21/7/15

Trưởng thành từ người lính ( Phần 4/7 )



12- NHẬT KÝ HÀNH QUÂN DỌC TRƯỜNG SƠN



          Cuối tháng 7 năm 1971, sau khi dự tổng kết chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Nguỵ Sài gòn tôi được Bộ tư lệnh Thông tin giao nhiệm vụ vào Bộ tư lệnh quân giải phóng miền Nam để phổ biến kinh nghiệm tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc ở các chiến trường Trị Thiên - Huế, Khu 5 và Lào cho cán bộ thông tin ở B2 và thu thập kinh nghiệm của chiến trường miền Nam (xin xem hồi ức về thời kỳ vào B2 công tác).


          Trong quá trình hành quân vào miền Nam từ ngày 12 tháng 8 đến 27 tháng 11 năm 1971 và khi được lệnh trở ra miền Bắc từ ngày 6 tháng 10 đến 18 tháng 12 năm 1972, hàng ngày tôi đều ghi vài dòng nhật ký. Ngoài ra tôi còn tranh thủ viết thư gửi về gia đình nhờ các đồng chí trên đường ra miền Bắc chuyển đến nhà hoặc qua đường Bưu điện. Đến nay, sau 40 năm tôi còn giữ được cuốn nhật ký và vợ tôi cũng giữ được 12 trong số 14 bức thư tôi gửi ra, nên tôi chép lại nguyên văn trong hồi ức số 12 này để bạn đọc thông cảm với hai câu thơ

          Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa

          Ai chưa đến đó như chưa thấy mình.

                                                             

     I. GHI CHÉP TRÊN ĐƯỜNG VÀO B2

Ngày 12-8:

Lên đường lúc hơn 9 giờ, thời tiết thuận lợi. Cả nhà ra tiễn tận xe, N vẫn giữ được bình tĩnh, M có vẻ cảm động, xe chạy một quãng N còn vẫy tay. Đáng ân hận là lúc đi vội vã không chào được Cụ, xe ra đường mới nhớ!

Xe qua đường Rịa, có đoạn cách rừng Cúc Phương có 6km, hẹn khi về sẽ có dịp thăm rừng…

Tối đến quê đồng chí Óanh, gia đình đón tiếp niềm nở không khí rất cảm động. Họ hàng đến nói chuyện tới khuya.

Ngày 13-8:

          Sau bữa cơm gia đình, xe lên đường lúc 7h30, vì tắc xăng nhiều lần nên đến Trạm QB C4 không sớm như dự kiến, anh em tiếp đón niềm nở để tiễn các đồng chí sắp đi xa. Tối tranh thủ hội ý xác định nhiệm vụ cho anh em.

Ngày 14-8:

Xuất phát sớm, đến Trạm Hà Tĩnh thổi cơm ăn một bữa rất ngon nhưng thừa cơm nhiều vì không có kinh nghiệm đong gạo. 10giờ đi tiếp, qua Cầu Ròn thì suýt đổ xe vì đồng chí lái chủ quan, lái một tay khi qua ổ gà không điều khiển được, xe lao qua một đống đá và thụt bánh trước bên trái xuống một hố cá nhân cũ, xe chổng hai bánh bên phải lên trời, hú vía, giá xẩy ra tai nạn một người nào phải nằm lại thì nhỡ việc. Sau đó thay lái và đến 82C an toàn nhưng gần tối.

          Qua Ba Đồn đã tranh thủ làm nốt công tác chuẩn bị cuối cùng trước khi rời Miền Bắc: “cắt tóc”. Đến 82C được tắm giặt thoải mái nhưng chưa dám giặt quần áo ngoài.

Ngày 15-8:

          Lên đường từ 03 giờ 30, định xuống Cự Nầm qua Trạm 15 lĩnh ít nhu yếu phẩm nhưng vì ban đêm xe chạy quá 7km mới đỗ nên bàn nhau đi thẳng đến Trạm 5 theo kế hoạch cũ.

          9giờ30 bắt đầu rời xe cuốc bộ, bắt đầu cuộc hành quân vượt Trường Sơn. Buổi trưa ăn cơm ở Tổ QB, 13 giờ mới lên đường vào T5, hơn 15giờ đến đồng chí Chính trị viên Trạm tiếp đón niềm nở, xếp ở riêng một nhà và hứa giải quyết các khó khăn về Hậu Cần do việc không qua Trạm 15.

Ngày 16-8:

          Lên đường từ T5 đi T6 lúc 07giờ20. Về hậu cần, được D7 giới thiệu cho các T6,7,8,9,10,11 bảo đảm hoàn toàn, chỉ phải mang một xuất gạo 3kg. Như vậy việc không vào Trạm 15 lại hay, đỡ phải thồ thêm một số thực phẩm để tự túc trong 5 ngày…

          Chặng đường phải vượt qua một dốc khá cao và qua một đoạn đường ô tô đang làm (20K) nên trơn và lầy.

          Anh em đi quen và đeo nhẹ chỉ đi 3-4 giờ nhưng 3 người phải đi 6 giờ mới tới. Tắm giặt toàn bộ, được Ban chỉ huy Trạm bố trí ngủ cùng và chiêu đãi một bữa rau cải ngon tuyệt. Điều đáng buồn là gặp 17 tên đào ngũ!

          Các đồng chí ở đây xa xôi nên chưa biết việc Trung Quốc mời Nich Xơn. Tranh thủ nói chuyện để anh em nắm được.

Ngày 17-8:

Lên đường từ T6 đi T7 theo đồng chí Trạm phó T10. Theo anh em, đây là chặng có dốc cao nhất trong phạm vi D7. Cố gắng theo đồng chí Giống nên đoạn đầu đi nhanh sau đó đồng chí Giống bị lạc, nếu đi theo thì thật vất vả..

Đến T7 lúc 12giờ30, được bố trí vào nhà khách đặc biệt cùng đồng chí Binh trạm phó Binh trạm 32. Buổi chiều trời mưa liên lục nên chẳng đi đâu, ăn xong là ngủ sớm từ 19 giờ. Cơm chiều có măng luộc trộn mì chính là món ngon miệng nhất! Tối ngủ không ngon vì đầu gối và bắp chân bắt đầu đau nhức.

Ngày 18-8:

Lên đường từ T7 đi T8 lúc 06giờ30, vượt sông Tà Lê lúc 8giờ. Qua sông tặng đồng chí lái đò một điếu thuốc Tam Đảo để hoan nghênh thành tích phục vụ liên lạc trên tuyến Trường Sơn từ 1965. Đồng chí lái đò cảm động nói “ở đây một quý chỉ được hút vài điếu”.

Chặng đường có dốc khá cao, đường lầy lội lại bị một chú vắt chui vào chỗ hiểm cắn máu chảy liên tục. Trên đường dừng lại kiếm ít măng cải thiện nên đến Trạm lúc 12giờ30, sau mấy đồng chí đi cùng tới hơn 2 giờ. Gặp một đồng bào Lào muốn đổi dưa hồng lấy lưỡi câu nhưng vì giữa đường ngại dỡ ba lô nên thôi.

          Bữa cơm chiều thật là ngon vì được một bữa canh măng + mắm thịt + mì chính no bụng.

          Buổi chiều trời nắng nên có thì giờ ghi lại tình hình hành quân từ 12/8. Mới lên đường đúng một tuần mà đã rút được khá nhiều kinh nghiệm và thấy thấm thía rằng chỉ những kinh nghiệm nào mình đã trực tiếp trải qua mới thấy sâu sắc.

          Trên tuyến đường bộ mới qua 4 ngày đã thấy nhiều chuyện, vừa tích cực, vừa tiêu cực nhưng điều thấm thía là càng thấy sức người, sức của đóng góp cho cuộc chống Mỹ cứu nước thật là vĩ đại và tuy chân có đau, vai có mỏi, ăn uống có kém chất, quyết tâm đi đến đích vẫn không hề giảm.

          Tối nay cố ngủ ngon để ngày mai vượt qua một chặng đường lầy lội nhất với tinh thần kỷ niệm lần thứ 26 Cách mạng tháng 8 vĩ đại!

Ngày 19-8:

          Đúng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 8, anh em vượt qua đoạn đường phức tạp, vượt qua đủ 3 khó khăn, leo dốc cao, vượt đoạn lầy tới gần đầu gối trong gần 1 giờ, hành quân dưới trời mưa.

          Đến T9 lúc 12 giờ 30, đuổi kịp một đoàn 3 đồng chí đi B4 (Hà, Thành, Châm) đã nghỉ lại đây một hôm. Như vậy là có khả năng khi qua B4 đánh điện báo cáo được về nhà. Buổi chiều hai đoàn bắt đầu ăn chung, đoàn B4 ghé qua Cự Nẫm nên có ruốc bông khá ngon.

Ngày 20-8:

          Hôm nay ngày sinh nhật đồng chí Lôi - chiến sĩ trẻ nhất đoàn, anh em quyết định cải thiện một bữa măng, chỉ cần dừng lại 15 phút là đã có một số măng ăn đủ hai bữa. Đường lại dễ đi hơn nhưng đi hai đoàn chờ đợi nhau nên 12giờ30 mới tới.

          Gặp đồng chí Giống trạm phó đã quen nên được bố trí chỗ ở thuận tiện. Đồng chí Thành (dân tộc Vân Kiều) thạo tiếng Lào nên mua được 2 quả dưa 1đồng 50.

          Bữa ăn chiều mừng sinh nhật “Lôi” thật đặc biệt, ngoài món ăn của Trạm, có thêm canh măng ngọt, dưa chấm mắm tôm ớt, có rượu pha mật ong và sữa. Ăn xong uống nước chè, hút thuốc Tam Đảo, ăn kẹo Hải Châu. Tặng Lôi một ảnh Bác Hồ + Bác Tôn. Kỷ niệm sinh nhật giữa Trường Sơn như vậy thật là đầy đủ.

          Ở T10 nằm gần bản nên đồng bào đem dưa, gà đến đổi nhiều, đổi chác theo nhu cầu hàng hóa, không theo giá trị hàng hóa: 1 cái đèn pin = 6 quả dưa, 1 quả dưa 1 đồng Việt Nam bất kỳ to nhỏ…

Ngày 21-8:

          Chặng đường từ T10 đi T11 là chặng dễ nhất từ hôm đi và cùng là Trạm cuối của D7.

          Đường ít dốc và khô ráo. Có nhiều đồng bào đem gà, chuối, dưa ra đường đổi cho bộ đội: 1 gà trống lấy 1 áo vệ sinh, 1 gà 0kg7 8 đồng VN, 1 bóng đèn pin 3 củ sắn…

Gặp mấy cháu ở Sài Gòn ra, nói chuyện động viên các cháu một lúc, gần đến Trạm lại lấy măng cải thiện và đoàn B4 đổi 8 viên đá lửa lấy 2 quả dưa ăn nên ăn uống vẫn tươi như ngày 20/8.

Ngày 22-8:

          Chặng đường từ T11 đi T12 cũng tương đối dễ. Trời tạnh ráo nên đi thoải mái nhưng lúc đi hết nước nên gần 11giờ phải dừng lại nấu nước ăn phụ.

          Hơn 12 giờ đến Tiểu đoàn bộ D12 được đồng chí Lê Đức Huỳnh Tiểu đoàn Trưởng phổ biến toàn bộ chặng đường của Tiểu đoàn. Do khó khăn về tiếp tế, từ đây cán bộ Trung cấp chỉ được ăn 0đ60, sơ cấp ăn 0đ50, gạo đi vào vẫn được ăn 7 lạng, đi ra chỉ được ăn 6 lạng. Vì chặng sau là chặng dài nhất nên hai đoàn quyết định dừng lại nghỉ ngày 23/8 để lấy sức.

Ngày 23-8:

          Một ngày nghỉ khá thoải mái, phân công hai đồng chí đi lấy măng, hai đồng chí đi câu, kết quả được hai bữa măng tre nấu cua (câu cá nhưng chỉ được cua!).

          Nhân ngày nghỉ phân phối lại tài liệu, mỗi người đem một phần, đề phòng có chuyện gì khỏi mất hết.Thư riêng cũng được xếp lại, giản chính bớt được hàng 10 phong bì.

          Gặp hai đồng chí ở Binh trạm 35 đồng hương với đồng chí Tường nên một số anh em tranh thủ viết thư gửi ra Bắc. Nghe một số gương chịu đựng gian khổ của anh em trên đường giây (đói cơm, đói muối…) càng tăng thêm nghị lực.

          Chiều họp đoàn rút kinh nghiệm chặng đường qua và nêu những điểm cần chú ý trong chặng sắp tới.

          Hơn tuần qua mọi người đều quyết tâm, đoàn kết tương trợ tốt, bảo đảm an toàn tài liệu và trang bị. Thiếu sót là mất một khăn mặt (đi ô tô bị gió bay), 01 bao gạo bị chuột khoét, ngoài ra còn tự động bỏ vài thứ lặt vặt thiếu cân nhắc (túi nilon, kim rỉ…) chặng tới cần chú ý thêm vấn đề phòng không.

          Buổi tối đi ngủ sớm để chuẩn bị 24/8 đi một chặng dài nhất. Tuy nhiên không ngủ được ngon vì không buồn ngủ.

Ngày 24-8:

Hai đoàn dậy từ 04giờ30, định đi trước 6 giờ nhưng do cơm muộn nên 06giờ05 mới đi. Mấy chặng đầu đi khá khỏe, bằng tốc độ giao liên.

07 giờ vượt sông NậmKok vượt chỉ tiêu 10 phút.

11 giờ15 nghỉ lại đun nước ăn trưa xong đi khỏe hẳn lên nhưng đoàn B4 đã thấm mệt.

Kết quả tuy chặng đường xa nhất nhưng chỉ đi mất 8giờ15 nhưng chân ế ẩm hơn mọi ngày nhất là càng gần Trạm đường lại càng dốc.

T13 ở lưng chừng núi không gần suối nên không tắm được, chỉ rửa ráy qua (chặng đường hôm nay vượt qua hai đường xe chạy: đường 128 và đường Điện Biên).

Ngày 25-8:

          Đêm 24/8 mệt ngủ ngon hơn nhưng gần sáng bị thức giấc vì anh em đánh chuột chạy vào màn. Thao thức đến gần sáng, nhớ lại những chuyện tâm tình với N đêm trước ngày lên đường… Sáng dậy hơi mệt nên giờ hành quân đầu không khỏe như mọi ngày.

          06giờ30 lên đường, 11 giờ dừng lại ăn trưa, đồng chí Thành chặt và uốn hộ một chiếc gậy Trường Sơn làm kỷ niệm.

          13 giờ 00 đến Trạm tắm giặt thoải mái. Trạm ở đây đã ở gần các khu vực địch hay ném bom nên phải chú ý phòng không hơn.

          Có một chuyện đặc biệt ở T31 là một thương binh nữ ở B2 ra đến đây thì sinh một cháu trai tuy mới có mang 7 tháng rưỡi. Mẹ không có sữa, con cũng chỉ có sữa bột nên hơi gầy. Anh em ở Trạm tích cực bồi dưỡng cho Mẹ nhưng chưa có sữa.

Ngày 26-8:

Lên đường lúc 06 giờ 30, đường đi ít dốc, nhiều đoạn lại dọc theo đường ô tô từ đường trục vào kho, bãi xe, xưởng trung tu, qua một đường cái (128) và đi ven theo đường giây trần của 559.

Đi qua một bãi bom B52 (toàn bom phạt) và một đơn vị pháo địch đã đánh bom bi. OV10 + phản lực hoạt động liên tục, nhưng đường ta, ta cứ đi, đã có rừng Lào che chở.

Đến Trạm lúc 13 giờ 30 một cách bất ngờ vì ai cũng đoàn còn gần một giờ nữa mới đến. Lấy được nhiều măng nhưng đến Trạm lại mưa to nên nấu khá gay go nhưng quyết tâm là vẫn được.

Ngày 27-8:

06 giờ 45  khởi hành từ T32, 11 giờ đến T33. Đây là chặng ngắn nhất kể từ hôm đi. Đường vượt qua vài khu vực địch mới thả bom cách đây gần một tháng. 09 giờ 30 hành quân qua đường 9 anh hùng, mọi người dừng lại trên đường một lúc, cũng may là lúc phi cơ địch không hoạt động trên đoạn đường này nên không phải vượt gấp.

          Dự kiến đến T33 nghỉ lại một ngày bị phá sản vì Trạm có nhiều khó khăn nên đành phải đi tiếp hai trạm nữa mới có chỗ nghỉ.

          Trạm ở gần suối đá to nên tắm giặt thoải mái, giặt toàn bộ quần áo xong mắc võng ra cạnh suối để tiện trông quần áo phơi. Buổi chiều đổi được hai nải chuối (1 đôi pin cũ + 3 kim khâu) nên mỗi người được 5 quả chuối chín, ngoài ra lại được ăn một bữa chuối xanh nấu cua, người thấy khỏe hẳn lên, sẵn sàng vượt sông Sêbănghiêng ngày mai.

Ngày 28-8:

          Lên đường sớm (06 giờ15) để vượt sông sớm tránh giờ máy bay địch hoạt động. Đến bờ sông lúc 7 giờ30 nhưng đò ở bên kia sông gọi mãi không được, đồng chí Thành phải bắn hai phát súng ngắn mới có đò. Trong khi chờ đò, lần đầu tiên được trông thấy một tốp B52 (mỗi tốp 3 chiếc) gây tội ác. Giá có tên lửa ở đây thì chắc chắn chúng phải đền tội.

          Đúng 08 giờ 28 phút đò qua sông, một sự trùng hợp bất ngờ (8 giờ 28 ngày 28 vượt sông như 09 giờ 27 ngày 27 vượt đường 9). Sông rộng hơn 100m, nước chảy khá mạnh, nước hơi đục vì là mùa mưa.

          Đến T35 lúc gần 14 giờ, sắp đến Trạm thì trời mưa. Trưởng Trạm đón tiếp lễ phép nhưng cách giải quyết thì đáng buồn: mời đoàn nghỉ ngoài trời, nằm tăng võng. Định nghỉ lại một ngày để lấy 4 ngày gạo cách Trạm, 1 giờ 30 để vác vào T36 vì ở đó gạo rất khó!

          Anh em bàn nhau quyết định tranh thủ đi lấy gạo ngay để mai tiếp tục đi không phải nằm ngoài trởi để “dưỡng sức”! Đường đi lấy gạo phức tạp, không có người dẫn nên mình phải trực tiếp đi cùng với Châm - Đại biểu đoàn B4. Hai anh em bị lạc 3 lần nhưng nhờ quyết tâm cao vẫn lấy được gạo về đến nhà, tính ra đi và về mất 5 giờ. Đói và mệt nhưng đã vượt được một khó khăn nên lòng vẫn vui.

          Ban đêm có một chuyện đáng tiếc là Lôi bị mất cắp đôi dép Trung Quốc tuy đã có ý dấu cạnh ba lô. Một bài học kinh nghiệm về cảnh giác.

          Chính trị viên Trạm cố đi tìm cho một đôi giầy vải để đi tạm và cấp cho một giấy chứng nhận để xin bổ sung.

          Ngày 28/8 thật là một ngày đen đủi!

Ngày 29-8:

          Sáng lên đường muộn (7 giờ) vì hôm trước mệt. Vượt một đường xe và đi theo một đường xe mới mở tới 35 phút, gần đến Trạm T36 thấy xác hai con doọc (một loài khỉ) ai bắn bỏ thối cạnh đường. Sau đó gặp một con sóc bay khá to, mọi người dừng lại bao vây định làm một bữa cải thiện trước khi chia tay (với đoàn đi B4).

          Thành và Tường bắn 4 phát K54 nhưng không kết quả, chú sóc tinh khôn đã rúc vào một hốc cây trên ngọn cao nên đành phải lấy măng ăn thay thịt sóc vậy…

          Gần đến Trạm ghé qua Tiểu đoàn bộ D10 lấy giấy giới thiệu và xin cấp dép cho Lôi. Đồng chí Tần chính trị viên Tiểu đoàn đón tiếp niềm nở, tích cực giải quyết mọi đề nghị và tiếp thu phê bình của Đoàn.

          Về T36 nhờ giấy giới thiệu và ngoại giao khéo nên được ngủ trong nhà nhân viên Trạm, tối ngủ một giấc khá thoải mái sau một bữa măng căng bụng và một bữa chè Thanh Hương liên hoan.Tối đầu gối trái đau nhức khó ngủ, nằm mơ thấy đi chơi với N ở Hà Nội dưới trời mưa, 2 người cùng khoác một miếng nilông!

Ngày 30-8:

          Nghỉ lại T36 một ngày khá thoải mái, trời tạnh ráo nên quần áo khô cả, làm được một lon để đựng thức ăn + đun nước và viết một loạt thư về nhà đề chờ thời cơ gửi và gửi thư vào B4 nhờ điện báo cáo về nhà.

          Vì không có điều kiện cải thiện nên đành nấu bắp cải khô. Bữa chiều liên hoan chuẩn bị chia tay có thêm nước thịt lợn và ruốc gà, xong lại uống chè Thanh Hương và hút nốt gói Tam Đảo. Tặng Thành và Châm ảnh Bác Hồ và Bác Tôn làm kỷ niệm vượt Trường Sơn.

          Tối ngủ sớm chuẩn bị mai đi một chặng dài.

Ngày 31-8:

          Lên đường 06 giờ 15 đi T40, định chuẩn bị đổi gà liên hoan nhưng không có thời cơ tuy qua bản La Bao có nhiều người đổi dưa. Gặp khá đông đồng bào Lào trong đó có hai cô mặc “quang treo” rất ngộ và một bà để trần ngực. Bữa trưa ăn cơm nguội với dưa gang sau đó đi một giờ lại uống sữa.

          Vừa may đến Trạm thì bị mưa, may được ngủ trong nhà gặp đồng chí Tá ở 205 cũ giao quân ở B4 xong quay ra nên lại viết thêm một thư tuy thư viết hôm qua đã gửi được đồng chí Thành ở B2 ra Tổng cục Chính trị.

          Thực là “phúc bất trùng lai”

          Tối đi ngủ, hai đoàn trao đổi tâm tình vì sớm mai sẽ chia tay. Đồng chí Hà đổi cho lọ đựng xăng bằng nilon.

          04 giờ 20 bị thức giấc vì B52 thả bom rất gần (khoảng 5km) có lẽ chúng đánh ngầm qua sông Sêlanong.

Ngày 01-9:

          5 giờ 30 ăn bữa sáng liên hoan chia tay, ngoài măng chua có ruốc thịt lợn. 6 giờ hai đoàn chia tay, đoàn mình theo đoàn đồng chí Hoàng Kiện nên qua thuyền vượt sông Sêlanong nhanh chóng không mất thì giờ như ở sông Sêbănghiêng. Đến T41 lúc 11 giờ, vừa đến lại bị mưa. Đồng chí Chính trị viên Trạm rất nhiệt tình, tự tay đem ba lô đưa đoàn đến một nhà khá tốt nhưng sau khi tắm giặt vì có một đoàn Bạn nên mình lại nhường nhà sang ở chung với đồng chí Phụng và Thái mới ở Cục Tham mưu B2 ra.

          Cơm chiều xong chuyện trò rôm rả, giở gói chè Ba Đình ra pha thết 2 đồng chí đã xa Miền Bắc từ 1964. Tối ngủ một giấc ngon chuẩn bị mai đi một trạm kỷ niệm 2/9.

Ngày 02-9:

          Sáng sớm được nghe bài của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc nhân dịp kỷ niệm lần 26 ngày 2/9 sau đó lên đường có giao liên đưa. Đồng chí giao liên đeo bì thư 25 kg nên đoàn lại vượt. Cách trạm một giờ thì bị mưa to, đường trơn, ngã một cái bẩn quần. Đến trạm lúc 12 giờ, được Ban chỉ huy tiếp đón niềm nở và báo cho biết chiều sẽ ăn liên hoan 2/9 có thịt tươi. Thật là may…

          Chỗ ở sạch sẽ, khô ráo. Thêm một cái may nữa là nhờ anh em cắt được tóc xong đi tắm giặt sạch sẽ rồi nấu măng. Bữa chiều thật xứng đáng với 2/9. Trạm cho ăn tiêu chuẩn 1đồng2, có 2 món thịt lợn kho và thịt lợn luộc và món canh măng cải thiện nên khá rôm rả. Sau 3 tuần mới được ăn miếng thịt tươi. Thật là ngọt và ngon!

          Kết quả không ăn hết cơm và thức ăn, phải để lại sáng mai…Cảm động trước sự chu đáo của Trạm, đoàn liền tặng Trạm một ảnh Bác Hồ vẫy chào nhân dịp kỷ niêm 2/9 và ngày giỗ lần thứ 2 của Bác !

Đêm mưa to hai trận nhưng nhà tốt không bị dột.

Ngày 03-9:

          Ngủ quên đến 5 giờ 20 nên 6 giờ 45 mới lên đường, chặng đường lại dài nên 2 giờ30 chiều mới đến. Ban chỉ huy Trạm đã không động viên lại hỏi bây giờ các đồng chí mới đến à? Tiếp đó là báo cáo khó khăn về tiếp tế khách ra và vào đều ăn 4 lạng + muối! May mà đã lấy sẵn khá nhiều măng.

Nghỉ ngơi xong vào Tiểu đoàn bộ D11 hỏi tình hình chung và lấy giấy giới thiệu. Được biết có hai chặng cần đề phòng địch mặt đất vì đi qua một số đồn cũ như LaVi, Phuaxinan, Noọng Bua và T53 chỉ cách Saravan 11 km đường chim bay.

Buổi tối nghe đài mới biết một số tỉnh Miền Bắc bị lụt, Liên Xô và Trung Quốc đều gửi điện thăm hỏi. Thật là một tin buồn đến đúng ngày giỗ Bác!

Buổi tối ngủ ngon vì ngày đi mệt.

Ngày 04-9:

          Lên đường 6 giờ 15, định ninh sẽ đổi được chuối để đỡ đói không ngờ hụt. Đến gần Trạm lại lạc nên đáng lẽ đến lúc 12 giờ mà phải đặt ba lô đi tìm hơn 30 phút mới thấy. Quay lại đón anh em liền bàn nhau nấu măng và tắm giặt trước khi vào Trạm nên 14 giờ mới đến. May mà cải thiện được một số ổi ở bản cũ của dân để thêm chất tươi.

          Bữa trưa ăn lương khô và sữa khá ngon, chỗ ở tốt.

          Buổi tối hỏi đồng chí Chính trị viên Trạm được biết ở Miền Bắc có nạn lụt to chưa từng có trong lịch sử!

Thật là khó khăn, càng gần thắng lợi càng nhiều khó khăn nhưng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng nhất định sẽ vượt qua được.

Đêm trằn trọc ngủ không ngon bằng đêm qua, gần sáng mơ thấy N nằm giường, mình nằm võng!

Ngày 05-9:

          Lại một chủ nhật không nghỉ. Tiếp tục hành quân từ 6 giờ 20 đi T51. Cuối giờ đầu bị một trận mưa bất ngờ gần đến Trạm đổi được 2 quả dưa bằng 6 viên đá lửa. Lại được ở nhà cao cấp, tắm giặt thoải mái.

          Buổi chiều ăn cơm 3 món: canh măng, dưa xào, dưa sống, ăn xong lại tráng miệng dưa. No căng cả bụng mặc dầu chỉ có hai lưng cơm.

Ngày 06-9:

          Lên đường từ 6 giờ 30 đến T52 lúc 12 giờ 30 vì đi đường có nhiều lúc dừng lại đổi chác. Kết quả thật không ngờ: 4 cái kim được 2 quả dưa to, 4 lưỡi dao cạo được 4 bơ sữa bò gạo nếp, 1 viên đá lửa được 6 bắp ngô luộc… Đi rồi còn tiếc là không đổi nốt vài lưỡi dao cạo.

          Đến T52 lúc đầu Trạm bố trí vào nhà nằm võng, sau đề nghị lại được chuyển về nhà đặc biệt. Thật là xứng đáng với ngày nghỉ 7/9. Suối to tắm giặt thoải mái. Chiều ăn cơm có măng cải thiện và dưa đổi.

          Gặp đồng chí Huân trước học Trường sỹ quan Thông tin nay là Đại đội trưởng cán bộ khung đón quân, tạm tăng cường xuống Trạm giao liên.

          Tối ngồi nói chuyện hơi khuya.

Ngày 7-9:

          Một ngày nghỉ thoải mái, trời nắng tiện cho phơi phóng. Bữa trưa làm một bữa cháo gạo nếp ngon tuyệt, thấy người khỏe hẳn lên. Tối lại măng và dưa.

Ngày 8-9:

          Đi từ T52 đến T53 là Trạm cuối của D11. Được đồng chí Huân trực tiếp dẫn đường. Đến gần Trạm dừng lại lấy măng và ăn trưa xong đi cách Trạm độ 15 phút thì có máy bay bắn rocket vào Trạm, sau đó là tiếng phản lực lao xuống. Phải tạm dừng lại sơ tán và yên chí thế nào chúng cũng ném bom Trạm.

          Đang nghĩ may là mình chưa đến Trạm thì lại gặp không may là bị một rắn xanh cắn vào mắt cá chân bên phải. Đau nhói một cái nhìn xuống thì thấy con rắn đang nghển cổ cách chân một gang (rắn dài 25cm màu xanh lá mạ, đầu to hình tam giác). Biết là gay nhưng chưa có kinh nghiệm nên tạm lấy tay bóp chặt cổ chân và nhờ anh em làm ga-rô sau đó bôi thuốc đỏ và tiếp tục đi nhanh về Trạm chỉ thấy chân ngứa, không thấy biến chứng gì nên cũng an tâm, vừa đi vừa nói vui cho anh em khỏi lo.

          Nhờ đồng chí Tường đánh chết con rắn mang về cho quân y biết để điều trị. Đến nơi đồng chí quân y sỹ cấp tốc cho uống hai viên thuốc và hỏi có Mincelam đưa để mổ nặn máu độc (nếu có kinh nghiệm thì khi bị cắn mổ nặn máu độc ngay đồng thời làm ga-rô ở gần chỗ bị cắn nhất). Sau đó tiêm 3 phát sáu ống Novocaine vào chung quanh vết cắn rồi lấy dao trích hai nhát, máu ra nhiều trông tiếc quá (khoảng 10cm3).

          Sau khi tiêm thuốc trợ tim và pênixilin mới bỏ ga-rô rồi uống rượu chống nọc rắn. Hai giờ sau lại tiêm nốt liều pênixilin và cặp nhiệt độ thì may không thấy sốt tuy chân còn sưng và đau nhức. Tin tưởng vào sức đề kháng của bản thân nhưng cũng oán lời nói gở của N.

          Định mai cố đi vì khu vực của Trạm không an toàn. Đề nghị Ban chỉ huy Trạm cho giao liên đeo hộ ba lô vì chặng đường khá dài. Tối đoàn phải di chuyển vào hang, đề phòng địch thả bom tọa độ. Đêm khó ngủ vì các mũi tiêm ở hai tay đau.

Ngày 9-9:

          Đúng ngày kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Binh chủng. Sáng sớm được nghe một bài hát Thông tin nên tăng thêm nghị lực đi đoạn đường dài tuy chân đau. May mà chân chỉ xưng chứ không đau nhức lắm, vẫn đi được theo tốc độ bình thường.

          13 giờ 15 đến T54 thuộc Binh trạm 35, nơi đồng chí Tường quen đồng chí Chính ủy Tam Anh. Hy vọng được bổ sung một số lương thực đường sữa để bảo đảm sức khỏe hành quân.

          Nhờ gửi một điện về Bộ tư lệnh Thông tin qua phòng Thông tin 559 để ở nhà biết tình hình.  

          Gần tối đồng chí Tường mới gọi điện gặp được đồng chí Tam Anh, được mời vào nghỉ, đi suýt lạc vì giữa đường trời tối. Đồng chí Tam Anh bận nhưng bố trí tiếp khá chu đáo.

          Tối ngủ một giấc ngon.

Ngày 10-9:

          Sáng sớm giặt giũ xong được bồi dưỡng một bữa cháo xương vượn, trưa làm một bữa ngô non, có cá rán kho. Đồng chí Tam Anh cấp cho Đoàn 1 kg sữa, 1 kg lương khô, 2 kg đường thật là may và là một sự cố gắng lớn vì Binh trạm đang gặp khó khăn. Gửi lại Binh trạm 35 ba bộ mặt nạ để đỡ nặng và cồng kềnh. Nhờ BT35 gửi một điện về Phòng Thông tin 559 nhờ điện báo cáo tình hình về Bộ Tư lệnh Thông tin.

          Chiều lại được bồi dưỡng một bữa cơm nếp và thịt lợn cùng lớp tập huấn của Binh trạm.

          Tối nghe đồng chí quyền Chính ủy Binh trạm 45 nói chuyện thời sự khoa học kỹ thuật thế giới và đợt vận động chống hữu khuynh trong công tác tuyển quân của Thành đội Hải Phòng 21 giờ mới đi ngủ.

Ngày 11-9:

          Sáng dậy Binh trạm lại thết một bữa cơm no và cử giao liên dẫn ra đường trục, 7 giờ đi mà 10giờ15 đã tới T55, một ngày đi ngắn nhất và đến sớm nhất!

Tắm giặt thoải mái xong nấu cháo ăn. Chiều viết sẵn thư số 5 vì nhân dịp đi vừa được một tháng.

Ngày 12-9:

          Đi từ T55 đến T60 là một Trạm ở rìa suối. Trước khi đến lội 20 phút suối. Tường và Lôi đi đào “dúi” nhưng không kết quả. Ngủ chung với Đoàn 470, được ăn một bữa canh nấm. Lại suýt bị rắn cắn!

Tường đào khá nhiều sâm lá hẹ (sâm nhị hồng) còn mình khâu xong cái màn cải tiến kỷ niệm một tháng lên đường.

Ngày 13-9:

          Dậy sớm từ 4 giờ 30 chuẩn bị vượt sông Bạc, cơm nguội đem theo - 6 giờ 10 vượt sông ở một khu vực địch đã thả bom - qua sông đi một giờ mới ăn cơm.

          Lúc đến Trạm đi đường tắt nên Lôi bị lạc phải đi tìm đến 14giờ30 mới về đầy đủ. Gặp một đồng chí xưng là Trạm trưởng T73 ra Miền Bắc nên tranh thủ viết thư nhưng không gửi được!

T61 là ngã ba rẽ vào B1 (khu 5) ở cạnh một con suối lớn. Trạm tổ chức luộm thuộm, chia cơm ít, thức ăn không có gì!

Ngày 14-9:

          Đi nốt Trạm cuối của Binh trạm 35. Tưởng đến sớm không ngờ bị lạc nên 12 giờ 45 mới đến. Hôm nay hậu môn bị Trĩ bắt đầu đau! (hậu quả của ăn nhiều măng). Chiều lại làm một bữa măng le. Được biết đến mai sẽ được ăn 6 lạng. Phấn khởi!

          Sau một tháng đi trên đất bạn, hôm nay mới thấy một số ruộng ở thung lũng còn toàn là rừng cây và mương rẫy.

Ngày 15-9:

Đi T63 Trạm đầu của 470 và Binh trạm 36.

Chuẩn bị tư tưởng đi 6 giờ nhưng gần 5 giờ đã đến, qua hai dốc và lội suối 1 giờ 20 phút. Bị vắt leo lên đùi cắn mất khá nhiều máu. Đít tiếp tục đau! Không biết những ngày sắp tới ra sao?

Tối ngủ cùng 3 cháu ở Tây Ninh và Sài Gòn ra, một cháu 13 tuổi bị sốt. Đổi 1 đôi pin cũ lấy 1 nải chuối chống táo bón! Bắt đầu từ Trạm 63 được ăn 6 lạng nên no hơn.

Ngày 16-9:

          Đường từ T63 đến T64 tương đối vất vả, hơn một giờ lội suối sau đó liên tiếp 3 dốc khá dài, dốc thứ 3 là dốc Bôphiên mới leo non một nửa đã mất 45 phút thì đến Trạm. Trên đường gặp một đồng chí quân bưu ở B3 (Tây Nguyên) ra Bắc nên gửi được thư số 5 về nhà, có lẽ cuối tháng 10 mới đến.

          Nghỉ ở Trạm một ngày nên được bố trí chỗ ngủ có giường. Chiều tắm giặt toàn bộ xong xem cái Trĩ thấy lòi ra hơn 1 cm, lo quá sau hỏi kinh nghiệm Tường và cố ấn vào còn lại độ 0,2cm đỡ đau. Uống nước sâm lá hẹ nên tối ngủ khá ngon.

Ngày 17-9:

          Nghỉ lại Trạm một ngày, buổi sáng ăn hết xuất cơm 4 lạng để trưa ăn cháo. Sáng trời tạnh ráo phơi quần áo khô. Nghiên cứu được nửa cuốn công tác Chính trị, chiều rút kinh nghiệm hành quân. Tối đi ngủ sớm để mai leo dốc.

Ngày 18-9:

          Leo nốt dốc Bôphiên hết một giờ, sau đó đi 4 giờ đường tương đối bằng. Gần đến Trạm hái được rau tầu bay đầu tiên kể từ khi đi. Vừa đến Trạm T65 thì trời mưa (12 giờ). Chiều ăn canh rau tầu bay rất ngon chỉ tiếc là cơm quá ít. Tối ngủ hơi rét tuy đã đắp cả tăng vì Trạm ở bình độ khoảng 1000 mét.

Ngày 19-9:

          Đêm trước Tường bị sốt nên định điều đình Trạm cho người đem hộ ba lô không ngờ mấy ông Ban chỉ huy giữ nguyên tắc máy móc không giải quyết lại không cho nghỉ lại trừ người ốm!

          Bực quá phải lên Tiểu đoàn bộ gặp Thủ trưởng D18 mới được giải quyết ở lại. Nghỉ đúng ngày chủ nhật nhưng là một ngày nghỉ bất đắc dĩ vì mới nghỉ ngày 17/9! Lòng tin của mọi người về khả năng không bị sốt trên đường bị lung lay, riêng mình vẫn tự tin. Những ngày tới không biết sẽ ra sao vì một người ốm là cả đoàn phải chờ! Thư viết sẵn cho đồng chí Thảo phải sửa lại, cả điện về nhà!

Ngày 20-9:

          Nghỉ một ngày tuy không ăn được gì. Sáng 20/9 Tường vẫn cố đi tuy mình định đưa vào Trạm xá. Mấy giờ đầu đi được nhưng giờ cuối vừa nắng vừa mệt mình phải vượt lên Trạm trước chuẩn bị chỗ ở.

          Trạm 66 này ở gần bản, dân ra đổi nhiều thứ. Đoàn mình cũng đổi được nhiều: trên đường 1 cốc muối được 16 bắp ngô nẩy ra được hơn 1 kg, đến Trạm đổi 2 kim 1 quả dưa và 0kg8 muối + 4 viến đá lửa được một con gà sống non 1 kg. Thế là có chất bồi dưỡng rồi chỉ phiền là Tường ốm không ăn được!

          Mình và Lôi đeo nặng cũng mệt hơn mọi ngày và cả hai đều lo sẽ bị sốt. Đêm ngủ bị chuột khoét ba lô một miếng to vào túi lương khô mà không biết!

Ngày 21-9:

          Được Trạm bố trí người đeo hộ ba lô, Tường lại cố đi đến T71, mình đi trước theo giao liên. Đúng 12 giờ vượt sông Sêkaman bằng thuyền độc mộc, 13 giờ 10 Tường và Lôi đến nhưng phải chờ đến 16 giờ mới có người chở đò tuy mình đã nhắc Trạm 3 lần! Đến muộn nhưng mình đã chuẩn bị chu đáo chỗ nghỉ ngơi và nấu sẵn cháo đỗ xanh. Tối 3 người ngủ giường thoải mái, thời tiết ở đây ấm hơn các Trạm T64,65,66. Tối Tường trằn trọc không ngủ được.

Ngày 22-9:

          Trạm đồng ý cho nghỉ lại. Sáng sớm mình và Lôi khử chú gà, làm được 3 món: xương sẩu nấu cháo, lòng gan và đùi luộc lấy nước suýt ăn cơm trưa, một số thịt còn lại kho mặn ăn dần. Lần đầu tiên từ khi rời Miền Bắc được ăn thịt gà, thật là ngon nhưng lúc trưa do Lôi vô ý để nhặng đậu vào đẻ hàng 100 trứng, tuy phát hiện và rửa được nhưng chiều ăn mất ngon, nghĩ đến lại ghê, giá ở Miền Bắc thì bỏ luôn chỗ thịt gà còn lại nhưng ở Trường Sơn lại phải học tập đồng chí Nguyễn Đức Thuận ở Côn Đảo cố ăn để lấy chất mà hành quân và chống sốt rét. Hôm nay phải chuẩn bị cả việc Tường phải vào Viện 47 nếu mai còn sốt.

Ngày 23-9:

          Đi từ T71 vào T72, nếu Tường không sốt thì hôm nay đã tới T73 để kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến.

          Đường bằng, ngắn đi mất 4 giờ đến Trạm. Tường vẫn mệt nên xin nghỉ lại một ngày để đưa vào Viện 47.

          Trạm ăn uống khá tốt. Chiều thấy người hâm hấp khó chịu đi cặp nhiệt độ, không ngờ lên tới 3803! Tối lên một cơn sốt nóng, lưng đau như dần, đầu nhức, có lẽ sắp bị trùng sốt rét đánh ngã chăng? Tối gặp hai đồng chí ở đoàn 4 ở B3 ra, lại có dịp tốt để viết thư gửi về nhà rồi.

Ngày 24-9:

          Nghỉ lại Trạm, định chiều đưa Tường vào Viện nhưng thấy sức khỏe đã khá, Tường lại xin cố đi. Thôi đành để thử sức vài Trạm nữa! Mà 3 chặng sắp tới còn nhiều dốc.

          Viết một thư dài báo cáo anh Dậu và viết thư số 6 về nhà và thư cho đồng chí Thảo ở B3 (Tây Nguyên) nhờ điện về báo cáo Bộ Tư lệnh.

          Chiều lại sốt nóng, trời lại mưa to.

          Gặp đồng chí Chuyên và Tân ở B3 ra, rang ngô ăn nói chuyện đến khuya mới đi ngủ. Lúc ngủ lại phải chữa dột nhà mãi mà đêm nước vẫn theo ni lông chảy vào ẩm cả lưng nhưng vì mệt nên vẫn ngủ…

Ngày 25-9:

          Chặng hôm nay là chặng thử sức cả hai người: Tường thì mới khỏi sốt còn mình thì đang sốt! 5 giờ đầu còn đi cả bằng chân và đầu nhưng hơn 2 giờ sau chỉ còn đi bằng đầu vì sốt, toàn thân mỏi nhừ. Đến Trạm 13 giờ 40 được tiếp đón khách chu đáo có thể nói đây là một Trạm giao liên kiểu mẫu nhất, thấy nói đang xây dựng thành Đơn vị anh hùng, quả là xứng đáng.

          16 giờ y tá cặp nhiệt độ phải ngạc nhiên vì tới 400 mà bệnh nhân vẫn tỉnh táo, chủ động đề nghị cách điều trị và vẫn ăn được một bát cơm. Ăn xong uống một loạt thuốc chống cảm sốt, viêm họng, sốt rét + thuốc bổ rồi đắp chăn cho toát mồ hôi…

Chập tối mồ hôi ra ướt đẫm người, phải cởi áo lót lau.

Ngày 26-9:

          Nghỉ lại Trạm không đi tiếp được theo dự kiến cũ. Buổi sáng nhiệt độ trở lại bình thường nhưng người mỏi mệt và sút đi trông thấy.

          Viết lại bức thư gửi B3 vì tình hình có khác…

(Hôm nay sau mấy ngày mỏi mệt mới viết tiếp)

Buổi trưa ăn một bát cháo và hơn 1 bát cơm sau đó thấy khó chịu đành nôn. Y tá quyết định cần tiêm quinine! Thế là đúng bị vi trùng sốt rét đánh quỵ rồi!

Ác thật, đường đi mới được một nửa! Hy vọng nghỉ lại thêm một ngày sẽ đỡ và tiếp tục đi được.

Ngày 27-9:

Ngày thứ hai nghỉ ở Trạm. Tình hình sức khỏe không tiến bộ, lại bị nôn. Có lẽ đến phải vào bệnh xá mất.

Tối dự kiến 2 khả năng: sáng mai nếu đỡ thì đi cố đến T74 mới vào đội điều trị, nếu mệt thì đành ở lại.

Ngày 28-9:

          Trước khi lên đường mới quyết định là đành phải vào bệnh xá vậy. Tường và Lôi cứ đi trước, vừa đi vừa nghỉ chờ đến T82 có thể kịp.

          Đồng chí Tế y tá đưa mình vào bệnh xá, được chú ý chăm sóc ngay. Nằm chung lán với hai thanh niên có nhiều nét đáng yêu:

          - Đồng chí Cảnh Đại đội trưởng đặc công vào Viện vì vết mổ đau lại. Cảnh trước ở F2, có nhiều mẩu chuyện vui, là chủ lực trong việc cải thiện sinh hoạt.

          - Dũng một thanh niên Hà Nội, đã là sinh viên năm thứ 4 ở Cao đẳng Mỹ thuật nhưng tình nguyện vào bộ đội rồi đi B trong khi do sự can thiệp của gia đình đã được quyết định về Trường. Là một thanh niên có tâm hồn khá trong sáng và vốn hiểu biết khá. Đã làm chiến sĩ súng cối, làm ở tòa báo Thanh niên, viết sử Trung đoàn rồi lại xin về  đơn vị. Chiến đấu dũng cảm, linh hoạt được Bằng khen. Phải vào Viện vì đau dây thần kinh hông.

          May mắn được nằm cùng hai đồng chí tốt!

          Được bác sĩ khám, đồng chí Luật chính trị viên D16 đến thăm và anh em nhiệt tình chăm sóc. Hy vọng sau 5 ngày sẽ ra Viện được.

Ngày 29-9:

          Ngày thứ hai ở Viện, cơn sốt đã giảm nhưng vẫn rất mệt vì đêm khó ngủ, đầu nhức, đi còn chưa vững.

          Tối được anh em chiêu đãi một bữa cháo gà khá ngon và cảm thấy khỏe hẳn lên.

Ngày 30-9:

          Hy vọng hôm nay dứt sốt đã bị lung lay. Nhiệt độ buổi trưa vẫn còn 380! Buổi sáng chó sói cắn thủng ruột một con lợn 55 kg của bệnh xá nên chiều được Ban chỉ huy Trạm thết một bữa cơm 5 món, tiếc vì người còn hơi mệt.

Ngày 1-10:

          Trùng sốt rét tiếp tục ngoan cố, nhiệt độ vẫn 3708 nhưng người cảm thấy khỏe hơn. Cố phấn đấu đến 2/10 cắt sốt.

Ngày 02-10:

          Sáng dậy cặp có 370, đi tắm giặt toàn bộ nên trưa và chiều nhiệt độ lại lên 380-3805, ăn không ngon.

          Hơi hối hận về việc đi tắm. Thế là chương trình ra viện sau 5 ngày không thành!

Ngày 03-10:

          Người dễ chịu hơn, nhiệt độ còn 3702. Hy vọng!

          Buổi trưa lại lên 3704 và buổi tối không dễ chịu hơn. Hy vọng ra Viện vào 4/10 chắc là không đạt!

Ngày 04-10:

          Buổi sáng nhiệt độ lại lên 3704 và trưa lên 380

          Tình trạng sức khỏe lại như ngày 2/10. Bác sỹ cho đổi thuốc ngừng tiêm Quinine, chỉ tiêm bắp.

          Hôm nay Cảnh ra Viện về Tiểu đoàn nên hơi buồn, tuy có thêm đồng chí Nhượng Tổng cục Chính trị vào hôm qua nhưng không khí vẫn vắng vẻ hơn. Nay đã là 7 ngày nằm bệnh xá rồi, không biết đến ngày thứ 10 có ra được không? Còn Tường và Lôi liệu có bị sốt không?

          Chiều và tối vẫn phải tiêm quinine để trị sốt.

Ngày 05-10:

          Bác sĩ nói có thể mình bị nhiều loại trùng sốt rét tấn công nên sốt liên miên còn nếu là loại Vivac thì chỉ sốt cách nhật. Lại uống thuốc, lại tiêm liên tục!

          Bây giờ mình đã chán việc đặt mức ngày ra Viện vì chưa có triển vọng gì.

Ngày 06-10:

          Tiếp tục tiêm đến phát quinine thứ 21, hai mông đau ê ẩm. Bác sĩ kết luận là sốt rét dai dẳng, thử đổi thuốc chỉ tiêm bắp, nghỉ tiêm mông.

Ngày 07-10:

          Vẫn sốt về trưa và chiều, triển vọng chưa có gì. Thế là 10 ngày đã trôi qua!

Ngày 08-10:

          Y tá phải phóng bế Novocain vào hai mông cho đỡ sưng, tiếp tục tiêm bắp và uống thuốc nhưng tối vẫn sốt.

Ngày 09-10:

          Buổi sáng nhiệt độ xuống 3607. Thật đáng phấn khởi!

          Lại phóng bế, lại tiêm thuốc. Kết quả tốt, buổi tối chỉ lên 3702 chơi cờ để giết thời gian.

Ngày 10-10:

          Đêm ngủ ngon, sáng nhiệt độ 370. Hy vọng mai xin ra Viện nhiệt độ tiếp tục giảm, hy vọng mai sẽ ra Viện để ngày kia đi tiếp.

Ngày 11-10:

          Bác sỹ khám đồng ý để mai ra Viện. Tiếp tục tiêm Peniciline và uống thuốc viên. Thần kinh hôm nay trở lại ổn định, lại chơi cờ và hoạt động bình thường.

          Tối nghe đài đến khuya.

Ngày 12-10:

          Tiếp tục tiêm hai mũi nhưng nhiệt độ bình thường.

          13 giờ 30 ra Viện về Trạm 73 cùng đồng chí Nhượng - Cục Chính sách, mai sẽ hành quân. Thế là bị sa lầy tại cái rốn Đông Dương này tới 17 ngày! Và ngày hôm nay cũng là ngày rời Miền Bắc được tròn hai tháng.

Ngày 13-10:

          Ngày đầu của tháng thứ ba trong cuộc hành quân, ốm 17 ngày mới khỏi nên đi còn mệt nhưng cũng đến Trạm T75 lúc 11 giờ 30 vượt xa dự kiến. Cố đi chặng ngày mai nữa là sẽ hết dốc.

Ngày 14-10:

          Sáng sớm vượt dốc cuối cùng của 470 hết 1 giờ 20 phút gần 13 giờ mới đến Trạm. Đồng chí Nhượng gặp đồng hương nên được ăn một bữa cá.

Ngày 15-10:

Đi từ T76 sang T77, 7 giờ 40 vượt sông Sêxurông hơn 50 mét. Gần 12 giờ đến Trạm. Trạm mới di chuyển nên phải nằm võng. Đêm rét quá, mất ngủ từ 2 giờ.

Ngày 16-10:

          Đi từ T77 sang T78 toàn đường mới, 10 giờ 50 đã đến. Trạm cũ chưa chuyển nên được nằm giường.        Chỉ còn hai Trạm nữa là hết Binh trạm 37.       Chiều được ăn một bữa canh rau bí khá ngon.

Ngày 17-10:

          Đường từ T78 sang T79 phần lớn theo đường xe cũ, 12 giờ 30 đến Trạm. Trạm mới chuyển nên phải nằm ngoài trời, căng tăng. Chiều được một bữa thịt bò tót do T80 cho. Tối ngủ khá ấm.

Ngày 18-10:

Đường từ T79 sang T80 dự kiến đi hết 7 giờ 30 phút nhưng thực tế 12 giờ 45 đã đến. Tắm giặt thoải mái, chuẩn bị mai sang Binh trạm 50. Trạm mới bắn được bò tót nên được ăn 3 bữa thịt bò băm kho mặn.

Ngày 19-10:

          Từ T80 sang T81 phải qua sông Nậm Công lúc 7 giờ 45, gần tới Trạm đồng chí giao liên bắn được một con chồn đá gần 2kg. Bữa chiều được ăn đậu hầm thịt trâu lạ miệng khá ngon. Được biết Tường qua Trạm ngày 9/10 trước mình 10 ngày.

Ngày 20-10:

          Trạm T81 đi 82 là nơi tiếp giáp hai nước Miên - Lào 12 giờ 45 đến bờ suối Tà Ngân phải chờ đò đến 12 giờ 50 mới có đò, 12 giờ 53 phút đặt chân lên đất Cămpuchia. Cảnh vật thì vẫn chẳng khác gì ở Lào. Đến Trạm lúc 14 giờ 25, được biết Tường đến ngày 11/10 có viết thư để lại nhưng Trạm giặt nát mất, tinh thần là vẫn vừa đi vừa chờ, sức khỏe Tường và Lôi đều tốt. Hy vọng đến T94 sẽ đuổi kịp.

Ngày 21-10:

          Sáng vào đoàn 470 để gặp anh em Thông tin và đề nghị cho đi canô. Anh em ở Ban Thông tin đón tiếp niềm nở mặc dầu mới gặp lần đầu. Buổi trưa được thết một bữa bánh cuốn, lòng lợn, thịt bò khô. Buổi chiều xuống thăm Đại đội Thông tin gặp đồng chí Dục ở Quân lực Bộ Tư lệnh Thông tin làm Đại đội trưởng, anh em mời nói chuyện thời sự xong cắt hộ tóc và chiêu đãi một bữa cơm có trứng rán, thịt bò, đậu. Ăn đã no xong lại phải cố ăn bát chè nên lúc về no tức cả bụng!

          Tối làm việc với đồng chí Hiên (CNTT) xong lại thết hai bát cháo sữa. Đồng chí Dục lại tặng 1 hộp sữa và 1 gói đường.

Ngày 22-10:

          Sáng dậy anh em lại chiêu đãi một bữa có cá kho, thịt rán. Đồng chí Hiên lại gói cho một gói thuốc lá, một gói đường và một bánh xà phòng. Thật là cảm động trước sự chăm sóc của anh em! 13 giờ đến T83 được biết Tường mới đến ngày 19 và đi luôn 20/10 như vậy là chỉ trước có hai ngày, có lẽ một trong hai đồng chí đã bị ốm phải nằm lại Trạm xá 82 một tuần gì đó.

          Mừng là sắp đuổi kịp đoàn sau gần một tháng xa cách - Đến Trạm lại tắm giặt thoải mái.

          (Sáng nhờ đồng chí Hiên điện báo cáo về Bộ Tư lệnh tình hình đi đường). Buổi tối nói chuyện với một nhân viên Trạm được biết đồng chí Tường qua đây ngày 14 không phải ngày 19 như vậy hợp lý hơn nhưng có lẽ đến T94 mới đuổi kịp.

Ngày 23-10:

          Đường từ T83 đi T85 4/5 là theo đường tuyến nên đi thoải mái, 11 giờ 30 đã đến. Tân ốm phải nằm lại T83 đoàn còn có hai người!

          Chiều ăn canh măng khá ngon. Thừa nhiều thì giờ lại tiếc quên không đem cuốn sách học Tiếng Anh.

Ngày 24-10:

          Đường từ T85 đi T86 ¾ cũng theo đường ô tô, có nhiều dấu chân voi, chân bò tót và cả chân hổ.

          Đến Trạm 86 được ăn thịt Vượn và thịt lợn rừng. Gặp Long, thế là đoàn lại có 3 người.

Ngày 25-10:

          Đi từ T86 đến T87 hết 5 giờ, 2/3 đường đi ven sông Sêkông, nhìn qua bờ phía Tây lác đác có một số nhà dân lợp tôn. Nước sông lên to, giá được đi ca nô thì tốt quá. ½ đường đi qua toàn rừng dầu khá nắng. Đến T87 được biết Tường và lôi đi ngày 19/10, thế là còn hơn mình một tuần.

          Đúng ngày Trạm thịt trâu nên được ăn hai bữa ấm chân răng.

Ngày 26-10:

Đi từ T87 sang T88 Trạm đầu của Binh trạm 51 hết 4 giờ, qua một suối to phải đi đò. Bắt đầu gặp dân Cămpuchia đánh cá.

          Đường tiếp tục ven theo sông Sê Kông, nước to và đục như nước Sông Hồng. Trạm ở ngay vĩ tuyễn 14, thế là cách Hà Nội tới 1050 km đường chim bay.

          Buổi chiều được ăn một bữa cá tươi do dân cho.

          Có cá làm vạ cho cơm nhưng không ngờ ăn xong thấy người hơi say, nôn nao. Một lát sau cán bộ Trạm xuống thông báo là ăn phải loại “cá say” (Cá ăn chất mã tiền) nên nhân viên Trạm và khách đều bị say và nôn.

          Cả đêm Long nôn ọe, đồng chí Nhượng thì đau bụng, còn mình chỉ khó ngủ nên hơi mệt.

Ngày 27-10:

          Sáng dậy Trạm tiếp tục cho ăn cá. Nhượng và Long không dám ăn, riêng mình chọn chỗ nạc chén. Ăn xong cũng hơi thấy say nhưng vẫn đi khỏe. 10 giờ 30 đến Trạm 89 được biết Tường đến ngày 20 và đi 21/10, thế là vẫn trước một tuần, có lẽ khó đuổi vì đợt này Tường đi liên tục không có ý định chờ.

Ngày 28-10:

          Đi từ T89 đến T90, đường đi có 3 giờ nhưng đi dềnh dàng nên 10 giờ 45 mới đến. Có thời cơ đi thẳng đến T91 nhưng không ai hưởng ứng nên đành nằm lại.

          Bến sông tốt nên tắm giặt được. Đường đi qua 14 cầu và có nhiều vắt (bắt được 23 con).

Ngày 29-10:

Đường từ T90 đến T91 ngắn, nghỉ có một lần ở Trạm trực nên 10 giờ 10 đã đến (sớm nhất từ trước tới nay).

          Nếu hôm qua quyết tâm hơn thì 14 giờ cũng đến đây rồi. Trạm đánh được nhiều cá nên được ăn hai bữa vừa cá kho, vừa nấu canh.

Ngày 30-10:

          Sáng đi từ 6 giờ 20 nhưng 11 giờ 15 mới đến Trạm 92. Anh em giao liên bắn được một con hoẵng khoảng 15 kg chia đôi cho hai Trạm 91 và 92.

          Đường đi nhiều vắt hơn cả hôm 28/10, tổng cộng bắt được 32 con. Chiều được ăn thịt hoẵng, không ngon bằng thịt lợn rừng.

Ngày 31-10:

          Đường đi từ T92 sang T93 chia làm 2 chặng: ban ngày đi đến bờ sông Xê Xan, nghỉ lại chập tối mới vượt sông đi tiếp. Trạm nghỉ ở sát bờ sông, tắm giặt thoải mái, ngắm phong cảnh đẹp và nếu đi câu chắc chắn được nhiều cá. Cơm chiều ăn cá khô rán thoải mái. 17 giờ 45 qua sông bằng thuyền có máy đẩy, đi bộ 45 phút đến Trạm, vừa may đến nơi mắc màn xong thì mưa to.

Ngày 01-11:

          Bước sang ngày đầu của tháng 11 cũng là ngày cuối cùng đi trên tuyến 470. 10 giờ 30 đến trạm 94, vượt đường 19 lúc 9 giờ 55 cách ngã ba gặp đường 13 chừng 3km.

          T94 có suối trong, tắm giặt thoải mái, chỗ nghỉ tốt, giá không vội thì có thể nghỉ lại một ngày.

          Bữa chiều được ăn thịt voi sấy khô, thế là trên tuyến Trường Sơn đã được ăn khá nhiều loại thú rừng: Vượn, doọc, Nai, Hoẵng, Bò tót, Lợn rừng, Voi…

          Đường từ T94 sang Trạm "T1 giải phóng" chỉ có 2 giờ nhưng đi chùng chình nên 9 giờ 30 mới đến. Trên đường đi có bộ xương Voi ăn thịt hôm qua do T1 bắn.

          Đến Trạm được phát ngay 1 hộp sữa và 0kg4 đường theo tiền tiêu vặt 60 ria của tháng 11 (nếu đến sớm 2 ngày thì được lĩnh cả tiêu chuẩn tháng 10).

          Hỏi ra mới biết đây là C18 thu dung. Chiều liền gặp đồng chí Năm Lưu Đại đội trưởng đề nghị cho đi phương tiện, còn đồng chí Nhượng phải nằm chờ vì giấy tờ chưa đủ.

Ngày 03-11:

          Nghỉ lại C18 tắm giặt toàn bộ. Ra T1 giao liên liên hệ được các đồng chí xếp cho đi chuyến 4/11 không chờ phương tiện vì không bảo đảm an toàn. Cả ngày được ăn thịt trâu, chiều từ biệt đồng chí Nhượng để sang B2 chuẩn bị hành quân. Tối khó ngủ vì ngủ chung với Tổ anh nuôi.

Ngày 04-11:      

          Đường đi đến T1B chỉ có 2 giờ, họ lại ủy nhiệm làm Trưởng đoàn nếu không thì có thể đi một Trạm.

          Bữa trưa được ăn ruốc thịt Voi và cá rán, tối uống trà “con trâu”. Rất gay là từ trưa, thấy người gây gây sốt, uống 4 viên Nivaquine thấy dễ chịu đã mừng. Tối khó ngủ.

Ngày 05-11:

          Đường đi hơn 3 giờ qua một dốc ngắn (bình độ 250).

          11 giờ đến T2 lại bắt đầu sốt nóng, mệt hơn hôm qua! Có lẽ lại phải vào Viện lần thứ hai!

          Suốt cả chiều và tối, chỉ ăn được nửa bát cơm. Đêm không ngủ được mấy.

Ngày 06-11:

          Sáng dậy định cố đi đến T3 để vào bệnh xá nhưng chóng mặt đành phải ở lại T2 để mai đỡ mệt mới đi. Dù sao cũng cố phấn đấu không vào bệnh xá nữa vì sắp đến đích rồi. Chiều tiêm quinine nên tối dễ chịu, nằm nghe sân khấu truyền thanh xong là ngủ được.

Ngày 07-11:

          Đường đi T3 mất có 3 giờ 10 phút, trước khi đến Trạm 35 phút phải lội qua một suối to. Đến Trạm gặp một đoàn cán bộ ở B2 ra thật là may mắn, vừa hỏi được đường vào, vừa gửi được thư ra Hà Nội, tiếc vì thời gian gấp nên không viết được dài. Thấm thoát đã đến ngang vĩ tuyến 13, nếu khỏe thì hôm nay có thế vượt Trạm.

          Buổi chiều ăn cơm trong Trạm lại có thêm một món mới: thịt kỳ đà kho hạt tiêu ăn tương tự thịt gà trống.

          Chập tối lại tiêm nên giảm sốt hơn, tổng cộng hôm nay đã ăn được tới 6 bát cơm, hy vọng không phải đi nằm bệnh xá.

Ngày 08-11:

          Trạm tổ chức liên hoan tổng kết cuối năm,  anh em rất nhiệt tình mời nghỉ lại một ngày nhưng vì nóng ruột nên vẫn cố đi.

          Đường đi T4 qua một trảng trống 2 giờ nên 12 giờ 30 mới đi, đến nơi vừa sẩm tối. Buổi tối ngồi nói chuyện với anh em giao liên và dự liên hoan uống trà, ăn chè con ong và cốm, khuya mới đi ngủ, đêm mưa lại phải dậy căng tăng.

Ngày 09-11:

          Buổi sáng giặt giũ, phơi phóng, 10 giờ gặp đoàn đồng chí Tiên ở B2 ra nên ở lại viết thư số 8 về chúc Tết nhà. 15 giờ đi, 16 giờ qua sông Cô Riêng bằng đò, 19 giờ mới đến Trạm, khá mệt nên bỏ cả cơm đi ngủ ngay.

Ngày 10-11:

          Người vẫn mệt, nhức đầu, trưa lại sốt nhưng vẫn cố đi vì nằm lại sẽ ốm thêm. 18 giờ đến T6 được ăn cơm nếp lòng lợn nhưng người mệt không thấy gì là ngon. Đêm được ngủ giường thoải mái.

Ngày 11-11:

          Đầu vẫn nhức, gần trưa vẫn sốt nhưng quyết tâm vẫn đi cũng lại vừa sẩm tối mới đến T7, mệt nhoài. Nghe nói chặng ngày mai dài hơn, lo chưa đi nổi.

Ngày 12-11:

          Buổi sáng dậy đầu vẫn nặng. Cơm sáng và trưa có đậu đũa, củ rau sào nhưng cũng không ăn được quá 1,5 bát. Tuy nhiên người cũng đỡ mệt và vẫn cố đi. Chặng đường dài nhưng nhờ Trạm cho đi từ 12 giờ nên 17 giờ đã đến. Lại mệt nhiều, căng màn xong vừa tối là đi ngủ ngay. Đêm bị kiến đốt và ve cắn nên khó ngủ.

Ngày 13-11:

          Sáng dậy bị choáng, cố đi lấy nước sôi về pha sữa và lấy cơm để lúc đỡ mệt ăn. Cố nuốt được gần 2 bát thì khi còn 2 miếng cuối cùng là phải đổ và nôn ra mất một bát! Tuy vậy nếu từ sáng đến trưa sức khỏe khá lên thì sẽ xin hành quân ngay không nghỉ một ngày theo quy định.

          Buổi trưa cố ăn cơm vì có rau cải luộc (ăn thoải mái) và 13 giờ lên đường. Chặng đường ngắn lại được đồng chí giao liên thồ hộ ba lô vào xe đạp nên đi không mệt. Một sự bất ngờ là đến T9 thì gặp Tường ra đón.

          Thì ra vì đi loanh quanh tìm Trạm cho đi phương tiện và vào Viện nên các đồng chí ở đây 6 ngày, mai định đi. Thật là may mắn, nếu mình nghỉ lại T8 thì mất thời cơ ngàn năm có một này. Anh em gặp nhau đều mừng.

          Tối nằm thao thức suy nghĩ về chặng đường đã qua và chặng đường còn lại.

          Từ 12/8 toàn đoàn ở Hà Nội đi chung với nhau được đến 27/9 thì chia ly đến 13/11 mới lại gặp nhau. Tính ra có một sự trùng hợp đặc biệt: đi chung một tháng 16 ngày mà đi riêng cũng một tháng 16 ngày. Thôi từ nay quyết tâm cùng dìu nhau đến đích.

Ngày 14-11:

          Nghỉ lại T9 chờ đồng chí Chính trị viên đi liên hệ để đi đường tắt bằng phương tiện. Giặt giũ, nghỉ ngơi, chiều tiêm thuốc nên cũng đỡ mệt. Chiều mưa, lạnh nên đi ngủ sớm. Tối nhức đầu nên ngủ không được ngon.

Ngày 15-11:

          Buổi sáng cảm thấy dễ chịu hơn. Tiếp tục nghỉ chờ kết quả liên hệ. Tối vẫn chưa có tin gì, sức khỏe không tiến bộ, vẫn nhức đầu.

Ngày 16-11:

          Buổi sáng có thư đồng chí Hốt gửi về nói họ đồng ý nhận đoàn quân lực nhưng phải thanh toán tiền ăn từng ngày không như bên quân sự, nếu không giải quyết được thì lại đi tiếp theo T10, T11, K1, K6…

          Bằng bất cứ giá nào cũng tìm cách giải quyết khó khăn này và cuối cùng đã khắc phục được (ại 5 đôi pin được 150 ria).

Ngày 17-11:

          8 giờ10 mới lên đường, 11 giờ30 đến. Đáng buồn là đồng chí làm việc với đồng chí Hốt lại đi vắng nên chưa nắm được hướng đi và trước hết cũng phải nghỉ lại Trạm.

          Ngày 18/11, ngày 19/11 mới có chuyến đi. Trạm ở Môke cách Kratie 8 km nằm sát đường 13 và sông Mê Kông. Ở đây có nhiều Hoa Kiều, Việt Kiều, lần đầu được gặp 3 bà và 2 cô đến thăm anh em ở Trạm… Hoa Kiều đều giầu vì buôn bán.

Ngày 18-11:

 Nghỉ lại Trạm V92, giặt giũ và tắm. Tối Trạm cho biết mai sẽ cho xe đạp thồ ra bến đò, nếu Hon đa về kịp thì dùng Hon đa.

Ngày 19-11:

          Đây là một ngày đáng ghi nhớ: Hon đa đưa anh em qua thị xã Kratie lúc gần 8 giờ. Rất nhiều nhà cửa và tiệm buôn. Qua thị xã độ 4km xuống xe (một chiếc nhỏ thế mà chở được 9 người và 2 xe đạp).

          Qua sông, vì sốt nên ưu tiên được đồng chí giao liên đèo. Ngồi cũng cực nhưng còn hơn đi bộ. 10 giờ 40 đến, ăn với Trạm bữa trưa khá ngon có riêu cá, có cà chua sống. Anh em đi bộ 13 giờ 15 mới đến.

          Chiều và tối người vẫn mệt nhưng vẫn quyết tâm, mai đi tiếp không nghỉ. Trạm cho ký giấy không phải thanh toán bằng tiền (ở Trạm V92 phải trả 88 ria).

Ngày 20-11:

          7 giờ mới đi, bị một đoạn sình lầy phải cho xe và đồ đạc lên thuyền đẩy. Nửa đường đầu được đi một xe đèo 2 ba lô, lúc lên dốc dắt thật mệt. Đoạn sau đi bộ, hai đồng chí giao liên đèo 4 ba lô. Dọc đường có nhiều hàng quà, mình và Tường ăn mỗi người một bánh tét mất 20 ria (bánh như bánh chưng, nhưng gói dài 20 phân có nhân đậu xanh, thịt, hạt tiêu).

          Gần cuối bị lạc một đoạn gần 1 giờ nên 14 giờ mới đến, mệt lả. Tường lại sốt, chiều nghỉ tạm, chờ mai mới tìm bắt liên lạc.

Ngày 21-11:

          Nằm chờ ở Trạm (V30), hỏi được đường đi T18.

Ngày 22-11:

          Lộn lại đường cũ và đi thêm một giờ. Lạc một đoạn hơn 40 phút nên đến Trạm đã 11 giờ 30. Trạm bảo tạm nghỉ để chuyển giấy giới thiệu và xin ý kiến ở trong.

Ngày 25-11:

          Sau hai ngày 23,24/11 chờ ở T18 buổi trưa nói chuyện được với một cán bộ Phòng Thông tin và tối nói được với anh Thăng (chủ nhiệm thông tin Miền) hẹn hôm sau sẽ cho người đón.

Ngày 26-11:

          Chờ đến 11 giờ mới có hai đồng chí ra nên đành chia đôi, Diệp đi xe đạp cùng một đồng chí giao liên đèo ba lô và tài liệu đi trước, số còn lại 27/11 mới đi.

          Diệp đi trước tưởng chiều thì đến, không ngờ hai xe đều ọc ạch và đến một dốc cao không phanh kịp bị ngã một cú trời giáng xây xát hết mặt và chân tay, rách cả gối quần bên phải, mất khá nhiều máu.

          Sau khi băng bó đành đi về Trạm 4 ở gần đó để mai đi tiếp. Tối mệt lả chỉ uống một ít sữa pha ở bi đông.

Ngày 27-11:

          8 giờ 20 lên đường, hôm nay chỉ dắt xe không dám đi, 11 giờ 30 đến nơi được anh Thăng tiếp đón rất nồng nhiệt, cho ăn luôn hai quả cam cho đỡ mệt, sau đó ăn một bát hủ tíu no.

          Trao đổi với đồng chí Thăng một số việc chính và giao các thư riêng rồi đi nghỉ. Một lát sau Tường đi bộ đến, Lôi còn ở lại T18.

          Tường cũng được mời ăn cơm và buổi chiều hai người được thết một bữa thịt vịt.

          Cuộc hành quân từ 12/8 đến nay coi như mới kết thúc, hết 3 tháng rưỡi!

Ngày 28-11:

          8 giờ được mời vào Cục tham mưu làm việc. Sau khi thấy mình còn mệt quá, các đồng chí bảo ở lại đây chữa cho hết sốt xong sẽ làm việc, mời cả đồng Tường vào luôn.

Từ 29/11 đến 9/12/1971:

          Tiếp tục nghỉ, ngày tiêm 6 mũi vào mông, ven và bắp. Mỗi người được bồi dưỡng 1kg đường trắng và một hộp sữa lĩnh ở T18. Cán bộ Cục và cán bộ các nơi về họp đến thăm luôn.

          Tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, luôn có một phích nước sôi, muốn uống sữa, đường lúc nào cũng được.

          Sau 4 - 5 ngày thì khỏi sốt rét, nghỉ tiêm chỉ uống thuốc may có đồng chí Viên - Chính ủy Sư đoàn 1 nên được tiêm nhờ 6 mũi B12 (6x500gama) nên sức khỏe khá hơn nhiều…

          Đề nghị mãi đến 9/2 mới được làm việc với Thủ trưởng Cục Tham mưu và được về Phòng Thông tin (P3).

          Chiều 9/12 ra đến khu B và sáng 10/12 đi 4 giờ về khu A, bắt đầu một giai đoạn công tác mới.

          Thế là giai đoạn hành quân và nghỉ ngơi kéo dài tới 4 tháng.

          Nhật ký hành quân vào B2 cũng tạm ngưng từ đây.





Hành quân ra miền Bắc

Ngày 6-10-1972:

          7giờ30 từ biệt anh em phòng Thông tin ra T15 có người dẫn đi T2, 9 giờ50 đến. Cơm nước xong nhận một số thư và 12 giờ lên đường ra A7 - trạm đầu của hệ thống giao bưu.

          14 giờ 30 đến Trạm, được tiếp đón chu đáo vì có anh Hai Trung (phụ trách giao bưu) đã ra trước. Buổi tối đi ngủ sớm bù cho những tối liên hoan mất ngủ trước ngày đi.

Ngày 7-10:

          7 giờ20 lên đường, có đồng chí Thức Trạm phó trực tiếp đưa đường. Đồng chí Thức quê ở Tân Yên, có em vợ là cơ công trung cấp ở C5/D77 nên gặp đồng chí Tường 205 cũng là một điều may mắn.

          Chặng đường đi khoảng 16km nhưng qua một đoạn phải đi đò và một đoạn sinh lầy nên đi mất nhiều thời gian, giữa trưa lại qua một trảng nắng mệt nên gần 14 giờ mới tới Tà Âm, nghỉ lại nhà một Việt Kiều.

          Ra tắm giặt thoải mái ở Sông Cửu Long (Mê Kông). Chiều ăn một bữa canh chua cá bông thừa thãi nên tối nghỉ ăn vẫn no.

Ngày 8-10:

          4 giờ sáng dậy nấu cơm sớm. Đồng chí Thức mua được con gà béo bốn người ăn không hết. 6giờ15 lên đường qua Trà Thăng ghé nhà một bà già người Miên được mời ăn bánh và chuối vì hôm trước là Tết Chum của đồng bào Miên. Gần 10 giờ đến thị xã Cần Ché (Kratie) đến nhà thím Tư một Việt Kiều có con đi “giải phóng”. Ăn uống tắm giặt thoải mái, buổi chiều đi thăm phố, mua sắm các thứ lặt vặt bằng tiền thừa còn lại. Cần Ché có nhiều vải đẹp nhưng tiếc vì đã gửi mua hết ở Công Dầu nên không còn tiền!

          Buổi tối chờ xem mưa sao nhưng không thấy.

Ngày 9-10: Dậy sớm, 5giờ40 lên đường đi Mỏ Kẹ ngay nên 8 giờ15 đã đến Trạm. Tắm giặt nghỉ ngơi thoải mái và chia tay với đồng chí Thức để chờ Trạm bố trí mô tô đưa đi Săng đam.

          Chiều đi thăm Mỏ Kẹ và tiêu nốt tiền còn lại.

Ngày 10-10:

          Buổi sáng đã nhận được tin chẳng lành là Trạm 770 bảo giấy không hợp lệ nhưng vẫn tin là nhờ bức thư của đồng chí Trung sẽ ổn thỏa. 14giờ15 ăn cơm vội xong lên đường bằng hai xe mô tô. Mới ra đi xe đã ì ạch phải sửa đi sửa lại. Đường qua một cầu và hai đò nên đi 15km cũng mất hơn 1 giờ. Đến Trạm tuy đưa đủ các loại giấy và thuyết phục hết lý lẽ vẫn không lay chuyển được “tính nguyên tắc máy móc” của cậu Đặng Cương phụ trách giao bưu ở đó. Lại phải đi bộ trên 2km mới đến chỗ nghỉ. Được gia đình cho một cái bánh làm từ ngày Hội Chum nên cũng đỡ đói.

Ngày 11-10:

          Buổi sáng chờ giao liên lên đón và đi bộ trở lại Mỏ Kẹ, 14 giờ đến nơi. Thế là sau 24 giờ lại dẫm chân tại chỗ. Bàn với Trạm mượn được xe đạp để Tường và Lôi quay lại A7 xin giấy khác. Tối nghe tin địch ném bom Hà Nội vào cả khối 57 (nơi gia đình tôi ở)!

Ngày 12-10:

          Tường và Lôi lên đường từ 5 giờ còn mình ở lại trông đồ và tắm giặt toàn bộ màn, võng… Buổi tối chơi ù bị một con vịt!

Ngày 13-10:

          Sáng xếp lại tài liệu vừa xong thì Tường về, sớm hơn dự kiến gần một ngày. Mọi việc đều ổn thỏa, giấy tờ đầy đủ. Trạm B1 đi hiệp đồng xe nói 15/10 mới có nên bàn nếu Trạm Săng đan nhận đưa vào ngày 14/10 thì sẽ đi bộ cho nhanh nhưng Săng đan cũng hẹn 15/10 nên đành nằm lại Mỏ Kẹ thêm ngày 14/10.

Ngày 14-0:

          Tiếp tục nằm dưỡng sức ở Trạm B2.

Ngày 15-10:

          Gần 14 giờ có 3 Hon đa đón đưa đi Săng đan. Đường đi tương đối thuận lợi, không có máy bay. Ăn cơm chiều ở Trạm Săng đan xong gần 17giờ30 đi tiếp bằng Hon đa kéo rơ moóc. Phải đẩy qua một ngầm và một bến đò khá vất vả.

          Gần đến Ô Bẹ rơ moóc lại hỏng bánh, phải chữa gần nửa giờ nên gần 9 giờ 30 tối mới tới. Chuẩn bị chỗ nghỉ xong thì trời mưa to. Thật là may!

Ngày 16-10:

          Vào Trạm B3 ở Ô Bẹ chờ tối đi xe đít vuông lên B1 để nhập tuyến 559. 19 giờ ra bãi xe chờ đến 22 giờ không có xe đành trở về Trạm ngủ. Có lẽ do nước lên to, xe không qua ngầm được. Gần 23 giờ mới đi ngủ.

Ngày 17-10: Tiếp tục nằm chờ ở Trạm Ô Bẹ, buổi chiều được một bữa thịt gà thoải mái vì đã ăn 3 bữa ruốc nên tiêu chuẩn thừa, đủ cho Trạm giết một gà thết khách.

          Buổi tối trời mưa nhưng không phải ra nằm chờ ở bến nên cũng đỡ vất vả. Khoảng gần 21 giờ có hai xe đít vuông đến đón. Toàn là loại “xe không kính” nên ngồi xe khá lạnh. Qua ngầm Liên tỉnh suýt nữa xe bị trôi vì lái xe thiếu kinh nghiệm. Gần 23 giờ đến Trạm xe.

23 giờ15 đi bộ gần 2 giờ mới đến B1, ngủ một giấc đến sáng.

Ngày 18-10:

          Ăn sáng xong bắt đầu từ biệt đường giây “giải phóng” đi sang T94, trạm đầu của Tuyến 470. 10 giờ đến Trạm, lúc đầu được đón khá “lạnh nhạt” nhưng sau cũng được ở nhà riêng trong Trạm. Gặp được đồng chí Do Chính trị viên D4 cũ, hiện làm nhiệm vụ kiểm tra nên lại được Trạm coi như người nhà, chiều ăn một bữa thịt dooc, tối ăn chè đậu xanh và chơi ù. Được tin Miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 4000.

Ngày 19-10:

          Từ T94 đi T93 mất 5 giờ, đường qua nhiều rừng dầu khá nắng. Đến Trạm gặp một đồng chí Trạm phó làm việc rất lờ mờ nhưng may gặp chuyến nên tối được đi ca nô ngay. 17 giờ 35 nhổ neo nhưng trên đường bị hỏng chân vịt nên 2 giờ sáng 20/10 mới đến T90 gần 3 giờ mới ngủ.

Ngày 20-10:

Trạm ưu đãi đúng tinh thần “khách đặc biệt”, được ăn một bữa bún, một bữa thịt trâu căng rốn.

          Gặp Ban chỉ huy Binh trạm 50 được biết đồng chí Phiếm cũng công tác tại đây, 17 giờ 30 tiếp tục đi ca nô từ T90 đi T87 hơn 24 giờ đêm đến, ăn cơm nếp xong đi ngủ.

Ngày 21-10:      

          Nghỉ tại T87 lại được ăn thịt trâu. Tắm giặt toàn bộ đến 18 giờ đi tiếp đến T84 lúc gần 2 giờ sáng để mai đi bộ vượt qua 3 thác.

Ngày 22-10:

          Sáng sớm Trạm bảo ăn cơm xong đi tiếp lên vị trí chờ ca nô, 7 giờ 30 đi gần 11 giờ đến được Trạm cho biết tối 23/10 mới có ca nô nên lại tắm giặt. Trên đường đi đến Trạm có nhiều vết chân hổ. Trạm ở gần biên giới Mên - Lào.

Thế là đã vượt được một chặng đường mà năm ngoái phải đi một tháng vất vả, năm nay kể cả chờ đợi chỉ mất 15 ngày.

Ngày 23-10:

          Nghỉ lại Trạm giao liên cơ giới, mỗi người được phát ½ kg đường và một hộp sữa. Lại tắm giặt và cắt tóc. Buổi tối lại chưa có thuyền, được Trạm cho biết sắp có ngừng bắn sẽ được đi phương tiện liên tục không sợ chậm. Chập tối mưa to, may mà không đi nên đỡ bị ẩm ướt bẩn. C130 thả hai quả pháo sáng nhưng không bắn phá gì.

Ngày 24-10:

          Lại chưa có thuyền vì thuyền hỏng phải đi sửa. Như vậy có thể tối 26/10 mới đi được. Lại phải nằm chờ ở Trạm 2 ngày nữa. Tuy vậy cũng có hy vọng là nếu có ngừng bắn trong tháng 10 thì còn được đi phương tiện, không đến nỗi chậm lắm.

Ngày 25 và 26-10:

          Tiếp tục nghỉ ở Trạm, ngày 3 bữa xong lại nghỉ ngơi tắm giặt, có tranh thủ ghi một số tài liệu nhưng cũng không tiện giở toàn bộ. Trưa 26/10 được nghe bản Tuyên bố của Chính phủ vạch rõ thái độ lật lọng của Mỹ nên dự kiến lại phải đi bộ. Tối 26 cũng chưa có thuyền vì thuyền chở khách đi tối 23 chưa thể quay về.

Ngày 27-10:

          Ngày cuối cùng nằm chờ trên đất Cămpuchia. Tối có thuyền đi một chặng khá dài, 4 giờ sáng 28/10 mới đến Trạm phụ. Gặp máy bay thả pháo sáng nên phải dạt vào bờ chờ. Qua nhiều chỗ có thác ngầm, có lần thuyền va vào đá nhưng không sao.

Ngày 28-10:

          Nằm nghỉ một ngày bên bờ sông Sê Kông. Đã gặp dân Lào ra đổi chuối, 1 viên đá lửa 1 nải nhưng đông thương binh ra đổi nên không tiện đổi. 17 giờ 40 thuyền lại lên đường, gần 22 giờ thì đi đến sát thị trấn Atôpơ. Thuyền đi tiếp một giờ sáng thì đến Trạm, được ngủ một giấc ngon hơn đêm trước.

Ngày 29-10:

          Nghỉ lại Trạm chờ thuyền. Đây là Trạm giao liên cơ giới đầu của Binh trạm 35. Ăn uống kém, chỉ có nước mắm và chuối xanh. Buổi tối Tường bắt đầu sốt làm anh em bắt đầu lo.

Ngày 30-10:

          Vẫn chưa có thuyền. Tường vẫn sốt không ăn được!

Gặp một đoàn cán bộ pháo binh ở B3 mới ra nên biết được tin của đồng chí Phố và Thảo.

Ngày 31-10:

          Có một thuyền nhỏ chở được 20 người nhưng Trạm xếp tới 25 khách, máy lại yếu nên đi ì ạch từ 6 giờ 30 đến 16 giờ30 mới đến, nhiều lúc vượt thác tưởng chừng không lên được, may mà đoạn sông này ít máy bay hoạt động. Đây là một đoạn đi cơ giới cuối cùng. Thế là từ B2 ra đã đi được:

-         1 đoạn bằng xe Honda lẻ, mỗi xe chở 1 người.

-         1 đoạn bằng xe Honda kéo Rơ moóc (đi đêm)

-         1 đoạn bằng xe đít vuông (đi đêm)

-         5 đêm và 1 ngày đi thuyền máy.

Kết quả đã đi được hơn nửa đường từ B2 ra Quảng Bình. Nếu Nixon chịu ký kết thì triển vọng còn tiếp tục được đi cơ giới và rút ngắn được nhiều thời gian so với lúc vào. Tối nghỉ ở Trạm 67, Trạm giao liên bộ đầu tiên.

Ngày 01-11:

          Ngày đầu tháng và cũng là ngày hành quân bộ đầu tiên. Đường ít dốc và ngắn đi 3 giờ đã đến, cũng may cho Tường vì đang sốt. Đến Trạm 66 lúc 11 giờ, được tiếp đón khá chu đáo nhưng ăn uống kém. Trạm ở gần suối lớn tắm giặt thoải mái.

Ngày 02-11:

          Nghỉ lại T66 để Tường lại sức và cũng để không đi trùng đoàn pháo, 2 đoàn đều có tài liệu gây khó khăn cho Trạm.

Ngày 03-11:

          Đi từ T66 sang T65. Đây là Trạm dài và có nhiều dốc nhất nên đi mất 7 giờ. Chỉ lo Tường quỵ giữa đường nhưng may không sao. Đến T65 lúc 13 giờ 30. Có suối to tắm giặt thoải mái nhưng đêm ngủ lạnh, mất ngủ từ 1 giờ sáng.

Ngày 04-11:

          Đi từ T65 sang T64, đường ít dốc và ngắn hơn, 10 giờ 40 đã đến. Trạm ở gần suối Nậm Vi to. Bữa chiều được ăn 4 món cải tiến: mít non xào, củ chuối xào, thân chuối xào và canh me chua. Trong điều kiện khó khăn, ăn như vậy cũng trôi cơm.

Ngày 05-11:

          Đi từ T64 sang T63, phần lớn đi theo đường xe nên 10 giờ 20 đã đến. Hôm nay là ngày chủ nhật và cũng là ngày kết thúc một tháng hành quân, tính ra đã đi được 3/5 chặng đường từ B2 ra Quảng Bình, còn đi bộ một tháng nữa thì tới Miền Bắc thân yêu.

Ngày 06-11:

          Ngày đầu của tháng thứ hai. Đi từ T63 sang T62, trạm đầu của D12/Binh trạm 35. 10 giờ 15 đến, đường đi dốc vừa, hai giờ đầu đi theo đường xe. Lại ngủ nhà khách đặc biệt nhưng tồi tàn hơn T63. Buổi chiều có mưa nhỏ, có lẽ ảnh hưởng gió mùa Đông bắc ở Miền Bắc. Trên đường bắt đầu gặp đường giây trần.

Ngày 07-11:

          Đi từ T62 sang T61, 11 giờ 15 mới đến, đường dài nhưng được xuống dốc nhiều, đi theo đường dây trần nhiều.

          Gần đến Trạm gặp nhiều khách ở B1 (khu 5) ra.

          T61 ăn ở vẫn luộm thuộm không có gì tiến bộ so với năm ngoái.

Ngày 08-11:

          Đi từ T61 ra T60, sau 2 giờ thì vượt Sông Bạc (Sê Kông). Trên đường hai lần gặp đồng bào Lào, đổi được một bó mướp (1kim sào) và gần 2kg khoai sọ (1 gương). Chưa có thời cơ đổi gà. Buổi trưa đến Trạm, mãi không thấy giao liên đeo “bòng tài liệu” đến đã lo. 12 giờ 30 Tường và Lôi phải quay lại một đoạn thì gặp vì đồng chí giao liên bị sốt sau khi qua đò.

          Cơm chiều có canh rau cải bẹ và canh bí đỏ + cá cải thiện.

Ngày 09-11:

          Đi từ T60 đến T56, chặng đường ngắn nhất từ hôm hành quân 8 giờ 50 đã đến, nếu có giao liên đeo tài liệu thì đi vượt trạm được. T56 ăn ở quy củ hơn, có nhà khách đặc biệt nên nghỉ thoải mái.

Ngày 10-11:

          Sáng sớm Trạm báo không còn người đèo bòng tài liệu nên yêu cầu nghỉ lại. Thật là một ngày nghỉ bất đắc dĩ vì hôm trước chỉ đi 2 giờ 30 phút. Trưa nấu chè củ, chiều ăn hạt é bồi dưỡng cho lại sức. Cơm chiều có rau cải bẹ sào ăn rất ngon miệng.

Ngày 11-11:

          Đi từ T56 sang T55 hết 3 giờ 50 phút, có một dốc cao đi mất 15 phút. Đến Trạm lại được ngủ nhà khách đặc biệt nhưng chưa rõ mai có khả năng đi tiếp không hay lại phải nghỉ một ngày! Thấm thoát lại đến ngày thứ 7, thế là đã đi được 5 tuần.

          Buổi chiều vào Tiểu đoàn bộ D12 góp ý kiến về công tác các Trạm, Tiểu đoàn  nhất trí và cảm ơn.

          Tối Trạm báo mai đi tiếp, như vậy là có sự chiếu cố.

Ngày 12-11:

          Đi từ T55 sang T54, đường có nhiều dốc vặt nhưng ngắn, đi hết có 3 giờ. Gặp 3 xe Zin chạy ban ngày nên xin được xăng cho máy lửa. T54 bố trí ở nhà đặc biệt nên nghỉ ngơi thoải mái. Đồng chí Trạm phó T54 (Nhẫn) đã học lớp Trung đội Trưởng Thông tin ở Trường Sỹ quan Thông tin năm 1966 nên được bố trí đi tiếp ngay.

Ngày 13-11:

          Đi từ T54 sang T52, đường dài và nhiều dốc, đến Trạm trực không có giao liên đành bàn nhau khắc phục khiêng tài liệu đến Trạm. Lúc hơn 13 giờ khá mệt nhưng vui vì tranh thủ được một ngày.

Ngày 14-11:

          Đi từ T52 sang T51 hết 4 giờ, có 2 dốc. Đến Trạm gặp dân Lào đổi được bí và củ mài lại có chất tươi (4 viên đá lửa).

          Gặp một đoàn ở ngoài vào hỏi biết một số tình hình Miền Bắc.

Ngày 15-11:

          Đi từ T51 đến T44, trên đường gặp một số dân đổi đường, sữa, bí… Định đổi cái Ví Sanyo lấy 2 hộp sữa nhưng sau dân lại không ưng. Gặp  một số dân công hỏa tuyến quê ở Nghi Lộc Nghệ An. Đây là đoàn dân công vào sâu nhất, có cả Nam và Nữ, một số ốm phải nằm lại T44. Đường đi hết 4 giờ.

Ngày 16-11:

          Đi từ T44 sang T43B, đường đi hết khoảng 4 giờ nhưng gặp rất nhiều dân đổi chác nên 11 giờ 10 mới đến.

          Đổi được một nải chuối, 1 quả bí đỏ, 4 tấm mía và 1,5kg gạo nếp (hết 22 viên đá lửa). Định đổi gà nhưng sau dân chê áo cũ không lấy. Có nơi ưng đổi 2 hộp sữa lấy bật lửa nhưng Lôi không dám đổi để lỡ thời cơ. Giây chuyền vàng của Tường vẫn ế vì chưa gặp phụ nữ, nam giới chỉ ưng quần áo, ba lô, thắt lưng.

Ngày 17-11:

          Đi từ T43B sang T43A, Trạm cuối của Tiểu đoàn 11.

          Đường dễ đi, có một dốc khoảng 20 phút, gần 10 giờ đã đến. Trên đường có ít dân đổi chác hơn hôm qua, đến Trạm mới đổi được một quả bí đỏ.

          Trạm 43A là Trạm nghỉ nhưng chỗ ở luộm thuộm, thiếu nước, nếu mai có giao liên đeo tài liệu thì đi luôn.

Ngày 18-11:

          Đi từ T43A sang T42 không nghỉ lại. Đường có một dốc dài và mưa trơn nên đi mất hơn 4 giờ. T42 là Trạm đầu của Tiểu đoàn 10, chỗ ở và ăn uống khá nhưng vì mưa lầy lội nên đi lại khá vất vả. Tiếp tục gặp dân công hỏa tuyến của Nghệ An đi vào, cả nam lẫn nữ trang bị gần như bộ đội.

Ngày 19-11:

          Đi từ T42 sang T41, đường khá dài và có nhiều vắt vì trời mới mưa. Chỉ riêng chặng đầu đi 2 giờ 20 phút đã bắt được 54 con vắt, chặng sau thêm 5 con. Dân đến Trạm đổi rất nhiều thứ nhưng yêu cầu cao nên cũng chỉ đổi được một quả bí đỏ, ba củ cải.

Ngày 20-11:

          Đi từ T41 sang T40, sau 3 giờ đi bộ thì vượt sông Sêlanong, gần 11 giờ đến. Trên đường gặp nhiều đoạn  bị bom, có 2 quả bom chụp mới đánh khoảng 1 tuần, bom phần lớn đánh dọc đường dây trần của 559, gặp nhiều cán bộ Dân chính đi vào Quảng Đà và gặp một đoàn bộ đội đi B1 (khu 5) phần lớn quê ở Hà Tây.

Ngày 21-11:

          Đi từ T40 đến T36, Trạm cuối của Tiểu đoàn 10. Qua một cầu treo dài gần 50m, phải đi từng người. Đường bằng và ngắn 9 giờ 15 đã đến. Trên đường gặp khoảng một Tiểu đoàn đi vào.

          T36 là Trạm nghỉ nhưng suối nhỏ, chỗ ở xoàng nên Đoàn quyết định đi luôn. Bòng tài liệu do giao liên thồ xe đạp nên bị rách phải khâu lại bằng miếng Vinilong của Trọng cho.

Ngày 22-11:

          T36 bố trí giao liên đeo tài liệu nên đi luôn sang T35 không nghỉ ở T36. Đường dài nhưng ít dốc, 11 giờ đến Trạm. Trạm rất đông khách, phần lớn phải nằm ngoài trời nhưng đoàn được nằm ở nhà khách đặc biệt có hầm hố tốt, có trần nhà chống bom bi, nghỉ ngơi thoải mái để mai vượt sông Sêbănghiêng.

Ngày 23-11:

          Đi từ T35 sang T33 vượt sông Sêbănghiêng tình cờ cũng vào 9 giờ 23 ngày 23, 12 giờ mới đến Trạm T33, khá mệt.

          Đi đường đổi được một con gà trống 1,5kg mà chỉ mất một bật lửa Trung Quốc 1đ6 của Tường! Đến Trạm được bố trí nghỉ chung với nhân viên cũng khá thoải mái. Chưa thịt gà đến Trạm hơi muộn, để dành mai đến T32 đàng hoàng hơn.

Ngày 24-11:

          Đi từ T33 sang T32 vượt đường 9 lúc 7 giờ 15, gần 9 giờ đã đến Trạm. Khử chú gà nhưng đáng buồn là không gặp dân nên không đổi được bí, đành làm món cháo gà thay cho canh bí nấu cổ cánh.

          T32 là Trạm nghỉ nhưng suối nhỏ lại gần đường 9, máy bay hoạt động nhiều nên định mai đi luôn sang T31 có suối to sẽ nghỉ.

Ngày 25 -11:

          T32 yêu cầu nghỉ lại vì thiếu người gửi tài liệu. Sáng tranh thủ tắm giặt. Được một tin buồn là đồng chí Hà ở B4 năm ngoài cùng vượt Trường Sơn vào đã hy sinh vì sốt rét!

          Thấm thoát đã đến  thứ 7, cuộc hành quân đã được 7 tuần, nếu địch chưa ngừng ném bom, có lẽ 7 tuần nữa mới về đến Hà Nội.

          Buổi tối máy bay F4 bay và thả hàng chục quả pháo sáng ở gần Trạm vì có lẽ chúng phát hiện một đơn vị xe tăng đang hành quân.

Ngày 26-11:

          Đi từ T32 sang T31 hết 3 giờ 30 phút nên 9 giờ 40 đã đến Trạm có suối to tắm giặt thoải mái. Trạm ở gần Tiểu đoàn Bộ D9. Lẽ ra bố trí Trạm nghỉ ở đây thì hay hơn nghỉ ở T32. Lại được ngủ nhà riêng có giường nhưng nhà ở gần hố vệ sinh quá!

          Bữa chiều có thịt lợn tươi, bữa thịt lợn thứ ba kể từ đầu tháng, 3 người 1 lạng nên không ấm chân răng nhưng ăn ngon miệng hẳn lên.

Ngày 27-11:

          Đi từ T31 sang T13, vượt 2 đường xe và sông NậmKok. So với năm ngoái thì đường ngắn và dễ đi hơn, gần 11 giờ đã đến. Trên đường có nhiều dân đổi thực phẩm nhưng lấy đắt nên cuối cùng cũng chỉ đổi được một quả bí trắng (3 viên đá lửa). Đến Trạm gặp Lôi đi trước cũng đã đổi 1 quả thành ra khủng hoảng thừa bí.

          Bữa sáng T32 cho ít cơm nên đến nơi nấu một hăng gò cháo gạo nếp và đục một hộp sữa ăn. Ăn cháo trừ bữa kiểu này thì cũng có thể ăn thường xuyên!

Ngày 28-11:

          Đi từ T13 sang T12, đường dễ đi 9 giờ15 đã đến. Trạm mới xây dựng, lại ở gần suối to tắm giặt thoải mái. Nhặt được một quần đùi khách cũ để quên đổi được gần 3 kg sắn nên làm một bữa canh sắn và một bữa sắn luộc chấm sữa.

          Hai Trạm 13 và 12 đều cho ăn hết tiêu chuẩn 0đ90 nên được khá nhiều ruốc và thịt hộp.

Ngày 29-11:

          Đi từ T12 sang T11 gần 11 giờ mới đến, giờ đầu đi theo suối, đường khá cheo leo và có nhiều dốc vạt, may là mát trời nên đi cũng đỡ mệt. T11 cũng mới xây dựng, nhà cửa to rộng. Được tin cán bộ ở các Phòng thuộc Bộ Tư lệnh cũng thay đổi, thành lập thêm Trung đoàn 136 và được một tin buồn là đồng chí Chỉnh đã hy sinh ở B4! (tin do đồng chí Bích và Quý ở 132 từ B4 ra cho biết).

Ngày 30-11:

          Đi từ T11 sang T10, Trạm cuối của Tiểu đoàn 9. Đã trở lại đường cũ nên có những đoạn còn nhớ. T10 ở cách vị trí cũ gần 1 kim, nhà cửa đàng hoàng, lại gặp đồng chí Giống trạm phó đã quen nên quyết định nghỉ lại một ngày. Hôm nay có đợt gió mùa từ Miền Bắc vào nên trời lạnh, tắm hơi rét.

          Trưa làm một bữa cơm nếp sắn no căng (đổi 12 viên đá hôm ở T11 được hơn 1kg gạo và 2 kg sắn).

          Thế là qua một tháng đi bộ đã đến ngưỡng cửa Miền Bắc thân yêu, chỉ tiếc rằng Mỹ còn ngoan cố ném bom, nếu không chỉ 10 ngày nữa sẽ đến Hà Nội.

Ngày 01-12:

          Nghỉ lại T10, may đúng dịp Trạm tổ chức liên hoan tiễn đồng chí Xứng Trạm trưởng đi T12 nên buổi trưa được một bữa cơm liên hoan có rượu và 8 món. Thật là một bữa bồi dưỡng đích đáng, ngon miệng nhất từ hôm đi. Buổi chiều ăn cũng khá, trời khá lạnh vì đã gần đến Trường Sơn.

Ngày 02-12:

          Đi từ T10 về T9, đường cũ có nhiều đoạn còn nhớ.

          9 giờ 10 đã đến Trạm. Trạm ở chỗ cũ nhưng sao năm nay đi nhanh thế! T9 ở chỗ cao nên rét hơn, rửa nước suối thấy lạnh buốt, không dám tắm như mọi ngày.

          Thấm thoát đã lại đến thứ 7, thế là 8 tuần đã trôi qua.

Ngày 03-12:

          Đi từ T9 đến T8, chặng đường năm ngoái đi bị lầy lội nhất nhưng năm nay đường khô ráo đi chỉ mất hơn 3 giờ. T8 vẫn ở chỗ cũ, chỗ ăn ở tốt. Tường đổi một gương soi được hai bó sắn gần 4kg nên tuy cơm no vẫn phải cố gắng ăn sắn luộc.

Ngày 04-12:

          Đi từ T8 đến T7, đường dài hơn năm ngoái nhưng 11 giờ đã đến, gần đến Trạm đổi được một mớ củ đậu (2 kim băng). T7 mới chuyển, lại ở chỗ lầy lội, chỗ ở chật chội nhưng lại được ăn thịt lợn tươi.

Ngày 05-12:      

          Đi từ T7 đến T6 đường lầy, có nhiều đoạn dốc cheo leo, đi qua những khe đá như cổng trời, phong cảnh đẹp nhưng khó đi (chặng khó nhất từ hôm đi). Tuy vậy gần 11 giờ cũng đến. T6 mới chuyển đến gần một bản đồng bào Vân Kiều, chỗ ở rộng rãi và đẹp. Khách đến T6 phải nằm chờ khi T5 báo tiếp nhận mới ra để khỏi ùn. 20 giờ Trạm trưởng thông báo mai đoàn vẫn ra T5 không phải chờ ở T6.

Ngày 06-12:

          Đi từ T6 ra T5, đúng 9 giờ đến một con suối ranh giới giữa hai nước. Thế là sau 16 tháng lại đặt chân lên Miền Bắc thân yêu. Gần 11 giờ 30 đến T5, được Ban chỉ huy đón tiếp niềm nở, mời ăn cơm nóng với củ cải xào và nấu canh. Thật là một bữa ăn đáng ghi nhớ. Ăn xong Trạm cho một “nữ quản lý” dẫn vào nghỉ ở Tiểu đoàn bộ ( o Minh người Hà Tĩnh, 19 tuổi vào bộ đội 1971, tuy yếu nhưng vẫn chủ động xin đeo hộ chiếc ba lô). Đến Tiểu đoàn bộ được tiếp đón niềm nở, bố trí ở nhà riêng.

Ngày 07-12:

          Nghỉ tại Tiểu đoàn 7, cắt tóc và đi thăm Tổ thông tin 8 của 559, định nói về Hà Nội nhưng thời tiết xấu nên nghe nhỏ. Định sáng mai nếu còn ở lại sẽ sang gọi thêm. Chiều được biết tối có xe nên liên hệ xin đi, mãi đến 5 giờ Tiểu đoàn mới báo Binh trạm đồng ý cho đi nên phải hành quân gấp, 17giờ40 ra đến bãi xe, ngồi chờ mưa rét, muỗi đốt, mãi đến 19 giờ 20 chưa thấy gì nên bàn nhau quay về, nếu có xe đến cũng chẳng tiếc.

          21 giờ mới về đến Tiểu đoàn Bộ, quần áo lấm hết vì vồ ếch tới 2 lần! Thật là đen đủi, vừa mất tối chiếu bóng, vừa vất vả.

Ngày 08-12:

          Lại nghỉ thêm một ngày, buổi sáng bàn với nhau định bỏ kế hoạch đi xe vì vừa nguy hiểm, vừa vất vả nhưng nghĩ đến đường đi bộ từ T5 ra T1 cũng ngại. 9 giờ sáng lại đến Tổ 8 nhưng đường dây đứt, đành nhờ A75 chuyển giúp một điện về Z84 báo cáo với Bộ tư lệnh tình hình hành quân.

          Đến trưa được Tiểu đoàn báo tối có xe, lại hạ quyết tâm đi xe, 14 giờ 30 ra T5 ăn cơm, được cô Minh quản lý làm thêm món ăn đặc biệt, tiếc vì ăn quá sớm (15 giờ) nên ăn không hết.

          16 giờ 30 xe chuyển bánh, đường đi bị bom đạn cầy mất hàng mấy chục đoạn ven đường, nhiều xe bị cháy, thỉnh thoảng lại phải dừng để tránh xe. Thật là những phút nóng ruột và hồi hộp khi xe cứ phải đứng ì ở trọng điểm! May mắn trời không mưa và máy bay ít hoạt động nên đến bãi an toàn lúc hơn 22 giờ vượt được hơn 60km. Đi bộ mò mẫm đến Trạm đã hơn 24giờ nên 1 giờ sáng mới ngủ một giấc ngon lành đến sáng.

Ngày 09-12:

          Đinh ninh ngày 9 là ngày nghỉ ở Trạm T1, không ngờ lúc hơn 6 giờ có một đồng chí giao liên đến xin đem gửi tài liệu mới biết là vẫn hành quân!

          7 giờ 30 mới lên đường, vượt qua một chặng đường khó khăn, tốn sức và căng thẳng nhất từ hôm đi: vượt 3 dốc đá tai mèo, đường lầy lội, dép tuột luôn, có lúc phải xách đi chân không. 11 giờ 30 đang đói mệt lại phải vượt một bãi B52 dài gần 2km. Tuy vậy mọi sự đều may mắn, đến Trạm an toàn lúc 13 giờ 50 (Từ 12 giờ 50 đi theo đường giây đường dài của 134, trông 6 đôi dây thật thích mắt).

          Trạm 15B ở đội 4 xóm Củ Lạc xã Sơn Trạch được bố trí ở nhà một đồng chí cựu binh tình cờ lại là báo vụ viên học lớp 204 (đồng chí Bân).

          Sau 16 tháng mới trở lại sống với đồng bào Miền Bắc được trông thấy đồng ruộng rộng rãi, không vướng mắc như ở trong rừng. Thật là một ngày đáng ghi nhớ!

          Ban đêm bị thức giấc nhiều lần bởi các loạt bom nhất là loạt do B52 đánh lúc 2 giờ30, đất cát rơi rào rào cả lên mái nhà.

Ngày 10-12:

          Đi từ 15B ra T15A ở Cự Nẫm, đến lúc 9 giờ 30, tưởng được nghỉ một ngày nhưng do khu vực địch hay đánh bom nên Trạm yêu cầu 11/12 đi tiếp.

          Được ăn ngày đầu theo tiêu chuẩn 1đ60 nên khá tươi. Mỗi người được lĩnh 10 đồng tiêu vặt.

Ngày 11-12:

          Đi từ T15A ra Trạm phụ T13A, đường đi lầy lội vì đêm mới mưa, 12 giờ15 mới đến, phải đi đò 2 lần. Các khách khác phải đi thẳng đến T13 (thêm 12km) nhưng đoàn có tài liệu nên nghỉ lại cùng các thiếu nhi ở Miền Nam ra. Gần 14 giờ mới ăn cơm trưa, được một bữa canh cải khá ngon. T13A ở địa phận huyện Quảng Trạch. Lên một ngọn đồi ở gần có thể thấy nhiều cồn cát ở bờ biển và Sông Gianh. Đây là hôm đầu tiên được sống với đồng bào ở đồng bằng, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, có hai máy cầy ruộng liên tục.

Ngày 12-12:

          Đi từ T13A ra T13, đường dễ đi vì phần lớn theo nền đường sắt cũ từ ga Minh Lệ đi. 7 giờ mới xuất phát, đúng 10 giờ vượt sông Gianh bằng đò, 10 giờ 45 đến Trạm.

          Vẫn được ăn nghỉ trong Trạm theo tiêu chuẩn 1đ60 nhưng bữa trưa chỉ có một món thịt lợn kho.

          Thấm thoắt chuyến đi công tác đã được trên 16 tháng, có thể phải 3-4 tuần nữa mới kết thúc.

          Kể từ khi xa Miền Bắc hôm nay là ngày đầu tiên tiêu đến tiền Miền Bắc (mỗi người 0,2đ tiền đò và 0,3đ một quả cam). Buổi chiều và tối có một đợt gió mùa Đông Bắc nên mưa rét.

Ngày 13-12:

          Nghỉ lại Trạm chờ xe. Tiếp tục ăn tiêu chuẩn 1đ60 (cơm có 3 món, bữa chiều 3 người được 1 lạng kẹo)

          Trời mưa rét không đi đâu được. Biết tin là có một đoàn xe của Cục vận tải chạy không ra Hà Nội từ đêm qua nhưng không biết để đi nhờ!

          Ban đêm nằm chờ thấp thỏm xem có xe không nhưng kết quả là vẫn nằm chờ!

Ngày 14-12:

          Buổi sáng dậy đi giặt giũ, vừa dấm ướt bộ quần áo thì Tường chạy ra báo Trạm điều đình cho đi nhờ xe con đi đón đồng chí Nam Thắng. Vội vã đi lĩnh 3 ngày thực phẩm và hộc tốc ra bến xe với bộ quần áo ướt vì lo lại lỡ xe lần thứ ba.

          May mắn làm sao đồng chí lái xe đang còn sửa xe.

          Đúng 8 giờ 20 xuất phát, đi trên đường hỏi ra mới biết là xe của Cục quản lý Bộ Tổng tham mưu, chính là xe FBIII5 của ông Phùng Thế Tài (Tổng tham mưu phó) mới loại ra.

          Thế là trong một ngày đi thẳng được từ Quảng Liên (Quảng Trạch - Quảng Bình) ra sát đò Linh Cảm (Đức Thọ - Hà Tĩnh) gần hết tỉnh Hà Tĩnh, bằng hai cung đường của xe to và có lẽ bằng gần 10 ngày đi bộ.

          20 giờ 15 xe đến nơi, cũng chẳng buồn ăn cơm mà đi ngủ luôn. Thế là cả ngày chỉ ăn một bữa lúc dừng.

          Mệt một chút nhưng rất phấn khởi vì đã tiến lên tới vĩ tuyến 18030 sắp tới đất Nghệ An.

Ngày 15-12:

          Sáng dậy sớm, đang thu xếp cơm sáng thì lại gặp một dịp may hiếm có là được đồng chí Liêm Chính ủy Binh trạm 25 giới thiệu gặp đồng chí Lương Phó Chủ nhiệm Chính trị Cục Vận tải xin đi nhờ xe ra Hà Nội. Sau khi xem giấy giới thiệu và nghe trình bầy, đồng chí Lương đồng ý cho đi cả 3 người. Thật là phấn khởi, có khả năng về Hà Nội trước ngày 22/12.

*                                                                  

                                                *        *

Cuốn nhật ký đã kết thúc ở đây nhưng xin nói thêm vài dòng: Từ ngày 16/12 chúng tôi tiếp tục đi cùng đồng chí Lương và ngày 17/12 về đến Hà Nội.

Trong thời gian này Xí nghiệp dược phẩm I - nơi vợ tôi công tác đã sơ tán lên Phú Minh (Đại Từ - Thái Nguyên). Hai cháu Minh Nguyệt và Vinh Quang (con gái thứ ba và con trai út) cũng nghỉ học theo mẹ lên nơi Xí nghiệp sơ tán.

Con trai lớn Nguyễn Bình đã nhập ngũ đang học ở Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, con trai thứ hai học ở Đại học Kiến trúc nên ở Hà Nội không có ai.

Rất may là đúng thời điểm tôi về đến Hà Nội, vợ tôi về dự một cuộc họp ở Hà Nội nên ngày 18/12 hai vợ chồng đã gặp nhau ở Khu tập thể Nam Đồng sau gần 17 tháng xa cách! Cuộc hội ngộ mới được một ngày thì đêm 18-12 chúng tôi lại trải qua “Trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm”. Ban ngày tôi vào cơ quan theo dõi tình hình bảo đảm Thông tin phục vụ chiến đấu, tối lại về Khu tập thể.

Căn hộ của gia đình tôi ở gác 3, đêm ngủ mỗi khi có còi báo động lại phải chạy xuống gầm cầu thang ở tầng 1 trú ẩn đề phòng nhà bị bom sập. Vì địch đánh liên tục ngủ ở tầng 3 phải chạy xuống tầng 1 nhiều lần, chúng tôi đem chăn chiếu xuống trải luôn ở gầm cầu thang ngủ.

Tối địch thả bom ở Khâm Thiên, khu nhà chúng tôi cũng rung chuyển nhưng vẫn an toàn.

Có một đêm chúng tôi ra nhà Cô em ở phố Cầu Gỗ gần Bờ Hồ Hoàn Kiếm ngủ cũng lấy chăn đệm chùm lên khi ngủ đề phòng mái nhà sập đè lên thì đỡ bị thương!

Sau 12 ngày đêm vì Bộ Tư lệnh còn bận nhiều việc chưa có thời gian nghe tôi báo cáo tình hình chuyến công tác vào B2 nên đồng chí Tư lệnh Tạ Đình Hiểu cho tôi nghỉ 15 ngày.

Được phép nghỉ, tôi đem xe đạp đi nhờ xe Quân Bưu từ Hà Nội lên Thái Nguyên ngay sau ngày địch ngừng ném bom. (Vợ tôi đã về nơi Xí nghiệp sơ tán sau khi họp xong). Khi qua Thị xã Thái Nguyên dân còn đi sơ tán, nhà máy điện mới bị ném bom, gạch ngói còn ngổn ngang, tìm mãi mới có chỗ sửa xe đạp…

Sau khi sửa xe tôi đạp hơn 30km về nơi sơ tán của Xí nghiệp gặp lại vợ và 2 con… tới đây mới thực sự được hưởng những ngày Hòa bình - Hạnh phúc!

Vài điều suy ngẫm

Chia sẻ cùng người thân trong gia đình và các bạn trẻ

Sau khi đọc cuốn “Nhật ký hành quân dọc Trường Sơn” tình cờ tìm được sau 40 năm, nhất là sau khi chép lại nguyên bản để chế bản Điện tử và in thành nhiều bản, tôi có “Vài điều suy ngẫm để chia sẻ với người thân trong gia đình, nhất là với các cháu ở lứa tuổi sinh ra sau khi đất nước đã được hoàn toàn giải phóng và đang “xây dựng ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn” như lời Bác Hồ động viên khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt, đế quốc Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc hòng làm nhụt chí của đồng bào ta.

Đối với lớp người ở tuổi 40-50 đã trải qua những ngày đất nước chưa thống nhất, đã trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, đã sống trong thời kỳ bao cấp, có thể sẽ thông cảm với những điều ghi trong tập Nhật ký vì bản thân cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn, thiếu thốn về vật chất, căng thẳng về tinh thần.

Đối với các cháu sinh ra trong thời kỳ hòa bình, nhất là các cháu sống ở Thành phố, gia đình có mức sống trung bình trở lên, được Bố mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, được ăn no mặc ấm, được đi học, nói chung là không gặp khó khăn gì trong cuộc sống ngoài việc phấn đấu học tập tốt… có thể các cháu khó hình dung hoặc ít thông cảm với các điều ghi trong Nhật ký. Các cháu có thể thắc mắc:

- Làm sao có thể đeo 25-30 kg trên vai, trèo đèo lội suối đi ròng rã hơn 100 ngày trong điều kiện ăn uống kham khổ, thiếu thốn?

- Làm sao có thể bị ốm đau, sốt rét liên miên, không ăn uống được vẫn tiếp tục hành quân. Sức mạnh gì đã khiến con người có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn, gian khổ?

Sau đây là đôi điều suy ngẫm của tôi, hy vọng sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của các bạn trẻ và giúp các bạn tự rút ra những bài học cho bản thân, có lý tưởng sống cao đẹp hơn, phấn đấu học tập giỏi, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước theo gương các thế hệ trước, không bao giờ lãng quên sự hy sinh quên mình của hàng triệu người đã chiến đấu theo lời kêu gọi của Bác Hồ, của Đảng, đem lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho đất nước nói chung và cho các bạn ngày nay!

Các bạn, các cháu thân mến!

Trước khi nêu những điều giúp các Bạn giải đáp thắc mắc, tôi cũng xin nêu cảm tưởng của bản thân sau khi đọc những dòng nhật ký do chính mình ghi lại 40 năm trước đây.

Nhớ lại quá trình tham gia quân đội từ 1945 đến khi thực hiện cuộc hành quân dọc Trường Sơn (1971) tôi đã trải qua cuộc Kháng chiến chống Pháp 9 năm, đã vinh dự được tham gia 9 chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh. Trong các chiến dịch đó, tôi cùng đơn vị hành quân hàng mấy ngàn cây số, vai cũng đeo máy móc trang bị đêm đi ngày nghỉ, có chiến dịch phải hành quân liên tục hàng nửa tháng qua nhiều đèo cao, dốc đứng (chiến dịch Thượng Lào, Lai Châu, Điện Biên…). Điều kiện sinh hoạt trong kháng chiến 9 năm cũng thiếu thốn, có thời kỳ hàng tháng phải ăn bữa cơm, bữa cháo. Cũng có lúc sốt rét phải nằm lại, dứt cơn sốt lại cố đuổi theo đơn vị…

Tuy vậy đọc lại cuốn nhật ký, nhớ lại những ngày Vượt Trường Sơn tôi mới thấy đây là những ngày gian khổ nhất, là giai đoạn thử thách ý chí của mình cao hơn thời ký kháng chiến chống Pháp.

Xin trích lại vài đoạn để hình dung những khó khăn, gian khổ chúng tôi đã vượt qua:

- Sau 3 tuần hành quân đến ngày 2/9 nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh mới được bữa cơm liên hoan ở Trạm có thịt lợn kho, thịt lợn luộc. Ăn miếng thịt tươi lúc đó thật là ngọt và ngon! Cũng phải 20 ngày sau đó nhân dùng 0kg8 muối đổi cho đồng bào được một con gà trống 1kg và như vậy sau 40 ngày rời Miền Bắc mới được ăn thịt gà, thật là ngon.

Các bữa ăn trên đường hầu hết chỉ có thực đơn măng luộc trộn mì chính hoặc với ít ruốc bông (Mỗi người được phát 1 kg ruốc, 1 kg mì chính, 1 kg muối, 1 kg đường để ăn suốt cuộc hành quân. Ngoài ra gia đình chuẩn bị thêm củ cải khô, rau muống khô, bắp cải khô). Trên đường hành quân phải kiếm măng, rau tầu bay để có chất tươi.

- Từ 3/9 sau khi vượt đường 9, do các kho gạo hết dự trữ nên mỗi ngày chỉ được phát 4 lạng gạo mãi đến 15/9 khi đến T63 thuộc Binh trạm 36 mới được ăn 6 lạng như trước. Do thiếu cơm phải ăn độn măng nhiều, khó tiêu hóa nên đã bị “Trĩ” lòi ra tới hơn 1cm đi rất đau, hàng tháng mới khỏi sau khi được ăn nhiều cơm hơn!

Cũng do ăn uống thiếu thốn, không đủ dinh dưỡng để hành quân trèo đèo lội suối mỗi ngày trên dưới 20km nên sức khỏe giảm sút, không có sức đề kháng, khi qua vùng có nhiều vi trùng sốt rét nên cả  3 người trong nhóm điều bị sốt dai dẳng nhiều ngày. Riêng với tôi:

- Ngày 8/9 khi gần đến Trạm T53 bị một con rắn xanh cắn may kịp thời làm ga rô và sau 1 giờ đến Trạm được tiêm và uống thuốc chống nọc rắn nên chỉ hơi bị sốt và sưng chân, vẫn tiếp tục hành quân được.

- Từ 18/9 đồng chí Tường bắt đầu sốt còn đến 23/9 khi đi ngang lối rẽ vào B3 (Tây Nguyên) tôi cũng sốt vì đây được mệnh danh là “Rốn Đông Dương”, nơi có nhiều vi trùng sốt rét…

Tuy sốt liên miên nhiệt độ từ 380 đến 400 tôi vẫn cố đi. Sau 5 ngày chống cự đến 28/9 đành phải vào Viện còn hai đồng chí khỏe phải đi trước (do khó khăn về tiếp tế nên ai khỏe phải đi tiếp, không được nằm chờ người ốm)…

Tường điều trị vài ngày dứt cơn sốt để đuổi kịp đoàn, không ngờ đến 12/10 mới được ra Viện với hai mông sưng to đau nhức vì phải tiêm tới 21 ống quinine!

Sau gần một tháng chưa lại sức đã phải cố đi nên đến 4/11 tôi lại bị sốt lại! Lần này quyết tâm không vào Viện vì sợ đến B2 muộn, không kịp tổ chức tập huấn cho cán bộ thông tin của Miền (B2).

Nhờ quyết tâm sốt cũng đi nên ngày 14/11 đã gặp lại 2 đồng chí Tường và Lôi sau một tháng 16 ngày đi riêng!

Gặp lại nhau rất mừng và xác định: “Từ nay quyết tâm cùng dìu nhau đến đích”. Sau khi gặp nhau nửa tháng, ngày 29/11 chúng tôi mới đến đích (Phòng Thông tin B2) và được điều trị dứt điểm để bắt đầu làm việc từ 9/12/1971.

Trên đây là một số đoạn nêu lên tình hình ăn uống thiếu thốn lại phải hành quân liên tục, thường xuyên phải vượt qua dốc cao, leo hàng giờ, qua nhiều dốc đá tai mèo phải bò nhiều đoạn phải lội suối hàng giờ, qua những đoạn sình lầy, qua nhưng khu rừng ẩm ướt, vắt bò lổm ngổm đầy đường, có ngày tôi bắt được 59 con vắt, ít cũng vài chục con!

Rất mừng là chúng tôi đã vượt qua những thử thách đó, đến đích kịp thời, giúp đơn vị chuẩn bị tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ tạo nên cục diện mới ở chiến trường Đông Nam Bộ…

Sau khi đọc tập Nhật ký, hình dung lại toàn bộ cuộc hành quân dài 6 tháng trên đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ (đi vào B2 hết 3 tháng rưỡi + trở về Miền Bắc hết 2 tháng rưỡi) tôi có thể tóm tắt nguyên nhân và cũng là lời giải cho các Bạn trẻ “sức mạnh nào đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn gian khổ không thể hình dung nổi trong hoàn cảnh hòa bình”:

- Một là chúng tôi đã được học tập, rèn luyện, thử thách trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã luôn giữ vững ý chí chiến đấu.

Kể từ khi nhập ngũ (1945) đến khi nhận nhiệm vụ Vượt Trường Sơn (1971) vào chiến trường Đông Nam Bộ tôi đã được rèn luyện trong quân đội 26 năm, được Đảng giáo dục rèn luyện qua nhiều đợt chỉnh huấn chính trị, 24 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đã đọc nhiều tập sách hay như “Thép đã tôi thế đấy” với lời nói bất hủ của Paven Coocxaghin “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”

Đã đọc “Vượt Côn Đảo” noi gương của đồng chí Nguyễn Đức Thuận và các chiến sĩ bị tù đầy, đọc nhiều gương chiến đấu của các anh hùng liệt sĩ nhờ đó đã giúp mình “luôn giữ vững ý chí chiến đấu”

- Hai là luôn tâm niệm lời dạy của Bác “không có gì quý hơn Độc lập - Tự do” nên quyết tâm mang hết sức mình góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ dành độc lập - Thống nhất cho Tổ quốc.

Do thấm nhuần lời dạy của Bác “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” nên khi được lệnh vào B2 tôi rất phấn khởi, nhanh chóng thu xếp mọi việc gia đình để lên đường. Cũng may Vợ tôi cũng đã được rèn luyện qua 9 năm Kháng chiến chống Pháp, đã là Cán bộ, đảng viên nên tôi rất tin tưởng khi tôi đi xa, Vợ tôi có thể lo mọi việc trong gia đình.

Cũng cần nói thêm rằng: “Nhật ký hành quân dọc Trường Sơn” của tôi chỉ nói lên một phần rất nhỏ những khó khăn gian khổ, hy sinh mà dân tộc ta đã trải qua trong 20 năm chiến đấu để giải phóng hoàn toàn đất nước.

Vì vậy Tôi đề nghị các bạn trẻ hãy tìm đọc thêm Nhật ký của “lớp thanh niên đã trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Miền Nam và đã trở thành Anh hùng - Liệt sĩ như:

Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Vũ Xuân, Lê Anh Xuân…

Tôi tin rằng những Nhật ký đó sẽ giúp các bạn sống có lý tưởng cao đẹp hơn, có nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ ông cha.



Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét