh đến tổng đài. Đồng chí ra lệnh cho Đại đoàn 308, sớm hôm sau phải lên đường, hướng Nam. Anh em thông tin ở 308 chuẩn bị găng lắm, chuyển đạt của Ban 3 cũng theo hút ra đi vì đơn vị bạn đã làm gì có địa chỉ. Cứ nhìn vết chân trên cỏ trong sương sớm mà đi.
Trung đội điện đài của Bộ nhộn lên. Làm với các chiến trường ngoài. Nay phải đặt đài canh liên tục.
Quân đội Việt Lào tiến mạnh. Mường Khoa và Mường Ngòi bỏ chạy trước 2 ngày. Truy kích 5 ngày, diệt 15 đại đội địch. Tàn quân chúi vào Mường Sai. Ta vây Mường Sai và tiến sát Luông Pha Băng.
Trong đợt truy kích dài ngày này, anh em thông tin 308 đã thay được hầu hết trang bị. Toàn đồ mới, giã gạo, thổi cơm không kịp, đói thành thường xuyên.
Các chuyển đạt viên táo bạo lạ thường. Không có bản đồ, mà cứ ra đi. Hai đồng chí mang công văn đi Mường Sai mà không biết ở đâu. Đến nhà một người Lào, chào: “A phái!”, rồi nói: “Đi Mường Sai, đánh Pha Đăng”. Người Lào chỉ một hướng trong rừng, chỉ mặt trời, ngọn cây và nóc nhà. Hiểu ra ngay: Đi hướng ấy, khi mặt trời đến ngọn cây mà thấy mấy cái nhà. Thế là chạy. Anh trước vừa chạy vừa xem tình hình. Anh sau đeo công văn.
Một đồng chí nữa, mang tập thiếp mừng năm mới của Hồ Chủ Tịch. Cứ như có cánh, đi như bay. Sáu ngày gần như không ăn, không ngủ. Đi đến hết các đơn vị. Đồng chí chuyển đạt ấy coi như là mình đem cả một kho vũ khí đến cho anh em.
+ + +
Ngày 31 tháng 1 năm 1954, xảy ra một trận nhỏ. Một đồn tiền tiêu của ta, đồi 836 bị đánh. Đồi này ở phía Bắc Mường Thanh, cách địch 800 mét, ở đây, ta có một tiểu đội trinh sát và 2 tiểu đội bộ binh. Hai điện thoại viên Tý và Ọp, đặt một đường dây chuyển tin về tiểu đoàn. Địch tấn công. Đường chuyển tin thành đường bảo đảm chiến đấu. Địch xung phong 3 đợt, bị đánh lui. Nó gọi pháo bắn, đường dây nát. Đồng chí chỉ huy bảo Tý mang máy về đơn vị thôi. Tý khẩn khoản:
- Dù sao, nhiệm vụ của tôi vẫn là đảm bảo liên lạc!
Hai anh em lao đi nối. Đứt đến 20 quãng. Thiếu hẳn mấy trăm mét. Tý đặt máy ở lưng đồi, báo cáo về; tiểu đoàn gửi lời khen trung đội và anh em thông tin; pháo bắn một chập nữa, cây cối đổ ngổn ngang. Nối đợt nữa, thì máy chỉ còn có thể đặt ở chân đồi thôi. Tý giao Ọp giữ liên lạc, còn mình, chạy tốc lên, chuyển cho anh em lời khen của tiểu đoàn và báo tin tiếp viện đạn dược. Mọi người đều phấn chấn, tập trung lựu đạn, diệt đợt xung phong thứ 5 của địch. Đại bác lại nổ. Tý bị thương, tai ù, đầu choáng váng, nhưng vẫn lên xuống, chuyển tin, vác đạn. Đồng chí trung đội trưởng hy sinh, nhưng không đổ, mắt vẫn trừng trừng nhìn địch. Đợt xung phong thứ 7 bị đánh lùi. Địch đành rút.
Ai cũng mệt rồi. Nhưng Tý và Ọp đặt lại đường dây chắc chắn, rồi mới đi băng bó. Tý và Ọp thật là những chiến sĩ thông tin.
 (Còn nữa)

Được đăng bởi Nguyễn Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét