22/6/24

Kỷ niệm về tình đồng đội trong sáng

Hoàng Hương Liên (nguyên nữ báo vụ viên Đội 101)

Dân ta có câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Ấy vậy mà đối với đội vô tuyến điện Bộ Tổng Tham mưu của chúng tôi ngày ấy lại dường như không chính xác.

Thật vậy, ở thời điểm 1947-1954 chúng tôi thấy thế là chuyện bình thường ở đơn vị. Nhưng giờ đây, nhất là trong cuộc sống thực tế hiện tại thì thấy điều thiêng liêng nhất lại là tình đồng đội trong sáng của đơn vị chúng tôi. Bởi vì bây giờ người ta khó tin vào sự thật hiển nhiên đó.

Trong kháng chiến, vô tuyến điện bao giờ cũng ở rừng rậm, xa dân. Những khi di chuyển đến địa điểm mới, chưa làm được lán doanh trại thì chúng tôi phải chia từng đài nhỏ, đạt mỗi đài ở một góc đồi, thật xa nhau, thật kín để dễ ngụy trang và ăngten không nhiễu loạn sóng của nhau.

Đêm xuống trong rừng thẳm sâu heo hút, sương mù mịt dưới một mái lều bốn năm mét vuông; một báo vụ, một quay máy phát điện, chỉ lâu lâu mới có liên lạc đến đưa điện chuyển và nhận điện về Bộ. Cả người và máy được trùm một cái màn rộng để chống muỗi, ngọn đèn dầu nhỏ cháy leo lét lại còn được chụp che ánh sáng chỉ còn ánh sáng lờ mờ. Ấy vậy mà đã bao đêm chúng tôi làm việc với nhau, các anh quay máy tuổi chưa tới ba mươi, người đã có vợ như anh Gọt, anh Hợp, người còn trẻ như anh Lục, anh Xoan. Còn nữ báo vụ thì mới mười tám, đôi mươi, tràn đầy sức sống.

Nhiều đêm, sau khi chuyển nhận xong hàng trăm bức điện thì đã mệt quá rồi: “Cô cứ gục xuống bàn mà ngủ đi vài phút, đến phiên anh sẽ gọi”, và thế là anh thức canh cho tôi chợp mắt đến phiên sau. Dù chỉ mươi phút cũng là quý lắm, mà còn quý biết bao là tấm lòng yêu thương trong sáng của đồng đội.

Khi đã làm xong phòng thu, đài tập trung một nơi thì đến đêm chỉ còn một hai đài làm suốt đến sáng, lại vẫn trong chiếc màn đôi, khi thì anh Phú lúc thì anh Ba cùng tôi chụm đầu bên nhau tìm đài, rồi người thu, người phát liên tục đến sáng. Đôi lúc đài bạn xin nghỉ 15 phút, anh bảo tôi: “Em cứ nằm xuống ghế mà ngủ lấy vài phút, kẻo mai về còn phải tăng gia thì mệt đấy”. Có khi trời rét quá anh ra vun đống lửa cho ấm, không quên vùi củ sắn cho em gái bồi dưỡng ca ba đỡ đói lòng, anh em vừa ăn vừa cười vui vẻ.

Nhà chúng tôi ngủ là một cái lán dài, sạp ngủ kéo từ đầu đến cuối lán, giữa nam và nữ chỉ ngăn một tấm phên nứa lưng lửng cho chị em thay quần áo cho “kín”. Làm ca đêm về ai cũng nhẹ nhàng tôn trọng giấc ngủ của đồng đội, không soi đèn, có khi những đêm cuối tháng tối như mực, cứ tưởng đã quá nửa đêm rồi, sờ vào màn thấy đầu húi cua, giật mình bụm miệng chạy cho mau về phần lán nữ, cứ thế mà cười khúc khích.

Đấy là chưa kể những hôm chưa làm xong lán, vây quanh đống lửa, đội trưởng phân nam phần góc này, nữ phần góc kia, đêm rét ngủ mê kéo nhầm chăn nhau kêu ối ối, tỉnh giấc mới biết là nhầm, thế là cười ầm lên lại ngủ tiếp. Thật là vô tư.

Các anh sốt rét thì chúng tôi xoa bóp cho đỡ đau đầu, bón cơm, bón cháo chu đáo, có khi cơn sốt rét quá còn nhờ nhau đè lên chăn cho đỡ run.Riêng cánh nữ sốt rét thì các anh vào rừng tìm bứa, dâu da, bưởi rừng về vừa bóc cho các em ăn vừa động viên an ủi cho các em khỏi tủi thân mà “khóc nhè”.

Nơi tắm là một đoạn suối trên có cây mọc kín chân cho “con gái”. Vậy mà chưa hề bao giờ có chuyện “ngược dòng”.

Còn đêm liên hoan văn nghệ thì khỏi nói. Thôi thì “Quốc tế vũ”, “Liên Xô khỏe” nhảy đến mệt nghỉ. Rồi chỉnh quân chính trị, đóng kịch chống địa chủ, anh Tiến đóng tá điền cõng cô chủ đỏng đảnh, vặn vẹo trên lưng đưa cô đi học, ai cũng thấy phải căm ghét cái cô gái chỏng lỏn trên lưng anh Tiến. Riêng nhóm tâm giao ngồi các góc rừng chuyện trò.

Thế đấy! Có đến bao nhiêu là hoàn cảnh, bao nhiêu thời cơ để “rơm gần lửa” vậy mà nào có “bén”, dù họ hết sức quý trọng nhau.

Chuyện thật đúng là như vậy, bởi vì sau ngày hòa bình về, có cô đêm tân hôn mới biết nụ hôn đầu đời, các cô đều được các “ông xã” nể phục sự trong sáng và khi hiểu hơn về hoàn cảnh sống trước đó, các “ông xã” càng cảm phục tình đồng đội trong sáng của chúng tôi.

Hàng năm, cứ đến ngày truyền thống, chúng tôi ôn lại chuyện “ngày xưa”, đều bảo nhau “kể cả bộ đội bây giờ cũng khó tin những chuyện dù đó là sự thật”.

Tình đồng đội trong sáng sẽ mãi mãi sống trong lòng mỗi cựu báo vụ, mỗi cựu binh thông tin chúng tôi. Đó cũng là niềm tự hào của đơn vị chúng tôi.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn "Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1") 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét