3/5/15

Vượt suối băng ngàn giữ vững đường dây (phần 2/5)

Hồi ức của đồng chí Hoàng Đạo Thúy, phần 2/5.


RỪNG NỞ HOA
Lên đường tranh đấu
Còn mươi cây số nữa đến đội bộ, chính trị viên dừng lại. Tựa vào gốc cây bên đường, mắt nhìn mấy đôi dây, một đầu từ hậu phương ra, một đầu đi tiền tuyến, anh suy nghĩ. Đã lâu nay, anh cố giữ cho đơn vị sinh hoạt bình thường, không để cái gì đến “đổ vỡ lớn”; như thế, đã là hết nhiệm vụ chưa nhỉ? Cái ngọn cây chọc qua tầng dây, cứ như chọc vào tim anh: “Sinh hoạt, công tác không xấu hơn trước, chấp hành chỉ thị cũng gọi được là đủ, không có vấn đề gì mà! Nhưng quân đội đặt đường dây để thông tin, mà tin không thông; thế thì có, hay không có vấn đề? Vấn đề lớn chớ không vừa. Ngoài ra còn vô số vấn đề nhỏ nữa. Trách nhiệm, cố nhiên là trách nhiệm chung, nhưng Đảng trao cho những ai lãnh đạo anh em làm việc này. Đội trưởng với mình, mình với đội trưởng. Đích thị!. Kiểm điểm mọi mặt, rồi anh hạ quyết tâm; sau đó bình tĩnh nghiên cứu quyết tâm; thấy có đủ cơ sở, anh củng cố quyết tâm, cưỡi lên xe, không biết là đã nhá nhem tối, đạp một mạch về đến đội bộ, mặt đỏ bừng bừng.
           Đội trưởng hỏi:
- Anh làm sao thế? Chúng tôi tưởng anh lạc đường, đang chuẩn bị để đi tìm. Cởi áo ăn cơm đi.
- Lạc à? Không lạc đâu. Vừa mới tìm được con đường tốt thì có.
- Nắm cánh tay đội trưởng, anh lôi ra sân; hai người thảo luận với nhau:
- Tôi đã nghĩ nhiều, đường không có vấn đề gì, tức là vẫn tệ như trước. Chúng ta cứ cam chịu cái tình trạng cũ, thế có được không đồng chí?
-  Tôi đã bảo mà! Đồng chí cứ rủ rỉ mãi, cứ thi hành kỷ luật cho một loạt, thì đâu khắc phải vào đấy cả.
- Rồi có lẽ, cũng phải thi hành kỷ luật, nhưng tôi xem ra thì, đáng thi hành kỷ luật với tôi và cả đồng chí trước đã.
-
- Đúng thế! Chúng ta đã nhìn thấy rõ nhiệm vụ, cương quyết nhận chức trách, đi sát anh em, thực tế giúp đỡ anh em, đề đạt các yêu cầu cần thiết lên trên.
Đã làm chưa? Chưa được mấy. Tôi đề nghị: Đồng chí và tôi đã, chúng ta tự kiểm điểm, trên tinh thần của người chiến sĩ cách mạng, của người cán bộ quân đội cách mạng, xem chúng ta đã làm được những gì, còn thiếu sót những gì?
-
Sớm hôm sau, trông thì biết ngay là hai anh đã qua một đêm trắng.
Chính trị viên:
- Tôi nói trước nhé. Càng nghĩ, tôi càng thấy, là nhiệm vụ khó, nhưng anh em có thể làm được. Chúng ta, nhất là tôi, thì lãnh đạo chưa sát, cứ đành ở cái mức “không có chuyện gì”, chỉ thị, nghị quyết “chấp hành tiềm tiệm”, chưa có gan đặt rõ vấn đề, nhìn thẳng thực chất của từng trạm, rồi cương quyết đấu tranh. Thật là khuyết điểm... trầm trọng. Bây giờ tôi thấy rõ: tư tưởng của đơn vị nó hiện ra ở trên đường dây ấy.
Tiếng đội trưởng cất lên, hôm nay sao bỗng mềm mại:
- Tôi cũng khuyết điểm… cũng trầm trọng. Cứ nóng như lửa... không nhẫn nại mà xem: Vì những đâu mà việc hỏng, không hiểu tâm tư anh em, không bàn bạc hết lời với đồng chí. Làm thủ trưởng đơn vị, thế thì, yêu cầu cách cổ tôi đi!
- Lại nóng rồi... Cách chức, thì có khó gì? Sửa chữa thì mới khó chứ. Đồng chí với tôi, chúng ta công ít lỗi nhiều; từ nay, ta cùng nhau tranh đấu, để cho đội hoàn thành được nhiệm vụ. Như thế, không những là chuộc được tội, mà còn có thể lập công nữa đấy. Nhưng tôi thấy: Muốn đấu tranh, thì phải vững. Tôi nhìn chưa sâu, đồng chí còn nóng: Thế là chưa vững. Việc dù rằng gấp nhưng phải sửa soạn kỹ. Hai chúng ta kiểm điểm sâu bước nữa, rồi hai chúng ta đoàn kết chặt chẽ và thi đua với nhau nhé?
- Đồng ý!
Vài ba hôm sau, chi ủy họp bàn kế hoạch lãnh đạo cuộc kiểm điểm tinh thần trách nhiệm của toàn đoàn vị.

Trận mở màn
Chi ủy và thủ trưởng quyết định đánh trận đầu.
Trước hết, đấu tranh ở chi bộ.
Một đồng chí thủ trưởng trình bày yêu cầu của nhiệm vụ và tình hình công tác; nêu rõ cả các chỗ thiếu sót từ trên xuống dưới, đi đến tình trạng là con đường đáng lẽ phải thông, mà lại có những thời gian tê liệt trầm trọng. Nặng nhất là: Tình trạng tê liệt đã thành như thói quen; hiện tượng “đứt” không làm ai “cảm động” gì nữa. Đồng chỉ ấy kết:
- Đứt hôm nay, ngày mai mới đi chữa. Đứt đêm thì đành thôi. Như vậy là không làm được nhiệm vụ mà trên trao cho chúng ta. Cấp ủy và thủ trưởng chúng tôi xin nêu toàn bộ vấn đề, để toàn chi bộ rõ và tìm cách sửa chữa.
Buổi họp, gay ngay từ đầu. Vì, rõ ràng rồi, lần này không phải là một buổi họp “thường lệ” nữa rồi. Vấn đề chọc ngay vào chỗ nóng, chỗ lo lắng của các đảng viên tích cực, chỗ bực bội của các đảng viên đã yếu tin tưởng vào đơn vị. Trong số sau cùng này, một đồng chí nói:
Tôi cũng biết là nhiệm vụ không hoàn thành. Nhưng phải tìm lý do. Lý do là đường dây đặt kém kỹ thuật quá. Làm một công trình to lớn như vậy, mà không có lấy một kỹ sư, không có cả một kỹ thuật viên trung cấp “có bằng” nữa. Vì thế mà đến tình trạng yếu toàn thân; đã chữa mấy lần rồi, chữa mãi rồi mà không được.
Một đồng chí khác:
- Các trạm lại ít người, có cả tân binh. Mấy đồng chí cựu binh làm đến ốm rồi ngồi mà ho sù sụ.
- Lại còn thiếu thốn quá về trang bị, không có đèn soi, không có đèn hàn. Đáng lẽ thì phải có cả máy đo dây, thử dây. Cục chẳng chú ý gì đến anh em. Làm thế nào được.
- Ấy là không kể, địa hình hiểm ác, như các đồng chí đã biết, lại nhiều thứ khó khăn nữa. Theo chỗ tôi biết thì số đơn xin phục viên đã đến 60 phần trăm đơn vị rồi đấy. Cái việc cần kíp lúc này, là phải giải quyết vấn đề phục viên đã; có thế thì mới “yên” được.
Phe buông trôi tấn công có vẻ mạnh... Nhưng chữ “yên” đã làm cho một đồng chí nhỏm dậy:
- Tôi có ý kiến. Có phải là đảng viên thì chúng ta cầu “yên” đâu. Tôi, thì tôi cho là mấu chốt không phải ở chỗ nhiều người xin phục viên. Giải quyết cho tất cả anh em xin phục viên thì được, nhưng không phải là cái chính. Tôi thấy là phải tìm xem vì sao mà thanh niên sức lực còn khỏe mà lại xin phục viên. Không phải vì gian khổ là chính. Gian khổ chúng ta đã chịu được cả trong kháng chiến, vì hiểu mục đích kháng chiến. Thế thì vì sao?
Thế là đánh đến trọng điểm rồi. Chi ủy cũng đã dự kiến như thế; đặt vào con đường đấu tranh, thì người đảng viên nhất định xông lên. Mà đã xông lên, thì phải giải quyết được vấn đề.
- Vì sao?
- Vì không thích công tác này, vì không yêu ngành, yêu nghề.
- Vì sao không thích?
- Vì chưa thấy rõ tầm quan trọng của công tác của mình. Nếu đã thấy rõ, tức là tư tưởng mà thông, thì gạt được hết các thắc mắc, nào tương lai, nào xa nhà, nào vân vân. Tôi lấy thí dụ: Đồng chí Dần nằng nặc xin về, nói là không yêu ngành, yêu nghề. Về mới nửa tháng đã viết thư, nhớ đứng, nhớ ngồi. Ý kiến tôi là cũng phải giúp giải quyết các thắc mắc, nhưng cái chính là phải làm sao cho anh em thấy thật rõ: Việc mình là việc đáng làm, là việc phải làm. Tức là tinh thần mà mạnh, thì không những gạt được thắc mắc, mà còn khắc phục được cả các chỗ yếu về kỹ thuật nữa.
- Nhưng ai làm chứ? Đã đến 60 phần trăm đầu đơn, còn thì cũng muốn cả, chỉ nể tổ chức mà chưa đầu đơn nốt đó thôi. Còn ai mà làm?
- Tôi thì tôi thấy đồng chí ấy lúc nãy, nói là đúng. Căn bản là bộ đội mình tốt. Chỉ cần được giáo dục thông suốt nhiệm vụ và có nhân, là động viên làm được.
- Nhân, sao lại không có. Tổ 21, có tổ trưởng, cả các đồng chí Thỉ, Trọng, Chắt. Ngay như Tổ 20, cũng còn có đồng chí Quý. Tôi cho: Tư tưởng mà thông, thì tất cả làm được.
Cuối cùng, tất cả đều đồng ý là phải phát động mạnh mẽ một phong trào thi đua.
Bây giờ, bàn đến cách thi đua. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu thôi, rồi đợi lúc tổng kết, thì tổng kết lại chả được gì. Nếu có động viên, mà chỉ động viên suông, thì có anh em đã bảo: Bất quá được cái vỗ tay là cùng, mà mệt lử người.
Chi bộ quyết định các chủ trương chính như sau:
1- Coi trọng công tác tư tưởng. Giáo dục tư tưởng lả chính. Giáo dục cho anh em thấy nhiệm vụ bảo vệ đất nước, chống quân thù giai cấp. Chúng ta, ở Đại đội 2, bảo vệ đất nước với con đường dây: Đó là vũ khí của chúng ta. Cái vũ khí này, nhân dân đã cố gắng nhiều mới có được; nhiều đồng chí đã vất vả lâu ngày mới xây dựng xong, một số đồng chí đã hy sinh trên đường; giờ trao cho chúng ta. Chúng ta phải làm thế nào để xứng đáng với sự cố gắng của nhân dân và sự hy sinh của đồng chí. Tư tưởng thông thì sẽ có sáng kiến về kỹ thuật.
2- Xác định đúng đắn động cơ thi đua. Thi đua là để hoàn thành nhiệm vụ. Hoàn thành nhiệm vụ là phần thưởng cao quý nhất.
3- Động viên tất cả các lực lượng để thi đua. Gắn liền đảng viên với những anh em chưa được vào Đảng. Nêu gương đồng chí Nguyễn Danh Tới trong việc nâng đỡ và giáo dục, huấn luyện tân binh, để anh em chóng phục vụ được tốt.
4- Bồi dưỡng cán bộ về cách lãnh đạo phong trào thi đua: Nội dung đấu tranh tư tưởng, bồi dưỡng cốt cán, vận dụng tổ chức, lợi dụng thời cơ v.v…
5- Đưa phong trào lên từng bước; từng bước, nhưng tiến lên không ngừng; tập hợp đủ điều kiện, để có những bước tiến vọt.
6- Vì tính chất của công tác, nếu một đoạn yếu, cả đường dây hỏng, nên chú ý bố trí cán bộ, phân phối nhân, đôn đốc, giúp đỡ sát sao để cho tất cả các tổ đều lên.
7- Trong đoàn, đội Nội cần đã có thành tích thi đua. Vậy lấy gương Nội cần mà động viên[1].
8- Một mặt giáo dục và động viên, một mặt phải cải thiện sinh hoạt và đề nghị bổ sung trang bị, để tạo điều kiện tốt cho phong trào.
9- Khẩu hiệu là: “Khôi phục đường dây nhanh”!
Các tổ đồng thời được giáo dục. Bộ mặt của đơn vị đã có một vài cái đổi khác. Anh em đã bắt đầu thấy rồi đấy. Nhưng vẫn còn như thiếu một thứ gì. Tình trạng công tác bê trễ đã lâu; bây giờ biết là việc nên làm, nhưng vẫn thiếu tự tin. Nên, có tổ lên, có tổ lên chưa bao lâu đã lại xuống.
Bỗng có tin: Trên đường dây, đã có tổ tự động đi phát đường.
Đây là một vấn đề nan giải từ lâu. Dây đi qua rừng. Rừng xứ nóng mọc nhanh thì phải biết, nhất là lau, chuối, tre, nứa, giang. Nhiều chỗ có cây to và rậm. Từ dưới mọc lên, chọc vào dây; từ ngoài, vươn cành vào, uy hiếp đường dây. Anh em xây dựng đã tốn nhiêu công sức, phát thành một vệt dài mấy trăm cây số để dựng đường. Và từ đó, Cứ mấy tháng là phải thuê hàng trăm người đi phát, tốn bạc triệu.
Mùa gặt, thuê mượn khó. Giá cứ như trước, thì đã “đành vậy”, “đợi dân công” cũng như đợi đội tu sửa. Nhưng đây là một biểu hiện của tinh thần mới. Cái mầm thứ nhất bật lên. Anh em đem dao đi phát lấy, tấn công vào một cái lũy kiên cố đáo để.
Đội bộ nắm ngay ấy tin này, thông báo trên khắp đường dây: Nhiều tổ noi gương. Nhưng chỗ chưa làm được thế, cũng có những điểm thi đua hơn trước kia. Thế là đã bắt đầu có một số thành tích.
Khi Đại đội đem báo cáo các thành tích ấy ở Đại hội Thi đua Thông tin toàn quân năm 1959, thì bản báo cáo được hoan nghênh. Các đơn vị bạn thấy rõ tình trạng phân tán và gian khổ của Đại đội 2 và hoan nghênh tinh thần thi đua của anh em.
Tin báo cáo của Đại đội được hoan nghênh, truyền đi các tổ, làm cho anh em phấn khởi, làm cho cán bộ tin tưởng rằng: Điều kiện tuy khó khăn, nhưng anh em vẫn thi đua được. Trên đường dây tuần hộ, tức là sợi dây dùng cho nhân viên bảo vệ đường, các tổ gọi nhau ơi ới, trao đổi ý kiến với nhau; liệu có thể được như đoàn Hải Vân không?
Thời cơ đây. Thời cơ đã đến!
Một đằng, đẩy mạnh cuộc thảo luận về nội dung thi đua giữa các tổ, một đằng bồi dưỡng thêm ý thức, thông báo về thành tích của đồng chí Tới, kể chuyện một đồng chí đêm mưa cứ trằn trọc không ngủ, vì lo đường dây không vững; khẳng định rằng có quyết tâm thì nhất định thi đua như Hải Vân được.
Đơn vị nổ ra phong trào tự túc cột.
Trước đây, chưa bao giờ dám đụng đến cột. Cột là thuộc phạm vi của đoàn xây dựng, của đội tu sửa. Có gì, thì chống tạm, miễn cho dây không quét đất; chứ lấy đâu ra ô-tô mà chuyển những cái của nặng mấy tạ, khiêng bại cả xương vai ấy. Vả lại, thay cột là một chủ trương tốn kém lắm.
Nhưng bây giờ dám nghĩ thế này: Đường dây qua rừng. Tìm được gỗ làm cột, cũng không xa mấy. Ta hạ quyết tâm thay cột. Rồi, một bước nữa, nêu khẩu hiệu “tự túc cột”.
Muốn thấy khối lượng của cái quyết tâm này, thì phải biết rằng, trên mấy trăm cây số, cứ mỗi quãng từ 25 đến 40 thước, phải chôn một cột, đường kính 30 – 40 phân, cao từ 6 đến 8 thước. Đốn gỗ, xe, khiêng, nhất là trả tiền một khối gỗ như vậy, thật là một vấn đề.
Tổ số 8 có ý kiến này trước tiên. Các tổ khác hưởng ứng ngay. Cụ thể thành một lời hứa “tự túc hoàn toàn về cột”. Khổ, không có xe. Đi mượn xe bò; khốn nỗi, ban ngày xe bận, thế thì xe đêm. Cả đêm hì hục với cột, với các ổ gà đường rừng, tranh thủ xe được cho nhiều, rồi tảng sáng phải trả xe.
Có tổ không có rừng gần, phải đi lấy cột xa đến bốn, năm mươi cây số.
Ngày nghỉ, giờ nghỉ cũng làm. Đội bộ tới tấp thông báo thành tích. Mỗi tổ có kinh nghiệm phổ biến đi, là sáng hôm sau các tổ khác đều làm theo. Mỗi ngày mấy kỷ lục bị phá.
Tổng cộng các tổ, đã kiếm được 4.287 cột. Nếu cứ trả rẻ mỗi cột mười đồng, thì cũng đã tiết kiệm được khối là tiền. Từ nay, trong ngân sách của đường dây này có thể gạch khoản chi phí ấy đi.
Muốn bố trí lại các trạm cho hợp lý, gần các chỗ thử dây, các chỗ đường khó, hay đứt, phải làm các nhà trạm ở những chỗ mới Nhưng không có tiền, vì việc này không dự trù được từ trước. Công tác không thể đành đợi một năm nữa.
Lại một đợt thi đua mới: “Tự túc nhà”.
Làm được nhà cho 9 trạm. Đặc biệt là Tổ 11. Trạm 11 phải di chuyển. Vì muốn tiện cho công tác, địa điểm mới, phải chọn ở một chỗ mà người ác mồm bảo là “khỉ ho, cò gáy”, bên một cái rừng gianh đi hàng ngày không hết, ở một cái làng khó kiếm thức ăn.
Ô-tô thả xuống địa điểm mới, ba đồng chí với một cân thịt và ba quả đu đủ. Thế mà, mười lăm ngày sau, đã kiếm được một trăm cây tre, rồi cất nóc ngay.
Cảm động: Một tổ làm nhà, là các tổ khác gửi ngay gạo, gà, rau đến giúp. Thi đua không những thúc đẩy công tác, lại gắn liền các tổ; một luồng tình cảm lưu thông từ đầu đường dây đến cuối, mạnh và nhạy như mạch điện trên dây vàng; mà cái dây tình cảm này sẽ làm cho đôi dây đồng kia vững chắc thêm.
Thành tích đã nổi, phong trào thế là lên. Đại đội nắm ngay lấy thời cơ, nêu khẩu hiệu “Đi chữa dây đêm”, chĩa súng ngay vào yêu cầu “Khôi phục đường dây nhanh”.
Vì, cho đến bây giờ, mà thúc thế nào thì thúc, việc ấy vẫn chưa làm được. Vấn đề cũng gay go. Anh em, ngay trong chi ủy, cũng bàn ra bàn vào. Có người bảo là không thực tế, vì rừng đêm tối như hũ nút. Cục có phát cho xe đạp, đèn rọi và đèn hàn thật đấy, nhưng đêm đi xe đạp sao được; sợi dây có mấy ly, đứt thì phát hiện thế nào được mà hàn. Còn đang xét xem: Khẩu hiệu nêu thế là cao hay không cao. Thì, tin truyền đến. Đồng chí Sự, ở một tổ, đã đi nối dây đêm và nối được tốt!
Thế là thắng lợi; không phải bàn nữa; chỉ việc thông báo đi khắp nơi thành tích của đồng chí Sự, kể rõ: Đồng chí Sự đã khắc phục các khó khăn thế nào. Phải tự kiểm điểm: Làm sao mà vẫn cứ chưa tin hẳn vào tính quả cảm của chiến sĩ? Và, từ đó, có lẽ bước gian khổ nhất đã vượt được qua. Hoan hô đồng chí Sự! Tương lai thắng lợi đã hé cửa cho chúng ta rồi đó. Chúng ta sẽ thắng lợi, nếu chúng ta biết chuẩn bị chu đáo, rồi, mạnh bước tiến lên.

(Còn nữa)
Đăng bởi Nguyễn Quang Hưng


[1] Hồi ấy, Đại đội Nội cần cũng thuộc Đoàn 2, có nhiều thành tích: Một thời gian dài không có điện đọng, trong những khi khẩn trương bảo đảm được tin thông suốt, chuyển đạt trên đường dồn dập nhưng làm trọn nhiệm vụ mà không xảy ra tai nạn nào.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét