17/11/15

BÁC VŨ ĐẠO PHỔ VỚI ĐÀI VMA - ĐÀI VÔ TUYẾN ĐIỆN ĐẦU TIÊN CỦA NAM BỘ KHÁNG CHIẾN





Đại tá NGUYỄN THÔNG

Ngày 27 tháng 6 năm 1993, lần thứ tư tôi gặp lại bác Vũ Đạo Phổ tại căn nhà nhỏ số 235, Võ Thị Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi thăm hỏi, tôi tiếp tục hỏi thêm bác một số vấn đề đặt ra trước đây về ngành Vô tuyến điện Khu 9 trong thời kỳ chống Pháp. Lần này, thấy bác yếu nhiều, với tuổi trên 80 và đôi mắt có nhiều suy tư. Bác chậm rãi, kể chuyện khá say sưa về cách đây gần 50 năm "bây giờ nhắc lại có cái nhớ, cái quên, có gì đồng chí hỏi thêm các đồng chí khác nhé!".
Về đài vô tuyến điện đầu tiên của Nam Bộ kháng chiến là thế này:
Sau khi ta giành được chính quyền tháng 8 năm 1945, tình hình Sài Gòn ngày càng căng thẳng. Để đối phó âm mưu Pháp chuẩn bị tấn công Sài Gòn chiếm lại nước ta lần nữa, theo lệnh của Ủy ban hành chính Nam Bộ do kỹ sư Nguyễn Văn Tình - Giám đốc Sở Vô tuyến điện Sài Gòn phổ biến cho anh Huỳnh Kim Huyền và tôi gấp rút lắp đặt một điện đài trên xe cứu hỏa.
Đài có ba anh em, lúc đầu anh Hồng Phong (Nguyễn Văn Loát) làm trưởng đài, sau thì tôi phụ trách kiêm sửa máy và anh Tám Nam lái xe. Tên đài VMA (Việt Minh A) sẵn sàng thay thế khu thu phát Đa Kao - Sài Gòn (Sở Bưu điện miền Nam Đông Dương ở số 3 Richaud - nay là Nguyễn Đình Chiểu) giữ vững liên lạc với đài Bạch Mai - Hà Nội (Trung ương) và Huế (Ủy ban kháng chiến miền Trung).
Suy nghĩ một chút, bác nói: Tôi còn nhớ một ngày lịch sử đối với tôi đó là đêm 19 rạng sáng 20 tháng 9 năm 1945, tôi rời Sài Gòn xa vợ con thân yêu đi bằng xe điện đài, chúng tôi bí mật về Mỹ Tho. Đi đầu có hai xe chở anh Phạm Ngọc Thạch, Ung Văn Khiêm và Nguyễn Kim Cương (Nguyễn Văn Kỉnh). Anh Cương quan hệ, chỉ đạo điện đài.
Về Mỹ Tho, chúng tôi ở nhà ông Năm Nho. Tại đây liên lạc được với các nơi, nhưng đài Hà Nội nghe rất yếu, tôi lo kiểm tra máy, nguồn điện. Anh Hồng Phong và Tám Nam thì căng dây trời cao lên. Kết quả tốt hơn, trao đổi điện được nhưng bạn hỏi lại nhiều.
Sau đó, lại là một ngày cực kỳ căng thẳng, sống còn ở khu thu phát Sài Gòn. Hôm đó, là rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng tôi được tin một trong những mục tiêu quan trọng đầu tiên địch đánh chiếm Sài Gòn là khu thu phát Đa Kao nhằm cắt đứt mạch máu thông tin liên lạc giữa Nam Bộ với Trung ương.
Đến 10 giờ 50 phút, chúng tôi nhận thêm tin quân Pháp có quân Anh che chở đã tấn công khu thu phát, nhưng các chiến sĩ cảnh vệ và anh em công nhân viên chức do anh Ngô Vi Ái chỉ huy đánh trả quyết liệt, địch không vào được.
Tiếp đến 15 giờ, được tin quân Pháp tăng cường xe tăng đánh chiếm khu thu phát Đa Kao. Quân ta dùng mìn phá hủy, nhưng không kịp, khu thu phát đánh tín hiệu "SOS" báo cho Hà Nội, Huế liên lạc trực tiếp VMA và anh em rút lui ra hướng Thị Nghè. Đến lúc này, toàn Nam Bộ chỉ còn một đài duy nhất là VMA của Xứ ủy - Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.
Tuy khu thu phát Đa Kao không còn, nhưng làn sóng điện Nam Bộ kháng chiến vẫn còn.
Vài hôm sau, đài VMA dời qua Bến Tre ở nhà ông Bảy Thử tiếp tục làm việc bình thường.
- Về gia đình, bác có được tin tức gì không?
- Hoàn cảnh nhà tôi cũng khó khăn lắm. Tôi có vợ và ba con nhỏ, chúng tôi sống tại Sài Gòn và rất thương nhau, nhất là mấy cháu quấn quýt bên tôi. Hôm ra đi gấp, tôi chỉ kịp hôn các cháu và dặn vợ: Em cố gắng, anh sẽ về, có gì thì tản cư theo anh em để tránh bom đạn.
Sau này, bọn Pháp biết tôi đi kháng chiến, tịch thu toàn bộ tài sản và đuổi vợ con tôi ra khỏi nhà cho là "Pháp gian", vì vợ tôi là người Pháp.
Mấy mẹ con bồng bế ra ở ngoài gốc me cạnh đường. May nhờ gặp vợ chồng người bạn thân đưa vợ tôi về ở chung.
Được tin, tôi viết thư về an ủi vợ con và nhờ gia đình bạn tiếp tục giúp đỡ.
Hoàn cảnh tôi ra đi kháng chiến hồi đó là như vậy. Cũng như bao nhiêu anh chị em khác, chúng tôi cũng rất thanh thản theo tiếng gọi cứu nước và sức hút trách nhiệm thiêng liêng phải bảo đảm liên lạc với Trung ương.
Sau khi ở Bến Tre hơn hai tuần, tôi nhớ khoảng giữa tháng 10 năm 1945, xe điện đài của chúng tôi tiếp tục đi theo các đồng chí Xứ ủy - Ủy ban đến một số xã địch chưa chiếm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... mỗi nơi đoàn ở lại một vài ngày.
Khi dừng lại, ba đồng chí chúng tôi kiếm chỗ đậu xe, căng dây trời, chạy máy nổ liên lạc với Trung ương và Huế. Lúc này tôi phụ trách đài, anh Hồng Phong đi nhận công tác khác, anh Nguyễn Văn Trị - hiệu thính viên kiêm sửa chữa máy được bổ sung về.
- Thưa bác, lúc này đài liên lạc mấy đối tượng?
- Tôi nhớ cuối cùng tháng 11 năm 1945, đài Hà Nội giới thiệu chúng tôi liên lạc với đài VQ40 của Chi đội Đội Cung hoạt động ở Tuy Hòa giúp cho Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo lực lượng vũ trang cực Nam Trung Bộ (theo chỉ thị của Trung ương). Kế đó cũng khoảng cuối năm 1945, liên lạc thêm đài VMA4, Khu 8 do anh Lê Văn An chèn sóng bắt liên lạc được, chúng tôi rất mừng.
Sau này liên lạc trực tiếp với Hà Nội không được, chúng tôi phải nhờ đài Huế chuyển tiếp.
Đầu tháng 12 năm 1945, đài không còn hành quân bằng xe mà chuyển xuống đi xà lan, ghe tam bản, đài ở cách Xứ ủy khoảng 2km. Lúc này, Xứ ủy Nam Bộ làm việc tại một cái chòi rơm ở đồn điền Cờ Đỏ, huyện Ô Môn (Cần Thơ).
Ở đây, tôi còn nhớ có anh Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thanh Sơn, Hà Huy Giáp... bàn việc thành lập Chiến khu 9 và nhiều việc chung khác. Sau này mới biết đây là thời điểm lịch sử cực kỳ quan trọng để thực hiện chiến lược kháng chiến của Trung ương, của Bác Hồ.
Sau đó, tôi và anh Cao Văn Hóa (kỹ sư vô tuyến điện phụ trách xưởng sửa chữa Sở Bưu điện miền Nam Đông Dương của Pháp) được anh Nguyễn Kim Cương phổ biến chuẩn bị đi qua Thái Lan để mua máy, vật liệu vô tuyến điện và vũ khí. Đài VMA giao lại anh Trị phụ trách.
Đoàn đi đường biển bằng ghe buồm đến đảo Phú Quốc, địch đánh hơi và phong tỏa gắt gao không đi được, phải chuyển lại đi theo đường bộ. Thấy đi đông không tiện anh Cương đi một mình để chúng tôi ở lại, anh Cao Văn Hóa ra miền Trung, còn tôi trở về phụ trách đài VMA.
Khoảng Tết năm 1946, chúng tôi chuyển về ở một vùng rừng Rán (Bạc Liêu) để tránh lộ bí mật vì địch lúc này tăng cường do thám gián điệp vào vùng sâu để phát hiện đánh phá cơ sở kháng chiến của ta.
Đài vẫn ba anh em: Tôi, anh Trí và một em liên lạc hàng ngày lo tiếp tế và đưa điện cho mật mã ở bên ngoài rừng.
Ở đây gần 6 tháng, tôi có nhiều kỷ niệm rất sâu sắc: Môi trường sống hoàn toàn mới lạ, rất khó khăn gian khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng cũng có nhiều điều thú vị ngoài suy nghĩ và mong đợi đối với tôi.
Rừng ở đây sình lầy ẩm thấp, còn muỗi, vắt, bù mắt thì rất nhiều, đúng là "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh".
Toàn bộ máy, nắp máy kê thành chiếc bàn nhỏ để nhận và đánh điện. Tất cả đều được đặt trong mùng nhỏ, cũ rách mượn của dân và giăng liên tục suốt ngày đêm, hết ngày này qua tháng nọ.
Việc đi lại cũng rất khó, vừa đi xuồng, vừa đi bộ, có lúc sình lầy tới ngang ngực.
Được một thời gian thì anh Trị bị sốt rét nặng phải đưa ra ngoài dân nhờ cô bác chăm sóc trị bệnh giùm (nhắc tới đây tôi càng nhớ bà con U Minh, Cà Mau rất tốt, đã đùm bọc, nuôi dưỡng, che chở chúng tôi, nhờ đó mà đài làm việc suốt thời gian dài an toàn và anh Trị cũng chóng hồi phục).
Anh Trị bị bệnh, còn lại một mình tôi, vừa cho máy nổ chạy tốt là nhanh chóng chui vào mùng làm việc vì mỗi lần phát tín hiệu là phải dùng nguồn máy nổ cung cấp trực tiếp. Cũng may hồi ấy tôi khỏe, làm việc với các nơi đều thông suốt nên tôi rất mừng. Kế đó là một niềm vui nữa, đang dò tìm đài bỗng nghe tín hiệu quen thuộc của anh Lê Tấn Trình, tôi biết đây là đài VMA2 của Ban quân sự Nam Bộ (3-1946).
Như vậy đến lúc này, VMA liên lạc được 5 đài giúp Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ quan hệ chặt chẽ với Trung ương, với Ban quân sự Nam Bộ (miền Đông) và các đài khu. Có thể nói niềm vui nhất của người lính vô tuyến điện là khi liên lạc vững chắc, giải quyết điện xong, không còn ứ đọng. Cũng giống như niềm vui của người lính chiến khi hạ được đồn thù, bảo vệ được dân.
Một điều đặc biệt thích thú nữa là tôi thực hiện được ước mơ ấp ủ từ lúc rời Sài Gòn là làm thế nào lắp được máy phát vô tuyến điện, nên lúc rảnh tôi nghiên cứu sách kỹ thuật của Pháp mà tôi kịp mang theo. Vừa học, vừa mò mẫm mãi, tôi lắp được chiếc máy phát kiểu Hắc-lây và máy đo sóng (thời Pháp thuộc, họ chỉ hướng dẫn ta làm máy thu thanh (radio), còn máy phát họ tự làm và giữ bí mật không dạy cho người Việt Nam.
Từ kiên trì học tập, tìm tòi và quyết tâm làm đi làm lại, cuối cùng tôi đã thành công, chất lượng khá, thử với số đài trong Nam Bộ thấy liên lạc tốt. Tôi và anh Trị sung sướng quá như lượm được vàng! Có máy dự bị và sau này làm đài lưu động của khu.
- Thưa bác, lắp bao lâu thì xong máy phát đầu tiên này?
Suy nghĩ một lúc, bác nói khoảng 3-4 tháng và hoàn chỉnh vào giữa năm 1946.
- Lúc nào thành lập Khoa vô tuyến điện Khu 9?
- Cuối tháng 12 năm 1946, thời kỳ sơ khai cái gì cần thì tổ chức trước. Riêng Khoa vô tuyến điện do anh Phan Trọng Tuệ - Chính trị bộ, Chủ nhiệm khu - trực tiếp chỉ đạo thành lập tại Cây Bàng, Vĩnh Thuận (Rạch Giá). Khoa gồm 10 người do tôi làm trưởng khoa.
Có ba bộ phận: Văn phòng khoa 2 người: tôi và 1 liên lạc; đài có 6 đồng chí: gồm máy nổ, liên lạc, trưởng đài - anh Phạm Văn Liên, hiệu thính - hai anh Trần Tích, Lê Khắc Diệm và tổ sửa chữa vô tuyến điện hai đồng chí do anh Nguyễn Văn Trị phụ trách.
- Thưa bác lúc này liên lạc tất cả bao nhiêu đài?
- Ngoài 5 đối tượng còn thêm 2 nữa là 7 (Chi đội 21 Long Xuyên - Châu Đốc và đài phát tin ở Băng Cốc).
Riêng đài VMA2 Ban quân sự Nam Bộ gián đoạn thì có đài VMB Chiến khu 7 thay thế vì lúc này ông Nguyễn Bình là Chỉ huy trưởng Chiến khu 7.
- Về các lớp học thông tin đầu tiên?
- Giữa năm 1947, theo lệnh anh Tuệ chuẩn bị mở 3 lớp gồm: hiệu thính viên, sửa chữa vô tuyến điện, máy nổ và cơ điện. Sau đó, đầu năm 1948 khai mạc ba lớp đầu tiên tại Cây Bàng.
- Xin bác kể thêm về hoàn cảnh đồng chí Nguyễn Văn Trị?
- Hoàn cảnh vợ chồng anh Trị rất khổ, rất đáng thương. Gần 20 năm giải phóng rồi, nhưng chưa được hưởng chính sách.
Anh Trị quê ở Chợ Thủ, huyện Chợ Mới, An Giang, như phần trên tôi đã kể. Anh là một trong những người có công lớn xây dựng ngành Vô tuyến điện Chiến khu 9. Anh còn xây dựng tổ sửa chữa thành một xưởng vô tuyến điện khá mạnh và phụ trách huấn luyện 3/6 khóa hiệu thính và thợ sửa chữa gần 70 học viên. Anh Trị được Bộ chỉ huy Chiến khu 9 quyết định làm Xưởng trưởng Xưởng vô tuyến điện, Đại đội phó (tháng 9-1948).
Vợ anh Trị là Chính, cũng là người theo chồng kháng chiến từ những ngày đầu làm giao liên, nấu cơm cho xưởng...
Đến năm 1954, anh Nguyễn Văn Trị được anh Tuệ (Bộ Tư lệnh Phân liên khu) chỉ định ở lại miền Nam hoạt động. Sau này được biết anh Trị công tác tình báo ở Sài Gòn, đến năm 1967 anh Trị từ trần vì bệnh tình quá trầm trọng.
Nhấp một ngụm nước, bác nói tiếp:
Nói chung anh em vô tuyến điện Chiến khu 9 trong kháng chiến chống Pháp đã khắc phục nhiều khó khăn gian khổ, hy sinh đóng góp cho ngành cũng lớn lắm như anh Mười Hà, Tư An, Dương Bằng, Phong Ba và nhiều anh nữa mà tôi không nhớ hết.
- Về gia đình bác sau đó thì thế nào?
- Vợ tôi trong kháng chiến chống Pháp, địch cũng gây khó khăn nên mẹ con về luôn bên Pháp. Sau này hòa bình, vì già yếu nên bà vẫn ở bên đó, các con tôi vẫn thường về thăm và vợ chồng tôi cũng lo xây dựng gia đình cho chúng nó tạm ổn.
* * *
Tôi không ngờ buổi tiếp xúc hôm ấy là lần gặp bác cuối cùng. Sau đó không vượt nổi cơn bệnh hiểm nghèo, bác Vũ Đạo Phổ đã qua đời ngày 17 tháng 2 năm 1994.
Bác Phổ mất nhưng tên tuổi của bác vẫn còn với thông tin quân sự những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến - người Trưởng khoa vô tuyến điện Chiến khu 9 đầu tiên đã có công lớn trực tiếp xây dựng ngành Vô tuyến điện từ không đến có, từ ít đến nhiều, góp phần quan trọng bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ lực lượng vũ trang Chiến khu 9 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ qua các thời kỳ lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bác Phổ tuy không còn, nhưng hình ảnh người thầy, người bạn thân thương như cây đa, cây đề của ngành Vô tuyến điện Chiến khu 9 vẫn còn sống mãi trong lòng đồng đội, với niềm kính yêu vô hạn và tên tuổi của bác Phổ vẫn gắn liền với lịch sử Binh chủng Thông tin Chiến khu 9 để các thế hệ thông tin tiếp sau nghiên cứu kế thừa trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là tinh thần: "Dám học, dám nghĩ, dám làm". 
                                                         Ngày 15-4-1995
Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét