17/11/15

NHỚ VỀ CHẶNG ĐƯỜNG NAM TIẾN



NÔNG HẢI TRIỀU


Đầu tháng 11 năm 1946 theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, trung tâm thu tin vô tuyến điện (BCR) thuộc Sở Vô tuyến điện Việt Nam ở Hà Nội đã cử một số điện báo viên đi thẳng vào Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam lúc đó ở Quảng Ngãi để nhận nhiệm vụ đặc biệt.
        Ngày 4 tháng 11 năm 1946, bốn anh em chúng tôi gồm: Phúc Đen, Văn Côi, Hữu Nghĩa và tôi cùng đi trên một chuyến xe lửa từ ga Hàng Cỏ; tâm trạng mỗi người có thể khác nhau, nhưng tất cả đều chung một quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vào Quảng Ngãi được ít hôm thì có yêu cầu cử ngay một điện báo viên tham gia vào một chuyến đi đã chuẩn bị xong, nay mai sắp khởi hành. Nơi tập kết là thị trấn Sông Cầu (Phú Yên). Tình hình lúc đó từ vĩ tuyến 16 (Tuy Hòa) trở vào chiến sự đã diễn ra ác liệt, đường xe lửa chỉ vào tới Bình Định, rồi đi tiếp đến Sông Cầu, từ đó trở vào chỉ bằng vận tải đường biển là phương tiện duy nhất, mỗi chuyến đi thường chỉ một chiếc ghe bầu chở đầy khoang căng buồm ra tít ngoài khơi, phải gắng chủ động phát hiện canô hoặc tàu tuần tra của địch từ rất xa để kịp thời xử trí hướng ghe đi, có khi phải trà trộn vào ghe thuyền của dân chài... Tóm lại ngoài vận may rủi ra chủ yếu vẫn là nhờ vào ý chí gan dạ và cách xử trí linh hoạt kịp thời của người chỉ huy và anh em trên ghe.
Như vậy không phải không có những chuyến đi rủi ro, có khi mất trắng nhưng vẫn còn có những chuyến đi trọn vẹn đến nơi đến chốn. Chuyến đi của anh em chúng tôi do anh Ba Thời, một cán bộ của ngành Quân nhu chỉ huy, ngoài ra còn có hai cán bộ quân sự  và tổ điện đài gồm có tôi và anh Nguyễn Đức Phú, nguyên là điện báo viên của BCR Sài Gòn cũ, do Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam cử vào mang theo một tổ hợp thu phát vô tuyến điện nhãn hiệu USA 20W rất gọn nhẹ và gần như mới tinh, trên ghe chở đầy khoang: vũ khí, khí tài quân dụng và nhu yếu phẩm khác. Nhiệm vụ là chở vào Khu 7, cập bến Vũng Tàu - Bà Rịa. Qua hai ngày đầu thuận buồm xuôi gió an toàn, anh em chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, sang ngày thứ ba, khi đã vào tới địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu lúc đó vừa đã xế chiều, bỗng xảy ra tình huống khá gay cấn. Phát hiện từ rất xa về phía Ô Cấp - Vũng Tàu thấp thoáng một chiếc canô đang lao nhanh ra khơi và chắc chắn đó không thể là canô của phía ta rồi. Anh Ba Thời đã nhanh chóng quyết đoán xử lý cho ghe cập bờ sớm hơn dự định một quãng để đảm bảo cho chuyến đi, trời tối dần, đêm hôm đó đã liên hệ được với địa phương, với sự giúp đỡ của dân quân du kích, hàng đã được đưa lên bờ cất giấu và hôm sau về đến nơi an toàn.
Anh Ba Thời về khu báo cáo xin chỉ thị, tổ điện đài chúng tôi còn ở lại khu xóm chài Hồ Linh - Hồ Tràm ít ngày nữa mới có liên lạc đến đưa về căn cứ an toàn của Bộ Tư lệnh Khu 7. Ở đó, tôi đã gặp anh Lê Tấn Trình, anh còn có tên gọi thân mật nữa là Tám Trình, người anh cả, người đầu tiên sáng lập ra tổ chức và xây dựng nên ngành Vô tuyến điện Khu 7.
Gặp anh lúc đó khoảng cuối tháng 12 năm 1946, cả Khu 7 chỉ có một đài vô tuyến điện độc nhất đặt ở gần Bộ Tư lệnh khu, nơi làm việc của Trung tướng Nguyễn Bình, để giữ liên lạc với các khu 8, 9, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam ở Quảng Ngãi... Bộ điện đài gồm 1 máy thu Schnell và máy phát Hartley rất sơ sài, chạy nguồn điện ắc quy, ăngten phát chăng giữa 2 đầu cây sào dựng cơ động trên nóc nhà làm việc giữa đồng không mông quạnh. Khi có máy bay "bà già" đến, máy phát phải ngừng làm việc và nhanh chóng hạ ăngten xuống, máy bay địch đi xa lại dựng lên, tiếp tục làm việc. Đó là vài nét về đài vô tuyến điện trung tâm của Bộ Tư lệnh Khu 7 vào thời kỳ cuối 1946. Tên đài lúc đó là VMA2, đứa con đầu lòng của ngành Thông tin liên lạc Khu 7. Nơi đây cũng là trung tâm hội tụ những người trong ngành ở mọi lứa tuổi, cùng chung quyết tâm gắn bó với cuộc kháng chiến lúc bấy giờ. Cũng có thể nói đây là nơi tổ chức ra và trang bị cho các đài đàn em sau này, lần lượt ra đi làm nhiệm vụ trong phạm vi địa bàn Khu 7. Nơi hình thành nên những nhân tố đầu tiên và cốt lõi của tổ chức khoa vô tuyến điện rồi đến Phòng Thông tin liên lạc Khu 7 sau này. Tôi đến đây ít ngày thì một bộ điện đài thu phát kiểu Schnell-Mesny ra lò. Đó là loại thiết bị sơ đẳng mà với kiến thức được đào tạo trước đây còn học ở khoa vô tuyến điện hàng hải của Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội tôi có thể xử lý và bảo hành được mỗi khi có trục trặc trong sử dụng và hành quân, di chuyển. Tôi vinh dự được anh Tám Trình trao cho bộ máy thu phát mang tên là VMB2, người con thứ hai của vô tuyến điện Khu 7 lên căn cứ của Chi đội 10 tức Trung đoàn 310 sau này tại Chiến khu Sông Bé - Lạc An - Đất Quốc - Tân Hòa. Cùng đi phụ trách với chúng tôi là anh Lê Văn Bản, một cựu binh thời Pháp đã từng phụ trách một đài 200W đặt trên xe ô tô nhà binh cho nên chúng tôi rất yên tâm. Song tình hình địch ở xung quanh chiến khu còn rất căng. Bộ điện đài chúng tôi mang theo cần phải có pin cho máy thu và ắc quy tốt cho máy phát mới hoạt động được. Pin thì mua được, còn ắc quy thì lúc đầu nói là không thiếu, khi mang về chạy thử thì đều đã mất hết điện, mà điều kiện nạp lại bằng máy nổ (groupe moteur e"lectrogène) thì không có, mặc dù ở sâu trong rừng, biệt kích địch sớm muộn sẽ mò tới, cuối cùng phải tìm cách nạp ắc quy bằng cách quay đinamô bằng sức người: dùng một khung xe đạp lộn ngược, lấy vành bánh xe sau làm poulie chuyển lực quay đinamô phát ra điện nạp ắc quy, còn xích, đùi đĩa pê đan làm tay đòn động lực, cua roa bằng dây điện thoại bện lại dùng ít hôm đứt lại thay thế; cứ thế 2 cặp thợ quay đinamô thay phiên nhau quay khi máy phát làm việc, đó là các anh Vịnh, Minh, Khánh, Hấn. Tất cả đều là công nhân ở đồn điền cao su trốn ra đi theo kháng chiến. Tôi còn nhớ mãi giây phút mừng rỡ đến trào nước mắt khi buổi đầu tiên cho máy chạy thử tại khu rừng sâu Biên Hòa vào đúng lúc giờ đã hẹn với đài trung tâm VMA2 lúc ra đi, không ngờ chỉ sau một hồi dài gọi của maníp thì trong ống nghe của máy thu đã có ngay tiếng đáp lại của VMA2.  Rõ ràng là nhịp gõ maníp của anh Tám Trình, anh cho biết tín hiệu tốt, khỏe và điện chúc mừng thắng lợi của anh em chúng tôi. Cả đội điện đài reo mừng. Đêm hôm đó chúng tôi đã thức rất khuya, ôn lại với nhau cả một chặng đường dài đã qua. Thế là từ nay VMB2 đã thực sự có tên tuổi, có tiếng gọi của mình trên không trung, đáp ứng được mong mỏi của Trung đoàn và của bạn bè đồng nghiệp thân thương ở trung tâm VMA2 đang ngóng chờ từng ngày tiếng maníp của VMB2 gọi về.
Đến đây, kể từ ngày khoác áo ra đi, trên chặng đường Nam tiến, kết quả nhỏ nhoi trên đây đối với riêng tôi là điều thực sự có ý nghĩa.
Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét