14/7/15

Trưởng thành từ người lính ( Phần 3/7 )



9. HỒI ỨC VỀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU CỦA ĐỘI VÔ TUYẾN ĐIỆN 101 TỪ SAU CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI ĐẾN CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

(Tháng 11-1950 đến tháng 5 -1954)

          I. CHUẨN BỊ VÀ THAM GIA CHIẾN DỊCH TRUNG DU

 (TRẦN HƯNG ĐẠO)

(Tháng 11-1950 đến cuối tháng 1-1951)

          Sau khi dự Tổng kết Chiến dịch biên giới Đội Vô tuyến điện 101 về trú quân tại Cao Vân (thuộc Huyện Đại Từ -Thái Nguyên) để chuẩn bị phục vụ Chiến dịch Trung Du.

          Tại Cao Vân đơn vị được bổ sung quân số, trang bị và tổ chức chữa bệnh cho số cán bộ, chiến sĩ bị sốt rét và bị ghẻ lở do điều kiện sinh hoạt và trú quân trong Chiến dịch biên giới và hầu hết chiến sĩ là tân binh quê ở Khu 4 (Nghệ An - Thanh Hóa) chưa quen khí hậu vùng rừng núi lại thiếu quần áo, chăn màn. Theo kinh nghiệm của đồng bào địa phương, sau khi tắm anh em lấy lá cơi mọc ở ven suối vò nát rồi đắp vào vết ghẻ lở, tuy rất sót nhưng hiệu quả hơn thuốc mỡ của Quân y.

          Đối với bệnh sốt rét, ai sốt nhẹ thì uống Kinakrin (quinacrine), ai sốt nặng mới được tiêm ký-nin (quinine), bản thân tôi cũng phải tiêm ký nin. Sau nửa tháng chữa bệnh và ăn bồi dưỡng, sức khỏe cán bộ, chiến sĩ đã khá, sẵn sàng tham gia chiến dịch mới.

          Về trang bị kỹ thuật, ngoài các điện đài cơ động, đơn vị được bổ sung một máy MKII, một máy SST và bốn máy thu để tổ chức một trung tâm thu phát lưu động để liên lạc với các Liên Khu, các chiến trường bảo đảm cho Bộ chỉ huy chiến dịch có thể chỉ đạo các chiến trường hoạt động phối hợp với khu vực mở chiến dịch.

          Đầu tháng 12-1950 đơn vị được lệnh chuyển quân đến vị trí tập kết ở Quân Chu phía Bắc chân núi Tam Đảo. Trong khi hành quân qua phố Đại Từ, tôi bị lên cơn sốt rét phải nằm ở một nhà dân chờ dứt cơn sốt sẽ đuổi theo đơn vị. Không ngờ vì nằm lại đúng lúc máy bay địch đến bắn phá, may mà kịp thời chạy ra sân nếu không thì đã trở thành liệt sĩ vì giường tôi vừa nằm đã trúng ba viên đạn!

          Trước ngày nổ súng mở màn chiến dịch đơn vị tôi đã cử hai đài Pilot tăng cường cho Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312, một đài 15PM cho Trung đoàn 36 vì đơn vị có nhiệm vụ đánh cứ điểm Chợ Thá ở xa, chỉ dùng Vô tuyến điện là phương tiện duy nhất để liên lạc với Đại đoàn và Bộ Chỉ huy chiến dịch.

          Trong đợt một chiến dịch Sở chỉ huy và Cụm điện đài chiến dịch vẫn đặt ở chân núi Tam Đảo phía Phúc Thuận thuộc xã Nam Tiến.

          Vì bị núi Tam Đảo che khuất nên liên lạc với các đơn vị hoạt động ở phía Nam núi gặp khó khăn tuy cự ly đường chim bay rất gần. Đơn vị phải khắc phục bằng cách nhờ Trung tâm thu phát của Bộ ở An toàn khu (đội 59) làm trung gian chuyển và nhận điện nên vẫn bảo đảm chỉ huy các đơn vị nhưng không được kịp thời bằng liên lạc trực tiếp.

          Vì lý do trên nên đến đợt hai, cụm đài cơ động bảo đảm liên lạc với các đơn vị tác chiến ở Phúc Yên. Vĩnh Yên phải chuyển lên Khu nghỉ mát Tam Đảo ở binh độ 800. Về đêm nhiệt độ rất thấp (5 đến 10 độ) nên anh em phải quấn chăn quanh người khi làm việc vì không được đốt lửa sưởi.

          Sau khi chiến dịch kết thúc, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, bàn biện pháp, khắc phục các khuyết điểm, nhược điểm, đề ra 4 việc cần thực hiện trong chiến dịch sau: 

          1. Đề nghị chuyển các điện đài đã tăng cường vào biên chế các Đại đoàn để đơn vị có trách nhiệm bảo đảm mọi mặt cho anh em, tránh tình trạng di chuyển Sở chỉ huy quên báo điện đài di chuyển theo.

          Đội 101 chỉ cử đài tăng cường cho đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt Bộ cần trực tiếp chỉ đạo.

          2. Tổ chức hiệp đồng giữa cụm điện đài của Bộ Chỉ huy chiến dịch với Trung tâm thu phát cố định của Bộ ở An toàn khu (B59) để kịp thời chuyển hoặc nhận điện của đơn vị khi một trong hai nơi chưa đến giờ liên lạc hoặc gặp khó khăn do địa hình thời tiết không liên lạc trực tiếp được.

          3. Cần chú ý ảnh hưởng của địa hình, địa vật đối với việc truyền lan sóng điện để chọn vị trí đặt cụm điện đài thích hợp.

          4. Đội 101 tổ chức các liên đài để tiện phối hợp, thay đổi nhau bảo đảm liên lạc liên tục khi Sở Chỉ huy di chuyển theo các sâu đo.



II. CHUẨN BỊ VÀ THAM GIA CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 18

(Chiến dịch Hoàng Hoa Thám 13-3 đến 7-4-1951)

          Sau khi Tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức và bảo đảm liên lạc trong chiến dịch Trung Du, đơn vị được về An toàn Khu ăn Tết và chuẩn bị tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám.

          Sự kiện đáng nhớ nhất đối với Tôi là trong dịp Tết Phòng chính trị Cục Thông tin tổ chức đám cưới tập thể của anh Lê Dung - chị Kim Nguyệt và tôi cùng cô Sỹ Nga báo vụ viên công tác ở Trung tâm vô tuyến điện ở An toàn khu. Về phía hai chúng tôi tuy đã tìm hiểu và đính hôn từ năm 1948 nhưng thực lòng chưa muốn kết hôn vì hai người còn trẻ (lúc đó 22 tuổi) và bản thân tôi phụ trách một đơn vị cơ động chuyên đi chiến dịch không có điều kiện gần gũi giúp đỡ nhau.

          Tuy vậy theo lời khuyên của Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy và cơ quan chính trị, chúng tôi cũng đồng ý và lễ kết hôn tập thể được tổ chức ngày 14-2-1951 ở xã An Lạc trong An toàn khu.

          Sau khi kết hôn hai ngày tôi trở về cùng đơn vị chuẩn bị hành quân. Trong chiến dịch này, đơn vị tôi chỉ mang theo 6 điện đài cơ động tổ chức thành 3 liên đài và một máy thu, không đem trung tâm thu phát cơ động vì phải hành quân đường dài vượt qua nhiều đèo dốc, thời tiết không thuận lợi mưa liên tục trong nhiều ngày, đường sá lầy lội.

          Để bảo đảm an toàn cho các đài, khi hành quân anh em bọc máy kỹ, nêu khẩu hiệu “Người có thể chịu đựng ướt, quyết không để ướt máy móc, trang bị”.

          Khi đến địa điểm trú quân phải sấy máy trước khi cấp điện vì loại máy 15 PM và MP15 do Trung Quốc sản xuất hay bị đứt biến áp khi máy bị ẩm.

          Khi hành quân mọi người đều chuẩn bị gậy có ba chạc để khỏi trượt ngã làm hỏng máy, khi tạm dừng vẫn đeo máy trên lưng nhưng dùng gậy 3 chạc chống đỡ máy nên vai vẫn được nghỉ.

          Trong điều kiện ăn uống thiếu chất lại hành quân liên tục về đêm dưới trời mưa nên sức khỏe giảm sút, có trường hợp khi tạm dừng anh em ngủ không nghe được lệnh truyền đi tiếp, cán bộ ở phía sau thấy nghỉ lâu chạy lên mới phát hiện vội đôn đốc đuổi theo đội hình phía trước.     

          Khi qua khu vực Mẹt đơn vị mua phát cho mỗi người nửa bánh đường phên(1) để khi hành quân nhấm nháp cho tỉnh ngủ và tăng lực...

Trong thời gian hành quân, ban ngày đơn vị vẫn giữ liên lạc với các đơn vị tham gia chiến dịch nhưng ít chuyển nhận điện để giữ bí mật.

          Đợt một chiến dịch bắt đầu từ đêm 23-3-1951  và sau đợt hai ngày 5-4 chiến dịch kết thúc. Nhờ vận dụng các kinh nghiệm của chiến dịch Trung Du, nhất là việc tổ chức các liên đài nên việc bảo đảm liên lạc Vô tuyến điện trong chiến dịch đường 18 chặt chẽ hơn. Trong quá trình hành quân cũng như khi Sở Chỉ huy chiến dịch chuyển từ Bãi Đá, Mai Siu về chân núi Yên Tử vẫn giữa liên lạc đều đặn với đơn vị.

          Tuy nhiên ở Trung đoàn 36 - Đại đoàn 308 đã xẩy ra tình huống do không giữ liên lạc với Đài Sở chỉ huy chiến dịch, không kịp thời nhận được lệnh của Bộ quyết định ngừng đánh vào cứ điểm Mạo Khê Phố vì có tin trinh sát kỹ thuật báo địch vừa tăng cường một Tiểu đoàn dù đưa quân số địch ở Mạo Khê Phố từ 150 lên 700 tên. Do mệnh lệnh không tới kịp Trung đoàn trước giờ nổ súng nên trận đánh diễn ra trong thế bất lợi, ta bị tổn thất và phải lui quân khi trời sáng.

Nguyên nhân để xẩy ra tình huống trên vì để giữ bí mật, Đại đoàn 308 cho Trung đoàn 36 chỉ giữ liên lạc với chiến dịch nhưng do hành quân gấp Trung đoàn lệnh cho đồng chí Trưởng đài chỉ khi đơn vị dừng lại mới được triển khai máy bắt liên lạc nên Trưởng đài đã bỏ phiên lạc trong khi hành quân chiếm lĩnh trận địa.

          Để đề cao kỷ luật chiến trường, Bộ Chỉ huy chiến dịch có ý định đưa việc bỏ phiên lạc lạc ra xét trước Tòa án mặt trận nhưng xét việc bỏ phiên liên lạc không phải do Thông tin tự ý nên không đưa ra xét xử nữa.

          Tuy nhiên việc Trung đoàn 36 không giữ nghiêm kỷ luật khi hành quân bỏ phiên liên lạc, không nhận lệnh hoãn trận đánh dẫn tới đơn vị bị tổn thất được coi là bài học “nhớ đời” của ngành Vô tuyến điện.



III. THAM GIA CHIẾN DỊCH HÀ NAM NINH

(Chiến dịch Quang Trung: 26-5-1951 đến 20-6-1951)

          Sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám đơn vị được nghỉ đến giữa tháng 5 lại chuẩn bị hành quân tham gia chiến dịch Quang Trung tác chiến trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Liên khu 3 Sở Chỉ huy chiến dịch ở Vụ Bản.

          Vì đường hành quân hướng về đồng bằng, thuận lợi hơn Chiến dịch đường 18 nên đơn vị đem Trung tâm thu phát cơ động cùng với bốn đài cơ động, tổ chức thành 3 liên đài.

          Trước ngày đơn vị xuất phát, tôi lại bị sốt rét nên việc chỉ huy hành quân do đồng chí chính trị viên đảm nhiệm nhưng khi đến vị trí tập kết tôi cũng đuổi kịp đơn vị và ngày 22-5 được phổ biến nhiệm vụ các đơn vị trong đợt một chiến dịch để chuẩn bị kế hoạch bảo đảm liên lạc.

          Từ 26 đến 31-5-1951 các Đại đoàn 308, 304, 320 tận dụng yếu tố bất ngờ đã tiến công tiêu diệt và bức rút 26 vị trí, phá tan một mảng lớn ngụy quyền giành thắng lợi giòn giã nhưng đợt hai chiến dịch từ 3-6 đến trung tuần tháng 6 địch đã tăng cường lực lượng nên bộ đội chủ lực tác chiến trên hướng chính gặp nhiều khó khăn hơn và chiến dịch kết thúc vào 20-6-1951.

          Trong quá trình chiến dịch Thông tin Vô tuyến điện bảo đảm tốt do liên lạc ở đồng bằng thuận lợi hơn ở rừng núi, đặc biệt đã bảo đảm liên lạc tốt với các đơn vị thuộc Liên khu 3 giúp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch nắm tình hình và chỉ đạo đối phó kịp thời  với các cuộc càn quét của địch.

          Việc bảo đảm thời gian tính các bức điện khẩn và tối khẩn tiến bộ hơn vì đội 101 đã tổ chức đài canh liên tục để các đơn vị có thể gọi và chuyển ngay các điện khẩn không phải chờ đến phiên liên lạc. Ngược lại khi Bộ có điện cần chuyển gấp cho đơn vị, các báo vụ viên khá có thể dùng phương pháp chèn sóng để bắt liên lạc yêu cầu đơn vị nhận điện khẩn ngay.

          Sau chiến dịch Quang Trung, Bộ chủ trương để các  đơn vị nghỉ ngơi, củng cố vì từ tháng 8-1950 đến tháng 6-1951 Bộ đã mở liên tiếp bốn chiến dịch.

          Đầu tháng 7-1951 lực lượng thông tin tham gia Chiến dịch về đến hậu cứ ở Việt Bắc, tham gia đợt chỉnh huấn Chính trị mùa hè 1951.

          Sau đợt chỉnh huấn các đơn vị Tổng kết, rút kinh nghiệm qua bốn chiến dịch và thực hiện chủ trương cải tiến tổ chức biên chế theo phương châm “kiện toàn chất, đơn giản lượng”.

          Để tiện phối hợp các mặt trong việc xây dựng lực lượng, sử dụng lực lượng và bảo đảm liên lạc với các chiến trường, các đơn vị chủ lực tham gia các chiến dịch Tháng 9-1951, Cục Thông tin quyết định hợp nhất đội 59 (lực lượng công tác ở Sở Chỉ huy Bộ trong An toàn khu) với Đội Vô tuyến điện 101 cơ động chuyên đi phục vụ các chiến dịch do Bộ tổ chức và trực tiếp chỉ huy.

          Đơn vị hợp nhất lấy phiên hiệu là đội 230. Tuy gọi là đội nhưng cán bộ phụ trách đều là cán bộ cấp Tiểu đoàn. Tôi được bổ nhiệm làm đội phó và đầu năm 1952 có Quyết định là Tiểu đoàn phó.

          Việc hợp nhất tạo thuận lợi cho cả hai đơn vị (B59 và đội 101) vì khi Bộ chưa mở chiến dịch, anh em báo vụ ở đội 101 được bổ sung vào làm ở Trung tâm thu phát cố định sẽ nâng cao được trình độ nghiệp vụ và quen đối tượng ở các chiến trường xa (từ Liên khu 4 vào Nam Bộ). Về phía anh chị em ở đội 59 do được bổ sung nhân lực nên công tác đỡ căng thẳng, có thêm thời gian học tập và nghỉ ngơi. Mặt khác khi Bộ mở chiến dịch có thể điều động các báo vụ viên có sức khỏe sang Bộ phận đi chiến dịch, các đồng chí sức khỏe yếu chuyển về công tác tại Trung tâm thu phát cố định (đội 59).

          Tổ chức đội 230 tồn tại suốt trong Kháng chiến chống Pháp đến khi Thủ đô được giải phóng mới đổi phiên hiệu thành Đại đội 5 trong biên chế của Tiểu đoàn 77 (Tiểu đoàn Tổng Trạm Thông tin của Bộ được thành lập ngày 28-2-1958).

          Trong thời gian kiện toàn tổ chức, tôi được Cục Thông tin giao nhiệm vụ tổ chức một lớp tập huấn các đài trưởng thuộc các Đại đoàn chủ lực và các Liên khu Việt Bắc Liên khu 3, Liên khu 4.

          Căn cứ vào kinh nghiệm của Đội Vô tuyến điện 101 đã Tổng kết qua 4 chiến dịch tôi đã phổ biến các nội dung sau:

          - Cách dùng tên đài theo quy ước Pagt đội 101 đã sử dụng trong Chiến dịch biên giới để địch khó trinh sát.

          - Cách dùng sóng ngày, sóng đêm tùy theo cự ly liên lạc và địa hình thời tiết. Cách chọn vị trí đặt đài, căng ăngten. Tổ chức liên lạc khi hành quân, khi Sở chỉ huy di chuyển. Cách gọi đài canh, cách chèn sóng để chuyển kịp thời các điện khẩn.

          - Thủ tục chuyển nhận điện qua đài thứ 3.

          - Cách phối hợp với cơ yếu để phục vụ việc trao đổi trực tiếp giữa hai người chỉ huy (bút đàm).

          - Phổ biến bảng chữ đúc và luật Q, luật Z theo quy định riêng, không theo quy định quốc tế để không dùng tiếng Anh, tiếng Pháp trao đổi nghiệp vụ như trước.

          Nhờ kết quả đợt tập huấn nên từ cuối năm 1951 công tác thông tin Vô tuyến điện của các đơn vị từ Liên khu 4 trở ra tiến bộ rõ rệt, bảo đảm liên lạc bí mật, kịp thời hơn, quan hệ hiệp đồng giữa điện đài các cấp chặt chẽ hơn, thông cảm hoàn cảnh công tác của nhau, khắc phục các thái độ xấu như Thông tin một chiều, đuổi người kém, tự do bỏ phiên liên lạc khi không có điện cần chuyển...



IV. THAM GIA CHIẾN DỊCH HÒA BÌNH

(Cuối tháng 11-1951 đến cuối tháng 2-1952)

          Sau khi hoàn thành lớp Tập huấn các Trường đài tôi trở về đơn vị chuẩn bị tham gia chiến dịch sẽ mở trong Thu Đông năm 1951-1952.

          Ngày 10-11-1951 địch mở cuộc hành binh “Hoa-tuy-líp” chiếm Chợ Bến và ngày 14-11 mở cuộc hành binh “Hoa sen” chiếm thị xã Hòa Bình.

          Do đó ngày 23-11-1951 Bộ Chính trị họp, nhất trí với đề nghị của Tổng quân ủy là mở chiến dịch Hòa Bình nhằm “Tiêu diệt sinh lực đẩy, đẩy mạnh chiến tranh du kích”. Ngày 30-11 Sở chỉ huy tiền phương Bộ đã triển khai ở Đồng Lương thuộc huyện Cẩm Khê.

          Tôi lại được cử đi làm đội trưởng đội 101 tách từ đội 230 để bảo đảm Thông tin Vô tuyến điện phục vụ Bộ chỉ huy chiến dịch, đồng chí Dương Quốc Hưng Chính trị viên đội 230 cũng đi cùng đơn vị.

          Vì nhiệm vụ bảo đảm chỉ đạo, chỉ huy rộng nên chúng tôi đem nhiều trang bị hơn chiến dịch Quang Trung với quân số 70. Đơn vị vẫn tổ chức thành 3 liên đài, mỗi liên đài có 3 máy. Liên đài 1 là trung tâm thu phát cơ động dùng 2 máy phát, 4 máy thu chịu trách nhiệm liên lạc với Sở Chỉ huy cơ bản và các đơn vị hoạt động trên hướng phối hợp đồng thời tổ chức thu canh toàn mạng. Liên đài 2 sử dụng các điện đài cơ động (Pilot, 694,15 PM) liên lạc với các đơn vị hoạt động trên hướng chính (308, 312). Liên đài 3 được trang bị như Liên đài 2 nhưng liên lạc với các Đại đoàn 320, 304, 316 hoạt động ở địch hậu và các hướng phối hợp.

          Nhờ cán bộ chiến sĩ mới được chỉnh huấn chính trị và tập huấn nghiệp vụ, lại được nghỉ ở hậu cứ 4 tháng nên sức chiến đấu được nâng lên rõ rệt, khí thế thi đua lập công rất sôi nổi.

          Ngày 6-12-1951 Sở Chỉ huy chiến dịch chuyển đến xóm Giớn ở Tây Nam núi Lưỡi Hái để chỉ huy các đơn vị hoạt động trên hướng chính.

          Do cơ quan tác chiến và cơ yếu ở địa hình thấp không thuận lợi cho việc truyền lan sóng điện nên đơn vị phải khắc phục bằng cách tổ chức ra hai cụm đài, một cụm ở gần tác chiến - cơ yếu liên lạc với đơn vị hoạt động trên hướng chính (cự ly liên lạc gần), cụm thứ hai triển khai lên sườn núi ở độ cao hơn để liên lạc với các đơn vị hoạt động ở hướng phối hợp, ở địch hậu, cự ly liên lạc xa hơn nhưng thời gian tính các điện không cao như hướng chính. Vì không có đường dây điện thoại để liên lạc trực tiếp với cụm hai nên các chiến sĩ vận chuyển Liên đài 1 có nhiệm vụ đưa điện chuyển nhận về Cơ yếu.

          Với tổ chức trên đơn vị bảo đảm liên lạc thông suốt với các đơn vị và bảo đảm thời gian tính các điện.

          Ở hướng chính có hai tình huống liên lạc gặp khó khăn nhưng đã kịp thời khắc phục:

1. Khi Đại đoàn 312 đánh Xóm Mít, máy của Đại đoàn trưởng bị hỏng nhưng đã dùng đài của quân báo chiến dịch liên lạc với đài quân báo của Bộ đi theo đơn vị bảo đảm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên lạc với Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn bằng phương pháp trao đổi ý kiến trực tiếp (bút đàm) vì máy của quân báo không có bộ phận dùng thoại.

2. Khi Trung đoàn 141 tiến công cao điểm 400 và 600 ở núi Ba Vì đêm 29-12-1951 do sương mù ở khu vực Sở chỉ huy chiến dịch dày đặc nên liên lạc rất khó khăn tôi đã kịp thời hướng dẫn Trưởng đài đổi sang sóng dài hơn (ngày thường vẫn dùng sóng 4700 KC), lúc này phải dùng sóng 2200 KC tương đương với 136 mét mới bảo đảm liên lạc suốt đêm).

          Qua kinh nghiệm đêm 29-12, Ban thông tin chiến dịch đã phổ biến cho các đơn vị được trang bị máy Pilot, GRC9, 282... có giải tần 2 đến 12 MCS để vận dụng khi liên lạc từ nửa đêm đến lúc rạng đông...

          Trong quá trình chiến dịch đối với cá nhân tôi còn hai sự kiện đáng nhớ:

          - Một là ngày 16-1-1952 khi đang diễn ra đợt 3 chiến dịch tôi nhận được điện của đồng chí Đội trưởng Đội 230 ở An toàn khu báo “Chị Nga đã sinh cháu trai khỏe mạnh”. Thế là tôi đã trở thành Bố! Vừa mừng, vừa ân hận là không có mặt ở hậu cứ để giúp vợ vượt cạn lần đầu. Nhưng nhiệm vụ là trên hết, tin rằng vợ tôi cũng thông cảm, hơn nữa còn có tập thể ở hậu cứ giúp đỡ...

          Vì sinh ra trong thời gian chiến dịch Hòa Bình nên chúng tôi đặt tên cháu là Nguyễn Bình(2)

- Hai là trong thời điểm này Bộ tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân để cử Đại biẻu đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ở đơn vị chúng tôi trên cũng chỉ đạo họp Hội nghị thi đua cơ sở để bầu ra đại biểu đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân.

          Do có thành tích xây dựng và chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ trong năm chiến dịch nên tôi được đơn vị bầu là Chiến sĩ thi đua cơ sở đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân. Trong Đại hội này Cục Thông tin có đồng chí Đặng Văn Tảng - công nhân Xưởng Thông tin X82 được Đại hội toàn quân cử đi dự Đại hội toàn quốc, được tặng Huân chương chiến sĩ hạng Nhất và một tấm áo lụa của Bác (do Hội phụ nữ tặng).

          Riêng tôi vì bận nhiệm vụ không đi dự Đại hội toàn quân nhưng được tặng Huân chương chiến sĩ hạng Hai, đối với tôi đã là vinh dự, là phần thưởng quá lớn vì suy cho cùng đó là công lao tập thể của cán bộ chiến sĩ đã cùng tôi khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ từ Chiến dịch biên giới, trải qua năm chiến dịch do Bộ tổ chức và trực tiếp chỉ huy...

          Ngày 27-1-1952 đợt 3 chiến dịch kết thúc, quân ta chuyển sang bao vây địch ở Hòa Bình và đẩy mạnh hoạt động ở địch hậu. Đến 22-2-1952 năm Tiểu đoàn địch ở Thị xã buộc phải rút chạy, ta diệt được 6 Đại đội 20 xe thu vài trăm tấn đạn.

          Sau khi địch rút chạy chiến dịch kết thúc.

          Đối với Thông tin Vô tuyến điện đây là một chiến dịch có khối lượng điện chuyển nhận nhiều nhất vì có nhiều đối tượng hoạt động trên các hướng phối hợp chỉ dùng Vô tuyến điện là phương tiện duy nhất, chiến dịch cũng diễn ra dài ngày nhất. Nhờ vận dụng kinh nghiệm bốn chiến dịch trước và được Tập huấn nghiệp vụ cho các Trưởng đài nên chất lượng công tác Vô tuyến điện trong các đơn vị được nâng lên rõ rệt.



V. THAM GIA CHIẾN DỊCH TÂY BẮC

(Từ tháng 9-1952 đến tháng 12-1952)

          Sau chiến dịch Hòa Bình, quân đội Pháp mở những cuộc càn quét lớn để binh định vùng tạm chiến. Trong mùa hè và mùa thu năm 1952 chúng đã mở 21 trận càn ở Bắc Bộ, 46 trận ở Trung Bộ, 28 trận ở Nam Bộ.

          Trong thời gian này Bộ không mở chiến dịch tấn công địch mà tập trung chỉ đạo các chiến trường tổ chức chống địch càn quét, tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng.

          Đội 101 sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm lại hợp nhất về đội 230, các báo vụ viên chuyển sang làm việc ở trung tâm thu phát cố định bảo đảm cho Bộ chỉ đạo các Đại đoàn 320, 316, 304 chống địch càn quét ở Liên khu 3 và chỉ đạo Đại đoàn 325 mở đợt tiến công vào vùng địch hậu ở Bình Trị Thiên để thu hút lực lương cơ động của địch, phối hợp với chiến trường Bắc Bộ.

          Ngoài việc làm ở trung tâm thu phát để nâng cao trình độ nghiệp vụ và quen các đài hoạt động ở Trung bộ, Nam Bộ anh em trong đội 101 còn luyện tập thêm việc thu phát điện bằng chữ số tắt và nhận điện trên giấy in có kẻ thành ô, mỗi trang có 20 dòng, mỗi dòng có 5 ô, chứa 100 nhóm để tiện việc xin nhắc lại khi thu có sai sót. Các điện đài cơ động được củng cố, bảo dưỡng sẵn sàng phục vụ các chiến dịch mới.

          Đến tháng 9-1952 Đội 101 nhận được lệnh chuẩn bị tham gia chiến dịch Tây Bắc.

          Căn cứ theo nhiệm vụ bảo đảm liên lạc Vô tuyến điện, đơn vị vẫn tổ chức chức 3 liên đài nhưng mỗi liên đài chỉ có 2 máy so với chiến dịch Hòa Bình bớt 2 máy 15PM của Trung Quốc vì loại máy này về mùa mưa hoặc vùng khí hậu ẩm ướt hay hỏng hóc.

          Tôi vẫn là Đội trưởng, đồng chí Dương Quốc Hưng là Chính trị viên. Đầu tháng 10-1952 đơn vị bắt đầu hành quân đêm đi, ngày nghỉ. So với năm chiến dịch trước đây là cuộc hành quân dài ngày nhất, phải trèo đèo lội suối nhiều hơn. Trong hơn hai tuần hành quân, dưới trời mưa, cán bộ chiến sĩ đã nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, mệt nhọc, đoàn kết giúp đỡ nhau, người khỏe dành phần đeo máy nặng. đeo thêm trang bị của anh em yếu mệt, không để ai rớt lại sau đội hình. Bản thân tôi hồi đó mới 23 tuổi còn rất sung sức cũng thường xuyên đeo hộ chiến sĩ loại máy Pilot nặng trên 20kg. Cán bộ được phát một hộp sữa để bồi dưỡng cũng nhường cho anh em đang sốt...

          Trong quá trình hành quân, ban ngày đơn vị cũng dùng điện đài cơ động giữ liên lạc một số phiên để nắm tình hình hành quân và nhận thông báo của Bộ ở An toàn khu về hoạt động của các chiến trường.

          Để giữ bí mật, các đơn vị phải hạn chế việc liên lạc vô tuyến nhưng phải giữ nghiêm các phiên liên lạc với trên để được thông báo về tình hình địch tránh khuyết điểm của Trung đoàn 36 trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám vì bỏ phiên việc không nhận được lệnh hoãn cuộc tiến công vị trí Mạo Khê Phố nên đơn vị bị tổn thất...

          Trong đợt một chiến dịch Sở chỉ huy chiến dịch ở Khe Lóng gần Ca Vịnh, Ngày 14-10-1952 Trung đoàn 174 đánh đồn Ca Vịnh mở màn chiến dịch ngày 17 và 18 Trung đoàn 102 và 88 tiêu diệt cứ điểm Pú Chạng và Nghĩa Lộ  bắt sống tên quan tư chỉ huy phân khu . Sau 11 ngày đêm các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 316 và Trung đoàn 148 đã diệt 500 địch, bắt trên 1000 tên có nhiều sĩ quan và 300 lính Âu phi giải phóng vùng hữu ngạn Sông Thao và tả ngạn Sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ đường t3 nối yên Bái với Nghĩa Lộ.

          Mạng thông tin chiến dịch tuy hoạt động ở Rừng Núi nhưng bảo đảm liên lạc thông suốt cả ngày và đêm, bộ phận trinh sát kỹ thuật cũng bám sát tình hình địch như trong trận tấn công vị trí Nghĩa Lộ, trung tâm thông tin của địch bị pháo ta bắn trúng ngay từ đầu, địch phải dùng máy sóng cực ngắn liên lạc qua máy bay lượn vòng trên vùng trời để liên lạc về Bộ chỉ huy ở Hà Nội nên ta nắm tình hình địch rất chắc.

Sau đợt một Sở chỉ huy chiến dịch chuyển từ Khe Lóng về Gia Phù. Ngày 17-11-1952 trên hướng chính ta bắt đầu nổ súng tiêu diệt Bản Hoa cùng lúc Trung đoàn 36 phục kích ở Chân Mộng - Phú Thọ diệt 44 xe cơ giới và 400 tên địch của GM4 khi chúng rút từ Phú Thọ về Hà Nội...

Từ ngày 18 đến 25-11-1952 các đơn vị thuộc Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 tiêu diệt nhiều cứ điểm, địch hốt hoảng bỏ Tạ Khoa chạy về Cô Nòi, Đại đoàn 308 truy kích địch trên đường 41 quét sạch địch ở phòng tuyến Sông Đà - Sở chỉ huy chiến dịch cũng chuyển đến Bản Áng (Vạn Yên).

Trên hướng phối hợp ngày 19-11-1952 Đại đoàn 316 tiến công Mộc Châu, chiếc lá chắn trên đường số 6. Ta diệt gọn Mộc Châu bắt sống tên Tiểu đoàn trưởng ; Ở hướng Thọc sâu Ban chỉ huy mặt trận Y13 đã giải phóng Thuận Châu buộc địch rút khỏi Sơn La tiêu diệt 400 địch, bắt sống 1000 tên giải phóng 6 huyện và thị xã Sơn La rộng khoảng 3000 km2 với 100.000 dân.

Trong đợt hai các điện đài của đội 101 vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với các hướng cả trong quá trình di chuyển Sở chỉ huy. Tuy vậy ở các đơn vị, do địch rút chạy Sở chỉ huy Đại đoàn, Trung đoàn cũng di chuyển theo bộ đội truy kích địch trên đường 41. Có trường hợp điện đài không theo kịp chỉ huy đơn vị hoặc điện đài và cơ yếu không bám sát nhau nên tuy giữ liên lạc với đài của Bộ chỉ huy chiến dịch nhưng không có điện báo cáo tình hình.

Đã có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh chiến dịch gọi tôi (đội trưởng đội 101) lên báo cáo tình hình và chỉ thị “Các đồng chí phải có biện pháp chấn chỉnh để không biến tôi thành Tư lệnh “không quân”.

Trong đợt hai còn xảy ra tình huống mất liên lạc với Đại đoàn 316 khi đơn vị tiến công đồn Mộc Châu ngày 19-11-1952. Nguyên nhân là do khi đơn vị ở  xa núi vẫn liên lạc chặt chẽ với đài Bộ chỉ huy chiến dịch nhưng khi tiến công đơn vị tổ chức Sở chỉ huy nhẹ đặt ở trong hang, dùng ăngten thấp nên không liên lạc trực tiếp được với Sở chỉ huy chiến dịch mà phải qua đài của Đại đoàn ở vị trí cũ nên Bộ chỉ huy chiến dịch không nắm được diễn biến trận đánh...

Sau đợt 2 Sở chỉ huy chiến dịch lại chuyển về phía Tây Tạ Khoa trên đường đi Cò Nòi.

Trong đợt 3 chiến dịch ta tập trung lực lượng của Đại đoàn 308 và 312 tiến công tiêu diệt địch ở Nà Sản từ 30-11 đến 2-12-1952. Vì địch thả dù tăng cường lực lượng và tổ chức thành Tập đoàn cứ điểm, các cứ điểm có thể yểm hộ lẫn nhau nên sau khi tiến công hai đợt không dứt điểm được, Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch Tây Bắc và tổ chức hội nghị sơ kết vào ngày 10-12-1952 tại Sở chỉ huy ở Tạ Khoa.

Đối với đơn vị chúng tôi, trải qua 3 tháng hoạt động trên chiến trường rừng núi Tây Bắc, bảo đảm liên lạc với nhiều đơn vị, hoạt động trên nhiều hướng, Sở chỉ huy các cấp di chuyển nhiều lần...nên rút được nhiều kinh nghiệm về tổ chức chỉ huy hành quân, bảo đảm thông tin khi Sở chỉ huy các cấp cùng di chuyển, khi đơn vị truy kích địch...

Ngoài ra còn một số sự kiện đáng nhớ:

1. Lần đầu tiên đơn vị được bổ sung một bộ máy kiểu GRC9 do một đơn vị trinh sát đánh địch thu được. Đây là loại máy tốt hơn loại SCR694 thu được nhiều trong chiến dịch biên giới vì có băng sóng rộng từ 2 đến 12 MCS thuận lợi cho việc chọn tần số bảo đảm liên lạc ban ngày, ban đêm với các đơn vị ở cự ly xa hoặc gần (loại máy này sau ta thu được nhiều ở Điện Biên Phủ).

2. Các đạo diễn xây dựng phim “Chiến dịch Tây Bắc” đã yêu cầu bố trí trung tâm thu phát Vô tuyến điện của Chiến dịch để ghi hình. Sau này khi phim được chiếu tôi thấy báo vụ viên Trần Sỹ Kỳ đang nhận điện, đồng chí Dương Đình Châu-báo vụ chủ nhiệm đứng sau theo dõi và tôi ngồi ở bàn(3).

3. Chiến dịch diễn ra dài ngày ở chiến trường xa, tiếp tế khó khăn nên có thời gian đơn vị chỉ được tiếp tế gạo nếp của đồng bào Tây Bắc. Lúc đầu ăn cơm nếp mọi người đều thích nhưng sau lại thấy ngán, anh em có sáng kiến lấy thùng sắt tây (loại đựng 20 lít dầu hỏa) đục lỗ ở đáy tạo thành chõ đồ xôi, từ đó đơn vị mới ăn hết khẩu phần và mọi người đều lên cân vì gạo nếp bổ hơn gạo tẻ. Tuy nhiên vẫn thèm ăn gạo tẻ nhưng ai ốm mới được ăn cơm tẻ!



VI. THAM GIA CHIẾN DỊCH THƯỢNG LÀO

(Tháng 4 -1953)

          Chiến dịch Tây Bắc kết thúc sớm hơn dự kiến nên ta có khả năng mở tiếp một chiến dịch trước mùa mưa. Đảng và Chính phủ ta đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng nhân dân Cách mạng Lào và Chính phủ kháng chiến Lào phối hợp mở chiến dịch giải phóng Sầm Nưa nhằm giúp Ban mở rộng vùng giải phóng, buộc địch phân tán lực lượng cơ động và ngăn chặn âm mưu địch tái chiếm Tây Bắc hoặc bình định đồng bằng Bắc Bộ. Ban nhiệt liệt tán thành chủ trương của ta, hứa tích cực phối hợp. Trong thời điểm này Bạn có khoảng 1500 người tổ chức thành 6 Đại đội và 24 Trung đội hoạt động cùng quân tình nguyện của ta có 6 Đại đội hoạt động ở Thượng Lào.

          Trong tháng 3 bộ đội ta chuẩn bị và đầu  tháng 4-1953 nhận được lệnh vượt sông Mã, tiến vào đất Lào.

          Đội 101 chúng tôi sau khi dự chiến dịch Tây Bắc lại về An toàn khu hợp nhất với đội 230. Đến giữa tháng 3-1953 được lệnh chuẩn bị hành quân trong đội hình của Sở chỉ huy chiến dịch, đi theo hướng cùng Đại đoàn 308 vượt sông Mã ngày 10-4-1953.

          Cơ quan chiến dịch lần này gọn nhẹ hơn chiến dịch Tây bắc nên đội 101 (tách từ đội 230) chỉ đem theo 6 điện đài cơ động (máy Pilot và 694) có khả năng triển khai liên lạc nhanh trong khi đang hành quân, quân số 45 chỉ bằng 2/3 so với chiến dịch trước.

          Ngày 12-4-1953 theo tin của Trinh sát Kỹ thuật, Bộ chỉ huy chiến dịch dự kiến địch có thể rút Sầm Nưa nên dùng Vô tuyến điện lệnh cho Trung đoàn 102 đang dẫn đầu đội hình tiến quân của Đại đoàn 308 phải tăng tốc hành quân, không bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt sinh lực địch. Chiều 12-4 quân báo của Bộ bám sát địch báo cáo địch bắt đầu rút Sầm Nưa. Bộ lập tức gửi  một loạt mệnh lệnh cho các đơn vị qua các mạng Vô tuyến điện của Đội 101.

Nội dung bức điện quan trọng nhất như sau:

          ...”Địch đã bỏ Sầm Nưa, Sầm Nưa đã được giải phóng nhưng muốn giúp Bạn củng cố căn cứ địa đó thì chúng ta phải tiêu diệt kỳ được sinh lực địch...

          Đường rút chạy của địch khá xa, tinh thần chúng càng kém... chúng ta phải khắc phục khó khăn vượt lên thật nhanh, bám sát và chia cắt địch, chặn đường rút của chúng, tiêu diệt cho giòn, cho gọn...”

          Nhờ kinh nghiệm tổ chức liên lạc Vô tuyến điện khi truy kích trong chiến dịch Tây Bắc nên trong đợt truy kích thần tốc này các đơn vị vẫn báo cáo tình hình về Bộ chỉ huy chiến dịch và nhận kịp thời các mệnh lệnh mới.

          Điện đài ở các Trung đoàn đã bám sát đơn vị, có đài chỉ có một báo vụ và hai chiến sĩ quay máy đã khắc phục mệt mỏi, đói khát giữ vững liên lạc theo giờ quy định và gọi đài canh để kịp thời chuyển điện báo cáo và nhận lệnh.

          Có thể nói đây là một chiến dịch được bảo đảm chỉ huy bằng phương tiện Vô tuyến điện là chủ yếu.

          Nhờ các báo cáo và mệnh lệnh được kịp thời chuyển đến các đơn vị nên tuy địch chủ động rút chạy nhưng ta và Bạn đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã 2800 địch chiếm 1/5 tổng số địch ở Lào, giải phóng trên 4000 km2 gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa và một phần tỉnh Xiềng Khoảng và tỉnh Phong Xa Ly với hàng chục vạn dân. Thắng lợi này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Cách mạng Lào.

          Hậu phương Kháng chiến của Bạn đã được nối liền với vùng tự do Tây Bắc và Khu 4 của ta. Cán bộ chiến sĩ đội 101 rất phấn khởi, tự hào đã bảo đảm liên lạc tốt, kịp thời chuyển các mệnh lệnh góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

          Tuy vậy khi rút quân, bộ phận đi sau của chúng tôi do Chính trị viên Dương Quốc Hưng chỉ huy bị địch thả bom vào đội hình nên có bốn đồng chí bị thương nhưng không ai hy sinh...



VII. THAM GIA CHIẾN DỊCH LAI CHÂU

VÀ ĐIỆN BIÊN PHỦ

(Tháng 11-1953 đến tháng 5-1954)

          Sau khi quân đội Pháp bị thất bại trong ba chiến dịch liên tiếp (Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào) tháng 5-1953 Chính phủ Pháp triệu hồi tướng Xa Lăng và thay bằng tướng 4 sao Hăngri-Nava làm Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

          Nava đề ra Kế hoạch chiến lược nhằm giành lại thế chủ động chiến lược, thực hiện các đòn tiến công chiến lược dành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán trong tình hình có lợi cho chúng hòng kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng.

          Về phía ta, Trung ương Đảng đã dự đoán âm mưu mới của đế quốc Pháp - Mỹ và đề ra kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 gồm 4 điểm:

1. Sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt địch ở thị xã Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu vực Tây Bắc.

2. Ở Liên khu 5, mở chiến dịch tiến công lên Bắc Tây Nguyên, chỉ để lại một bộ phận chủ lực cùng bộ đội địa phương bảo vệ vùng tự do.

3. Phối hợp với quân giải phóng Pathet Lào mở cuộc tiến công vào Trung Lào, Hạ Lào mở rộng vùng giải phóng.

4. Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Đồng bằng Bắc bộ củng cố và phát triển các khu du kích.

          Căn cứ theo kế hoạch chiến lược trên. Đại đoàn 316 được lệnh hành quân lên Tây Bắc tiến công giải phóng Lai Châu.

          Bộ tổ chức Sở chỉ huy tiền phương do đồng chí Hoàng Văn Thái Phó Tổng Tham mưu trưởng chỉ huy.

          Cục thông tin tổ chức Ban Thông tin chiến dịch do đồng chí Hoàng Xuân Vượng, Phó phòng Tham mưu làm Trưởng ban đem theo một lực lượng nhỏ về Thông tin Vô tuyến và Thông tin vận động.

          Tôi lại được chỉ định chỉ huy bộ phận này gồm 2 điện đài, một máy thu, kể cả tổ chiến sĩ thông tin vận động gồm 20 người lên đường vào đầu tháng 9-1953.

          Khi đến hang Thẩm Púa nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương để chuẩn bị tiến công Lai Châu, mạng Vô tuyến điện được tổ chức như sau:

          - Máy 282 liên lạc với Sở chỉ huy Bộ ở hậu phương và đài của mặt trận Trung Lào (cũng do đội 101 cử đi tăng cường cho Đại đoàn 325).

          - Máy SCR 694 liên lạc với Đại đoàn 316 và Trung đoàn 148, Tiểu đoàn 910 là các đơn vị đang bám sát địch ở Lai Châu.

          - Dùng một máy thu canh các đầu giờ (vì lực lượng báo vụ ít không tổ chức canh liên tục được)

          Ngày 23-11 chúng tôi được thông báo là địch cho 6 Tiểu đoàn nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ nên Bộ ra lệnh cho Đại đoàn 316 gấp rút tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu và lệnh cho Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) chốt chặn địch ở Pomlot đề phòng địch rút quân từ Điện Biên Phủ sang Lào.

          Phát hiện chủ lực ta tiến nhanh lên Tây Bắc, Nava quyết định rút bỏ Lai Châu, co lực lượng về Điện Biên Phủ, đồng thời tăng cường lực lượng lên Điện Biên Phủ và xây dựng thành một Tập đoàn cứ điểm mạnh.

          Ngày 6-12-1953 quân Pháp rút khỏi Lai Châu. Bộ Chỉ huy tiền phương đã dùng Vô tuyến điện ra lệnh cho Đại đoàn 316 và Trung đoàn 36 chuyển sang truy kích, chặn địch, không cho chúng chạy về Điện Biên Phủ và Thượng Lào. Sau 10 ngày chiến đấu liên tục Đại đoàn 316 đã tiêu diệt 24 đại đội, giải phóng toàn bộ khu vực Lai Châu, chỉ còn 10 tên Pháp và 175 lính Ngụy chạy được về Điện Biên Phủ.

          Trong đợt tác chiến này hai điện đài của Đội 101 là phương tiện duy nhất đảm bảo cho Sở chỉ huy tiền phương. Bộ nắm tình hình và chỉ huy các đơn vị truy kích. Khối lượng điện chuyển và nhận rất lớn, số báo vụ và máy móc lại ít nên anh em phải làm việc liên tục, có lúc hai báo vụ dùng một máy phát và hai máy thu cùng làm với hai đối tượng để kịp chuyển nhận điện, bản thân đội trưởng cũng tham gia làm một số phiên việc.

          - Trong thời gian này, khi thấy địch đã tập trung tới 12 Tiểu đoàn ở Điện Biên Phủ nên Bộ chính trị hạ quyết tâm chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược và ngày 5-1-1954 Bộ chỉ huy chiến dịch cùng cơ quan lên đường đi Tây Bắc.

          Đồng chí Hoàng Đạo Thúy Cục trưởng Cục Thông tin được chỉ định làm Trưởng ban Thông tin chiến dịch đã điều động thêm lực lượng của Tiểu đoàn 303 (Thông tin Hữu tuyến và chuyển đạt) và đội 101 đề cùng lực lượng đã tham gia chiến dịch Lai Châu bảo đảm thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

          Lực lượng của Đội 101 do Chính trị viên Dương Quốc Hưng chỉ huy đem theo 6 điện đài và nhiều trường đài, báo vụ có kinh nghiệm và sức khỏe tốt. Bộ phận này được hành quân từ An toàn khu lên mặt trận bằng ô tô. Trong thời gian hành quân, mỗi khi nghỉ đơn vị triển khai một hai đài làm việc với đài ở Sở chỉ huy tiền phương và đài ở hậu phương để Đại tướng Võ Nguyên Giáp nắm tình hình các chiến trường và tình hình địch ở Điện Biên Phủ.

          Sau khi đến Sở chỉ huy ở Thẩm Púa, Đảng ủy mặt trận họp và chọn phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong 2 ngày 3 đêm bắt đầu từ 25-1-1954.

          Lực lượng Đội 101 lúc này đã hợp nhất và tổ chức 6 mạng liên lạc, một đài canh để bảo đảm liên lạc với các đơn vị tác chiến ở chiến trường chính Điện Biên Phủ và các chiến trường phối hợp ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Trung bộ và Nam Bộ. Riêng với các đơn vị chủ lực trực tiếp tác chiến ở Điện Biên Phủ, ngoài mạng liên lạc bằng điện báo còn tổ chức 2 máy SCR694 làm liên lạc thoại với các đơn vị, sẵn sàng thay thế khi liên lạc hữu tuyến bị gián đoạn.

          Trước ngày nổ súng, căn cứ theo tình hình địch, Đảng ủy mặt trận họp và quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” các đơn vị phải lui quân về vị trí tập kết. Riêng Đại đoàn 308 phải lập tức hành quân sang Thượng Lào nhằm làm cho địch lầm tưởng ta bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ.

          Trong thời điểm này Vô tuyến điện đảm bảo liên lạc với Đại đoàn 308 tiến công và truy kích địch ở Thượng Lào đồng thời liên lạc chặt chẽ với các đơn vị tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên, ở Trung Lào và Hạ Lào nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động đối phó không tập trung được lực lượng chi viện Điện Biên Phủ khi  ta bắt đầu tiến công.

          Các mạng liên lạc Vô tuyến điện đều hoạt động tốt vì các đài hoạt động ở Trung Lào, Hạ Lào đều do điện đài và báo vụ của đội 101 cử đi tăng cường cho các đơn vị sau khi được tập huấn về nề nếp làm việc và sử dụng loại máy 282 mới được trang bị.

          Trong thời gian Đại đoàn 308 và Trung đoàn 148 tiến công địch ở Thượng Lào, bộ đội ta ở Điện Biên Phủ phải kéo pháo ra và xây dựng trận địa theo cách đánh mới.

          Tiểu đoàn 303 phải củng cố và phát triển mạng Thông tin Hữu tuyến đến các đơn vị đảm bảo việc dùng Hữu tuyến làm phương tiện chính để Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ huy các Đại đoàn, Trung đoàn và các trận địa pháo.

          Về Vô tuyến điện ngoài nhiệm vụ Đội trưởng Đội 101 tôi còn kiêm làm Trợ lý Tham mưu Vô tuyến điện của Ban ba chiến dịch tổ chức tập huấn các trưởng đài về việc dùng chữ đúc để đàm thoại trên mạng 694 và các mạng Vô tuyến thoại của đơn vị dùng máy BC1000 máy 702 và các máy bộ đàm thu của địch trong các chiến dịch trước. Riêng Trung đoàn cao xạ 367 mới được trang bị loại máy 2 watt kiểu 71B, Trưởng ban Thông tin chiến dịch phân công tôi xuống nghiên cứu và hướng dẫn anh em sử dụng.

          Ngày 13-2-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch điện khen ngợi Đại đoàn 308 đã hoàn thành nhiệm vụ ở Thượng Lào và lệnh rút quân về chuẩn bị tác chiến ở Điện Biên Phủ.

          Ở các chiến trường phối hợp, quân và dân ba nước Đông Dương đã thực hiện được mục tiêu chiến lược rất cơ bản là buộc địch phân tán lực lượng ra bốn vị trí (Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên). Ở đồng bằng Bắc Bộ địch chỉ còn ba binh đoàn cơ động. Có thể nói 9 phần 10 lực lượng cơ động của địch đã phải phân tán trước khi ta tiến công Điện Biên Phủ.

          Ngày 13-3-1954, sau một tháng rưỡi chuẩn bị thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, Đại đoàn 312 nổ súng mở màn chiến dịch tiêu diệt vị trí Him Lam diệt 300 tên bắt sống 200 tên xóa sổ Tiểu đoàn 3 thuộc bán Lữ đoàn Lê dương số 13. Ngày 15-3 Đại đoàn 308 và Trung đoàn 165 (312) lại tiêu diệt cứ điểm Độc lập, ngày 16-3 địch ở Bản Kéo ra hàng và tan rã. Như vậy là sau 5 ngày cánh cửa phía Bắc tập đoàn cứ điểm đã được mở toang.

          Trong đợt này Thông tin Hữu tuyến bảo đảm, riêng sáng ngày 15-3 khi địch dùng Tiểu đoàn dù số 5 phản kích hòng chiếm lại đồi Độc Lập đường dây bị sét đánh, đứt liên lạc với 308 nhưng Ban 3 chiến dịch đã dùng điện đài 694 liên lạc với đài của Đại đoàn 312 nắm tình hình để báo cáo vì Đại đoàn 308 ỷ lại vào phương tiện Hữu tuyến không đem theo máy 694. Đây là bài học đầu tiên trong chiến dịch về kết hợp các phương tiện.

          Trong hai đợt sau của chiến dịch, nhìn chung phương tiện Hữu tuyến từ Bộ chỉ huy chiến dịch xuống các đơn vị đều thông suốt, phương tiện Vô tuyến điện chỉ phát huy từ cấp Đại đoàn xuống Trung đoàn, từ Trung đoàn xuống Tiểu đoàn, Đại đội và bảo đảm hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh.

          Lực lượng đội Vô tuyến điện 101 thời gian đầu tập trung ở Sở chỉ huy Mường Phăng nhưng về sau phải chia làm hai bộ phận, một bộ phận dùng hai máy SCR 694 ở Sở chỉ huy để liên lạc bằng thoại với các đơn vị khi Hữu tuyến đứt, một bộ phận do Chính trị viên Dương Quốc Hưng chỉ huy phải chuyển ra Mường Ẩng cách xa Sở chỉ huy 10km để đề phòng địch trinh sát được vị trí và ném bom Sở chỉ huy. Bộ phận này gồm các đài liên lạc với các chiến trường và Sở chỉ huy hậu phương. Giữa hai bộ phận phải cử liên lạc viên đưa điện chuyển nhận hai hay ba giờ đi một chuyến trao đổi điện ở giữa đường, trừ trường hợp có điện tối khẩn thì đi ngay.

          Tóm lại trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ở chiến trường chính dùng phương tiện Hữu tuyến là chính còn đối với các chiến trường phối hợp Vô tuyến điện lại là phương tiện duy nhất do lực lượng đội Vô tuyến điện 101 bảo đảm . Ở Điện Biên Phủ các điện đài đã bảo đảm liên lạc khi Đại đoàn 316 truy kích địch rút Lai Châu, khi Đại đoàn 308 sang chiến đấu ở Thượng Lào và ở cuối chiến dịch đã bảo đảm chỉ huy Đại đoàn 304 truy kích địch ở Hồng Cúm khi chúng rút chạy sang Thượng Lào.

          Sau khi chiến dịch kết thúc, đội 101 để lại một đài phục vụ việc thu hồi chiến lợi phẩm còn toàn đội trở về An toàn khu vào cuối tháng 5-1954.

          Như vậy đối với tôi đây là đợt đi phục vụ chiến dịch dài ngày nhất, từ tháng 9-1953 đến tháng 5-1954 (9 tháng).

          Vì vậy khi về đến hậu cứ ở xã Điềm Mạc thuộc An toàn khu, tôi  rất ngỡ ngàng và xúc động khi được bế cậu con trai thứ hai mà Vợ tôi sinh từ ngày 16-9-1953.

          Lúc này cháu đã được hơn 8 tháng, rất bụ bẫm và được anh chị em ở hậu cứ nói đùa đây là con của chị nuôi quân(4).

          Một lần nữa tôi lại mang nợ với vợ là để cô một mình vượt cạn lần thứ hai!

          Sau khi tổng kết kinh nghiệm chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 (Chiến dịch Lai Châu và Điện Biên) tôi được điều động về phòng Tham mưu làm Trợ lý chuyên ngành Vô tuyến điện, đội 230 lúc này do đồng chí Nông Hải Triều đã công tác ở Nam Bộ từ năm 1946 làm Đội trưởng. Phiên hiệu đội 101 từ đây đã đi vào lịch sử vì Điện Biên Phủ là chiến dịch lịch sử cuối cùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

          Năm 1990 nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến dịch Biên giới (15-8-1950), anh em Cựu chiến binh đội 230 biểu quyết  thành lập "Hội bạn chiến đấu 101-230"  và lấy ngày 15-8 để họp mặt hàng năm.

          Sau khi lĩnh sổ nghỉ hưu (1994) tôi đã được bầu làm Trưởng ban liên lạc đến nay, đã tổ chức trọng thể các lễ kỷ niệm lần thứ 50 (năm 2000) và lần thứ 60 (năm 2010) ngày thành lập đội 101.

          Vì là Đội trưởng từ 1950 đến cuối 1954, đã liên tục phục vụ các Chiến dịch do Bộ tổ chức và chỉ huy nên năm 2001, tôi được Đảng ủy và Bộ tư lệnh binh chủng yêu cầu làm Chủ biên tài liệu “Tổng kết Thông tin Vô tuyến điện trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)”.

          Tài liệu được Viện lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng phê duyệt và xuất bản tháng 6-2002.

          Đến lúc đó tôi mới thấy đã hoàn thành nhiệm vụ đối với ngành Vô tuyến điện quân sự thời kỳ chống Pháp và hoàn thành nhiệm vụ nói lên công lao, thành tích của anh chị em đội 101-230 đã cùng lực lượng TT VTĐ trên các chiến trường... góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.


10. HỘI NGHỊ TRUNG GIÃ VÀ CHUYẾN

CÔNG TÁC VÀO THỦ ĐÔ TRƯỚC KHI TIẾP QUẢN

(Viết nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Thủ đô)

     Đầu tháng 7/1954, vừa từ Điện biên Phủ trở về an toàn khu (ATK), tôi được Cục Thông tin giao nhiệm vụ đến Trung Giã họp Hội nghị ba bên, bàn kế hoạch tổ chức thông tin bảo đảm các hoạt động của Ủy ban Quốc tế.

     Lúc đó tôi mới 25 tuổi, chức vụ là Tiểu đoàn phó Thông tin, nhưng để không “lép vế” với đại biểu Pháp là một quan tư thông tin (commandant de tranmission) tôi cũng được Bộ giới thiệu là Thiếu tá thông tin.

     Trong cuộc họp, đại biểu Ấn Độ, một Trung tá thông tin đề ra yêu cầu bảo dảm thông tin vô tuyến và hữu tuyến cho Ủy ban Quốc tế ở Hà Nội và Sài Gòn liên lạc với các tổ cố định và tổ lưu động làm nhiệm vụ giám sát việc thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ. Phía Pháp chịu trách  nhiệm phụ trách liên lạc với các tổ hoạt động ở Nam vĩ tuyến 17, còn phía Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức liên lạc với các tổ chức giám sát ở Bắc vĩ tuyến 17 (khoảng 20 đầu mối).

     Tuy có nhiều trang bị hiện đại hơn ta nhưng đại biểu Pháp, một quan tư khoảng 40 tuổi-luôn kêu khó khăn làm cho đại biểu Ấn Độ đại diện Ủy ban Quốc tế không hài lòng. Ngược lại, tôi chỉ hỏi rõ địa điểm các tổ giám sát cố định và phương thức hoạt động của các tổ lưu động; thời gian triển khai các mạng thông tin và hứa phía Việt Nam sẽ đáp ứng mọi yêu cầu liên lạc của Ủy ban Quốc tế về hoạt động ở Bắc vĩ tuyến 17.

     Có lẽ cảm thấy ngượng trước thái độ thiện chí của phía Việt Nam hoặc muốn “tìm hiểu” cách giải quyết của ta, viên quan tư Pháp hỏi tôi: “Vậy các ông dùng các phương tiện gì?”.

     Tôi trả lời với giọng châm biếm:

“Dùng những chiến lợi phẩm thông tin thu được của các ông ở Điên Biên Phủ như GRC9, SCR694, Tổng đài BĐ71, BĐ72 …”

      Viên quan tư Pháp tỏ ra vẻ ngạc nhiên và vặn lại: “Loại GRC9 và 694 chỉ dùng liên lạc với cự ly dưới 100 km, các ông làm sao bảo đảm được liên lạc giữa Hà Nội với Lạng Sơn, Mường Xén, Vinh …?”

     Tôi nói: “Trong chiến tranh, chúng tôi đã từng bảo đảm liên lạc ở các cự ly xa hơn bằng các phương tiện đó …”

     Viên quan tư Pháp vẫn nhún vai tỏ vẻ không tin.

     Sau cuộc họp, đại diện Ấn Độ mời dự tiệc; trong bữa ăn ông ngồi gần tôi và bày tỏ nhiều cảm tình với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và hết sức khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông hẹn tôi một tuần sau phía quân đội Pháp sẽ đón tôi vào Hà Nội để nghiên cứu kế hoạch triển khai mạng hữu tuyến giữa các trụ sở của Ủy ban Quốc tế và bàn thêm một số vấn đề cụ thể.

     Tôi báo cáo kết quả làm việc với phái đoàn ta và xin ý kiến về việc vào Hà Nội nghiên cứu “thực địa” để lập kế hoạch tổ chức thông tin liên lạc phục vụ Ủy ban Quốc tế hoạt động ở Bắc vĩ tuyến 17.

     Đồng chí Văn Tiến Dũng, trưởng phái đoàn Việt Nam, đồng ý việc cử tôi vào Hà Nội theo yêu cầu của chuyên viên thông tin thuộc Ủy ban Quốc tế. Đồng chí hứa cử một sỹ quan biết tiếng Pháp và tiếng Anh đi cùng để làm phiên dịch và dặn tôi khi vào thành chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật không làm công tác tuyên truyền để phía Pháp khỏi viện cớ phản đối, gây khó dễ.

     Đến ngày hẹn, phía Pháp đưa một xe Jeep đón tôi và sĩ quan phiên dịch. Chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, quần áo sĩ quan bốn túi, đội mũ có quân hiệu cờ đỏ sao vàng, đi giày da. Chúng tôi ngồi ghế sau, viên sĩ quan Pháp dẫn đường ngồi ghế trước cạnh một trung sĩ lái xe.

     Khi qua cầu Phủ Lỗ, cách Hà Nội gần 30 km chúng tôi gặp vị trí đầu tiên của quân Pháp. Không rõ anh bạn phiên dịch nghĩ gì, riêng tôi cứ thấy trào dâng một cảm giác khó tả, vừa phấn khởi vừa hồi hộp. Phấn khởi vì sau 9 năm hôm nay mới có dịp đi qua mảnh đất quê hương và sắp được đặt chân lên Thủ đô thân yêu, hồi hộp vì từ lúc này mình bắt đầu vào vùng địch tạm chiếm, không rõ đồng bào sống thế nào, thái độ đối với mình ra sao, phía Pháp có gây ra tình huống phức tạp gì không?

     Đang mải suy nghĩ thì xe lại qua một bốt gác do lính Âu Phi canh giữ ở khu vực ao Cả Vực Dê gần Đông Anh, nơi trước đây có một lần vỡ đê tạo nên một cái vực nhỏ. Một cảnh tượng đáng buồn đập vào mắt chúng tôi: một vài tên lính da đen đang “tắm truồng” ở một hồ nước bên đường, trong khi một cô gái điểm son phấn lòe loẹt ngồi cười đùa, chầu trực bên bờ.

     Xe vẫn phóng nhanh, cảnh tượng trên vẫn ám ảnh tôi tới khi xe qua cầu Đuống, sắp đến lối rẽ về nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi. Tôi cố nhìn hai bên đường x203-208em có gặp bà con nào quen thuộc nhưng vì xe chạy tốc độ trên 60km/giờ nên cũng chẳng thấy ai … Chỉ đến khi xe qua cầu Long Biên vì vướng xe đạp, xe xích lô, ô tô phải đi chậm, chúng tôi mới gặp ánh mắt ngạc nhiên của đồng bào đi bộ ngược chiều với xe chạy. Xe qua rồi mà đồng bào vẫn còn ngoái cổ trông theo vì chúng tôi là những sứ giả đầu tiên mặc quân phục, đeo quân hiệu “cờ đỏ sao vàng” tiến vào Thủ đô, ngồi trên xe do lính Pháp lái. Chắc đồng bào còn bàn tán nhiều về sự kiện đặc biệt này…

     Qua cầu Long Biên xe rẽ trái chạy dọc theo đường bờ sông (nay là phố Trần Nhật Duật) để về khách sạn Mêtrôpôn (nay là khách sạn Sofiten). Lại một cảnh tượng đáng buồn diễn ra trước mắt chúng tôi: hai bên bờ sông, đồng bào theo đạo Thiên chúa ở các tỉnh bị giặc tuyên truyền “Chúa đã vào Nam” nên bỏ nhà cửa, ruộng vườn lên Hà Nội chờ ngày chuyển xuống Hải Phòng đi tầu biển vào Nam. Cảnh màn trời chiếu đất của đòng bào làm chúng tôi càng thấy rõ âm mưu thâm độc của giặc sau khi chịu thất bại về quân sự và thêm căm giận bọn phản động đội lốt Thiên Chúa Giáo…

     Xe dừng trước khách sạn Mêtrôpôn. Viên sĩ quan Pháp vào trước tìm gặp đại diện Ấn Độ, chúng tôi đứng chờ ở ngoài cửa và có dịp ngắm nhìn đồng bào đi trên đường phố. Ngược lại, nhiều đồng bào nhất là ở phía đường đối diện cũng dừng lại để ngắm “sĩ quan Việt Minh” với ánh mắt thiện cảm nhưng vì còn nằm trong vùng địch tạm chiếm nên chưa thể bộc lộ hết tình cảm…

     Sau mươi phút chờ đợi, chúng tôi được mời vào gặp đại diện của Ủy ban Quốc tế. Chúng tôi được tiếp đón rất lịch sự, tôi nhớ mãi hương vị cốc nước cam giải khát trước khi làm việc.

     Theo phương án đã được Bộ duyệt, tôi trình bày cụ thể kế hoạch tổ chức các mạng thông tin phục vụ hoạt động của Ủy ban Quốc tế Bắc vĩ tuyến 17, đề ra một số yêu cầu bảo đảm cho số nhân viên thông tin công tác ở tổ giám sát cố định và lưu động. Trước khi xem thực địa các khu vực làm việc của Ủy ban Quốc tế ở Hà nội, chúng tôi nghỉ giải lao 15 phút…

     Tôi vừa vào buồng toa lét thì một nhân viên phục vụ của khách sạn theo vào hỏi tình hình xem ngày nào Chính phủ sẽ vào tiếp quản. Nhớ lời dặn của phái đoàn, tôi không có nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền, nhưng trước thái độ chân thành của anh nhân viên, tôi cũng giải thích tóm tắt về hiệp định Giơ-ne-vơ để khuyên anh và gia đình bình tĩnh làm việc chờ khoảng đầu tháng 10 Pháp rút, đề nghị anh nói với bà con không nên nghe lời tuyên truyền di cư của địch…

           Lên xe rời khách sạn, chúng tôi đi xem một số trụ sở của Ủy ban Quốc tế để lập kế hoạch tổ chức thông tin hữu tuyến. Tôi nhớ nhất là khi vào trong thành, nơi đóng quân của cơ quan quân sự thuộc Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Khi xe dừng trước ngôi nhà hai tầng có biển đề “Bộ chỉ huy Không quân” (sau này là nơi làm việc của Cục nghiên cứu Khoa học Quân sự-Bộ Tổng Tham mưu), chúng tôi thấy một số “tây đầm” từ trên tầng hai ngó ra, chỉ trỏ, bàn tán. Chúng tôi không nghe rõ họ nói những gì nhưng qua dáng điệu, tôi đoán là họ ngạc nhiên vì hai “sĩ quan Việt Cộng” cũng cao lớn không kém gì sĩ quan của họ, không xanh sao gầy còm “hai người bám lên một cành đu đủ không gãy” như họ đã tuyên truyền, đã vẽ tranh châm biếm!

     Sau khi nghiên cứu các địa điểm cần thiết, chúng tôi chào từ biệt đại diện Ủy ban Quốc tế và viên sĩ quan Pháp lại đưa chúng tôi về Trung Giã.

     Trên đường về, trời đã sẩm tối, đường xá vắng vẻ nhưng những cảnh sinh hoạt của đồng bào trong vùng địch tạm chiếm, nhất là đồng bào chuẩn bị di cư vẫn in sâu trong tâm trí chúng tôi và ai nấy đều mong sớm đến ngày về tiếp quản Thủ đô để đồng bào được hưởng cuộc sống tự do, thanh bình và gặp lại những người con thân yêu sau 9 năm xa cách.




11. TÔI LUYỆN THI VÀO ĐẠI HỌC

Sau Cách mạng tháng 8 tôi nhập ngũ và học một lớp Thông tin Vô tuyến điện. Vốn văn hóa trung học, qua quá trình công tác và tự học, trong kháng chiến chống Pháp tôi đã có trình độ Trung cấp Kỹ thuật đã tham gia đào tạo một lớp cơ công Vô tuyến điện sơ cấp. Hòa bình lập lại, vì bận công tác nên sau 5 năm trở về Hà Nội, tôi vẫn chưa có điều kiện học thêm về văn hóa và kỹ thuật. Bỗng nhiên cuối năm 1960, cơ quan cán bộ báo tôi chuẩn bị thi vào lớp Đại học tại chức mở tại Trường Đại học Bách Khoa cho các cán bộ có trình độ văn hóa lớp 9 và trình độ kỹ thuật tương đương trung cấp(5).

Tôi rất phấn khởi nhưng lại lo vì trước khi nhập ngũ mới học hết đệ tứ tương đương lớp 8, nay chỉ còn 12 ngày đã phải dự thi tuyển, làm sao kịp ôn các kiến thức thuộc lớp 7,8 và học thêm chương trình lớp 9, dù chỉ là 3 môn Toán, Lý, Hóa!

Tuy vậy, với tinh thần ham học, không để bỏ lỡ thời cơ, tôi xin phép cơ quan cho nghỉ 10 ngày để “Tự học”

Được nghỉ, tôi liền đề ra kế hoạch “luyện thi” như sau:

- 3 ngày đầu học ôn 3 môn, Toán Lý Hóa lớp 7 và 8.

- 3 ngày học Đại số - Lượng giác - Hình học lớp 9.

- 2 ngày học Vật lý lớp 9.

- 2 ngày học Hóa học lớp 9.

- 1 ngày tổng ôn, và giải đáp thắc mắc.

Phương pháp là học kỹ lý thuyết và làm thêm một số bài tập rồi tóm tắt từng chương vào sổ tay, chỗ nào hiểu chưa rõ hoặc bài tập khó không làm được thì ghi lại để ngày cuối cùng nhờ một giáo viên cấp 3 giải đáp.

Để thực hiện được kế hoạch trên, mỗi ngày tôi phải tự học từ 6h sáng đến 12h đêm, trừ khoảng 2h dành cho ăn uống và vệ sinh cá nhân. Tuy mỗi ngày học tới 16h nhưng với thời gian quá eo hẹp như trên, tôi chỉ kịp học lướt qua các môn như đọc tiểu thuyết.

Cũng may với tuổi 31, sức khỏe và trí nhớ còn tốt, lại có phương pháp học hợp lý, tôi đã hoàn thành kế hoạch “luyện thi” và qua thi tuyển đã đạt kết quả tốt: Vật lý 5 điểm, Toán và Hóa 4 điểm. Với kết quả trên, tôi được nhà trường chỉ định làm Lớp trưởng. Rất tiếc là cuối năm 1963 tôi được cấp trên cử đi học một lớp Chỉ huy Thông tin tại Liên Xô nên chưa kịp làm luận văn tốt nghiệp tại Đại học Bách Khoa. Tuy vậy vốn văn hóa và khoa học kỹ thuật trong 3 năm học tại chức tại Đại học Bách Khoa đã giúp tôi rất nhiều trong gần 30 năm công tác sau này trong ngành thông tin quân sự.

Đến nay mỗi khi bạn bè sinh viên  khóa I Đại học Bách Khoa họp mặt tôi lại nhớ đến đợt “luyện thi” căng thẳng có một không hai thời kỳ đó





(1) Loại đường mía cô lại thành bánh to như viên gạch nặng khoảng 1kg. Đây là loại đường làm nhân bánh trôi.

(2) Hiện nay là Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Bình, năm 1998 nhận quân hàm Đại tá rồi sau đó, đến năm 2000, chuyển ra làm công tác giảng dạy ở Học viện Bưu chính Viễn thông.

(3) Đồng chí Châu và Kỳ đều đã qua đời.

(4) Cháu được đặt tên là Nguyễn Minh, sau này đi học rất thông minh, đã tốt nghiệp hai bằng Đại học (Kiến trúc sư và Họa sĩ)


(5) Trong thời kỳ này chọn cán bộ có trình độ hết lớp 10 rất khó nên trường Đại họcbách khoa lấy tiêu chuẩn hết lớp 9 để dạy thêm lớp 10 trong 6 tháng trước khi dạy chương trình Đại học.
Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét