6/7/15

Trưởng thành từ người lính ( Phần 2/7 )




4. THỜI GIAN CÔNG TÁC Ở XƯỞNG CRL

(Tháng 3/1947 đến tháng 7/1950)

Cuối tháng 2/1947 từ Ban Thông tin khu 10 tôi được chuyển về công tác tại Xưởng CRL do anh Lê Dung phụ trách. Xưởng mới được thành lập nên chỉ có hơn chục nhân viên gồm bộ phận cơ khí và nguồn điện có anh Phạm Chí Khánh và các Bác Thành, Liên, bộ phận Điện có các bác Nho, Hồng, .., bộ phận Vô tuyến điện do anh Lê Dung trực tiếp phụ trách có tôi và các anh Đỗ Minh, Lê Kim Khánh cùng học ở lớp báo vụ đầu tiên ở Hàm Long.


Từ địa điểm sơ tán ở Phú Hộ - Phú Thọ, Xưởng được chuyển về vùng chợ Xoan - Tân An rồi về làng Luông, làng Pháng xã Bình Thành thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên.

Khi về làng Luông, xưởng được giao thêm nhiệm vụ huấn luyện một lớp đào tạo báo vụ viên do anh Nguyễn Chấp Kinh phụ trách đài CTA1 bàn giao. Lớp gồm 16 học viên, có 5 nữ mới học tín hiệu Mooc-sơ gần một tháng ở đài CTA.

Là các báo vụ Trưởng đài được đào tạo ở Khóa 1 lại đã qua công tác thực tế nên tôi, anh Khánh và anh Nguyễn Tấn được phân công làm giáo viên dạy các môn Thu phát báo, thông báo và nguyên lý Điện kỹ thuật - Vô tuyến điện, ngoài ra còn bồi dưỡng thêm về văn hóa cho một số học viên mới có trình độ tiểu học.

Trong thời gian này tôi vừa là giáo viên, vừa phụ trách lắp ráp máy thu phát, đã lắp và thử nghiệm thành công bộ điện đài SST-Schnell đầu tiên của Xưởng để trang bị cho một đơn vị hoạt động trong hậu địch.

Cuối năm 1947 Pháp mở cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc, Xưởng phải khẩn trương sơ tán máy móc, thiết bị vào rừng, lớp học cũng phải tạm nghỉ. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân Xưởng đã bảo vệ an toàn thiết bị tuy địch có hành quân qua địa phương.

Sau khi ta đập tan cuộc tấn công của địch, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh khen thưởng các đơn vị, cá nhân tôi cũng được giấy khen do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký…

Nhưng vinh dự lớn nhất đối với tôi là nhờ quá trình rèn luyện, phấn đấu từ khi nhập ngũ kết hợp với thành tích công tác ở Xưởng CRL, ngày 8/12/1947 Tôi đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam (lúc này chưa ra công khai) do đồng chí Hồ Tôn Vinh Bí thư Chi bộ và đồng chí Hoàng Tuyến Chi ủy viên Chi bộ Thông tin - mật mã giới thiệu.

Là một Đảng viên trẻ, tôi càng tích cực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lúc công tác ở Xưởng, lúc biệt phái đi bảo đảm kỹ thuật cho bộ phận nhẹ của cơ quan Bộ khi chuyển đến địa điểm dự bị đề phòng địch mở các cuộc tấn công mới, lúc đi lên Cao Bằng cùng cán bộ ngành ngoại thương để mua các vật tư, linh kiện, máy Vô tuyến điện do thương gia Trung Quốc đem sang bán ở các chợ vùng biên giới Việt Trung.

Do đi lưu động, làm nhiều nhiệm vụ không tham gia đều sinh hoạt ở Chi bộ cơ sở nên ngày 22/10/1948 Tôi mới được chuyển Đảng, quá thời gian dự bị hơn 4 tháng tuy không phạm khuyết điểm gì trong thời gian dự bị. Sau khi trở thành Đảng viên chính thức, tôi được chỉ định làm Tổ trưởng Đảng và phụ trách Công đoàn của Xưởng.

Sang năm 1948, Xưởng CRL được chuyển từ làng Luông, làng Pháng về Bãi Gió thuộc Bản Piềng xã Thanh Định để vừa làm nhiệm vụ sửa chữa, sản xuất thiết bị thông tin phục vụ các đơn vị, vừa trực tiếp bảo đảm kỹ thuật cho Trung tâm Vô tuyến điện của Bộ đã triển khai ở Bãi Gió từ khi chuyển lên An toàn khu với mật danh là Trung đội 59 (B59).

Cũng tại Bãi Gió ngày 02 tháng 9 năm 1948 tôi và cô báo vụ trẻ Nguyễn Thị Sỹ Nga - học viên lớp báo vụ ở làng Luông đã công bố việc đính hôn trong cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc Khánh.

Nhờ động lực của việc được kết nạp vào Đảng và kết quả của “Mối tình đầu” tôi càng tích cực công tác và tự học, tự ôn về văn hóa, hy vọng sau khi kháng chiến thành công sẽ được học tiếp ở bậc Đại học để trở thành kỹ sư Vô tuyến điện.

Đến khoảng tháng 4 năm 1950 Xưởng CRL lại được giao nhiệm vụ đào tạo một lớp cơ công sơ cấp đầu tiên của Cục Thông tin để đáp ứng yêu cầu đảm bảo kỹ thuật cho các đơn vị - Tôi cùng anh Lê Kim Khánh được phân công giảng lý thuyết về Điện kỹ thuật và Vô tuyến điện thời gian này ngoài cuốn La TSF của Berchet, chúng tôi còn dựa theo cuốn “La Radio, mais c’est très simple” của E.Aisberg để soạn giáo trình giảng dạy(1).

Lớp học được xây dựng cách Bãi Gió khoảng một cây số, qua một dốc cao nên tôi sinh hoạt và ở cùng lán với các học viên.

Đầu tháng 5/1950 bắt đầu khai giảng, chương trình là học trong 6 tháng nhưng đến đầu tháng 7 tôi được lệnh đi dự chiến dịch Biên giới và được giao nhiệm vụ xây dựng đội Vô tuyến điện cơ động 101 để bảo đảm liên lạc Vô tuyến điện với các đơn vị tham gia chiến dịch.

Vậy là sau hơn ba năm công tác ở Xưởng CRL, một bộ phận tiền thân của Nhà máy M1, vừa làm cán bộ kỹ thuật, vừa là giáo viên hai lớp báo vụ và cơ công sơ cấp, tôi lại trở lại làm công tác báo vụ vừa làm Đội trưởng một đơn vị gồm hàng chục đài, vừa làm trợ lý tham mưu Vô tuyến điện trong các chiến dịch lớn do Bộ tổ chức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Tư lệnh, đi phục vụ từ chiến dịch biên giới đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

5. KỶ NIỆM VỀ BỘ ĐIỆN ĐÀI ĐẦU TIÊN

Cuối quý I năm 1947, tôi được điều động từ Khu 10 về làm việc tại xưởng CRL thuộc Phòng Thông tin Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh.

Xưởng mới hình thành từ cuối năm 1946, chuyển lên An toàn khu sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) nên mới có hơn chục cán bộ, nhân viên gồm bộ phận cơ điện phụ trách nguồn điện của xưởng và sửa chữa máy nổ, máy phát điện, ắc quy… quấn mô tơ, biến áp; bộ phận sửa chữa lắp ráp máy điện thoại, tổng đài và bộ phận sửa chữa lắp ráp máy vô tuyến điện.

Là một trưởng đài, nhờ tự học, biết nguyên lý và mạch điện một số điện đài dùng phổ biến ở các đơn vị như: SST-SSR, máy phát kiểu Hác-lây, kiểu Mesny, máy thu Schnell, điện đài MKII, MK15, SCR-694,… tôi được phụ trách bộ phận sửa chữa lắp ráp VTĐ.

Giữa năm 1947, do nhu cầu trang bị điện đài cho các đơn vị hoạt động trong vùng địch hậu nên xưởng đặt kế hoạch sản xuất một điện đài hoàn chỉnh cả máy thu, máy phát, nguồn điện phù hợp với yêu cầu sử dụng là phải gọn nhẹ, tiện cơ động, dùng máy phát điện quay tay (Ragonot), pin…

Căn cứ vào khả năng thực tế về linh kiện, phụ tùng hiện có, tôi đề xuất lắp ráp máy phát kiểu SST dùng đèn 6L6 dao động bằng thạch anh, cấp điện bằng Ragonot GN58 chiến lợi phẩm, máy thu kiểu Schnell dùng 3 đèn 6K7, 6J7 vì không có loại đèn dùng sợi đốt trực tiếp như 30.31; Nguồn của máy thu: 6V3 cho sợi đốt có thể dùng GN58 vì loại Ragonot này có bộ điều tốc và bộ lọc tốt nên khi quay không có tiếng ù, cao áp thì dùng pin 45V. Khi làm việc tuy phải quay Ragonot liên tục nhưng khi thu do máy tiêu thụ công suất ít nên rất nhẹ, mặt khác chuyển từ thu sang phát rất nhanh vì sợi đốt đèn máy phát vẫn được cấp điện, thậm chí với đối tượng cần làm liên lạc kiểu BK (đơn công có sen ngắt) vẫn dùng được.

Sau khi xác định được sơ đồ lắp ráp, việc sưu tầm linh kiện, làm bệ máy, hộp đựng máy cũng rất phức tạp vì trong kho chỉ có một số máy chiến lợi phẩm bị bắn hỏng hoặc cháy, dụng cụ cơ khí cũng thiếu thốn…

Tôi còn nhớ phải gỡ linh kiện từ bộ máy của một chiếc máy bay địch bị bắn cháy, bệ máy còn phảng phất mùi khói của xăng và xác phi công bị cháy rất khét! Việc làm bệ máy cũng tốn công vì phải lấy nắp một phuy xăng 200 lít, dùng cưa, cắt, gò, khoan bằng các dụng cụ thủ công! Điện đài được lắp xong trông cũng gọn gàng, xinh sắn nhưng vỏ máy phải sơn bằng bút không có máy phun nên không bóng đẹp như máy “ngoại”. Vì không có dụng cụ đo lường để kiểm tra chính xác các tính năng kỹ thuật, đồng thời là một trưởng đài cũ nên tôi đề nghị được đem máy đến cụm điện đài của Bộ để thử liên lạc với các đơn vị.

Phiên đầu tiên thử liên lạc với Liên khu 3 (cự ly đường chim bay khoảng 150 ki lô mét) được đài bạn đánh giá tốt (QSA4) tín hiệu trong, dễ tìm. Sau đó tôi thử tiếp với đối tượng ở xa hơn là đài của Liên khu 4 ở cự ly khoảng 300 ki lô mét, kết quả cũng khả quan, đài bạn cho QSA3(2).

Không dừng ở kết quả đó, tôi chọn một thạch anh ở tần số cao hơn và xin thử liên lạc với Liên khu 5 ở cự ly khoảng 800 ki lô mét. Thật không ngờ, đài bạn cũng tìm được tín hiệu tuy hơi nhỏ QSA2 nhưng vẫn có thể nhận được điện vì không bị nhiễu.

Sau thành công bước đầu đó, xưởng chúng tôi tiếp tục lắp một số điện đài đồng bộ để trang bị cho các đơn vị. Anh Lê Dung trưởng xưởng cũng trực tiếp lắp một máy phát 2 đèn theo kiểu máy MKII có tầng chủ sóng và tầng khuếch đại công suất nên liên lạc tốt với đài Nam Bộ trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ngày nay ở các trung tâm phát đều dùng những máy phát hiện đại, có độ ổn định tần số cao, có công suất lớn, nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên những loại máy đơn giản do ta lắp ráp trong thời kỳ bộ đội Thông tin còn non trẻ vì chính những bộ máy đó đã góp phần bảo đảm liên lạc trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp.

6. HỒI ỨC VỀ LỚP CƠ CÔNG VÔ TUYẾN ĐIỆN ĐẦU TIÊN

Cách đây 50 năm, trước nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trước mắt để kịp thời bổ sung cho các Xưởng và Trạm sửa chữa Thông tin; về lâu dài là có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ do Cách mạng đào tạo, Cục Thông tin liên lạc đã mở lớp đào tạo cơ công đầu tiên của Binh chủng.
Trong thời điểm này Cục đã có một cơ sở ở Đại Từ để bổ túc cán bộ chỉ huy và đào tạo lớp cán sự Vô tuyến điện nhưng chỉ có điều kiện học lý thuyết nên Cục Thông tin giao Xưởng CRL tổ chức huấn luyện lớp này để học viên có điều kiện học cả lý thuyết và thực hành, đảm bảo khi tốt nghiệp đã có tay nghề nhất định, có thể sửa chữa các máy Vô tuyến điện, Hữu tuyến điện kiểu dùng phổ biến ở các đơn vị trong thời kỳ đó, có thể lắp ráp được các điện đài kiểu giản đơn.
Đến tháng 4 năm 1950, học viên ở các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các Chiến khu, các đơn vị chủ lực trực thuộc Bộ và một số học sinh mới nhập ngũ lần lượt tập trung về Xưởng CRL lúc đó ở Bản Piềng, xã Thanh Định trong An toàn khu ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Xưởng tổ chức cho anh em xây dựng hội trường, nhà ở đến cuối tháng 4-1950 đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất bảo đảm huấn luyện. Lúc này đã tập trung được hơn 30 học viên, có 2 nữ, phần lớn có trình độ Trung học cơ sở, có một học viên đã tốt nghiệp Tú tài, một số ít mới học xong Tiểu học.
Về chuyên môn, đa số ở các ngành khác, một số ít đã là Trưởng đài hoặc báo vụ viên như đồng chí Lưu Minh Đức đã là Trưởng đài và học ở Liễu Châu từ 1942 nay được Trung ương cử đến, đồng chí Trần Văn Phúc đã là Trưởng ban Vô tuyến điện khu Việt Bắc, đồng chí Nguyễn Sỹ Nga là báo vụ từ 1948 ở đội VTĐ 59...
Đầu tháng 5-1950 (đến nay không ai nhớ chính xác ngày khai giảng) lớp học bắt đầu. Vì cả nước đang dấy lên phong trào “chuẩn bị Tổng phản công” nên lớp học mang tên “Khóa chiến thắng”.
Chương trình huấn luyện gồm các môn học sau:
1. Cơ khí gồm lý thuyết và thực hành cưa sắt, rũa mặt phẳng. rũa phôi có sẵn thành kìm vạn năng.
2. Cơ điện gồm cơ sở Điện kỹ thuật, các loại nguồn điện và máy nổ, có thực hành làm pin nước, nạp ắc quy, quấn biến áp, sửa chữa máy nổ 2 tầm, 4 tầm.
3. Nguyên lý Vô tuyến điện. Các loại máy thu phát thông dụng trong quân đội thời kỳ đó (MKII, SST, Schnell,Mesny Haclây có thực hành sửa chữa điện thoại, lắp máy phát một đèn kiểu SST, máy thu ba đèn kiểu Schnell.
Đội ngũ giáo viên là cán bộ nhân viên của Xưởng vừa dạy lý thuyết, vừa hướng dẫn thực hành:
- Giáo viên cơ khí có bác Nguyễn Đình Hồng, Lê Thành Liên và cụ Thọ.
- Giáo viên máy nổ có Bác Mão, bác Thành.
- Trợ giáo hướng dẫn quấn biến thế: đ/c Trần Ngọc Duyện và Nguyễn Thắng.
- Giáo viên lý thuyết Điện - Vô tuyến điện: Nguyễn Diệp, Lê Kim Khánh, Lê Dung
- Hướng dẫn lắp máy: Lê Kim Khánh-Lê Bá Lộc
- Đồng chí Lê Dung Trưởng Xưởng Phụ trách chung.
Giữa tháng 7-1950 đ/c Diệp được điều động đi dự chiến dịch Biên Giới không dự bế mạc lớp.
Về phương pháp giảng dạy:
Do trình độ học viên không đều, thời gian huấn luyện có hạn (lúc đầu dự kiến 6 tháng, thực tế chỉ học hơn 3 tháng), yêu cầu khi tốt nghiệp phải làm được việc ngay nên tư tưởng chỉ đạo là dạy lý thuyết đủ làm cơ sở còn lấy thực hành làm chính. Về nguyên lý Vô tuyến điện giáo viên soạn bài giảng dựa theo cuốn “La Radio mais c’est simple” (Vô tuyến điện thật rất đơn giản) dùng các hiện tượng vật lý, các ví dụ dễ hiểu nên học viên văn hóa kém cũng tiếp thu được.
Về thực hành, vì lớp học tổ chức tại Xưởng có đủ dụng cụ, vật liệu nên học viên ra trưởng đã có tay nghề nhất định có thể sửa chữa, lắp ráp các máy điện thoại, Vô tuyến điện đơn giản kể cả làm bệ máy, hộp máy.
Sau khi tốt nghiệp các học viên được phân công về các đơn vị trực thuộc Cục và các Sư đoàn 308, 316, 351, khu 10 Khu Việt Bắc... kịp thời góp phần bảo đảm kỹ thuật Thông tin trong các chiến dịch trong thời kỳ chống Pháp.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, một số được dự các lớp Trung cấp Kỹ thuật ở phố Lý Thường Kiệt hoặc dự các khóa học tại chức ở Đại học Bách Khoa nên trừ một số chuyển đi phục vụ các ngành khác, phần lớn còn tiếp tục công tác trở thành những cán bộ nòng cốt của cơ quan Kỹ thuật Binh chủng, của Nhà máy M1, của Xưởng, Trạm các Quân khu, Quân chủng, Binh chủng hoặc Nhà trường, Viện Kỹ thuật Thông tin.
Ví dụ: 
- Đ/c Đỗ Mạnh Lộc đã là Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Chủ nhiệm cơ quan Kỹ thuật của Binh chủng
- Đ/c Nguyễn Trọng Khoát là Hiệu trưởng, đ/c Phùng Văn An là Phó Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Trung cấp Thông tin.
- Đ/c Trương Ngọc Vĩnh là Viện trưởng Viện điện tử thuộc Viện Kỹ thuật Bộ Quốc phòng đã được giải thưởng Hồ Chí Minh tháng 8-1997 về công trình chống phá bom từ trường của Mỹ trong chiến tranh phá hoại.
- Đ/c Hàn Ngọc Minh sau khi phụ trách Trạm sửa chữa ở Khu Tây Bắc về cơ quan đã làm Trưởng phòng vật tư của cơ quan Kỹ thuật Binh chủng.
- Đ/c Phạm Quốc Khánh đã làm Trạm trưởng Trạm Tải ba đầu tiên, giáo viên lớp Trung cấp Kỹ thuật...
- Đ/c Trần Văn Phúc đã làm Trưởng xưởng Quân khu Việt Bắc và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 26 đào tạo sĩ quan Thông tin hệ ba năm.
- Đ/c Vũ Hùng làm giáo viên 17 năm ở Trường Kỹ thuật và là cán bộ kỹ thuật đầu ngành sửa chữa máy điện báo truyền chữ.
- Đ/c Vũ Lương là thợ giỏi của M1 tham gia chiến dịch Điện Biên.
- Đ/c Nguyễn Đức Minh đã công tác ở Khu 10, F316, E98 bị thương nặng ở Điện Biên Phủ sau làm giáo viên ở F367 và Quân chủng Phòng không-Không quân.
Một số đồng chí sau Kháng chiến chống Pháp chuyển sang các ngành khác cũng phấn đấu học tập trở thành Kỹ sư, Bác sĩ, Dược sĩ. 
Ví dụ:
- Đ/c Đặng Phì trở thành Bác sĩ phụ trách các đội điều trị của Sư đoàn, Quân đoàn và làm Giám đốc Bệnh viện 354 trước khi nghỉ hưu.
- Đ/c Nguyễn Sỹ Nga tốt nghiệp Dược sĩ cao cấp, quản đốc và Chủ tịch Công đoàn ở Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1.
- Đ/c Vũ Quang Toản và Nguyễn Khắc Chinh công tác ở Hãng phim Trung ương 14 năm.
- Đ/c Đặng Kỳ Lộc sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp về công tác ở Kho Thông tin.
Tóm lại tuy thời gian học tập ở Xưởng CRL ngắn (hơn 3 tháng) nhưng nhờ xác định nội dung và phương pháp học tập hợp lý nhờ tinh thần ham học tập, nghiên cứu của học viên nên sau khi tốt nghiệp đã góp phần bảo đảm kỹ thuật trong Kháng chiến chống Pháp và nhờ tinh thần phấn đấu vừa làm vừa học nên hầu hết đã tốt nghiệp Đại học và trở thành cán bộ kỹ thuật nòng cốt trong các ngành và góp phần đào tạo nhiều lớp cán bộ kỹ thuật kế cận, có nhiều sáng kiến có giá trị.
Nhờ kinh nghiệm huấn luyện ngắn ngày cho học viên có trình độ không đều nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Binh chủng đã đào tạo được nhiều lớp cán bộ kỹ thuật bổ sung cho chiến trường và các đơn vị, điển hình là đào tạo lớp cán bộ kỹ thuật Trung cấp trong 12 tháng (đoàn 239) bổ sung cho B1 và B2 năm 1967.

7. ĐỘI VÔ TUYẾN ĐIỆN 101 RA ĐỜI VÀ LẬP CHIẾN CÔNG ĐẦU

Đầu tháng 7 năm 1950, tôi đang công tác ở xưởng CRL và làm giáo viên lớp cơ công sơ cấp đầu tiên của Cục Thông tin lên lạc thì được lệnh “Tập trung đi nhận nhiệm vụ mới”. Tâm trạng tôi lúc đó vừa mừng, vừa lo, vừa vui, vừa buồn. “Vui mừng” vì được đi tham gia “Chiến dịch” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Cục trưởng, người anh cả, người thầy kính yêu đã giáo dục, động viên tôi tham gia bộ đội thông tin từ sau Cách mạng Tháng 8, “Lo” vì đã chuyển sang công tác đảm bảo kỹ thuật ở xưởng 3 năm nay trở lại làm nhiệm vụ chỉ huy, quản lý một đội vô tuyến điện, chắc không khỏi bỡ ngỡ; còn “Buồn” vì từ nay phải xa anh em ở xưởng, phải “Tạm biệt’ người yêu đang theo học lớp cơ công. Tuy nhiên, nhiệt tình của một Đảng viên trẻ và ý thức chấp hành mệnh lệnh vẫn là động lực chính thôi thúc tôi lên đường không vấn vương trước sự bịn rịn của người yêu lúc chia tay.

Bộ phận Vô tuyến điện chúng tôi tham gia chiến dịch lúc lên đường chỉ mang theo 2 bộ đài chiến lợi phẩm (1 bộ SCR 284 và 1 bộ MKIII đã được xưởng CRL sửa chữa, cải tiến). Trưởng đài, báo vụ viên do Cục Thông tin lựa chọn, điều động được gần 20 đồng chí, hầu hết là các báo vụ viên giỏi đã có ít nhất 3 năm tuổi nghề, người ở đội VTĐ 59 của Bộ, người ở Sở VTĐ Việt Nam biệt phái sang. Trên đường hành quân chúng tôi được bổ sung thêm 30 tân binh quê ở Khu 4 để làm nhiệm vụ quay máy phát điện và phục vụ. Khi đến Đà Tàu, vị trí tập kết của cơ quan Chỉ huy chiến dịch, tôi được giao nhiệm vụ đưa một trung đội tân binh đến cơ quan tiền phương của Tổng cục cung cấp nhận khí tài mới. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp trực tiếp phụ trách cơ quan cung cấp chiến dịch cử người dẫn đường và đưa giấy giới thiệu chúng tôi sang Thủy Khấu-một thị trấn của Trung Quốc ở sát biên giới, nhận một số điện đài do Trung Quốc viện trợ. Lần đầu tiên được “Xuất ngoại” tôi dặn anh em tân binh chọn bộ quần áo lành lặn nhất, giữ kỷ luật chặt chẽ, mọi hành động phải làm theo lệnh của chỉ huy, không được tự do đi lại kẻo lạc. Nhận khí tài ở kho xong, chúng tôi đưa về cơ quan cung cấp chiến dịch mới mở ra kiểm kê và ký nhận trước khi chuyển về đơn vị. Thật không sao tả xiết nỗi vui mừng của tôi khi nhận được những khí tài đồng bộ, từ máy thu phát đến các phụ tùng đều có túi vải quai đeo mới nguyên, thơm phức mùi sơn. Ngoài 7 bộ máy kiểu 15PM do Trung Quốc sản xuất còn có 3 bộ máy kiểu Pilot-V101 do Mỹ sản xuất và trang bị cho quân đội Tưởng Giới Thạch.
Đối với tôi, chiến sĩ thông tin đã làm trưởng đài rồi làm thợ sửa chữa, lắp ráp điện đài, thường sử dụng các máy kiểu đơn giản, chắp vá, không đồng bộ, đây quả là một tài sản quý báu làm tôi tin chắc là đơn vị sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch này.
Sau khi nhận khí tài về Đà Tàu để làm tiếp công tác chuẩn bị, ngày 15/8/1950 chúng tôi được chính thức biên chế thành đội VTĐ trực thuộc Ban Thông tin chiến dịch với phiên hiệu là 101 vì được trang bị 3 bộ máy Pilot-V101 là loại điện đài cơ động, hiện đại nhất của bộ đội thông tin thời kỳ đó, có khả năng đảm bảo cả liên lạc báo và thoại. Cùng thời gian đó, Đội điện thoại 99 và Đội truyền đạt 103 cũng được thành lập, đều là đơn vị trực thuộc Ban Thông tin chiến dịch.
Đội VTĐ 101 lúc này đã được trang bị 12 máy (gồm 2 bộ đem từ hậu phương và 10 bộ mới nhận) nhưng vì quân số thiếu nên chỉ tổ chức thành 10 đài trực thuộc Ban Chỉ huy đội, mỗi đài có một trưởng đài, một báo vụ, ba đến bốn chiến sĩ quay máy phát điện và mang vác máy khi hành quân. Cán bộ đội có 3 người, tôi là đội trưởng phụ trách chung đồng thời trực tiếp làm 1 ca khi công việc nhiều, đồng chí Trương Đức Tiến đội phó kiêm phụ trách một đài, đồng chí Đỗ Mạnh Đức chính trị viên phụ trách công tác chính trị và hậu cần, ngoài ra còn có một cơ công, một thợ phụ, một y tá và hai chiến sĩ nuôi quân.
Sau khi ổn định về biên chế trang bị, chúng tôi huấn luyện trong 15 ngày nhằm làm cho các báo vụ viên sử dụng máy thành thạo, biết cách triển khai điện đài trong điều kiện dã chiến, nhất là sử dụng quy ước liên lạc PAGT do bác Nguyễn Cung soạn thảo, bác Cung là cán bộ của Sở VTĐ Việt Nam biệt phái sang làm trợ lý VTĐ cho Ban Thông tin chiến dịch-PAGT là gọi tắt của phương án giờ và tấn số, còn gọi là PAC.
Đối với chúng tôi, đây là lần đầu thực hiện một quy ước liên lạc phức tạp, có khả năng giữ bí mật cao nhằm chống địch trinh sát điện tử. Theo quy ước này, mỗi đài có một “Lịch liên lạc” quy định cụ thể việc thay đổi tên gọi, tần số và giờ liên lạc hàng ngày, hoặc hai ngày một lần. Riêng về tên, đây cũng là lần đầu mỗi đài có 3 tên: “Tên công khai” ghi trên sổ sách, trên bức điện là tên gọi cố định không thay đổi, “Tên bị gọi” là tên dùng cho đài bạn gọi mình khi bắt liên lạc và “Tên tự xưng” là tên mình xưng khi trả lời đài bạn. Tên tự gọi và tên tự xưng được thay đổi theo giờ liên lạc cùng với việc thay đổi tần số. Đối với các báo vụ viên ngày nay, việc thực hiện quy ước liên lạc tương tự trên đây không có gì khó khăn vì trong quá trình đào tạo đã quen dùng, mặt khác các máy thu phát hiện nay có độ ổn định tần số, độ chính xác tần số cao nên việc thay đổi tần số cũng thuận lợi còn đối với chúng tôi, từ khi vào nghề chỉ quen dùng một tên, một tần số, hàng ngày thay đổi thì thật là phức tạp. Mặt khác điện đài 15PM do Trung Quốc lắp ráp tuy đồng bộ và mới nhưng kiểu lại cũ, máy phát dùng đèn chủ sóng kiểu tự dao động, nguồn điện lại dùng máy phát điện quay tay nên tần số không ổn định, máy thu kiểu khuếch đại trực tiếp, mặt độ số của máy thu không thật chính xác so với tần số thực của máy nên việc thay đổi tần số rất dễ dẫn đến mất liên lạc hoặc phải tìm gọi nhau lâu mới bắt được liên lạc. Cũng may là anh em báo vụ đều là loại có kinh nghiệm nên sau 15 ngày huấn luyện mọi người đều tin rằng có thể thực hiện theo quy ước PAGT để giữ bí mật mạng thông tin VTĐ của chiến dịch.
Gần đến ngày nổ súng, Trưởng ban thông tin chiến dịch mới lệnh cho Đội 101 cử hai đài kiểu 15PM xuống Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 là hai đơn vị đánh trận Đông Khê mở màn chiến dịch, đồng thời cử 1 đài xuống Đại đoàn 308 là lực lượng sẵn sàng đánh quân tiếp viện. Ngoài ra đội còn cử 2 đài cơ động và 1 cơ công đi theo Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch.
Ở Sở chỉ huy cơ bản triển khai 4 điện đài và 1 máy thu trong đó 1 đài liên lạc với hậu phương (Trung ương và Bộ Quốc phòng), với Liên khu 1, Liên khu 10 và 2 tỉnh Cao Bằng, lạng Sơn. Một đài liên lạc với Sở chỉ huy tiền phương và hai Trung đoàn 174, 209. Một đài liên lạc với Đại đoàn 308 và sẵn sàng liên lạc vượt cấp tới các Trung đoàn 36, 88, 102; một đài dự bị để liên lạc tay đôi với một trong các đối tượng trên khi công việc bận rộn, còn máy thu để thu tin địch hỗ trợ cho bộ phận thu tin của ngành quân báo.
Trong đợt 1 chiến dịch Ban Thông tin chưa sử dụng các đài Pilot-V101 vì cho rằng các đài làm nhiệm vụ công đồn có Sở chỉ huy ổn định, có thể dùng hữu tuyến là phương tiện chủ yếu, mặt khác cũng chưa dùng thoại trên vô tuyến để giữ bí mật. Tuy nhiên đường dây giữa Sở chỉ huy cơ bản ở Nà Lạn với Sở chỉ huy tiền phương ở gần Đông Khê không triển khai được đúng kế hoạch do thiếu dây nên đêm 15/9 trước khi nổ súng cũng như từ khi nổ súng (6h20 phút ngày 16/9 đến 11h20 phút), vô tuyến điện lại trở thành phương tiện liên lạc chính giữa đồng chí Tổng Tư lệnh ở Sở chi huy cơ bản với đồng chí Tổng Tham mưu trưởng ở Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch. Trong đợt này, các đài kiểu 15PM tuy mới nhưng do thời tiết ẩm nên hay hỏng vặt nhất là hay đứt biến áp nối tầng ở máy thu. Điện đài biệt phái xuống Trung đoàn 209 cũng bị hỏng đột xuất khi đơn vị đang tiến công Đông Khê nhưng Sở chỉ huy tiền phương đã kịp thời cử đồng chí Nguyễn Văn Thúy cơ công xuống sửa nên vẫn bảo đảm liên lạc. Ở Sở chỉ huy cơ bản, tôi cũng phải kiêm cơ công, ngày làm ca, đêm sửa chữa máy còn đồng chí Chi thợ phụ chuyên cuốn lại biến áp.
Rút kinh nghiệm đợt này, khi chuẩn bị đợt 2 đánh địch vận động, Ban Thông tin chiến dịch cử 1 đài Pilot-V101 xuống Trung đoàn 174 có nhiệm vụ đánh địch trên đường Thất Khê-Na Sầm và một máy Pilot-V101 xuống Đại đoàn 308 đánh địch rút lui từ Cao Bằng về, còn 1 máy Pilot-V101 đặt ở Sở chỉ huy cơ bản để liên lạc với 2 đài trên cả bằng báo và thoại.
Trong đợt 2 này, các đài đi theo trung đoàn 174 và Đại đoàn 308 đều bảo đảm liên lạc vững chắc với Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch, cả khi đơn vị hành quân truy kích địch vì việc triển khai hoặc thu hồi máy chỉ cần 3 đến 5 phút.
Đặc biệt, ngày 6/10/1950 khi Đại đoàn 308 đang vây binh đoàn do quan năm Sác-Tông chỉ huy rút từ Cao Bằng về tới khu vực Cốc Xá, đài Pilot-V101 ở Sở chỉ huy cơ bản đã vinh dự được Bác Hồ đến theo dõi cuộc đàm thoại giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tư Lệnh chiến dịch với đồng chí Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng. Đây là một kỷ niệm sâu sắc đối với toàn Đội 101 và cũng là nguồn cổ vũ lớn lao, động viên đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong suốt chiến dịch(3).
Kết thúc chiến dịch, đồng chí Tổng Tư lệnh nhận xét: “Thông tin đi tay không, lại bất chợt, mới mẻ mà bảo đảm được tốt…”. Còn Bộ chỉ huy quân đội Pháp khi thú nhận thất bại cũng nêu: “Chúng ta đứng trước một kẻ địch có số quân đông hơn, hỏa lực mạnh hơn, lại có một hệ thống thông tin vô tuyến điện phối hợp tốt… Mạng vô tuyến điện quân viễn chinh đã thua mạng vô tuyến điện Việt Minh(4).
Với chiến công đầu này, Đội vô tuyến điện 101 vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng 2(5) , Đội điện thoại 99 được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng 3, còn tập thể lực lượng thông tin trực thuộc Ban Thông tin chiến dịch được tặng Huân chương Quân công hạng 3 với phiên hiệu Tiểu đoàn 303 (là tổng cộng ba phiên hiệu: 99+101+103) tuy đến đầu năm 1951 Tiểu đoàn này mới chính thức được thành lập.
Cá nhân tôi cùng bác Nguyễn Cung, trợ lý vô tuyến tác giả của quy ước PAGT và bác Nguyễn Văn Thúy một cơ công quê ở Nam Bộ đã vượt qua lửa đạn đến sửa máy ở Trung đoàn 209 cùng vinh dự được tặng huân chương chiến sĩ hạng 3. Ngoài ra còn hơn chục cán bộ, chiến sĩ trong đội được tặng bằng khen, giấy khen.
Phát huy truyền thống “lập công trong chiến đấu” đơn vị chúng tôi tiếp tục được phục vụ các chiến dịch do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp tổ chức và chỉ huy, từ chiến dịch Cao Bắc Lạng đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trải qua 8 chiến dịch Đội VTĐ 101 đều có mặt, đều thực hiện khẩu hiệu “Đã ra quân là hoàn thành tốt nhiệm vụ"

8. MỘT KỶ NIỆM SÂU SẮC
(Kỷ niệm 105 ngày sinh Bác Hồ)

Đội vô tuyến điện 101 được thành lập ngày 15/8/1950 ở Đà Tầu đúng một tháng trước ngày nổ súng mở màn chiến dịch Cao Bắc Lạng. Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện cấp tốc 15 ngày, chúng tôi hành quân tới Nà Lạn, nơi đặt Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch. Ngoài việc triển khai 4 đài ở Sở chỉ huy cơ bản chúng tôi cử 2 đài đi Sở chỉ huy tiền phương 3 đài xuống F308, E174 và E209. Trong chiến dịch này chúng tôi sử dụng quy ước liên lạc đặc biệt chống trinh sát điện tử PAGT(6).
Trước ngày nổ sung Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh chiến dịch đến kiểm tra Ban Thông tin chiến dịch và một điện đài trong hang đá gần Ban. Qua trao đổi giữa Đại tướng với đồng chí Hoàng Đạo Thúy-Cục trưởng kiêm Trưởng Ban Thông tin chiến dịch, chúng tôi được biết Bác Hồ cũng ở gần Bộ Chỉ huy để theo dõi và chỉ đạo chiến dịch. Tin Bác Hồ ra mặt trận được phổ biến kín cho cán bộ trong Ban, tất cả đều nức lòng hy vọng sẽ được gặp Bác Hồ và tin tưởng “chiến dịch nhất định sẽ thắng to”.
Đợt 1 chiến dịch kết thúc, quân ta đã diệt gọn cứ điểm Đông Khê và sẵn sàng đánh địch tiếp viện hoặc rút khỏi Cao Bằng.Ngày 28/9/1950 chúng đưa 1 binh đoàn do Quan năm Lơ Pa Giơ lên Đông Khê đón cánh quân của Sác Tông rút từ Cao Bằng về. Sau 6 ngày liên tục chiến đấu ta đã vây hãm địch ở Cốc Xá và chặn binh đoàn Lơ Pa Giơ ở Khâu Áng-Khâu Luông. Tình huống rất khẩn trương vì nếu để 2 binh đoàn này liên lạc được với nhau sẽ khó tiêu diệt gọn chúng.
Ngày 6/10/1950 tôi được lệnh tổ chức đàm thoại trực tiếp giữa Tư lệnh chiến dịch với đồng chí Vương Thừa Vũ đại đoàn trưởng 308. Sau khi bắt được liên lạc tôi thấy đồng chí trực ban tác chiến tay cầm bản đồ đi cùng Đại tướng và một người đi sau, đầu đội mũ, cổ quàng khăn mặt bông. Tôi báo cáo và bật đảo mạch chuyển tín hiệu thu ra loa. Đại tướng cầm micro và quay lại phía người đi sau nói: “Kính mời Bác ngồi”. Tôi giật mình nhìn lại và nhận ra đó là Bác Hồ mà lúc đầu mải làm việc không để ý vì Bác cũng mặc quần áo chiến sĩ, lại dùng khăn mặt che chòm râu. Tôi vội kính cẩn mời Bác ngồi lên phiến đá gần máy để tiện theo dõi cuộc đàm thoại.
Thấy mọi người lúng túng Bác nói: “các chú cứ làm việc tự nhiên” . Giọng nói ấm áp và giản dị của Bác làm mọi người bình tĩnh trở lại.Cuộc đàm thoại diễn ra rất tốt. Sau khi dùng tiếng Trung Quốc nói chuyện với Đại đoàn trưởng 15 phút, Đại tướng nói :”Thưa Bác có dặn gì thêm”. Bác nói: “Các chú nói với chú Vũ là Bác đang theo dõi trận đánh và chờ tin thắng lợi để thưởng cho đơn vị một số bò khao quân”. Cuộc đàm thoại kết thúc.Mọi người quây quần quanh Bác, Bác thân mật hỏi thăm chung và từng người về công việc và học tập, sinh hoạt, rồi ân cần dặn dò mọi người phải đoàn kết, học tập giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Bác nói: Trước đây Bác cũng đã học qua và sử dụng điện đài để liên lạc với Quốc tế khi hoạt động bí mật ở Trung Quốc.
Trước khi ra về Bác còn động viên anh em cố gắng để “Khi Bác và BTTL có lệnh là các chú kịp thời chuyển xuống bộ đội”. Nhìn thấy cột ăng ten Bác dặn dò thêm: “Phải ngụy trang cái này cẩn thận kẻo bị lộ Sở Chỉ huy”.
Tối hôm đó, tôi họp toàn đội kể tỉ mỉ cuộc viếng thăm của Bác và những lời dặn của Người. Anh em rất phấn khởi và hứa quyết tâm làm theo lời Bác. Vinh dự cho đội 101 chúng tôi là khi kết thúc chiến dịch, đội được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng hai
 Đến nay, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị và 105 năm ngày sinh của Bác, nhớ lại những chặng đường chiến đấu của Đội 101 từ chiến dịch Cao Bắc Lạng đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi thấy luôn có Bác “vẫn đang cùng chúng cháu hành quân”.

(1) La TSF (Telégraphie sans fil): Vô tuyến điện (Điện không dây) La Radio, mais c’est très simple: VTĐ, thật là đơn giản.
(2) QSA là chữ tắt theo luật Q để đánh giá chất lượng tín hiệu thu được. Có 5 cấp QSA 1,2,3,4,5.
(3) (1) Xem bài “Một kỷ niệm sâu sắc” kể tỉ mỉ cuộc thăm điện đài của Bác Hồ.
(4) Trích lịch sử bộ đội thông tin, tập 1, trang 237-238. 

(5) Sau này Huân chương chiến sĩ được đổi là Huân chương chiến công
(6) PAGT là phương án thay đổi giờ và tần số để chống địch trinh sát điện tử


Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét