22/6/24

Kỷ niệm về tình đồng đội trong sáng

Hoàng Hương Liên (nguyên nữ báo vụ viên Đội 101)

Dân ta có câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Ấy vậy mà đối với đội vô tuyến điện Bộ Tổng Tham mưu của chúng tôi ngày ấy lại dường như không chính xác.

Thật vậy, ở thời điểm 1947-1954 chúng tôi thấy thế là chuyện bình thường ở đơn vị. Nhưng giờ đây, nhất là trong cuộc sống thực tế hiện tại thì thấy điều thiêng liêng nhất lại là tình đồng đội trong sáng của đơn vị chúng tôi. Bởi vì bây giờ người ta khó tin vào sự thật hiển nhiên đó.

Trong kháng chiến, vô tuyến điện bao giờ cũng ở rừng rậm, xa dân. Những khi di chuyển đến địa điểm mới, chưa làm được lán doanh trại thì chúng tôi phải chia từng đài nhỏ, đạt mỗi đài ở một góc đồi, thật xa nhau, thật kín để dễ ngụy trang và ăngten không nhiễu loạn sóng của nhau.

Đêm xuống trong rừng thẳm sâu heo hút, sương mù mịt dưới một mái lều bốn năm mét vuông; một báo vụ, một quay máy phát điện, chỉ lâu lâu mới có liên lạc đến đưa điện chuyển và nhận điện về Bộ. Cả người và máy được trùm một cái màn rộng để chống muỗi, ngọn đèn dầu nhỏ cháy leo lét lại còn được chụp che ánh sáng chỉ còn ánh sáng lờ mờ. Ấy vậy mà đã bao đêm chúng tôi làm việc với nhau, các anh quay máy tuổi chưa tới ba mươi, người đã có vợ như anh Gọt, anh Hợp, người còn trẻ như anh Lục, anh Xoan. Còn nữ báo vụ thì mới mười tám, đôi mươi, tràn đầy sức sống.

Nhiều đêm, sau khi chuyển nhận xong hàng trăm bức điện thì đã mệt quá rồi: “Cô cứ gục xuống bàn mà ngủ đi vài phút, đến phiên anh sẽ gọi”, và thế là anh thức canh cho tôi chợp mắt đến phiên sau. Dù chỉ mươi phút cũng là quý lắm, mà còn quý biết bao là tấm lòng yêu thương trong sáng của đồng đội.

Khi đã làm xong phòng thu, đài tập trung một nơi thì đến đêm chỉ còn một hai đài làm suốt đến sáng, lại vẫn trong chiếc màn đôi, khi thì anh Phú lúc thì anh Ba cùng tôi chụm đầu bên nhau tìm đài, rồi người thu, người phát liên tục đến sáng. Đôi lúc đài bạn xin nghỉ 15 phút, anh bảo tôi: “Em cứ nằm xuống ghế mà ngủ lấy vài phút, kẻo mai về còn phải tăng gia thì mệt đấy”. Có khi trời rét quá anh ra vun đống lửa cho ấm, không quên vùi củ sắn cho em gái bồi dưỡng ca ba đỡ đói lòng, anh em vừa ăn vừa cười vui vẻ.

Nhà chúng tôi ngủ là một cái lán dài, sạp ngủ kéo từ đầu đến cuối lán, giữa nam và nữ chỉ ngăn một tấm phên nứa lưng lửng cho chị em thay quần áo cho “kín”. Làm ca đêm về ai cũng nhẹ nhàng tôn trọng giấc ngủ của đồng đội, không soi đèn, có khi những đêm cuối tháng tối như mực, cứ tưởng đã quá nửa đêm rồi, sờ vào màn thấy đầu húi cua, giật mình bụm miệng chạy cho mau về phần lán nữ, cứ thế mà cười khúc khích.

Đấy là chưa kể những hôm chưa làm xong lán, vây quanh đống lửa, đội trưởng phân nam phần góc này, nữ phần góc kia, đêm rét ngủ mê kéo nhầm chăn nhau kêu ối ối, tỉnh giấc mới biết là nhầm, thế là cười ầm lên lại ngủ tiếp. Thật là vô tư.

Các anh sốt rét thì chúng tôi xoa bóp cho đỡ đau đầu, bón cơm, bón cháo chu đáo, có khi cơn sốt rét quá còn nhờ nhau đè lên chăn cho đỡ run.Riêng cánh nữ sốt rét thì các anh vào rừng tìm bứa, dâu da, bưởi rừng về vừa bóc cho các em ăn vừa động viên an ủi cho các em khỏi tủi thân mà “khóc nhè”.

Nơi tắm là một đoạn suối trên có cây mọc kín chân cho “con gái”. Vậy mà chưa hề bao giờ có chuyện “ngược dòng”.

Còn đêm liên hoan văn nghệ thì khỏi nói. Thôi thì “Quốc tế vũ”, “Liên Xô khỏe” nhảy đến mệt nghỉ. Rồi chỉnh quân chính trị, đóng kịch chống địa chủ, anh Tiến đóng tá điền cõng cô chủ đỏng đảnh, vặn vẹo trên lưng đưa cô đi học, ai cũng thấy phải căm ghét cái cô gái chỏng lỏn trên lưng anh Tiến. Riêng nhóm tâm giao ngồi các góc rừng chuyện trò.

Thế đấy! Có đến bao nhiêu là hoàn cảnh, bao nhiêu thời cơ để “rơm gần lửa” vậy mà nào có “bén”, dù họ hết sức quý trọng nhau.

Chuyện thật đúng là như vậy, bởi vì sau ngày hòa bình về, có cô đêm tân hôn mới biết nụ hôn đầu đời, các cô đều được các “ông xã” nể phục sự trong sáng và khi hiểu hơn về hoàn cảnh sống trước đó, các “ông xã” càng cảm phục tình đồng đội trong sáng của chúng tôi.

Hàng năm, cứ đến ngày truyền thống, chúng tôi ôn lại chuyện “ngày xưa”, đều bảo nhau “kể cả bộ đội bây giờ cũng khó tin những chuyện dù đó là sự thật”.

Tình đồng đội trong sáng sẽ mãi mãi sống trong lòng mỗi cựu báo vụ, mỗi cựu binh thông tin chúng tôi. Đó cũng là niềm tự hào của đơn vị chúng tôi.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn "Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1") 

Gửi cô gái tổng đài

Lê Thành Nghị

Biết nói cùng em chuyện gì trong đêm

Gọi về em – đường tổng đài đang bận

Rừng nơi đây mây và hoa sứ trắng

Một góc trời sáng rực như trăng.

 

Lá báo đổ dập dồn: Tây Hiếu gọi Tây Trang

Tiếng em thưa ngọt lành như giọt nước

Nghe thoảng đến mơ hồ trong gió bấc

Cả mùa hoa năm ngoái vẫn còn hương...

 

Xuyên màn đêm và xuyên qua cánh rừng

Muốn bay cùng đường dây về nơi tiếng gọi

Một vệt sáng cuối chân trời mong mỏi

Em ở đâu? Em – cô – gái – tổng – đài.

 

Anh ở trên đường sống với đường dây

Nhớ về em là nhớ về ngọn lửa

Nếu nỗi nhớ biến thành mùa hoa sứ

Anh sẽ tràn theo gió tới nơi em.

 Đăng bởi Quang Hưng (nguồn "Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1")  

19/6/24

Tưởng nhớ người anh cả, người thầy của Binh chủng Thông tin – Đồng chí Hoàng Đạo Thúy*

Đại tá Lê Dung, nguyên Trợ lý Phòng Thông tin quân sự

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi tòng quân ở tuổi 20, cấp trên giao  nhiệm vụ: “Bên anh Thái cần người làm thông tin, cậu được học thông tin rồi thì sang bên đó giúp việc”. Tôi biết công việc sẽ nhiều khó khăn, vượt qua tầm vóc mình, nhưng nghĩ bụng: “Có phải vác đá vá trời thì cũng tìm cách làm cho được. Công việc cách mạng nó thế. Trận này phải đánh đến cùng”.

Phòng Thông tin liên lạc từ ngày 7 tháng 9 đã đến lập cơ quan ở phố Nguyễn Du của Bộ Tổng Tham mưu, công việc cũng đã bắt đầu.

Nhưng ở cái phòng chính giữa, đầu cầu thang, sau lượt cửa kính ấy chỉ có mỗi một người, gọi là Trưởng phòng ngồi đó thôi. Các anh em khác chạy ngược chạy xuôi suốt ngày, có khi suốt đêm, cứ đi săn máy, tìm người, lắm lúc Trưởng phòng cũng đi nốt.

Hai đứa tôi (Lê Dung và Vũ Hán Thăng) bước vào chào Trưởng phòng, đồng chí Hoàng Đạo Thúy, một thầy giáo dạy ở trường Sinh Từ, một huynh trưởng Hướng đạo có cái tên trong Hội là “Hổ Sứt”, lúc đó trạc 45-46, cỡ tuổi của cha tôi. Chao ôi, thật cảm động, cha và con cùng tòng quân đánh giặc, cùng chia lo công việc “liên lạc của toàn quân”. Việc ấy lớn lắm!

Bắt tay vào làm việc ngay bàn không lâu la gì. Cả ba đều đã suy nghĩ, đều đã biết rõ các khó khăn rõ ràng là đầy rẫy rồi. Cái khó nhất là vô tuyến điện. Phải dồn hết sức vào đó: Máy và Người. “Hai anh lo việc liên lạc vô tuyến điện. Còn liên lạc chân, trao cho anh Vũ Quang. Mật mã trao anh Quang Đạm. Liên lạc điện thoại để tôi lo”. Đồng chí Trưởng phòng giao việc gọn lỏn như vậy.

Nhiệm vụ thì tày đình, bàn việc thì thật là ít lời, phân công thì rõ ràng, đối đãi thì thân tình cởi mở mà rất ân cần, mộc mạc. Cái buổi đầu ấy đã nạp cho tôi đầy xúc cảm tin tưởng vào thủ trưởng của mình, vào bạn bè đồng sự, vào chính mình, tin vào sự thành công của công việc chung, không dám coi thường các khó khăn trở ngại (kiểu “điếc không sợ súng”), nhưng tin một cách nhất định là mình sẽ lần lượt vượt lên để làm tròn nhiệm vụ được trao.

Bộ máy sơ sài ít người này chỉ cùng nhau lo toan nhiệm vụ được dăm tháng rồi chia tay, do cấp trên điều động nhân lực đáp ứng nhiều công việc khác nhau mà cuộc kháng chiến đặt ra. Với nếp nghĩ “những hạt cát không dính gì với nhau, không làm nổi công việc gì” và “làm cho trên dưới thông suốt, tả hữu đồng lòng, là thông tin liên lạc”, đồng chí Thúy ra sức tập hợp nhân viên cũ do Pháp đào tạo trong cả ngạch hành chính và ngạch quân sự, đồng thời cũng chăm lo đào tạo nhân viên mới tuyển lựa trong thanh thiếu niên muốn làm việc nước nữa.

Đồng chí Thúy đã dọn nền xây móng cho lực lượng thông tin quân sự trước khi đi làm Hiệu trưởng Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, rồi làm Thư ký Ban Thi đua ái quốc Trung ương. Với nền móng đó, lực lượng thông tin quân đội đã phục vụ việc cả nước chuyển sang trạng thái chiến tranh; cầm giữ địch phát triển lực lượng ta, dàn thế trận ta - địch trong những năm 1946-1949.

Cuối năm 1949, đồng chí Thúy được trở lại quân đội làm thông tin, lần này gọi là Cục Thông tin chứ không phải là Phòng Thông tin nữa. Cục thì như một cơ quan điều hành, mà đồng chí Thúy vẫn cứ nghĩ “Thông tin là lực lượng chiến đấu trực tiếp bằng kỹ thuật, là một binh chủng trong lực lượng vũ trang”.

Bộ Tổng Tham mưu chưa đồng ý gọi là một “binh chủng” nhưng vẫn cứ phải nhằm xây dựng binh chủng. Binh chủng ấy, trước đây Pháp cũng chỉ có những đội vô tuyến điện riêng, những đội điện thoại đặt trong Công binh thời đầu chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều tướng cũng chưa tin, chưa quen dùng vô tuyến điện. Có ông nhận được máy thì cho tất cả vào kho, còn nói gì ở một nước, hôm qua vẫn còn là thuộc địa. Nắn bụng mình thì thấy bất quá chỉ là một anh thầy giáo tiểu học, cách mạng đã cho phép vùng lên! Coi thời gian trước như một sự huấn luyện.

Đồng chí Hoàng Đạo Thúy đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ chỉ huy, huấn luyện nhân lực làm kỹ thuật vô tuyến, hữu tuyến – tập cho chiến sĩ nghệ thuật liên lạc, tự tay viết tài liệu về nguyên tắc  tổ chức thông tin liên lạc trong chiến đấu, đem ra giảng dạy, thu thập ý kiến của học viên từ chiến trường về học để chỉnh lý, sửa lại cho sát hợp. Chỉ sau hơn nửa năm lo xây dựng cơ quan Cục tạm có hình hài, nền nếp, Cục đã có các đơn vị trực thuộc đàm trách việc liên lạc trên tầm chiến lược của Tổng hành dinh, có các xưởng, các trường để lo công tác hậu cần kỹ thuật và bổ sung nhân lực có nghiệp vụ cho toàn quân. Lại tổ chức được cuộc họp các cán bộ phụ trách ngành thông tin ở miền Bắc để trao đổi kinh nghiệm hay dở trong công việc của mình. Cũng gọi là Đại hội Thông tin lần thứ nhất. Tuy chưa có điều kiện mời cán bộ phía Nam ra họp thì cũng phải nói đến tăng cường liên lạc Bắc – Nam, rồi mở rộng cửa kho “chia sẻ vốn liếng khí tài” cho đơn vị nghèo ở xa.

Ba ngày trước chiến dịch Biên Giới (1950), trên lệnh cho Cục Thông tin phải lên đường phục vụ Bộ Tổng mở chiến dịch. Chuyện đột ngột này gây choáng váng cho Cục trưởng Thúy. Choáng váng ở câu cấp trên báo: “không lo gì, lên đó có đủ thứ rồi, chỉ cần người thôi”. Nghiệt ngã thay! Có người thì cũng cần học và tập với máy nữa, mới thành “người thông tin”, mới làm được! Tôi cũng được Cục trưởng tập cho quen với cái nghiệt ngã đó trong nhiều việc rồi. Lần ra quân gấp tham gia chiến dịch Biên Giới, ta thắng to, mở toang biên giới, phá thế “cả nước một mình chiến đấu giữa vòng vây của địch”.

Thông tin cũng phát triển nhanh, làm cho địch phải bất ngờ. Có ai biết rằng khi bước vào chiến dịch đồng chí Thúy đã phải nghĩ: “Cùng nữa thì một nửa anh em trong Cục ra chiến trường cũng được”. Chẳng biết đồng chí tính toán cái: “một nửa anh em” ấy thế nào. Cụ thể thì Xưởng vô tuyến điện CLR (đồng thời cả lớp cơ công vô tuyến điện đầu tiên ở đó) đã được lệnh ra chiến trường tất cả, chỉ còn lại chừng 10 công nhân lớn tuổi ở nhà giữ Xưởng mà thôi, chưa “giải thể” mà cũng như “rỗng ruột” ra rồi.

Từ thực tiễn chiến đấu trong chiến dịch Biên Giới, Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy tiếp tục đem quân đi tham gia các chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh mở liên tiếp cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế là hình thành các đơn vị thông tin ở Sở chỉ huy cơ bản (của Tổng hành dinh) ở tiền phương của Bộ và Sở chỉ huy hậu phương (hậu cần) chiến dịch. Không gọi Thông tin là binh chủng thì mặc nhiên nó đã hình thành binh chủng trực tiếp chiến đấu bằng kỹ thuật rồi.

Đánh Pháp chạy, giải phóng một nửa đất nước rồi. Khi quân và dân miền Bắc tranh thủ thời gian hòa bình ngắn ngủi, tích trữ tiềm lực để chi viện cho tiền tuyến miền Nam hoàn thành công cuộc giải phóng, thống nhất nước nhà, Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy tiếp tục công việc xây dựng Binh chủng Thông tin. Lực lượng trực thuộc từ quy mô đại đội, tiểu đoàn đã phát triển đến trung đoàn gồm cả chuyển đạt hữu tuyến, vô tuyến.

Từ bước khởi đầu cho đến khi từ dã việc quân, đồng chí Hoàng Đạo Thúy vẫn canh cánh bên lòng một ý nghĩ là làm liên lạc phải đoàn kết, làm thông tin phải biết nhận phần việc khó về mình, nhường việc dễ cho bạn. Trang bị kỹ thuật không phải là đồ trang sức của mình, phải học để biết cách giữ gìn và sử dụng hết tính năng phục vụ công việc. Hoạt động một người riêng lẻ hay cả một tập thể cũng là hành động trong tổ chức chung, phải có kỷ luật, kỷ luật cho người liên lạc cũng như kỷ luật cho cán bộ chỉ huy sử dụng phương tiện liên lạc đó, không trừ ai cả.

Quản lý nhân viên, cán bộ, đồng chí lấy tri thức và tình cảm yêu quý con người để đối đãi, biết phân biệt sức già, công trẻ giao việc đúng người, truyền cảm sự tin cậy, gây hưng phấn cho họ muốn làm việc tận lực.

Tạm biệt anh em ở tuổi được nghỉ hưu, đồng chí tâm sự với anh em: “Thực sự thì suốt dọc lịch sử Việt nam, anh em chúng ta là người sướng nhất. Trong 30 năm trời mà trả hết hận thù mấy kiếp, dựng nên một nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh một trận Điện Biên làm đảo điên cả hệ thống thuộc địa toàn cầu, đánh luôn cho tên đế quốc to nhất, dữ nhất phải cuốn gói “đằng không”, chôn vùi oai tiếng, lại đánh cho vị hoàng đế già cỗi, thấy “đăng hình” trong tấm áo mới cũng không được gì”.

Tôi nhớ đôi lần làm việc xong với đồng chí Thúy, đồng chí nói hóm hỉnh: “Anh đồ nào cũng nghĩ mình làm quân sự được” cứ như đồng chí mách nước cho tôi để có được một câu châm chọc đồng chí “cho vui lúc ngồi nhàn, tán rỗi” vậy. Tôi có cách nghĩ của tôi: Bác Hồ là thầy giáo trước khi đưa cả dân tộc lên trận tuyến này, anh Văn là thầy giáo trước khi cầm quân đánh bại hai đế quốc to, anh Thái cũng là thầy giáo trước khi làm Tổng Tham mưu trưởng của ta. Tất cả mấy “ông đồ đó” đều đánh giặc giỏi cả. Tôi nghĩ nghiêm túc thế đó.

Còn về anh Thúy, có lần anh bảo tôi: Tu n'es pas scout, mais tu l'es (anh không phải là hướng đạo sinh, nhưng anh đã là...) nên tôi nghĩ như anh Hồ Sứt đã kết nạp tôi vào Hội Hướng đạo khi Hội đã giải thể rồi và xin phép xưng hô với anh như thông lệ Hướng đạo sinh vậy. Tôi cứ nhìn anh, như thầy giáo hồi xưa, đưa học trò đi ra đồi quang đồng mát, gọi là đi chơi để các em được thấy trời, đất, cây, cỏ, nắng, mưa, đồng bào cấy gặt, các cháu nhỏ nông thôn cắt cỏ chăn trâu mà sinh lòng yêu nước, thương nòi. Tôi cứ nhìn anh như một tráng sinh có hạng, tổ chức thanh niên vào Hướng đạo, tập luyện cho anh em dai sức, quen sống độc lập, tự chủ, nhanh trí tháo gỡ khó khăn, đua nhau làm việc tốt, giúp người hoạn nạn; rồi anh viết và xuất bản cuốn sách “Trai nước Nam làm gì?” để cổ vũ thanh niên có lý tưởng yêu nước. Nói và làm việc như thế, trong khi Pháp còn cai trị, kìm chế chúng ta, đâu có phải chuyện chơi vui.

Từ khi Đảng lãnh đạo dân ta làm cuộc cách mạng giành lại độc lập tự do, anh đứng trong quân ngũ và dìu dắt cả đám thanh thiếu niên mà anh vẫn yêu mến vào “cuộc chơi lớn” (Hướng đạo gọi là đi camp chơi grand jeu): “làm thông tin để đánh bại bọn xâm lược”, làm họ thực tế trở thành những “Ông Gióng” thời đại Hồ Chí Minh.

Không yêu sao được, không quý anh sao được, người Anh và người Thầy của Binh chủng Thông tin.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1).

* Bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Đạo Thúy, 50 năm ngày thành lập Đội 101. 

15/6/24

Liên lạc đặc biệt!

Hoàng Hiệp

Một túi công văn khoác lệch vai,

Một mình len lỏi buổi ban mai!

Lâng lâng mải miết tìm cơ sở

Đến tận tay người nhận? Chẳng sai

 

Vượt núi, qua sông, nhiều trở ngại,

Không ngoan, trí dũng quyết băng qua,

Hoàn thành nhiệm vụ, trên giao phó,

Một chút thảnh thơi... ta hát ca.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)

Chặng đường ban đầu của Thông tin Quân bưu “Ban liên lạc đặc biệt Bộ Tổng Tham mưu”

Đại tá Đỗ Khắc Quảng

Ban liên lạc đặc biệt là một tổ chức liên lạc quân sự có tầm chiến lược, trực thuộc Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam. Ban được hình thành trong những ngày quân đội ta chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946 và chỉ tồn tại đến tháng 9 năm 1951 tức là gần 5 năm, nhưng đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên trong hàng ngũ chúng ta, những chiến sĩ “liên lạc đặc biệt” của những năm tháng đầu cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, sự kiện đã đi vào lịch sử. Chúng ta, những cán bộ, chiến sĩ của Ban liên lạc đặc biệt nay người còn, người mất, nhưng không thể không ghi lại để cho các thế hệ sau tham khảo:

Trước ngày Toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, toàn bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tổng chỉ huy đã chuyển cả ra hướng thị xã Hà Đông (Bộ Tổng Tham mưu ra ấp Thái Hà, cạnh gò Đống Đa). Như vậy bộ phận liên lạc nội bộ của mỗi cơ quan chỉ có thể đảm bảo được đúng tính chất và nhiệm vụ của nó, còn liên lạc xa như xuống các quân khu, các đơn vị chủ lực, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh... thì rõ ràng đang thiếu một bộ phận chuyên trách. Đã thế, tình hình lại khẩn trương, công văn các loại đều tăng gấp bội.

Bởi vậy ngày 17 tháng 12 năm 1946, Bộ Tổng chỉ huy quyết định phải gấp rút thành lập một bộ phận liên lạc đường dài lấy tên là Ban liên lạc đặc biệt. Ngày 12 tháng 12 năm 1946, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã trao nhiệm vụ này cho Quyền Trưởng phòng Thông tin Nguyễn Hải Hạc – phó ban1. Nhiệm vụ được nêu rất ngắn gọn. Nhưng khi nói đến tổ chức thì thật “đặc biệt”: không có người, phải tự tuyển lấy; riêng cán bộ thì trên sẽ bổ sung sau.

Không còn con đường nào khác, đồng chí nghĩ ngay đến số hướng đạo sinh cùng quê, thôn Giáp Nhất, xã Nhân Mục, ven đô. Đa số anh em, đã là thanh niên cứu quốc đang hoạt động ở địa phương. Thế là chỉ một ngày sau, đồng chí đã tuyển được năm người; rồi người nọ giới thiệu người kia, chẳng mấy chốc quân số tăng lên đến hơn chục người, gồm cả thiếu niên, học sinh.

Trước ngày 19 tháng 12 – ngày Toàn quốc kháng chiến, trạm liên lạc đầu tiên của Ban liên lạc đặc biệt tại 150 phố Bóp Kèn thị xã Hà Đông đã đi vào hoạt động. Công tác chủ yếu là chuyển công văn khẩn cấp đi xa, bao gồm cả hỏa tốc. Đây cũng là nơi đón nhận một số cán bộ cấp trên chuyển đến và và một số anh em quen biết nhau giới thiệu vào. Với những anh em khi đến mang theo xe đạp, xe máy thì xếp ngay vào bộ phận hỏa tốc để sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Đến nay, ngày 12 tháng 12 được coi là ngày chính thức thành lập Ban liên lạc đặc biệt. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Pháp bùng nổ tại Thủ đô. Ngay hôm sau, Ban liên lạc đặc biệt chuyển vào làng Mai Lĩnh, cách Hà Đông khoảng 10km, đóng tại ngôi đình trông ra sông Đáy.

Tại đây, ngày 22 tháng 1 năm 1947, sau Tết Nguyên đán, Ban đã đón nhận một tổ chức sáp nhập vào là Ban liên lạc tuyên truyền thuộc Bộ Quốc phòng. Tổ chức này hình thành từ đầu tháng 12 năm 1946 do Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam có các đồng chí Đào Duy Kỳ, Vũ Oanh phụ trách để giữ liên lạc với Ủy ban kháng chiến các tỉnh2. Liên lạc tuyên truyền đặt 8 trạm chính xung quanh Hà Nội như Văn Giang, Phú Thụy, Mai Lĩnh, Phù Ninh... Mỗi trạm là một đầu mối cho một đường trạm theo lộ chính xuống đến tỉnh lân cận như trạm Phù Ninh đi Bắc Ninh; trạm Văn Giang đi Hưng Yên; trạm Phú Thụy đi Hải Dương, Hải Phòng... Liên lạc viên ở các trạm đều do các địa phương cung cấp.

Số nhân viên, cán bộ bổ sung sang liên lạc đặc biệt không nhiều nhưng một số đã có kinh nghiệm đặt trạm dọc đường dài.

Đầu tháng 2 năm 1947, một quyết định của Bộ Tổng chỉ huy có tính lịch sử đối với tổ chức Liên lạc đặc biệt. Đó là: từ nay Ban trực thuốc Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy, có nhiệm vụ liên lạc cả hai chiều giữa Bộ và Quân khu, trước mắt là Quân khu 1-2-3-10-11-12 ở Bắc Bộ và Quan khu 4 ở Bắc Trung Bộ.

Để làm được nhiệm vụ liên lạc có tầm quan trọng chiến lược này, Bộ ủy nhiệm cho Ban liên lạc đặc biệt chủ trì một hội nghị các trưởng ban giao thông liên lạc một số quân khu (từ Khu 4 trở ra) để phổ biến và bàn cách thực hiện nghị quyết. Cuộc họp tiến hành và kết thúc tốt đẹp sau một ngày làm việc khẩn trương vào cuối tháng 12 năm 1947 tại đình Mai Lĩnh.

Nhìn về tổ chức, lúc này Ban đã phần nào hoàn chỉnh, có cán bộ chuyên trách từng bộ phận như: bộ phận chuyên môn có đồng chí Đặng Trần Can (còn gọi là Can “già”), bộ phận hỏa tốc có đồng chí Trần Văn Mỹ (còn gọi là Mỹ “nheo”), bộ phận hành chính quản trị (gồm cả sửa xe đạp, xe máy) có đồng chí Nguyễn Côn. Ấy là chưa kể cùng thời gian này cấp trên vừa bổ sung một đảng viên vào Ban phụ trách là đồng chí Trần Sơn – người đảng viên đầu tiên của Ban.

Quân số của Ban lúc này là 63 người. Ban đề nghị lên trên được chấp thuận lấy bí danh là Đại đội 63.

Việc tổ chức mạng liên lạc chiến lược lúc này cũng chính là theo đúng tinh thần thư của Bác Hồ đã gửi các đảng viên Bắc Bộ vào tháng 2 năm 1946, đoạn nói về công tác giao thông liên lạc:

“Phải giữ vững giao thông liên lạc giữa các tỉnh, các khu và giữa Trung Bộ, Nam Bộ và Bắc Bộ. Giao thông là mạch máu của mọi việc. Giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng”.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)

1. Đồng chí Hải Hạc là kỹ sư nông lâm, huynh trưởng hướng đạo, tổ chức ra đoàn hướng đạo ở thôn nhà vào năm 1943. Đồng chí Hạc được đồng chí Hoàng Đạo Thúy giới thiệu vào làm Quyền Trưởng phòng Thông tin lúc bấy giờ.

2. Lúc đầu Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính là hai tổ chức riêng. Thời gian ngắn sau sáp nhập làm một là Ủy ban hành chính kháng chiến.

14/6/24

Nhớ thời đi chiến dịch cùng Tiểu đoàn 303

Hoàng Bửu Đôn – Nguyên Chính ủy Cục Thông tin liên lạc

Khoảng cuối tháng Chạp năm 1950, anh Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hồi đó, có quen biết tôi từ trước nên đã đề nghị tổ chức Trung ương làm lệnh điều động tôi sang quân đội.

Anh Thanh trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Anh cho biết khá rõ ràng về tình hình cán bộ của Cục Thông tin liên lạc, về anh Thúy, anh Tình đang phụ trách binh chủng đó; về anh Ngô Văn Thiệu đang làm Bí thư Liên chi ủy Thông tin lúc bấy giờ. Anh nhấn mạnh trong xây dựng quân đội, phải đặt công tác xây dựng Đảng lên hàng đầu, lấy công tác chính trị tư tưởng làm then chốt.

Tới Cục Thông tin, tôi làm công tác Chính ủy. Về trước tôi vài tháng có anh Nguyễn Trọng Tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, anh Dương Quốc Hưng và một số cán bộ khác đều là cán bộ dân chính cũ, quen hoạt động quần chúng, nhưng còn rất bỡ ngỡ khi bước vào hàng ngũ quân đội.

Cùng về với tôi từ Tổng Liên đoàn, có anh Trịnh Đình Chung, Tỉnh ủy viên và các anh Lê Văn Thành, Vũ Bá Ngần, Phạm Quang Thọ, v.v.

Việc điều động bổ sung chúng tôi vào quân đội có lý do tất yếu của nó. Sau chiến thắng Biên giới, tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi khá cơ bản. Đã đến lúc cần chuẩn bị một lực lượng mới, đủ sức đấu tranh làm thay đổi cục diện chiến tranh. Qua chiến dịch Biên Giới, khả năng chỗ mạnh, chỗ yếu của ta bộc lộ ra rất rõ. Ý đồ lớn của Trung ương là nhanh chóng khắc phục khuyết nhược điểm của ta, phát triển thế và lực mới để giành thắng lợi quyết định trên chiến trường.

Thông tin liên lạc đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển đó. Từ ngày thành lập Phòng Thông tin liên lạc quân sự (tiền thân của Binh chủng Thông tin ngày nay 9-9-1945), “vạn sự khởi đầu nan”, tuy ta đã cố gắng nhiều, đạt nhiều thành tích, nhưng xét về thực chất, khả năng ta mới chỉ có thế, có đến đâu làm đến đó, nhiều mặt không khỏi phải gán ghép, chắp vá, như về cán bộ, cũng như phương tiện liên lạc, mức phục vụ bảo đảm chỉ huy có hạn mà thôi.

Nay giải phóng được biên giới phía Bắc, phá được vòng vây từ đầu kháng chiến đến giờ, quan hệ quốc tế thay đổi: bắt đầu có sự giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; có điều kiện thuận lợi mới để chấn chỉnh tổ chức, đưa quân đội phát triển lên một bước mới.

Trọng trách của chúng tôi khi được về Cục Thông tin liên lạc là nhanh chóng tăng cường vai trò của Đảng trong quân đội, tăng cường lực lượng chính trị và công tác chính trị tư tưởng trong Binh chủng.

Anh Nguyễn Trọng Tỉnh được bố trí làm Cục phó, tuy nhiên vẫn đang “bơi” trong công việc, vì phân công nhiệm vụ trong chính quyền chưa rõ, chức vụ về Đảng cũng chưa rõ, anh Tỉnh và tôi đều chưa tham gia Liên chi ủy Thông tin lúc đó theo gợi ý của trên là chưa vội. Hãy đi nắm cho chắc mọi mặt tình hình đã. Mới chân ướt chân ráo đến nơi, tôi thấy Bộ đang gấp rút chuẩn bị mở chiến dịch Trung Du – Trần Hưng Đạo. Không hiểu tại sao Bộ Tổng Tham mưu không cử anh Hoàng Đạo Thúy mà lại chỉ định ngay tôi đi làm Trưởng ban 3 chiến dịch, anh Nguyễn Văn Tình làm Phó Trưởng ban. Rất tiếc tôi không có dịp được nghe tổng kết chiến dịch Biên giới để rút kinh nghiệm. Trong buổi họp các cục, phòng, ban trực thuộc Bộ, nghe báo cáo mọi mặt tình hình, bàn luận về nhiều vấn đề chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường với nhiều danh từ quân sự không quen, không hiểu, tôi nghe mà như là vịt nghe sấm.

Thôi cứ đi, đã có anh Tình chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật ở bên cạnh.

Cục Tác chiến phổ biến cách bố trí đội hình chiến dịch: Cơ quan chỉ huy đầu não sẽ đặt trên khu nghỉ mát Tam Đảo. Từ đó cần có đường dây điện thoại xuống hai đại đoàn 308 và 312, ở mạn trung du – Vĩnh Yên, Phúc Yên.

Tính toán phương tiện thấy dây điện thoại thiếu nhiều, mà lúc đó, người chỉ huy trên dưới liên lạc với nhau chỉ thích dùng hữu tuyến điện; Bộ nói chuyện thẳng ngay với Đại đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, nói trực tiếp không phải qua mã dịch chậm chạp, mất thời gian, lại muốn nói dài, tràng giang đại hải thế nào cũng được.

Xem ra số chiến lợi phẩm thu được ở chiến dịch Biên Giới dùng vào chiến dịch mày cũng chẳng đủ. Hàng viện trợ Trung Quốc hứa cho chưa thể chở về kịp. Tôi liền cử đồng chí Tuấn, cán bộ theo tôi cùng sang quân đội, quay ngay về bên Tổng Công đoàn, gỡ hết số dây trần đang dùng linh tinh bên đó, thôi thì đủ loại, dây đồng 1 ly, 2 ly 8; dây sắt 3 ly 2, 3 ly 5, đem về giao cho Đại đội hữu tuyến điện C99 sử dụng.

Rất khổ cho anh em. Đến cái kìm cũng chả có để nối dây trần; anh em cứ bẻ quặp vào nhau, lấy đá ghè móc nối lại, giăng lên cây, đi trong rừng. Làm sao bảo đảm thông suốt được cơ chứ. Ban ngày, trời nắng ráo, còn nói tạm được. Ban đêm, sương xuống, trời mưa, đành chịu. Cơ quan cấp trên có lúc cứ mắng om lên. May mà chiến dịch đánh gọn, mỗi đợt tác chiến chỉ vài ba ngày, không kéo dài, nên trục trặc về thông tin rồi cũng cho qua.

Lần đầu đi chiến dịch về, tôi ngồi dự tổng kết. Trước mặt đông đủ “bá quan văn võ”, các cán bộ cấp sư đoàn đứng lên “tố” Thông tin, nào là không đảm bảo, kỹ thuật kém, phương tiện không đủ, đến cái tổng đài cũng không có cứ phải đấu đinh các đường dây lại với nhau, chập lung tung, nói chuyện bị nhiễu loạn... Tôi cứ ngồi thần mặt ra, chẳng nói được gì.

Về Cục Thông tin liên lạc, tiến hành tổng kết nội bộ. Mỗi anh nói một phách, chẳng còn biết đằng nào mà lần. Anh Tình thì lành quá: Ai “đấu” gì cứ “đấu”, anh cứ cúi đầu, ghi ghi chép chép, chẳng kết luận ra sao cả.

Đó là những cảm giác thật của tôi lần đầu tiên đi chiến dịch, trong tháng đầu tiên tôi vào quân đội, lại nhận luôn nhiệm vụ Trưởng ban 3 thông tin, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn muôn bề như vậy.

Tôi đi liền mấy chiến dịch: Trung Du, Đường 18, Hà Nam Ninh. Trong chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh), Tổng chỉ huy đóng ở Vụ Bản. Đối tượng tác chiến chủ yếu là quanh thị xã Ninh Bình, mà điểm chốt là núi Cánh Diều, do Trung đoàn 102 Sư đoàn 308 phụ trách. Chủ trương tác chiến, theo kế hoạch phổ biến là khẩn trương, đánh nhanh, đánh gọn, đánh về đêm. Thời gian mở màn khoảng cuối tháng 5 năm 1951.

Trục đường dây của Tiểu đoàn 303 đi qua các cánh đồng chiêm trũng ngập nước mênh mông. Lúa đã trổ bông nhưng chưa chín. Anh em chiến sĩ thông tin C99 mắc dây cao, gác trên ngọn lúa, từ quãng có dùng cây, que đỡ. Giai đoạn chuẩn bị chiến dịch trời chưa mưa gió, liên lạc còn thông. Trước ngày N vào tiết trời tiểu mãn, bỗng nổi cơn giông tố lớn, cây que đổ gục, dây nằm bẹp cả xuống đất, xuống nước. Mở màn chiến dịch, trên dưới không nói được với nhau. Thế mới ác. Cụ Giáp thấy thông tin trục trặc, gọi anh Đôn – Trưởng ban 3 lên. Tôi giao nhiệm vụ cho anh Tình sang gặp Tổng Tư lệnh nhận chỉ thị, còn mình thì sắn quân lên, đi lội nước, đốc lính 303 vớt dây, chống dây cao lên. Cũng gỡ được một phần khó khăn.

Trận đó quân ta bị thương vong nhiều, chiến trường giải quyết không gọn. Khi tổng kết, anh Đào văn Trường – Tổng Tham mưu phó lúc đó, lớn tiếng “kêu” Cục Thông tin nhiều nhất. Nhưng các anh trên lại thông cảm, thừa nhận do nhiều khó khăn khách quan, chứ không phải do Thông tin gây ra. Lại biểu dương cố gắng chủ quan của chiến sĩ Tiểu doàn 303, đã vất vả lội nước, dầm mưa, bảo đảm liên lạc chỉ huy, trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ, đến cuộn nhựa bọc các mối nối dây cũng chẳng ra gì.

Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, có thời gian ổn định tình hình: vấn đề tổ chức Đảng ủy Cục Thông tin liên lạc được đề cập đến và tháng 9 năm 1951 Đảng ủy lâm thời được chỉ định. Đầu tháng 11 năm ấy, Cục Thông tin liên lạc mở Đại hội toàn thể Đảng bộ, bầu Đảng ủy chính thức: tôi làm Bí thư; anh Nguyễn Trọng Tỉnh – Phó Bí thư; các anh Ngô Văn Thiệu, Ngô Thừa Kế lo cơ quan chính trị; Trịnh Đình Trung lãnh đạo nhà trường; Dương Quốc Hưng phụ trách ngành Vô tuyến điện; Trần Sơn chịu trách nhiệm về Tiểu đoàn Thông tin dã chiến 303.

Đảng ủy Cục Thông tin liên lạc không chỉ trực tiếp lãnh đạo cơ quan và đơn vị trực thuộc mà còn chịu trách nhiệm cùng các Thủ trưởng Cục trước Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo xây dựng lực lượng thông tin liên lạc toàn quân trưởng thành nhanh chóng.

Đây là một tập thể Đảng ủy tương đối vững vàng, làm việc nhịp nhàng, ăn ý, với sự giúp việc đắc lực của 4 cơ quan: Chính trị, Tham mưu, Hậu cần, Kỹ thuật, tất cả đều mới được chấn chỉnh bề thế. Nhìn lại cả một giai đoạn dài, các chủ trương công tác của Đảng ủy không có gì chệch hướng chung của Đảng và Quân đội.

Đến chiến dịch Hòa Bình đã thành lập Đảng ủy tiền phương Cục đi trực tiếp, tập thể lãnh đạo công tác thông tin toàn chiến dịch.

Tôi nhớ, trong giai đoạn chuẩn bị ở Việt Bắc, Tổng Tham Mưu trưởng có gọi riêng tôi lên, cho biết ý định của cấp trên sẽ sử dụng 2 đến 3 sư đoàn, rải quân suốt từ Trung Hà đến Pheo gần thị xã Hòa Bình, triển khai chiến đấu trên cả một tuyến dài, dọc bên hữu ngạn sông Đà. Do đó cần nghiên cứu trước, thả điện thoại qua sông sao cho liên lạc được với các sư đoàn. Cần giữ bí mật ý định này, chỉ cho cấp dưới nghiên cứu, khắc phục về mặt kỹ thuật.

Tôi về huy động “quân quan” của Tham mưu Thông tin và Tiểu đoàn 303 làm thí nghiệm. Đây là một cuộc vận động dân chủ quân sự có kết quả. Trong tay chỉ có dây bọc nhựa thông thường. Tính sáng tạo của anh em được nảy sinh trong quá trình tìm mọi cách khắc phục khó khăn trở ngại. Dây dùng được chọn lọc kỹ; các mối nối quấn bằng săm xe đạp, làm rất cẩn thận, cho ngâm nước, 3 ngày sau vẫn thấy bảo đảm; Quay đổ chuông, nói chuyện nghe rõ. Thí nghiệm được thử đi thử lại, kiểm tra nhiều lần.

Vào chiến dịch, thông tin trôi chảy. Ba lần thả dây qua sông Đà đều tốt. Đại tướng đã tỏ lời khen ngợi ngay tại chỗ. Tổng kết chiến dịch lần này, trước mắt cấp trên, tôi không phải đứng ngây ra như cột cờ nữa.

Đó là một chuyện điển hình vận dụng trí tuệ tập thể giải quyết bảo đảm thông tin.

Qua sáu chiến dịch, vừa quán triệt đường lối chủ trương từ cấp Tổng cục Chính trị, chỉ thị cụ thể của Bộ Tổng Tham mưu, vừa tìm hiểu các yêu cầu của người chỉ huy, lại trực tiếp nắm được khả năng các đơn vị thuộc quyền như 303, nên từ chỗ bỡ ngỡ, ngơ ngác ban đầu, không hiểu mô tê gì, dần dần tôi cũng quen công việc ở vị trí lãnh đạo nghiệp vụ Thông tin, bảo đảm chỉ huy của Tổng Tư lệnh và các cơ quan Bộ.

Theo nhu cầu thực tế, Đảng ủy Thông tin tập trung vào củng cố phát triển ba lực lượng thông tin chủ yếu:

- Mở rộng xưởng thông tin, nâng cao khả năng sửa chữa khôi phục các máy móc hỏng, sản xuát lắp ráp các máy thu phát vô tuyến điện, tổng đài, máy lẻ điện thoại, khai thác các chiến lợi phẩm thông tin.

- Mở rộng nhà trường thông tin, bổ túc, đào tạo cán bộ cho Binh chủng.

- Nâng cao chất lượng các đơn vị trực thuộc, quan tâm đặc biệt phát triển lực lượng điện thoại: Khi cơ động, đi chiến dịch tăng cường phương tiện dây bọc cho 303; liên lạc đường dài cố định, đẩy mạnh xây dựng lực lượng hữu tuyến điện dây trần. Đây là một chủ trương đúng đắn, thích hợp cho Bộ chỉ huy các đơn vị, trong đánh Pháp cũng như trong đánh Mỹ sau này.

Về tổ chức cán bộ, do đặc thù phân tán lớn của các phân đội thông tin, Đảng ủy chủ trương đặt thêm một chính trị viên cấp trung đội, kết hợp với các tổ trưởng tâm giao, chính trị viên ở cấp cơ sở thấp nhất này đã giải quyết được rất nhiều thắc mắc, tâm tư cụ thể của các chiến sĩ như thích đeo súng báng gập làm chuyển đạt viên chạy tung tăng khắp nơi thuộc c103, không ưa vác cuộn dây sừng bò nặng trĩu trên vai anh điện thoại viên c99; càng muốn tránh về c105 dây trần để khỏi phải khiêng, trồng cột, căng kéo dây đồng dây sắt.

Rất nhiều cán bộ được đưa qua Tiểu đoàn 303 như đi thực tế, thử thách rèn luyện ở thực tế chiến trường như các sĩ quan mới tốt nghiệp Trường Lục quân của tướng Nguyễn Sơn ở Thanh Hóa ra, cán bộ các nơi mới điều về... Sau này họ đều trưởng thành, đứng vững, làm nòng cốt xây dựng các đơn vị kế tiếp như d132, d134, 77...

Cũng từ thực tế chiến đấu và phục vụ chiến đấu, một khẩu hiệu hành động chung cho toàn Binh chủng Thông tin đã được đề ra, đó là: Kịp thời – Chính xác – Bí mật – An toàn.

Tám chữ vàng đó sau được Bác Hồ phê chuẩn trong thư gửi Bộ đội Thông tin toàn quân, và đến nay toàn Binh chủng vẫn chấp hành theo các mục tiêu đó.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)


Sự tích Tiểu đoàn 303

 “Một cây làm chẳng lên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

                                                                         (Ca dao)

Trịnh Long Đắc

Một ngày đi chẳng mấy xa

Ba ngày đi chắc được ba chặng đường

Trăm quê hương... một tình thương

Chung một lý tưởng mở đường đi xa

Chàng 101, chàng 103

Cùng chàng 99 chúng ta... ba chàng

Ba chàng cùng đứng ngang hàng

Lập thành đơn vị Tiểu đoàn 303

Thế là quân đội chúng ta

Thông tin dã chiến 303 ra đời

Đánh cho quân giặc tơi bời

Quân kỳ lấp lánh, sáng ngời huân chương

Chín chiến dịch... hai chiến trường

Đoàn ta lớn mạnh... hậu phương tưng bừng

Hòa bình cả nước vui chung

Tiến lên hiện đại... trùng trùng quân đi.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)

12/6/24

Mừng Định Hóa anh hùng (tặng quê hương của 101)

Tôi về Định Hóa hôm nay

Bồi hồi, xúc động tràn đầy niềm vui

Bao lâu lòng những bùi ngùi

Vì thương mảnh đất cùng tôi tháng ngày

Hòa bình mấy chục năm rồi

Vẫn nghèo vẫn sống cuộc đời như xưa

Hôm nay Định Hóa rợp cờ

Huyện anh hùng đó – Thủ đô gió ngàn

Trải bao ngày thàng gian nan

Hôm nay phấn khởi, bản làng mừng vui

Đường xa lối cũ đây rồi

Về Bộc Nhiêu, tiến bước xuôi Bình Thành

Tỉn Keo – Nà Lạn – Phú Đình

Bản Cái – Thanh Định – Bảo Biên – Bản Mù

Quý Kỳ lối ngược đèo So

Ai về Bắc Chẩu nhớ qua Na Guồng

Dọc đường Sơn Phú – Trung Lương

Yên Thông – Điềm Mặc – Bảo Cường – Bình Yên

Phượng Tú – Đồng Thịnh – Định Biên

Phúc Chu – Phượng Tiến – Bảo Linh một nhà

Quán vuông – Trung Hội – Tà Ma

   Gốc Thông – Đèo Tọt khiến ta bồi hồi

Bao năm về với miền xuôi

Vẫn không quên được tình người chiến khu

Không quên bản cũ đèo xa

Khắc sâu ký ức: Thủ đô gió ngàn

 Giờ đây phấn khởi hân hoan

Đón mừng danh hiệu vẻ vang: Anh hùng

Hôm nay lòng mới thỏa lòng

Bõ bao ngày tháng chờ trông tin này.

Hoàng Hương Liên

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1) 

11/6/24

Một kỷ niệm sâu sắc1

Đội vô tuyến điện 101 được thành lập ngày 15 tháng 8 năm 1950 ở Đà Tẩu đúng một tháng trước ngày nổ súng mở màn chiến dịch Cao - Bắc - Lạng.

Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện cấp tốc 15 ngày, chúng tôi hành quân tới Nà Lạn, nơi đặt Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch. Ngoài việc triển khai 4 đài ở Sở chỉ huy cơ bản chúng tôi cử 2 đài đi Sở chỉ huy tiền phương, 3 đài xuống Đại đoàn 308, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209. Trong chiến dịch này chúng tôi sử dụng quy ước liên lạc đặc biệt chống trinh sát điện tử PAGT2.

Trước ngày nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh chiến dịch đến kiểm tra Ban Thông tin chiến dịch và anh em điện đài trong hang đã gần Ban. Qua trao đổi giữa Đại tướng với đồng chí Hoàng Đạo Thúy – Cục trưởng kiêm Trưởng ban Thông tin chiến dịch, chúng tôi được biết Bác Hồ cũng ở gần Bộ chỉ huy để theo dõi và chỉ đạo chiến dịch. Tin Bác Hồ ra mặt trận được phổ biến kín cho cán bộ trong Ban, tất cả đều nức lòng hy vọng sẽ được gặp Bác Hồ và tin tưởng “chiến dịch nhất định sẽ thắng to”.

Đợt 1 chiến dịch kết thúc, quân ta đã diệt gọn cứ điểm Đông Khê và sẵn sàng đánh địch tiếp viện hoặc rút khỏi Cao Bằng.

Ngày 28 tháng 9 năm 1950 chúng đưa 1 binh đoàn do quan năm Lơpagiơ lên Đông Khê đón cánh quân của Sáctông rút từ Cao Bằng về. Sau 6 ngày liên tục chiến đấu ta đã vây hãm địch ở Cốc Xá và chặn binh đoàn Lơpagiơ ở Khâu Áng – Khâu Luông. Tình huống rất khẩn trương vì nếu để 2 binh đoàn này liên lạc với nhau sẽ khó tiêu diệt được chúng.

Ngày 6 tháng 10 năm 1950 tôi được lệnh tổ chức cuộc đàm thoại trực tiếp giữa Tư lệnh chiến dịch với đồng chí Vương Thừa Vũ – Đại đoàn trường Đại đoàn 308. Sau khi bắt được liên lạc tôi thấy đồng chí trực ban tác chiến tay cầm bản đồ đi cùng Đại tướng và một người đi sau đầu đội mũ, cổ quàng khăn mặt bông. Tôi báo cáo và bật đảo mạch chuyển tín hiệu thu ra loa. Đại tướng cầm micro và quay lại phía người đi sau nói: “Kính mời Bác ngồi”. Tôi giật mình nhìn lại và nhận ra đó là Bác Hồ mà lúc đầu mải làm việc không để ý vì Bác cũng mặc quần áo chiến sĩ, lại dùng khăn mặt che chòm râu. Tôi vội kính cẩn mời Bác ngồi lên phiến đá gần máy để tiện theo dõi cuộc đàm thoại.

Thấy mọi người lúng túng, Bác nói: “Các chú cứ làm việc tự nhiên”. Giọng nói ấm áp và giản dị của Bác làm mọi người bình tĩnh trở lại.

Cuộc đàm thoại diễn ra rất tốt. Sau khi dùng tiếng Trung Quốc nói chuyện với Đại đoàn trưởng 15 phút, Đại tướng nói: “Thưa Bác có dặn gì thêm”. Bác nói: “Các chú nói với chú Vũ là Bác đang theo dõi trận đánh và chờ tin thắng lợi để thưởng cho đơn vị một số bò khao quân”. Cuộc đàm thoại kết thúc.

Mọi người quây quần quanh Bác, Bác thân mật hỏi thăm chung và từng người về công việc và học tập, sinh hoạt, rồi ân cần dặn dò mọi người phải đoàn kết học tập, giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Bác nói: Trước đây Bác cũng học qua và sử dụng điện đài để liên lạc với quốc tế khi hoạt động bí mật ở Trung Quốc.

Trước khi ra về Bác còn động viên anh em cố gắng để “Khi Bác và Bộ Tổng tư lệnh có lệnh là các chú kịp thời chuyển xuống bộ đội”. Nhìn thấy cột ăngten Bác dặn dò thêm: “Phải ngụy trang cái này cẩn thận kẻo bị lộ Sở chỉ huy”.

Bác Hồ tại đài quan sát trong chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950

Tối hôm đó tôi họp toàn đội kể lại tỉ mỉ cuộc viếng thăm của Bác và những lời căn dặn của Người. Anh em rất phấn khởi và hứa quyết tâm làm theo lời Bác. Vinh dự cho Đội 101 chúng tôi là khi kết thúc chiến dịch, đội được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Hai.

Đến nay, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị và 105 năm ngày sinh của Bác, nhớ lại những chặng đường chiến đấu của Đội 101 từ chiến dịch Cao – Bắc – Lạng đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi thấy luôn có Bác “vẫn đang cùng chúng cháu hành quân”.

Thiếu tướng Nguyễn Diệp3

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1)

 

1. Bài viết kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890-19/5/1995).

2. PAGT là phương án thay đổi giờ và tần số liên lạc.

3. Thiếu tướng Nguyễn Diệp: Nguyên Đội trưởng Đội vô tuyến điện 101, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc. 

7/6/24

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam

Năm 2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào tuổi 99, người Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”... và cũng là năm kỷ niệm lần thứ 55 chiến thắng Điện Biên Phủ. Vô cùng tự hào và xúc động, tình cảm với người Anh Cả, người chỉ huy của Bộ đội Thông tin liên lạc, xin kể một vài câu chuyện và cảm nghĩ về anh.

Lời dạy của Bác Hồ đối với công tác Thông tin liên lạc, Đại tướng là người thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhất, từ thành lập buổi đầu cho đến khi quân đội ta lớn mạnh, mọi lúc mọi nơi Đại tướng đều hết sức quan tâm đến việc xây dựng lực lượng Thông tin để bảo đảm cho lãnh đạo, cho chỉ huy.

Một lần trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho Đại đoàn trưởng Vương thừa Vũ kiên quyết diệt địch phản kích, giữ vững trận địa đã chiếm thì mất liên lạc. Bình thường, Tổng Tư lệnh rất đôn hậu, hiền lành nhưng lúc đó Đại tướng rất sốt ruột nên xẵng giọng: “Anh Thúy1 anh có tạo điều kiện cho tôi làm việc không”. Anh Thúy đang ngồi ngậm píp vội đứng dậy và chạy về Trung tâm thông tin dùng máy báo vụ vô tuyến điện SCR 694 để liên lạc qua Đại đoàn 312 cùng mũi chiến đấu thì biết được Trung đoàn 88 đã đánh tan quân địch, bắn  cháy xe tăng địch. Anh Thúy vội báo cáo Đại tướng. Tổng Tư lệnh cười, anh em trong Sở chỉ huy thở phào nhẹ nhõm.

Lần khác Tổng chỉ huy đang nói chuyện điện thoại thì nghe trong đường dây có tiến gọi nhau í ới... Đại tướng đưa tổ hợp cho anh Thúy hạ lệnh dẹp yên Z102 để Đại tướng nói chuyện... Xong hỏi anh Thúy lý do ồn trong máy, anh Thúy báo cáo: “Các đơn vị làm thịt trâu gọi nhau đi lấy...”. Đại tướng cười thông cảm, đã mấy tháng nay bộ đội mới có được bữa thịt.

Tháng 11 năm 1965, giữa lúc giặc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, để kịp thời cổ vũ động viên đơn vị, cá nhân quyết tâm chiến đấu, ra sức học tập và công tác, Bộ đội Thông tin liên lạc tổ chức đại hội, phát động thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đại hội vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và chỉ đạo, động viên Binh chủng, biểu dương thành tích trong chiến đấu, công tác, quyết tâm vượt khó khăn ác liệt... Những lời căn dặn, chỉ đạo của Đại tướng làm cho mọi người trong Đại hội vô cùng xúc động. Sau này đã lan tỏa đến toàn thể anh em trong Binh chủng Thông tin từ hậu phương miền Bắc đến chiến trường xa xôi miền Nam, biến thành sức mạnh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ.

Năm 1985, Binh chủng tổ chức kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Binh chủng. Quan khách, đại biểu mời đến dự thì có đủ. Nhưng người được anh em cán bộ, chiến sĩ ngóng trông, mong đợi nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người Anh Cả của Quân đội (mặc dù lúc ấy, Đại tướng đã nhận nhiệm vụ khác). Vẫn như mọi ngày, mọi lúc, hôm ấy cán bộ, chiến sĩ ai cũng háo hức được gặp, được trông thấy người Anh Cả. Mọi người đều ăn mặc chỉnh tề, tập hợp thành hàng ngay thẳng, bồng súng chào Đại tướng theo nghi lễ. Đồng chí Tư lệnh Binh chủng báo cáo mời Đại tướng đi duyệt đội ngũ, anh em chúc Đại tướng khỏe và Đại tướng đáp lại (lễ đón thiếu quân nhạc vì Binh chủng không có). Sau buổi lễ, anh em cán bộ và chiến sĩ tiếp Đại tướng ở phòng khách Binh chủng, buổi tiếp trong bầu không khí hết sức thân mật, tự nhiên như anh em lâu ngày được gặp người Anh Cả. Thay mặt Bộ Tư lệnh, đồng chí Tư lệnh báo cáo tóm tắt tình hình Binh chủng và gắn huy hiệu 40 năm ngày thành lập Binh chủng cho Đại tướng. Sau buổi gặp, Đại tướng đến thăm Bảo tàng Binh chủng; đi qua các gian trưng bày, Đại tướng đều dừng lại để nghe giới thiệu, đặc biệt là gian trưng bày về Bác Hồ và gian sa bàn Điện Biên Phủ. Đại tướng xem tỉ mỉ và khen ngợi bảo tàng đã sưu tầm và gìn giữ được nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử của Binh chủng và Quân đội. Đại tướng dặn dò là phải giữ gìn tốt và phát huy tác dụng tốt của bảo tàng. Đặc biệt tối hôm ấy, Bộ Tư lệnh đã mời được Đại tướng và phu nhân (chị Hà) tham dự bữa cơm thân mật với anh em cán bộ, chiến sĩ phục vụ ngày lễ tại nhà ăn tập thể của đơn vị T5793. Trong không khí hế sức nồng ấm, tự nhiên, đông vui, thân mật, tình cảm giữa anh chị và cán bộ, chiến sĩ hôm ấy hết sức sâu sắc, một kỷ niệm không bao giờ quên.

Để đền đáp công ơn và những điều dạy của Đại tướng, Bộ đội Thông tin liên lạc nguyện ra sức công tác, học tập, rèn luyện để xây dựng Binh chủng ngày càng lớn mạnh, chính quy, hiện đại, phục vụ cho chỉ huy, cho lãnh đạo ngày một tốt hơn, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thiếu tướng Hoàng Niệm

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập1”).

1. Hoàng Đạo Thúy – Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc, phụ trách Chủ nhiệm Thông tin trong chiến dịch Điên Biên Phủ.

2. Z10 Tổng đài hữu tuyến điện.

3. T579 – Tổng trạm Thông tin mới ở Hà Nội, xây dựng năm 1979. 

6/6/24

Cái dây tê-lê-phôn

Ngày 25 tháng 9 năm 1951, Bác Hồ đến nói chuyện ở Trường Chính trị cao cấp. Khi giảng phần đạo đức cho học sinh, có học sinh hỏi Bác:

- Thưa Bác, đạo đức cũ và đạo đức mới có khác nhau không ạ?

Bác vui vẻ trả lời:

- Có khác, ngày trước nói nhiều làm ít. Bây giờ nói ít làm nhiều.

Dừng giây lát Bác nói tiếp:

- Đạo đức của ta bây giờ vẫn là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư – Rồi Bác lấy ví dụ giải thích:

Các chú đi đường thấy cái dây tê-lê-phôn rơi, các chú mặc, quất ngựa đi, thế là không “chính”. Chấp hành mệnh lệnh cũng là “chính”.

Chúng tôi lắng nghe Bác nói, ai cũng thấy thấm thía, cách giảng giải cụ thể, sinh động của Người. Riêng tôi, “người lính” thông tin, tôi nhớ mãi: Đi đường thấy cái dây tê-lê-phôn rơi các chú mặc, quất ngựa đi, thế là không “chính”.

Hoàng Đạo Thúy

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)

2/6/24

Hội Truyền thống Thông tin khu vực Hà Nội tổ chức Hội nghị Ban liên lạc mở rộng năm 2024

Sáng 02 tháng 6 năm 2024, tại D76, Lữ đoàn 205, Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Ban liên lạc mở rộng đến các chi hội trưởng, nhằm đánh giá các hoạt động của Hội, các chi hội từ Họp mặt toàn thể của Hội tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 và triển khai một số nội dung công tác từ tháng 6/2024 đến Hội nghị Ban liên lạc mở rộng sắp tới (dự kiến vào tháng 9/2024).

Đồng chí Vũ Dương Nghi - Trưởng ban liên lạc chủ trì Hội nghị
Đến dự, ngoài các đồng chí trong Thường trực Ban liên lạc Hội Truyền thống và 37/38 đồng chí Chi hội trưởng, còn có đồng chí Đại tá Tô Hồng Quân  - Phó Chính ủy Binh chủng, thay mặt cho Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Binh chủng; đ/c Thượng tá Trần Trung Dũng – Phó Chính ủy Lữ đoàn 205 và đ/c Trung tá Nguyễn Đình Huy - Trợ lý Chính sách/Cục Chính trị Binh chủng.
Toàn cảnh hội trường Hội nghị
Đ/c Trần Đình Luận - Ủy viên thường trực khai mạc Hội nghị

Sau tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu của đồng chí Trần Đình Luận - Ủy viên thường trực Hội, đồng chí Vũ Dương Nghi - Trưởng ban liên lạc báo cáo kết quả hoạt động của Hội từ 17/12/2023 đến nay và dự kiến phương hướng hoạt động từ nay đến Ngày truyền thống Bộ đội TTLL 09/9/2024 với những nội dung chính như sau:

I. Những việc đã làm từ tháng 12/2023  đến nay

1. Về việc tổ chức Họp mặt toàn thể Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội vào ngày 17/12/2023 thành công tốt đẹp.

- Tiến hành các bước, các nội dung, theo mốc thời gian chặt chẽ chu đáo; các hoạt động diễn ra đúng kế hoạch. Đổi mới cách thức dự báo, nắm quân số hội viên dự buổi Họp mặt để chủ động làm công tác bảo đảm hậu cần được chu đáo. Nội dung chương trình buổi Họp mặt diễn ra đúng kế hoạch, chặt chẽ, xúc động, để lại ấn tượng tốt. Điểm mới năm nay là tổ chức biểu diễn văn nghệ do các hội viên Chi hội Truyền thống Thông tin Láng Thượng tiến hành. Chương trình văn nghệ chào mừng xúc động, ngắn gọn. Quân số hội viên dự Họp mặt tương đối đông đủ (870/1775 hội viên = 49%). Mọi hoạt động diễn ra tuyệt đối an toàn cả trước, trong và sau buổi Họp mặt.

- Đại biểu Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Bộ tư lệnh 86 và các cơ quan, đơn vị, nhà trường của Binh chủng phía Bắc đã đến dự và tặng quà cho Hội. Đặc biệt có các đồng chí Thủ trưởng BTL Binh chủng Thông tin đến dự. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Trị - Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Binh chủng phát biểu chào mừng và thông báo với Hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Binh chủng trong năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024.

2. Về tổ chức mừng thọ hội viên

Tổ chức mừng thọ cho 259 hội viên (bắt đầu tính theo theo tuổi dương lịch và lấy căn cước công dân làm chuẩn). Năm 2023 mừng thọ hội viên ngoài các độ tuổi 70-80-90-95-100 và trên 100, năm nay bổ sung  các hội viên tuổi 75 và 85 vào diện đối tượng được Hội và BTL Binh chủng mừng tuổi. Lễ mừng thọ được tổ chức chặt chẽ, tình cảm, nhanh, gọn, ý nghĩa; cấp phát bằng mừng thọ, quà mừng thọ cho các hội viên đúng đủ, chu đáo, lịch sự.

* Một số thiếu sót

- Trang trí ngoài sảnh chính hội trường Họp mặt phải bổ sung làm gấp; âm thanh, màn hình phục vụ năm nay không có vì phương tiện Binh chủng mang đi phục vụ diễn tập.

- Tiến hành trao hoa mừng thọ vẫn chưa hoàn hảo. Các hội viên được mừng thọ, tuổi cao đi lại khó khăn, không còn nhanh nhẹn, mất nhiều thời gian. Rút kinh nghiệm năm sau, tổ chức thông báo trước với các chi hội báo cho các đồng chi được mừng thọ ngồi hết trong hội trường...

3. Về tổ chức chúc Tết, đón Xuân Giáp Thìn 2024

Tổ chức chúc Tết cho 73 hội viên (14 hội viên tuổi 95 - 100 và 59 hội viên tuổi 90 - 94). Tổ chức 2 đoàn của Thường trực Ban liên lạc chúc tết 14 hội viên 95 tuổi trở lên (do đồng chí Văn và đồng chí Nghi làm trưởng đoàn), quà tết 500.000đ/hv (đi chúc tết từ 6.30 đến 14 giờ mới hoàn thành 14 hội viên tuổi 95 trở lên).

Đoàn do các chi hội tổ chức chúc tết các hội viên 90 đến 94 tuổi là 59 hội viên. Quà tết 300.000đ/hv.

Chúc tết các đồng chí trong Thường trực Ban liên lạc Hội và các đồng chí Chi hội trưởng. Thường trực Ban liên lạc trực tiếp đi phúng viếng 3 gia đình hội viên có thân nhân từ trần.

Thường trực Ban liên lạc đến tặng hoa chúc mừng đồng chí Chủ tịch/Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Tào Đức Thắng được Chủ tịch nước quyết định thăng quân hàm Thiếu tướng.

II. Một số hoạt động của Hội trong thời gian tới

1. Về công tác Họp mặt toàn thể hội viên:

Thống nhất Hội tổ chức gặp mặt toàn thể 2 năm 1 lần. Vì: Nhà nước kỉ niệm những ngày Lễ lớn và quy định kỷ niệm truyền thống vào các năm tròn (5) và năm chẵn (0); các đồng chí Thủ tưởng BTL Binh chủng cũng góp ý kiến nên 2 năm/1 lần; Hội thấy tổ chức họp mặt hàng năm cũng dầy quá, rối bận, còn phụ thuộc yếu tố bảo đảm, tài chính, phương tiện phục vụ và còn để các chi hội tổ chức gặp mặt. Cho dù những năm Hội không tổ chức gặp mặt toàn thể tại hội trường, nhưng các hoạt động khác của Hội, của các chi hội vẫn diễn ra bình thường, như: chúc thọ các hội viên tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và trên 100 tuổi; các chi hội tổ chức chúc Tết cho hội viên cao tuổi từ 90 tuổi trở lên đến 94 tuổi trong chi hội mình. Riêng chúc Tết hội viên 95 tuổi trở lên từ năm 2024 có thay đổi một chút đó là: Thường trực Ban liên lạc trực tiếp chúc Tết một số hội viên, còn một số giao về các chi hội đi chúc Tết. Điều này chủ yếu vì giao thông đi lại khó khăn..., các đ/c chi hội trưởng có trách nhiệm giải thích cho các hội viên hiểu và thông cảm.

2. Về công tác bảo đảm cho mừng thọ và chúc tết hội viên:

Tiền, hoa chúc thọ và chúc Tết vẫn bảo đảm như năm 2023, kèm theo thiệp chúc tết của BTL Binh chủng, thiệp của Hội.

Các năm trước đây, mừng thọ các hội viên tuổi 70 ngoài bằng mừng thọ của BTL Binh chủng, hội viên còn được Ban liên lạc Hội tặng một tranh sơn mài. Qua thực tiễn nhiều hội viên và lãnh đạo Hội, Chi hội đề nghị năm nay thôi không tặng tranh sơn mài cho hội viên được chúc thọ tuổi 70, vì: hội viên có nhiều huân huy chương, bằng khen kỷ niệm chương, tranh ảnh kỷ niệm, chúc thọ, ở nhà chật chỗ treo, chất lượng tranh sơn mài tặng hội viên có cái chất lượng không cao bị mốc, cong vênh, và việc bảo đảm kinh phí của Hội ngày một gặp khó khăn... Năm 2024, Hội sẽ không làm tranh sơn mài chúc thọ hội viên 70 tuổi nữa, thay vào đó là quà 100.000đ.

Về việc chúc thọ hội viên năm 2024, chúc Tết Ất Tỵ năm 2025, đề nghị các chi hội tổng hợp số hội viên được chúc thọ năm 2024 và số hội viên được chúc Tết tuổi từ  90 trở lên. Trên cơ sở danh sách các chi hội đề nghị; đối chiếu hồ sơ theo dõi của Hội, đồng chí Thân Ngọc Thúy tổng hợp, thống nhất với Chính sách Cục Chính trị Binh chủng danh sách hội viên được chúc thọ năm 2024 và được chúc Tết Xuân Ất Tỵ 2025. Báo cáo Thủ trưởng BTL Binh chủng để chỉ đạo cơ quan in, ấn xuất bản.

Bằng - quà mừng thọ, quà – thiệp chúc Tết các hội viên, quà - thiệp chúc Tết các chi hội trưởng sẽ cấp phát, chuyển tới các chi hội tại Hội nghị Ban liên lạc mở rộng với các đồng chí chi hội trưởng vào đầu tháng 9/2024. Thường trực Ban liên lạc Hội giao các chi hội nhận bằng chúc thọ, quà chúc Tết, đi chúc Tết và trao bằng mừng thọ cho số hội viên thuộc chi hội của mình. Ngoài ra chi hội còn đi chúc Tết thêm một số hội viên tuổi 95 trở lên như đã nêu ở trên.

3. Về công tác tổ chức của Hội.

Về tổ chức Chi hội truyền thống 132. Hiện trạng tồn tại Chi hội Truyền thống 132 - thành viên của Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội (đ/c Phong và một số đ/c khác trong Ban liên lạc).

Cùng tồn tại còn có Chi hội Truyền thống chưa là thành viên Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội (đ/c Bùi Công Trực Trưởng ban liên lạc).

Vừa qua chưa nhập được làm một. Vậy để cả 2 chi hội. Gọi là Chi hội Truyền thống 132 và Chi hội Truyền thống 132B.

Để đúng quy trình: Chi hội Truyền thống 132B có đề nghị bằng văn bản; danh sách hội viên (theo đúng quy chế), Ban liên lạc chi hội.

Hội nghị cũng được nghe đ/c Trần Đình Luận báo cáo tình hình thu – chi quỹ Hội.

Đồng chí Trần Đình Luận - báo cáo tình hình thu chi quỹ Hội

Dưới sự chủ trì thảo luận của đ/c Trưởng ban liên lạc Vũ Dương Nghi, Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm với nhiều ý kiến tâm huyết, làm rõ thêm tình hình hoạt động của Hội, của các chi hội và đề xuất những kiến nghị, đề nghị với Hội và Cơ quan BTL.

Hội nghị kết thúc trong không khí trách nhiệm, đoàn kết và nhất trí cao.

Một số hình ảnh Hội nghị:

Đồng chí Phó Chính ủy Binh chủng trao quà của BTL cho Hội truyền thống

Đồng chí Nguyễn Khắc Phúc - Chi hội LQ Khóa 7 và LK 3 phát biểu

Đồng chí Nguyễn Văn Thân - Chi hội Pháo binh phát biểu

Đồng chí Lưu Đức Doanh - Chi hội D4 Tiếp sức phát biểu

Đồng chí Nguyễn Đăng Đằng - Chi hội Thanh Trì phát biểu
Đồng chí Nguyễn Duy Chiều - Chi hội D2 - Mặt trận Tây Nguyên phát biểu
Toàn cảnh Hội nghị Ban liên lạc mở rộng 2024
Các đồng chí chi hội trưởng nộp quỹ Hội, thanh toán công tác chính sách, báo cáo danh sách hội viên, danh sách mừng thọ năm 2024... cho Thường trực Ban liên lạc
Tin, ảnh: Nguyễn Quang Hưng