16/5/15

Vượt suối băng ngàn giữ vững đường dây (phần 4/5)



Hồi ức của đồng chí Hoàng Đạo Thúy, phần 4/5
Con đường tin yêu
Chi ủy họp, nhận định tình hình thi đua, tình hình đơn vị. Phong trào đã có cơ sở tinh thần và cơ sở phương pháp, chiến sĩ đã có tư thế mới, đang sung sức. Để tiến lên đánh một trận lớn, thử thách trong dịp phục vụ ngày Quốc khánh và phục vụ Đại hội Đảng, còn phải làm một việc căn bản nữa. Phải làm sao cho con đường của đại đội có cái bề thế như con đường HỒ CHÍ MINH của đồng chí anh hùng thông tin Đặng Quang Cầm[1].
           Để cho vững hơn nữa, đường dây phải đi trong lòng của nhân dân, để nhân dân cùng với bộ đội bảo vệ lấy nó. Như thế, sức lực của bộ đội sẽ gấp bội, mà các chiến sĩ của đơn vị sẽ có dịp làm nhiệm vụ chiến sĩ tuyên truyền các chủ trương của Đảng về hợp tác hóa, về vệ sinh phòng bệnh, về giáo dục, văn hóa v.v...
Nghị quyết về dân vận của chi ủy được phổ biến.
Công việc bận là thế, mà anh em vẫn còn thì giờ đi thăm đồng bào, ở xóm gần trạm, ở các xóm bên đường. Cá gặp nước, tình dễ cảm thông. Anh em tìm hiểu các hợp tác xã đang xây dựng, nghiên cứu các khó khăn, góp ý kiến. Lại còn vận động đồng bào học văn hóa. Lính Cụ Hồ nói thì dễ được bà con nghe. Anh em làm trợ giáo các lớp học quân sự của dân quân, như thế lại có dịp ôn luyện thêm cho mình. Đồng bào ốm đau, anh em chia nhau đi thăm hỏi, tặng thuốc thang, nhất là góp ý kiến về vệ sinh phòng bệnh. Các cán bộ quân y của đơn vị, trong kế hoạch thăm và tiêm chủng ở mỗi trạm, cũng có kế hoạch tận dụng các ống thuốc, chứ mở cả ống mà chỉ dùng có ba người thì phí quá.
Bà con tò mò hỏi về đường dây, anh em nói rõ: Đây là đường dây bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển các yên cầu của địa phương lên trên và chỉ thị hướng dẫn của trên xuống. Bà con thích lắm, hiểu ra ngay rằng: Đường dây phục vụ cho bà con, thật là đường dây của bà con. “Ồ, thế thì để chúng tôi góp sức bảo vệ”. Thế là bà con chỉ cho những chỗ bọn buôn lậu và bọn làm những cái gì nữa ấy đi qua, bà con chỉ cho những tên cứ lảng vảng trên đường. Hơn nữa, mỗi gia đình lại còn bảo, ở quãng này là có chúng tòi, quãng kia là có ông ấy, ông nọ.
Thế là con đường vững thêm. Mà từ đấy, trong các báo cáo lên trên, ngoài tình hình trạm, còn có cả tình hình nhân dân.
Rồi quen hơi bén tiếng, xoắn xuýt nhau như ruột thịt.
Gặp khi có khó khăn về lương thực, anh em bỗng thấy thêm sắn, ăn nó đậm. Đem một phần gạo đổi cho bà con. Đi công tác, góp gạo nấu cơm, đến lúc xới, lại cứ xới lấy sắn, nói là bộ đội thích sắn từ những ngày kháng chiến. Lúc giáp hạt gay quá, vài ba em bé đến bữa quen đem bát sang ăn cơm với anh bộ đội cho vui. Bộ đội là con em đồng bào, có gì thì cùng ăn với nhau. Thiếu đã có nương khoai, vườn sắn.
Rồi trạm dây, có một “chủ nhiệm hợp tác xã”. Đó là đồng chí Sự, cái anh xung phong đi chữa dây đêm trước nhất ấy. Khi Sự mới đến, đồng bào lạ, còn ngại. Sự chia anh em đi giúp các gia đình và tranh thủ học tiếng. Đồng bào yêu ngay “cái bộ đội” hiền lành và chăm làm. Dân bản ít trồng rau, Sự hướng dẫn cách chọn giống, trồng tốt. Sau đó, ai cũng tin yêu và cái gì khó, cũng đến trạm hỏi đồng chí Sự. Một hôm, vợ một cán bộ xã đẻ khó, thầy mo cúng mà đứa bé vẫn chẳng chịu ra, chạy đến gọi Sự. Sự tái mặt, anh em đều lo. Nhưng không biết làm thế nào khác được, Sự quyết tâm, nấu nước, đem thuốc sát trùng đi, rồi bịt khẩu trang, gan dạ làm cái việc khó khăn đó. Cuối cùng được mẹ tròn con vuông.
Sự còn bày cho bà con cách làm neo đập lúa, làm quạt quạt thóc. Thấy nhân dân chưa tin việc cấy dày hợp lý, anh cùng anh em phá hoang, làm một mảnh ruộng thí nghiệm, cày sâu, bón tốt, cấy dày, chăm sóc. Đến mùa, những bông lúa nặng trĩu. Trạm mời bà con ra tham quan. Từ đấy bà con cũng muốn “cấy tài” như bộ đội và cũng cấy dày.
Sự đi dàn xếp các việc xích mích, giải thích với các hộ chực xin ra hợp tác xã. Trạm đã được coi là một “hộ” của hợp tác xã. Khi hợp tác xã săn được con nai, không quên chia phần cho “hộ bộ đội”. Cố nhiên là cái vườn tăng gia của trạm cũng đã thành nơi cấp hạt giống, mẫu rau cho bà con.
Đến kỳ bầu ban quản trị hợp tác xã, đồng bào quyết nghị đồng chí Sự phải ứng cử. Sự phải cáo từ mãi, rồi cuối cùng nhận một chức vụ cho bà con bằng lòng: Trạm nhận việc đánh kẻng. Đi làm hay đi về, đồng bào cứ nghe kẻng ở “đồn” đồng chí Sự.
Ở một trạm khác, đồng chỉ Trần Kiều được bầu vào hội đồng nhân dân xã.
Về mặt dân vận, các tổ trên đường đều thi với tổ đồng chí Sự và hẹn nhau, nhất định không để phạm kỷ luật dân vận, nhất định không trai gái, mua rẻ bán đắt, không lợi dụng bà con.
Luồng “khí thiêng” của đường dây trước đây chỉ qua các trạm, bây giờ đã qua cả các nhà sàn, nhà đất, trên năm bảy trăm cây số, ở xa đến mươi, mười lăm cây số, đồng bào cũng đến thăm trạm, xã viên hỏi kinh nghiệm miền xuôi, thanh niên mượn sách, đọc báo. Áo chưa kịp vá, các chị, các mẹ bảo đưa đây, vá cho. Làm cái gì cũng nhớ đến anh bộ đội. Dao với rìu của bộ đội đánh đồng loạt, chưa thật hợp với nghề rừng, bà con bảo dùng của bà con, chỉ vẽ cách mài, cách chặt. Nương cháy, thấy lửa bén đến cột, một cụ đi lấy phân trâu đắp vào cho tắt lửa, rồi bỏ cả bữa cơm chạy lên trạm báo tin. Anh em làm gần nhà dân, đồng bào bảo trẻ mang nước, mang thuốc lá ra “giải lao”, các “anh” thấy cảm, ốm, dìu về nhà chạy chữa. Có anh mới đến đơn vị, đồng bào chưa biết mặt, khi đi thăm đường dây, bị đồng bào giữ lại. Thấy ai lạ mặt lảng vảng, là báo cho bộ đội biết. Nhờ thế có lần anh em đã bắt được gián điệp.
Cảm động quá! Một hôm dây đứt, anh em chạy đến nơi thì đã thấy có đoạn dây rừng nối vào rồi. Một bà bảo: “Ấy tôi thấy đứt, vừa nối cho anh đấy!”. Anh em cảm ơn và giải thích thêm là phải dây đồng hay dây sắt mới tốt. Cái tri thức khoa học ấy, không biết thế nào mà chỉ ít lâu sau, bà con trên đường biết cả. Và, một lần, thấy dây bộ đội đứt, một chị về tháo phăng dây phơi của nhà mình ra nối, rồi ra đường gọi có người đi về phía trạm, nhắn tin cho bộ đội biết.
Ôi! Dân với quân, quả là cùng chung một mạch máu, một trái tim. Không được ỷ lại vào dân, nhưng một khi dân đã biết thì cải lực lượng “nghìn mắt, nghìn tay” ấy, cái gì cũng thấy, cái gì cũng làm được. Anh em dặn nhau: Phải hết lòng trung thực với nhân dân, có yêu cầu cái gì, cứ đem tình thật mà bày tỏ với dân.
Đã đến chỗ nhân viên các cơ quan dân chính, Đảng ở địa phương coi các chiến sĩ đường dây như người nhà, vì anh em là những người học chính sách và chấp hành chính sách gương mẫu. Giải thích chính sách cho nhân dân, giúp việc chống các bọn buôn lậu đánh lừa đồng bào, lũng loạn thị trường. Tăng gia gà, lợn, thừa là chỉ bán cho mậu dịch. Có chính sách mới mà bảo anh bộ đội đi tuyên truyền thì ai cũng dễ nghe.
Trên đường dài, có những khúc sông khá lớn, mà gặp mùa nước thì thật là khó giải quyết. Nhà đò, có lẽ là thuộc loại khó năn nỉ nhất. Vì ngày nào, đêm nào, các đồng chí ấy cũng bị người ta năn nỉ để cho sang ngay, nêu ra tất cả các lý do, nó đã thành quen tai rồi. Vì thế mà, chạy ra bờ sông, anh em cứ phòng sẵn tấm vải nhựa. Một hôm, năn nỉ không được, đồng chí ta bọc quần áo vào, rồi cương quyết lao xuống nước, ông lái nói: “Một lúc nữa, dây nó vẫn đấy, đi đâu mất mà vội!” nhưng sau khi anh em giải thích rõ: Đường dây là mạch máu của nhân dân, thì ông tháo xích, cất cầu ngay. Và từ đó, bận gì thì bận, mệt thế nào thì mệt, hễ anh bộ đội hớt hải đến, là ông hỏi: “Đứt?” - Đứt. Là đò rẽ sóng sang ngang. Lại còn quy định cách gọi, khi đò ở bên kia sông. Lính thông tin với đồng chí lái đò đã thành ra những người cùng một nhiệm vụ, cảm thông nhau thấm thía.
Dân quân đã kết nghĩa với bộ đội. Anh em đi sinh hoạt, đi học tập và đi săn thú, bảo vệ mùa màng với dân quân. Khi khẩn trương, dân quân chia nhau đi tuần trên đường dây, cắt cả người thường trực ở trạm để cùng đi chữa dây. Nhiều anh em không những canh gác, còn học cả cách nối dây, để thấy đứt là nối ngay cho thông, rồi mới đi bảo.
Nếu trước đây, con đường dây là một con đường bí hiểm, đe dọa, thì bây giờ là “con đường bạn”, con đường thân tín, con đường “máu chảy, ruột mềm”. Chiến sĩ đường dây làm tay vất vả, nhưng trông về hướng nào, cũng thấy tình cảm chứa chan. Từ trạm này đến trạm sau, có thêm biết bao nhiêu “trạm nhân dân”, giữ chắc lấy con đường. Anh em biết rằng: Đoạn này có ông ấy, chặng này có chị ấy, anh ấy, đồng chí ấy. Có gì, nổi hiệu còi lên thì địch chạy qua nẻo kia sẽ gặp miệng súng của dân quân, địch thoát đường ấy đã có thanh niên đón đầu. Những ngôi mộ của các đồng chí đã hy sinh trên đường cũng không khêu gợi nỗi buồn nữa[2].
Đi qua mỗi mộ, anh em quen đặt một bông hoa rừng, nói thầm với đồng chỉ rằng: “Đồng chí yên nghỉ, chúng tôi tiếp tục công việc của đồng chí”. Cả những đồng chí đã khuất và các đồng chí đang công tác, tất cả bảo đảm cho con đường thông tin của Tổ quốc thông suốt ngày đêm.
Việc bận mà anh em trên đường vẫn còn nghĩ và làm được việc tăng gia sản xuất. Phải cố gắng để chữa cái tình trạng tiếp tế xa, vận chuyển khó. Vả lại, để bàn tay yên cũng không chịu được. Lại để giữ truyền thống sản xuất tốt của quân đội ta và góp phần vào phong trào sản xuất chung “thi đua ấm no”.
Anh em san núi, vỡ nương, tự trồng đủ rau, chăn nuôi đủ thịt lại còn có ý muốn làm để động viên đồng bào địa phương. Công tác đường dây có còn để lại bao nhiêu thì giờ, mà muốn chăn nuôi lại không được động đến tiêu chuẩn gạo ngô để ăn, mà phải sản xuất cả lương thực cho gà lợn.
Không bao lâu, các trạm đã có một cảnh tượng mới. Không phải là nơi ở tạm bợ nữa, mà ngôi nhà gọn gàng, vườn rau xanh tươi, hàng đu đủ, rặng chuối, xen lẫn những cây lâu năm: mít, nhãn, mận, đào... Đàn gà mẩy và đông, con lợn núc ních; cả bò nữa. Ruộng lúa, ao cá, không có ai nội trợ, mà cũng có chum tương, vại cà.
Nghị quyết của chi bộ về tăng gia sản xuất đã tạo cho thi đua một cơ sở vững để bồi bổ sức khỏe.
Một năm 1960 mà mỗi đầu người đã thu được 8 cân thịt, 24 quả trứng, không kể lúa, chuối. Ngoài ra, đơn vị còn được hàng tấn khoai, sắn, đu đủ, cá, cây công nghiệp, các cây ăn quả. Đi lao động về, anh em thường có những bữa cơm tinh tươm.
Doanh trại, thực hiện “hai sạch”: Ăn sạch và ở sạch; món ăn thực hiện “ba nóng”: Cơm nóng, canh nóng, nước nóng; mùa rét, thực hiện “ba ấm”: Làm việc ấm, tắm ấm, ngủ ấm. Cuối cùng, đạt tới “hai khỏe”: Ăn khỏe và làm việc khỏe. Thế là chi bộ, trong điều kiện quân số mỗi trạm rất ít, công việc khẩn trương, khí hậu không lành mà vẫn bảo đảm được tỷ lệ nghỉ việc không đến 23 phần vạn (0,23%).
Báo chí đủ, tự túc mua thêm một số. Sách đọc mỗi trạm, cố nhiên ít nhưng lưu chuyển giữa các trạm thì cũng không thiếu để đọc. Văn công và điện ảnh, vẫn còn chưa đến được với anh em, nhưng thấy báo đăng, số lượt người xem đã tăng, thì cũng phấn khởi.
Đóng quân phân tán, như lối Đại đội 2, thì cái đáng sợ là điểm kỷ luật lỏng lẻo. Nhưng, một là có đường dây đi qua các trạm, mà đường dây làm việc luôn luôn dồn dập, anh em không có cảm giác lẻ loi; hai là cấp lãnh đạo đã đặc biệt chú ý việc giáo dục và kiểm tra; ba là anh em đã hiểu rằng: Một khi quân doanh, dù nhỏ, đã biến thành một gia đình luộm thuộm, thì các việc đều buông trôi, nên đã đặt thành vấn đề quan trọng: Phải gióng giả lẫn nhau, đấu tranh liên tục để giữ vững kỷ luật. Vì thế mà nội vụ, sắp xếp ngăn nắp; dù lủng củng những dây, những thang, nhưng tư thế dứt khoát, vũ khí không vết bụi, quân phong đẹp đẽ. Từ ngày thi đua, các chế độ được thực hiện rất mực nghiêm túc; không còn cái ngại là ở đường rừng không xây dựng được đơn vị chính quy nữa.
Học kỹ thuật, thì phải tập trung lên đoàn, học luôn hàng tháng. Anh em thường đạt 100% yêu cầu, 70 đến 80% khá và giỏi. Mà mỗi khi nửa trạm đi học, thì nửa ở nhà phải xẻ mỗi người ra làm hai, để quán xuyến đủ mọi việc.
Về bảo quản khí tài, không còn để mất hay hỏng một thứ gì cả. Chiếc máy điện thoại được chăm sóc, không kém gì máy tính điện tử.
Tiết kiệm đã thành thói quen. Khi Trung ương kêu gọi tiết kiệm gạo, mới có tin trên báo, anh em đã thực hiện ngay; khi chỉ thị đến đơn vị, thì anh em đã rút được hàng tháng rồi. Ngoài ra, lại phấn đấu tự túc mỗi tháng một ngày, không lĩnh gạo. Lại còn đặt hũ gạo tiết kiệm nữa.
Ở Đại đội có câu ca dao:
“Muốn cho xã hội ta giầu,
Gửi tiền tiết kiệm, nhớ đầu kỳ lương”
Nhắc nhở mọi người nhớ gửi tiền tiết kiệm. Từ việc nhỏ đến việc lớn, chỗ nào có thể tiết kiệm được, là tìm hết cách để tiết kiệm bằng được. Đi công tác, tìm cách đi nhờ xe, để khỏi phải lĩnh công tác phí. Các khoản tạp phí, rổ, rá, nong, nia, là không xin quản lý phát bao giờ. Tính một năm 1960, đơn vị đã làm đỡ tốn cho ngân sách số tiền hai vạn đồng, mà công việc cũng như đời sống đều hơn trước nhiều.

Vọt lên chiếm cao điểm
Đến đây, đơn vị sẵn sàng như một tay cung căng thẳng: Đường dây sạch và vững; đã tổ chức và tập luyện để chữa và nối, đêm cũng như ngày; bộ đội tinh nhuệ, lại được nhân dân ủng hộ; sức khỏe được bồi dưỡng đều. Thế là việc chuẩn bị lâu dài và tỉ mỉ đã hoàn thành.
Các thủ trưởng quyết định đưa Đại đội vào một đợt thử thách khẩn trương và liên tục, đạt yêu cầu phục vụ cao nhất.
Chập tối hôm ấy, chuông reo trong tất cả các trạm một điệu bất thường, đường dây tuần hộ thấy rộn ràng. Biết Ngày Quốc khánh và ngày Đại hội Đảng sắp đến, anh em không đợi tập hợp, xúm quanh ống nghe.
- Toàn Đại đội chú ý! Năm nay, Ngày Quốc khánh, chúng ta mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mười lăm tuổi. Đảng ta họp đại hội. Các thủ trưởng phát động cuộc thi đua:
“Đại đội tiến về dự Lễ Quốc khánh ở Thủ đô”
Các đồng chí ta sẵn sàng chưa?
Không ai bảo ai, mọi người đều hô như một:
- “Sẵn sàng!”.
- Thế, bây giờ các tổ họp bàn. Cách thi đua như thế này: Bắt đầu từ 6 giờ sáng mai trở đi, chúng ta lên đường đi từ Đội bộ về Thủ đô, đến quảng trường Ba Đình. Từ Đội bộ đến Ba Đình, đường dài 250 cây số. Cứ mỗi ngày mà một tổ hoàn thành tốt đẹp mọi nhiệm vụ, chuyên môn tốt, sinh hoạt tốt, nội vụ tốt, thì được nhích lên 5 cây số. Báo động nhanh, chữa dây vượt chỉ tiêu, thì được thêm điểm. Tổ nào về đến Ba Đình trước tiên, sẽ được thưởng. Phạm sai lầm thì phạt. Tổ chuẩn bị và nửa giờ nữa khai hội, bàn cách thi đua. Sớm mai, 6 giờ Đội bộ sẽ nổ phát súng hiệu xuất quân. Chúc các đồng chí thắng lợi!
- Chúc thủ trưởng khỏe.
- Vừa bàn vừa giữ thường trực đấy nhé.
- Rõ!
Nguyên là thế này: Suốt năm, đường dây phải được bảo đảm, nhưng những ngày quốc khánh, quốc lễ, thì công tác gắng hết sức. Mọi người trong nước sửa soạn đi dự mít tinh, đi xem hội, hay đi nghỉ, thì Đại đội 2, cũng như các đại đội thông tin khác, rải quân trên đường, canh dây, bảo đảm mọi liên lạc báo động và phòng thủ, đánh mọi quân gian phi dám động chạm đến dây, chữa thật nhanh chóng các chỗ hỏng, hóc. Chỉ có mọi lần, thì làm như thế trong vài hôm, nhưng lần này phải làm luôn trong nhiều ngày. Nhưng anh em làm nhiệm vụ, không thấy nhọc nhằn, mà lại cảm thấy vinh dự, được góp phần bảo vệ những ngày hội lớn của nhân dân.
Lần này, anh em bàn báo tin cho các bạn kết nghĩa trên đường biết, tính số người đi tuần dây, đi canh ở những chỗ khó khăn, người giữ trực máy ở trạm để nắm tình hình và nhận lệnh. Kiểm tra lại vũ khí, trang, bị, dụng cụ, lương khô, các phương tiện trèo cột, các phao vượt sông. Cho dầu và lau “ngựa sắt”.
Tinh sương hôm sau, tập thể dục xong, mọi người đều nai nịt chỉnh tề. Từ giờ phút này trở đi, thường trực áp luôn tai vào ống nghe, tổ viên, vai không rời khẩu súng, túi đồ bên hông, xe đạp để sẵn ngoài sân, cái pê-đan vểnh lên.
6 giờ kém 2 phút, mọi người đều đứng “nghiêm” trước máy. Ai nấy nghe rõ tiếng súng hiệu. Lập tức, các nhóm tuần dây, gồm một chiến sĩ bộ đội và một dân quân, lên đường, đi gặp tổ bạn ở hợp điểm. Không một phút nào, trên đường không người. Các chỗ xung yếu đều có bí mật mai phục; ở trên đội, ở đoàn, lúc nào cũng có một thủ trưởng ngồi máy. Mỗi giờ lại gọi từng tổ, đọc thông báo, ra chỉ thị, nếu cần. Mỗi buổi tối, sáu giờ công tác thường xuyên, Đại đội làm một cuộc hội báo trên đây, nghe báo cáo vắn tắt, rút kinh nghiệm một ngày, phổ biến các yêu cầu cho hôm sau. Bất chợt, có tin dây đứt hay chập, thì nhanh như chớp, lệnh xuống, là có người vọt đi tức khắc. Đội trưởng nắm lấy ống nghe, cấp dưỡng cũng lên đường. Có tin phát hiện âm mưu địch, cũng lập tức đối phó. Không bao giờ, bằng những ngày thế này, anh em cảm thấy Tổ quốc như một người lực sĩ, đường điện như sợi thần kinh, điều khiển những quả đấm khổng lồ, đập vào đầu kẻ thù. Không bao giờ, bằng những lúc như thế này, anh em cảm thấy Đại đội mình như là một người, cả ngành thông tin như một hệ thống thần kinh, nhạy bén và mênh mông, sẵn sàng để bộ óc điều khiển. Nói rằng thông tin không có thời bình, những ngày như thế này là những ngày chiến đấu thật sự.
Công tác gay go, nhưng công tác với tinh thần thi đua, nên mệt mà vẫn phấn khởi. Một lần, dây đứt cách trạm 18 cây số, lại còn phải qua một con sông, một cánh đồng lầy, mà chữa xong chỉ mất 1 giờ 50 phút. Một lần khác nữa, đứt cách 14 cây số và một dốc cao, mà khôi phục mất có 1 giờ 20 phút. Chưa bao giờ vượt chỉ tiêu được nhiều đến thế.
Nhưng cũng có những tổ bị phạt, Bỗng có tiếng sáo vo ve trong ống nghe. Một chú “phởn”, huýt sáo trong khi thường trực, bị phạt 500 thước, phát khóc. Một đồng chí khác đi chữa dây, quên bình nước uống, phải uống nước sông, cũng làm cho tổ mình bị trừ 500 thước.
Khí thế cuộc thi lên cao. Khẩu hiệu là:
“Giục trống tiến quân,
Ngựa phi nước đại,
C (1) hai hăng hái,
Về tới Ba Đình!”
Chiến đấu liên tục mấy chục hôm, bảo đảm được công tác trót lọt. Hôm cuối cùng, có điện trên đoàn xuống, báo cuộc thi đã kết thúc, nhiệm vụ hoàn thành, không xảy ra điều gì quan trọng, đoàn ngợi khen.
Anh em hò reo chiến thắng, tiếng từ trạm này đi, từ trạm kia đến, trên mấy trăm cây số, dội lại, vang đi.
Thu quân về, chỉ để tiêu chuẩn bảo vệ thường xuyên thôi.
Cuộc thi đua đã tôi luyện cho các chiến sĩ, anh em đã tỏ ra cẩn thận, bền bỉ, nhanh nhẹn, dũng cảm, xứng đáng với lòng tin cậy của cấp trên. Cuộc thi đua cũng đã làm cho đơn vị đoàn kết chặt chẽ, một năm huấn luyện đã có kết quả, đạt tới mức một đơn vị vững chắc, có thể sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn.
Từ cấp chỉ huy trở xuống, mỗi người thấy lớn lên một mức.
(Còn nữa)
Đăng bởi Nguyễn Quang Hưng


[1] Trong thời kỳ kháng chiến đồng chí Đặng Quang Cầm giữ con đường giao thông Nam-Bắc, đoạn qua suốt cao nguyên Khu 5. Dọc đường, đồng chí đã làm tốt công tác dân vận. Đường có dân ủng hộ, nên vững chắc vô cùng. Địch định cắt nhiều lần nhưng không được.
[2] Hy sinh trong việc xây dựng đường: Các đồng chí Trần Văn Thi, Trần Bát Quy, Mai Thanh Tùng, Huỳnh Văn Phải, Phạm Tú. Hy sinh trong việc bảo vệ đường: Các đồng chí Nguyễn Văn Chắt, Nguyễn Đình Trọng và Nguyễn Văn Sai.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét