3/7/15

Trưởng thành từ người lính ( Phần 1/7 )


Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Binh chủng Thông tin liên lạc anh hùng ( 9-9-1945 / 9-9-2015 ), Ban biên tập xin giới thiệu với bạn đọc tập ký ức " Trưởng thành từ người lính " của Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng TTLL, nguyên Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống thông tin Hà nội. Tác phẩm đã được nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2013.


LỜI NÓI ĐẦU

          Là một học sinh trung học, một hướng đạo sinh cứu quốc, tôi nhập ngũ và phục vụ liên tục trong Binh chủng Thông tin từ tháng 12-1945 đến cuối năm 1991, trưởng thành từ một chiến sĩ học lớp báo vụ viên đầu tiên năm 1945, năm 1987 được bổ nhiệm làm Tư lệnh binh chủng Thông tin đến khi nghỉ hưu.

          Trải qua 46 năm công tác, tôi đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ và viết thành những hồi ức ngắn đăng trên tập san nội bộ các tổ chức “Bạn chiến đấu” mà tôi tham gia hoạt động. Tôi không có ý định viết hồi ký vì nghĩ rằng mình làm công tác trong một Binh chủng bảo đảm chiến đấu, không gặp những tình huống nguy hiểm, đối mặt với kẻ địch nên không thể viết hồi ký như những tướng lĩnh, những anh hùng đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc...

          Gần đây sau khi tổ chức biên soạn hai tập “Ký ức cựu chiến binh thông tin”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân sau khi đọc một số hồi ức tôi đã viết, đề nghị tôi viết thêm một vài hồi ức mới để qua đó thấy sự phấn đấu của một thanh niên từ một chiến sĩ đã trở thành Tư lệnh Binh chủng nhằm giúp các bạn trẻ, các chiến sĩ thông tin rút kinh nghiệm để vận dụng trong học tập và rèn luyện.

          Vì vậy tập sách này không phải là một cuốn hồi ký mà là  tập hợp các hồi ức về các sự kiện tôi đã trải qua trong quá trình công tác, học tập. Tuy vậy tôi cũng xếp các hồi ức theo thời gian để bạn đọc thấy các sự kiện diễn ra tương đối liên tục.

          Một số hồi ức được viết trong thời gian khác nhau, theo yêu cầu của các đơn vị biên soạn tập san nên không tránh khỏi có sự trùng lặp.

          Ngoài ra một số hồi ức tôi mới viết trong 02 tháng gần đây, khi đã 83 tuổi, đã nghỉ hưu 20 năm nên có thể tôi nhớ vài chi tiết không được chính xác, đề nghị các bạn góp ý kiến nếu có sai sót.

          Sau cùng tôi xin cảm ơn các đồng chí đã khuyến khích, giúp đỡ tôi biên soạn tập hồi ức, cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và hoan nghênh ý kiến đóng góp của bạn đọc.                                          

Tháng 5 năm 2012

                             Tác giả

  
CHƯƠNG I

QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ BẢN THÂN

TRƯỚC KHI THAM GIA CÁCH MẠNG

I. QUÊ HƯƠNG

          Tôi sinh ra ở thôn Kim Quan Thượng, xưa là một làng cổ có nguồn gốc từ xã Kim Lan sát bờ sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, trước Cách mạng tháng 8 thuộc tỉnh Bắc Ninh.

          Sau Cách mạng tháng 8 thôn Kim Quan cùng với các thôn Lệ Mật, Trường Lâm, Ô Cách, Gia Thụy, Mai Phúc, Sài Đồng thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm.

          Tháng 10 năm 1954, sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, chính quyền thành lập 8 quận, gồm 04 quận Nội thành và 04 quận Ngoại thành. Việt Hưng là một xã thuộc quận 8 ngoại thành.

Sau cải cách ruộng đất, xã Việt Hưng còn 04 thôn: Kim Quan, Lệ Mật, Trường Lâm, Ô Cách.

          Đến năm 1961, Việt Hưng là một trong 31 xã của Huyện Gia Lâm.

          Đến ngày 06 tháng 11 năm 2003, theo Nghị định 132NĐ/CP của Chính Phủ, xã Việt Hưng trở thành phường Việt Hưng gồm 12 Tổ dân phố thuộc Khu dân cư trực thuộc quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

          Trước Cách mạng tháng 8, Việt Hưng là một xã thuần nông chỉ có làng Lệ Mật có nghề phụ là bắt rắn, bắt ếch, ngoài ra có một số ít đi làm ở các công sở, nhà máy.

          Tháng 9 năm 1940 phát xít Nhật chiếm Đông Dương bắt dân nhổ lúa, ngô trồng đay, thầu dầu lấy nguyên liệu phục vụ chiến tranh nên dân làng tôi tuy làm ruộng nhưng thiếu lương thực, đời sống rất khó khăn trong nạn đói năm 1945.

Sau Cách mạng tháng 8 quê tôi đã có nhiều thanh niên thoát ly gia đình tham gia công tác cách mạng, tham gia quân đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, số không thoát ly ở lại vùng bị địch tạm chiếm đã tham gia du kích cùng nhân dân trong xã dũng cảm đánh giặc giữ làng bảo vệ quê hương.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã đã có phong trào thanh niên xung phong ra chiến trường, đông nhất là những năm 1965, 1968, 1972, 1975. Nhân dân xã Việt Hưng đã tiễn đưa 437 con em lên đường chiến đấu, chiếm gần 10% dân số lúc đó. Trong số gia nhập quân đội đã có 81 là liệt sĩ, 34 là thương binh, 16 bệnh binh. Kết thúc cuộc kháng chiến toàn xã có 72 sĩ quan gồm một cấp tướng, 16 cấp tá, 55 cấp úy. (1)



II. GIA ĐÌNH


Tôi sinh tháng 3 năm 1929 (Kỷ Tỵ) trong một gia đình Bố làm Cai ngành Rèn ở nhà máy xe lửa Gia Lâm gần làng, Mẹ làm ruộng nhưng lúc nông nhàn có theo bạn bè đi buôn chuyến nên kinh tế gia đình so với làng quê ở mức khá, có nhà hai tầng, con cái được đi học từ nhỏ.

Bố tôi lúc còn trẻ đã lấy một bà vợ người cùng làng, hơn tuổi, dưới dạng tảo hôn, không làm giá thú nên sau khi Bố tôi đi làm ở Nhà máy (lúc đầu làm thợ rèn sau tay nghề khá được đề bạt làm Cai) có quan hệ rộng đã ly hôn và cưới mẹ tôi với danh nghĩa là vợ cả có giá thú.

Mẹ tôi là con bà vợ hai của ông ngoại làm nghề thầy lang quê ở Nội Am huyện Thanh Trì. Bà ngoại tôi chỉ sinh được mẹ tôi nên sau khi mẹ tôi sinh con đầu lòng, Bà ngoại tôi về ở cùng để giúp trông cháu và đã ở cùng gia đình tôi đến khi qua đời.

Mẹ tôi sinh bốn lần nhưng do điều kiện y tế thời kỳ đó còn lạc hậu nên chỉ nuôi được chị tôi và tôi, còn một chị và một em trai đều chết lúc còn nhỏ. Sau khi sinh em trai tôi, mẹ tôi bị ốm (lúc đó gọi là hậu sản), sức khỏe giảm sút nên quan hệ giữa bố và mẹ bắt đầu rạn nứt. Bố tôi hay đi hát ả đào, có lần đưa cả “người tình cô đầu” về nhà và đối xử tệ bạc với vợ con nên gia đình bắt đầu tan vỡ sau khi tôi học xong Tiểu học,

Mẹ tôi sống ly thân cùng hai con ở ngôi nhà trong làng, còn bố tôi lúc này đã thôi việc ở nhà máy Gia Lâm về mở một xưởng cơ khí nhỏ ở trang trại gần đường số 1 cách làng hơn 1km. Sau này bố tôi lấy một bà góa chồng đã có một con gái quê ở Lâm Du và sinh thêm hai con gái.

Tuy bố mẹ tôi đã ly thân không còn quan hệ tình cảm nhưng vì tôi là con trai nên vẫn được bố chu cấp thêm tiền ăn học, còn chị tôi chỉ học hết lớp 3 là phải nghỉ, phụ giúp Mẹ làm ruộng. Sau Cách mạng tháng 8 chị tôi tham gia đoàn thể phụ nữ và khi toàn quốc kháng chiến chị tôi thoát ly gia đình làm cứu thương ở cơ quan huyện Gia Lâm.

Sau khi cả hai con đều thoát ly tham gia Kháng chiến, mẹ tôi tản cư lên Việt Bắc ở giúp việc cho một gia đình quê ở Gia Thụy có chồng làm công nhân ở một xưởng quân giới, khi hòa bình được lập lại mới về quê ở cùng gia đình. Chị tôi lúc này đã làm y sĩ ở Bệnh viên tâm thần Trâu Quỳ.

Về bố tôi, từ sau Cách mạng tháng 8 tôi thoát ly gia đình không biết tin, đến sau ngày tiếp quản Thủ đô gặp lại mới biết khi toàn quốc kháng chiến, ông cùng bà vợ tên là Sinh và hai con gái tản cư lên huyện Đông Anh. Khi bà Sinh bị bệnh ốm chết, ông cùng hai con nhỏ lại hồi cư về làng ở ngôi nhà mẹ tôi ở khi ly thân rồi đi làm tiếp ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Nhân có mấy sào ruộng của mẹ tôi ở làng, ông cho cấy rẽ lấy thóc gạo nên khi cải cách ruộng đất ông bị quy là Địa chủ kháng chiến (vì có hai con - tôi và chị tôi tham gia kháng chiến) bị tịch thu ngôi nhà gạch ở trong làng, phải ra đồng làm chòi ở tạm. Thời gian này tôi vẫn ở Quân đội, không dám về quan hệ vì cũng không biết công việc của ông trong thời gian Pháp còn chiếm đóng. Đến thời gian sửa sai ông được xác định lại thành phần là công chức, được trả lại nhà và tiếp tục ở với người vợ thứ ba (tên là bà Nhuần) cùng hai người con (một trai, một gái) chỉ bằng tuổi hai con đầu của tôi.

Sau khi bố tôi được sửa sai, tôi có về thăm và có may tặng ông quần áo. Năm 1958 ông qua đời vì bệnh ung thư. Thời gian này gia đình tôi ở thị xã Sơn Tây không được biết tin, tôi thì công tác ở Trường Thông tin đóng quân ở Đa Phúc.

Về phần Mẹ tôi khi Cải cách ruộng đất, địa phương xác định là thành phần bần nông vì từ khi tản cư đi kháng chiến lúc về không còn tài sản gì.

Tóm lại hoàn cảnh gia đình tôi khá éo le, tôi chỉ được hưởng hạnh phúc gia đình từ khi sinh ra đến khi học gần xong Tiểu học. Bố tôi đã phải trả giá vì “vợ nọ con kia” cuối đời không được các con lớn (chị tôi và tôi) giúp đỡ, bị mẹ tôi oán hận suốt đời. Còn mẹ tôi cũng vất vả khi sống ly thân, nuôi hai con đến khi trưởng thành lại sống một mình vì hai con đều thoát ly tham gia cách mạng. Tuy vậy về tình cảm, bà còn có hai con tham gia kháng chiến, thỉnh thoảng còn đến thăm ở nơi tản cư và sau khi hòa bình lập lại bà còn sống với con cháu, lúc ở cùng gia đình chị tôi khi chị sinh con, lúc ở cùng gia đình tôi khi vợ tôi sinh con thứ ba, thứ tư. Có thể nói với bản chất cần cù, đôn hậu, mẹ tôi đã giúp đỡ con cháu rất nhiều, đặc biệt với gia đình tôi từ năm 1960 đến cuối đời, nhất là trong thời gian Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc, bà đã trông nom các cháu giúp chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Tuy về vật chất không được sung túc nhưng về tinh thần đã được đền đáp vì hai con đều trưởng thành, các cháu đều khôn lớn. Mẹ tôi qua đời năm 1987 trong niềm tiếc thương của các con cháu.



III. BẢN THÂN TRƯỚC KHI THAM GIA CÁCH MẠNG

A. Thời thơ ấu:

Tôi sinh tháng 3 năm 1929 khi gia đình còn hòa thuận, lại là con trai nên được chăm nom chu đáo, lên 5 tuổi đã được đi học trong trường làng đến khi đỗ bằng Sơ học yếu lược mới ra học Trường của Tổng ở làng Gia Thụy.

Trong dịp nghỉ hè tôi còn học chữ nho do một ông đồ dạy và được khen là thông minh vì trong hai tháng đã học xong hai quyển Tam Tự kinh và Sơ học vấn tâm mà học sinh khác phải học mất sáu tháng. Ở bậc Tiểu học thời kỳ đó đã học tiếng Pháp nên khi thi lấy bằng Sơ học yếu lược ở Phú Thụy tôi thi cả môn ngoại ngữ được ghi ở bằng là Mention Francaise. Những năm này tôi được cả nhà nuông chiều, nhất là bà ngoại hôm nào đi chợ về cũng mua quà cho cháu.

Sau khi đỗ Sơ học yếu lược tôi phải ra học ở Trường của Tổng cách  nhà gần 3 cây số. Vì còn nhỏ, buổi chiều đi học về qua cánh đồng làng có một ngôi miếu, tôi rất sợ ma nên gia đình  gửi tôi ở nhà một người quen tên là Châu ở cạnh Trường. Từ đây cuộc sống của tôi bắt đầu có nề nếp, không được cưng chiều như ở với mẹ và bà ngoại.

Ông Châu là người tốt, nhưng rất nghiêm khắc, sáng sớm đã gọi tôi dậy đúng giờ và tập thể dục cùng ông, chạy dăm vòng quanh vườn, nhờ vậy tôi quen dần với nếp sống kỷ luật và rèn luyện sức khỏe.

Ông Châu có bà vợ đầu đã mất, sinh được một con hơn tuổi tôi. Bà vợ thứ hai chưa sinh con. Bà này đối với con chồng rất tệ, bắt làm đủ việc trong nhà. Đối với tôi bà cũng chẳng ưu ái gì, tuy danh nghĩa là con nuôi nhưng hàng tháng mẹ tôi vẫn gánh gạo ra góp phần nuôi dưỡng. Tôi còn nhớ một lần không may đánh vỡ một cốc uống nước, bị bà phạt bắt đứng vào tổ kiến lửa cho bị đốt sưng chân để sau này phải cẩn thận!

Cũng may là sau hơn một năm làm “con nuôi hờ” tôi thi đỗ bằng Certificat ở thị xã Bắc Ninh nên phải sang nội thành học cấp Trung học cơ sở, không ở nhà ông bà Châu nữa.

B. Thời niên thiếu:

Sau 6 năm học ở bậc Tiểu học (từ lớp vỡ lòng đến khi đỗ bằng Certificat) muốn học cao hơn phải sang nội thành theo học bậc Trung học ở Trường Công lập (trường Bưởi) hoặc trường Tư thục (Thăng Long, Văn Lang).

Tôi và anh Mai Huy Đạo con một ông cùng làm ở Sở hỏa xa Gia Lâm với bố tôi đều không thi được vào trường Bưởi nên phải xin học vào trường Thăng Long ở phố Phùng Hưng.

Để tiện sang nội thành học và có bạn cùng lớp, gia đình tôi gửi tôi ở nhà ông bà Ký Tỵ (bố anh Đạo) ở phố Ngọc Lâm, cũng theo cách hàng tháng mẹ tôi góp gạo và bố tôi cho tiền học. Ông bà Ký Tỵ có 5 con, hai trai ba gái và cũng coi tôi như con vì tôi bằng tuổi anh Đạo lại học giỏi hơn, có thể giúp nhau học tập tiến bộ, mặt khác qua thời gian ở nhà ông Châu tôi đã tự lo việc sinh hoạt cá nhân và còn giúp được các việc vặt trong gia đình.

Vì bố tôi và ông Ký Tỵ đều làm ở Nhà máy nên chúng tôi được cấp thẻ đi tầu hỏa (xe lửa) không mất tiền, do đó chúng tôi thường đi học bằng xe lửa, thời kỳ đầu còn lên tầu ở ga Gia Lâm và xuống tầu ở ga Đầu cầu (nay là ga Long Biên) rồi đi bộ đến Trường.

Sau một thời gian, nhận thấy trước cửa Trường Thăng Long có một đoạn đường cong, tàu phải đi chậm nên chúng tôi nhẩy xuống tầu ngay ở đoạn đó không phải đi bộ từ ga Long Biên.

Khi đã quen việc nhẩy xuống, chúng tôi còn thực hiện việc nhẩy lên tầu ở đoạn đó không phải ra ga chờ tầu.

Ngoài việc thích nghi với việc đi tầu, chúng tôi còn tập bơi lội ở hồ gần ga Gia Lâm, tập lặn mò trai bắt ốc... lâu dần khi đã bơi giỏi chúng tôi còn cùng bạn học nhà ở nội thành ngày nghỉ thuê thuyền đi bơi ở hồ Tây. Vì có thuyền đi kèm nên tùy sức lúc mệt đã có chỗ bám, đỡ mệt lại bơi. Cứ rèn luyện như vậy, khi tôi học năm thứ ba cấp Trung học đã có sức dẻo dai, có thể bơi hàng cây số qua hồ không phải bám thuyền.

Ngoài việc cùng bạn bè vui chơi ngoại khóa, ngay từ năm mới nhập học ở trường Thăng Long tôi và anh Đạo đã gia nhập tổ chức Hướng đạo sinh, hai năm đầu còn ít tuổi ở đội Sói con sau mới thành Hướng đạo sinh ở đoàn Tây Hồ do anh Hữu Đỉnh làm huynh trưởng.

Nhờ tham gia tổ chức Hướng đạo sinh, chúng tôi được sinh hoạt tập hát, đi cắm trại, chơi các trò chơi rèn cho mình kỹ năng quan sát, phân tích, phán đoán, học cách thông tin bằng ký hiệu. Semapho (dùng cờ) và tín hiệu Morse (dùng còi) học cách dựng lều, làm lán, nấu ăn...

Ngoài ra còn rèn được tính kỷ luật, đúng giờ giấc và có ý thức giúp đỡ mọi người, làm việc thiện, việc có ích cho cộng đồng (Hướng đạo sinh mỗi ngày phải làm được một việc có ích).

Trong thời gian tham gia đoàn Hướng đạo, có ba lần đáng nhớ nhất, một là được vào Huế thăm cung điện trong Đại Nội; hai là họp các đoàn ở Rừng Sặt (gần Từ Sơn), cắm trại, chơi các trò chơi lớn; ba là đi leo núi Ba Vì, trèo lên đỉnh cao nhất, nơi có mỏm đá hình thắt cổ bồng, đi qua nhiều đoạn rừng có vắt cả ở dưới đường và trên cành cây, ai cũng bị vắt hút máu. Đặc biệt, khi đang ở đỉnh cao nhất Ba Vì, đúng vào lúc Mỹ ném bom chợ Hàng Da, tuy ở xa chúng tôi vẫn nghe tiếng bom nổ và nhìn thấy khói bốc lên.

Tóm lại thời gian học Trung học ở nội thành và tham gia tổ chức Hướng đạo sinh đã giúp tôi trưởng thành về nhiều mặt, rất có ích cho việc phục vụ quân đội sau này.

Ở tuổi 15, tôi không còn là cậu bé nhà quê nhút nhát, được nuông chiều mà đã trở thành một thiếu niên khỏe mạnh, tháo vát, có thể sống tự lập.

Khi tôi học năm thứ ba Trung học, để dành nhiều thời gian cho học tập, đỡ mất thời gian đi lại, gia đình thu xếp cho tôi thuê trọ ngay ở phố Ngõ Trạm sát với Trường (gần chợ Hàng Da). Trong nhà trọ, tôi ở chung phòng với hai học sinh lớn tuổi hơn, gia đình ở tỉnh khác và học lớp trên. Hai anh này nhà khá giả nên ngoài việc học văn hóa còn học âm nhạc, một anh chơi vĩ cầm, một anh chơi ghita. Tôi không có tiền mua các nhạc cụ đắt tiền nên chỉ tập thổi sáo, thổi tiêu và kèn ácmônica...

Cuối năm 1944, vì sợ Mỹ ném bom, các Trường đều sơ tán vào Hà Đông (gần Bala Bông Đỏ). Thời gian đầu tôi còn đi học bằng xe điện sau thấy mất thời gian và tốn kém, mẹ lại gửi tôi ở gia đình một ông bên họ ngoại, nhà ở thị xã Hà Đông. Thời gian này tôi mất liên lạc với đoàn Hướng đạo sinh, chỉ chuyên tâm học văn hóa. ở Hà Đông tôi học thêm cách chơi đàn bầu, nhờ sự hướng dẫn của ông bác. Tôi dùng đàn bầu chơi các bài tân nhạc còn ông bác gẩy các bài nhạc dân gian, nhạc cổ.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9 tháng 3 năm 1945) việc học của tôi bị gián đoạn, tôi trở về Ngọc Lâm cùng ôn bài và tự học với anh Đạo và một số bạn ở Gia Lâm - Yên Viên để chuẩn bị dự kỳ thi cuối cấp lấy bằng Trung học (đíp-lôm). Lúc này Nhật đã lập Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim nên có phong trào tẩy chay không dự kỳ thi vì vậy tuy đã đăng ký và có danh sách thi nhưng chúng tôi không đi thi lấy bằng tốt nghiệp mà chỉ cùng nhau thử làm các đề thi để tự đánh giá trình độ.

Lại nói về hoàn cảnh gia đình tôi trong thời kỳ này. Sau khi bố tôi lấy bà Sinh và nghỉ việc ở Nhà máy Gia Lâm, việc chu cấp tiền ăn học cho tôi cũng giảm dần và chấm dứt sau khi Nhật đảo chính Pháp. Mẹ tôi làm ruộng ở làng cũng khó khăn vì Nhật bắt trồng đay, trồng thầu dầu để lấy nguyên liệu phục vụ chiến tranh, do đó gia đình cũng thiếu ăn, ra đường ngày nào cũng gặp người chết đói!

Trước tình hình này, có anh bạn ở Yên Viên gia đình cùng cảnh khó khăn rủ tôi dùng xe đạp lên Bắc Giang cách Gia Lâm 50km buôn gạo vì giá gạo trên đó chỉ bằng 2/3 giá gạo ở Gia Lâm. Để giúp đỡ mẹ và lúc này   cũng đã nghỉ học nên tôi thử đi cùng bạn, lần đầu đèo một bao 30kg về để mẹ đem ra chợ bán. Kết quả là chỉ bán 20kg đã thu đủ vốn, còn 10kg để gia đình dùng.

Thấy đạt hiệu quả cao, trong hai tháng 6 và 7 (năm 1945) cứ hai ngày tôi lại đi mua một chuyến gạo để hôm sau mẹ tôi đi bán thu vốn để tôi đi tiếp chuyến sau.

Từ lúc chỉ thồ được bao gạo 30kg, tôi cải tiến dần các bao đựng và cách thồ nên có thể mang tới 70kg mà vẫn đạp xe bình thường với tốc độ 15km/giờ (1 bao chính 30kg đặt trên pooc-baga (cái đèo hàng), 1 bao dài vắt qua đèo hàng, mỗi bên 10kg. Như vậy phía sau được 50kg còn 1 bao 20kg đặt lên tay lái phía trước).

Đến cuối tháng 7/1945, phần vì gia đình đã bớt khó khăn, phần vì có sự hạn chế việc vận chuyển lương thực giữa các địa phương (cấm chợ ngăn sông), Tôi ngừng việc buôn gạo và sang nội thành bắt liên lạc với các bạn trong đoàn Tây Hồ tham gia các hoạt động của Hội hướng đạo sinh cứu quốc. Ngày 17/8/1945 Tôi cùng anh em trong đoàn tham gia cuộc biểu tình và diễu hành biểu dương lực lượng “ủng hộ Việt Minh”, đánh dấu bước ngoặt trong đời là thoát ly gia đình tham gia cách mạng khi bắt đầu bước sang tuổi thanh niên...





CHƯƠNG  HAI

CÁC  HỒI  ỨC  TRONG  THỜI  GIAN

CÔNG  TÁC  1945 - 1991



1.    LỚP CHUYÊN MÔN THÔNG TIN ĐẦU TIÊN


     Tháng 11/1945, tôi là chiến sĩ quân báo chuyên theo dõi hoạt động của quân Tàu Tưởng đóng trong thành Hà Nội. Một hôm, sau khi nghe tôi báo cáo tình hình, bác Hoàng Đạo Thúy nói: “Bộ sắp mở lớp thông tin vô tuyến điện, em là Hướng đạo sinh đã biết moóc-sơ nên tôi quyết định em sang học lớp đó để sau này làm công tác thông tin”(2).

     Với tinh thần sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ và sẽ được học vô tuyến điện, một ngành khoa học kỹ thuật, nên tôi vui vẻ chấp hành.

     Bác Thúy cho biết sẽ tổ chức lớp học ở trường tiểu học Hàm Long (nay là trường trung học Ngô Sĩ Liên ở phố Hàm Long - Hà Nội). Trong thời gian học viên do các đoàn thể cử đến chưa đủ, tôi được phân công cùng một số học viên đến trước chuẩn bị cơ sở vật chất cho lớp. Số anh em đến trước hầu hết là học sinh trung học phổ thông ở nội ngoại thành tuổi từ 18 đến 20, riêng tôi mới 16 tuổi nhưng cao 1m66, nặng 60kg. Vì là“cựu binh”, đã làm chiễn sĩ quân báo và là Hướng đạo sinh cứu quốc, quen các sinh hoạt tập thể nên tôi được chỉ định làm tiểu đội trưởng kiêm quản lý của lớp, lo lĩnh quân trang, quân dụng và tổ chức nuôi quân…

     Quân trang lúc đó ở trại Bảo an binh là của “lính khố xanh” gồm áo sơ mi cộc tay, quần soóc lửng, chân quấn sà cạp, đầu đội mũ Ca-lô bằng vải chăn chiên. Chăn đắp 2 người một chiếc là loại dệt bằng bông gạo sơ chế (gọi là Ka-Pốc), buổi sáng ngủ dậy ngoáy lỗ mũi cũng có bông gạo, anh em mặc áo màu sẫm sẽ có một lớp bông gạo trắng phủ lên khó mà gỡ sạch. Việc vận chuyển bàn ghế, doanh cụ từ kho đến lớp học cũng khá gay go, vất vả vì toàn là “lính cậu” đẩy xe bò trên đường phố nhỡ gặp người nhà hoặc “bạn gái” thì “ngượng chết”. Tôi phải động viên anh em và xung phong “làm bò” nên rồi anh em cũng quen và sau hai ngày đã chuyển hết dụng cụ, bàn ghế đến trường Hàm Long.

     Trong những ngày chờ khai giảng, tôi phổ biến bảng tín hiệu Moóc-sơ và dùng còi thổi để anh em làm quen.

     Ngày 7/12/1945, lớp học được khai giảng cũng là ngày chúng tôi chính thức nhập ngũ. Lớp học có 23 học viên và một chị làm nhiệm vụ nuôi quân. Tuy mục tiêu chính là đào tạo hiệu thính viên (nay gọi là báo vụ viên) nhưng nội dung học tập khá toàn diện và được gọi là lớp chuyên môn thông tin. Để kỷ niệm lớp hiệu thính viên đầu tiên của quân đội mở tại Thủ Đô, khóa học lấy tên là khóa Hoàng Diệu(3). Mỗi học viên được cấp phù hiệu thêu bốn chữ CMTT và biểu tượng là cột ăng ten phát sóng(4), nghĩ lại cũng có thể hiểu CMTT là Cách mạng tháng Tám.

     Lớp có hai giáo viên chính là đồng chí Lê Dung và Vũ Hán Thăng dạy kỹ thuật và nghiệp vụ. Bác Hoàng Đạo Thúy và các đồng chí Quang Đạm, Vũ Quang dậy chính trị và một võ sư dạy võ thuật. Về quân sự, anh em chỉ tập đội ngũ và sử dụng súng trường, súng ngắn do học viên đã học khi tham gia Tự vệ chiến đấu ở khu phố hướng dẫn lại, ngoài ra nghe anh Nguyễn Duy Thịnh, một học viên đã tham gia chiến đấu ở Thị Nghè kể lại một số trận đánh khi Pháp gây chiến ngày 23/9/1945 ở Nam Bộ.

     Dụng cụ học tập rất nghèo nàn, thô sơ, maníp để tập phát báo bằng gỗ, dùng cao su săm xe đạp để làm lò so, tai nghe quàng đầu một bên là gỗ, một bên là thật. Riêng giáo viên có một maníp tốt có lò so điều chỉnh được và một bộ máy phát báo tự động để luyện cho học viên thu tín hiệu từ chậm đến nhanh, với nhịp điệu và gián¸cách đúng tiêu chuẩn.

     Các môn học khác như Điện kỹ thuật, nguyên lý vô tuyến điện, quy tắc liên lạc và chính trị đều “nghe giảng”, riêng môn võ thuật giáo viên hướng dẫn tập đối kháng ngay ở sân trường, tôi và anh Mai Đình An là hai học viên được võ sư mến nhất(5) .

     Ngoài việc học tập, lớp còn phân công thay nhau “gác cổng trường 24/24”. Vì Hội Phụ nữ Cứu quốc cũng sử dụng trường Hàm Long làm trụ sở, do đó nhân dân trong khu phố đều tưởng chúng tôi là đội cảnh vệ của Hội Phụ nữ, chúng tôi cũng nhận “phiên hiệu” đó để giữ bí mật, tránh sự nhòm ngó của bọn Quốc dân Đảng lúc này vẫn hoạt động phá hoại ở Hà Nội.

     Về sinh hoạt, chúng tôi được cấp mỗi người 18kg gạo/tháng và 180 đồng tiền thức ăn, ngoài ra còn được 5 đồng để tiêu vặt (cắt tóc mua xà phòng). Với giá thị trường lúc đó, tiền thức ăn vẫn tạm đủ để bữa ăn có hai món như rau muống luộc, đậu rán, thịt kho… nhưng khổ nhất là món cơm, rất khó nuốt vì gạo được cấp phát đều lấy ở các kho dự trữ của phát xít Nhật nên có loại gạo hẩm, mốc đã lên men, khi vo, gạo tan ra nước đến 20%, cơm có vị chua; có loại gạo có rất nhiều sạn vì khi bị Nhật thu thuế, nhân dân ta đã trộn cát, sỏi vào thóc cho đủ cân nên khi xay xát thành gạo ít ra cũng có 10% là sạn. Khi vo loại gạo này tuy đã “đãi” nhiều lần (mỗi rá gạo đãi hàng bát cát và sỏi vụn) nhưng khi nấu thành cơm, miếng cơm nào cũng có sạn và chúng tôi phải “đãi sạn lại” bằng cách chan thật nhiều nước rau muống luộc vào bát cơm rồi quấy lên cho sạn lắng xuống, khi ăn dành lại miếng cơm cuối cùng để “nuôi lợn”. Để khắc phục tình trạng “khó nuốt” trên, tôi đã có sáng kiến đề nghị anh em bán gạo xấu đi, lấy một phần tiền thức ăn bù để mua gạo tốt hơn, do đó những bữa ăn sau tuy chỉ có một món rau muống luộc chấm nước mắm chưng có hạt tiêu nhưng anh em ăn ngon miệng, không còn tình trạng thừa cơm nhưng bụng vẫn đói.

     Tuy sinh hoạt vật chất thiếu thốn, đối với anh em mới xa gia đình, mới rời ghế nhà trường, có thể nói là “gian khổ”, nhưng sinh hoạt tinh thần rất phong phú vì hầu hết các học viên là học sinh trẻ, có nhiều khả năng văn hóa, văn nghệ nên hàng tuần chúng tôi đều tổ chức một tối liên hoan văn nghệ ca hát, đọc thơ, diễn kịch…

     Hoạt động văn hóa, văn nghệ của chúng tôi đã lôi cuốn cả chị em ở Hội Phụ nữ Cứu quốc, nên nhiều tuần chúng tôi tổ chức liên hoan cùng các “cô láng giềng” do đó không khí càng thêm vui và nếu lớp học kéo dài thêm vài tháng, chắc nhiều anh em sẽ tìm được “ý trung nhân’

     Sau ba tháng học tập, chúng tôi đã có trình độ cơ bản để có thể đi thực tập ở các điện đài nên sau khi Chính phủ ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, Phòng Thông tin đã điều động một số đi công tác và toàn bộ khóa học được bế giảng ngày 26/3/1946. Sau khóa học 2/3 học viên được điều về các đơn vị, số còn lại được bổ sung thực tập ở Trung tâm thu (BCR) trực thuộc Phòng Thông tin, tôi cũng ở trong số này.

     Đến tháng 8/1946, sau khi quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng và nhảy dù ở Lạng Sơn, tôi và anh Đỗ Minh(6) được điều đi phụ trách đài ở Đại đoàn Bắc - Bắc đóng quân ở Lục Nam. Sau khi Đại đoàn này giải thể, tôi được chuyển về Khu 1 phụ trách đài đi theo đồng chí Bằng Giang - Khu trưởng làm nhiệm vụ tiễu phỉ diệt bọn Quốc dân Đảng ở tỉnh Yên Bái và Lào Cai.     

     Sau 40 năm liên tục công tác trong Binh chủng Thông tin, được Đảng và tập thể giáo dục và rèn luyện, từ một chiến sĩ báo vụ, tôi đã được bổ nhiệm làm Tư lênh Binh chủng cuối năm 1987 và được nghỉ chế độ từ năm 1992 nhưng những kỷ niệm về lớp chuyên môn thông tin đầu tiên (12/1945 đến 3/1946) vẫn in sâu đậm nét trong tâm trí tôi.                                           

Hà Nội, tháng 9 năm 1996                                  


2. MỘT NĂM LÀM BÁO VỤ

VÀ TRƯỞNG ĐÀI VÔ TUYẾN ĐIỆN

(Tháng 3-1946 đến tháng 2-1947)


Sau khi lớp báo vụ đầu tiên ở Trường Hàm Long kết thúc, tôi và một số học viên có trình độ khá về thực tập tại Trung tâm thu (BCR) của Bộ Quốc phòng ở số nhà 36 phố Carô (nay là phố Lý Thường Kiệt). Trung tâm dùng các máy thu kiểu HRO và NC-44 của Mỹ, mỗi máy có hai bộ tai nghe, một dùng cho báo vụ viên chính, một cho báo vụ thực tập (gọi là kiến tập viên). Từ Trung tâm thu có đường dây điều khiển đến các máy phát đặt ở Sở Vô tuyến điện Bạch Mai và một trung tâm ở gần nhà Bác Cổ.

Ngoài giờ làm ca cùng với các bác là nhân viên cũ của Sở Vô tuyến điện và cựu binh sĩ, chúng tôi tập thu các đài Thông tấn thường phát tin bằng máy ở tốc độ 150 chữ/phút và luyện thêm cách gõ manip để đạt tốc độ 100 chữ/phút. Vài anh em còn luyện cách đánh manip ngang (lateral) có thể đạt tốc độ 150 chữ/phút và còn tập gõ manip bằng tay trái với suy nghĩ khi chiến đấu không may tay phải bị thương vẫn dùng tay trái bảo đảm liên lạc... Ngoài việc rèn luyện thêm kỹ năng thu phát tin, tôi thường đến bộ phận kỹ thuật (tiền thân của Xưởng CRL) do anh Lê Dung phụ trách để tìm hiểu thêm về các kiểu máy thu phát. Trong thời gian Nhật đảo chính Pháp, một số thiết bị Vô tuyến điện quân sự cũng bị các cựu binh sĩ lấy và cất dấu nên tôi mua được một máy thu kiểu Schnell dùng 3 đèn điện tử, nhờ vậy tôi đã tập dò mạch điện và tìm hiểu nguyên lý hoạt động của từng bộ phận. Về sau một cán bộ kỹ thuật ở khu 3 lên hỏi mua lại máy, tôi không bán nhưng đổi máy lấy cuốn sách “La TSF” của ông Berchet để có điều kiện nghiên cứu sâu về lý thuyết Vô tuyến điện vì tôi đọc được sách tiếng Pháp.

Sau hai tháng thực tập, tôi đã được các bác nhân viên cũ cho làm các phiên việc, lúc đầu là phiên ít việc, sau là các phiên có nhiều việc hoặc với các đài ở xa, tín hiệu nhỏ, nhiễu. Trong số anh em thực tập, tôi là người tiến bộ nhanh nhất, đã có thể độc lập đảm nhiệm một ca không cần có nhân viên cũ đi kèm.

Tháng 7 năm 1946, khi Pháp nhảy dù ở Hải Phòng và Lạng Sơn, tôi và anh Đỗ Minh được phân công mang một điện đài lên Lục Nam để bảo đảm liên lạc cho Đại đoàn Bắc Bắc.

Anh Đỗ Minh nhiều tuổi hơn nhưng tôi vẫn được chỉ định làm đài trưởng, vì có trình độ khá hơn và ở lớp học “Hàm Long” tôi đã làm Tiểu đội trưởng.

Điện đài chúng tôi mang theo kiểu SCR694 do Mỹ sản xuất là loại hiện đại nhất lúc đó, ta phải mua của một viên quan nămtrong quân đội Tưởng với giá là hai vạn đồng Đông Dương (trong lúc sinh hoạt phí hàng tháng của mỗi người chỉ là 180 đồng). Khi mua được bộ máy này, Phòng Thông tin đã nhờ hai chuyên viên kỹ thuật giỏi nhất của Sở bưu điện nghiên cứu cách sử dụng nhưng vì là máy kiểu mới, các núm điều khiển đều là tiếng Anh viết tắt nên sau hai ngày nghiên cứu, hai ông chỉ tìm cách chỉnh được máy phát và thu được tín hiệu,  còn nhiều núm nút chưa biết hết tác dụng!

Vì tình hình khẩn trương nên chúng tôi được lệnh vẫn đem điện đài đi, vừa sử dụng, vừa nghiên cứu thêm các tác dụng khác. Vì đã có một số hiểu biết về lý thuyết, chỉ sau hơn một tuần chúng tôi đã mày mò ra các tính năng khác như phát tín hiệu Moóc có biến điệu (MCW), căn chỉnh tần số giữa máy thu và máy phát, liên lạc theo kiểu đơn công sen ngắt (BK), tự kiểm tra tín hiệu khi phát tin...

Ngoài các phiên liên lạc, chúng tôi còn theo dõi đài Tiếng nói Việt Nam và nhận tin Thông tấn xã cung cấp cho Ban chỉ huy nên được Đại đoàn rất ưu ái.

Vài tháng sau xét thấy tổ chức cấp Đại đoàn chưa phù hợp với trình độ và yêu cầu tác chiến thời kỳ đó nên Đại đoàn được giải thế, điện đài chúng tôi được giao về Khu Việt Bắc, chúng tôi về làm việc tại đài của Khu bộ đang dùng một bộ máy kiểu cổ (máy phát Mesny), mỗi khi phát tin phải chạy máy nổ rất mất thời gian, không thuận tiện như bộ máy SCR694.

Khoảng tháng 10/1946 tôi và anh Đỗ Minh lại mang theo một điện đài kiểu MK15 đi cùng khu trưởng Bằng Giang chỉ huy các đơn vị tiêu diệt bọn phản động Quốc dân đảng ở Yên Bái và Lào Cai.

Tôi còn nhớ khi đóng quân ở Phố Lu ra suối tắm thấy nhiều người ghẻ lở, xanh xao cho rằng nước suối độc nên ra tắm ở sông Hồng tuy nước đục và hàng ngày đều có xác người trôi từ Lào Cai xuống! Anh Đỗ Minh còn chịu khó gánh nước sông về đổ vào bể chờ lắng bớt phù sa mới tắm...

Sau khi Lào Cai được giải phóng, điện đài chúng tôi được giao cho Trung đoàn Lao Hà (Lào Cai - Hà Giang) đóng quân ở Cốc Lếu phải qua sông mới vào thị xã Lào Cai.

Trong thời gian làm đài trưởng ở Lục Nam, mỗi ngày chỉ có hai phiên liên lạc nên tôi đã nghiên cứu xong cuốn “La TSF” do đó khi làm Đài trưởng ở Trung đoàn Lao Hà tôi đã nắm vững cấu tạo của bộ điện đài, tự sửa được các hỏng hóc thông thường không phải mang máy về Trạm sửa chữa của khu 10 ở Việt Trì.

Ngày 18/12/1946 Tôi về Ban Thông tin khu 10 lĩnh Vật liệu (pin, sổ sách, giấy nhận điện...) Tối ngày 19, nhân lúc anh em ở Ban Thông tin họp, Tôi được nhờ làm phiên liên lạc với Bộ lúc 19h30. Lúc này do thời tiết xấu, máy thu bị can nhiễu mạnh nên khi bắt được liên lạc đài Bộ chuyển luôn một bức điện tối tối thượng khẩn chưa kịp lấy báo nhận thì đèn điện vụt tắt, tôi không kịp hỏi lại hai nhóm còn sai sót. Tôi vội đề nghị Ban chuyển ngay điện sang Ban mật mã để dịch vì đoán là có tin rất quan trọng. Sau 30 phút chúng tôi được thông báo cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu, cơ quan khu Bộ lập tức chuẩn bị để sớm hôm sau chuyển đến vị trí dự bị ở một làng phía Bắc thị xã.

Khó khăn lúc này là bộ máy MKII chủ lực của khu không có nguồn điện dự bị (ắc quy, máy nổ) chỉ còn một bộ máy dự bị kiểu haclây - Schnell dùng máy phát điện quay tay không thể giải quyết hết khối lượng công việc.

Ban Thông tin ra ga Việt Trì tìm máy nổ và ắc quy, được anh em hỏa xa cho biết trong kho chỉ có 4 bình ắc quy sắt kền (ferro-nickel) trước dùng cho ô tô ray (ô tô chạy trên đường ray) có dung lượng lớn vài trăm ămpe-giờ (AH) nếu có máy nạp đầy điện thì dùng được.

Ban liền xin về khu và bàn cách giải quyết vấn đề nạp điện. Tôi chợt nhớ nhà máy điện ở thị xã Lào Cai cấp điện 110V một chiều liền đề nghị cho tôi mang ắc quy lên Cốc Lếu để nạp sau vài ngày là có ắc quy dùng cho máy MKII.

Thực hiện ý tưởng trên Ban đề nghị Sở hoa xa khi có chuyến tàu từ Việt Trì đi Lào Cai, khi qua nơi sơ tán của khu bộ cho xe lửa tạm dừng để chuyển lên Lao Cai, khi chở ắc quy về xe lại tạm dừng để chuyển ắc quy về đài ở khu Bộ.

Lúc này mọi hoạt động quân sự đều được ưu tiên nên sở hỏa xa đồng ý hết sức giúp đỡ.

Để thực hiện công việc trên, Ban Thông tin cử một anh khác lên thay tôi làm Đài trưởng ở Lao Cai và điều động tôi về Khu, vừa làm báo vụ vừa chuyên trách việc lo bảo đảm nguồn điện cho đài.

Chuyến đầu tiên nạp 4 bình ắc quy vừa đi vừa về mất 3 ngày vì tôi phải tìm các thiết bị phụ để hạ điện áp và điều chỉnh dòng điện nạp cho phù hợp, việc này được Ban giám đốc Nhà máy Lao Cai giúp đỡ rất nhiệt tình.

Sau khi ắc quy được nạp đầy về dùng thử cho MKII (qua bộ rung đổi điện) thấy được gần một tuần mới hết, tôi rất phấn khởi và đề nghị với Ban, sau khi dùng hết ba bình tôi lại đem đi nạp còn bình chưa dùng sẽ bảo đảm trong khi tôi đi nạp và từ lần sau cứ dùng hết hai bình tôi lại đi nạp, trung bình cứ nửa tháng tôi phải đi và về mất hai ngày để nạp ba bình ắc quy.

Nghĩ lại mới thấy hồi đó tôi gần 18 tuổi nhưng sức khỏe rất tốt nên một mình vẫn bê nổi ắc quy lên tầu và xuống tầu với trọng lượng mỗi bình khoảng 80kg, không kém gì lực sĩ cử tạ! Còn khi đưa về đơn vị tất nhiên phải nhờ anh em đưa xe ra chở hoặc khiêng ắc quy về đài.

Nhờ vậy từ cuối tháng 12/1946 đến tháng 2/1947 tôi vừa làm ca kíp ở đài của Khu vừa lo việc nạp ắc quy, được đồng chí Nguyễn Ái Hạc trong Ban rất mến. Khi xưởng CRL do đồng chí Lê Dung phụ trách chuyển từ thủ đô lên Phú Hộ xin tôi về Ban sửa chữa thiết bị Vô tuyến điện . Thông cảm với nguyện vọng của tôi và thấy tôi có triển vọng phát triển về kỹ thuật nên đồng chí Hạc đồng ý tuy cũng muốn giữ tôi ở Khu vì đang làm tốt mọi việc.

Đến cuối tháng 2/1947, Tôi được quyết định chuyển về Xưởng CRL thuộc Phòng Thông tin của Bộ, chấm dứt thời kỳ làm báo vụ và Đài trưởng của tôi sau một năm tốt nghiệp lớp báo vụ đầu tiên. Tuy nhiên Tôi còn duyên nợ với ngành báo vụ nên tháng 7-1950 sau hơn ba năm công tác ở CRL tôi lại được điều động đi chiến dịch biên giới làm đội trưởng đội Vô tuyến điện cơ động 101, sau đó tiếp tục đi 9 chiến dịch đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ mới chuyển sang công tác huấn luyện.




3. TỰ HỌC THÀNH CƠ CÔNG VÔ TUYẾN ĐIỆN

(1946 - 1947)


Hòa mình trong dòng thác Cách mạng Tháng 8, Tôi đã tham gia công tác quân báo từ tháng 10-1945 ở Hà Nội, sau đó theo lệnh của bác Hoàng Đạo Thúy lúc đó phụ trách Phòng Thông tin - Quân báo của Quân sự ủy viên hội (tiền thân của Bộ Tổng Tham mưu), tôi chuyển sang học lớp “Chuyên môn Thông tin” từ tháng 12-1945 đến 6/3/1946 được điều về tập sự ở Trung tâm Vô tuyến điện của Bộ.

Sau khi Pháp nhảy dù ở Lạng Sơn tôi được cử làm Trưởng đài của Đại đoàn Bắc - Bắc từ tháng 8/1946 rồi chuyển về Chiến khu 1 và phụ trách đài theo Tư lệnh Bằng Giang đi tiểu phỉ ở Yên Bái - Lào Cai đến cuối năm 1946 thì chuyển về khu 10.

Là một học sinh phổ thông Trung học đang ở tuổi ham học lại công tác ở ngành thông tin vô tuyến, tôi quyết tâm tự học về kỹ thuật vô tuyến điện để trước mắt có thể tự sửa chữa hư hỏng của điện đài mình phụ trách và sau này sẽ xin chuyển về xưởng Vô tuyến điện khi có nhu cầu.

Trước khi rời Hà Nội tôi đã tìm được quyển “La TSF” của Berchet dày khoảng 600 trang” (1) nên ngoài  giờ liên lạc của điện đài tôi đã tự nghiên cứu sách kết hợp với dò mạch các máy thu phát mình phụ trách nên hiểu được nguyên lý, nắm được các mạch điện và tự sửa chữa được các hư hỏng thông thường của điện đài mình phụ trách không phải mang về trạm sửa chữa của Khu sẽ mất liên lạc hàng tuần như một số đài khác.

Tuy nhiên cũng có lần phải trả giá! Đó là trường hợp tôi tháo một máy thu kiểu Schnell dùng ba đèn có sợi đốt trực tiếp để dò mạch. Các mạch điện đều dùng dây không có vỏ cách điện như các loại máy sau này nên khi tôi đang nối nguồn pin vào máy, không may để một cái vặn vít lăn vào làm chập giữa mạch anốt (45V) và mạch sợi đốt (3V) nên bị cháy luôn ba đèn (hai đèn kiểu 30, một đèn kiểu 31).

Rất may là Đài có một bộ đèn dự bị nên không ảnh hưởng đến công việc. Tôi không dám báo cáo lên trên mà chờ dịp về Hà Nội ra hiệu mua đền bộ đèn trên bằng “tiền riêng”. Cái giá phải trả đó đã giúp tôi có tác phong tỉ mỉ, thận trọng khi đo điện, lắp ráp và sửa chữa máy. Mặt khác, nhờ có khả năng tự sửa chữa điện đài nên cuối quý 1/1947, khi Xưởng CRL của Bộ chuyển từ Hà Nội lên An toàn khu Việt Bắc, tôi được điều động từ khu 10 về Xưởng công tác tại bộ phận sửa chữa, lắp ráp máy thu phát VTĐ, thực hiện được ước mơ trở thành cơ công Vô tuyến điện.





(1) Trích “Lịch sử và truyền thống Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Việt Hưng" (NXB Hà Nội tháng 4-2010).

(2) Lúc này bác Hoàng Đạo Thúy phụ trách 3 ngành quân báo, thông tin, mật mã của Bộ Tổng Tham mưu.

(3)  Xem lịch sử bộ đội Thông tin, xuất bản 7/1996, trang 33.

(4) Phù hiệu còn lưu giữ ở Bảo tàng Thông tin.

(5) Anh Mai Đình An sau kháng chiến chống Pháp đã học và tốt nghiệp Phó Tiến sĩ vô tuyến điện  tử ở Liên Xô…


(6) Anh Đỗ Minh đã hy sinh ngày 6/5/1954 ở Điện Biên Phủ khi làm phó Ban Thông tin  Đại đoàn 312.

Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét