9/5/15

Vượt suối băng ngàn giữ vững đường dây (phần 3/5)



Hồi ức của đồng chí Hoàng Đạo Thúy (phần 3/5)
Chuẩn bị đợt tổng công kích và bước vọt
Chi ủy họp, nhận định là phong trào đã có chiều rộng và khá sôi nổi, nhưng chưa sâu, chưa vững, vì còn thiếu cơ sở. Tư tưởng đã được phát động, nhưng chưa triệt để. Vẫn còn một số không động, còn một số đi phép quá hạn. Khi động viên thì cảm nhậy nhưng rút kinh nghiệm lại thường chậm. Cho đến giờ, còn nặng về dùng sức lao động, chưa thúc đẩy được toàn diện. Còn chưa đánh mạnh theo hướng bảo đảm thông tin.
          Khoảng cuối 1959, đơn vị được chỉnh huấn. Học xong, mọi người đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong việc đấu tranh thống nhất nước nhà và sự liên hệ giữa hai nhiệm vụ. Trước đây, đã được biết về chủ nghĩa xã hội; nhưng đến giờ, nhìn các việc thay đổi cụ thể trong đời sống, mới thấy thật rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, “làm chủ” trong xã hội này. Làm chủ, thì còn đợi ai phải bảo; do đó mà tinh thần tự động công tác, tha thiết với công tác, mạnh mẽ hẳn lên. Nghĩ đến mối thù Phú Lợi, nghĩ đến cuộc đấu tranh anh dũng và bền bỉ của đồng bào trong Nam, mà có ngay ý muốn cùng lao lên đấu tranh với đồng bào.
Hồi trước, có anh em ngài ngại thổ phỉ và biệt kích, thì bây giờ chỉ muốn tìm ngay những tên tay sai của Mỹ - Diệm ấy mà tiêu diệt; tìm ở đâu? Có thể ở ngay quanh đường dây mà chúng ta có trách nhiệm bảo vệ. Thế cho nên đêm tối không còn đe dọa được anh em nữa; lũ lụt không thể chặn bước chân anh em, Một cảm giác mới về đường dây “của chúng mình” như đã làm cho các đôi dây đồng dai hơn, đỏ rực lên trong rừng thẳm.
Tiếp luôn đến việc kiện toàn chi bộ. Cái nhân, cái toán xung kích của đại đội, được chỉnh đốn. Mỗi người thấy tiêu chuẩn đảng viên của mình cao hơn, đòi hỏi hơn; sự kết hợp với quần chúng của Đảng chặt chẽ hơn. Chi bộ kiện toàn, rồi Đoàn kiện toàn, là đại đội mạnh.
Trước đây, tám chục lá đơn xin phục viên vẫn cứ nằm ở Đội bộ. Mấy hôm nay, xin rút hết. Dù rằng đã lâu, không còn ai nói đến những mảnh giấy chán chường và loanh quanh ấy nữa; nhưng để chúng nó ở trên bàn đồng chí Đội trưởng, hình như không thể nào mà chịu được nữa; không thể để đó những cái bằng chứng của một sự rút lui trước trách nhiệm, của một vết nhơ trong ý chí của người chiến sĩ cách mạng.
Thế là Chi bộ họp. Biến chuyển mới về tư tưởng, biến chuyển căn bản ấy, là cơ sở cho phong trào đây rồi. Trên tinh thần giác ngộ chính trị và cảnh giác quân sự đã lên cao hơn trước nhiều, năm sắp đến đây, lại là năm Đảng ta ba mươi tuổi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mười lăm tuổi, Hồ Chủ Tịch - Bác của chúng ta lên thượng thọ. Đã có cơ sở vững, lại được thời cơ tốt, phong trào gây dựng được một năm nay, chúng ta sẽ phát triển nó toàn diện. Một mặt, chúng ta tiếp tục cải thiện sinh hoạt và bổ sung trang bị, một mặt chúng ta phát huy tất cả các thành tích 1959, nhằm thẳng vào cái đích “bảo đảm đường dây thông suốt 24 giờ mỗi ngày” là cái đích cao nhất của chúng ta. Bây giờ chúng ta có thể đề ra: Đơn vị tiến mạnh lên chính quy và hiện đại, vượt Đội Nội Cần, đuổi đội Vinh Quang[1].
Yêu cầu cụ thể là “thường trực tổng đài suốt 24 giờ”, thường ngày giữ gìn tốt đường dây, đứt ngày chữa ngày, đứt đêm chữa đêm. Làm tất cả để đường dây thông suốt. Đề ra chỉ tiêu:
Ngày: Nối dây 2 giờ rưỡi;
Đêm: Nối dây 3 giờ rưỡi.
Lập tức. Ồ ra một cái phản ứng:
- Ba giờ rưỡi, lại hai giờ rưỡi nữa, trên cơ sở nào mà đề ra chỉ tiêu ấy. Trước đây Cục đề ra 7 giờ và 9 giờ bảo đảm được còn chật vật. Hai ba giờ thì “phiêu lưu” quá!
- Cứ bốc vào, viết vào nghị quyết, rồi đến lúc tổng kết, vàng mắt cua ra với nhau cả đấy.
- “Tếu”!      
Rõ ràng thật! Một số tư tưởng tự ti và bảo thủ, nấp dưới gió của phong trào chung; vẫn cứ chưa tin vào sức của quần chúng. Giờ nó lộ ra. Lộ càng rõ, càng tốt. Có thể mới thấy chỗ mà đấu tranh không nhân nhượng; giải quyết những cái vướng víu ấy, phong trào mới lên mạnh được.
Không! Không phiêu lưu. Chỉ tiêu này là do anh em tính ra. Trước kia Cục đề 7 giờ và 9 giờ là với những điều kiện lúc bấy giờ. Chứ đề ra như thế, có vui gì mà bám lấy. Bấy giờ, trang bị có tăng thêm một ít, nhưng, nhất là tinh thần, so với trước, một vực một trời; phương pháp làm việc lại đổi mới. Anh em tính rằng: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”; nếu phó mặc dây cho rừng núi, rồi lúc đứt mới bò đi, thì chỉ tiêu hai, ba giờ là tếu. Nhưng nếu ngày thường càng cố, gạt hết các khả năng hỏng, nắm vững các chỗ còn yếu, chuẩn bị khí tài và tinh thần chữa nhanh, thì rất có thể đạt chỉ tiêu cao. Chứ quan liêu, thì không thấy. Nhưng, lăn lóc với anh em, mới thấy anh em lớn mạnh hơn xưa nhiều. Thi đua đã thành công phu và có tính toán. Chúng ta tin có cơ sở ở cách tính của anh em, thì có thể không vàng mắt, mà lại sáng mắt ra đấy.
Trái với những nỗi lo ngại của mấy cái lô cốt cố thủ, tất cả các tổ trên đường hò reo, hoan nghênh nghị quyết của chi bộ, nhất là đoàn viên thanh niên.
Mỗi tổ nghiên cứu nghị quyết, tìm các cách thực hiện nghị quyết. Có điểm gì hay, là thông báo cho các tổ bạn ngay.
Tất cả xoay quanh việc làm thế nào cho dây thông suốt liên tục. Đúng là phòng bệnh hơn chữa bệnh! Trước hết, phải nắm vững con đường, nó có những chứng gì. Tìm cách triệt các chứng đó; đồng thời nâng cao mức bảo đảm kỹ thuật. Nắm vững từng cột; căn cước của mỗi cột, tức là số của nó chân vững không? Xà, sứ chắc không? Sạch không? Một cái mạng nhện nối hai dây với nhau, hay nối dây với cột, tưởng không mùi gì; nhưng trên đường dài, mà lại gặp trời mưa thì cộng tất cả các mạng nhện, thành một cái dày tam cố tai vạ. Vì thế phải vững, phải sạch. Trong rừng, cây cỏ đến lau sậy, thi nhau mà đánh vào đường dây: Đó là những kẻ thù. Một loại thù thứ ba nữa, là sự cẩu thả của một số ít anh em xây dựng; làm nhanh mà làm không tốt; nhận lời khen là làm nhanh rồi, qua cơn mưa thứ nhất, cột đã lăn kềnh ra. Lại thêm những nơi yếu về kỹ thuật, đoạn dây đồng bằng cứ kéo bừa trốn núi; đường dây không tính được cân bằng, nó cứ có khuynh hướng ngả nghiêng, rồi đến lúc nào đó, đứt phựt một cái. Làm sao mà thường ngày phải: Một là trừ hết các căn bệnh; hai là nắm hết các chứng tật, rồi dự kiến xem: Mưa thì hay xảy ra chứng này, nắng thì hay sinh ra tật kia, tùy đó mà đối phó. Lại phải có chuẩn bị và sắp xếp để đối phó cho nhanh;
Theo cách nghiên cứu như thế, anh em lao lên thi đua.
Nhưng đại đội còn thấy cần phải chuẩn bị hơn nữa. Nhân sắp đến ngày sinh nhật Đảng, đội đem truyền thống đấu tranh của Đảng ra giáo dục anh em, học tập gương hoạt động và đời sống giản dị của Bác, kể lại chuyện các tiên liệt đã hy sinh vì Đảng, vì nhân dân, nhắc lại truyền thống vẻ vang của quân đội ta, các thành tích của anh hùng, chiến sĩ thông tin. Có nhiều anh em suy nghĩ, tự liên hệ, xót xa với các thiếu sót về tư tưởng và công tác của mình, nửa đêm bồi hồi, trở dậy viết quyết tâm thư, gửi lên thủ trưởng và chi ủy, hứa hẹn bảo đảm đường dây thông suốt. Khí thế vươn lên một tầng mới!
Lúc ấy, mới đem phổ biến các thành tích ba nhất của Đại đội 2 Đoàn Vinh Quang[2] và đặt vấn đề thảo luận xem: Đại đội 2 Thông tin có ba nhất được không? Còn vài ý kiến lo ngại, nhưng đều bị lôi cuốn đi. Cuộc thảo luận sôi nổi trong các tổ, những trận vật lộn diễn ra liên tiếp giữa những cái cũ và những cái mới. Cuối cùng, những cái mới toàn thắng; thắng lợi thể hiện trong một bản chỉ tiêu mới được xây dựng và một bản tuyên ngôn “Cả quyết vượt Nội Cần, đuổi Vinh Quang, tiến lên thành đại đội Ba nhất”. Chi đoàn xung phong vào đội xung kích!
Một khi đã không muốn để “bèo trôi theo nước chảy”, một khi tư tưởng đã thông thì thật là:
“Tư tưởng thông, đào sông lấp biển!”.
Con đường heo hút ngày nào, hình như lúc này cựa mình. Suốt ngày, trên đường, không vắng bóng các “chiến sĩ đường dây”.
Đoàn nêu khẩu hiệu:
“Phất cao cờ hồng,
Lập công dâng Đảng!”.
Anh em ra tay, trước hết đánh vào kẻ thù dai dẳng nhất là bờ bụi dọc đường. Chi ủy gây phong trào “hai sạch”, tức là “trên sạch, dưới sạch”, trên dây sạch mạng nhện, sạch bụi, dưới đất phát sạch cây.
Lao động mạnh và lao động vui thì văn nghệ lên. Từ trạm này sang trạm kia, tiếng hò vang:
“Trên dây, trong sáng như gương.
Dưới chân, phát sạch như đường cái đi”.
Điện dồn dập đến Đại đội, tổ nào cũng tình nguyện vượt mức kế hoạch. Hôm thứ nhất, một tổ phát 200 thước vuông một người một ngày, thì hôm thứ hai đã có người phát được 450 thước. Cứ tưởng là thành tích ấy phải thành một kỷ lục! Nhưng, các chỗ khác, anh em đi vào nghiên cứu cách phát, cách lia dao, cách chuẩn bị, vào thôn xóm học kinh nghiệm nhân dân. Kỷ lục vọt lên 700 thước và cuối cùng lên đến 1.450 thước. Đường phát rộng 4 thước, rồi mở ra đến 8 thước. Tính ra, đỡ cho công quỹ 7 nghìn đồng (tiền mới) thuê nhân công phát và như thế lợi cho công tác sản xuất chung là 5.833 ngày công.
Phát cây đổ ầm ầm như ông thiên lôi, việc thế mà dễ thông. Nhưng khi bàn đến chuyện quét mạng nhện và lau sứ, thi bàn thật khó khăn. Mạng nhện rừng, quét sáng thì chiều nó lại giăng. Lau sứ thì ô tô đi qua nó lại tung bụi vào. Có họa là:
“Dã tràng xe cát Biển Đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”
Nhưng không làm, thì bảo bảo đảm làm sao được chất lượng liên lạc. Thế là nêu quyết tâm:
“Mạng nhện không còn,
Cây con phát hết.
Những cây uy hiếp,
Chặt sạch sành sanh.
Khôi phục thật nhanh, chỉ tiêu quyết vượt”.
Thế là, từ cây đa cỏ ma cho đến nhện và bại hằng hà xa số, đều đi tuốt!
Nhưng có tổ phát thì hăng mà dây lại nối chậm. Có tổ, dây hỏng ngay trong trạm, mà lại vùng ra, chạy ba bảy cánh đồng, vượt tứ ngũ đèo và suối. Chi ủy kịp thời lại nhắc ngay:
“Bảo đảm đường dây thông suốt”.
Khẩu hiệu tổng hợp và cao nhất! Thực hiện được, thật không phải là dễ dàng. Trong rừng nóng, ẩm, mà cột gỗ lại gánh hàng tạ dây, vượt hơn 10 con sông, gần hai trăm ngọn suối. Kỹ thuật xây dựng còn đơn sơ; phải đem nhiều tinh thần và nhiều sáng kiến, mới làm cho đường dây dùng được việc.
Mùa hè, nước lũ về, chỉ thấm thoát là các đoạn đường đều bị cắt; vượt suối lúc ấy, là phải cân nhắc vấn đề nguy hiểm. Khách bộ hành thưa thớt, phải chú ý cảnh giác, đợi nước rút, có khi đợi đến hai, ba ngày. Sấm sét cho vào dây đồng những mạch điện hàng triệu vôn.
Khẩu hiệu “bảo đảm đường dây thông suốt”, cũng như việc phòng thủ đất nước, không cho phép anh em mặc cả xem có đợi được hai, ba ngày không? Có trèo lên cột, hay không trèo? Cũng không cho phép anh em ngại vắt xanh với ong vò, rắn xanh và rắn đỏ; không được ngại con gấu ngựa có lần nó đã đuổi đồng chí Đại đội phó, không được ngại con cọp nó đã tấn công đồng chí Hiến, không được cả đàn voi nó cứ vẫn đến nhổ cột của các tổ 11 và 12.
Vẫn lại cái việc nối dây đêm.
Có nhiều cái khó khăn mà đêm nào cũng gặp. Đang ngủ ấm chỗ, thì tiếng chuông dựng người: Dây đứt. Thế là một người nhảy lên xe đạp, phóng đến cột giáp giới, lần từ đấy lần về; một người mò từ trạm mò đì. Nói thì nhanh như thế, nhưng anh em thì, nào súng đạn, nào dây, nào máy, phải lội ì òm trong đồng lầy, hay bò lên những cái dốc ngược, có khi đến nơi thì cả một mảng núi đã bị nước xối lôi đi với cả cột, cả dây rồi.
Cực nhọc là vậy. Nhưng anh em nào có quản gì. Đã có tinh thần “làm chủ” con đường dây mà nhân dàn đã trao phó cho, anh em đã cảm thấy không những đường thông tin là mạch máu của Tổ quốc, là dây thần kinh của Bộ Tổng tư lệnh, mà còn là dây gần, là ruột của anh em. Đường dây đứt, khác nào ruột đứt. Khi dây đứt thì trạm như là nhà có người ốm. Bên ngọn đèn tù mù, trạm trưởng bắt mạch đường dây, tay cầm ống nghe, chốc chốc lại gọi, lại hỏi, lại lắng nghe tiếng trên đường nói về... Lâu lâu không thấy gì, thì hình như tim anh ngừng đập. Không biết đồng chí mình đã gặp gì rồi? ... Cho đến lúc được tin phát hiện được chỗ đứt, được tin nối xong rồi, thì thổi phào một cái, quay máy báo cáo lên cấp trên và ra sân lấy ấm nước đun, cho anh em về uống.
Nhưng, cũng có đêm, đợi đến sáng, mà vẫn chưa có kết quả. Đó là những đêm mà người trạm trưởng già đi. Đầu dây thôi thúc một phần, nhưng còn cái lòng lo cho anh em, lòng lo cho trách nhiệm chung; đúng lúc dây đứt, mà có tin gì quan trọng không chuyển được, thì lương tâm mình đứng trước nhân dân thế nào?
Anh em thấy rằng: Thi đua không phải là việc chỉ đem sức lao động ồ ạt mà đẩy. Phải công phu mới được! Muốn làm tốt các việc khó khăn như chửa đêm, phải có kế hoạch chuẩn bị tỉ mỉ.
Trước hết chuẩn bị người. Mỗi trạm có vài người; làm sao cho mỗi người, tân binh cũng như cựu, đều giỏi, đều gan dạ và nhanh.
Có những người như đồng chí Tuất, thấy núi là sợ, vì rằng lúc nhỏ, ông quý tử được bà mẹ nuông. Ở trạm, hôm nào đi vắng cả, thì tướng ấy một mình không dám vào nhà ngủ, tay cứ lăm lăm cầm con dao, mai phục ngay gần cửa. Có ông lại sợ “nước độc”, ăn cơm thỉ chỉ ăn “cơm khô” không dám chan canh. Phải tập sao cho các đồng chí như thế thành rắn rỏi. Phải phái đi gần, rồi dần dần đi xa; giao cho việc dễ, rồi đến việc khó. Lúc đầu đi đâu cũng 2 người, rồi bảo đi một mình cho quen. Vừa rèn luyện, lại vừa giáo dục tinh thần cảnh giác, tập luyện cho anh em làm quen với nhiệm vụ chiến đấu..
Đoàn thanh niên nêu khẩu hiệu:
“Thanh niên, nhanh như sóc, mạnh như hổ, vượt gian khổ, xông lên hàng đầu!”.
Giáo dục tốt, anh em lên.
Đoàn viên Nguyễn Văn Hồng, nhập ngũ năm 1960, trong khi nước lũ chảy xiết, thuyền mảng không có, đã vượt hết suối này đến suối khác, ngâm nước tám giờ đồng hồ, lòng không dạ đói, nối cho đến được đường dây.
“Nước to quá! Bởi liều thì chỉ có chết uổng. Đồng chí Tăng không chịu bỏ về. Anh đi ngược dòng, tìm được chỗ có hai cây chụm đầu gần. Anh đánh đu sang. Đồng chỉ Tần cũng làm như vậy.
Lúy và Mô, cũng lính mới, đang đêm mưa to gió lớn, sấm sét đầy trời, ra đi. Vừa đi, hai anh vừa hát, để đẩy lùi nỗi lo ngại làm xong nhiệm vụ mới về. Mùa lụt, dây đứt giữa cánh đồng. Đang đêm, đồng chí Chu Công Nghiệp đã bơi lần từng cột đi chữa. Một cột dựng cheo leo ở mỏm núi bên sông, sắp lở, đồng chí Nghiệp vội trèo lên buộc dây cho anh em níu lại. Một tí nữa là cột lăn ùm xuống, thì khó mà khôi phục.
Tin dây đứt đến, lúc anh Nguyễn Văn Thế tay vừa mới cầm bát cơm đưa lên miệng. Anh đặt bát xuống, lên đường. Chín giờ đêm mới nối được. Đến lúc gọi thử, lại phát hiện dây bên tổ bạn hỏng, anh sang chữa. Lúc xong thì đã mười một giờ ở giữa rừng gianh. Chỉ còn cách tìm một cái lán giữa rừng để ngả lưng tạm. Đến lúc về, tuy đói, anh vẫn còn nhớ kiểm tra dây từng đoạn, từng đoạn. Tám giờ sáng, mới ăn bữa cơm chiều hôm trước.
Dẫn dắt cho thanh niên thi đua, có những đảng viên già dặn, như đồng chí Nguyễn Danh Tới. Gần 40 tuổi, nhưng mỗi kỳ phục viên, Tới vẫn thấy đường dây chưa thật tốt, là gạt hết hoàn cảnh nhà và lo lắng riêng tư. Đối với các anh em mới đến đơn vị, Tới là một anh cả luôn tranh lấy việc nặng để nêu gương. Anh lại hết lòng chăm sóc những người còn bỡ ngỡ với nhiệm vụ. Cho đến lúc có quyết định phục viên rồi, anh vẫn làm đầy đủ hết nhiệm vụ đã, rồi mới lên đường. Trên đường, còn nhớ xin giống rau tốt gửi về cho tổ và đại đội. Tổ trưởng Tới đã được anh em yêu tặng cho danh hiệu “chính trị viên tiểu đội”. Cũng như Nguyễn Danh Tới, các đảng viên, các quân nhân tình nguyện cũ, thật đã là những “chính trị viên tiểu đội”, những nhân tố, những đầu tàu của đại đội.
Lại còn chuẩn bị về vật chất. Lúc nào, mỗi người cũng giữ súng sẵn sàng, các đồ hàn, nối, chiếc đèn, gói lương khô, chiếc xe để ngay gần cửa. Nghiên cứu cả cách mở cửa nhanh, chỉ kéo một cái là ra đường được ngay. Đến lượt ai thường trực chữa thì người ấy mặc cả quần áo mà ngủ. Chỉ có việc xỏ chân vào đôi giầy, là đi công tác được ngay.
Độ ấy, ở đoàn còn đặt tiêu chuẩn: Ngày ba giờ rưỡi, đêm năm giờ. Đội lại nâng lên hai giờ rưỡi và ba giờ rưỡi.
Các trạm cách nhau từ 30 đến 60 cây số, mà nào núi, sông, đèo, đồng lầy, đò, không kể các chuyện khác. Ngay ban ngày ban mặt, cứ đi xe đạp cũng vừa hết giờ rồi. Thế thì làm thế nào được?
Đại đội phát huy dân chủ, các tổ suy nghĩ kỹ rồi thảo luận. Thế mà vấn đề giải quyết được.
Thế này: Cùng với khẩu hiệu “hai sạch”, anh em nêu thêm:
- “Ba chống”: Chống đổ, chống đứt, chống gẫy.
- “Bốn nhanh”: Phát hiện nhanh, lên đường nhanh, khôi phục nhanh, thử dây máy nhanh.
Anh em cho rằng: Đó là những biện pháp tích cực nhất.
Thà “vất vả ban ngày, còn hơn chạy dài ban đêm”, “vất vả khi nắng thì nhàn hạ khi mưa”.
Nghĩa là, đúng cái phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Đường dây đã hai sạch thì không bị chập vì cây mọc, vì mạng nhện, vì bụi. Thế là đỡ ba nguyên nhân hỏng. Lại kiểm tra luôn và sửa chữa kịp thời. Ngày nào cũng đi kiểm tra: Chực đổ thì chống đỡ hay thay hẳn cột mới. Dây căng thì nới ra; có cây hay cành nào dám dọa dây, thì chặt nó đi. Xà nào yếu thì cương quyết thay. Tóm lại: Thu phạm vi hỏng đến chỗ hẹp nhất. Những chỗ nào có những chứng đặc biệt mà không trừ trước được thì nhớ kỹ: Chỗ gần nương có thể bị cháy trong mùa đốt nương; cột gần bờ suối, có thể bị lở trong mùa lũ; hàng cột bị co, có chiều muốn xiêu. Tùy thời tiết và trường hợp, có thể đoán là hỏng ở chỗ nào, rồi chạy nhanh đến đấy. Làm như thầy thuốc nắm vững tình hình người bệnh. Khi hỏng, lại dùng máy gọi, hay quay xem nhẹ nhiều, nhẹ ít thế nào, để đoán xem chỗ đứt ở xa hay gần. Mặt khác, đồ đạc và vũ khí sắp sẵn, động tác thuần thục, để lên đường được ngay. Nắm được chỗ hỏng thì sửa một mạch, không phân tán tư tưởng, thử và báo về cũng chóng.
Làm được như thế ấy thì phải công phu, nhẫn nại, thuộc lòng đường dây, cảm thông với đường dây như đầu óc với chân tay ấy.
Được như thế, thì số lần hỏng sẽ ít hẳn đi và mỗi lần hỏng là chữa được nhanh chóng. Cơ sở để đạt chỉ tiêu cao là thế.
Sau một thời gian dùng các phương pháp này, tiêu chuẩn đạt được thật. Đã có nhiều tổ vượt tiêu chuẩn nữa và nhấp nhổm đề nghị đưa tiêu chuẩn lên cao nữa. Nhưng đây là một bước quan trọng, mà chưa thật thạo và thật vững, thì chưa nên đi quá vội. Thế cho nên thủ trưởng đại đội để thêm một thời gian thử thách, cho chắc đã.
Rồi trong khi vẫn giữ các khẩu hiệu cũ, lại đề ra một yêu cầu mới: “Gọi, có ngay”.
Tức là, mỗi ngày 24 giờ có thường trực ở tổng đài, ở các trạm, ngồi ngay ở bàn làm việc, hay khi điện yếu thì áp luôn ống nghe vào mang tai, chứ không mời ống nghe đi ngủ với mình.
Có đồng chí như thương chiến sĩ, đã nói: Đi làm cả ngày, lại còn bắt tội người ta thức cả đêm trong thời buổi thái bình này ư!
Không phải là bắt tội, mà đây là nhiệm vụ vinh quang. Chỉ có như thế, thì đường dây mới thông suốt ngày đêm được. Phân công hợp lý, thì không ai phải làm quá sức, mà nhiệm vụ chúng ta vẫn bảo đảm được liên tục. Nếu cán bộ không biết sắp xếp công việc của anh em cho tiện, chăm lo đời sống anh em cho đầy đủ, rồi không dám yêu cầu anh em làm lấy được, thì trước hết là phụ lòng anh em, vì chính anh em mong sao cho cán bộ đưa được họ đến chỗ hoàn thành nhiệm vụ. “Bảo đảm đường dây thông suốt”. Như thế đấy!
Các cán bộ của Đại đội 2 đã tỏ ra anh dũng ở chỗ đó. Các đồng chí ấy đã chia nhau, có mặt luôn luôn trên đường dài, ở những chỗ gay nhất, kiểm tra, giúp đỡ. Các đồng chí ấy biết rằng: Không kiểm tra thì như người chỉ có mồm mà không có mắt. Kiểm tra thường xuyên thì người kém được nâng đỡ để khá mãi lên, người khá cũng biết rằng cấp trên biết mình, thì lại càng cố gắng hơn nữa.
Công việc khẩn trương là thế, mà anh em cũng không sao nhãng việc học văn hóa. Tối là học. Mỗi trạm ba bốn người thường thành ba bốn lớp. Lớp trên dạy lớp dưới. Còn vị nào văn hóa cao nhất, thì lúc đêm thanh vắng, đường dây bỏ không, vị ấy gọi đến trạm nào có vị văn hóa cao hơn, nhờ giảng cho một bài toán khó, một bài địa lý mà không có tài liệu. Đi chữa dây xong, đường qua nhà thầy giáo, công trường, nông trường, có thể được, là tạt vào quấy thầy. Bộ Giáo dục có lẽ chưa nghiên cứu đến kiểu trường như thế này.
Những con người của Đại đội 2, mà bây giờ như những người nào ấy; họ lăn lóc với sợi dây, coi dây hơn tính mạng. Không phải dây đồng mà có thể đọ được với mạng người, nhưng giữ sợi dây để làm nhiệm vụ của người chiến sĩ Quân đội nhân dân, vì nhiệm vụ ấy, chiến sĩ không đắn đo với một hy sinh nào. Vì thế mà họ nói:
“Coi cột như xương,
Coi dây như ruột,
Liên lạc là mạch máu!”.
Lao động, với họ, trở thành thích thú, thành say mê, làm chủ một công trình quốc phòng mà cấp trên đã trao cho họ, họ không thấy việc gì là không làm được nữa. Họ viết thư cho đồng chí Tới, viết thư cho đội xây dựng:
“Đêm nào mưa gió, các đồng chí cứ nghỉ yên, đã có chúng tôi trên đường dây”.
Đường dây không còn là những tạ đồng, những khối gỗ, mà là một sợi tinh thần, mà sức cần cù đã làm cho rung động, các chiến sĩ đã đem tinh thần của mình làm cho nó sống.
“Báo cáo các đồng chí biên phòng, các đồng chí cử khẩn trương mà báo cáo tình hình lên trên”.
“Báo cáo các đồng chí thủ trưởng, các đồng chí cứ ra lệnh”.
Và, những lính đường dây, không còn thấy mình ủ rũ, thất thểu trên các vệt đường rừng, mà đã thành những chiến sĩ hiên ngang, đã đè bẹp các khó khăn, nhìn rừng; núi, hổ, báo với uy phong của người thắng trận.
(Còn nữa)
Đăng bởi Nguyễn Quang Hưng



[1] Đội Thông tin Đoàn Vinh Quang đã giành lá cờ đầu trong Ngành Thông tin binh năm 1959.


[2] Đại đội 2 Đoàn Vinh Quang là đại đội “ba nhất” đầu tiên trong toàn quân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét